Những góc nhìn Văn hoá

Công trạng của vua Gia Long trong việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa năm 1816: Nhìn từ công pháp quốc tế

Vua Gia Long. Ảnh Tư  liệu

Quá trình tổ chức khai thác, chiếm hữu và thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, bao gồm Trường Sa, được xúc tiến rất sớm từ thời các chúa Nguyễn ở thế kỷ XVII với các đội Hoàng Sa và Bắc Hải, diễn ra liên tục ngay cả dưới vương triều Tây Sơn, rồi đến đầu vương triều Nguyễn ở thế kỷ XIX thì được vua Gia Long tiếp nối. Mặc dù chỉ là hậu thế và chỉ kế tục công việc đã được thực hiện qua nhiều triều đại, nhưng dưới góc độ công pháp quốc tế, vua Gia Long mới là người có công trạng lớn lao nhất trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế cho Việt Nam về vấn đề xác lập chủ quyền của quốc gia đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được cộng đồng quốc tế công nhận.

Tại sao lại như vậy?

1. “Nguyên tắc chiếm hữu thật sự hữu hiệu” và “Phương thức thụ đắc lãnh thổ hợp pháp” theo công pháp quốc tế hiện nay

Theo pháp lý quốc tế/công pháp quốc tế hiện nay, “Nguyên tắc chiếm hữu thật sự hữu hiệu” và “Phương thức thụ đắc lãnh thổ hợp pháp” bao gồm các nội dung:

- Thứ nhất, về đối tượng chiếm hữu: Việc chiếm hữu thật sự chỉ hữu hiệu/hợp pháp đối với đối tượng là những vùng đất đai/lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ bị bỏ rơi/từ bỏ.

Lãnh thổ vô chủ là vùng đất (lãnh thổ) chưa được bất kỳ một quốc gia nào tuyên bố chủ quyền, hay là lãnh thổ chưa từng được đặt dưới sự quản lý của quốc gia nhất định nào; hoặc là lãnh thổ trước đó thuộc về một quốc gia khác, nhưng quốc gia này đã chấm dứt mọi hoạt động mang tính quyền lực nhà nước tại đây và không có ý định khôi phục lại chúng (bỏ rơi), hoặc tuyên bố từ bỏ chúng.

- Thứ hai, về chủ thể tiến hành chiếm hữu: Chiếm hữu thật sự hữu hiệu đòi hỏi chủ thể xác lập danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ phải có ý chí và tư cách quốc gia. Chỉ có Nhà nước mới là chủ thể của việc xác lập chủ quyền lãnh thổ, còn một cá nhân hay một tổ chức phi chính phủ không thể xác lập chủ quyền lãnh thổ cho chính họ, không thể làm thay chức năng Nhà nước.

- Thứ ba, về phương thức thụ đắc lãnh thổ hợp pháp: Phương thức thụ đắc lãnh thổ chỉ được coi là hợp pháp khi việc chiếm cứ diễn ra một cách hòa bình, và được thực hiện theo đúng cách thức mà pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ đòi hỏi là không dùng vũ lực để chiếm hữu.

- Thứ tư, tính liên tục của việc chiếm hữu: Yêu cầu về tính liên tục của việc chiếm hữu đòi hỏi quốc gia tuyên bố chủ quyền thể hiện được sự chiếm hữu tiến hành trong một thời gian đủ dài để có thể thực hiện các hành vi chủ quyền của quốc gia.

- Thứ năm, sự thể hiện thực sự hành vi chủ quyền của quốc gia: Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, đòi hỏi quốc gia tuyên bố chủ quyền chứng minh được rằng mình đã thực hiện hàng loạt hành động có tính quyền lực của Nhà nước trên phần lãnh thổ đã chiếm hữu.

- Thứ sáu, việc chiếm hữu phải được các quốc gia khác công nhận: Việc chiếm hữu một lãnh thổ của một quốc gia được xem là hợp pháp đòi hỏi phải được các quốc gia khác công nhận. Việc công nhận có thể thể hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm sự lên tiếng, ra tuyên bố công nhận từ cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan; hoặc các nước có liên quan im lặng, không lên tiếng phản đối.

Bảo đảm được 6 nội dung trên, việc chiếm hữu một lãnh thổ của một quốc gia mới được cấu thành trọn vẹn dưới góc độ pháp lý quốc tế.

2. Sự khác nhau căn bản theo công pháp quốc tế giữa vua Gia Long với các chúa/vua tiền nhiệm trong vấn đề chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa

Mặc dù các chúa/vua tiền nhiệm từ thế kỷ XVII đến gần hết triều vua Gia Long đã liên tục tổ chức khai thác, chiếm hữu và thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, bao gồm Trường Sa; nhưng chỉ từ năm 1816, việc thay đổi phương thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long mới tạo ra được sự đột phá về chất, để từ đó Việt Nam chính thức xác lập chủ quyền của quốc gia đối với quần đảo này một cách phù hợp với thông lệ và pháp lý quốc tế.

Sự khác nhau căn bản giữa vua Gia Long với các chúa/vua tiền nhiệm trong vấn đề này nằm ở 3 điểm:

Điểm thứ nhất, các chúa/vua tiền nhiệm trong mấy thế kỷ trước đã thành lập và sử dụng các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để hiện diện, khai thác, chiếm hữu, thậm chí thực thi một phần “quyền tài phán” của quốc gia như tịch thu của cải trên các tàu thuyền bị đắm ở Hoàng Sa. Bản thân vua Gia Long từ năm 1802 đến năm 1815 cũng làm như thế. Vấn đề nằm ở chỗ các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là những hội đoàn nghề nghiệp thuần túy, dù được tổ chức dưới dạng “dân binh” nhưng cũng chỉ mang tính chất dân sự, không thể thay thế Nhà nước hay đại diện Nhà nước tiến hành chiếm hữu, tuyên bố chủ quyền. Vì vậy, không thỏa mãn nguyên tắc chủ thể tiến hành chiếm hữu lãnh thổ phải là nhà nước của một quốc gia trong công pháp quốc tế.

Trong khi đó, bằng quyết định cử đội Thủy quân của triều đình Huế phối hợp cùng đội Hoàng Sa ra đo đạc, cắm mốc, dựng cờ ở quần đảo Hoàng Sa năm 1816; vua Gia Long đã làm thay đổi bản chất của vấn đề chiếm hữu, hoàn toàn thỏa mãn nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự hữu hiệu theo công pháp quốc tế là chủ thể tiến hành chiếm hữu lãnh thổ là Nhà nước.

Điểm thứ hai, khác với các chúa/vua tiền nhiệm, vua Gia Long - được tiếp nối bởi vua Minh Mạng và các hậu duệ, sau hành động chiếm hữu bằng Nhà nước ở quần đảo Hoàng Sa năm 1816 đã liên tục thực hiện hàng loạt hành động có tính quyền lực của Nhà nước trên phần lãnh thổ đã chiếm hữu, như đo đạc thủy trình, xây cất, kiểm soát thuế quan, vẽ bản đồ để quản lý và khẳng định chủ quyền... Điều này hoàn toàn thỏa mãn nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự hữu hiệu theo công pháp quốc tế là thể hiện thực sự hiệu quả hành vi chủ quyền của quốc gia.

Điểm thứ ba, sự kiện chiếm hữu về mặt Nhà nước ở quần đảo Hoàng Sa năm 1816 của vua Gia Long sau đó được nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng công nhận thông qua các công trình về địa lý, còn các quốc gia liên quan thì im lặng hoặc không lên tiếng phản đối. Điều này hoàn toàn thỏa mãn nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự hữu hiệu theo công pháp quốc tế là việc chiếm hữu được các quốc gia khác công nhận.

Qua quá trình tìm kiếm, thu thập và nghiên cứu lâu dài, tính đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã biết đến những bằng chứng hết sức thuyết phục, đó là các công trình quốc tế về địa lý thế giới ấn hành trước năm 1909 (thời điểm chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa nhảy ra tranh chấp bất hợp pháp) công nhận tuyên bố chiếm hữu về mặt Nhà nước ở quần đảo Hoàng Sa năm 1816 của vua Gia Long, xuất bản tại 8 quốc gia là Anh, Đức, Ấn Độ, Pháp, Bohemia, Nga, Italia, Tây Ban Nha, gồm 6 loại ngôn ngữ là Anh, Đức, Pháp, Nga, Italia, Tây Ban Nha. Cụ thể như sau:

TT

Tác giả/tên công trình/nơi và nhà xuất bản

Năm XB

Quốc gia

01

Crawfurd (John), Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China; exhibiting a view of the actual state of those kingdoms, London: Henry Colburn, New Burlington Street.

1828

Anh

02

Crawfurd (John), Journal of an Embassy: from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China; exhibiting a view of the actual state of those kingdoms,Second Edition, London: H. Colburn and R. Bentley.

1830

Anh

03

Crawfurd (John), Tagebuch der Gesandtschaft an die Höfe von Siam und Cochin-China, Aus dem Englischen, Weimar: Im Verlage des Großh. Sächs. priv. Landes-Industrie-Comptoirs.

1831

Đức

04

Dubois de Jancigny (Adolphe Philibert), L'Univers pittoresque, ou Histoire et Description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs, coutumes, industrie, Paris: Firmin Didot Frères, Éditeurs.

1850

Pháp

05

Эйрiè (Eyriès), Живописное путешествіе по Азіи, Переводъ Е. Корша, Изданіе А. С. Ширяева, Томъ третій, Москва: Типографiи Николая Степанова.

1840

Nga

06

Eyriès (Jean Baptiste Benoît), Voyage pittoresque en Asia et en Afrique: résumé général des voyages anciens et moderns, Paris: Chez Furne et Ce, Libraires Éditeurs.

1839

Pháp

07

Eyriès (Jean Baptiste Benoît), Voyage pittoresque en Asia et en Afrique: résumé général des voyages anciens et moderns, Paris: Chez Furne et Ce, Libraires Éditeurs.

1841

Pháp

08

Eyriès (G. B.), Viaggio pittoresco in Asia ed in Africa. Rissunto generale dei viaggi antichi e moderni, Parte Prima, Prima traduzione italiana di Silvestro Bandarini, Venezia: Nazionale di G. Antonelli Ed..

1856

Italia

09

Gundry (R. S.), China and her neighbours: France in Indo-China, Russia and China, India and Thibet, London: CHAPMAN and HALL, Ltd..

1893

Anh

10

Hoffmann (Wilhelm), Encyklopädie der Erd-, Völker- und Staatenkunde, Erster Band, A bis I, Leipzig: Arnoldische Buchhandlung.

1862

Đức

11

J. G. Cotta’schen Buchhandlung, Das Ausland. Ein Tagblatt für Kunde des geistigen und sittlichen Lebens der Völker, mit besonderer Rücksicht auf verwandte Erscheinungen in Deutschland, Dreiundzwanzigster Jahrgang - 1850. April, Stuttgart und Tübingen: Verlag der J. G. Cotta’schen Buchhandlung.

1850

Đức

12

Negri (Cristoforo), Del vario grado d'importanza degli stati odierni, Milano: Dalla tipografia di Giuseppe Bernardoni di Gio.

1841

Italia

13

Orbigny (Alcide Dessalines de), Eyriès (Jean Baptiste Benoît), Viaje pintoresco á las dos Américas, Asia y África, Tomo III,Barcelona: Imprenta y Libreria de Juan Oliveres.

1842

Tây Ban Nha

14

Ritter (Carl), Die Erdkunde von Asien- Band III, Der Süd-Osten von Hoch-Asien, dessen Wassersysteme und Gliederungen gegen Osten und Süden (Die Erdkunde im Verhältniß zur Natur und zur Geschichte des Menschen, oder allgemeine vergleichende Geographie, als sichere Grundlage des Studiums und Unterrichts in physikalischen und historischen Wissenschaften.Vierter Theil, Zweites Buch. Asien, Band III), Zweite stark vermehrte und umgearbeitete Ausgabe, Berlin: Gedruckt und verlegt bei Georg Reimer.

1834

Đức

15

Royal Geographical Society, The Journal of the Royal Geographical Society of London, Volume 19, London: John Murray.

1849

Anh

16

Sommer (Johann Gottfried), Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse. Eine Übersicht des Neuesten und Wissens-würdigsten im Gebiete der gesammten Länder- und Völkerkunde, Für 1839, Prag: J. G. Calve’sche Buchhandlung.

1839

Bohemia

17

Taberd (Jean-Louis), “Note on the Geography of Cochin China”, The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Volume VI, Part II, No. 69 - September 1837, Calcutta: Printed at the Baptist Mission Press, Circular Road.

1837

Ấn Độ

3. Tính bất hợp pháp trong tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Hoa năm 1909

Sau 93 năm kể từ sự kiện năm 1816 vua Gia Long tiến hành chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa về mặt Nhà nước và được cộng đồng quốc tế công nhận, các nước liên quan im lặng hoặc không lên tiếng phản đối; thì đến năm 1909, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Hoa bắt đầu nhảy vào tranh chấp với Việt Nam bằng việc đem tàu ra cắm cờ tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa. Hành động đó hoàn toàn bất hợp pháp dưới góc độ pháp lý quốc tế, căn cứ vào các điểm sau:

Thứ nhất, quần đảo Hoàng Sa không phải là lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ bị từ bỏ/bỏ rơi. Đây là phần lãnh thổ được Việt Nam chiếm hữu từ lâu đời, và đã được công nhận chính thức về mặt pháp lý quốc tế từ năm 1816 thời vua Gia Long, được quản lý và thực thi chủ quyền liên tục về mặt Nhà nước trải từ thời Nguyễn sang thời Pháp thuộc. Điều này vi phạm nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự hữu hiệu theo công pháp quốc tế về đối tượng chiếm hữu phải là những vùng đất đai/lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ đã bị bỏ rơi/từ bỏ.

Thứ hai, hành động tuyên bố chiếm hữu của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa không được các nước trên thế giới công nhận, đặc biệt là bị các quốc gia liên quan lên tiếng phản đối, mà trực tiếp là sự phản đối của Chính phủ Bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, thực thể kế tục chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam từ triều Nguyễn bằng những hiệp ước có giá trị quốc tế. Điều này vi phạm nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự hữu hiệu theo công pháp quốc tế về chiếm hữu phải được các quốc gia khác công nhận, hoặc các nước có liên quan im lặng, không lên tiếng phản đối.

Thứ ba, các nội dung khác trong nguyên tắc chiếm hữu thật sự hữu hiệu theo công pháp quốc tế vềtính liên tục của việc chiếm hữu có thời gian đủ dài để có thể thực hiện các hành vi chủ quyền của quốc gia; và sự thể hiện thực sự hành vi chủ quyền của quốc gia bằng hàng loạt hành động có tính quyền lực của nhà nước trên phần lãnh thổ đã tuyên bố chiếm hữu… của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa đều không được thỏa mãn.

Nói tóm lại, việc tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Hoa năm 1909 hoàn toàn bất hợp pháp trước công pháp quốc tế; bởi hiệu lực từ sự kiện tuyên bố chiếm hữu chính thức quần đảo Hoàng Sa về mặt Nhà nước năm 1816 của vua Gia Long đã được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận công khai, chính quyền Trung Hoa (được xem là quốc gia có liên quan) cũng đã hoàn toàn im lặng, không hề phản đối suốt gần cả thế kỷ.

Như vậy,việc tổ chức khai thác, chiếm hữu và thực thi chủ quyền quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xúc tiến liên tục kể từ thời các chúa Nguyễn ở thế kỷ XVII; nhưng dưới góc độ công pháp quốc tế, vua Gia Long mới là người có công lớn nhất trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế cho Việt Nam về vấn đề xác lập chủ quyền của quốc gia đối với những quần đảo này. Lợi thế của cuộc tranh chấp pháp lý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hiện nay của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là để bác bỏ tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Hoa năm 1909, một phần lớn dựa vào thành quả có được từ tuyên bố chiếm hữu chính thức về mặt Nhà nước thời vua Gia Long năm 1816, được quốc tế công nhận.

Dựa trên công pháp quốc tế, có thể khẳng định đóng góp của vua Gia Long trong vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của quốc gia nói chung, xác lập và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa nói riêng là hết sức quan trọng và vô cùng lớn lao đối với vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Toàn bộ những điều phân tích nói trên là một thực tế cần được lịch sử công nhận đúng mức về một trong những cống hiến quan trọng đối với quốc gia, dân tộc của vị hoàng đế mở đầu triều Nguyễn./.

                                                                                     N.Q.T.T.

* NNC

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441690

Hôm nay

290

Hôm qua

2317

Tuần này

21594

Tháng này

216864

Tháng qua

112676

Tất cả

114441690