Những góc nhìn Văn hoá

Quốc ngữ trong chương trình tiểu học thời Pháp thuộc

                                                                                    Ôn cái cũ biết cái mới

Ngày 21.12.1917, Toàn quyền Ðông Dương Albert Sarraut ký nghị định ban hành bản Règlement général de l’Instruction publique (qua từ ngữ Hán-Việt dịch ra là Học-chính tổng-qui ) gồm có 558 điều, chia làm 7 thiên, định ra những qui tắc chung cho việc học trên suốt cõi Ðông Dương. Nói cách khác thì bộ Học qui đặt ra một nền tảng giáo dục thống nhất không những cho ba xứ Nam, Trung, Bắc của Việt Nam mà còn cho cả hai nước Cao Miên và Lào. Báo Nam Phong số 12, juin 1918, tr. 323-342, có bài luận thuyết bàn về bộ Học qui này.

Một trong những qui tắc đáng lưu ý trong Học chính Tổng qui là các môn trong chương trình tiểu học đều phải dạy bằng tiếng Pháp cả ; tiếng bản xứ phải nhường chỗ cho tiếng Pháp được dùng làm ngôn ngữ thường dụng ngay ở các lớp đầu cấp tiểu học. Ðịa vị lu mờ, nếu không nói là tắt lịm dù là ở cấp vỡ lòng sơ học của tiếng Việt, của một ngôn ngữ được mệnh danh là quốc ngữ trên toàn cõi Việt Nam, đã gây ra một luồng dư luận xin xét lại vấn đề.
1. Phản ứng về việc giáo dục ở cấp tiểu học
Nguyễn Khắc Khiêm bàn về Vấn-đề việc học nước ta bây giờ (Nam Phong số 48, juin 1921, tr.507), đã viết: "Phải có cái bằng tiểu học về quốc-ngữ để làm cách giáo dục có cái tư-cách quốc-dân đã, không phải là bắt đầu đi học chữ Pháp ngay được..."
Trong Tập kỷ-yếu của Hội Khai-trí Tiến-đức (NamPhong số 65, novembre 1922, 411-417), có đoạn nói :
 "… Cứ như thế thì sự học ở các trường sơ-học (tức là trường Pháp-Việt) của Chính-phủ bây giờ không bao giờ đạt được cái mục-đích ấy: học-trò trong mấy năm ở nhà trường chỉ nhồi óc bằng những tiếng tây mập-mờ không hiểu rõ, còn nghĩa-lý không biết một tí gì cả, thậm chí những người thuần học tiếng tây ở các trường Chính-phủ đối với xã-hội đã mang tiếng là người ngây-ngô nhố-nhăng. Nay muốn trừ sự hại đó thời phải xin Chính-phủ thay đổi hẳn cái học chế về bậc sơ-học, lấy chữ quốc-ngữ làm chữ chính, chữ Pháp làm chữ phụ và tốt-nghiệp thời thi một cái bằng "tiểu-học-tốt-nghiệp bằng quốc-ngữ", gọi là bằng khoá-sinh [...] — Ông Trần Trọng-Kim nói rằng ông đi thanh-tra các trường thường có nơi vào hỏi học-trò bằng tiếng An-nam rằng: "Ở đây có học Nam-sử không?", học-trò trả lời rằng: "Không, chúng tôi chỉ học Histoire d’Annam mà thôi!"; coi thế thời biết sự học sai-lầm là dường nào ! [...] — Quan Hoàng Trọng-Phu nói rằng ngài thường đi xem các trường học nhà quê, thấy có nơi dạy thuần chữ tây cả, ngài hỏi thầy giáo cớ làm sao, vì trong học-qui đã nói rõ rằng các trường nhà quê không cưỡng-bách phải học chữ tây, thầy giáo trả lời rằng phải theo trong Học-báo của Chính-phủ phát cho, mà trong Học-báo có bài chữ tây. [...] Cả hội-đồng (quản-trị Hội Khai-trí tiến-đức, chú thêm, NPP ) [...] quyết-định làm một tờ thỉnh-cầu lên quan Thống-sứ Bắc-kỳ, đại-khái nói rằng:" Xét ra sự sơ-học cho con trẻ An-Nam bây giờ, tuy có chia ra trường yếu-lược nhà quê không dạy chữ tây và trường kiêm-bị dạy thuần chữ tây, nhưng kỳ-thực đâu đâu cũng khuynh-hướng dạy chữ tây hết ; — Xét ra bậc sơ-học phổ-thông trong một nước mà dạy bằng một tiếng ngoại-quốc như thế, là sai cách và chỉ khiến con trẻ học truyền-khẩu như con yểng mà thôi ; — Xét ra cách học như thế lại có điều bất-lợi về đường chính-trị và xã-hội nữa, là khiến cho trong dân-gian không khỏi được cái mơ-mộng cho con học tây là chỉ mong để làm việc nhà nước, và mỗi năm số học-trò tốt-nghiệp tiểu-học chữ tây có ngoại nghìn, trong số ấy bất-quá vài trăm được vào trường trung-đẳng, còn thời vì học ít tiếng Tây tưởng ngoài đường làm thuê cho nhà-nước không có nghề-nghiệp gì xứng-đáng nữa, thành một hạng người dở-dang, hại cho xã-hội ; — Xét tình-hình như thế thời dẫu Chính-phủ có hết sức mở-mang sự học mà cách dạy học như thế thật là không có kết-quả tốt về đường giáo-dục con trẻ ; — Bởi các lẽ trên, Hội Khai-trí thỉnh cầu quan Thống-sứ mấy điều như sau này: — 1) xin cho dạy bậc tiểu-học bằng quốc-ngữ hết cả, tiếng Pháp sẽ dạy phụ như tiếng ngoại-quốc ; — 2) xin bậc tiểu-học ấy sẽ có một cái thi tốt-nghiệp bằng quốc-ngữ, gọi là thi Khoá-sinh; — 3) xin trên bậc tiểu-học đặt những lớp dự-bị dạy tiếng Pháp ít là hai năm cho những học-trò nào có tư-cách học lên lớp trung-đẳng ; — 4) xin Chính-phủ đặt một hội-đồng cải-lương bậc tiểu-học để xét về các phương-cách thi-hành mấy điều như trên đó là những điều hết-thảy người trí-thức trong dân An-Nam đều mong-mỏi cả, nhất là xét về cách làm sách giáo-khoa bằng quốc ngữ, cải-định chương-trình mới và luyện-tập các thầy-giáo mới."
Trước phản ứng, thỉnh cầu của các giới cấp, và nhất là trước sự thất bại quá rõ trên thực tế của chương trình giáo dục bậc tiểu học, Toàn Quyền Ðông Dương lại ra nghị định 18.9.1924 sửa đổi lại ba điều 134, 135 và 136 trong Học-chính Tổng-qui. Việc sửa đổi này được thông báo trong Nam Phong số 87, septembre 1924, trong bài Mấy sự cải-cách trong học-giới, trang 185:
" Ðiều 134. — Lý-ưng thì các món tiểu-học phải dạy bằng tiếng Pháp cả.
" Song vì lẽ thực-tế thì dùng tiếng bản-xứ để dạy ba lớp bậc tiểu-học. [...]
" Ðiều 135. — Ðặt ra một cái "bằng sơ-học yếu-lược" để chuẩn-chứng cho sự học trong ba lớp đầu bậc tiểu-học. [...]
" Ðiều 136. — Phàm học-trò ứng-thí bằng "tiểu-học tốt-nghiệp" tất phải có bằng "sơ-học yếu-lược bằng tiếng bản-xứ" như điều trên đã định mới được. "
" Nói tóm lại là trong ba lớp dưới tiểu-học, bất-phân là trường nhà quê hay trường kẻ chợ, trường yếu-lược hay trường kiêm-bị, từ nay trở đi đều phải dạy bằng tiếng An-Nam cả, học hết ba lớp ấy phải thi lấy một cái bằng tức như bằng "tuyển-sinh" năm xưa, học-trò nào có bằng ấy mới được lên lớp nhì lớp nhất và ra thi "tiểu-học tốt-nghiệp".   
Như vậy từ tiếng Việt dưới dạng chữ nôm là một bà con nghèo đối với chữ Hán đến tiếng Việt qua chữ quốc ngữ là tiếng nói của thứ dân, tiếng Việt bây giờ tiến được một bước đáng kể, trở thành ngôn ngữ giáo dục ở cấp tiểu học, một địa vị hẳn là còn khiêm tốn nhưng không kém phần quan trọng. Trong khi chờ đợi tiếng Việt bước vào ngưỡng cửa đại học năm 1945 trong một nước Việt Nam độc lập, cái bằng sơ-học yếu-lược đánh dấu sự thắng lợi lớn của tiếng Việt trước sức chèn ép lần lượt của chữ Hán và của tiếng Pháp. 
Nhiệm vụ nặng nề sắp tới là làm sao đặt một chương trình, soạn thảo một bộ sách giáo khoa để dạy tiếng Việt một cách thích đáng và hữu hiệu ở ba năm đầu cấp tiểu học. Xét đến mục này không thể không nhắc đến mấy tập Quốc-văn Giáo-khoa Thư trong bộ Việt-Nam Tiểu-học Tùng-thư.
2. Sách Quốc-văn Giáo-khoa Thư (QVGKT)
Sách QVGKT gồm ba tập, dùng cho lớp đồng-ấu (tập I), lớp dự-bị (tập II), lớp sơ-đẳng (tập III). Trên bìa ấn bản 1941, in lần thứ 14, cuốn QVGKT lớp đồng-ấu mà chúng tôi sử dụng có ghi rõ là "Sách này do Nha Học-Chính Ðông-Pháp đã giao cho ông Trần-Trọng-Kim, ông Nguyễn-Văn-Ngọc, ông Ðặng-Ðình-Phúc và ông Ðỗ-Thận soạn [1]"
Trên bìa QVGKT lớp đự bị in 1948, có ghi Lecture (Cours Préparatoire) và QVGKT lớp sơ đẳng, 1948, Lecture (Cours Elémentaire) ; cả hai tập đều có chua Rectorat de l’Université Indochine. Tous droits réservés.
QVGKT xuất bản lần đầu tiên năm nào, chưa xác định được. Nhưng vì ấn bản 1941 là lần in thứ 14, mà cứ tính ngược lại mỗi năm tái bản một lần nên theo ý chúng tôi thì lần in đầu là vào khoảng năm 1928. Tuy nhiên có thể trễ hơn, dựa theo "Lời điều-trần cùng quan Thuộc-địa Thượng-thư" của Dương Bá Trạc (Nam Phong, số 167, novembre-décembre 1931, tr. 393), có đoạn: "Gần đây tuy đã có sửa-đổi đặt riêng ra một bậc sơ-học yếu-lược, chuyên dạy bằng tiếng Nam, nhưng ở các trường dạy vẫn còn kèm vào rất nhiều bài chữ Pháp ; và tiếng nói rằng dạy bằng tiếng Nam, mà sách dạy bằng tiếng Nam chưa có (NPP nhấn mạnh), có được một số ít cuốn thì phần nhiều cũng là dịch ở chữ Pháp ra ; tệ nhất là không định ra cái kiểu cách dạy chữ Nam phải dạy thế nào [...] phải có dạy chữ một, dạy mẹo ghép chữ, mẹo đặt câu, dạy dùng chữ chắp câu mới được..."
2.1. Quốc-văn Giáo-khoa Thư lớp đồng ấu(QVGKT/ÐÂ)
QVGKT/ÐÂ có hai phần: phần I dạy chữ cái và đánh vần (34 bài, 34 trang) ; phần II dạy tập đọc (55 bài, 55 trang).
Trong phần I, có đưa vào những khái niệm như phụ âm, nguyên âm, giọng (thay vì thanh) nhưng không thấy có nguyên âm đôi, bán nguyên âm. Ðể lưu ý cách đọc của một số phụ âm như s, r, tr thì sách chỉ mô tả cách phát âm chứ không nói đến vị trí phát âm. Sách không dạy mẫu tự theo trật tự cũ a, b, c — thứ tự này áp dụng trong sách dạy chữ quốc ngữ của Ðông Kinh Nghĩa Thục, và cho đến nay vẫn còn dùng cho việc làm từ điển — mà theo lối mới, trước dạy 12 nguyên âm, sau dạy 27 phụ âm (16 đơn và 11 kép). Xem ra thì phụ âm hiểu theo nghĩa QVGKT có lúc là mẫu tự chứ không phải là âm vị vì hiểu theo nghĩa sau thì trong tiếng Việt làm gì có phụ âm kép. Ví dụ như ngh ghi lại một âm thôi, tức là một phụ âm đơn.
"Lối dạy chữ cái theo sách này (tức là QVGKT/ÐÂ) trên có chữ, dưới có tiếng, bên cạnh lại có tranh vẽ [...] Như thế là đứa bé mắt nhìn mặt chữ, mồm đọc âm chữ, tai nghe tiếng có âm chữ, mắt trông thấy hình-tượng cái tiếng chữ, rồi tay lại tập viết chữ ấy. Học như thế, bao nhiêu giác-quan được hoạt-động thì học chữ nào chữ ấy in hẳn vào óc không sao quên được nữa." (QVGKT/ÐÂ, 1941: 3).
 Phương pháp dạy kiểu này của QVGKT đáng làm mẫu mực cho những quyển sách dạy vỡ lòng tiếng Việt sau này.
Mỗi bài tập đọc trong phần II QVGKT/ÐÂ được tổ chức làm hai thành phần: Bài đọcBài làm. Bài đọc đếm trung bình 72 từ, theo sau có mục Giải nghĩa chữ khó, khoảng 5 từ hay nhóm từ. Bài làm gồm mục Học tiếng, chừng 6 tiếng ‘mới’ mỗi bài ; Câu hỏi, gồm độ 5 câu. Có bài, mục Câu hỏi được thay bằng mục Ðặt câu. Cứ độ bảy bài tập đọc, lại đưa vào một Bài thuộc lòng gồm bốn câu thơ hay ca dao; hết thảy được 11 bài.
Chủ đề của các bài tập đọc có thể phân ra như sau: Trường học (11 bài), Gia đình (10), Thân thể người ta và Vệ sinh thường thức (8), Cảnh và vật (11), Luân lý và cách cư xử (7),  Công việc hàng ngày (7), Ngày giờ (2).
Thế giới, môi trường dùng để làm bối cảnh hay đề tài cho các bài tập đọc là thôn quê ; thành thị hoàn toàn vắng bóng. Mùa cấy, Mùa gặt, Làm ruộng, Công việc ngoài đồng, Cánh đồng nhà quê, Cảnh mùa xuân, Trường học làng tôi, Cây tre, Chim hoàng anh, Con gà trống, Chim chèo-bẻo, Con cóc... là những chủ đề dùng để xây dựng các bài tập đọc, gầy vốn từ căn bản cho con trẻ.
Gia đình với những bổn phận và giá trị truyền thống như Thờ cúng tổ tiên, Yêu mến cha mẹ, Giúp đỡ cha mẹ, Ði thưa về trình, Thăm nom cha mẹ, Anh em như thể tay chân, Thờ mẹ kính cha,... chiếm một chỗ khá quan trọng trong chương trình quốc văn năm đầu.
Trường học qua những bức vẽ minh họa cho ta thấy những cậu học trò trường Pháp-Việt thời bấy giờ, tóc đã hớt ngắn, mặc áo dài, đứng trước thầy còn phải vòng tay. Thầy giáo còn vận áo dài, đầu đội khăn, có thầy để râu chòm, hình ảnh phảng phất ông đồ xưa. Cái khác là học trò quốc ngữ khi đọc, khi viết thì ngồi vào bàn ngay ngắn chứ không như học trò chữ nho chữ nôm nằm rạp xuống chiếu, xuống phản như trong câu Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.
Ðiểm đặc biệt là ngay từ bài 1, QVGKT đã giúp các em học sinh mới cắp sách lần đầu đến trường, ý thức được cái bản ngã xã hội của mình. Ðúng như vậy, qua những câu ngắn gọn như Tôi đi học. Tôi học đọc, học viết... Tôi cố tôi học. Tôi chăm, tôi học..., cái bản ngã con người qua từ tôi được xác quyết mạnh mẽ. Mà từ tôi nói lên cái bản ngã xã hội, của người nói ngôi thứ nhất, thích ứng cho sự đối diện với mọi hạng người trong cộng đồng.Sự dùng từ tôi để tự chỉ mình ngay trong bài đọc số 1 đánh dấu bước đầu của trẻ thơ mới nhập vào một môi trường khác hơn là gia đình.
Học trò lớp đồng ấu cũng bắt đầu học môn Vệ sinh qua những bài nói về Vận động thân thể, Nhổ bậy, Giấc ngủ, Nước bẩn, Ăn uống điều độ,... Ðề tài này được đưa vào quốc văn lớp đồng ấu quả là một điều mới lạ thời bấy giờ. Nhưng nghĩ cho cùng thì đây cũng là tiếp nối của những Bài hát răn người vừa có tính cách luân lý vừa có giáo dục vệ sinh mà Ðông Kinh Nghĩa Thục đã soạn hơn 20 năm trước, như Bài răn người uống rượu, với hai câu đầu :
Ðạo vệ sinh phải nên biết trước
Nghĩ rượu men là thuốc độc người...
Các bài tập đọc nhìn chung được viết bằng những câu văn ngắn gọn, trong sáng, chấm phết đúng chỗ, dễ ăn sâu vào cái óc còn non của đứa trẻ mới cắp sách đến trường, mở ra một thế giới sinh hoạt hàng ngày mà lằn ranh giữa học đường và gia đình nhòa đi, cảnh vật và con người cũng hoà hợp. Ðặc biệt là từ gốc Hán rất ít gặp. Ví dụ trong bài 1 Tôi đi học, mục giải nghĩa chỉ có ba từ gốc Hán.
Có những bài rất "tầm thường" như bài 1 Tôi đi học hay bài 52, học thộc lòng Con trâu với người đi cày, mãi đến hơn 60 năm sau khi học lần đầu, có người vẫn thuộc làu làu, đọc lại không sót một chữ.
2.2. Quốc-văn Giáo-khoa Thư lớp dự bị (QVGKT/DB)
QVGKT/DB có 119 bài ; mỗi bài choán một trang, gồm hai phần: phần chính là đoạn văn để đọc, khoảng 120 chữ, thêm mục Giải nghĩa chữ khó, trung bình 3 từ ; phần phụ chia ra hai mục: Học tiếngLàm văn. Tổng số bài học thuộc lòng là 5. Vậy so với QVGKT/ÐÂ thì số bài trong QVGKT/DB nhiều hơn, tỉ lệ ÐÂ/DB là 55/119 @ 1/2 ; bài lại dài hơn, nhiều chữ hơn, tỉ lệ : 72/120 @ 2/3.
Những chủ đề dùng để khai triển bài đọc là: Trường học (10 bài), Gia đình (9), Vệ sinh bịnh tật (10), Cảnh và vật (19), Luân lý và đào luyện tâm chí (19), Công việc và dụng cụ hàng ngày (10). Ngoài các chủ đề này đã được khai thác trong QVGKT/ÐÂ, còn được đưa vào những chủ đề mới như Lịch sử (23), Quê hương làng mạc (5), Phát minh kiến thiết (5), Thành phố (2), Linh tinh (7).
Nếu ở lớp đồng ấu, bối cảnh sự việc trong các bài tập đọc đều thuộc thời gian hiện tại thì lên lớp dự bị, có những bài đọc nói về lịch sử nước nhà đưa các em vào quá khứ. Lịch sử có những bài nói về danh nhân, phần đông là những vị anh hùng Việt Nam đã có công kháng cự ngoại xâm phương Bắc, hoặc những ông vua hiền tài, nhưng cũng có vài người Âu như A. De Rhodes, người đặt ra chữ quốc ngữ, hoặc ông Carnot, làm quan to nước Pháp mà vẫn nhớ ơn thầy cũ, đúng với lễ giáo Á Ðông.
Ðiều đáng lưu ý là thành phố bắt đầu mon men xen vào thế giới nông thôn của các bài tập đọc, qua hai bài tả Thành phố Sài-gòn Hà-nội kinh-đô mới ngày nay. Với bài sau, một cuộc dời đô, từ Huế ra Hà Nội, đã lặng lẽ xảy ra vào cuối thập niên 20, thế kỷ 20, chứng tích là bài đọc số 103, trang 105, QVGKT/DB.
2.3. Quốc-văn Giáo-khoa Thư lớp sơ đẳng (QVGKT/SÐ)
Tổng số bài trong QVGKT/SÐ là 84, mỗi bài giống như trong hai tập ÐÂ và DB đều kèm theo một bức vẽ minh họa nội dung của bài đọc. Bài đọc trong tập SÐ dài không đều, có bài dài 273 từ, có bài chỉ chứa 120 từ, đổ đồng mỗi bài khoảng 190 từ, không kể các bài học thuộc lòng. Số lượng các bài thuộc lòng, dưới hình thức thơ hay ca dao, gia tăng (21 bài).
Tính theo chủ đề thì Luân lý chiếm 23 bài (chia ra 18 bài về Công dân, 5 bài thuộc Gia đình). Nói về Ðức tính, Tình cảm, có 19 bài. Công việc, Ðồ vật, 9 ; Phong cảnh, 6 ; Loài vật, 5 ; Danh nhân, 5 ; Mỹ thuật, Kỹ thuật, 4 ;  Thành phố, 3 ; Học đường, 2 ; Linh tinh, 8.
Chương trình quốc văn lớp sơ đẳng có những điểm nổi bật như sau: học đường như một cơ sở vật chất ít được nói đến nhưng việc giáo dục những giá trị về đạo đức, phận làm con trong gia đình, đạo làm người trong xã hội, cách cư xử với loài vật, chiếm một chỗ quan trọng. Học, hạnh, khoa tu thân, sự thủy chung, đạo bằng hữu, lòng thanh liêm, tính thật thà, tình thân ái,... được triển khai, cơ hồ biến một số lớn bài tập đọc thành những bài dạy luân lý theo quan điểm Khổng Mạnh.
Nếu mục đích của bài đọc là giúp cho học sinh gầy vốn từ căn bản, và qua đó tiếp xúc với thế giới vật chất và tinh thần quanh mình thì nhân sinh quan của các tác giả QVGKT thể hiện trong sách đã ảnh hưởng mạnh đến cả mấy thế hệ người Việt Nam. Ðừng quên là QVGKT là sách giáo khoa gần như độc quyền ở ba năm đầu bậc tiểu học trong suốt hơn 15 năm trời, mãi đến 1945 mới dứt.
3. Tổng luận
Nhìn chung, Quốc Văn Giáo Khoa Thư toàn tập là một thành công đáng kể trong bước đầu đưa môn tiếng Việt vào làm ngôn ngữ học đường.
- QVGKT đã soạn những bài tập đọc với số lượng từ vừa phải cho học sinh lớp tuổi từ sáu đến chín.
- Câu văn trong QVGKT ngắn gọn, trong sáng, chấm phết đúng chỗ, thuần Việt, ít bị những thành ngữ Hán chêm vào làm cho nặng nề. Ngôn ngữ trong QVGKT tuy là một ngôn ngữ bình dị nhưng là một ngôn ngữ viết, với rất ít đoạn đối thoại. Phải tán thưởng việc đưa vào những bài ca dao để cho con trẻ nằm lòng những tiếng nói mộc mạc nhưng không kém phần thi thơ trong dòng văn học dân gian tiếng Việt.
- Gợi ra từ QVGKT hình ảnh một nước Việt Nam nông nghiệp, một xã hội Việt Nam nông thôn, với giá trị đạo đức cổ truyền tuân theo giềng mối Khổng Mạnh là chính. Việc này chắc là phản ánh hiện thực tình hình nước Việt Nam thời làm ra QVGKT. Nhưng cũng có thể là theo ý của các tác giả thì thời bấy giờ nước Việt Nam chân chính là nước Việt Nam nông thôn, chứ nước Việt Nam thành thị e đã ngoại hoá đi rồi.
Sau cùng xin kể một câu chuyện cá nhân để nói lên dấu ấn đậm nét của QVGKT. Năm 1976 nhân chuyến đi thực địa ở tỉnh Hoà Bình, tôi có đến viếng một gia đình Mường, anh chủ nhà người Mường trạc tuổi tôi. Sau khi hàn huyên, chúng tôi bỗng thấy cả hai đều còn thuộc lòng bài Ði học phải đúng giờ, bài số 1 trong QVGKT lớp sơ đẳng. Chúng tôi cùng đọc to trong tiếng cười rộn rã của cả nhà:
Xuân đi học coi người hớn-hở,
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng ...
Bài thơ 13 câu với lời bình dị đã đưa anh chủ nhà và tôi về một cộng đồng quá khứ, truyền cho chúng tôi một rung cảm đồng tình, và sau đó biến chúng tôi thành hai người bạn như quen biết từ bao giờ. Có thể nói đó là tình bạn QVGKT.
Câu chuyện cá nhân của tôi không bì với truyện Tình nghĩa Giáo Khoa Thư  trong cuốn Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam mà hai nhân vật đã thuộc làu từng đoạn từng bài trong QVGKT với lời bình phẩm "Văn chương như vậy là cảm động lòng người..." Mẫu chuyện của Sơn Nam tuy là hư cấu nhưng cũng chứng tỏ QVGKT còn âm vang mạnh trong ký ức của những lớp người từ Nam chí Bắc, gốc miệt vườn hay thành thị mà đã theo học lớp năm, lớp tư, lớp ba trong thời gian 1930-1945. Chỉ điều này thôi cũng nói lên giá trị và sự thành công của Quốc Văn Giáo Khoa Thư ở những bước đầu trong sứ mạng giáo khoa của tiếng Việt.
 
* Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm quốc gia NCKH, Pháp
 
Chú thích
[1] Các tác giả bộ QVGKT hầu hết đều có vốn Hán học và tốt nghiệp trường Thông Ngôn.
- Trần Trọng Kim tốt nghiệp trường Thông Ngôn ; năm 1903, du học Pháp tại trường Sư Phạm Melun. Ðã dạy tại các trường Bảo Hộ, trường Nam Sư Phạm ; thanh tra các trường Sơ Học Hà Nội ; sáng lập Học báo ; trưởng ban Văn Học của Hội Khai Trí Tiến Ðức.
- Nguyễn Văn Ngọc tốt nghiệp trường Thông Ngôn. Dạy học ở các trường Tiểu Học Bờ Sông Hà Nội, trường Bưởi, trường Sĩ Hoạn, trường Sư Phạm ; thanh tra các trường Sơ Học ; phụ trách Tu Thư Cục của Nha Học Chánh.
- Ðỗ Thận tốt nghiệp trường Thông Ngôn, phục vụ ở Toà Ðốc Lý Hà Nội ; được bổ vào làm ở Học Chính, ban Tu Thư của Phủ Thống Sứ.
- Ðặng Ðình Phúc, hiệu trưởng trường Tiểu Học kiêm bị ở Quảng-Yên (Bắc Việt).
Thư mục
Marr, David G., 1981, Vietnamese Tradition on Trial, Berkeley and Los Angeles, University of California Press
Trinh Van Thao, 1995, L’école française en Indochine, Paris, Ed. Karthala
Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, 1997, Văn thơ Ðông Kinh Nghĩa Thục. Prose et poésies du Ðông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội, Nxb Văn Hoá.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443543

Hôm nay

2101

Hôm qua

2333

Tuần này

21356

Tháng này

218717

Tháng qua

112676

Tất cả

114443543