Những góc nhìn Văn hoá

Nguồn lực văn hóa và phát triển cộng đồng: Một tiếp cận nhân học (Kỳ II)

     

Các mô hình kinh tế ở Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: Đình Tuân

2. Vốn văn hóa và sử dụng vốn văn hóa trong phát triển cộng đồng

2.1. Lý thuyết về vốn văn hóa

Khái niệm phát triển thực ra chỉ mới được nói đến nhiều kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, khi nhu cầu tái thiết sau những tàn phá khủng khiếp của chiến tranh trở thành cấp thiết. Đối với các nhà kinh tế học thời kỳ này, khái niệm phát triển được gắn với tăng trưởng về kinh tế, và do đó được hiểu như là đồng nghĩa với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi người ta làm tất cả để đạt được tăng trưởng GDP hàng năm, thì vấn đề đặt ra là mục tiêu đồng thời là động lực của phát triển kinh tế là gì? Đó chính là văn hóa. Mối liên hệ này ngày càng được khám phá và hoàn thiện khi các lý thuyết về phát triển kinh tế bắt đầu đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể, và là động lực của phát triển kinh tế xã hội. Từ đây, khái niệm về phát triển bền vững được hình thành do những lo sợ sự tàn phá khủng khiếp của con người đối với môi trường sẽ đe dọa sự tồn vong của các thế hệ tương lai.[7]

Nhìn lại các lý thuyết phát triển từ sau thế chiến thứ 2, có thể thấy các nhà kinh tế học đã tin rằng muốn tạo ra tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia và khu vực đã bị kiệt quệ vì đói nghèo và tàn phá, cần phải có những “cú hích lớn” thông qua viện trợ ồ ạt từ bên ngoài (Rosenstein-Rodan (1943).[8] Tuy nhiên, người ta nhanh chóng nhận ra rằng cung cấp viện trợ ồ ạt từ bên ngoài không những không giúp các cộng đồng được hỗ trợ tự lực vươn lên được mà còn góp phần tạo ra sự phụ thuộc vào viện trợ. Phải đến những năm 70 của thế kỷ trước người ta mới khám phá ra tầm quan trọng của nội lực đối với phát triển, và hỗ trợ từ bên ngoài chỉ đóng vai trò như một thứ tác nhân kích thích tăng trưởng. Trước đây, ở thời kỳ Karl Marx phát triển học thuyết về tư bản vào cuối thế kỷ 19, các nhà nghiên cứu tin rằng chỉ có nguồn lực kinh tế (vốn tài chính hay tiền và tài sản) mới có tầm quan trọng quyết định. Từ những thập kỷ 80 trở đi, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng chính vốn văn hóa mới có vai trò quan trọng vì nó quyết định vị trí của một cá nhân hay tập thể trong một trật tự xã hội nhất định. Nhà xã hội học Pháp Pierre Bourdieu (1930 - 2002) là người đã đề xuất lý thuyết về vốn văn hóa trong tác phẩm “Các hình thức tư bản” được công bố lần đầu vào năm 1986, trong đó ông cho rằng có nhiều loại vốn khác nhau, bao gồm vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn xã hội và vốn biểu tượng. Dù ông phân biệt giữa vốn văn hóa với vốn xã hội và biểu tượng nhưng trên thực tế, cả ba loại vốn này chỉ thuộc về một phạm trù văn hóa - xã hội mà thôi. Theo ông, vốn xã hội không chỉ có tính kinh tế và các trao đổi xã hội không chỉ đơn thuần mang tính tư lợi mà cần phải bao gồm cả “vốn và lợi nhuận dưới mọi hình thức” (Bourdieu, 1986:241).

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn văn hóa nhưng các nhà kinh tế chính trị học Mỹ Robert Putnam (1993 & 2000) và Francis Fukuyama (2001) định danh loại vốn này dưới tên gọi chung là “vốn xã hội” (social capital), có lẽ họ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối con người, niềm tin và mạng lưới xã hội. Các học giả này cho rằng vốn xã hội, cũng giống như vốn vật chất hay vốn con người, đều là những loại “vốn” có khả năng làm tăng năng suất và lợi nhuận do những tác động tương hỗ của các mối tương tác thông qua các mạng lưới xã hội, các quy tắc xã hội cũng như niềm tin của con người trong xã hội, trong đó chữ tín hay niềm tin lẫn nhau (trust) được nhấn mạnh như một giá trị cốt lõi của vốn xã hội.

Điểm khác biệt giữa Bourdieu và Putnam là ở chỗ Bourdieu coi vốn xã hội là tài sản của cá nhân chứ không phải của tập thể trong khi Putnam lại xem vốn xã hội được nâng từ đặc điểm của các cá nhân thành đặc điểm của một tập hợp dân số lớn và trở thành một đặc điểm tập thể.

Dù còn có những khác biệt trong việc xem vốn văn hóa là tài sản cá nhân (Bourdieu 1986) hay tập thể (Putnam 2001) nhưng các nhà nghiên cứu đều có sự đồng thuận trong việc xem vốn văn hóa như một nguồn lực, được đặc trưng bởi mạng lưới xã hội, kinh nghiệm, kỹ năng, hệ giá trị, các quy tắc ứng xử, niềm tin, quan hệ có đi có lại và là một bộ phận cấu thành nên bối cảnh văn hóa của một chương trình phát triển, có thể tạo điều kiện cho sáng tạo và thay đổi.

Biểu 2. Tóm tắt khái niệm vốn và vốn xã hội

Vốn

Vốn xã hội

 

Vốn là của cải dưới dạng tiền hoặc các tài sản khác, thuộc sở hữu của

   

một người hoặc tổ

Vốn xã hội là một thứ quy chuẩn (norm) tồn tại trong

 

chức, có sẵn, gửi trong ngân hàng, hoặc được

các quan hệ xã hội, có thể bao gồm niềm tin, mạng

 

góp để thành lập công ty, góp cổ đông, hoặc

lưới xã hội, xã hội dân sự, tri thức địa phương, thiết

 

đưa vào đầu tư dưới các hình thức khác

chế xã hội truyền thống (người có uy tín ở cộng

 
 

đồng), kỹ năng kỹ thuật, kinh nghiệm của con người.

 

Vốn bao gồm vốn tài chính (khả biến) và tư liệu sản xuất (không đổi).

Vốn xã hội có tác dụng thúc đẩy sự hợp tác giữa cá nhân và

 
 

nhóm xã hội thông qua các mối quan hệ trong sản xuất và

 

Theo Marx: Vốn tài chính sinh ra và tồn tại

đời sống nói chung.

 

trong quá trình lưu thông theo nguyên tắc M-

Vốn xã hội không phải là vốn (tài chính). Tất cả các yếu tố

 

của nó vẫn là 'tài sản' của cá nhân hay nhóm xã hội.

 

C-M (tiền - lưu thông (tức mua & bán) - tiền

 

Vốn xã hội là thước đo giá trị của các nguồn lực, cả hữu

 

(thặng dư).

 

hình (như tài sản và tiền bạc) và vô hình (như các tác nhân,

 
   
 

vốn nhân lực, con người) và tác động của các mối quan hệ

 
 

này đối với các nguồn lực liên quan trong mỗi mối quan hệ.

 

Thực ra, người Trung Quốc từ lâu đã sử dụng các mối quan hệ xã hội vào hoạt động kinh doanh, xem đó như một thứ vốn quý để thành công. Thuật ngữ “guan-xi” (关系) dùng để chỉ mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở của lòng tin và tình cảm bền chặt của một cá nhân với đối tác, đồng thời cũng liên quan đến các nghĩa vụ đạo đức và trao đổi ân huệ. Đối với người Trung Quốc, guanxi cũng có nghĩa là sự "kết nối" để mở ra cánh cửa kinh doanh mới và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch. Một người có nhiều guan-xi sẽ có vị trí tốt hơn để phát triển kinh doanh so với một người không có nó. Câu nói cửa miệng của người Trung Quốc "không phải là bạn biết gì, mà quan trọng là bạn biết ai" là cách họ đề cao tầm quan trọng của kết nối xã hội trong làm ăn. Ban đầu, người phương Tây thường nhìn nhận mối quan hệ này như là một hành vi phi đạo đức trong làm ăn vì nó thường liên quan đến tham nhũng. Trên thực tế, việc xây dựng “guan-xi” luôn được xem là một phần cốt lõi của hoạt động kinh doanh và là một cách thức tiến hành các công việc của người Trung Quốc từ hàng ngàn năm qua (Zhang Chi andHong, Seock-Jin (2017). [9]. Dù vẫn còn tranh luận về những khác biệt, khái niệm vốn xã hội đã dần dần đi từ lý thuyết đến thực hành và trở thành điểm nhấn cho việc phát huy nội lực trong các chiến lược phát triển. Năm 1999, trong nỗ lực đề xuất một khung sinh kế giúp tìm kiếm và phát huy các nguồn lực cá nhân và cộng đồng vào phát triển bền vững, các chuyên gia của Bộ Phát triển Quốc tế, Vương quốc Anh (DFID, 1999) đã đưa ra một khung sinh kế bền vững (Sustainable Livelihood Approaches (SLA), sau đó được Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP 2019) khuyếncáo sử dụng. Khung sinh kế này thừa nhận có nhiều loại vốn khác nhau, được phân thành 5 loại vốn cụ thể mà con người có thể sử dụng cho chiến lược sinh kế chống lại đói nghèo, đó là:

-        Vốn con người (human capital), ví dụ như là sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, tri thức và kỹ năng, khả năng làm việc, khả năng thích ứng

-        Vốn xã hội (social capital), ví dụ như là mạng lưới xã hội và các mối quan hệ, niềm tin, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau, các nhóm xã hội quan phương và phi quan phương, các giá trị và tập quán chung, đại diện tập thể, cơ chế tham gia vào lãnh đạo và ra quyết định

-        Vốn tự nhiên (natural capital), ví dụ như đất đai và sản xuất, nước và các nguồn tài nguyên nước, cây cối là lâm thổ sản, động thực vật hoang dã, thức ăn, đa dạng sinh học, môi trường.

-        Vốn vật chất (physical capital) cí dụ như là cơ sở hạ tầng (vận tải, đường sá, phương tiện, nơi ở, nước sạch và vệ sinh, năng lượng, thông tin, công cụ và kỹ thuật, (dùng cho sản xuất, giống, phân, thuốc trừ sâu, kỹ thuật cổ truyền).

-        Vốn tài chính (financial capital) hay đơn giản hơn là vốn, ví dụ như là việc tích lũy của cải dưới dạng tiền bạc, cổ đông, cổ phiếu, các hình thức tài trợ.

2.2. Quan điểm nhân học trong phát triển cộng đồng

Mục đích của tôi trong bài viết này không phải là để thảo luận về lý thuyết vốn văn hóa, mà là trên cơ sở điểm lại các quan điểm khác nhau khi xem xét văn hóa như một nguồn lực xã hội, sẽ cố gắng sử dụng quan điểm nhân học để trả lời câu hỏi làm thế nào để biến văn hóa thành “động lực của phát triển”, đưa vốn văn hóa tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, và những hoạt động nào có tính đột phá để làm cho văn hóa tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển bền vững?[10] Gần đây, đã có một vài thảo luận về vấn đề này trên các tạp chí trong nước (Đinh Xuân Dũng 2019; Lê Đức Quý 2020). Tôi hy vọng bài viết này sẽ góp thêm một góc nhìn từ quan điểm nhân học để phát triển và khai thác vốn văn hóa cho quá trình phát triển bền vững đất nước.

Trước hết, nhân học coi văn hóa là nguồn lực nội sinh không bao giờ cạn kiệt. Khi nói đưa vốn văn hóa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận hoặc sử dụng các thành tố văn hóa của một nền văn hóa nào đó hoặc sử dụng các ý tưởng, các biểu tượng, các khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể khác của nền văn hóa ấy. Các nhà nhân học gọi quá trình này là tiếp cận phù hợp văn hóa. Phù hợp ở đây không có ngụ ý chỉ tập trung vào những yếu tố văn hóa có tính “cổ truyền” mà là đặt văn hóa vào trong một bối cảnh rộng hơn để hiểu được những năng động và đa dạng của văn hóa, để đảm bảo không áp đặt, để phát huy được khả năng thúc đẩy hợp tác và huy động các nguồn lực để phát triển. Để khai thác nguồn lực văn hóa, điểm nhấn quan trọng nhất là cần thiết có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong tất cả các giai đoạn phát triển, từ lập kế hoạch, triển khai thực hiện, phân tích và đánh giá kết quả, đồng thời thừa nhận sự khác biệt và đa dạng văn hóa, xem đó như một tài nguyên và lợi thế của quá trình phát triển. Thứ hai là người lập kế hoạch phát triển cộng đồng cần có trải nghiệm thực tế tại địa bàn để hiểu được văn hóa từ bên trong, dựa vào quan điểm từ bên trong của cộng đồng thay vì áp đặt cái nhìn từ bên ngoài. Thứ ba, người lập kế hoạch phát triển cần có quan điểm hướng đến cộng đồng, tìm kiếm những hiểu biết đầy đủ về người dân, sử dụng tri thức và thông tin của chính họ vào các chương trình phát triển để đạt được hiệu quả caonhất. Thứ tư, quan điểm nhất quán trong tiếp cận nhân học là phải biết lắng nghe, quan sát, cùng tham gia (trò chuyện, chia sẻ, làm việc), và hợp tác với các nhóm xã hội khác nhau bởi vìmục tiêu phát triển của cộng đồng là cho cộng đồng và vì cộng đồng.

Có ba nguyên tắc quan trọng cần nắm vững và vận dụng quan điểm nhân học vào các dự án và chương trình phát triển, đó là: i, Đa dạng quan điểm phát triển; ii, Tiếp cận và tham gia vào quá trình phát triển; iii, Khai thác và sử dụng các nguồn lực văn hóa vào phát triển.

Thứ nhất, quan niệm về mục tiêu phát triển cũng như nhu cầu của các cộng đồng đôi khi không giống như cách nghĩ của người ngoài. Cách nhìn nhận và tư duy của cộng đồng thường gắn chặt với văn hóa của họ, do đó quan điểm của cộng đồng về các vấn đề phát triển sẽ không thể tách rời với hệ thống giá trị của họ. Vì vậy chúng ta có thể thực hiện đa dạng quan điểm thông qua mô hình người dân tự lập kế hoạch phát triển. Hãy để cho họ được quyền tự quyết các vấn đề phát triển gắn bó mật thiết nhất với đời sống của mình thông qua các cuộc thảo luận và chia sẻ trong nhóm hoặc trong cộng đồng. Cách làm này có ưu điểm là nó đảm bảo kế hoạch phát triển cộng đồng gắn với nhu cầu thực tế của địa phương và cho phép họ tự xác định phương hướng và kế hoạch hành động để cùng nhà nước hay tổ chức tài trợ giải quyết vấn đề của chính họ.

Thứ hai, nguyên tắc tiếp cận và tham gia là quá trình làm cho người dân và các cộng đồng được chủ động tham gia vào việc tìm kiếm và xác định các nguồn lực của mình, sử dụng niềm tin, lối nghĩ, và ý nghĩa để cùng nhau làm kế hoạch và cùng nhau thực hiện. Cách làm này một mặt giúp cho kế hoạch phát triển khai thác được vốn xã hội của địa phương, bao gồm mạng lưới xã hội, hệ giá trị, các quy tắc ứng xử trong cộng đồng, mặt khác, đảm bảo quyền tiếp cận và tham gia của người dân địa phương trong mọi khâu của quá trình xây dựng, triển khai thực hiện và đánh giá kết quả của chính họ. Tiếp cận và tham gia vào các chương trình phát triển sẽ hiệu quả hơn nếu người dân tự phân tích và chỉ ra được những yếu tố văn hóa nào đã hạn chế sự tham gia của họ và làm thế nào để đảm bảo sự tham gia của họ vào quá trình ra quyết định.

Thứ ba, các bản kế hoạch phát triển dựa vào cộng đồng chỉ được coi là hoàn thiện nếu tận dụng được nguồn lực văn hóa địa phương, bao gồm tri thức, năng lực sáng tạo và vai trò của người có uy tín trong cộng đồng cho mục tiêu phát triển. Nhân học cho rằng tri thức địa phương là một kho báu được tích lũy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Kinh nghiệm về thời tiết, về các hiện tượng của tự nhiên, và tương tác giữa con người với hệ sinh thái tự nhiên giúp con người khai thác hệ sinh thái này để sinh sống, nó cũng là thành tố tạo nên bản sắc địa phương. Là một thành tố của văn hóa, tri thức và năng lực sáng tạo của người dân trong cộng đồng là một nguồn lực vô tận cho phát triển. Tìm kiếm và phát huy năng lực sáng tạo của người dân là cách tốt nhất để khai thác nguồn lực nội sinh của cộng đồng. Ngoài ra, theo truyền thống, các cộng đồng thôn bản Việt Nam thường dành một sự tôn trọng đáng kể đối với những người có uy tín trong cộng đồng. Họ được người dân tin tưởng, nghe theo. Những người này có có thể giúp khuyến khích người dân tham gia, tạo cơ chế hoạt động và kiểm chứng các hoạt động của dự án, giúp cho dự án đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.

3. Phát triển bền vững và bao trùm

Việt Nam những năm gần đây, thuật ngữ phát triển dường như đang chiếm một vị trí thống soái trên công luận và trong tư duy những người làm chính sách. Khi thảo luận về bất kỳ vấn đề gì, kinh tế, tài nguyên, môi trường, giới, giáo dục, tôn giáo, nông thôn, đô thị, v.v… người ta đều gắn chúng với thuật ngữ phát triển. Xu hướng tư duy phổ biến hiện nay thường đánh đồng khái niệm phát triển với tăng trưởng về kinh tế, sử dụng tiêu chí phương Tây về thu nhập bình quân tính theo đầu người hàng năm (GDP) làm tiêu chí cao nhất để phấn đấu. Thực tiễn thế giới đã chỉ ra rằng phát triển luôn luôn đi kèm với những vấn đề trầm trọng như làm tăng phân hóa giàu nghèo, tàn phá môi trường, và tình trạng suy thoái về đạo đức và lối sống.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thường bắt gặp đâu đó quan điểm về sự đánh đổi trong phát triển, cho rằng muốn đạt được tăng trưởng kinh tế phải chấp nhận đánh đổi sự mất mát về môi trường. Cũng có ý kiến cho rằng muốn tạo được động lực của phát triển cần tập trung đầu tư nâng cấp tầng lớp tinh hoa, mà trước hết là giáo dục tinh hoa (Dương Quốc Việt 2017). [11] Những cách nghĩ như vậy cho thấy còn có những khác biệt lớn trong tư duy về phát triển.

Gần đây, khái niệm phát triển đã nhấn mạnh đến tính bền vững và bao trùm, phát triển phải dựa vào văn hóa và phát triển của ngày hôm nay không được làm tổn hại đến phát triển của các thế hệ tương lai, mọi người đều được tạo cơ hội như nhau để phát triển toàn diện, và đảm bảo không ai bị “bỏ rơi” lại phía sau.

Có một sự gặp gỡ giữa tư tưởng phát triển bền vững của thế giới thể hiện trong Chương trình Nghị sự 2030 của UNESCO và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển trong đó cả hai tổ chức này đều xem văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đặt văn hóa vào vị trí trung tâm và tham gia đầy đủ vào nền kinh tế, xã hội và môi trường (Đảng CS Việt Nam, 2009 & 2014).[12] Trong chiến lược phát triển này, bản sắc văn hóa, công bằng xã hội, cân bằng môi trường và tinh thần tự lực cánh sinh là nội lực, là sức mạnh nội sinh, là yếu tố quyết định của các kế hoạch phát triển ở cả cấp độ quốc gia và cộng đồng thôn bản. Quan điểm này, dù đã được đưa vào nghị quyết của Đảng về phát triển, nhưng vẫn chưa được triển khai thấu đáo trên thực tiễn, chưa được thể hiện rõ ràng và minh bạch trong các chương trình cụ thể (Đinh Xuân Dũng 2019). Có thể coi đây là những thách thức cần phải vượt qua để đưa đất nước phát triển bền vững vì hạnh phúc của con người.

Phát huy vốn văn hóa trong phát triển chính là nhấn mạnh tầm quan trọng và đề cao vai trò chủ thể của người dân, tìm kiếm và sử dụng vốn văn hóa của địa phương vào trong các chương trình phát triển để đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay, các chương trình phát triển cộng đồng, các nguồn vốn vật chất và tài chính trợ giúp phát triển thường được thực hiện thông qua bộ máy chính quyền cấp địa phương. Trên thực tế chúng ta chưa có và chưa quan tâm phát triển đội ngũ các chuyên gia làm công tác phát triển cộng đồng chuyên nghiệp và có tinh thần hiến dâng cho sự nghiệp phát triển cộng đồng. Tôi cho rằng phát triển đội ngũ này là việc làm cấp bách, bởi hệ thống chính quyền cơ sở (cấp xã) vốn chỉ làm công tác hành chính và quản lý nhà nước ở địa bàn, nặng về quan liêu và thiếu chuyên môn. Hàng loạt các dự án phát triển chồng chéo đổ lên vai bộ máy quan liêu này là quá sức và quá tải.

Để kết luận, tôi xin dẫn lại quan điểm của UNESCO về vai trò của văn hóa trong phát triển như sau:

“Văn hóa, xét trên mọi khía cạnh, là thành phần cơ bản của phát triển bền vững. Là một lĩnh vực hoạt động, thông qua di sản vật thể và phi vật thể, các ngành công nghiệp sáng tạo và các hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau, văn hóa là một yếu tố đóng góp mạnh mẽ vào kinh tế phát triển, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường.

Nghị quyết TƯ 9 Khóa XI (2014): “Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững…”

Là một kho kiến thức, ý nghĩa và giá trị thấm nhuần tất cả các khía cạnh của cuộc sống, văn hóa cũng xác định cách con người sống và tương tác cả ở địa phương và quy mô toàn cầu.” (UNESCO 2010).

 

Tài liệu đã trích dẫn

1. Asian Development Bank (2010) Socialist Republic of Vietnam: Central Region Livelihood Improvement Project. ADB Completion Report, Project N.33301. Hanoi

2. Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (2019). Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gia đoạn 2010-2020 trình bầy tại Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 tại Nam Định, tháng 10/2019.

3. Bourdieu, P. 1986. “The Forms of Capital.” Pp. 241–58 in Handbook of theory and research for the sociology of education, edited by J. G. Richardson. New York: Greenwood Press.

4. DFID (1999) Sustainable Livelihood Guidance Sheets. London: Department for International Development.https://www.ennonline.net/attachments/871/dfid-sustainable-livelihoods-guidance-sheet-section1.pdf

5. Dương Quốc Việt (2017) Bàn về giáo dục tinh hoa. Báo Giáo dục Việt Nam, ngày 5/9/2017.

https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/ban-ve-giao-duc-tinh-hoa-post179435.gd

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998) Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014) Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

8. Đ.Q (2018) “Giới tinh hoa bao gồm nhưng ai?”. Tạp chí Khoa học và Phát triển, ngày 02/04/2018

https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/gioi-tinh-hoa-bao-gom-nhung-ai/2018040209092575p1c160.htm

9. Đinh Xuân Dũng (2019) “Khai thông nguồn lực văn hóa, tạo bước đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”. Tạp chí Cộng sản, 12/2019.

10. Fukuyama, Francis (2001) “Social capital, civil ociety and development”, Third World Quarterly, Vol. 22, No.1, pp 7-20.

11. Lê Quý Đức (2020) “Phát huy nguồn lực văn hóa - con người, tạo bước đột phá đưa đất nước phát triểnnhanh, bền vững”. Tạp chí Cộng sản, 03/06/2020.

12. Nguyễn Hải Hà (2015) “Quà tặng và quan hệ xã hội ở một làng Bắc Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Dân Gian, No. 3 (2015), 48-58.

13. Nguyễn Thị Thuận (2019) “Một số kết quả đạt được sau 20 năm thực hiện Chương trình 135 và những vấn đề đặt ra”. Tạp chí Tuyên Giáo, ngày 3/4/2019.

14. Putnam, Robert D. 1993. “The Prosperous Community.” The American Prospect 4(13):35-42.

_____________________

Chú thích:

 

7 Lần đầu tiên, khái niệm phát triển bền vững được nêu ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) năm 1992 tại Rio de Janeiro. Sau đó, một Ủy ban về Phát triển bền vững được Liên hợp quốc thànhlập để khuyến khích phát triển bền vững.

 

8  Lý thuyết “Big Push” [Cú hích lớn] do Rosenstein-Rodan (1943) đề xuất, cho rằng các nước chưa phát triển cần một lượng đầu tư lớn để thoát khỏi tình trạng lạc hậu hiện thời và tiến lên con đường phát triển. Các chương trìnhđầu tư nhỏ giọt ít một sẽ không tạo được tác động đối với quá trình tăng trưởng mạnh như trông đợi.

 

9 Người Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới xã hội nhưng chủ yếu đề cao bổn phận đạo đức duy tình lên trên hoạt động làm ăn có tính duy lý. Mạng lưới xã hội của người nông dân Việt Nam chủ yếu xoay quanh ba mối quan hệ chính là thân tộc, láng giềng và thân hữu (Nguyễn Hải Hà, 2015). Nhà nghiên cứu Mỹ James Scott (1977) cũng cho rằng người nông dân đề cao mạng lưới xã hội trong cuộc sống của họ, dù có vẻ vô hình, nhưng lại có thể quan sát được khi họ giúp nhau làm nhà, tang ma, hay các sự kiện khác.

10 Trong bài viết này, khái niệm văn hóa được hiểu là “tập hợp những đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ và xúc cảm của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa chứa đựng, bên cạnh nghệ thuật và vănchương, cả lối sống, phương thức chung sống, các hệ thống giá trị, các tập tục và tín ngưỡng” (UNESCO 2009:9). Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) khi đề cập đến chiến lược phát triển văn hóa, đã cụ thể hóa khái niệm văn hóa thành những lĩnh vực cụ thể (Đảng CS Việt Nam, 1998).

 

11  Theo Đ.Q (2018), các nhà nghiên cứu và lập thuyết về 'tinh hoa' thường có ngụ ý nói đến giới tinh hoa chính trị (political elite), được xác định là nhóm thiểu số những cá nhân nắm giữ các vị trí quyền lực đầu não ở một tổ chức giới tinh hoa mỗi nước. Họ là những người có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới các vấn đề quốc gia thông qua vị trícủa họ trong các tổ chức quyền lực.

 

12 Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII (1998) khẳng định “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.”

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441656

Hôm nay

256

Hôm qua

2317

Tuần này

21560

Tháng này

216830

Tháng qua

112676

Tất cả

114441656