Những góc nhìn Văn hoá

Nguồn lực văn hóa và phát triển cộng đồng: Một tiếp cận nhân học (Kỳ I)

Cây dược liệu được trồng nhiều ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Trong chuyến điền dã ở Điện Biên năm 2009, tôi đi ngang một làng của người Khơ Mú, vô tình bắt gặp ánh nhìn buồn bã của người đàn ông ngồi bên cửa sổ trong căn nhà nhỏ. Tôi quyết định lên nhà để trò chuyện với ông. Tôi hỏi ông năm nay mùa màng thu hoạch thế nào. Ông bảo không tốt lắm. - Thế có đủ ăn không? - Không, chỉ đủ vài tháng thôi. - Thế thì lấy gì ăn? - Nếu thiếu ăn thì lại đi sang Lào thôi. Tôi ngạc nhiên: Bên ấy đời sống có khá hơn không? Ông bảo: Không, bên ấy cũng đói thế thôi. - Vậy ông sang đấy làm gì? Ông làm tôi ngạc nhiên hơn: Sang đấy một hồi thì Nhà nước nó lại cho xe sang đón về, lại cho quần áo, cho gạo ăn…

Năm 2010, tôi tham gia vào nhóm nghiên cứu đánh giá kết quả thực hiện dự án hỗ trợ phát triển 4 tỉnh miền Trung. Ở huyện Tu Mơ Rông trên đỉnh Ngọc Linh (Kon Tum), tôi đã gặp một bà mẹ người Rơ Ngao địu con trên lưng và tay bế một đứa nhỏ khác, đi bộ 5-6 cây số từ nhà đến trụ sở xã để tham gia mô hình trình diễn nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ em. Tại đây, chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cách hầm xương với cà rốt để lấy nước ngọt, sau đó nấu cháo cho trẻ ăn thử. Tôi hỏi bà mẹ người Rơ Ngao: Các cháu có thích ăn cháo không? Chị nói có, thích lắm, ngon lắm. Thế về nhà chị có nấu cho các cháu ăn không? Ô, không đâu, ở nhà không có xương có củ để làm thế đâu…

Mô hình trồng dưa leo của gia đình ông Lữ Thanh Bình ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo ảnh Dân tộc miền núi.

Có rất nhiều câu chuyện tương tự như vậy mà mỗi chúng ta vẫn thường gặp trên những nẻo đường thực địa. Những câu chuyện như vậy làm ta phải đặt ra câu hỏi tại sao đã có những khoản đầu tư khổng lồ đổ vào cuộc chiến chống lại đói nghèo nhưng vẫn không đạt được kết quả mong đợi? Vấn đề nằm ở đâu? Chúng ta thường thấy sự hoan hỷ khi chỉ số GDP tăng, và coi những con số ấy như một thành công rực rỡ. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của phát triển là gì, và những chỉ số ấy có mang lại hạnh phúc cho con người hay không? Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế ở nước ta thời gian qua chưa đi đôi với văn hóa. Tinh hoa văn hóa chưa được vận dụng vào các chương trình phát triển, thậm chí còn xung đột với phát triển. Lối sống vô cảm và ích kỷ đang trở nên phổ biến, tinh thần đối thoại và tính đa dạng văn hóa chưa được tôn trọng. Cuộc chiến chống lại đói nghèo vẫn đang diễn ra quyết liệt với nhiều thách thức mới trong khi các mô hình phát triển còn có xu hướng phục vụ lợi ích nhóm và thiếu bền vững mà một trong những thách thức ấy là văn hóa vẫn chỉ được xem như những hoạt động biểu diễn và tuyên truyền mà chưa đặt đúng vị trí như là một nguồn lực của phát triển. Bài viết này nhìn lại các mô hình phát triển cộng đồng trong thời gian qua và thảo luận về vai trò của văn hóa như là một nguồn lực cho chiến lược phát triển bền vững và bao trùm.

1. Đi tìm mô hình phát triển cộng đồng

Năm 2010 tôi được mời tham gia đánh giá kết quả Dự án Cải thiện Sinh kế Khu vực Miền Trung, một dự án lớn mà Chính phủ vay vốn nước ngoài để trợ giúp phát triển ở 4 tỉnh nghèo, bao gồm Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum[1]. Đây là dự án có tham vọng lớn nhằm tạo ra một mô hình phát triển cộng đồng mẫu mực, được thực hiện theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Các “lớp học đầu bờ” được tổ chức để chuyển giao tri thức và kỹ thuật mới vào cộng đồng. Người dân địa phương được khuyến khích tham gia lập kế hoạch phát triển thôn bản, hình thành các nhóm sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, vay vốn tín dụng, phát triển sản xuất gắn với thị trường, và xây dựng các dự án hạ tầng quy mô nhỏ ở cấp thôn bản. Những người thiết kế dự án mong muốn tận dụng tối đa sự tham gia của người dân, tạo điều kiện để họ mang tri thức địa phương và vốn xã hội vào xây dựng kế hoạch và thực hiện dự án.

Tôi đã đọc hàng trăm bản kế hoạch phát triển thôn bản và kiểm tra quá trình thực hiện dự án trên thực địa ở hàng chục thôn xã thuộc 4 tỉnh, và nhận thấy hầu hết các bản kế hoạch phát triển thôn bản này đều được làm ra bởi “những người bên ngoài”, trong đó có cả các thầy cô giáo phổ thông, các tổ chức phi chính phủ và người địa phương khác được thuê mướn để lập kế hoạch phát triển. Sau khi kế hoạch làm xong thì được trình ra buổi họp dân để thông qua và đưa lên cấp trên để phê duyệt. Các cuộc phỏng vấn của tôi với người dân cho thấy họ dường như không thực sự được tham gia bàn bạc và quyết định làm cái gì và làm thế nào cho chính mình. Những người lập kế hoạch phát triển thuê thường nói với tôi: họ (người dân ở thôn bản) thì biết gì mà làm, chỉ cần họ thông qua là được! Khi các dự án hạ tầng quy mô nhỏ như làm cầu, cống, đường liên thôn liên xã, hay mương máng thủy lợi được phê duyệt, các nhóm thợ bên ngoài cộng đồng lại được thuê mướn thi công trong khi người dân không có việc làm. Ở các mô hình trình diễn như trồng rau, chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn) và nấu các bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho trẻ em, một số hộ gia đình ở mỗi thôn bản được chọn để làm mẫu dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia khuyến nông khuyến lâm cấp tỉnh, huyện, đôi khi có cả chuyên gia ở Hà Nội được thuê vào giúp sức. Mô hình trình diễn làm theo hình thức trọn gói, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc một mùa vụ. Các hộ được cung cấp cây con, vật tư để “trình diễn” quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện. Các hộ gia đình khác trong thôn bản cử người tham gia vào những “lớp học đầu bờ” này để nắm được kỹ thuật và sau đó, được cấp phát giống và vật tư và làm theo “mô hình” đã học. Tôi đã chứng kiến rất nhiều hộ gia đình thực hiện có kết quả trong thời gian dự án nhưng khi dự án kết thúc thì sản xuất theo mô hình cũng lụi tàn vì “ở địa phương không có hệ thống cung cấp vật tư đầy đủ như dự án”, và “người dân không có nguồn lực để tái đầu tư cho sản xuất và chăn nuôi”.

Tôi nhận thấy ý tưởng của dự án là rất hay, và dự án cũng đã đạt được những mục tiêu trước mắt, nhưng không có gì đảm bảo sau khi kết thúc tài trợ, các mô hình trình diễn sẽ được duy trì và tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng. Người dân dường như lại tiếp tục trông đợi vào các dự án tiếp theo hơn là phát huy kết quả có được từ dự án này. Tôi tin rằng các dự án kiểu này không có tính bền vững mà ngược lại, dễ tạo ra sự phụ thuộc của các cộng đồng nghèo vào nguồn viện trợ của Chính phủ hơn là phát huy được nội lực của chính mình để vươn lên (ADB, 2010).

Có thể nói từ hồi cuối thập niên 1990 đến nay, Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm mô hình phát triển ở cộng đồng, như Chương trình 135 (1998); [2] Chương trình xây dựng nông thôn mới (2009),[3] Chương trình hỗ trợ kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người (Quyết định 2123/QĐ-TTg năm 2010 và Quyết định 2086/QĐ-TTg năm 2016).[4] Các chương trình này có điểm chung là nhằm phát triển cấp thôn xã, nhưng mỗi chương trình lại có những phương thức tiếp cận khác nhau, chẳng hạn: tập trung vào một số hạng mục cấp bách (như CT 135), theo đuổi một mô hình chung với nhiều tiêu chí chung (như CT Nông thôn mới), hoặc tạo ra một hệ thống chính sách đặc thù tập trung vào nhóm dân tộc cụ thể, cho không kinh phí, ưu tiên hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ học sinh đi học (như CT hỗ trợ các dân tộc rất ít người). Không thể phủ định một thực tế là các mô hình này đã làm được một số việc nhưng hầu như chưa có những đánh giá về hệ quả của các mô hình phát triển cộng đồng được lập kế hoạch, rót kinh phí và thực hiện “từ trên xuống” như thế này. Có thể nhận thấy mô hình phát triển từ trên xuống đã góp phần tạo ra sự phụ thuộc, trong khi tính bền vững vẫn còn là một câu hỏi chưa được tổng kết.

Gần đây tôi chăm chú theo dõi một mô hình phát triển cộng đồng mà xuất phát điểm của nó là từ những người chơi youtube, tôi tạm gọi mô hình này là “giúp nhau cùng phát triển”. Có nhiều youtubers tham gia vào hoạt động thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa nhằm giúp các cá nhân, cộng đồng gặp khó khăn, nhưng trường hợp tôi đang nói tới đây thì hoạt động của họ (youtuber Vi Văn Tú (ở Yên Bái) và youtuber Nguyễn Tất Thắng (ở Hà Giang) có xu hướng tập trung vào các bản Hmông ở vùng sâu vùng xa mà mục tiêu của nó đã vượt ra khỏi giới hạn thiện nguyện để vươn tới mục tiêu phát triển cộng đồng.[5]

Không thể mô tả tất cả các hoạt động của các youtube này, và cũng không cần thiết, vì mọi hoạt động hàng ngày của họ đều được đưa lên kênh youtube công khai và minh bạch. Điều đáng lưu ý nhất ở mô hình này là quá trình xác định trợ giúp và huy động nguồn tài trợ ngoài xã hội để phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, nhà cộng đồng, trường học, làm đường, làm cầu cống cho thôn bản của các youtubers này đều xuất phát từ cộng đồng, được lãnh đạo thôn bản (Trưởng thôn và Bí thư chi bộ) tham góp và lãnh đạo xã chấp thuận, tạo điều kiện giúp đỡ. Hàng chục gia đình ở hai thôn bản Lũng Cán (Hà Giang) và Đán Dầu (Yên Bái) đã được giúp làm nhà ở, mua sắm đồ dùng, quần áo, hỗ trợ con giống chăn nuôi, và đặc biệt, nhiều cây số đường bê tông thôn bản, nhiều cầu cống và nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng. Ưu điểm của mô hình này là: i, nó được đề xuất từ chính người dân; ii, người dân trong cộng đồng bỏ công sức thực hiện; iii, mọi sự trợ giúp về tài chính và hiện vật đều được công khai và minh bạch thông qua mạng xã hội; iv, được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương.

Cách làm này có giá thành rẻ, huy động được nguồn lực văn hóa của cộng đồng, tạo được sự kết nối giữa chính quyền và người dân, và không tạo ra sự phụ thuộc vào nguồn lực của nhà nước [6]. Dĩ nhiên, vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra một kết luận về mô hình này, do nó mới hình thành, thực hiện trên quy mô nhỏ, giữa những người thân quen, còn nặng về quan hệ duy tình và thiện nguyện, nhưng mô hình này hé mở một cách làm hay vì nó cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng vốn văn hóa như một nguồn nội lực trong phát triển cộng đồng.

                          So sánh mô hình phát triển cộng đồng

Mô hình phát triển cộng đồng làm kế hoạch từ trên

Mô hình phát triển cộng đồng ở thôn bản, do thôn bản:

xuống (Chương trình 135, Xây dựng nông thôn mới,

Trường hợp Đán Dầu (Hà Giang) và Lũng Cán (Yên Bái)

Hỗ trợ DTRIN, Hỗ trợ phát triển 4 tỉnh miền trung)

 

Chính quyền cấp xã lập kế hoạch, họp dân ở thôn

Người dân thôn bản và người trung gian (youtuber) xác định

bản để thông qua và trình lên cấp trên phê duyệt.

mục tiêu cần thực hiện. Kế hoạch không toàn diện do phụ

 

thuộc vào nguồn kinh phí được tài trợ từ bên ngoài. Kế

 

hoạch luôn có sự tham gia của lãnh thôn bản (Bí thư, Trưởng

 

thôn) và được chính quyền xã ủng hộ, tạo điều kiện.

Kinh phí thực hiện do nhà nước cấp, giải ngân

Kinh phí thực hiện huy động từ nguồn xã hội qua trung gian

thường gặp khó khăn do bị chậm so với kế hoạch.

(youtuber kêu gọi giúp đỡ), có tính đa dạng và bấp bênh, có

 

thể được cấp toàn phần hoặc một phần

Các hạng mục xây dựng hạ tầng (đường sá, cầu

Các hạng mục xây dựng hạ tầng (đường sá, cầu cống,

cống, trường học, chợ, nhà cửa, v.v do Ban quản lý

trường học, chợ, nhà cửa, v.v do người dân tự làm theo

dự án (chính quyền cơ sở) thuê mướn công ty xây

phương thức giúp đỡ lẫn nhau hoặc do thôn bản huy động

dựng và người dân thôn bản hầu như chỉ đứng

theo tinh thần tự nguyện. Nguồn hỗ trợ có thể cung cấp

ngoài và tiếp nhận khi đã hoàn thành

thêm lương thực, thực phẩm và bữa ăn chung cho người

 

làm.

Phương thực thực hiện theo mô hình trình diễn và

Đa dạng hóa, tùy thuộc vào văn hóa phong tục địa phương

cấp kinh phí để người dân làm theo hoặc nhà nước

và điều kiện cụ thể của thôn bản và hộ gia đình.

tạo ra một hình (với những tiêu chí chung) cho tất

 

cả.

 

Sự tham gia của người dân trong việc lập kế hoạch

Người dân tham gia từ đầu, ở mọi khâu thực hiện cho đến

phát triển, thực hiện, phân tích, đánh giá, kiểm soát

khi hoàn thiện kế hoạch mục tiêu. Người trung gian và

có tính hình thức. Minh bạch thông tin: Người dân

người tài trợ trực tiếp theo dõi, góp ý kiến, tham gia vào

không nắm được thông tin về kinh phí. Quá trình

quá trình thực hiện, minh bạch thông tin qua mạng xã hội

thực hiện được thông qua ủy ban nhân dân xã và

để cộng đồng kiểm soát.

các nhà thầu.

 

(Còn nữa)

________________________

1  Dự án TA 3800/Loan 1883, bắt đầu năm 2002, kết thúc năm 2009. Tổng kinh phí thực hiện là 81,5 triệu đô la trongđó vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á là 60 triệu đô la, DFID (Bộ Phát triển hải ngoại, Vương quốc Anh) viện trợkhông hoàn lại 12.7 đô la, còn lại là vốn đối ứng từ chính phủ. Dự án được thực hiện ở 1,197 thôn của 153 xã thuộc 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, Thừa thiên - Huế và Kon Tum.

2    Chương trình được thực hiện theo quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi". Đến nay, chương trình đã thực hiện được 20 năm và chuyển sang thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cho đến năm 2017, tổng kinh phí đã chi cho 3 giai đoạn của chương trình là 24.564 tỷ đồng. Xem: Nguyễn Thị Thuận 2019.

3  Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được thực hiện theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng mức vốn thực hiện chương trình này từ ngân sách Nhà nước là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương: 63.155,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng. Xem: Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

4   Năm 2010 Chính phủ có Quyết định 2123-QĐ-TTg phê duyệt đề án hỗ trợ giáo dục cho 9 dân tộc có dân số dưới 10 ngàn người, cung cấp 341 tỷ 455 triệu đồng để thực hiện dự án trong 5 năm 2010-2015 nhằm cung cấp kinh phí xây dựng trường học, cơ sở vật chất, học bổng cho trẻ em các dân tộc rất ít người (từ bậc mẫu giáo đến đại học và học nghề). Năm 2016, Chính phủ lại có Quyết định 2086-QĐ/TTg hỗ trợ sản xuất, nhà và đất ở, đất sản xuất cho 16dân tộc có dân số dưới 10 ngàn người.

Kênh youtube của Nguyễn Tất Thắng có địa chỉ tại: https://www.youtube.com/channel/UCdVJV6TqjAQ-7OdNflVljbwKênh youtube của Vi Văn Tú có địa chỉ tại:https://www.youtube.com/channel/UCDYKovkzJe3oM9MrbIIpeJw. Cũng xem bài “A Tú của bản Mông” giới thiệu về hoạt động hỗ trợ phát triển của Vi Văn Tú, đăng trên báo Yên Bái, ngày 2/11/2020.

6  Có những con đường bê tông liên thôn bản dài hàng chục cây số (ở Cống Dua, Lũng Cán) hay nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang ở Đán Dầu được hoàn thành với trợ giúp kinh phí từ nguồn xã hội và người dân tự làm, với chiphíkhoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng nếu thực hiện qua hệ thống hành chính cấp xã, huyện thì kinh phí sẽ lên tới vài tỷ đồng, thường không đúng tiến độ và người dân cảm thấy thờ ơ với những hoạt động như vây vì họ luôn ở ngoàicuộc chơi.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443818

Hôm nay

269

Hôm qua

2307

Tuần này

21631

Tháng này

218992

Tháng qua

112676

Tất cả

114443818