Những góc nhìn Văn hoá

Lễ giỗ, cúng thần cây và người Thái “dịch chuyển”

Lễ Pủ Xừa của người Thái ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An

Chú em họ con bà cô bảo tôi sắp tới ngày giỗ bố và tính sẽ làm mấy mâm cơm mời họ hàng để tưởng nhớ người quá cố. Tôi nghe có hơi ngạc nhiên. Chú ấy bảo khi còn sống, ông dượng tôi cũng có làm giỗ cho ông nội. Đã thành lệ, không bỏ được.

Lễ cúng giỗ thì có gì phải ngạc nhiên. Người ta vẫn hay bảo nhau sống tết chết giỗ là lệ thường mà. Tôi biết thế, nhưng đúng là có hơi ngạc nhiên.

Người Thái không ăn rằm tháng bảy

Người Thái chúng tôi chẳng mấy ai làm lễ giỗ. Chỉ những dòng họ có nguồn gốc từ người Kinh may ra có lệ này. Trước kia, vì nhiều lý do như trốn sưu thuế, chạy trốn sự truy sát của triều đình như dòng họ Trịnh, họ Mạc từng một thời mấy trăm năm làm chúa làm vua nay cũng có những chi, nhánh họ Trịnh, họ Mạc người Thái ở miền núi xứ Nghệ. Họ Nguyễn Cảnh mạn Diễn Châu, Đô Lương lên miền ngược cũng thành họ Nguyễn Cảnh, họ Vi người Thái ở Con Cuông… Khi đã sống cùng người bản địa qua vài thế hệ là… Thái hóa, tục lệ xưa cũ cũng dần phai nhạt. Người ta hầu như chỉ giữ lại dòng họ của mình, chưa kể một số cải sang họ người Thái, theo phong tục dân bản. Họ chỉ nhớ được nguồn gốc của mình từ những câu chuyện kể hoặc một số vẫn nhớ, chỉ là nhớ được gia phả mà chẳng còn mấy ai ghi chép. Còn chú em tôi làm giỗ cho cha vì trước đây nghe đâu gia đình có đi xem bói với ông thầy người Kinh. Ông này phán cần có lễ giỗ nên gia đình về làm và thành lệ. Chuyện người Thái có gốc Kinh hay học theo những tập tục người miền xuôi vẫn ăn rằm tháng bảy. Nhưng chỉ ở một số địa phương như huyện con Cuông (Nghệ An), người Thái có tục ăn rằm tháng sáu, tháng bảy.

 

Lễ cúng rằm tháng bảy của người Thái ở bản Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.

 

Những khảo sát của tôi trong bài viết nhỏ này chủ yếu ở các khu vực cư trú của người Thái ở Nghệ An. Qua chuyện trò với các cụ cao niên thì người Thái ở Tây Bắc cũng không có lễ cúng giỗ. Thế nhưng người Thái ở Nghệ An lại có ngày kị. Vào ngày tháng mà người thân mất như ông bà nội, cha mẹ người ta không làm những việc quan trọng như làm nhà, cưới hỏi, thậm chí là xuống giống, gieo hạt. Vì đó là ngày thương đau, ngày buồn và người ta chỉ muốn nghỉ ngơi. Đó cũng có thể như là một cách người ta tưởng niệm, ghi nhớ về ngày mất của thân nhân. Tất cả chỉ có vậy mà không có lễ giỗ.

 

Người Thái “xịn” vốn dĩ cũng không ăn rằm tháng bảy. Một bài về lịch của người Thái ở Nghệ An cũng như người Thái trên toàn quốc do Quán Vi Miên, một nhà nghiên cứu văn hóa bản địa là người Thái quê gốc huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thực hiện trước đây từng đăng trên Tạp chí Văn Hóa Nghệ An năm 2014 cho thấy cộng đồng người Thái từng sử dụng một lịch riêng có nguồn gốc từ Myanmar. Lịch này cách âm lịch 6 tháng. Vì thế, tháng 7 âm lịch trùng với tháng đầu tiên trong năm mới theo lịch Thái (lai nham). Bài viết này cũng có nói rằng người Thái vốn dĩ cũng chẳng ăn Tết Nguyên đán. Cộng đồng có những ngày hội riêng của mình là cúng bản, cúng mường.

 

Là tháng đầu tiên trong năm, đáng nhẽ phải là tháng “ăn chơi” lễ hội. Cũng có điều này, nhưng không nhiều. Một vài tài liệu có thể tìm thấy trên các báo mạng thì từ lâu cư dân người Thái ở Sơn La vẫn duy trì một lễ hội là Tết “Xíp Xí” nghĩa là ngày 14. Tên gọi cũng là ngày làm lễ hội, vào 14 tháng 7 âm lịch và còn gọi là Tết “trẻ con” vì là ngày lễ dành cho các em nhỏ. Đây có thể coi là lễ hội đầu tiên trong “năm mới” theo lịch cũ của người Thái.

 

Liên quan đến Tết “Xíp Xí” có câu chuyện như sau: Xong mùa màng, người lớn làm lễ “gác cày bừa” và được ăn uống no say trong khi trẻ con phải lên rừng thả trâu. Vì không được quan tâm nên bọn trẻ bàn nhau rọ mõm lũ nghé lại để chúng cũng chẳng được ăn uống gì. Khi lùa đàn trâu về người lớn mới hỏi vì sao trâu đực, trâu cái đều no căng mà bụng lũ nghé thì bị rọ mõm thế kia. Trẻ con mới vặn lại: “Lễ gác cày bừa người lớn được ăn no mà trẻ con phải lên rừng chăn trâu. Trẻ con cũng như nghé con thôi, cũng cần ăn uống chứ. Nếu trẻ không được ăn thì bọn nghé cũng chẳng nên ăn làm gì”. Người lớn hiểu ra và định ra một ngày Tết riêng cho trẻ em vào 14 tháng 7 âm lịch.

 

Truyền thuyết thường là cách giải thích những tập tục, các nét văn hóa, thậm chí là tên gọi những vùng đất. Điều này khá phổ biến với người Thái và tôi sẽ đề cập những truyền thuyết như thế này trong phần sau. Với Tết Xíp Xí, ngoài là dịp vui dành cho trẻ con thì người ta cũng có những lễ cúng cho thần linh mà món thịt vịt là thứ “không thể thiếu”.

 

Ông Cà Văn Chung, một người nghiên cứu văn hóa người Thái trú tại TP. Sơn La chia sẻ thêm, với người Thái ở huyện Phù Yên, Tết Xíp Xí chủ yếu dành cho trẻ con thì ở huyện Quỳnh Nhai hay người Thái Đen ở Điện Biên, tỉnh Lai Châu, Mường Lò (Nghĩa Lộ - Yên Bái) thì Tết Xíp Xí là lễ hội lớn.

 

Tục “kiêng trời” và mùa hội hè tháng tám

 

Ấy thế mà với người Thái ở Nghệ An, tháng 7 âm lịch là tháng kiêng kỵ. Người ta không làm những việc quan trọng như làm nhà, cưới vợ vào dịp này. Người Thái ở huyện Con Cuông kiêng thắp đèn ở gian có bàn thờ gia tiên từ 10 tháng 7 đến 10 tháng 8 âm lịch. Người ta cho rằng tháng này ma nhà đã về trời, không còn ở lại bảo vệ, cai quản ngôi nhà nên cần giữ yên lặng. Các thần linh cai quản nhà cửa, đất đai, bảo vệ con người sẽ trở lại vào tháng 8, lúc đó mới được thắp đèn. Tuy nhiên, từ khi huyện Con Cuông có điện lưới quốc gia vào năm 1995, vì nhu cầu thắp sáng cho căn nhà, nhiều nơi đã bỏ tập tục này.

 

Người Thái ở khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An gọi tháng 7 âm lịch là tháng “cắm phạ”. Dịch nôm là “kiêng trời”. Ông Lương Bá Viện, một người nghiên cứu văn hóa người Thái ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) gọi là tháng để tang ông trời. Ông viện dẫn một bài ca dao nói rằng trời sinh ra trong tháng thứ 2 trong năm, theo lịch cũ của người Thái và chết đi vào tháng cuối năm. Người ta sẽ để tang ông trời trong tháng giêng (lịch xưa, tức tháng 7 âm lịch). Khi ông trời sống lại, người trần sẽ tổ chức lễ hội. Đó là một cách giải thích đơn giản vì sao người Thái ở Nghệ An có nhiều lễ hội vào tháng 8 âm lịch.

 

Lễ hội Bươn Xao, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, Nghệ An

 

Xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ là vùn giáp ranh với các huyện Anh Sơn, Quỳ Hợp và Con Cuông - nơi có thành Trà Lân từng xảy ra trận đánh lớn đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1424. Đây cũng là một trong những sự kiện được chính quyền địa phương lấy làm căn cứ cho lễ hội “Bươn Xao” (nghĩa tiếng Thái là ngày 20). Lễ hội bắt đầu được tổ chức ở quy mô lớn từ năm 2017 dựa trên tục lệ xưa của người Thái bản địa và việc người dân ăn mừng sau chiến thắng Trà Lân. Nhưng theo một số tài liệu trích dẫn lại Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó có sách Địa chí huyện Tương Dương do Ninh Viết Giao biên soạn cho thấy trận công thành Trà Lân diễn ra vào mùa đông, tháng 11 năm Giáp Thìn (cuối 1424), sau thời điểm có lễ hội Bươn Xao hiện tại hơn 2 tháng. Phải chăng người dân tổ chức ăn mừng vào những năm sau và chọn một ngày ngẫu nhiên, ngày đẹp làm lễ. Theo các sử liệu thì đến nửa năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển hoạt động xuống Đông Bắc Thanh Hóa - Nghệ An và tiến ra phía Bắc.

( Bài đăng trên Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 06/2022)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443422

Hôm nay

2313

Hôm qua

2305

Tuần này

21235

Tháng này

218596

Tháng qua

112676

Tất cả

114443422