Những góc nhìn Văn hoá

Văn hóa - Nền tảng phát triển văn học nghệ thuật

 

Yêu cầu đặt ra với nền văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế là sáng tác được những tác phẩm ưu tú thể hiện tính tư tưởng và tính nhân dân sâu sắc_Ảnh: Ngọc Mai

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Một năm trước khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tổ chức tại Hà Nội, ngày 24 -11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ (hội đàm) với các đại biểu của Liên đoàn Văn hóa lâm thời Bắc Bộ là các nhân sỹ trí thức nổi tiếng đương thời như Trương Tửu, Thượng Sỹ và Nguyễn Đức Quỳnh. Trong cuộc tọa đàm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo ý riêng tôi, trong sự giải phóng dân tộc và kiến thiết một nước Việt Nam mới, nhiệm vụ của các ngài trong giới văn hóa cũng rất là nặng nề quan trọng. Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới, tất nhiên phải có một chính thể mới và một văn hóa mới. Khi chúng ta còn bị nô lệ thì văn hóa của chúng ta cũng mang nặng những dấu tích nô lệ. Bây giờ độc lập, văn hóa cũng phải có những dấu tích độc lập. Phải độc lập trước đã rồi văn hóa mới phát triển được. Dân tộc còn bị áp chế, hàng triệu đồng bào chúng ta vẫn còn chết đói đầy đường thì các ngài văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ, các ngài có thể ngồi trong những tháp ngà mà sáng tác được không? Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận lấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới. Ta phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới”. Cũng trong cuộc tiếp xúc (tọa đàm) này, ông Trương Tửu tường trình đại cương công việc của đoàn Văn hóa Bắc Bộ Việt Nam đang tiến hành, trong đó có nội dung quan trọng “Vận động đại hội nghị toàn quốc Văn hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng tình ủng hộ: “Đại hội nghị toàn quốc văn hóa....Phải! Phải làm thế mới được. Từ trước đến giờ, chính sách thực dân Pháp đã chia rẽ chúng ta nhiều lắm rồi. Tôi mong rằng các ngài cố gắng làm được như thế, tổ chức mau chóng cuộc đại hội nghị Văn hóa toàn quốc, gây được mối liên lạc mật thiết của quốc dân và văn hóa. Chính phủ sẽ giúp đỡ các ngài những phương tiện để thực hành công việc đó”. Cuộc gặp gỡ quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu văn hóa đương thời được công bố trên tạp chí Khai Trí, phát hành ở Hà Nội, năm 1945(1).

Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự. Trong Diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc - khoa học - đại chúng. Người đồng thời nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam “hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”(2). Cũng trong Diễn văn khai mạc quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Bảy mươi lăm năm sau, chúng ta càng thấm thía tầm nhìn chiến lược về quy luật phát triển xã hội trên nền tảng văn hóa của Lãnh tụ. Quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp chúng ta nhận thức sâu sắc các vấn đề có tính nguyên tắc: gây dựng nền tảng văn hóa là nhiệm vụ xuyên suốt lịch sử khi Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo cách mạng của đất nước; văn hóa là sức sống, sức mạnh của một dân tộc; văn hóa tạo ra xung lực phát triển xã hội mới; văn hóa như một sự kích hoạt tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi của người Việt vốn có truyền thống “đồng bào” (cùng bọc); cao hơn, lâu bền hơn khi văn hóa là động lực phát triển, là mục tiêu của tiến bộ xã hội và hoàn thiện nhân cách con người; văn hóa là “căn cước” của dân tộc để hòa nhập với thế giới và nhân loại.

“Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”

Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) đến hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (được triệu tập từ 16-20/7/1948, tổ chức tại chiến khu Việt Bắc), khoảng thời gian ngắn chỉ chưa đầy hai năm. Điều ấy chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức triệt để sâu sắc về văn hóa có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội đương thời khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang năm thứ hai ngày càng khó khăn, gian khổ và ác liệt theo đường lối chiến tranh nhân dân “trường kỳ, toàn dân, toàn diện”. Nhân sự kiện văn hóa trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (ghi ngày 15/7/1948). Trong thư, Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa đã cố gắng và đã thành công. Song từ nay trở đi, chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc thiết thực và rộng rãi, để giúp sự nhiệp kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, tôi thiết tưởng, các nhà văn hóa chúng ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng. Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc của con cháu đời sau. Trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân, tôi mong rằng hội nghị sẽ có một chương trình thi đua ái quốc về mặt trận văn hóa. Tôi chắc rằng sau Hội nghị này, văn hóa của ta của ta sẽ có một sự phát triển mạnh mẽ”(3). Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai tiến hành dưới khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng: Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Cần phải thấu triệt quan điểm của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ khẩu hiệu có tính chiến lược này. Trước hết, văn hóa không thể đứng ngoài chính trị và lịch sử (ngoài cuộc kháng chiến chống Pháp); văn hóa phải trở thành một “đinh ốc” trong “cỗ máy” của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Văn hóa trở thành vũ khí tinh thần có sức mạnh vô song. “Kháng chiến hóa văn hóa” có ý nghĩa quan trọng vì: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951). “Văn hóa hóa kháng chiến” được nhận thức từ góc độ lịch sử - văn hóa bởi vì cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp chính là, thực chất là cuộc chiến đấu và chiến thắng của văn hóa Việt Nam với văn hóa xâm lăng, ngoại lai, thực dân như Nguyễn Trãi từng hào hùng tuyên bố: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo).

Cũng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh đã đọc báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Trong luận văn sâu sắc này, đồng chí Trường Chinh đã phân tích mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ và cơ sở kinh tế, chế độ chính trị của xã hội, bày tỏ lập trường của những người theo chủ nghĩa Mác với vấn đề văn hóa văn nghệ (về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc; về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc; về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc; về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nhĩa làm gốc). Xuyên suốt luận văn Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam là sự phân tích hết sức thuyết phục của tác giả về tính chất và nhiệm vụ của nền văn hóa mới tựa vững trên nền tảng nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng phù hợp với tinh thần có ý nhĩa chiến lược đã được minh định trong Đề cương văn hóa 1943. Kết thúc bản báo cáo quan trọng, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Đã có nhiều anh chị em làm công tác văn hóa đi vào hàng ngũ, tiến một nhịp với toàn quân và toàn dân. Nhưng biết bao người vẫn loay hoay, lúng túng, hoặc vẫn sống bên rìa cuộc chiến đấu của dân tộc. Mong rằng Hội nghị văn hóa lần này sẽ tạo ra một cái đà cho phong trào thi đua của văn nghệ sĩ nước ta”(4).

Ở đây cần thiết nhắc lại một kỷ niệm của nhà thơ Tố Hữu với đồng chí Trường Chinh, qua một câu chuyện có ý nghĩa văn hóa đặc sắc: khi Tố Hữu được Trung ương điều động lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn hóa, ngày đầu gặp đồng chí Trường Chinh, được hỏi ngay: “Theo ý anh thì Gorki là lãng mạn hay hiện thực? Tôi thật bất ngờ. Làm sao trong tình thế nguy kịch này mà anh lại điềm nhiên nghĩ về văn chương như thế được. Nhưng cũng rất thích và mừng thầm: Các đồng chí lãnh đạo Đảng mình trong tình thế hiểm nghèo mà vẫn bình tĩnh nghĩ đến cả vấn đề văn hóa. Thật là thú vị”(5).

Để nhận thức sâu sắc hơn mối quan hệ giữa kháng chiến và văn hóa, thiết nghĩ cần tiếp cận luận văn của Giáo sư Đặng Thai Mai: Kháng chiến và Văn hóa (viết 1947). Với tầm nhìn sâu rộng, bằng sự trải nghiệm văn hóa uyên thâm, tác giả khẳng định: “Mối tin tưởng đó là một cái hoa men của văn hóa kháng chiến. Trong hàng ngũ tranh đấu, nhà văn hóa Việt Nam cũng chỉ tha thiết với mối hy vọng chung, với sự độc lập và thống nhất của Tổ quốc... Yếu tố của nền văn hóa kháng chiến lẽ cố nhiên là tinh thần dân chủ, tinh thần đại chúng và tinh thần khoa học. Nhưng, ngày nay, ba nguyên tố đó cũng phải nhận xét theo tình thế mới của lịch sử. (...). Nói tóm lại, cốt tinh của văn hóa Việt Nam ngày nay vẫn là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Nhưng ba nguyên tắc này cần áp dụng cho sát vào trong hoàn cảnh của nước nhà kháng chiến mà thôi. (...). Một mặt nữa văn hóa là kiến thiết, kháng chiến bằng văn hóa tức là kiến thiết văn hóa rồi. (...). Một nền văn hóa đang trưởng thành trong xã hội Việt Nam. Nó còn chưa thực hiện hết tất cả đặc sắc của nó. (...). Văn hóa kháng chiến đã thành hình”(6).

Văn hóa kiến tạo nền tảng xã hội

Văn hóa dân tộcVăn hóa Hồ Chí Minh là hai phạm trù gắn bó, quan hệ biện chứng như hai mặt của một tờ giấy. Văn hóa dân tộc thuộc phạm trù truyền thống gắn với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước (từ thời đại Hùng Vương). Văn hóa dân tộc đề cao các giá trị tinh thần: tình cảm đồng bào (cùng bọc), lòng hòa hiếu và hòa thuận, tình thương và lẽ phải, ca ngợi lao động như một niềm vui sống. Văn hóa truyền thống dân tộc thuộc về văn hiến Việt: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo). Văn hóa truyền thống dân tộc mang tinh thần nhân văn cao cả và quật khởi trước các thế lực và dã tâm của ngoại bang: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo). Những cuộc kháng chiến thần thánh trong một nghìn năm độc lập, thắng lợi hiển hách cuối cùng trước sức mạnh bạo tàn của ngoại bang, suy cho cùng là chiến thắng của văn hóa Việt Nam, một dân tộc: “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng” (Huy Cận); “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên).

Văn hóa Hồ Chí Minh gắn với Thời đại Hồ Chí Minh (được tính từ thắng lợi quyết định vận mệnh dân tộc của cuộc Cách mạng Tháng Tám, năm 1945). Thắng lợi này cũng là mở đầu một thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là triết lý của Thời đại Hồ Chí Minh. Thời đại Hồ Chí Minh đưa dân tộc tới gần nhân loại hơn. Văn hóa Hồ Chí Minh, theo cách diễn đạt của nhà báo - nhà văn tài năng Nga O. Mandenstam trong bài báo Thăm một chiến sỹ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc (đăng trên Tạp chí Ogoniok/Tia lửa, Liên - Xô, ra ngày 23-12-1923): “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai. Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc chúng ta như nghe thấy ngày mai, như nghe thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái nhân loại”(7). Văn hóa Hồ Chí Minh, theo cách hiểu giản dị, gắn với đạo đức Hồ Chí Minh như một giá trị then chốt có tính xuyên thời đại mang tên Người. Khi chúng ta thấu triệt như thế thì Văn hóa Hồ Chí Minh được nhận thức là Văn hóa nêu gương. Chúng ta đang “Học Bác mỗi ngày”, “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Bác - đã viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng “độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội” chính là nền tảng tư tưởng và lý luận của nền văn hóa Việt Nam mà chúng ta đang tiếp tục xây dựng. Cho nên, để phát triển sáng tạo nền văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, rõ ràng vấn đề quan trọng hàng đầu có ý nghĩa quyết định là giáo dục sâu rộng cho mỗi người dân Việt Nam, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”(8).

UNESCO đã vinh danh Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa Thế giới.

Văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với khái niệm Văn hóa Đảng. Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945) - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng ta là Đảng cầm quyền, là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, tất nhiên cũng lãnh đạo tuyệt đối văn hóa. Trong bối cảnh hiện tại, thiết nghĩ, thống nhất văn hóa để thống nhất lòng dân thể hiện sức mạnh của văn hóa Đảng. Thống nhất đất nước (từ 1976) trong nghĩa rộng còn bao hàm thống nhất văn hóa. Các sản phẩm, giá trị văn hóa của người Việt Nam cần được tôn vinh như một thực thể văn hóa Việt thống nhất, toàn vẹn, không có lý do chia cắt. Văn hóa Việt là văn hóa của 54 dân tộc anh em (với 97 triệu người) sinh sống hòa thuận trên dải đất hình chữ S hàng nghìn đời. Trong bối cảnh lịch sử mới, văn hóa Việt còn bao gồm cả một thực thể Việt (5 triệu người) sống ở các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Đó chính là sức sống của văn hóa đồng bào, văn hóa cộng đồng Việt.

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã viết luận văn quan trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong luận văn này, theo chúng tôi, văn hóa được quan tâm hàng đầu: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, văn hóa trong quan điểm của Đảng gắn với phát triển, gắn với nhân tố con người, vì tột cùng văn hóa là con người: “Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”(9)./.

                                                                                                                                              

CHÚ THÍCH

1. Hà Minh Đức (2017), Báo chí Hồ Chí Minh - Chuyên luận và tuyển chọn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.192

2. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 7-10-2019

3. Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954 (1995), Hồi ức - kỷ niệm, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 10

4. Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954 (1995), Hồi ức - kỷ niệm, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 21

5. Tố Hữu (2000), Nhớ lại một thời, Hồi ký (Hồ Quỳnh Tư chấp bút), Nxb. Hội Nhà văn, tr.191

6. Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954 (1995), Hồi ức - kỷ niệm, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 33, 34, 38

7. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh (2010), Tập 1, Nxb. Hội Nhà văn, tr. 7

8. Nguyễn Như Ý (Chủ biên, 2005), Hồ Chí Minh: Tác gia - Tác phẩm - Nghệ thuật ngôn từ, Nxb. Giáo dục, tr. 102,103

9. Thời báo Văn học Nghệ thuật (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2021), số 22 và 23

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hà Minh Đức (2017), Báo chí Hồ Chí Minh - Chuyên luận và tuyển chọn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật

2. Hà Minh Đức (2020), Đối thoại Hồ chí Minh với nhân dân, ngoại giao và báo chí, Nxb. Công an nhân dân

3. Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên, 2019), Văn hóa Việt Nam 1945-1975, Nxb. Hồng Đức

4. Nguyễn Thế Kỷ (2019), Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển, Nxb. Văn học

5. Hồ Quang Lợi (2019), Thời cuộc và văn hóa, Nxb. Hà Nội

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443921

Hôm nay

2172

Hôm qua

2307

Tuần này

21734

Tháng này

219095

Tháng qua

112676

Tất cả

114443921