Người xứ Nghệ

Người đi bộ ba phần tư thế kỷ

Tôi đọc ông khá sớm mà gặp ông lại muộn.

Còn nhớ, vào những năm 60, khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã đọc Thái Kim Đỉnh qua những dòng ca dao với bút danh Vũ Hoàng. Dạo ấy các ấn phẩm văn hoá rất hiếm hoi, nên những cái tên tôi bắt gặp đầu đời, cứ in đậm trong trí nhớ tuổi học trò. Sau này khi thoát ly xa nhà, mỗi lần về tìm đọc các ấn phẩm quê hương, tên ông vẫn đều đặn trên các trang thơ. Nhưng vào giữa những năm 70 trở về sau, cái tên Vũ Hoàng cứ thưa thớt dần, rồi mất hút.

Hai mươi năm sau tình cờ tôi gặp lại ông qua những vần thơ của Câu lạc bộ Người cao tuổi phường Bắc Hà, thị xã Hà Tĩnh. Nét chữ cứng cáp, tuy có run, nhưng vẫn thẳng nét sổ, cách viết của người quen đưa bản chép tay cho nhà in. Dưới mỗi tên bài đều ký chân phương: Thái Kim Đỉnh. Tôi đồ rằng bây giờ ông đã là một viên chức già về hưu, sống nhàn tản với vợ con, vui thú điền viên, chiều tưới cây và ngâm ngợi. Vào thời gian này, tôi đang được giao mở Tạp chí Văn hoá Văn nghệ truyền thanh dành cho người cao tuổi của Đài phát thanh Hà Tĩnh. Trong số thơ văn ký gửi bán lên trời, những bài thơ cổ thể của Thái Kim Đỉnh rõ ràng là được giá, nếu không muốn nói là nhất. Có một bài ông viết về những đêm không ngủ, tôi đọc rất thích.

Không ngủ canh trường nhớ vẩn vơ

Nhớ chi không biết nhớ chi giờ!

Cuốn phim thân thế quay nhanh chậm

Bức ảnh nhân gian tỏ lại mờ…

Sau hai câu luận nói về tiếng gà vừa lạ, vừa quen khi gáy canh và tiếng côn trùng làm người già không biết mình còn thức hay đang mơ, ông hạ hai câu kết:

Cái vui không đến, buồn không đến

Chắp tám câu thành một ý thơ.

Chao ôi, cả vui lẫn buồn đều không đến với một người già khi xem lại cuốn phim thân thế, những bức ảnh nhân gian. Với ông, ừ chẳng có gì để vui và cũng chẳng có gì phải buồn trong những ngày tháng qua. Có thể là tuổi già đã làm ông dửng dưng với thời cuộc, hay có thể là ông cũng đã tự bằng lòng với mình, chấp nhận hết thảy, chấp nhận vô vi.

Tôi nhớ lại một bài thơ ông viết thời kháng chiến những năm đầu của chính thể Dân chủ Cộng hoà, bài thơ Cỏ Mật:

Tuổi mười hai cắt cỏ đồng làng

Túi áo nâu non thường giấu chùm cỏ mật

Biết anh ưa những gì dịu ngọt

Em dành tặng anh…

Hương cỏ mật tình tứ trong những vần thơ phóng khoáng của hồn trai Vũ Hoàng đâu rồi, mà nay khuôn lại trong thể thơ chật chội với nỗi niềm có có, không không… Câu thơ vui buồn không đến đã dắt tôi, bắt tôi, giục tôi tìm đến nhà ông.

Khuất trong ngõ nhỏ không tên của con đường Xuân Diệu, hai đầu được chắn bằng những căn hộ tân thời cao 3, 4 tầng, nơi ở của ông như một chứng tích, bảo tàng nhà của người Việt Nam hơn 50 năm về trước. Có khác chăng chỉ là cánh cổng ra vào được hàn bằng sắt. Nó gọn nhỏ như một thứ đồ chơi của người lớn! Một cây trạng nguyên khẳng khiu bên lối bếp, một chậu quỳnh gầy guộc lẫn vào giữa những dây leo của hoa giấy, của bìm bìm, của trâm bầu nhằng nhịt. Chật chội thế, chen chúc thế, chủ nhân làm gì có đất để vui điền viên. Thấy rõ ở hàng cây nơi lối ngõ sự lộn xộn do thiếu thời gian, thiếu một bàn tay chăm sóc. Vả lại còn có nắng, có ánh sáng cho cây cỏ ở đâu, khi mà chủ nhân ngôi nhà đã cho chái ra một mái cọ, che kín khoảng sân lẫn vườn bé tí, để lấy chỗ ngồi, để đặt bàn, và còn mắc… võng (!) Nhà hai gian thấp, cái giại che nắng thật sự chật chội như muốn đè thấp nữa cái dáng cao gầy của chủ nhân. Ông ngồi đó, giữa bốn bề là sách, bên ngoài là bốn phía trát bằng vữa tóoc xi quét vôi. Cả nhà, cả không khí trong vườn và cả ông nữa, toả ra mùi sách, mùi mực.

Thấy tôi, ông thả vội chiếc lúp cầm tay to cộ xuống bàn, thứ kính có độ phóng đại hàng chục lần những chữ Hán li ti của các bộ từ điển Khang Hy, Từ Hải đồ sộ. Tôi ngắm ông, cố tìm cho ra nét hào hoa khi viết những dòng Cỏ Mật, Nhịp Cầu, moi mãi để cố hình dung ra một nhà thơ Vũ Hoàng ngày ấy. Chịu, không hình dung nổi! Trước mặt tôi bây giờ là một ông già thực thụ, chậm rãi đến sốt ruột, từ từ xếp lại những thứ bày biện ngổn ngang trên bàn viết của ông. Nào chồng bản thảo Lịch sử Hà Tĩnh, nào Địa chí Kỳ Anh, Can Lộc, rồi mấy cuốn sách mỏng sờn bìa của các họ tộc, đặc kín Chữ Nho. Mãi rồi ông cũng soạn được nơi đặt chiếc cốc nước chè mời khách. Câu chuyện lần ấy của tôi xoay quanh câu hỏi: sao lâu rồi không thấy, không được đọc thơ ông? Ông cho hay đã tạm biệt nàng thơ lâu lắm, dễ đã gần ba chục năm. Thời ấy khoảng 1945 – 1952, ông có viết một số bài thơ như “O Minh Hồng Thuận”, “Bà mẹ Linh Đài”, “Hoan hô phụ lão Trường Sơn” là để phục vụ bạn đọc theo dân công ra mặt trận. Và cùng các anh Hoàng Nguyên Kỳ, Trần Đăng Đơ làm tờ tin “Quyết tâm” cho Hội đồng cung cấp mặt trận Trung Lào. Cũng như sau này khi đề xướng và chủ biên bản tin “Tiếng loa chống Mỹ” ông đã cùng các anh Thanh Minh, Nguyễn Trung Anh, Lê Trần Sửu, Trần Hậu Tân sáng tác ca dao, hò vè phục vụ quần chúng, phục vụ kháng chiến.

Tôi hỏi:

- Vậy những năm sau này bác làm gì mà không có thơ trình làng?

- Mình không làm thơ nữa cũng nhiều nguyên do, một phần là phải để tâm vào việc Hội. Chả là từ năm 1969, bọn mình phải tích cực vận động để Hội văn nghệ Hà Tĩnh ra mắt, có Hội rồi thì giúp việc cho anh Hưu, Hội trưởng, sau này sáp nhập với Nghệ An thì cũng rứa, lại việc Hội, phụ giúp ông Thung. Nhưng nói cho cùng thì có nguyên cớ khác. Mình tự thấy không bén được duyên thơ. Cứ nghĩ hồi đầu hăng hái làm liều, cái đận hoạt động văn nghệ Khu Tư, gặp các anh Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Minh Châu v.v… Thấy các vị này làm thơ, làm văn mình chợn. So với lớp trước đã chẳng bằng, với lớp sau như Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung.v.v… lại chẳng bằng nốt. Thế là mình chọn ngả khác.

Nói đến đó, Thái Kim Đỉnh nheo mắt với tôi cười tinh nghịch. Tôi giật mình nhìn ra cái ranh mãnh trong bộ dạng già cả qua nét cười của ông.

- Chọn ngả nào? Tôi hỏi.

Thái Kim Đỉnh đột nhiên nhanh nhẹn, ông lật một tập giấy đủ cỡ đã úa vàng, trong đó có hai bài viết, một của Nguyễn Đổng Chi, một của Thanh Minh (Nguyễn Hưu).

- Đây là hai ông thầy của mình, một ông ở Ích Hậu, một ông rể Phúc Lộc, quê cậu cả đấy. Mình đi theo lối mấy vị này.

Thái Kim Đỉnh lẩm bẩm: “Ông Đổng Chi thì ra Hà Nội không nói làm gì, mình chỉ tiếc là học được ở ông Hưu ít quá. Ông ấy kéo theo xuống mồ biết bao là kho tàng trí thức dân gian. Giờ đây mỗi khi đi làm địa chí cho vùng nào chỉ ước một điều: Giá có cách chi gọi hồn ông Hưu dậy mà hỏi, thì điều gì cũng biết!”

Nhà thơ Xuân Hoài có lần kể với tôi: “Mình vốn gần anh Đỉnh, hoạt động cùng anh Đỉnh trong Hội văn nghệ Hà Tĩnh, rồi Nghệ Tĩnh một thời gian dài. Có khoảng thời gian thấy anh chẳng viết gì. Hoá ra anh ấy âm thầm tích luỹ tư liệu. Đến lúc anh ấy công bố trên báo, ra sách rồi mình mới ớ người ra. Từ góp nhóp đầu sách người xưa, xa gần, tới việc đi khảo sát điền dã, không có nơi nào, chỗ nào là anh không đến, không biết. Về văn hoá Hà Tĩnh, anh Đỉnh cố gắng đạt tới mức tối đa các điều cần biết. Mà cũng phải học anh ấy ở việc tự học, tự vươn lên”.

Một lần anh Xuân Hoài và tôi cùng với anh Đỉnh ra Diễn Châu thăm nhà thơ Trần Hữu Thung vừa điều trị bệnh ở Hà Nội về. Ông nhà thơ, bạn chí cốt của ông Đỉnh, dẫu nói năng đã khó khăn, vẫn gượng dậy, diễn đạt thật lưu loát mọi điều chúng tôi hỏi han.

“... ở Hà Tĩnh, hồi trước, tôi không chỉ mong cho sự trưởng thành của Thái Kim Đỉnh, mà còn trông vào cả Trần Lê Đệ. Vậy mà anh Đệ đã không đi tiếp được nghiệp văn, tiếc lắm. Chỉ có Đỉnh là vẫn kiên trì. Tôi coi Thái Kim Đỉnh là một học giả”.

Hẳn nhà thơ Trần Hữu Thung đã có lý khi xếp nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Thái Kim Đỉnh vào hàng học giả. Còn đòi hỏi gì hơn khi ông đã cho ra đời hơn 40, 50 đầu sách, trong đó có một số sách soạn chung.

 Từ cuốn sách đầu tiên thuộc dạng nghiên cứu, Thái Kim Đỉnh soạn chung với học giả Thanh Minh là Đọc thơ ca Xô viết in năm 1960 vẻn vẹn 54 trang như bài học tập dượt đầu tiên, sau này ông đã để tâm viết riêng và chủ biên 23 tập sách. Có bộ đồ sộ hơn 2000 trang như Kho tàng truyện cổ dân gian xứ Nghệ (Viết chung cùng Ninh Viết Giao, Trần Hữu Thung) có cuốn gần 700 trang in như 5 thế kỷ văn Nôm người Nghệ do một mình ông soạn. Có tập sách như Chuyện kể Bác Hồ tái bản 3, 4 lần.

“Ông ấy ngồi viết cả chiều 30 Tết, nghỉ sáng mồng một, chiều lại viết. Cứ ngồi ôm lấy bàn…” - Bà Miên, vợ ông một lần than với tôi như vậy.

“Thì tôi biết đi đâu?” - Ông cãi.

 “Dào, ông thì biết đi đâu, đến cả xe đạp cũng không biết đi chú ạ”.

Tôi tròn mắt. Ông gật đầu xác nhận: “Mình đã đi bộ ba phần tư thế kỷ rồi. Nam tào mà nghễnh ngãng cho vài chuyến thì tớ sẽ đi xuyên thế kỷ này chơi”.

Thái Kim Đỉnh sinh năm Bính Dần (1926) ở Tùng Châu, Đức Thọ, sắp bước sang tuổi 75. Tôi ngồi nhẩm tính: Bính biến vi tù ... không biết có phải Thái Kim Đỉnh cũng là một ông Hổ bị giam giữa bốn bức tường sách?!

                                    Hà Tĩnh, tháng 12/2000 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442861

Hôm nay

257

Hôm qua

2318

Tuần này

2674

Tháng này

218035

Tháng qua

112676

Tất cả

114442861