Người xứ Nghệ

Nhớ anh Phạm Ngọc Cảnh

Chỉ vài mươi phút nữa thôi anh sẽ tới đài hóa thân Hoàn vũ và sẽ trở về với cát bụi. Vâng, bây giờ đã gần 8h ngày 22.10.2014, khi tôi viết những dòng này.

Tôi không phải là người yêu thơ, càng không hiểu thơ nhưng số phận đã cho tôi quen biết anh, một nhà thơ, bằng một lối khác, không phải bằng thơ mà là, hình như, bằng một tình yêu quê đắm đuối nhưng tỉnh táo, có cùng những cảm xúc về quê giống nhau, đồng điệu. Tôi còn nhớ, khoảng cuối năm 1993, một buổi chiều muộn mùa đông, nhà thơ Xuân Hoài mới được bổ nhiệm làm Giám đốc sở VHTT Hà Tĩnh, đã gọi tôi từ khu tập thể của Trung tâm VHTT từ bên kia đường Phan Đình Phùng sang phòng làm việc của ông, cũng là một gian nhà cấp 4, rồi bảo: cậu ngồi đấy, tý nữa anh Phạm Ngọc Cảnh đến ta ngồi nói chuyện cho vui. Và anh đến. Tuổi 60 mà trẻ trung, nhanh nhẹn vô cùng. Tóc đen nhánh, nói rất điệu, giọng Hà Tĩnh pha tý giọng bắc, nhẹ nhàng, dễ nghe và truyền cảm. Ta nghĩ thế này, mình nghĩ thế này…, anh thường bắt đầu như thế, gần gũi lắm. Thế rồi anh em chúng tôi quý mến nhau từ đó.

Những năm 1990s anh vẫn khỏe. Chị ốm liệt gường từ năm 1986, mẹ ở quê thì già yếu nên anh phải bươn chải làm thêm bằng bút lực của mình. Anh viết kịch bản, viết lời bình cho phim tài tài liệu; Anh rong ruổi đi viết ký. Và, hình như sau mỗi chuyến đi anh lại về quê với mẹ già. Nhưng có lẽ, về quê đối với anh cũng là những chuyến đi cho thơ, cho văn. Tôi đã được đi cùng anh nhiều chuyến như thế. Và có dạo, mấy năm liền, tôi là tài xế xe máy cho anh rong ruổi hết vàoThạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh ra Đức Thọ, Nghi Xuân, rồi lên Hương Sơn, Hương Khê. Dọc những chuyến đi ấy tôi biết và hiểu anh nhiều hơn. Đang đi sơ tán với mẹ ở Kẻ Hạ quê tôi, anh theo cha là anh nuôi của trung đoàn 103 gia nhập Vệ quốc đoàn khi mới 15 tuổi đầu, rồi rong ruổi cùng cha trên những nẻo đường bom đạn của chiến tranh chống Pháp. Cũng chính trên con đường bom đạn đó mà anh học được nhiều điều. Rồi con người nghệ sỹ trong anh nổi dậy, biến anh thành nghệ sỹ sân khấu, biến anh thành nhà thơ, nhà văn, nhà nhà báo, nhà điện ảnh…Nhưng tôi biết, dù là ai, danh tiếng thế nào thì sâu đến tận cùng trong anh vẫn là những kỷ niệm. Dọc đường với anh, hầu như ở đoạn nào anh cũng có những kỷ niệm để kể cho tôi nghe. Tôi không ngờ, có những câu chuyện thật bình thường mà anh vẫn nhớ, và trở thành kỷ niệm trong anh. Có lẽ cái tính người, tình người, sự sâu sắc của anh đã biến anh thành nơi cất giữ những kỷ niệm. Lần đầu tiên về nhà tôi, anh bắt tôi phải dẫn đi xem nhà ông Tổng Đ.. Anh bảo nhà hồi xưa thế này, thế này… và anh tiết lộ, ở cái ngõ này anh đã đứng cho mòn cả cỏ để ngắm chị B.T. Anh bảo đó là mối tình đầu của anh. Mối tình của riêng anh, khi anh mới 14 tuổi, đi sơ tán cùng mẹ về làng Tùng Ảnh, quê tôi. Nhiều người nói, chị B.T chưa chắc đã biết rằng đã có một người thiếu niên yêu mình; Nhưng tôi biết chắc rằng đến tận già anh vẫn còn nhớ mối tình đơn phương đó và vẫn dõi theo hành trình của người mình yêu thưở hoa niên.

Đến lúc này, chắc anh sắp ra Hoàn Vũ…Anh có về lại Đại Nài – Trung Tiết không anh? Em có việc bận không thể ra với gia đình anh để tiễn anh một đoạn. Anh ạ, Dương Thế Vinh và mấy đứa bạn của em ở quê, mà mấy lần anh ghé vô thăm, cứ hỏi có đi viếng anh không. Anh xá tội cho em nhé. Như lần anh em mình gặp nhau ở Vinh và Cửa Lò, anh bảo với chị Hương, đừng giận thằng Thắng mà tội cho nó. Vâng, anh là thế, đối với em anh bao giờ cũng yêu thương, độ lượng. Em nhớ anh vô cùng! 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441140

Hôm nay

2140

Hôm qua

2287

Tuần này

21044

Tháng này

216314

Tháng qua

112676

Tất cả

114441140