Những góc nhìn Văn hoá

Chính sách đô thị tạo động lực cho cộng đồng địa phương: Một kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản ở Kanazawa [Nhật Bản]

Di sản văn hóa phi vật thể có tính chất lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không ngừng được cộng đồng, nhóm người tái tạo để thích ứng môi trường, thích ứng các tác động qua lại của tự nhiên, hay với lịch sử cộng đồng…, qua đó sẽ tạo cho người dân ý thức rõ hơn về bản sắc và sự kế thừa, có thể thấy vai trò của cộng đồng và nhóm người được đề cao trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, song, về thực chất cộng đồng được nhận diện như thế nào? Theo tinh thần của Công ước 2003, khái niệm về cộng đồng không được đưa ra bởi nhận thấy rằng cộng đồng có đặc tính mở, không nhất thiết phải gắn với những địa điểm cụ thể, họ có thể có ưu thế nổi trội mà cũng có thể không, và một cá thể có thể đồng thời thuộc về những cộng đồng khác nhau hoặc chuyển từ cộng đồng này sang cộng đồng khác. Cũng theo Công ước, các cộng đồng, nhóm người, và trong những trường hợp thích hợp là các cá nhân, phải được thu hút một cách tích cực vào việc nhận diện và xác định đặc thù di sản văn hóa phi vật thể, cũng như công tác quản lý di sản, bởi chính họ là những người xây dựng, tái tạo, duy trì và lưu truyền di sản đó.

Do vậy, để nhấn mạnh mục tiêu chính là đảm bảo sức sống lâu dài cho di sản phi vật thể trong cộng đồng và nhóm người, việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, củng cố, phát huy, trao truyền, đặc biệt thông qua giáo dục chính quy và không chính quy là thiết thực, hiệu quả, đặc biệt khi tập trung tiếp cận các truyền thống thông qua quá trình tìm hiểu và sáng tạo di sản của cộng đồng, dựa vào đây, cộng đồng, nhà nghiên cứu và các thể chế khác nhau có thể sử dụng truyền thông đại chúng công nghệ thông tin giúp bảo tồn và thậm chí tăng cường các truyền thống qua việc phát sóng các chương trình trình diễn tới các cộng đồng nắm giữ di sản và tới toàn công chúng. Tuy nhiên, tùy vào từng loại hình di sản ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương mà chúng ta phải lựa chọn cách thức tiếp cận khác nhau. Bởi cộng đồng nào cũng có phong tục tập quán riêng của mình, vậy nên nếu là bên chính quyền tiếp cận với cộng đồng thì đây không chỉ là khoảng cách giữa các phong tục tập quán khác nhau mà còn là sự chênh lệch giữa ý thức của lớp người cao tuổi với lớp trẻ. Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để bù đắp được khoảng cách đó? Và làm sao để giải quyết những vấn đề còn tồn tại khi bảo tồn di sản truyền thống trong một xã hội phát triển hiện đại như ở Nhật Bản?

Đi tìm câu trả lời này, chúng ta sẽ cùng tới với thành phố Kanazawa, cùng xem xét người dân trong cộng đồng, bao gồm cộng đồng lớn và cộng đồng nhỏ (chủ thể di sản văn hóa) và chính quyền địa phương (người chỉ đạo) nơi đây đã cùng nhau giải quyết những vấn đề còn tồn tại như thế nào. Và, trong đó, cách tiếp cận mới: Chính sách đô thị tạo động lực cho cộng đồng đã được tháo gỡ ra sao theo quan điểm mới: Chính quyền địa phương phải có cùng cách nhìn với người dân và đứng trên lập trường của cộng đồng. Với mô hình“Chính sách đô thị tạo động lực cho cộng đồng địa phương” ở Kanazawa, Nhật Bản, mục đích hướng tới là giúp cộng đồng địa phương náo nhiệt trở lại, là một kinh nghiệm mà bài viết này đưa tới hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca (trường hợp Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh)với mục đích đưa ra cái nhìn khác để tham khảo và luận bàn.

1. Đôi nét về thành phố Kanazawa dưới góc nhìn di sản văn hóa

Thành phố Kanazawa được bao quanh bởi dãy núi ở phía Đông và vùng biển Nhật Bản ở phía Tây. Kanazawa may mắn có một vị trí chiến lược và đất đai màu mỡ, nền kinh tế được củng cố và cho phép nền văn hóa phát triển mạnh mẽ trong vòng ba thế kỷ dưới sự cai trị của các lãnh chúa hùng mạnh Maeda Clan, một gia tộc phong kiến mạnh thứ hai sau Tokugawa về sản xuất lúa gạo và về diện tích lãnh địa. Nhờ đó, Kanazawa dần lớn mạnh và trở thành một thành phố của những thành tựu văn hóa lớn sánh cùng Kyoto và Tokyo. Thông qua sự bảo trợ của lãnh chúa, Kanazawa đã trở thành một thành phố thịnh vượng và năng động về nghề thủ công mỹ nghệ, khu phố trà đạo, có nhiều khu mua sắm sầm uất, các khu vui chơi của các Samurai hay Geisha nổi tiếng …

Trong thế chiến thứ hai, Kanazawa là thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản (đứng sau Kyoto) đã may mắn thoát khỏi những cuộc không kích của Mỹ, nên cho đến nay phần lớn các khu phố cổ và các khu giải trí vui chơi còn được giữ lại trong tình trạng khá tốt như khu Nagamachi, khu giải trí của các Samurai- lịch sử của Kanazawa liên kết chặt chẽ với giai cấp samurai, chiến binh của phong kiến Nhật Bản. Hay khu giải trí Higashi- Chaya, nơi các tầng lớp giàu có phong lưu đến để thư giãn, để bị quyến rũ và giải trí với các Geisha. Và cũng là nơi mà nghệ thuật trà đạo truyền thống Nhật Bản được các Geisha thực hành một cách nghiêm ngặt theo một loạt các qui trình cầu kỳ mang đầy tính chất nghệ thuật, như một nhu cầu giải trí cao cấp thường ngày của xã hội Nhật Bản thời bấy giờ.

Cho đến nay, Kanazawa vẫn còn là một thành phố quan trọng trong khu vực và là thủ đô của tỉnh Ishikawa. Người dân nơi đây tự hào là nơi có nhiều di tích lịch sử, các bảo tàng nghệ thuật đương đại hiện đại, bên cạnh đó còn là nơi sở hữu nhiều di sản văn hóa: kịch Nô (bảo trợ bởi các samurai), nghề giát vàng, nghề làm sơn mài thủ công mỹ nghệ, điêu khắc thủy tinh, trà đạo…

Ngày nay, dưới tác động của bối cảnh toàn cầu hóa, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức để tồn tại và phát triển. Sớm nhận thức được điều này, ở Kanazawa, chính quyền địa phương kết hợp với các nhà nghiên cứu tạo nên mô hình bảo tồn rất hữu hiệu, làm sống dậy và phát triển nhiều loại hình di sản có nguy cơ biến mất như kịch Nô, thêu áo Kimono, trà đạo… Là một thành phố  rất nổi tiếng ở Nhật, trong công tác bảo vệ di sản văn hóa, toàn bộ người dân Kanazawa được huy động đóng góp sức lực cũng như ý tưởng vào việc vực dậy các cộng đồng nhỏ trong khu vực của mình. Bài viết sau đây sẽ trình bày một số vấn đề liên quan đến các hoạt động mà người dân thành phố đã tiến hành bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể ở Kanazawa, cũng như điểm quan trọng mà chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã hướng tới khi tiến hành chính sách đô thị tạo động lực cho cộng đồng địa phương.

2. Chính sách đô thị tạo động lực cho cộng đồng địa phương - một cách tiếp cận mới ở thành phố Kanazawa

Đến với những ngày tổ chức workshop: “Đào tạo năng lực làm phim tư liệu hướng tới người thực hành nghề trong cộng đồng sở hữu di sản doTrung tâm nghiên cứu Quốc tế về Di sản Văn hóa Phi vật thể Châu Á Thái Bình Dương (IRCI) tổ chức tại Tokyo đầu tháng 2/2014, trình bày về các mô hình, hoạt động bảo tồn hiệu quả tại thành phố Kanazawa, GS Kyioshi Kawara (trưởng phòng Lịch sử và Văn hóa của Tòa Thị chính Kanazawa, hiện giảng dạy trong một số trường đại học ở Kanazawa, người vẫn từng nói vui về công việc của mình như một “tourist guider” để quảng bá di sản) đã đề cập đến những nhận thức sớm về các khó khăn, thách thức đối với di sản văn hóa trong xã hội đương đại Nhật Bản. Trong cương vị một người dân như bao dân cư khác của thành phố có nhiều di sản như ở Kanazawa, ông nhận thấy đây là một vùng đô thị đang đứng trước những thay đổi nhanh chóng, dẫn đến những hệ lụy tức thì như: nền kinh tế trì trệ do các loại hình di sản không còn thị trường tiêu dùng như trước kia, như kịch Nô không còn người bảo trợ (các Samurai); tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến người dân mất dần thói quen sử dụng áo kimono hay ngồi thưởng thức nghệ thuật trà đạo; Trung tâm đô thị rỗng, ngoại ô dân tăng, chính phủ nới lỏng chính sách về phúc lợi do tình trạng đô thị hóa lan ra nhiều vùng, khiến nếp sống có nhiều thay đổi lớn và khác xa so với trước đây; Các mối quan hệ về địa duyên, huyết duyên dần trở nên mờ nhạt, kém và yếu về sự kết nối khiến gia đình không còn là hạt nhân, trong khi đó yếu tố huyết duyên có vai trò rất quan trọng với công tác kế thừa truyền thống ở cộng đồng.

Mặt khác, nguy cơ già hóa dân số tại Nhật ngày càng gia tăng, cộng đồng địa phương dần mất đi dân số, thanh niên lên thành phố tìm việc làm khiến nhiều cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa. Như vậy, hậu quả trông thấy là xu hướng đô thị mới gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng địa phương nhỏ làm mất đi sự náo nhiệt, vui tươi của cộng đồng địa phương. Chính vì thế, mục tiêu mà ông nhận thấy cần hướng tới chính là những phương thức tiếp cận phù hợp giúp cho cộng đồng địa phương náo nhiệt trở lại. Xác định như vậy, đứng trước ba lựa chọn về các phương thức tiếp cận mới, việc lựa chọn một hướng đi đúng đắn cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, ba hướng tiếp cận được nêu ra dưới đây tập trung trong các vấn đề sau:

- Chính sách luận tập trung vào công cộng

- Tư nhân hóa dịch vụ công cộng (Triển khai cuộc sống đô thị)

- Triển khai những chính sách đô thị, lấy người dân trong cộng đồng làm trung tâm (Công và Tư kết hợp)

Trong đó, chính sách do nhà nước làm chủ, tư nhân văn hóa các dịch vụ mà người dân là trung tâm, với sự giúp đỡ của GS Kawara, chính quyền thành phố Kanazawa đã tập trung vào phương pháp thứ ba: Lấy người dân trong cộng đồng làm chủ yếu, kết hợp giữa công và tư. “Bây giờ ở Nhật bản từ Nhà nước và nhân dân cùng làm rất phổ biến” GS Kawara đã rất tự hào nói với chúng tôi như vậy. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chúng ta cần phải xem xét bối cảnh của cụm từ “nhà nước và nhân dân cùng làm” cụ thể hóa ra sao? Bởi dân số ở địa phương dồn sang đô thị lớn, chính quyền địa phương cũng dần thu nhỏ lại, nguồn tài chính giành cho địa phương cũng ít đi, nên “Nhà nước và nhân dân cùng làm” về căn bản phải đứng trên lập trường cắt giảm chi phí hành chính. Trước vấn đề này, GS Kawara đã cho biết: “Chúng tôi nghĩ ra một mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm khác, không giống như mô hình có tên tương tự mà tôi gọi đó là Cách tiếp cận cộng đồng”, cách tiếp cận này dựa trên ba quan điểm:

+ Quan điểm thứ nhất, phải vạch rõ tình trạng cộng đồng nhỏ càng ngày càng mất đi sức sống của mình, và cộng đồ

+ng lớn có quan hệ như thế nào với nhau?

+ Quan điểm thứ hai, cần lấy lại sức sống cho cộng đồng nhỏ bằng mô hình như thế nào?

+ Quan điểm thứ ba, chính sách đô thị phục vụ cho hai hoạt động trên cần được tổ chức ra sao?

Dựa vào những quan điểm nói trên, chính quyền thành phố Kanazawa đã phê chuẩn dự án: Chính sách đô thị tạo động lực cho cộng đồng địa phương, với mục đích hướng tới công việc bảo tồn, làm sống dậy, khôi phục và phát huy giá trị các di sản tại địa phương. Chinh sách này hướng tới cách thực hiện kết nối các thành viên trong cộng đồng, tạo sức sống bền vững cho di sản lấy phương châm: Công tác tài chính và cộng đồng phải được tiến hành song song. Chủ trương lấy lại sự vui tươi hứng khởi cho văn hóa cộng đồng và hướng tới đối tượng trẻ em (tức hướng tới đối tượng con người).

Dự án được triển khai, thực hiện trên một số lĩnh vực khác nhau, tập trung vào hình thức lớp học truyền nghề, lấy trẻ em làm trung tâm gắn kết cộng đồng. Do nhận thức được tầm quan trọng của đối tượng hướng tới có nhiều thuận lợi và là hướng tiếp cận cộng đồng địa phương một cách tốt nhất. Bởi, khi trẻ em thấy được hứng thú tham dự các hoạt động này, đồng nghĩa với việc chúng ta đã tìm được người đảm nhiệm, kế thừa và bảo tồn di sản văn hóa Phi vật thể. Bên cạnh đó, gắn kết thực hiện chính sáchtrao động lực cho lớp trẻ bằng sự quan tâm của mọi thành viên trong cộng đồng địa phương, gây hứng thú học tập. Ngoài ra, cần có thêm một số yếu tố thiết thực hơn như: Sự đồng thuận từ phía bố mẹ; Nghệ nhân được trả lương để làm người chỉ đạo; Chính quyền địa phương tham dự trong công tác quản lý… Tuy nhiên, việc mở trường dạy nghề cho trẻ em khởi đầu gặp nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục như:

  1. Giáo trình không có;
  2. Nghệ nhân truyền thống bị đẩy đến ngưỡng gần như “bị xâm phạm” về bí quyết nghề;
  3. Cơ sở vật chất chưa đậm đà chất văn hóa, nghệ thuật;
  4. Cần phải đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị;

Người dân trong cộng đồng, bao gồm cộng đồng lớn và cộng đồng nhỏ (chủ thể di sản văn hóa) và chính quyền địa phương (Chỉ đạo) phải cùng nhau giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Trong đó, chính quyền địa phương phải có cùng cách nhìn với người dân và đứng trên lập trường của cộng đồng. Và họ đã tìm ra cách tháo gỡ những khó khăn nói trên bằng các mô hình lớp dạy truyền nghề hướng tới lớp trẻ, thông qua từng bước thực hiện sau:

+ Xây dựng giáo trình: Trước đây, không có giáo trình giảng dạy do việc thực hiện truyền nghề là chính, không có sách vở, bởi thế, chính quyền không đứng ra soạn giáo trình mà để nghệ nhân tự soạn bài giảng của mình theo tiêu chí: đơn giản, dễ hiểu, vui vẻ, tạo sự quan tâm. Ví dụ, giáo trình dạy kịch Nô cho trẻ em chỉ là dạng bản thảo các bài hát Nô do nhân nghệ nhân sưu tầm, lưu giữ;

+ Mở trường dạy nghề 2 năm/khóa: Với mục đích tìm đối tượng người học, chính quyền địa phương trả lương, thưởng cho người dạy, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho nghệ nhân và lớp trẻ;

+ Chính quyền địa phương cùng người dân tổ chức nhiều sự kiện văn hóa trong cộng đồng;

+ Tạo hứng thú và động lực cho lớp trẻ - trung tâm của cộng đồng- thể hiện cụ thể qua các hình thức: Phát học bổng cho học sinh được các nghệ nhân tiến cử hàng năm; Hỗ trợ nghệ thuật bằng cách trao tặng danh hiệu “Người kế thừa nghệ thuật truyền thống”

3. Một số mô hình thực hiện

Dựa trên những nghiên cứu, phân tích của các nhà nghiên cứu bảo tồn di sản, một số mô hình hữu hiệu đã được thiết lập và vận hành tốt có thể kể đến như:

3.1. Mô hình “Lớp học truyền nghề lấy trẻ em làm trung tâm”:

Năm 2002, chính quyền địa phương ở thành phố Kanazawa đã thành lập dự án đào tạo nghề truyền thống, lấy đối tượng là trẻ em. Mô hình:  Bảo tàng kết hợp với câu lạc bộ đào tạo nghệ thuật kịch Nô, truyền nghề tập trung vào trẻ em đã tạo nên đặc trưng riêng của cộng đồng thành phố Kanazawa, tạo động lực giúp người dân có thêm tình yêu đối với cộng đồng. Đây là một rạp chiếu phim cũ được sử dụng thành nơi sinh hoạt cộng đồng về các vấn đề văn hóa, kết hợp với hình thức trưng bày bảo tàng, nơi đây có tên Bảo tàng Nogaku. Hình thức xây dựng một bảo tàng nghệ thuật kịch Nô, cần phải kết hợp được yếu tố về một bảo tàng mỹ thuật kết hợp với trường đào tạo nghề. Nơi đó, người dân có thêm cơ hội và lý do để tiếp cận với di sản văn hóa.

Mục đích của bảo tàng Nogaku là bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật kịch Nô, một loại hình nghệ thuật được gây dựng, bảo trợ bởi những võ sỹ Samurai, tại đây, Kịch Nô là một trong những dòng nghệ thuật phát triển ở Kanazawa từ thời thành phố này mới được thành lập từ cách đây hơn 100 năm.

May mắn có dịp đến thăm bảo tàng Nogaku, chúng tôi được ông giám đốc bảo tàng đích thân dẫn đi thăm, giới thiệu và chia sẻ những nguyện vọng của bản thân: “Mục đích chính của bảo tàng chúng tôi là bảo tồn phát huy giá trị kịch Nô, mục tiêu tiếp theo là truyền tải qua kênh thông tin đại chúng cho những người dân thông thường, bình thường chỉ là những kỹ năng của riêng một nhà nào đấy thôi. Cụ thể như bảo tàng chúng tôi có triển lãm những kỹ thuật, kỹ năng liên quan đến nghệ thuật làm kiếm, làm mặt nạ, thêu áo Kimono. Từ trước chúng tôi vẫn có kênh Kanazawa thông qua kênh trung ương Kyoto, nhưng năm ngoái chúng tôi có buổi triển lãm về Kanazawa, với các buổi biểu diễn chủ đề Kịch Nô – nghệ thuật quốc hồn quốc túy của Nhật Bản, về nghệ thuật truyền thống của Kanazawa tại Pari, Pháp từ tháng 10 năm 2013 đến tháng 12 năm 2013, lúc đó triển lãm đã được quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản đánh giá rất cao. Chúng tôi muốn từ bây giờ, từ Kanazawa phải được mở rộng những thông tin ra toàn thế giới một cách trực tiếp chứ không phải thông qua kênh trung ương nữa”.

Về các nội dung trưng bày và triển khai thực hiện ở bảo tàng ông cho biết “Bảo tàng chúng tôi có những góc trải nghiệm, các vị thấy bên kia khách đến thăm quan bảo tàng này có thể mặc thử những trang phục diễn viên kịch Nô có thể đeo thử mặt nạ, có thể dùng thử nhạc cụ âm nhạc chẳng hạn. Chúng tôi muốn nghệ thuật truyền thống trở nên gần gũi với người dân hơn, người dân có thể tiếp xúc trực tiếp chứ không phải chỉ xem không. Một chức năng nữa của bảo tàng chúng tôi, thực ra đây là do chỉ đạo của thành phố, ở tầng 3, có hai cơ sở đào tạo đối tượng là trẻ em, đào tạo kịch Nô và tiếp theo là nơi đào tạo sử dụng nhạc cụ…”.

Có thể nói, bảo tàng Nogaku là nơi kết hợp rất thành công mô hình đào tạo với trưng bày hiện vật, và việc bố trí địa điểm tầng một như một điểm trải nghiệm; khám phá nghệ thuật Nô, nó cho phép khách đến thăm được ngắm nhìn một không gian nghệ thuật Kịch Nô từ cách bố trí mang mô hình của sân khấu Kịch Nô truyền thống (phía dưới có chôn những bình hoa rỗng khiến diễn viên dẫm chân có thể tạo tiếng vang vọng. một cách khuyếch đại âm thanh của người xưa), cho đến việc chiêm ngưỡng bộ sưu tập mặt nạ, nhạc cụ, trang phục, đồng thời thưởng thức âm thanh vang vọng của tiếng đàn, tiếng hát trong nghệ thuật Kịch Nô. Ngoài ra, còn có một góc cho phép khách đến có thể hóa thân thành những nghệ sỹ Kịch Nô với những bộ trang phục đặc trưng của thể loại nghệ thuật độc đáo này. Các tầng khác là nơi sản xuất nhạc cụ, mặt nạ như không gian tầng hai, và tầng ba là nơi đào tạo cho đối tượng trẻ em. Tới thăm tầng ba, chúng tôi bắt gặp một không khí học tập say mê, nghiêm túc của một lớp học nghệ thuật hát và diễn Kịch Nô dành cho các cháu thiếu niên, các cháu nhỏ đang chập chững làm theo sự chỉ bảo của một nghệ nhân lớn tuổi, dù các bước đi, câu hát còn chưa chuẩn xác, nhưng chúng tôi quan sát thấy tinh thần học tập của bọn trẻ rất hào hứng và nghiêm túc. Kể từ khi thành lập đến nay, bảo tàng có lượng khách đáng kể tới thăm, thưởng thức và số lượng trẻ em theo học cũng khá đông. Trẻ ở đây đều là con em trong thành phố, có em được biết loại hình Kịch Nô qua kênh thông tin đại chúng, có em đến học do yêu thích, hoặc bạn bè lôi kéo, thậm chí có em đến do bố mẹ ép phải học… Song, qua thời gian, được hỏi về sự yêu thích môn nghệ thuật này, chúng đều háo hức cho biết, dù xuất phát điểm như thế nào, dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân, chúng đều dần say mê, ham thích hơn, dù loại hình nghệ thuật Kịch Nô có những nghiêm luật khá khắt khe…

Kanazawa là một thành phố tiến bộ về văn hóa tại Nhật Bản, người dân địa phương từng tự hào bởi những sản phẩm văn hóa thủ công mỹ nghệ được đánh giá là “Number one và only one” tức là cao nhất và duy nhất. Bởi vậy, Mô hình trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng về nghề thủ công mỹ nghệ sơn mài, khắc kim loại, gốm sứ, thủy tinh…, được thành lập nhằm kế thừa xưởng mỹ nghệ cũ, Lớp học nghề truyền thống Utatsuyama dạy nghệ thuật sơn mài, ví dụ như khảm ngà voi, mạ vàng, đóng vai trò nâng cao nghệ thuật truyền thống ở Kanazawa. Có thể hiểu, nơi đây là hình thức của một xưởng dạy và thực hành nghề tập trung vào đối tượng trẻ. Tới thăm nơi này, chúng tôi nhận thấy các bạn trẻ đến từ nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản, thậm chí từ nước ngoài, mỗi người đều say mê sáng tạo trong mỗi góc làm việc của riêng mình. Không khí tập trung, hăng say chế tác hiện diện khắp các xưởng nghề như xưởng sơn mài, xưởng khảm giát vàng, xưởng gốm sứ, thủy tinh…Lớp học nghề truyền thống Utatsuyama một năm tuyển sinh một lần, có giảng viên mỹ thuật đến thỉnh giảng, nơi cho phép các nghệ nhân trẻ từ khắp nơi trên đất nước Nhật Bản cũng như trên thế giới có điều kiện học tập, sáng tạo, thi thố tài năng và tiêu thụ sản phẩm của chính mình. Các ứng viên khi trúng tuyển không phải chi trả tiền học phí, chỉ tự lo kinh phí ăn ở đi lại và tiền nguyên vật liệu cho sản phẩm, sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ, nghệ nhân trẻ tài năng được vinh danh bởi sự đề cử của nghệ nhân lớn tuổi và sẽ được nhận học bổng do trung tâm cung cấp.

Căn cứ vào những vấn đề trao đổi với ông Kawara, người có mối liên quan gắn bó với Utatsuyama, ông cho biết, hàng năm trường cho đăng báo tuyển dụng từ tháng 11 đến tháng 12, đến tháng 1 thì sẽ có kết quả trúng tuyển. Những người học sẽ bắt đầu từ tháng 4 (năm hành chính của Nhật tính từ tháng 4), học trong 3 năm. Cuối năm thứ hai có bài kiểm tra, những người nào đỗ bài kiểm tra này sẽ được học tiếp năm thứ ba. Người tham gia thi tuyển dựa trên ba tiêu chí: đã tốt nghiệp cấp 3, có những kỹ năng cơ bản để làm nghề, dưới 35 tuổi. Những người đăng ký đến từ cả nước, có kỳ hạn đăng ký, đăng ký xong sẽ có một bài kiểm tra, những người đỗ qua bài kiểm tra đó mới được học. Tại đây tuyển sinh đầu vào không có bài kiểm tra thực hành, bài kiểm tra có hai vòng, vòng thứ nhất là xem xét tài liệu, về sơ yếu lý lịch, tiếp theo viết một đoạn trình bày động cơ mình tham gia, thứ hai là phỏng vấn. Các chi phí mua nguyên vật liệu làm ra tác phẩm mỗi người được hỗ trợ 10 vạn Yên/ tháng (tương đương với 1000 $ Mỹ) để mua nguyên vật liệu, với điều kiện tiên quyết: Không được sử dụng số tiền này vào bất cứ việc gì khác.

Như vậy phương thức tuyển sinh đầu vào của Utatsuyama dành cho ứng viên chủ yếu vẫn là nộp đơn và đưa ra nguyện vọng của mình để sau đó xét tuyển. Ứng viên không cần kiểm tra tay nghề, bởi tiêu chí của trường này không dạy những người không chuyên nghiệp, mà dạy những người đã hoạt động nghề. Trong sơ yếu lý lịch phải ghi và cho thấy rõ đã có tác phẩm như thế nào, theo mô hình này, cho chúng ta hiểu đây là xưởng và không hẳn chỉ là nơi dạy học, nên không có đào tạo, các học viên đều được tự do phát huy kỹ thuật của mình. Những người đứng vai trò chỉ đạo nghệ thuật, chỉ đạo nghệ nhân, hầu như đều đã học nghề tại trung tâm đào tạo nghề này. Lớp nghệ nhân trẻ yêu thích công việc sáng tạo những sản phẩm thủ công truyền thống có thể đến lớp học/ xưởng nghề để được những nghệ nhân uốn nắn, chỉ bảo cách thức làm sao cho sản phẩm văn hóa truyền thống mang tính chất nghệ thuật gần gũi với cộng đồng hơn. Ví dụ như trà đạo, kịch Nô là văn hóa trước đây chỉ thuộc về một tầng lớp giàu có như Samurai, nay trở thành văn hóa của cộng đồng, không còn giới hạn trong phạm vi duy nhất nào nữa.

Công việc của xưởng hiện nay đóng vai trò truyền nghề, các hoạt động tại đây không đơn thuần là phục chế, chế tác sản phẩm truyền thống trước đây, mà còn giúp nghệ nhân trẻ sử dụng kỹ thuật xưa, áp dụng vào sáng tạo những mẫu mã mới vừa hiện đại, vừa mang phong cách truyền thống. Nhờ đó, người học có thể mang sản phẩm của mình ra ngoài thị trường tạo thu nhập cho cá nhân, đây là một cách thức tạo hứng khởi, động viên, khích lệ sự sáng tạo của lớp nghệ nhân trẻ.

3.2. Thiết lập địa chỉ sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng kết hợp với hình thức trưng bày bảo tàng:

Mô hình tạo dựng trên nền cũ của một cơ sở phúc lợi có tên là Thiện - Lân - Quán tại thành phố Kanazawa. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, đây là cơ sở nhà dưỡng lão được người dân cùng nhau lập nên, lúc đầu nó chỉ bé nhỏ và từng có chức năng phục vụ cho những người cao tuổi, một nhà dưỡng lão đơn thuần song đã từ lâu bị bỏ không. Vì thế, hội người Cao tuổi ở thành phố Kanazawa đã đề xuất lấy lại hình thức: “Làng sôi động” như trước đây, bằng cách đưa ra một dự án biến Thiện Lân Quán trở thành một địa chỉ văn hóa. Đây không chỉ là một nơi đến thông thường mà còn đóng vai trò lấy lại sức sống cho thành phố.

Và như vậy, mô hình nhà dưỡng lão trước đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng địa phương, trở thành nơi giao lưu của người dân, được vận hành bởi các sinh viên, và lấy tên mới: Giao lưu quán. Mô hình này kể từ lúc thực hiện đến nay đã thu được nhiều thành công, biểu hiện ở số lượng người dân đến với địa chỉ này ngày một đông. Chính sách đô thị hướng tới cộng đồng địa chúng tỏ bước đi đúng đắn của chính quyền và nhân dân thành phố Kanazawa bởi họ đã khiến văn hóa cộng đồng gần với người dân hơn.

Tiếp theo, chính quyền địa phương thành phố Kanazawa đã đưa vào một chương trình mới: Chương trình lấy người cao tuổi và sinh viên, học sinh cùng tham gia. Trong dự án này, mọi thành viên tham dự đều cùng suy nghĩ đưa ra những ý tưởng và đề xuất liên quan đến một mục đích duy nhất: Làm sao để lấy lại sức sống cho cộng đồng của chính họ? Và, một trong những ví dụ cụ thể chính là rạp chiếu phim ở Kanazawa, từ trước không còn khách nữa và nó phải đóng cửa, nhưng bây giờ người dân nơi đó đã phục hồi rạp chiếu phim này thành một địa chỉ để người dân tự biến thành không gian sáng tạo văn hóa, như một mô hình sinh hoạt cộng đồng, kết hợp với mô hình của một bảo tàng nghệ thuật, mang tính mỹ thuật cao, thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của nhiều thành viên trong cộng đồng như mô hình bảo tàng Nogaku mà tôi đã đề cập ở trên.

3.3. Kết hợp giữa lớp học đào tạo nghề với các bảo tàng, địa điểm bán hàng lưu niệm có tiếng, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống cho các nghệ nhân, khuyến khích lớp nghệ nhân trẻ.

Mô hình kết hợp lớp học đào tạo nghề với các bảo tàng, địa điểm bán hàng lưu niệm có tiếng…, đã tạo điều kiện thiết thực giúp người học nghề tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và có tác dụng khuyến khích lớp nghệ nhân trẻ đang theo học tại Lớp học nghề Truyền thống Utatsuyama.

Đến thăm Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Thế kỷ 21, là một trong ba bảo tàng lớn nhất Nhật Bản. Bên cạnh những gian trưng bày nghệ thuật đương đại thường xuyên được tổ chức, ta vẫn bắt gặp một không gian riêng, tuy không lớn nhưng cũng thu hút được khá nhiều khách đến thăm bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, tinh xảo, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, được biết, hầu hết các sản phẩm nơi đây đều thuộc về các nghệ nhân trẻ tại lớp học nghề Truyền thống Utatsuyama, sản phẩm bán được, bảo tàng không lấy phần trăm mà dành hết cho người tạo ra nó,

Cũng là mô hình tương tự, khi đến với Bảo tàng Vàng giát Yasua, cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ Hirosaka, cửa hàng bán đồ mỹ nghệ sơn mài Nosaku lâu đời và nổi tiếng ở Kanazawa. Sản phẩm của các học viên trẻ vẫn có mặt tại khu trưng bày và bán sản phẩm. Tuy có giá thành khá cao, nhưng sản phẩm vẫn được người tiêu dùng chấp nhận, người sáng tạo ra chúng thì tin tưởng vào chất lượng, độ tinh xảo và ý tưởng tạo tác nên những món đồ độc đáo đó. Các địa chỉ này đều nằm trong mô hình hợp tác, hỗ trợ tài năng trẻ của thành phố Kanazawa, liên kết chặt chẽ với các lớp học nghề Truyền thống như lớp học nghề Utatsuyama.

4. Trở lại với trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Qua tìm hiểu về nghệ thuật hát Ví, Giặm của dân ca người Việt ở xứ Nghệ đã cho thấy đây là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc dân tộc- một loại hình truyền thống đang phải đối mặt với những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh xã hội đương đại, đang cần được bảo vệ, phát huy và lấy lại sức sống trong chính cộng đồng nơi sản sinh ra loại hình này.

Tính chất, đặc điểm và các làn điệu hát của dân ca Ví, Giặm: Là một “thể hò” trong dân ca, có vai trò của “phương ngôn”, có “tính bác học” trong ca từ, mang âm hưởng của một “nền âm nhạc chuyên nghiệp”, có không gian và môi trường diễn xướng đặc sắc, giúp hình thành và thể hiện tính cách con người xứ Nghệ, có “chất trí tuệ qua biện pháp chơi chữ” trong hát đối đáp, thể hiện hình ảnh lao động của cư dân miền biển xứ Nghệ qua ca từ, là “nhát cắt thời gian” trong tâm thức người Nghệ, mang hơi thở và “sức sống tâm hồn của con người xứ Nghệ”…, là những nhận định được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra thảo luận trong nhiều cuộc hội thảo gần đây[1].

Tuy nhiên, các hình thức bảo tồn như thế nào cho hiệu quả nhất cũng đã được đưa ra như: Các vấn đề về tuyên truyền, quảng bá dân ca Hò, Ví, Giặm trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đưa dân ca vào trường học; Chuyển hóa từ dân ca đến kịch hát Nghệ Tĩnh… Căn cứ vào các số liệu cung cấp tại một số báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm và Hò xứ Nghệ  của nhiều tác giả, trong đó có tác giả Ninh Viết Giao, Phan Thư Hiền[2]…, nội dung đều đề cập đến những khó khăn, thách thức và những nỗ lực của quá trình bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm và Hò ở Hà Tĩnh những năm gần đây, chương trình hành động 2011 và những năm tiếp theo, theo đó, công tác sưu tầm, nghiên cứu đã chủ trì thực hiện được khá nhiều dự án cấp Bộ, cấp Tỉnh, cũng như một số dự án truyền dạy các loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian do các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Riêng các đề tài, dự án liên quan đến dân ca ví, giặm cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm từ nhiều phía, mà có thể nhắc đến là sự phối hợp điều tra khảo sát, sưu tầm, kiểm kê với các Viện nghiên cứu vào các năm 1998, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2009, 2010...

Các công tác tuyên truyền, quảng bá, xuất bảncũng thường xuyên cho ra mắt các đầu sách như: Hát phường vải Trường Lưu, Vi Phong và Thư Hiền đồng biên soạn, 1997, NXB Hà Nội; Dân ca Nghệ Tĩnh, Vi Phong chủ biên, 2002, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh; Các đĩa CD về dân ca Ví Giặm cũng được phát hành với số lượng đáng kể... Kế đến là công tác vinh danh và bảo vệ nghệ nhân, mà hầu hết các nghệ nhân được vinh danh đều thuộc đã ở tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Hàng năm, Sở VHTTDL đều tổ chức thăm hỏi và động viên các nghệ nhân vào các dịp tết, lễ.

Công tác tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, trại sáng tác cũng được tổ chức khá thường xuyên kể từ năm 1995 cho đến nay. Một điểm đáng chú ý nữa, Nghệ Tĩnh bước đầu đã thí điểm đưa dân ca vào trường học và dạy đàn hát dân ca trên Đài phát thanh truyền hình 01 số/ tháng.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả đáng khả quan, bởi theo ý kiến của nhạc sĩ Ngọc Thịnh(*)thì đây là “Một việc làm quan trọng, đặc biệt trong tình hình hội nhập quốc tế các loại hình văn hoá nghệ thuật thế giới ùa vào ngày càng mạnh mẽ, xu hướng giới trẻ hướng ngoại... các giá trị truyền thống đang đứng trước không ít quan niệm lệch lạc: Quay lưng lại với văn hóa dân gian; Coi hát ví - giặm và hò là lỗi thời; Ngộ nhận về bản sắc” với quan niệm đơn giản “cái gì cũ, cái gì đã qua mới được coi là bản sắc, cái gì riêng biệt của một tộc người hay của một cộng đồng mới được coi là bản sắc”, việc lạm dụng bản sắc được đề cập với nhận định “Không gắn liền với thực tế cuộc sống, không quan tâm tới nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân hiện tại...”. Nỗ lực đưa âm nhạc dân gian vào học đường như ý kiến của nhạc sĩ Ngô Thục Khuyên[3]: “Là trong những biện pháp cơ bản và quan trọng trong việc truyền bá và giáo dục một cách gián tiếp cũng như trực tiếp lòng yêu mến và tự hào với những di sản âm nhạc dân gian nói riêng, văn hoá dân gian nói chung”. Song, trong quá trình thí điểm bước đầu tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh “Tất cả những nỗ lực trên đều đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhưng nhìn chung vẫn còn mang tính hình thức, mới chỉ được phần ngọn mà chưa quan tâm đến phần gốc” và theo đó, “dù hiệu quả dạy học các môn nghệ thuật trong nhà trường yếu kém như thế nào chăng nữa thì điều quan trọng là tìm giải pháp cho vấn đề chứ không phải "buông" là xong chuyện”. Mặt khác, một thực tế dễ nhận thấy là “Chương trình của Đài phát thanh truyền hình tỉnh nhà nếu có Dân ca thì cũng hiếm hoi và thường không thu hút được khán giả”, “Các em được bố mẹ đưa đi xem ca nhạc cũng chỉ tiếp xúc với các đoàn ca nhạc tạp kỹ… biểu diễn Ví, Giặm khán giả nhí đến rất ít, nguyên nhân có thể từ nhận thức của người lớn, một lần nữa lại thấy rất ít dân ca ở đây”.

Những khái quát trên đây cũng đồng nghĩa với những gì mà bà Phan Thư Hiền đã nhận định năm 2011: “Những việc ở Hà Tĩnh chúng tôi làm được như đã nêu trên quả là quá ít ỏi so với những di sản cha ông để lại. Quả thực, việc gìn giữ các giá trị di sản văn hoá phi vật thể nói chung và dân ca ví, giặm nói riêng đang đứng trước báo động khẩn cấp”.

Cũng tương đồng với những trăn trở từ phía chính quyền địa phương, mà đại diện là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ Tĩnh, ôngCao Đăng Vĩnh, giám đốc Sở, trong Báo cáo tổng kết hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ tháng 3/2011 đã cho rằng:“Dẫu biết, con đường chúng ta đi còn nhiều gian khó song với sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ những người trực tiếp công tác lưu giữ và phát triển dân ca Ví, Giặm của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, các ban ngành trong hai tỉnh, chắc chắn sự nghiệp của chúng ta sẽ sớm đi tới thành công[4].

Đôi nét điểm qua thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên đây ở Nghệ Tĩnh nói riêng và ở nhiều địa phương khác nói chung tại Việt Nam, tôi nhận thấy, hầu như chỉ có tiếng nói của chính quyền các cấp mà chưa nhận thấy rõ nét tiếng nói đóng góp từ phía cộng đồng địa phương, nơi sản sinh các câu ca, điệu hò, ví, giặm. Thiết nghĩ, các kinh nghiệm về bảo tồn di sản tại Kanazawa theo hướng Chính sách đô thị tạo động lực cho cộng đồng địa phương, với việc xác định lấy trẻ em làm trung tâm, tư nhân hóa các dịch vụ công cộng, chính sách lấy công và tư cùng kết hợp, tạo sức sống bền vững cho di sản, lấy phương châm: Công tác tài chính và cộng đồng phải được tiến hành song song…, tất cả chỉ nhằm hướng tới mục đích: Lấy lại sự vui tươi hứng khởi cho văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng…, có thể coi đó như một kinh nghiệm để xem xét, học hỏi trong lĩnh vực bảo tồn, khôi phục sức sống lâu bền cho loại hình di sản văn hóa Phi vật thể trước những khó khăn thách thức của xã hội đương đại như loại hình Dân ca Ví, Giặm ở xứ Nghệ này./.
 


[1]Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm và Hò xứ Nghệ, 3/2011 

[2]Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm và Hò xứ Nghệ, 3/2011, trang 6

*Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, bài tham luận trong Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm và Hò xứ Nghệ, 3/2011, trang 101-111.

[3]Trung tâm BT&PH DS dân ca xứ Nghệ, bài viết trong Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm và Hò xứ Nghệ, 3/2011, trang 145- 150.

[4]  Báo cáo tổng kết Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm và Hò xứ Nghệ, 3/2011, trang 273. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114562331

Hôm nay

2111

Hôm qua

2280

Tuần này

21444

Tháng này

220855

Tháng qua

129483

Tất cả

114562331