Những góc nhìn Văn hoá

Điện ảnh Việt đi về đâu?

Để điện ảnh Việt phát triển, việc sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành đã trở nên yêu cầu bức thiết.

Chỉ cho tới khi nhà báo có tên Việt Văn nằm trong Hội đồng duyệt phim quốc gia, khiến những người làm phim dậy sóng phẫn nộ vì anh ta vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Hội đồng duyệt phim quốc gia, ngang nhiên tiết lộ thông tin bảo mật hình ảnh của bộ phim rồi viết bài với một giọng điệu “định hướng dư luận”... và đơn tố cáo của hơn 160 nghệ sĩ ký tên dường như vẫn “chìm trong im lặng” thì người dân (khán giả) mới thấy rõ hơn những điều bất cập xưa nay của nền điện ảnh Việt (1).

“Cái thứ này thực chất chỉ là một trò chơi. Nhưng tôi tin thứ trò chơi này sẽ góp phần đảo lộn thế giới” - Đó là câu nói của anh em nhà Lumièr khi 2 ông khám phá ra cinématographe (máy chiếu phim - một thiết bị ba trong một bao gồm máy quay, bộ phận in tráng và máy phóng hình) vào năm 1895. Để rồi sau đó nó trở thành nền nghệ thuật thứ 7 phát triển rực rỡ và cùng đó là ngành công nghiệp điện ảnh khổng lồ mang lại những giá trị siêu lợi nhuận trên khắp thế giới; với ước tính 180 tỷ USD mỗi năm.

Theo chân những người Pháp "khai phá văn minh", điện ảnh được du nhập vào Việt Nam từ những năm cuối thập niên 1890, nhưng tới năm 1923 mới có bộ phim đầu tiên có tên "Kim Vân Kiều truyện" do người Pháp và người Việt tiến hành.

Liệt kê nhanh những điều trên để thấy tại Việt Nam, sự tiếp cận với cái được coi là "công nghệ điện ảnh" tới từ khá sớm. Và dần từng bước nó tham gia vào các hoạt động xã hội khá tích cực. Từ khởi thủy cũng chỉ được coi như một trò giải trí cao cấp, sau đó điện ảnh đã tham gia rộng hơn vào các lĩnh vực, đặc biệt trong giai đoạn những người cộng sản tiến hành cuộc cách mạng giành độc lập.

Điện ảnh Việt phát triển qua quá trình giành độc lập dân tộc với nhiều giai đoạn thăng trầm. Và cũng đã có những thành tựu nhất định. Nhưng trong giai đoạn mới hôm nay, điện ảnh Việt dường như vẫn dẫm chân tại chỗ, loay hoay lúng túng tìm một con đường cho chính mình.

Câu hỏi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài, tất nhiên hội nhập thì có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy được trong khi chúng ta có thể xây dựng văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, văn hóa vật thể, phi vật thể” **. Chủ tịch nước nêu vấn đề, đồng thời nhìn nhận, để phát triển điện ảnh cần nhiều yếu tố, trong đó, luật pháp phải tạo ra hành lang pháp lý. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Nếu luật pháp cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật này thì đó là vấn đề lớn, cần lưu ý” (2).

Có lẽ không chỉ riêng ngành điện ảnh Việt Nam rơi vào tình trạng “có Luật nhưng không hành xử theo Luật”. Việc ông Việt Văn, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia ngang nhiên vi phạm Luật là một minh chứng. Dường như với một số người, khi được giao quyền, giao trách nhiệm thì tự họ cho mình một thứ quyền “Luật là Ta”.

Đặc biệt là với một ngành nghề văn hóa nhạy cảm như điện ảnh thì mọi góc nhìn theo cảm tính cá nhân của người nắm luật sẽ giết chết mọi sự sáng tạo. Và khi đó, nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ biến nền điện ảnh Việt Nam thành một bộ máy tụng ca và làm theo một cách bị động…

Có lẽ đó cũng là điều mà gần đây có hiện tượng (như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu) là các phim Việt dần vắng bóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Truyền hình miệt mài phát sóng nhưng bộ phim “không phải của mình”. Lý do?

Tôi chắc chắn là các nhà quản lý cũng như các nhà sản xuất chẳng ai đang tâm biến mình thành cái loa quảng bá cho phim Tàu, phim Tây như vậy. Nhưng để sản xuất ra một bộ phim ở Việt Nam hiện đang phải đương đầu với quá nhiều những bất cập. Kinh phí thế nào? Chủ đề phim có bị vướng mắc gì không? Phim sẽ lựa chọn tầng khán giả nào? Phim có bị sao khi xét duyệt không? Phim mang tính giáo dục gì? Thẩm mỹ ra sao? v.v… và v.v…

Trong khi đó các nhà làm phim trên thế giới khi tiến hành một tác phẩm của mình, họ chỉ hướng tới một mục đích duy nhất: “Sáng Tạo”. Bởi họ quan niệm “nghệ thuật mà thiếu đi sự sáng tạo, thiếu đi những cái mới, góc nhìn khác, thì cũng đồng nghĩa với sự tự diệt”. Và họ không cần phải có trách nhiệm thay ông Bộ Giáo dục hay ông Bộ Văn hóa… làm những việc mà các bộ đó phải làm.

Tất nhiên dù ở quốc gia nào, cũng có những quy định, quy chuẩn cho mọi hành vi trong cộng đồng. Và mọi quy định quy chuẩn đó đều phải xuất phát từ Hiến pháp và pháp luật. Ở Mỹ chẳng tìm đâu ra “hội đồng duyệt phim”. Nhưng khi phim ra rạp, ngay lập tức nó sẽ được xếp ngay vào mục phim 18+/16+ hay abc nào đó. Dường như không bao giờ có chuyện cấm chiếu phim này phim kia. Càng nực cười hơn như ở Việt Nam khi một đại biểu Quốc hội đề xuất “dừng chiếu phim khi có một nghệ sĩ vi phạm đạo đức”.

Xin thưa rằng: Nếu chỉ vì scandal cá nhân của một thành viên trong đoàn làm phim mà cả bộ phim phải chịu cảnh dừng chiếu hoặc cấm chiếu thì thật bất công cho cả một tập thể đoàn làm phim, đặc biệt là cho nhà đầu tư khi họ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để đầu tư phim. Điện ảnh là sản phẩm tổng hợp. Hàng trăm, hàng ngàn người tham gia trong bộ phim, bởi vị trí nào cũng quan trọng cho việc cấu thành bộ phim. Họ cùng tạo nên một sản phẩm. Nếu một ai đó vi phạm mà tác phẩm đó dừng lại thì không đúng. Bởi các thành phần đôi khi không trong cùng một tập thể càng khó quản lý huống chi từ lúc quay đến khi hoàn thiện mất 2 đến 3 năm và chủ yếu thuê theo thời vụ. Cá nhân nào đó vi phạm (lĩnh vực nào đó) thì cá nhân đó phải tự chịu trách nhiệm mình gây ra chứ không thể “có cá đổ vạ cho cơm” một cách ù xọe như vậy.

Xin kể một kỷ niệm làm phim của tôi (có đôi chút liên quan đến vấn đề này). Năm đó (2009), tôi làm phim Bí thư Tỉnh ủy (về câu chuyện khoán của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc). Trong phim có một chi tiết là ông Kim Ngọc rất thích cách quản lý của địa chủ xưa. Trong một cuộc họp ở Tỉnh ủy, ông nói: “Địa chủ nó có hàng trăm mẫu ruộng, có mỗi một thằng quản gia, vậy mà nó chẳng mất đi hạt thóc nào? Chúng ta có quá nhiều ban bệ, dân chúng thì không lười, thế mà thóc đi đâu? Sao dân vẫn đói?”

Khi duyệt phim, vài người trong ban biên tập đài có vẻ không thích chi tiết đó, có góp ý: “Xem thế nào chứ ai lại đưa chuyện Bí thư Đảng ủng hộ cách làm của địa chủ thế thì….”. Mặc dù đã hơi nóng mặt nhưng tôi vẫn cười bảo: “Các anh là đảng viên mà các anh quên mất là cụ Hồ xưa làm cách mạng vẫn động viên khuyến khích cả địa chủ chung tay giúp nước đó sao? Nếu vậy sao hôm nay các anh ca ngợi cả Pháp cả Mỹ làm gì? Chuyện cụ Kim Ngọc đã là một quãng lùi hơn 40 năm rồi mà sao các anh vẫn sợ hãi như vậy nhỉ?”. Vậy là thấy im.

Nhắc lại để thấy rõ hơn vai trò của các nhà quản lý, đặc biệt là quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, là cực kỳ nhạy cảm. Nặng thiên kiến, thiếu hiểu biết, cực đoan… đều dẫn tới một sự sa lầy (nếu không muốn nói là thảm họa).

Còn nhớ những năm 1986, khi đất nước bắt đầu xu thế đổi mới theo quyết tâm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, điện ảnh Việt cũng bắt đầu bung ra thoát khỏi cơ chế cũ để tạo được những tác phẩm còn mãi với thời gian như “Hà Nội trong mắt ai” & “Chuyện tử tế” của NSND Trần Văn Thủy, “Thị xã trong tầm tay” của NSND Đặng Nhật Minh... Phim truyền hình “Bao giờ thuyền lại sang sông” của NSND Khải Hưng được giải Vàng tại liên hoan phim ở Bỉ…

Những tưởng sẽ có được một tương lai tươi đẹp cho phim ảnh nước nhà. Vậy mà, rất nhanh chóng, điện ảnh phía Bắc như xuống dốc không phanh. Trong khi đó ở phía Nam, các nhà làm phim vẫn tích cực tìm ra những hướng đi mới, trong đó cách làm bằng phương tiện video để chiếu ra rạp đã như một cứu cánh bởi chi phí rẻ hơn, thời gian ngắn hơn, hiệu quả tới người xem gần như tương ứng… (tất nhiên xin không bàn đến chất lượng nghệ thuật hình ảnh của hai thể loại này)

Lẽ ra khi đó cùng nhau xúm lại bàn bạc xem hay dở thiếu sót ở đâu để cùng nắm tay nhau đi. Nhưng thật lạ là có một thứ “không chỉ rõ ra được” dường như rất nhiều năm nay vẫn tồn tại trong tâm thức đố kỵ lẫn nhau giữa 2 khu vực phim ảnh Bắc - Nam. Từ lĩnh vực điện ảnh lan sang cả lĩnh vực truyền hình, tâm thức đó vẫn còn khá nặng nề (xin bàn riêng vấn đề này vào dịp khác)

Tôi nhớ năm đó (1986), một phóng viên của tạp chí điện ảnh ngồi trà lá có gợi ý chúng tôi viết một bài phản ứng về việc “sao Nhà nước lại để mấy phim video rẻ tiền nó làm hỏng nghệ thuật điện ảnh đi như thế?”. Mỗi người mỗi ý trong cái quán trà vỉa hè trước cổng xưởng phim truyện số 4 Thụy Khê. Tôi chỉ cười rồi bảo anh ta “Viết. Sẽ viết. Nhưng có dám đăng không?” Anh ta hùng hổ lắm, nói abc… Rồi quả nhiên cái “bài văn vần” đó của tôi cho tới giờ cũng chẳng báo nào dám đăng. Xin đưa lại như một kỷ niệm và cũng để tạm kết thúc một vấn đề mà tôi cho rằng còn mất rất nhiều bút mực. Rồi một ngày bọn trẻ hỏi tôi/Cha ơi cha! Vì sao đến nỗi/Có những ngày “Khán giả đặt tên phim” (3)/Có những ngày lương tâm ai lặng im/Bình thản xem những “Oan tình” (4) ngang trái/Những ma-nơ-canh xi-nê thảm hại/Văn hóa mình nhiễm vi-rút Si-Đa? (5)/và những người nghệ sĩ tài ba/Bán linh hồn cho đồng tiền “Truy nã” (6)/Tôi bỗng thấy lòng mình như hóa đá/Hổ thẹn thay câm lặng trước con tôi/Nó đâu biết đời chẳng ai có lỗi/Nên để lại tri thức bấy nhiêu thôi…Rồi một ngày/ Bọn trẻ sẽ hỏi tôi.________________________________
1. https://thanhnien.vn/166-nguoi-ky-don-to-cao-thanh-vien-hoi-dong-duyet-tiet-lo-noi-dung-phim-chua-chieu-post1388209.html

2. https://thanhnien.vn/chu-tich-nuoc-tai-sao-phai-chieu-qua-nhieu-phim-nuoc-ngoai-nhu-vay-post1393957.html

5. Những năm 80-90 tk 20 gọi bệnh AIDS là bệnh si-đa (theo phát âm tiếng Pháp)

3,4,6. Những chữ trong ngoặc kép là tên các phim thời kỳ đó.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441840

Hôm nay

2240

Hôm qua

2317

Tuần này

21744

Tháng này

217014

Tháng qua

112676

Tất cả

114441840