Những góc nhìn Văn hoá

Bà Hoàng Thị Loan - Đóa “sen đời” thơm ngát

 

Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

 

“Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm
Giữa bùn đen mà hoa sen thắm nở
Chiếc võng gai che nghiêng khung cửi lụa
Mẹ ru con trong tiếng thoi đưa

Mẹ làng Sen, mẹ làng Sen

Người mẹ Việt Nam đã cho đời người con quang vinh
Mẹ làng Sen, mẹ làng Sen

Người mẹ Việt Nam đã cho đời người anh hùng Hồ Chí Minh”

Mỗi lần về thăm phần mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, lắng nghe những những giai điệu, ca từ về bà, cảm giác xúc động luôn gợi lên trong tôi. Người phụ nữ với đức hy sinh cao cả, tấm lòng nhân hậu lan tỏa niềm tin yêu tới triệu triệu trái tim con người, bà tỏa sáng như một đóa “sen đời” thơm ngát.

Không gian ở đây thật dễ chịu, một rừng thông xanh mướt, reo vi vu trong gió. Dáng cây thẳng đứng, lá kim, toát lên sự mạnh mẽ, kiên cường nhưng có chút gì đó mảnh khảnh, dịu dàng hòa lẫn mùi nhựa thông rất riêng tạo cho chúng ta cảm giác thư giãn, thuần khiết.

Dọc theo những bậc thang uốn lượn như những dải lụa, 33 đóa hoa sen trắng là câu chuyện đầy xúc động về cuộc đời của bà Hoàng Thị Loan. Sinh ra trong gia đình nhà nho khá giả, đẹp người, đẹp nết. Tuổi trăng tròn kết hôn với cậu học trò nghèo Nguyễn Sinh Sắc mồ côi bố mẹ từ lúc lên 4 tuổi. Bà sinh 3 người con tại mảnh đất Hoàng Trù, Kim Liên, Nam Đàn. Để giúp chồng trên con đường khoa cử, bà cùng chồng và 2 người con trai đi bộ ròng rã gần một tháng trời vào Huế. Khi sinh thêm người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin, do quá lao lực, bà lâm một căn bệnh nặng và qua đời ở Huế khi mới 33 tuổi. Bà ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng trái tim nồng ấm, đầy yêu thương, chở che của bà đã kịp gửi gắm những ước mơ cuộc đời của mình trong sự nghiệp của chồng và tương lai của con. Tấm lòng nhân hậu, sự cần cù, chịu thương chịu khó, đức hi sinh cao cả ở bà đã ảnh hưởng lớn đến đạo đức, phong cách của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau này, Bác của chúng ta cũng đã hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, suốt cuộc đời chăm lo cho hạnh phúc Nhân dân. Phải chăng sự hy sinh cao cả, tấm lòng nhân hậu của bà chính là mạch nguồn trong trẻo đã nuôi dưỡng người con ái quốc Hồ Chí Minh, sống mãi, trường tồn đến hôm nay.

Bước chân đến nơi bà an nghỉ vĩnh hằng, không gian yên tĩnh, cảm giác thật gần gũi. Tầm cao khoảng 100m so với mực nước biển. Bà an nghỉ ở lưng chừng núi Động Tranh, giữa rừng thông căng đầy nhựa sống, có những chú chim ca hót líu lo như đang râm ran trò chuyện, phía trước là những tầng hoa ngày đêm khoe sắc tỏa hương. Thang chính đi lên cũng gồm 33 bậc tượng trưng cho 33 năm tuổi đời của bà.Hai bên thang chính có 18 ngọn đèn được đặt đối xứng nhau, tạo cảm giác tôn nghiêm và linh thiêng cho phần mộ. Và 18 ngọn đèn đó cũng tượng trưng cho 18 năm trời Bà được chung sống cùng chồng và các con yêu quý của mình.

Mỗi một công trình đều mang dấu ấn cuộc đời bà, điều làm chúng ta ngạc nhiên và xúc động, đó là phần mộ của bà được thiết kế như một bông sen cách điệu khổng lồ. Có phần đế sen, đài sen và tâm sen. Phần đế sen được làm bằng đá kim sa của Ấn Độ, đài sen được làm bằng đá trắng của Quỳ Hợp, Nghệ An. Tâm sen còn gọi là nhụy được chạm bông lộng hình chữ “Thọ”, theo quan niêm của dân gian là giao thoa âm dương đất trời.
Chúng ta còn bắt gặp hình ảnh đầm sen ở giữa bức phù điêu làm bằng đá trắng nguyên khối của Yên Bái ở phía sau phần mộ bà. Chạy viền xung quanh bức phù điêu là viền hoa văn cách điệu hình cánh sen. Vào buổi sáng, khi những ánh nắng ban mai chiếu vào, cả phần mộ của bà bừng lên một ánh sáng kỳ lạ như một đóa sen lung linh, tinh khiết đang tỏa hương thơm ngát. Cuộc đời thanh tao và cao đẹp của bà được ví như bông sen đó.

Bà Hoàng Thị Loan - đóa “sen đời” thơm ngát, qua bao khó khăn, thử thách để đạt đến chỗ khoáng đạt, tiếp tục vươn mình, khai nụ kết hoa, khoe sắc, xông hương …. Có lẽ mỗi du khách hành hương về đây, đắm mình trong không gian thuần khiết này, đều lắng sâu trong lòng mình một điều gì đó thiêng liêng, cao đẹp. Phải chăng nên giữ chặt cho mình sự trong sáng trước cảm dỗ của lợi danh dù ở hoàn cảnh nào.

Giỗ của bà vào dịp cuối năm (bà mất vào ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý, nhằm ngày 10.02.1901) là dịp để người dân thể hiện lòng tôn kính đối với bà, tri ân người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ những người ở gần, mà còn có những người vượt hàng chục, hàng trăm cây số để lên viếng mộ bà. Lễ vật thường là những sản vật được trồng, được làm bằng chính bàn tay họ với những tình cảm trân quý nhất như trái cây trong vườn nhà, chè, bánh, hoa… Bởi mỗi lần về với bà, cảm giác như được đón nhận những năng lượng vô hình, sự vuốt ve, chia sẻ, thấu hiểu, yêu thương vỗ về, quên đi những mệt mỏi, ưu phiền, những lo toan của cuộc sống. Tâm hồn cảm thấy rất thanh tịnh, nhẹ nhõm … những cảm xúc nuôi dưỡng tâm hồn không dễ gì có được.

Cuộc sống bộn bề, đôi khi những giá trị tinh thần bị lãng quên.Đóa “sen đời” ngày đêm vẫn lặng lẽ tỏa hương thơm ngát - hương thơm lan tỏa như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người dân chúng ta đoàn kết, bình tĩnh, tự tin, sáng suốt trong những chặng đường phía trước.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434995

Hôm nay

2266

Hôm qua

2349

Tuần này

21645

Tháng này

212043

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434995