Những góc nhìn Văn hoá

Từ chiếc váy đến chiếc xe máy: Chuyển đổi giá trị văn hóa vùng dân tộc thiểu số

 

Trang phục truyền thống chủ yếu do những người già mặc (Phụ nữ Thổ ở xã bản Mó, xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp biểu diễn văn nghệ)

Trong khi trang phục truyền thống - yếu tố quan trọng thể hiện các giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng, đang ngày càng bị mai một và biến mất một cách nhanh chóng ở các làng bản, thì chiếc xe máy, vốn là một sự thể hiện của sự hiện đại hóa, lại đang ngày càng phổ biến đến các ngõ ngách rừng núi. Đó cũng là một xu hướng nổi trội trong sự biến đổi văn hóa của vùng dân tộc thiểu số hiện nay.

Mỗi cộng đồng đều có một bộ trang phục truyền thống đặc trưng của mình. Bộ trang phục đó vừa là dấu hiệu nhận dạng cơ bản của cộng đồng tộc người, là một giá trị văn hóa quan trọng của cộng đồng. Nó cũng thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ, đảm đang của người phụ nữ trong cộng đồng đó. Với nhiều cộng đồng, chiếc váy là kết tinh đầy đủ nhất sự đặc sắc của bộ trang phục. Trong xã hội truyền thống, việc tạo ra một bộ trang phục truyền thống là vô cùng quan trọng. Mọi cô gái từ lúc nhỏ đã được mẹ dạy cho thêu, may và dệt vải để có đủ năng lực làm ra các bộ trang phục truyền thống. Và nhiều giá trị của người phụ nữ được thể hiện trên bộ trang phục, đặc biệt là chiếc váy của phụ nữ, sản phẩm mang nhiều giá trị và cầu kỳ nhất, khó làm nhất nhưng cũng đẹp nhất. Khi sự trao đổi còn hạn chế thì một thiếu nữ mang trên mình một chiếc váy thật đẹp do mình làm ra là thể hiện sự tài năng, khéo léo và đảm đang. Những giá trị mà hầu như mọi người đàn ông đều mong muốn đối với người vợ của mình. Vậy nên, một cô gái làm ra những chiếc váy đẹp thì được nhiều người yêu mến, có nhiều chàng trai theo đuổi. Nói cách khác, chiếc váy thể hiện những giá trị văn hóa nội tại của cộng đồng, tôn vinh người làm ra nó và tôn vinh các giá trị cộng đồng.

Những bộ trang phục truyền thống ít khi được thấy trong cuộc sống thường ngày mà chủ yếu trong những sự kiện quan trọng hay lễ, tết (Phụ nữ Thái ở bản Na Sai, xã Hạnh Dịch, Quế Phong tham gia một buổi trao lưu về văn hóa truyền thống)

Một điều dễ nhận thấy là sự hiện diện của những chiếc váy, những bộ trang phục truyền thống của các cộng đồng thiểu số đang ngày càng ít đi. Một cuộc khảo sát về trang phục truyền thống ở nhiều bản vùng miền núi Nghệ An vào giai đoạn 2019-2020 đã phần nào nói lên điều đó. Đối với người Thái - dân tộc đông dân nhất thì tỷ lệ phụ nữ mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày cũng rất thấp. Tại bản Ang (xã Xá Lượng, Tương Dương), một bản người Thái sinh sống lâu đời thì tỷ lệ phụ nữ sử dụng trang phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày chỉ khoảng 20%. Tương tự, ở bản Cắm (xã Tri Lễ, Quế Phong) tỷ lệ này cũng chỉ khoảng 25%. Với các cộng đồng khác cũng tương tự: Người Thổ ở bản Mó (xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp) cũng có khoảng 30% phụ nữ còn mặc trang phục truyền thống. Người Tày Poọng ở bản Phồng (xã Tam Hợp), người Ơ Đu tại bản Văng Môn (xã Nga My), Tương Dương cũng chỉ còn vài người già là còn sử dụng các trang phục truyền thống… Nói vậy để thấy, có một sự thay đổi nhanh chóng theo hướng các trang phục truyền thống đang bị mai một dần và thay vào đó là những bộ trang phục hiện đại được mua từ chợ. Đó là viễn cảnh những chiếc váy truyền thống bị mất dần qua tháng ngày.

Ngược lại với chiếc váy truyền thống, thì chiếc xe máy, một biểu tượng của bước đầu hiện đại hóa đang ngày càng phổ biến ở các làng bản. Từ những người Hmông trên đỉnh núi đến những người Thái, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu ở vùng thung lũng và trung du đều sử dụng phổ biến các loại xe máy. Trừ các bản có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, xe máy chưa thể lưu thông thuận tiện được thì hầu hết các làng bản khác đều có xe máy. Và càng ngày, xe máy càng trở thành phương tiện di chuyển, vận chuyển quan trọng của đồng bào. Người ta đi rừng, đi nương bằng xe máy trên những đoạn đường có thể đi được. Họ cũng di chuyển xa như đi chợ hay đi giải quyết các công việc trong xã, trong huyện bằng xe máy. Hầu hết các gia đình đều có xe máy, ít nhất là một chiếc. Qua những cuộc khảo sát cũng cho thấy trên 80% người dân tộc từ 18 đến 50 tuổi biết sử dụng xe máy. Không chỉ đi lại, đồng bào còn sử dụng xe máy để vận chuyển những đồ nhẹ và vừa.

Sản xuất các trang phục truyền thống hiện nay chủ yếu do những người lớn tuổi thực hiện (Một cụ bà người Thái ở bản Nưa, xã Yên Khê, Con Cuông đang thêu may váy)

Về mặt văn hóa, chiếc xe máy hoàn toàn khác với chiếc váy truyền thống. Trong khi chiếc váy truyền thống là biểu tượng của bản sắc văn hóa tộc người, tôn vinh các giá trị của người sản xuất, thì chiếc xe máy lại là biểu tượng của toàn cầu hóa, của hiện đại hóa vùng nông thôn, và nó tôn vinh hay ghi nhận giá trị của người sử dụng. Khi người ta khen chiếc váy đẹp là khen người phụ nữ đã khéo léo làm ra nó. Nhưng khi khen một chiếc xe máy đẹp thì lại là sự công nhận người sử dụng nó có điều kiện kinh tế khá giả. Có nghĩa là chiếc xe máy mang giá trị hướng ngoại, hướng đến người tiêu dùng chứ không phải người sản xuất. Và sự thay đổi từ chiếc váy đến chiếc xe máy mà chúng ta phân tích ở trên cũng thể hiện sự thay đổi trong hệ thống giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số từ các giá trị văn hóa nội tại đến các giá trị văn hóa ngoại tại, từ tôn vinh người sản xuất (cũng là người sử dụng) đến tôn vinh người tiêu dùng.

Xu hướng biến đổi văn hóa như vậy ở vùng dân tộc thiểu số cũng là xu hướng phổ biến trọng sự vận động của các nền văn hóa. Đó là hệ quả của quá trình hiện đại hóa văn hóa và thị trường hóa văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Khi nền kinh tế tự cung tự cấp thì người sản xuất cũng là tiêu dùng nên sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa truyền thống. Nhưng trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển thì sản phẩm đa dạng và người ta có nhiều sự lựa chọn nên họ chọn cái nào thuận tiện và phù hợp cho mình hơn. Điều này thể hiện ở chỗ những người mặc những chiếc váy truyền thống ở các làng bản hiện nay là những người già, chủ yếu là ngoài 50 tuổi, họ không có nhu cầu đi ra ngoài xã hội nhiều, cũng ít giao lưu văn hóa hơn và ít tiếp cận thị trường. Đối với họ, trang phục không chỉ là để mặc mà còn là giá trị văn hóa thể hiện mình là ai và thuộc về đâu. Còn những người trẻ tuổi thì họ lựa chọn sự thích nghi bằng con đường hiện đại hóa. Chấp nhận các trang phục hiện đại để hòa nhập với cuộc sống hiện đại.

Điều làm cho nhiều người lo lắng là sự thay đổi văn hóa thể hiện từ chiếc váy đến chiếc xe máy như vậy là một sự mai một, mất mát các giá trị văn hóa truyền thống. Nỗi lo đó là đúng đắn và có cơ sở khi mà trong nhiều năm qua, trong khi kinh tế vùng dân tộc thiểu số vẫn còn phát triển chậm chạp thì sự mai một, mất mát bản sắc văn hóa lại ngày càng nhanh hơn. Và họ lo sợ hơn là lớp trẻ ngày càng chạy theo cuộc sống hiện đại và ít quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng mình. Đến một lúc nào đó, những người Thái, người Mông, người Khơ Mú ở trên núi cũng chẳng khác gì những người Kinh ở dưới xuôi.

Nhưng xét cho cùng thì đó cũng là một thực tế phải chấp nhận. Bản sắc văn hóa chung quy lại không phải là cái gì bất biến, mà nó cũng thay đổi qua các giai đoạn và bối cảnh khác nhau. Điều quan trọng là sự lựa chọn và tâm lý chủ động của người dân. Ai cũng mong muốn vươn lên để có cuộc sống tốt hơn, giàu đẹp và sung sướng hơn. Họ tiếp nhận các giá trị văn hóa mới vì họ thấy được những lợi ích từ các giá trị đó. Vậy nên, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống lại phải thay đổi và đi theo con đường khác, không phải bằng các văn bản chính sách hay các dự án từ trên xuống, mà phải đi từ dưới lên, từ sự lựa chọn của người dân chủ thể. Cần phải hoạch định sự phát triển gắn với nội lực của cộng đồng, của người dân. Trong đó làm sao để người dân họ thấy các giá trị văn hóa truyền thống cũng mang lại nhiều lợi ích cho họ trong quá trình phát triển. Và qua đó, họ sẽ chủ động lựa chọn những giá trị văn hóa phù hợp với điều kiện của mình để bảo tồn, khôi phục và phát huy trong quá trình phát triển. Lúc đó, chúng ta có thể hi vọng về viễn cảnh có những phụ nữ mặc những chiếc váy truyền thống rực rỡ và đi những chiếc xe máy hiện đại./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443853

Hôm nay

2104

Hôm qua

2307

Tuần này

21666

Tháng này

219027

Tháng qua

112676

Tất cả

114443853