Những góc nhìn Văn hoá

Sứ mệnh hòa giải, hòa hợp dân tộc của văn chương nhìn từ phương diện văn hóa

Người tiên phong mở đường

Đọc Di cảo Nguyễn Minh Châu (Nxb Hà Nội, 2009) chúng tôi chú ý đến một câu chuyện nhà văn ghi chép tháng 5 -1962, tại Thái Nguyên (được ghi chú là “Nhật ký kháng chiến chống Pháp”). Mẩu chuyện này có nhan đề giản dị Anh Yên và chị Chiều: “Yên và Chiều là hai chiến sỹ du kích. Yên bị bắt. Anh vận động chuẩn bị vượt trại giam trốn thoát nhưng không thành. Chúng nó bức anh đi lính. Anh nảy ra một kế: Đi lính rồi tìm cách trốn sang hàng ngũ ta. Anh vào lính đã có thời cơ trốn nhưng rùng rình muốn lôi kéo thêm được một số thì mới ra. Trong một trận phục kích, bất ngờ anh bị bắt. Yên trở thành tù binh. Yên rất khó xử. Ai hiểu cho hoàn cảnh của Yên? Anh muốn xung phong vào bộ đội, giết giặc lập công để tỏ rõ tấm lòng của mình, nhưng chính sách của ta chỉ nhận cho vào bộ đội những hàng binh mà không nhận tù binh. Qua một thời gian học tập chính sách khoan hồng của Chính phủ ở trại tù binh, anh được phóng thích trở về làng. Lúc này vợ anh đang làm Xã đội phó.Vợ anh khinh anh ra mặt, tuy ít nhiều vẫn còn tình yêu chồng. Mẹ anh thì vẫn yêu thương, nhưng có cái gì khác trước. Trong con mắt mẹ vẫn nhìn anh bằng cái nhìn những kẻ lầm lạc. Gia đình xóm làng cư xử với anh đúng như một tên ngụy binh. Họ không chửi mắng gì nhưng họ e dè, đối xử theo đúng chính sách. Anh sống trong cô quạnh, như một kẻ bị cuộc đời bỏ rơi. Một ý nghĩ táo bạo và nguy hiểm đến: ta sẽ vào lính Commanđô và từ trong lòng quân đội địch đầy tội ác ấy ta sẽ làm lại cuộc đời, để cho mọi người biết. Thế là anh đăng lính Commanđô. Ở tỉnh. Tụi địch nhận anh một cách tín nhiệm. Ba tháng sau anh đã gây được một tổ phản chiến tiến tới nhiều tổ. Và một đêm Yên lãnh đạo số binh lính giết chết tên chỉ huy cùng mười anh em vác súng trở về. Bên ta đón anh trở về như một người có công lớn. Đơn vị nhận anh vào bộ đội cùng số anh em anh vận động được. Trước khi gia nhập bộ đội anh được về thăm làng. Lúc trở về, mẹ anh đã chết. Trước lúc chết mẹ anh nguyền rủa anh ghê gớm và vợ anh đã bỏ đi, không ai biết là chị đi dâu. Có người nói chị đã thoát li để khỏi mang tiếng xấu với làng nước và đã lấy chồng khác. Thế là tan nát hết. Anh trở về gia nhập bộ đội và chiến đấu rất hăng với một động cơ điên rồ: để chết. Nhưng qua bao nhiêu trận đánh anh vẫn sống. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên đường hành quân đơn vị Yên bị máy bay bắn dữ, anh bị thương và được đưa vào quân y. Trong quân y viện anh gặp một người cán bộ phụ nữ dân công bị bom bị thương cụt cả hai chân và một mảnh đạn vào ngực, không ngờ người đó là Chiều, người vợ mà anh vẫn yêu và đi tìm. Người vợ cũng nhận ra anh. Anh đến ôm lấy Chiều. Nhưng chị vụt nhớ ra, chị ngồi nhổm dậy chỉ vào mặt anh và thét to cho mọi người biết: “Nó là thằng gián điệp chui vào bộ đội, không dè nó báo cho máy bay đấy, bắt lấy nó!”. Chị tắt thở. Yên lặng đi bên xác vợ, anh bước từng bước như người mất hồn ra ngoài khu rừng. Bên ngoài súng vẫn nổ giòn giã” (sđd, tr. 27-28). Thiết nghĩ, ghi chép này đã như một tác phẩm trọn vẹn, trong đó nhà văn muốn bằng văn chương “san lấp” cái hố ngăn cách lòng cựu thù gây nên bởi hoàn cảnh chiến tranh, muốn đặt một vấn đề về hòa giải hòa hợp xuất phát từ nhân tâm, từ truyền thống “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Mười một năm sau, trong nhật ký (13-5-1973), nhà văn Nguyễn Minh Châu vẫn đau đáu viết về chủ đề này: “Cái khổ cái chết giăng bẫy khắp mặt đất, khắp mặt trái đất này, không, nơi khác, người ta không sống thế. Hình như chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Tối qua một cậu bị bò cạp cắn phải cõng tới 52, 6 cậu ở Ái Tử bị một vụ nổ bom bi dứa, 1 cậu 19 tuổi sáng nay phải múc mắt. Sau chiến tranh mà người bị thương vẫn nằm la liệt trong các lán bệnh viện, nhưng xét cho cùng, cái chết chóc thương tật cũng không tác hại người ta ghê gớm bằng cái khổ sở, cái thiếu thốn, cái bệnh tật, cái nhếch nhác, cái buồn tủi, cái chia ly, cái chia lìa mẹ con, vợ chồng, cái mồ hôi và nước mắt vẫn chảy thành đại dương và cái máu chỉ là con sông. Hai bên, ai sẽ dám đứng ra thách thức đối phương một thái độ này: tất cả mọi công việc của mình làm để hướng về việc cho người dân bình thường đỡ bớt đi phần đau khổ. Ai sẽ nghĩ đến con người hơn một chút?” (chúng tôi nhấn mạnh, BTA, sđd, tr.295). Ngay trong chiến tranh, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nghĩ rất xa, đón đầu vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc khi đặt câu hỏi: “Hai bên, ai sẽ dám đứng ra thách thức đối phương một thái độ này…”. Câu hỏi nhức nhối ấy được các nhà văn tiếp tục trả lời trong sáng tác sau 1975.

Hai năm sau ngày hòa bình (30-4-1975), nhà văn Nguyễn Minh Châu ra mắt tiểu thuyết Miền cháy (Nxb Quân đội Nhân dân, 1977). Có thể nói, đây là tác phẩm văn chương đầu tiên sau 1975 viết về tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng ngôn ngữ văn chương/tiểu thuyết. Chủ đề của tác phẩm sáng rõ: Bước ra khỏi chiến tranh cũng khó khăn và đòi hỏi chúng ta phải có bản lĩnh như khi bắt đầu bước vào cuộc chiến. Vẫn cần ở mỗi người tinh thần cách mạng triệt để, đồng thời cũng cần ở mỗi người một tinh thần nhân đạo cao cả trong việc giải quyết những vấn đề của đời sống thời hậu chiến. Tư tưởng này được hòa quyện trong một câu chuyện thấm đẫm tinh thần của cái bi kịch (được hiểu như là một phạm trù mỹ học cơ bản). Đại đội trưởng Nghĩa hy sinh vào giờ phút chót của chiến tranh. Đó là những giờ phút tháo chạy của tàn quân địch. Vợ chồng Phu La (là Trung tá biệt động) đã thoát chết nhờ cõng theo đứa con nhỏ trên lưng (chính Đại đội trưởng Nghĩa tử trận vì viên đạn bắn lén của Phu La). Vợ chồng Phu La đã bỏ lại đứa con để dễ bề tháo chạy sau cú vấp ngã trên đường đào tẩu. Trèo lên được một chiếc tàu chở người di tản, chính vợ của Phu La bị tàn quân Ngụy bao vây hãm hiếp, còn Phu La thì bị ném lên bờ. Sau nhiều ngày lẩn trốn Phu La buộc phải ra trình diện trước Ủy ban Quân quản dưới một cái tên khác. Bé Sinh - con trai Phu La - được các chiến sỹ đại đội nuôi nấng, dĩ nhiên đã làm xáo trộn sinh hoạt và công tác của đơn vị. Người vợ cả của Phu La biết chuyện xin được đem Sinh về nuôi nhưng bị đơn vị từ chối. Bà Êm, mẹ đẻ của Nghĩa ở Triệu Phú, Quảng Trị lại chính là người sau đó được đơn vị gửi gắm nuôi dưỡng bé Sinh. Ban đầu đơn vị chỉ thông báo với mẹ Êm rằng Sinh là đứa trẻ bị lạc cha mẹ trong chiến tranh. Lúc này bà mẹ Êm vẫn chưa biết Nghĩa - đứa con trai cuối cùng đã hi sinh (chồng mẹ và 5 đứa con của mẹ lần lượt hi sinh). Sau này khi biết bé Sinh chính là con trai của kẻ đã ra tay bắn chết Nghĩa thì lòng bà mẹ tan nát. Mặc dù dằn vặt, đau khổ nhưng khi đơn vị ngỏ ý mang Sinh đi theo thì mẹ Êm vẫn một mực giữ bé Sinh lại nuôi nấng. Phu La sau khi trình diện đã được đưa vào trại cải tạo, sau đó trốn trại, bị bắt lại. Đầu óc Phu La sau những ngày cải tạo dần sáng ra. Hắn được điều động về vùng Chân Mây san lấp hố bom. Tại đây đã diễn ra cuộc “gặp mặt lịch sử” giữa mẹ Êm và cha con Phu La.Một cái kết “có hậu” theo truyền thống tâm lý dân tộc “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”. Mẹ Êm là một nhân cách lớn, một giá trị văn hóa của người Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh. Với mẹ, hy sinh lớn cũng là một hạnh phúc. Mẹ đích thực là một nhịp cầu hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc như một cách thức hòa nhập vào văn hóa thế giới

Đây là một chủ đề nhạy cảm và khó khăn thách thức nhà văn sáng tác. Khi tác giả Lê Lan Anh ra mắt tiểu thuyết Ở đất kẻ thù (Nxb Văn học, 2007) không phải không có những dư luận trái chiều trong đánh giá. Tiểu thuyết kể một câu chuyện trong chiến tranh tuy là hi hữu nhưng không phải là không phổ biến - đối xử với kẻ thù như thế nào khi họ là tù binh (lại là phi công Mỹ) trong tay ta? Trong một cuộc không kích miền Bắc, máy bay của thiếu tá James Mc- Clean (thường được gọi là Jim) bị bắn hạ và y bị bắt làm tù binh. Y được tạm giam giữ trong nhà ông Bi. Ông và cô con gái (tên Na) đã cứu chữa chăm sóc Jim chu đáo tận tình. Những giờ phút trong tay “Việt Cộng” đã làm cho đầu óc Jim sáng ra, ngộ ra bao điều mà từ trước tới giờ y bị “mù” (lại có lẽ do truyền thông Mỹ!?). Sau đó trên đường dẫn giải Jim lên địa điểm cần thiết theo yêu cầu của cấp trên, thì chính Jim và những người du kích trong đó có Na lại bị dính đạn của không lực Hoa Kỳ đến ứng cứu đồng đội. Lần đó, Na đã tử nạn ngay trước mắt Jim. Khi nhìn thấy ông Bi đau đớn ôm xác con gái, Jim bỗng nhiên ứ trào cảm xúc: “Tim Jim nhói lên. Hắn ước ao, một ước ao tột cùng, ngay lúc này đây, được thay thế người cha ấy dù chỉ trong một phút”. Trên đường bị dẫn giải đến nơi giam giữ mới, Jim ngộ ra: “Đối với đất nước này không bao giờ và chưa bao giờ có Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam, chỉ có một đất nước duy nhất mà đường vỹ tuyến 17 phi lý tạm thời chia cắt…Không một ai, một thứ vũ khí nào có thể chống lại sự quyết tâm và lòng tin của cả một dân tộc”. Ai đó nói, cái đẹp cứu rỗi giới. Nhưng lúc này, với Jim, thì có lẽ tình thương mới cứu rỗi được thế giới, trong đó có y. Nhà sử học Dương Trung Quốc trong Lời giới thiệu đã nhấn mạnh: “Khi nghiên cứu về những cuộc chiến tranh mà dân tộc Việt Nam đã từng trải thì có một hiện tượng khá đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ là sau một cuộc chiến tranh ác liệt và kéo dài, để lại rất nhiều hậu quả nặng nề cho cả hai quốc gia, thì cựu chiến binh của hai nước lại là cái cầu sớm nhất được dựng lên để góp phần tích cực vào quá trình hòa giải một cách có trách nhiệm và hiệu quả cùng với quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và sự hợp tác làm ăn của các nhà kinh doanh” (sđd, tr.195-196). Trong những lời được dùng làm Đề từ cho cuốn sách, chúng tôi chú ý đến lời của ngài Lester Pearson (Cựu Thủ tướng Canada[1897-1972], Giải Nobel Hòa bình 1957): “Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên, khi mà các nền văn minh khác nhau phải học cách cùng sống trong hòa bình, học hỏi lẫn nhau, nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của nhau; cùng nhau làm phong phú thêm cái vốn của những nền văn minh khác nhau. Đi ngược lại, thế giới nhỏ bé chật chội này chỉ còn lại sự hiểu lầm, căng thẳng, va chạm và thảm họa…Một trật tự thế giới dựa trên các nền văn minh là một bảo đảm an toàn nhất chống lại chiến tranh thế giới” (Wikipedia tiếng Việt).

Kết luận

Muốn bước vào quỹ đạo văn học thế giới, nhất thiết văn chương Việt Nam phải có những thay đổi quan trọng. Sẽ đến lúc chúng ta tự tin “xuất khẩu” để không mang tiếng “nhập siêu” văn hóa, trong đó văn chương đóng vai trò hết sức quan trọng. Những tác phẩm văn chương Việt Nam được giới thiệu ở nước ngoài gần đây sở dĩ được độc giả sở tại tiếp nhận là vì nó tiến đến gần “mẫu số chung” của nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình và công lý. Mẫu số chung đó là CON NGƯỜI được viết hoa. Nhà văn trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập cần thiết phải nỗ lực phấn đấu nâng tầm văn hóa của mình ngang với yêu cầu thời đại. Văn hóa là rường cột, chân đế của văn chương. Trong một ý nghĩa nào đó văn hóa và đạo đức trùng phùng nhau, nâng đỡ nhau, soi sáng nhau, phát tỏa nhau. Giao lưu văn hóa qua “kênh” văn chương luôn luôn có hiệu lực và hiệu quả./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443760

Hôm nay

211

Hôm qua

2307

Tuần này

21573

Tháng này

218934

Tháng qua

112676

Tất cả

114443760