Những góc nhìn Văn hoá

Ngòi bút Phan Đăng Lưu - Từ lao tù đế quốc đến phong trào vận động dân chủ 1936-1939

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 tại thôn Đông, xã Tràng Thành, tổng Quan Hóa (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi sản sinh nhiều danh nhân, anh hùng hào kiệt làm rạng danh cho quê hương, đất nước.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước lầm than bởi ách đô hộ của giặc ngoại xâm, chứng kiến cảnh khốn cùng của người dân nô lệ, người thanh niên ưu tú Phan Đăng Lưu đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động trong các tổ chức yêu nước đương thời lúc bấy giờ như: Hội Phục Việt (1925), phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (1925), là Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Tân Việt Cách mạng Đảng (1928)…

Tháng 9/1929, do bị chỉ điểm ở Hải Phòng, đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam ở Nhà lao Vinh. Dù đã dùng nhiều thủ đoạn nhưng không khai thác được thông tin gì, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí Phan Đăng Lưu mức án 7 năm tù khổ sai và 7 năm quản thúc theo bản án số 11 ngày 21/1/1930, Bản án được Viện Cơ mật chuẩn y theo quyết định số 94 và 146 ngày 7 và 27/3/1930. Cuối tháng 10/1930, đồng chí bị đày đi Buôn Ma Thuột([1]).

Về thông tin ngày kết án và số năm chịu án của đồng chí Phan Đăng Lưu, vẫn có nhiều tư liệu với số liệu khác nhau. Theo Phan Đăng Lưu: Tiểu sử - Tác phẩm, NXB. Thuận Hóa, 1998, tr.27; Phan Đăng Lưu Tiểu sử, NXB. Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2015,tr.100, đều thống nhất cho rằng ngày kết án đồng chí Phan Đăng Lưu là 21/11/1929.Cũng theo Phan Đăng Lưu: Tiểu sử - Tác phẩm, NXB. Thuận Hóa, 1998, tr.27; Phan Đăng Lưu Tiểu sử, NXB. Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2015, tr.100; Nghệ An - Những tấm gương cộng sản, tập 1, NXB. Nghệ An, 1998, tr.100, thống nhất cho rằng đồng chí Phan Đăng Lưu bị kết án 3 năm tù khổ sai.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả dựa theo Bản án được Viện Cơ mật chuẩn y, tài liệu gốc bằng tiếng Pháp, có đóng dấu đỏ do Léon Thibaudeau ký, được lưu tại Kho Kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm cung cấp đến độc giả, người nghiên cứu một nguồn tư liệu mới. Theo đó, đồng chí Phan Đăng Lưu bị Tòa án Nam triều kết án 7 năm tù khổ sai và 7 năm quản thúc theo Bản án số 2 ngày 21/01/1930 cùng với một số tên tuổi lãnh đạo cấp cao của Tân Việt cách mạng Đảng như: Tôn Quang Phiệt, Trần Đình Thanh...

Tài liệu tiếng Pháp của Viện Cơ mật về số năm chịu án đồng chí Phan Đăng Lưu

Nằm trong hệ thống lao tù đế quốc, nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nơi giam giữ và lưu đày biệt xứ khốc liệt nhất do thực dân Pháp dựng lên ở Việt Nam nhằm tiêu diệt lực lượng và đè bẹp ý chí chiến đấu của những đảng viên cộng sản trên toàn xứ Trung Kỳ. Đúng với tính chất nhà “đày”, âm mưu và tội ác của chúng không chỉ thể hiện rõ ở các chế độ ăn, ở, các hình phạt, hình thức khai thác tối đa sức lao động đối với tù nhân mà còn ở cả cách dùng người. Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi biểu hiện rõ ràng của âm mưu thâm độc “chia để trị” của thực dân Pháp. Tại đây, bên cạnh các sỹ quan người Pháp, địch sử dụng hầu hết cai tù là người ÊĐê bản địa.Thực dân Pháp lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ người Kinh - người Thượng đã tiêm vào đầu người dân bản địa hình ảnh xấu xa của những người tù cộng sản hòng chia rẽ dân tộc và biến cai ngục thành những cỗ máy canh gác, đánh đập người tù tàn nhẫn.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “… Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn…”([2]), không cam tâm trước những đòn roi, âm mưu của kẻ địch, đồng chí Phan Đăng Lưu và các đồng chí trong “Hội Tương trợ”([3]) đã linh hoạt biến hóa trong hoạt động để biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Nhận rõ âm mưu của thực dân Pháp, đồng chí Phan Đăng Lưu nhanh chóng học tiếng Ê Đêbằng cách ghi nhớ ngôn ngữ mỗi khi giao tiếp với binh lính người bản địa.Chỉ sau vài tháng, đồng chí đã sử dụng khá thành thạo tiếng Ê Đê và có thể dạy cho các đồng chí khác để mọi người có thể nói chuyện với số binh lính bản địa, cảm hóa họ. Về tư chất cần cù và thông minh của đồng chí Phan Đăng Lưu, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã nhận xét trên báo Tiếng dân số 757 ra ngày 02/01/1935: “… Ông là một người ham nghiên cứu: ở Buôn Mê Thuột có mấy năm, tiếng “mọi”, chữ “mọi” cho đến phong tục mọi, ông đều thông thạo. Những bạn trí thức làng Đê cũng phải kính nể”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết về đồng chí Phan Đăng Lưu trên báo Tiếng dân số 757 ra ngày 02 tháng 01 năm 1935

Để phục vụ các hoạt động chính trị tại nhà tù, công tác binh vận được đồng chí Phan Đăng Lưu đặc biệt chú ý. Với tư duy nhạy bén và ngòi bút đã được tôi luyện thời gian làm việc tại “Quan hải tùng thư”([4]), đồng chí Phan Đăng Lưu đã lập ra tờ báo bằng tiếng Ê Đê có tên “Yuăn - Ê đê” (tức là Kinh - Ê đê). Đây là tờ báo bí mật ra hàng tuần, vừa là công cụ giác ngộ binh lính người Ê Đê, vừa là tài liệu tuyên truyền nội bộ. Các bài viết nói về nỗi nhục mất nước; về quan hệ gắn bó giữa người Ê Đê và người Kinh cùng chung một nước; về những tấm gương yêu nước của tù nhân chính trị và sự cảm thông của chính các tù nhân cách mạng với những người Ê Đê bị ép buộc làm những điều mà họ không muốn… Những trang báo với ngôn ngữ ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu đã góp phần thức tỉnh lính canh người bản địa hiểu được bản chất của thực dân Pháp, khâm phục bản chất tốt đẹp, sự hi sinh cao cả của các tù nhân vì quê hương, đất nước và khiến mối quan hệ giữa người tù, lính canh bản địa được cải thiện rõ rệt.

Trong hoàn cảnh tù đày càng thiếu thốn, khó khăn về mọi thứ, ngòi bút của đồng chí Phan Đăng Lưu như càng có thêm lửa: “… anh đã nhặt từng mẩu báo cũ… Thậm chí có lúc đi làm khổ sai, thấy những mảnh giấy báo, những trang sách bẩn vứt trong bụi cây, anh cũng lượm về, rửa sạch, chắp lại…”([5]). Những bài viết về tinh thần đoàn kết dân tộc, những câu chuyện lịch sử, những gương hy sinh anh dũng dưới ngòi bút vừa sắc sảo vừa linh hoạt của đồng chí Phan Đăng Lưu đã trở thành phương tiện rèn luyện đạo đức, giác ngộ chính trị, hun đúc thêm ý chí chiến đấu cho các tù nhân. Ngòi bút của đồng chí Phan Đăng Lưu cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác đã góp phần cổ vũ, động viên anh em tù nhân trong những cuộc đấu tranh diễn ra mạnh mẽ và liên tục tại nhà đày Buôn Ma Thuột.

Không chỉ đấu tranh trong khuôn khổ lao tù, đồng chí Phan Đăng Lưu còn viết nhiều bài báo bằng tiếng Pháp, bí mật gửi ra ngoài để tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù và gây được nhiều sự chú ý của dự luận. Năm 1933, cai ngục bắt được bài báo bí mật đã tra tấn đồng chí rất tàn khốc:“… Anh Lưu viết một bài báo đưa cho tôi ra ngoài gửi đăng lên báo Công Luận Sài Gòn để tố cáo chế độ nhà tù dã man ở Buôn Mê Thuột. Song đưa được bài báo ra ngoài là khó… Tôi bàn để trong nón nhưng anh Lưu không đồng ý. Anh Lưu bàn với tôi thống nhất tháo đế dép ra cất kín, rồi đóng lại. Trước lúc chúng tôi ra về, chúng xét 3 lần rất kỹ càng. Từ mảnh xà phòng chúng cũng cắt nhỏ ra. Tôi đã yên chí lên xe ngồi, bỗng tên giám binh gọi tôi ra, chúng xé đôi dép ra, lấy ngay bài báo bằng giấy Pô-luya mỏng mà anh Lưu và tôi giấu…”([6]). Sau sự kiện này, đồng chí Phan Đăng Lưu “… bị kết án thêm 5 năm vì tội tối cáo nặc danh, sai và có ý xấu…”([7]).

Giữa năm 1936, phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ buộc thực dân Pháp phải thả một số tù chính trị Đông Dương, trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu. Ra tù, đồng chí Phan Đăng Lưu được Đảng tín nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Xứ ủy Trung Kỳ (1936), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1937), nhận nhiệm vụ phụ trách phong trào đấu tranh công khai, bán công khai ở Huế và Trung Kỳ. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, ngòi bút vừa mềm mại vừa sắc bén, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Bùi San… đã đưa cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Huế và Trung Kỳ giành được nhiều thắng lợi.

Huế là một trong những mặt trận được Đảng xác định vô cùng quan trọng bởi đây chính là trung tâm đầu não của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Nam triều lúc bấy giờ. Xác định báo chí là diễn đàn, là vũ khí phù hợp nhất trên mặt trấn đấu tranh công khai và bán công khai, dấu ấn, bản lĩnh cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu được thể hiện qua các vai trò thiên biến vạn hóa khác nhau: vừa xây dựng chỉ đạo các tờ báo, vừa trực tiếp viết bài, vừa đào tạo, đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là các tri thức trẻ. Với các bút danh Tân Cương, Phi Bằng, Đông Tùng, Mục Tiêu, Thương Tâm,… trên các tờ “Sông Hương tục bản”, “”Dân”, “Dân Tiến”, những bài xã luận, bình luận, tiểu phẩm mang tính giai cấp, tính chiến đấu của đồng chí Phan Đăng Lưu đã thể hiện xuất sắc quan điểm của Đảng, đồng thời phát động quần chúng đứng lên đấu tranh trong cuộc vận động Đông Dương Đại hội Trung Kỳ lúc bấy giờ. Đặc biệt, bài “Phơi gan trải ruột cho quốc dân biết” của tác giả Nghị Toét (bút danh của Phan Đăng Lưu) trên tờ “Sông Hương tục bản” số 4 ra ngày 10/7/1937 đã trực tiếp điểm mặt, chỉ tên những tay sai bán dân hại nước, đồng thời góp phần đưa 18 ứng cử viên là người của Đảng đắc cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ. Tiếp đó, những bài viết thể hiện tư duy, lý luận sắc bén của đồng chí Phan Đăng Đăng Lưu trên tờ báo “Dân” kết hợp hoạt động của Viện Dân biểu đã thúc đẩy phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức, bất công, đòi tự do ngôn luận của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động đấu tranh công khai, bán công khai đã đánh bại dự án Thuế thân và dự án Thuế điền thổ do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra, làm rung chuyển bộ máy cai trị ở chính nơi đầu não của chúng. Đánh giá về kết quả của cuộc đấu tranh thời kỳ này, Đảng ta đã nhận xét: “… Trong các cuộc tuyển cử ấy, các đồng chí ta đã đề xướng ra những bản chương trình hành động rất rõ rệt. Việc các candidats của ta ở Hà Nội, Sài Gòn và 18 candidats ở Trung Kỳ xu hướng về Mặt trận bình dân được đắc cử là những sự thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta…”([8]). Trong thành công ấy có những cống hiến hết sức quan trọng về tài lãnh đạo, chỉ đạo cũng như ngòi bút - vũ khí đấu tranh xuất sắc của đồng chí Phan Đăng Lưu.

Bài “Phơi gan trải ruột cho quốc dân biết” của tác giả Nghị Toét - Phan Đăng Lưu trên tờ “Sông Hương tục bản” số 4 ngày 10 tháng 7 năm 1937

Cùng với hoạt động báo chí sôi nổi, trong thời gian 1937-1939, đồng chí Phan Đăng Lưu còn cho ra mắt bạn đọc các tác lí luận chính trị, lí luận văn học có giá trị để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, truyền thống bất khuất của các bậc chí sĩ cho thế hệ đương thời và mai sau như: “Xã hội Tư bản”, “Thế giới cũ và Thế giới mới”, “Thơ văn các nhà chí sỹ Việt Nam”… Bản lĩnh cách mạng, ngòi bút sâu sắc của đồng chí Phan Đăng Lưu đã có ảnh hưởng sâu sắc đến những người hoạt động cách mạng ở Nghệ Tĩnh và Huế lúc đó như: Tôn Quang Phiệt, Trịnh Quang Xuân, Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh…

Cuối năm 1939, trong hoàn cảnh lịch sử mới, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương Đảng triệu tập và phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Gánh trên vai nhiệm vụ, trọng trách to lớn mới do Đảng giao phó, đồng chí Phan Đăng Lưu tiếp tục có nhiều đóng góp trong việc vạch đường lối, sách lược, chuyển hướng cách mạng của Đảng. Đồng chí Phan Đăng Lưu đã cùng với Xứ ủy Nam Kỳ đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới cho đến lúc ngã xuống tại ngã ba Giồng, làng Xuân Thới Tây, Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) vào ngày 26/8/1941.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu đã in dấu vào trang sử vàng của dân tộc về tinh thần kiên trung, trọn đời phấn đấu, hi sinh vì độc lập của dân tộc, ấm no của Nhân dân. Đặc biệt, từ lao tù đế quốc đến phong trào trào vận động dân chủ 1936-1939, tấm gương về sự tìm tòi, đấu tranh vượt lên mọi hoàn cảnh để biến ngòi bút trở thành vũ khí chiến đấu sắc bén của chiến sỹ - nhà báo cách mạng Phan Đăng Lưu luôn ngời sáng, có sức lay động và truyền cảm hứng đối với Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ./.

*Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

 


[1] Tôn Quang Phiệt: Về đồng chí Phan Đăng Lưu, một trí thức cách mạng kiên cường, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 147,1972, tr.11

[2]Hồ Chí MinhToàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 4-5

[3]Tháng 10/1932, những tù nhân cộng sản tại nhà đày Buôn Ma Thuột đã liên hệ với một số nhân viên y tế của nhà đày bí mật lập ra “Hội Tương trợ” với nhiệm vụ chính là giúp đỡ tù nhân bị ốm đau, động viên giữ vững tinh thần, cùng nhau phản đối khi bị đánh đập…

[4]Cơ quan xuất bản sách báo tiến bộ của Hội Hưng Nam

[5]Bùi San: Vài nét về anh Phan Đăng Lưu (Hồi ký), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 1978, số 4 (181), tr. 50.

[6]Đậu Khắc Hàm: Dưới ngọn cờ hồng, NXB. Nghệ An, 2019, tr.76-77.

[7]Thông tư mật của Chánh liêm phóng Trung Kỳ Sogny gửi Chánh mật thám tại Vinh tháng 10 năm 1933 theo Hồ sơ tiếng Pháp của đồng chí Phan Đăng Lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

[8]Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 6 (1936-1939), NXB Chính trị Quốc gia, 2000, Tr.273

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443565

Hôm nay

2123

Hôm qua

2333

Tuần này

21378

Tháng này

218739

Tháng qua

112676

Tất cả

114443565