Ngô Thì Chí (1753-1788) tên chữ là Học Tốn, tên hiệu là Uyên Mật, con trai thứ Tiến sĩ Ngô Thì Sĩ (1726-1780), em ruột Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm (1746 -1803). Ông đỗ Á nguyên Hương tiến, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương tỉnh sự trong triều. Khi vua Chiêu Thống (1765-1793) bỏ Kinh đô chạy ra Hải Dương mưu chống lại Tây Sơn, Ngô Thì Chí được vua gọi đến trao việc mộ quân và sắm sửa khí giới, ông hăng hái nhận việc, nhưng khi đi đến huyện Gia Bình trấn Kinh Bắc thì mắc bệnh và mất tại đó. Tác phẩm để lại gồm Học phi thi tập, Học phi văn tập và bảy hồi đầu Hoàng Lê nhất thống chí.
Ngô Thì Du (1772-1840) tên chữ là Trưng Phủ và Văn Bác, con trai Ngô Thì Đạo, cháu gọi Ngô Thì Sĩ bằng bác ruột. Mặc dù không đỗ đạt nhưng ông học rất giỏi nên sau này được triều Nguyễn bổ làm đốc học Hải Dương. Tác phẩm để lại có Trưng Phủ công thi văn tập và Hoàng Lê nhất thống chí bảy hồi tiếp theo.
Thơ văn Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du là một bộ phận góp phần làm nên Ngô gia văn phái, vì thế cùng mang dấu ấn chung của dòng văn này là tỏ bày tâm sự, cảm xúc, chí hướng, quan niệm về nhân sinh, về thời thế, ghi chép những sự kiện vui buồn xảy ra trong gia đình, gia tộc và ở một tầm cao hơn, chung hơn là quan tâm đến lịch sử nước nhà, viết về lịch sử nước nhà. Cha Ngô Thì Chí viết đến năm bộ sử, anh Ngô Thì Chí có Xuân thu quản kiến, còn Ngô Thì Chí có Quốc sử tiệp lục, trong đó nhiều lần nhắc đến nước nhà nhất thống. Cha Ngô Thì Du thì viết ngay về tình hình loạn lạc ở Hải Dương đương thời qua bài Hải Dương Sơn Nam kỷ loạn.
Mặt khác, các tác giả Ngô gia văn phái còn rất quan tâm đến thể loại tiểu thuyết, có không ít thơ, phú bình phẩm nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và nhiều hơn cả là nhân vật, sự kiện trong Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, bộ tiểu thuyết lịch sử có ảnh hưởng khá sâu rộng từ vua chúa đến sĩ phu nước ta thời đó. Về khía cạnh này, Ngô Thì Du có bài Phục Long, Phượng Sồ phú.
Vì vậy, khi đã bức xúc quá lâu ngày trước triều chính, thế sự lụi tàn, nhân tâm đảo điên, đen bạc, tráo trở, chỉ biết mưu cầu giàu sang cho riêng mình , khi chứng kiến một sự biến làm chấn động và đảo lộn cả Bắc Hà là quân Tây Sơn tiến ra Bắc với thế chẻ tre, lật đổ họ Trịnh, nhất thống nước nhà vào một tay vua Lê thì những cảm xúc nóng hổi và đầy ắp về sự kiện ấy đã thôi thúc Ngô Thì Chí phải cầm bút lên mà hối hả ghi chép lại. Ông đã chọn lối viết của tiểu thuyết chương hồi Tam quốc chí diễn nghĩa để viết Nhất thống chí (tức Hoàng Lê nhất thống chí), một thể loại văn vừa ghi chép được lịch sử đang diễn ra, vừa có chỗ lùi cho những gì mà người viết chưa có điều kiện và thời gian xem xét dến tận người, tận chốn. Ngô Thì Du, người rất yêu kính ông và cùng chung quan điểm chính thống như ông, đã viết nối. Viết về sự kiện đương thời một phần cũng là viết về mình và viết về gia đình vì trong truyện có đến năm nhân vật của dòng họ Ngô Thì.
Chính nhờ hai ông (và có phần cả ông Nhậm nữa) mà ngày nay chúng ta mới biết được những nét chủ yếu, tiêu biểu về khung cảnh Thăng Long cuối thế kỷ XVIII và về giới nho sĩ Tràng An thời ấy.
*
* *
Nhà nho khuyết danh trong lời Tựa cho Hoàng Lê nhất thống chí đã khái quát rất gọn nội dung và nắm bắt rất trúng cảm hứng viết truyện của các tác giả: “Chí lấy tên Nhất thống là vì cái loạn thời Hậu Lê bắt đầu từ việc chúa Trịnh Sâm sủng ái Đặng phi, phế con trưởng, lập con thứ dẫn đến ba quân làm binh biến, cuối cùng là cái loạn Tây Sơn rồi họ Trịnh tiêu vong. Hiển Tông nhà Lê bảy mươi tuổi già, mệt mỏi với việc ở ngôi lại được chính mắt trông thấy cuộc nhất thống. Còn Tây Sơn chiếm cứ đất nước, lộc nhà Lê cáo chung cũng bắt đầu từ đây”.
Hậu Lê là thời loạn có một không hai trong lịch sử: ba quân cậy có công làm binh biến, phế người con thứ của Trịnh Sâm là Trịnh Cán đã lên ngôi để lập người con trưởng là Trịnh Tông làm chúa, rồi sinh kiêu căng làm càn, không còn coi chúa và triều đình ra gì nữa. Số trang dành để miêu tả mức độ “kiêu” của binh lính trong tác phẩm không nhiều nhưng tác giả đã khéo chọn những mưu toan, việc làm và lời lẽ đậm chất “lính tráng” rất tiêu biểu của họ để phản ánh mức độ “loạn” chưa từng có ở kinh thành Thăng Long.
Người gợi ý cho Tông làm đảo chính là đầu bếp Dự Vũ, “có tâm cơ, ứng đối rành mạch”; người hình thành mưu đảo chính ấy là Gia Thọ, một kẻ hầu nhỏ “có trí thức” trong đám gia thần của Tông; người tán thành và thực hiện âm mưu đó là bọn biện lại trong đám thân quân của Tông; người tham gia đảo chính là quân lính ở đất “thang mộc”; người chủ mưu là Nguyễn Bằng (Bằng Vũ), biện lại của đội Tiệp bảo, “thông hiểu chữ nghĩa, ở kinh thường làm đơn kiện cho người ta, là kẻ điêu toa bậc nhất”. Bọn này hội họp nhiều lần để bàn bạc cách thức, ước hẹn hiệu lệnh rất đơn giản là “đánh ba hồi trống làm hiệu, kéo ùa vào, kéo chân cho hắn (quận Huy) ngã xuống dưới thềm, hễ hắn ngã là xong”. Danh sĩ huyện La Sơn xứ Nghệ là Bùi Bật Trực bày mưu thêm cho quân lính rồi rủ Chiêu Lĩnh bá, con trai quốc cữu Viêm quận công nhập bọn để cùng “dòm ngó công ấy”. Khi bị cha can ngăn, Chiêu Lĩnh bá đã nói một câu phơi bày hết gan ruột : “ Cho dù đại nhân đã mãn nguyện với phú quí, há lại không nên cho con cái kịp thời lập công danh hay sao ?”.
Ngày đảo chính, cuộc hỗn chiến trên sân phủ chúa giữa quận Huy đơn độc chỉ với một thanh kiếm báu và một thớt voi và quân lính đông đảo được miêu tả tường tận như chính tác giả được chứng kiến. Lúc đầu, sợ thanh thế quận Huy, nghe ông ta quát mắng, lại thấy đầu voi lẫm liệt, quân lính đều ngồi cả xuống, không dám tiến đến. Sau chỉ thấy có vậy, họ đứng cả dậy, “tránh cặp ngà mà sấn tới quanh voi, người cầm khí giới đâm chém, kẻ rút ngói trên phủ đường quăng ném, voi co vòi quì xuống sân mà gầm, không dám húc nữa. Quận Huy giương cung thì dây cung đứt, lấy súng nạp đạn thì mồi lửa tắt,… thế là quân lính móc quận Huy lôi xuống, đánh túi bụi cho đến chết, rồi mổ bụng moi gan phổi cắt ra mà ăn, còn xác thì kéo ra vứt ngoài cửa Tuyên Vũ”. Hóa ra anh hùng khi đã thất thế thì việc trừ bỏ cũng đơn giản, gọn gàng đúng như cách thức kiêu binh đã bàn trước.
Cảnh quân lính đón Trịnh Tông đưa ra phủ đường để lên ngôi càng được miêu tả sinh động và đậm nét hài hước hơn nữa. Quân lính lấy tạm chiếc mâm làm cỗ cúng đế làm sập cho thế tử ngồi, “Tám người nâng mâm, chốc chốc lại nghểnh cổ nâng mâm lên quá đầu, tay mỏi thì hạ xuống vai, vai mỏi lại đội lên đầu, lên lên xuống xuống như rước tượng Phật. Mỗi lần lên cao vượt đầu, quân lính lại vỗ tay hoan hô”. Từ đây, Trịnh Tông chỉ còn là con rối trong tay kiêu binh, bị họ lấn lướt, đè nén đủ bề. Khi đã phanh thây ăn gan quận Huy mà còn chưa thỏa, quân lính lại đòi xin phá nhà ông ta, chúa nói : “Được !”. Tác giả chỉ cho Tông phán một lời, nhưng lời phán này dẫn đến tai họa khôn lường mà nhờ lời bình của một nhà nho khuyết danh, người đọc ngày nay mới có thể hiểu hết ý thâm thúy:
“Xưa có câu: một lời làm hưng thịnh nước, một lời làm mất nước. Chỉ một lời này của chúa mà ba quân bương thả, oai của chúa bị tổn thất, kỷ cương triều đình bị hủy hoại. Cái loạn của nước, cái nguy của miếu xã đều có điềm từ đây. Thánh đế sở dĩ thận trọng một lời than, một lời ừ là vì thế… Nếu Đoan vương có mưu lược, quyết đoán sáng suốt thì khi ba quân quỳ xin, ắt phải nói ngay trước mặt họ rằng: ‘Quận Huy có tội thì nên giao cho triều đình bàn chung, phơi bày tội của hắn, tịch biên nhà của hắn. Phép công trong thiên hạ chẳng phải là điều ta được chuyên nắm, chư quân không được vội vàng. Công tái lập vương thất của các ngươi đáng được xem xét cao thấp mà ban chức tước, chia đất đai, ghi vĩnh viễn trong khoán thư, cùng hưởng phúc với nước. Các ngươi nên tự tu sửa mình để cho cả nước trông vào, chớ khinh suất sử dụng cái dũng mãnh nhỏ mà tự vứt bỏ công lao lớn’.
Nếu được như thế thì ba quân ắt nghiêm túc tôn trọng luật pháp mà quốc chính cũng được nâng cao. Phàm quân lính đã muốn phá dinh của quận Huy mà còn quì xin là vì còn sợ phép nước, thế mà Đoan vương lại dạy cho họ nhờn với luật pháp thì những thói tệ làm sao lại không kéo đến được ? Quân lính như lửa, không thu lại thì tự cháy; tình cảm như nước, chỗ chắn đã xô vỡ thì mong gì chế ngự ? Lúc mới bắt đầu mà không ngăn chặn được
thì mối họa kiêu binh thực sự do Đoan vương vời đến, không làm sao hối được nữa”.
Oai chúa bị tổn thất, kỷ cương triều đình bị hủy hoại còn được tác giả hình tượng hóa qua đoạn miêu tả kiêu binh dám mắng vỗ mặt chúa và cả mẹ chúa khi bà này xin họ tha cái tội “bàn chém kiêu binh” của em trai mình ở hồi thứ ba : “ Quân lính quát :
- Tha cho tính mạng cậu ấy thì bảy người kia chết ai tha ? Nếu cố ý che giấu thì tức khắc được thấy cung khuyết thành tro bụi ngay đấy.
Thái phi ngồi xệp xuống đất chắp tay vái tứ tung. Quân lính nói :
- Không nói với đàn bà, chỉ hỏi chúa thôi.
Chúa nói :
- Bức bách nhau thế này thà đừng lập làm chúa nữa.
Đám quân lính nói :
- Tưởng muốn làm chúa nên mới lập, nếu không muốn thì ai ép !
Một tên nói :
- Lắm lời thế ! Hãy xuống khỏi bệ ngồi đi, lập người khác là Thụy quận công cho xong !
Chúa sợ hãi bỏ vào cung, không dám nói gì nữa”.
Từ đó, kiêu binh càng ngông ngạo, ngày ngày tụ họp, bàn lấn sang cả những việc lớn của triều đình, đưa những việc phi lý ra bắt triều đình phải thi hành. Trên đường phố Thăng Long, họ giăng tay nhau ngăn lối, khiến các bậc công hầu đều phải quay xe tránh họ.
Công hầu còn thế, huống chi là dân thường ? Phố phường Thăng Long thời ấy được miêu tả là chẳng mấy khi được yên. Thường ngày, tên dâm bạo Đặng Mậu Lân “đem theo vài chục thủ hạ, tên nào tên nấy cầm đao thương hoành hành kinh ấp, đụng phải xe, ngựa, chẳng cần hỏi là quan viên nào, chỉ lấy gây sự, sỉ nhục người làm khoái. Gặp đàn bà con gái ở đường, ai vừa mắt là buông ngay màn tư thông. Cô nào không thuận thì cắt ngay vú, chồng hoặc cha mẹ của họ dám ra lời thì lập tức bị bẻ răng hoặc bị đánh chết”. Đặng Mậu Lân bị đi đày thì lại đến nạn kiêu binh phá phách. Chính mắt dân chúng kinh kỳ thấy họ rùng rùng kéo nhau đi phá dinh quận Huy, trong chốc lát đã tan hoang, một mảnh ngói cũng không còn. Không tìm được Dương Khuông và Triêm Vũ hầu, “quân lính tức thì hò nhau phá nhà. Chỉ trong chốc lát, cả hai dinh đó đều bị san thành đất bằng”. Quân lính còn “lập tức phá tan dinh” của quốc sư Nguyễn Khản. Nhà của những viên quan khác mà kiêu binh ghét cũng “ bị phá tan hàng loạt”. “Luôn trong mấy ngày, họ làm náo loạn cả kinh thành”.
Sự biến luôn xảy ra ở kinh thành, vì thế bất kỳ một việc gì khác lạ, chẳng hạn chỉ một bài hịch Ba quân phò chính do một kẻ hiếu sự là Trần Hữu Cầu tự ý soạn ra rồi đem dán ở khắp các đường phố cũng đủ làm cho “kinh thành nhao nhao cả lên”.Trịnh Cán đã được nối ngôi chúa nhưng vì quá thơ ấu, lại ốm yếu nên dân chúng không thể yên lòng, “ở phố phường người ta túm năm tụm ba, bàn luận như sôi”, vè được truyền khắp đầu đường xó chợ. Trong tác phẩm, chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa nữa mà còn là nơi người dân tụ họp trao đổi thông tin, trao đổi cách nhìn cả đúng lẫn sai. Lòng người nghi hoặc nên những lời đồn đại cũng phát đi từ đây khiến “thiên hạ lại sôi lên”. Quan đề lĩnh phải cho đem móc sắt và kéo treo khắp các chợ, dọa rằng nếu ai còn dám bàn chuyện thì sẽ móc lưỡi cắt đi, bấy giờ dân mới sợ nơm nớp. Chợ búa, phố phường là nơi phản ánh nhanh nhạy nhất sắc thái tình cảm vui, buồn của người kinh đô. Ngày thái tử Duy Vĩ bị hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, già trẻ, trai gái trong thiên hạ không ai là không rơi nước mắt; ngày bảy “kiêu binh”´bị đưa ra chém, “trong triều ngoài phố ai cũng lấy làm hể hả”,còn ngày Trịnh Tông được kiêu binh đón về lên ngôi, tự dưng trời hết u ám, dân chúng cho là điềm thái bình nên “truyền miệng nhau mà reo mừng, kinh kỳ hôm ấy vì thế mà nghỉ phiên chợ”; chợ ngoài phố nghỉ để “người buôn kẻ bán ở các phố phường chợ búa” kéo nhau đến xem mặt chúa, thì sân phủ chúa lại “đông như họp chợ”, chẳng còn gì là “nơi nghiêm cấm” như lời Triêm Vũ hầu nói. Có lẽ “chợ” thường gắn liền với đời sông đế đô như thế nên ngoài nghĩa chỉ nơi buôn bán sầm uất ra,Thăng Long còn được gọi là Kẻ Chợ vì ý nghĩa này ?
Nhưng vui mừng ngày ấy thường chẳng tày gang, lo lắng, sợ hãi mới là tình cảm thường trực của người dân Kẻ Chợ. Ngày kiêu binh bị quan quân vây đánh, “trong kinh hết sức nhốn nháo”, “dân hàng phố kẻ chợ đều dắt díu bồng bế tranh nhau ra khỏi cổng thành … Chư quân súng mồi sẵn lửa, dao tuốt khỏi bao, suốt đêm truyền phát tin tức, kinh thành như vỡ đến nơi”. Ngày vua Lê Chiêu Thống chống cự không nổi với quân Tây Sơn phải bỏ kinh thành mà chạy, thì “kinh thành đại loạn”, dân chúng dắt díu nhau bỏ chạy, bọn vô lại thừa dịp cướp đoạt, tiếng hô hoán ầm ĩ. Tới bờ sông, ai nấy tranh nhau xuống thuyền, “người khỏe sang sông trước, người còn lại trên bãi cát thì giẫm đạp lên nhau, có người ngã bị giẫm đến chết”….
Tuy nhiên nếu đọc kỹ tác phẩm, người đọc sẽ nhận ra tác giả phản ánh tai họa kiêu binh và kinh thành đại loạn cùng cực đến đâu cũng chỉ là bề nổi, phần chìm của “cái loạn thời Hậu Lê” được tác giả gài xen kẽ trong đó và trong nhiều sự kiện khác nữa chính là tư cách, nhân phẩm và nhất là lý tưởng vì dân vì nước từ vua chúa cho chí các quan lớn, nhỏ hầu hết đã xuống cấp thảm hại, hoặc buộc phải buông xuôi, thay vào đó là danh lợi, an nguy của cá nhân được tôn lên bậc nhất. Qua mấy trang điểm mặt những người tham gia binh biến, từ bọn ít học đến danh sĩ, từ bạch đinh đến tước bá, người đọc đã thấy mưu đồ và tính toán của họ cũng chẳng có gì khác nhau. Phần chìm này hẳn đời nào cũng có, nhưng to nhỏ, nặng nhẹ, nghiêm trọng hay không hầu hết tuỳ thuộc ở tài cán của người điều hành đất nước cùng tài năng“sáu cái lông cánh’ của người đó. Các tác giả cũng đã điểm mặt đầy đủ cả vua chúa đến bề tôi lúc bấy giờ.
Chúa Tĩnh vương từng có lúc “tính cách cương nghị, sáng suốt, anh minh, quả đoán, trí tuệ hơn người, có văn tài võ lược, đọc rộng kinh sử, thích làm thơ văn”, khiến cho “quốc chính triều cương một phen chỉnh đốn, đầu sỏ đảng hung lần lượt dẹp yên”, thì đến cuối đời, tuy vẫn ở ngôi nhưng thực sự thần tượng ấy đã chết trong niềm tin và niềm ngưỡng vọng của quần thần và dân chúng. Uy tín của chúa giảm sút nghiêm trọng, những chuyện riêng tư trong hậu cung và cả trong phủ chúa cứ lọt ra ngoài và trở thành đầu đề đàm tiếu thường ngày ở Kẻ Chợ.
Số là sau khi “bốn phương yên ổn, kho phủ đầy ắp, chúa dần dần có chí kiêu căng, xa xỉ, phi tần đầy trước mắt, mặc ý vui chơi”. Nhưng trong số người đẹp được kén vào rất nhiều kia, chẳng một ai làm chúa say dắm chung tình. Cho tới một hôm, người hầu gái của tiệp dư Trần Ngọc Vịnh là Đặng Thị Huệ bưng một hộp hoa đến trước chỗ chúa ngồi. Thoạt thấy nàng, Tĩnh vương đã ưng ý liền. Sau ngày đó, nàng được “ở chung với chúa trong chính tẩm y như vợ chồng nhà thường dân”. Lệ thường xưa nay, hoàng hậu cho chí phi tần đều ở cung riêng, khi nào được vời mới do các hoạn quan đưa tới nơi chúa ngự, nhưng Đặng Thị Huệ thì được biệt đãi khác hẳn. Nàng càng ngày càng lấn lướt, chúa mới nhắc nàng nhè nhẹ tay với viên ngọc chúa đeo ở đầu khăn là nàng đã vứt ngay viên ngọc xuống đất, hờn dỗi là chúa trọng của khinh người rồi tự ý bỏ sang ở cung khác. Chỉ hai chi tiết đắt giá này đã đủ cho thấy chúa cưng chiều cô vợ mới, bất chấp quy củ bấy lâu trong ba cung sáu viện như thế nào. Cho nên chẳng lạ gì “không lời nào là chúa không nghe, không ý muốn nào là chúa không theo” (Có bản như A.22. còn chép: “Việc gì chúa cũng bàn với nàng”). Và khi nàng sinh được con trai khôi ngô, sáng dạ khác hẳn người thường là Cán thì “tình yêu của chúa càng tăng bội phần”.
* Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh lịch sử một giai đoạn suy thoái, đầy biến cố với những nội dung sâu sắc, có ý nghĩa muôn thuở. Biết bao nhân vật cùng vô vàn sự kiện xảy ra nối tiếp nhau, đan xen nhau, chồng chéo nhau, có ngày tháng, có nơi chốn đã ngay lập tức được tác giả thu vào tầm mắt, được lắng nghe, được lực chọn để rồi được trải lại trên trang sách với kết cấu đa dạng, lúc xuôi theo thứ tự thời gian, lúc đảo ngược sau trước, lúc đang kể đến chỗ gay cấn thì buộc người đọc phải chờ đọi bằng cách xen ngang vào một câu chuyện khác để phải chuyển sang đọc ở hồi sau; lúc đang viết văn xuôi lại chen vào một vài câu thơ chữ Hán hay vè Nôm. Bút pháp tự sự cũng được tác giả thay đổi luôn luôn, khi trần thuật theo người ngoài kể lại, khi mượn lời nhân vật để cho thấy diễn biến của sự việc. Giọng kể không hề đơn điệu, có khen có chê, khi nghiêm trang khi hài hước, có khi tách ra thành một giọng riêng và nhiều khi lại lẩn vào giữa hợp âm đa điệu ấy mà không lộ liễu. Đặc biệt ngôn ngữ đối thoại chiếm số trang rất đáng kể trong truyện, chẳng những giúp cho nhân vật và sự kiện tái hiện rõ ràng trước mắt độc giả mà còn trốn được cách trực tiếp miêu tả hình tượng và tâm lý nhân vật, nhờ đó bức tranh lịch sử đương thời trở thành bức tranh không chỉ người trong cuộc có mặt mà người đọc như cũng được tham dự. Bức tranh ấy có nhiều tầng, nhiều lớp đan bện xoắn xuýt lấy nhau, nhưng không vì thế mà người đọc bị sa vào chi tiết để không nắm được luồng mạch sự kiện chính luôn xuyên suốt tác phẩm. Cho nên, cũng bằng ấy sự kiện và nhân vật, ở các sách sử khô cứng bao nhiêu thì ở Hoàng Lê nhất thống chí lại có da có thịt và gây hứng thú bấy nhiêu. Tính khách quan đa chiều của trần thuật, của nghệ thuật xây dựng nhân vật còn khiến tác phẩm để lại cho độc giả những ấn tượng trái chiều với nhiều cung bậc và sắc thái khác lạ, thoạt đọc cảm thấy hình như phi lý, phi lôgích, nhưng đấy chính lại là chỗ có lý, chỗ thành công nhất của tác phẩm, nhân vật không bị phẳng dẹt, không bị khúc xạ về một phía bởi cái nhìn chủ quan của người viết. Chẳng hạn chỗ thì cho thấy Nguyễn Huệ là giặc, tính khí dữ dằn, hiếu sát, kiêu căng, chỗ lại cho thấy ông là người tinh anh, biết lễ, chu đáo, ân cần mà quả quyết, liệu việc như thần, sau đó mượn lời hai nhân vật có quan điểm về thời thế, có hành trạng và tính cách khác hẳn nhau là Nguyễn Đình Giản và Nguyễn Hữu Chỉnh cùng gặp nhau ở lời khẳng định Nguyễn Huệ quả là anh hùng, để cuối cùng người anh hùng ấy chốt lại trong trí nhớ người đọc bằng hình ảnh mờ sáng ngày mồng năm Tết cưỡi voi lừng lững đốc thúc quân lính xông lên trong khói súng mù mịt của quân thù.Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn truyện dài thành công nhất trong số tiểu thuyết lịch sử viết bằng chữ Hán ở nước ta mà không một cuốn nào có trước hoặc có sau so sánh được. Tuy chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết lịch sử viết theo thể chương hồi Trung Quốc song truyện lại có mặt độc đáo mà không một cuốn truyện cùng loại nào có được, đó là tái hiện những sự kiện mà các tác giả tai nghe, mắt thấy hoặc đích thân can dự, tham gia; dựng lại những nhân vật mà mình tiếp xúc trực tiếp, thậm chí là đồng liêu hoặc người thân thích ruột thịt sống cùng thời với mình, không cần tránh né mọi sự phiền toái, chỉ trích bằng sử dụng lối ảnh xạ, đưa sự việc ngược trở lên các đời trước. Do vậy, bên cạnh nghệ thuật viết truyện đặc sắc còn là tâm huyết thương nước thương nòi và dũng khí nhìn thẳng vào hiện thực đang diễn ra với thái độ khách quan, cầu thị của các tác giả.
* *
Lúc ấy chúa đã có con trai lớn là Trịnh Tông do thái phi Dương Ngọc Hoan sinh ra nhờ sự cố ý nghe lầm tên Ngọc Khoan thành Ngọc Hoan của hoạn quan Khê Trung hầu. Tông lớn lên lại chỉ ham võ nghệ nên chúa càng không thích, vì thế đến khi Tông mười tám tuổi mà “ngôi kế vị vẫn chưa định đoạt, lòng người bất nhất…, dần dần hình thành phe này cánh kia”. Sau đó Tông nhân lúc cha ốm nặng toan đảo chính khiến chúa càng tức giận, bèn lập Cán làm thế tử, vì thế ai cũng bảo “chỉ vì mụ đàn bà yêu nghiệt Đặng thị dụ dỗ, mê hoặc chúa, vu cáo hãm hại để đoạt ngôi vị”. Chính tác giả cũng viết với ý như thế, nhưng lời bình ở cuối hồi thứ nhất của một số bản mà Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút viết là của “Ngô Mỗ ở Thanh Oai” thì lại khác :
“Việc phế con trưởng lập con thứ ai cũng bảo đó là do Đặng thị, riêng
tôi bảo không phải do Đặng thị mà do chúa. Lại cũng không phải do chúa mà là do giấc mộng của Thái phi. Sao lại như thế ? Vì khi Thái phi được triệu là do lầm lẫn của Khê Trung hầu, chúa đã có lòng không vui, đó là điều thứ nhất dần dần dẫn đến phế lập. Đến khi thế tử đã sinh ra mà chúa không nhận lời chúc mừng thì việc phế lập mười phần đã được nửa. Đương lúc ấy Đặng thị chưa được sủng ái mà con là Cán cũng chưa ra đời thì quả thật ai làm và ai dẫn đến ? Cho nên tôi mới nói lòng chúa từ đấy đã như thế rồi, cho dù ai sinh được con nhỏ cũng ắt có việc phế lập, huống chi Đặng thị vừa được sủng ái mà con là Cán lại thông minh !”
Đặc điểm nghệ thuật đặc sắc trong cách tự sự và xây dựng nhân vật của các tác giả là hay để nhiều khoảng trống cho bạn đọc suy đoán. Cái ý nghĩ được treo lên ở đây là Tĩnh vương biết rất rõ tình hình trong phủ chúa chia làm hai phe đối địch rất gay gắt, ngoài kinh thành lòng người rất ly tán, biểu hiện ở việc quan trấn thủ của hai trấn rất quan trọng trong việc bảo vệ Kinh sư là trấn Kinh Bắc và trấn Sơn Tây đều đồng tình làm hậu thuẫn cho âm mưu đảo chính lần thứ nhất của Tông ; chúa cũng biết bệnh cũ của mình thường tái phát và có lúc rất nguy kịch, lại cũng biết dù Cán đã được lập làm thế tử nhưng ngôi vị đó như trứng để đầu đẳng, nếu không có các đại thần trung thành, giỏi giang phụ chính và không có quân đội tinh nhuệ, hùng mạnh bảo vệ thì khi chúa nằm xuống, hai mẹ con người mà chúa thương yêu nhất sẽ lâm nguy. Ấy vậy mà chúa cứ nấn ná không sớm chính danh vương phi cho Đặng thị, không kịp thời truyền lệnh cho thế tử Cán nối ngôi, không lựa chọn trước đội ngũ bề tôi giỏi mà gửi gắm đứa con côi, để đến lúc bệnh đã nặng khó bề cứu chữa mới lập Cán làm thế tử và đến lúc hấp hối mới bảo quận Huy làm phụ chính, mới chuẩn y miệng sáu người do quận Huy đề đạt theo tính toán riêng của ông ta, mà dân gian gọi là “sáu ông cố mệnh ngẩn ngơ”, cùng làm phụ chính với quận Huy. Có thể chúa cũng băn khoăn lắm, day dứt lắm, ngổn ngang trăm mối lắm nhưng biết làm sao? Cán quá nhỏ dại, bề tôi giỏi và trung thành ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng có ai ngoài quận Huy, vì vậy cho dù chưa nhắm mắt thì chúa cũng đành xuôi tay. Đúng là thời đã thế, thế thời đành thế !
Màn trối trăng gấp vội của Tĩnh vương ở hồi thứ hai là một tấn bi kịch rất đau lòng cho người hùng một thuở. Mặc dù tác giả theo quan niệm chính thống nên không ưa gì Trịnh Sâm, không bỏ qua cho ông tộí vu cáo Duy Vĩ thông dâm với cung nữ của cha mình là Ân vương để giết thái tử, nhưng khi muốn người đọc thấy được cái lỗi rất lớn của chúa là quên câu căn dặn chí thiết “thái bình tu nỗ lực” của tiền nhân, thì dưới ngòi bút miêu tả của ông, người đọc lại thấy thương cảm cho Trịnh Sâm, đương độ tráng niên (bản VHv.1534 chép chúa qua đời lúc mới 40 tuổi) mà đã phải “đại quy”, mọi việc đều dở dang, duyên sắt cầm đang độ mặn nồng cũng đành hẹn kiếp khác. Bút pháp ở đoạn này tương tự vói đoạn miêu tả chúa cưng chiều Đặng thị ở hồi thứ nhất, tuy chủ ý của tác giả là chê trách thói ham nữ sắc của Trịnh Sâm, nhưng khách quan lại cho người đọc thấy đó là mối tình rất đẹp giữa trai tài gái sắc mà chẳng đời vua chúa nào có vinh hạnh được nhà văn ghi chép sinh động, cụ thể đến vậy.
Nhân vật quận Huy Hoàng Đình Bảo cũng được treo lên trong ý nghĩ của người đọc như thế. Ta hãy xem tác phẩm miêu tả như sau về quận Huy : “Quận Huy là cháu Đại tư đồ thượng tướng quân Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, phong thái thanh dật, có tài văn, võ, đã trúng thức khoa thi hương năm Ất Dậu, lại đỗ tạo sĩ khoa thi võ năm Bính Tuất”, được Ân vương gả con gái thứ. “Quận Huy vốn đã học được gia pháp dùng binh của quận Việp nên được các tướng tá rất sợ phục, lại khéo điền khiển nhân tài, hào kiệt phần nhiều đều vui lòng được sử dụng, nhiều lần có công phá giặc, tiếng tăm ngày một nổi rõ… Khi quận Việp qua đời, chúa cho quận Huy quản lĩnh số bộ binh thay quận Việp và cử làm trấn thủ Nghệ An”. Văn võ toàn tài, dày dạn kinh nghiệm chiến trận, lại khéo biết dùng người tài và được họ kính nể, thế mà khi biết ngày mai, tức ngày 25 tháng Mười năm Nhâm Dần (1782), binh biến sẽ nổ ra, quận Huy tối hôm đó vào ngủ trong phủ,“người hầu đem theo cũng chỉ như mọi ngày, không hề phòng bị”. Người nhà khuyên ông đem tân chúa đi trốn rồi gọi các bề tôi ở bên ngoài về vây bắt gian đảng; có người lại khuyên đưa dũng sĩ mang binh trượng vào phủ tự vệ, nhưng ông đều không nghe, chỉ nói : “Vị tất đã thực sự có việc đó. Nếu sự biến gấp quá không dẹp nổi thì ta nhận di mệnh của tiên vương, chỉ có chết mà thôi, không việc gì phải hốt hoảng !”. Quận Huy không đánh giá đúng lực lượng kiêu binh chăng ? Hay là ông thấy “thế lực nghiêng cả thiên hạ” của phe mình khiến “các quan lớn nhỏ không ai là không cúi đầu xu phụ” trước đây, lúc này đã tan như bọt nước nên ông càng bị nhiều người ghen ghét, dù có triệu các quan ngoài trấn về cứu cũng chẳng có ai chịu giúp nên đành phó thác số mệnh cho trời ? Cái chết bi thảm mà vô cùng anh dũng của quận Huy không được ai tỏ lòng thương xót, kể cả tác giả hồi này, ngoại trừ hai người, một là “nhờ ngoại viện, Hữu Chỉnh rửa thù thầy” và một nữa là Ngô Thì Nhậm. Khi nghe tin, ông Nhậm đã xúc cảm tột độ, làm luôn bài Biểu trung phú và bài thơ Điếu Huy quận, trong đó có nhừng lời ca ngợi thắm thiết và cảm thông sâu sắc :
Khí tiết ngang dọc trời thu,
Lòng trung sáng ngời nhật nguyệt
Và :
Khó chống một cây nhà sắp nguy,
Muôn vàng bỏ uổng giữa đường đi
Ngoài “huyền niệm”, nghệ thuật xây dựng nhân vật đa chiều, lập thể mà Nguyễn Hữu Chỉnh là tiêu biểu cũng được tác giả sử dụng rất nhuần nhuyễn.
Cách tác giả giới thiệu Chỉnh với bạn đọc tuy tương tự như giới thiệu những nhân vật chủ chốt khác song có phần chi tiết, cụ thể hơn nhiều. Ông gài xen với những sự kiện khác để hoàn thành hình tượng của nhân vật này, từ Nguyễn Huệ ra Bắc kết hôn với công chúa Ngọc Hân đến Trịnh Tông tự tử, các quan đầu triều ngả nghiêng giữa quận Thụy và quận Côn rồi khi quận Côn được lập làm Án Đô vương thì vua Chiêu Thống và chúa lại đối đầu nhau, kết thúc bằng “Lân Dương hầu phò chúa vượt biển đi Yên Quảng, Bằng Trung công mời vua qua sông tới Lạng Sơn” ở hồi thứ mười.
Nguyễn Hữu Chỉnh về vẻ ngoài thì “phong tư đẹp đẽ ”, học vấn thì “từ nhỏ du học, đã đọc hết kinh sử, mười sáu tuổi đỗ hương giải”, “sở trường về thơ văn quốc ngữ, thường mến mộ huân nghiệp của Quách Tử Nghi, nhân đó làm bài Quách lệnh công phú được cả nưởc truyền tụng ; về tính nết và thú chơi thì “hào hiệp, giao du khắp thiên hạ, tân khách trên chỗ ngồi có đến mấy chục người, làm thơ, uống rượu, tùy hứng mà thù đáp, trong nhà nuôi ca nhi, vũ nữ hơn chục người, lại tự soạn điệu ca phổ vào đàn sáo, ngày đêm ca hát làm vui nên được coi là tay phong lưu bậc nhất Tràng An, lại giỏi khôi hài bằng sáo ngữ”; về từng trải thì “ở dưới cửa quận Việp hơn mười năm mới được xuất thân coi đội Thiện tiểu”, “khi quận Việp phụng mệnh xâm lấn phương Nam, Chỉnh được theo giúp việc bút nghiên, quận Việp yêu vì thấy có tài ”; về gan dạ thì “Việp công qua đời, có kẻ tố cáo Chỉnh đánh cắp vàng bạc của công kể đến hàng nghìn, lời tố cáo liên quan cả đến quận Huy. Chỉnh bị hạ ngục nhưng dù bị khảo đả vẫn không khai nên được vô sự. Quận Huy càng thêm yêu mến, kính trọng”; về chiến trận thì “Chỉnh làm Hũu tham quân, được quận Huy giao điều khiển thuỷ thủ phòng ngự mặt biển, trận thủy chiến nào cũng vô địch, bọn phỉ trên biển gọi Chỉnh là “chim thủy ưng”.
Khi trong Kinh xảy ra binh biến, quận Huy bị giết thì vì quen biết trước với Nguyễn Nhạc, Chỉnh bèn chạy vào ấp Tây Sơn. Đến đây, con thủy ưng này mới thật sự trổ tài vẫy vùng ngang dọc. Nhưng chí lớn của Chỉnh đặt ở đâu ?
Nhạc mừng vì được Chỉnh vào giúp, chúa lo vì Chỉnh bỏ đi nên chiêu mộ người vào dụ Chỉnh về. Đoạn người em rể của Chỉnh xin làm thuyết khách rồi bị Chỉnh giết không nương tay là đoạn hé cho thấy tính toán của Chỉnh vượt xa hẳn cách tính toán nhỏ mọn của những nhân vật có máu mặt cùng thời. Giết thuyết khách để Nhạc càng tin nhưng Chỉnh “hàng ngày vẫn mong về nước cũ”. Rồi Chỉnh “ quyết định mưu kế về nước” và cái mưu kế này người khác cũng không thể nghĩ ra được, đó là thoạt tiên bày cách thức lấy đất Thuận Hóa cho Nhạc để Nhạc sai em là Huệ dẫn đại quân tiến ra. Tiếp đó, cái mưu ly gián giữa hai tướng trấn thủ Thuận Hóa bằng cách đưa nhầm lá thư bọc sáp ong gửi quận Thể cho quận Tạo do Chỉnh nghĩ ra đã đành, mà cái mưu cho người khách phương Bắc giở thuật số ra dụ quận Tạo lập đàn chay cúng bảy ngày bảy đêm khiến quân sĩ giũ Thuận Hóa mệt mỏi, không còn hồn vía chống giặc có phần chắc cũng do Chỉnh nghĩ ra. Sau khi Tây Sơn lấy xong Thuận hóa, Chỉnh lại đưa hết lý lẽ thuyết phục Huệ thừa thắng đánh nốt Bắc Hà rồi nhận lệnh cầm quân đi trước, tới đâu là thắng đấy. Huệ dẫn hơn nghìn chiếc lâu thuyền từ biển theo ra, dân chúng ven biển lên núi, trông ra thấy cờ xí, đều than rằng: “Cõng rắn độc cắn gà nhà, tuy hắn quả thật có tội song cũng là việc đời nay không sao so bì được”.
Ai quy tội “cõng rắn cắn gà nhà” cho Chỉnh là hiểu lầm mong muốn sâu xa của Chỉnh. Cái thâm nguyện của Chỉnh là muốn mượn binh lực Tây Sơn để diệt Trịnh phò Lê, “chống đỡ cho nền cương thường” của nhà Lê, khiến “việc quân việc nước đều do hoàng thượng quyết định”. Đỗ Thế Long sắc sảo đã vạch rõ “tim đen” của Chỉnh nhưng lại nhận lầm ý đồ của Chỉnh là “có ý hậu với chúa”, vì vậy Chỉnh phải “cho rồng xuống nước”, không thể để Long sống và nói hở ra. Nhờ Chỉnh mà “Hiển Tông nhà Lê bảy mươi tuổi già mệt mỏi với việc ở ngôi lại được chính mắt trông thấy cuộc nhất thống”. Lễ chầu yết làm đẹp mặt cho vua Lê, làm rạng rỡ công tôn phò nhất thống cũng chính do Chỉnh gợi ý cho thượng công Nguyễn Huệ chủ trì; cả “mối nhân duyên tốt lành” giữa Huệ và công chúa Ngọc Hân, mà chủ ý không ngoài “từ nay có nước thông gia, có thể bảo đảm không lo gì nữa”, cũng do Chỉnh tác thành nốt.
Tuy vậy, vua Tây Sơn và cả Nguyễn Huệ đều không tin Chỉnh, cho Chỉnh là tay quỷ quyệt, nhất là sau khi tướng Tây Sơn Võ Văn Nhậm phân tích rất tinh về Chỉnh: “Hắn là kẻ bề tôi bỏ trốn theo về với ta là muốn xứng tâm mãn ý với cố quốc, mượn thế lực của ta hoàn thành việc đó. Ta gói ghém lương thực mang theo hàng vạn dặm, tô vẽ mặt mày cho hắn. Khi đã đắc chí, hắn chẳng những không chịu để cho ta dùng mà còn có chí khó hiểu nổi. Nay ta trói buộc mấy vạn người, ngồi ăn không ở đây để tác thành cái thế cho hắn là thậm thiếu sáng suốt”. Quân Nam phải xa nhà oán Chỉnh là tất nhiên, nhưng cả dân chúng kinh kỳ và người dân ở chính quê Chỉnh cũng căm ghét Chỉnh, ấy là chưa kể những danh tướng thời đó như quận Nhưỡng, quận Thạc đều có tính toán riêng trong việc thờ vua hay thờ chúa nên không đồng lòng với Chỉnh. Tình hình lòng người cả Nam và Bắc đều bất lợi cho Chỉnh nhưng khi trốn thoát vào Nam theo Tây Sơn lần thứ hai, Chỉnh vẫn nung nấu và tìm cơ hội làm một cuộc nhất thống nữa cho vua Chiêu Thống, cháu nội Hiển Tông. Hồi thứ bảy với hai câu thơ mào đầu “Phò hoàng gia, đạo Vũ Thành lại xuất quân, Đốt phủ chúa, Án Đô vương phải bỏ nước” được tác giả dành trọn để phản ánh sự kiện “tái nhất thống”cho vua Lê, đúng với lòng dân Thăng Long lúc đó.
Chỉnh quả là nhân vật đặc sắc trong nhiều nhân vật đặc sắc, nổi trội khác trong Hoàng Lê nhất thống chí. Chỉnh quả là người tài vượt hẳn bề tôi của cả vua Lê lẫn chúa Trịnh mà câu Chỉnh tự nhận xét về mình “Người tài ở Bắc Hà chỉ có một mình Chỉnh này mà thôi” cũng không ngoa. Dương Trọng Tế phải giật mình thốt lên: “Trừ phi có Phù Đổng thiên vương sống lại, còn ai có thể địch nổi hắn !”. Chỉnh trung thành với hoàng gia như thế nhưng người thời ấy đều không cho Chỉnh là “trung”. Đinh Tích Nhưỡng nhận xét Chỉnh “nghĩa thời đủ nhưng trung chưa trọn”, còn quận Thạc thì hiểu lòng trung của Chỉnh với hoàng gia là: “Chỉnh trước tiên phản bội nước mà giúp Tây Sơn, rồi lại hai lòng với Tây Sơn mà chiếm cứ bản châu. Tới khi người Tây Sơn và người bản châu đều không dung mới quay về với vua. Quan văn ở Nam nha bị Chỉnh lừa dối khiến cho hắn được dùng mệnh lệnh của nhà vua để sai khiến người trong nước”. Vì sao các danh tuớng thời đó lại nhìn nhận Chỉnh như vậy ? Ấy là vì trong chữ “trung”, Chỉnh cũng dành một phần đáng kể cho dục vọng của mình là ham muốn quyền lực. Ta hãy xem tác giả viết về Chỉnh: “Tự đặt hiệu quân của mình là đạo Vũ Thành, chia làm năm doanh…, sắc phục của quân đội đều phỏng theo kiểu của nhà Thanh để phân biệt với các đội quân khác. Tòa Lượng phủ nơi Chỉnh ở, nhà cửa, kiệu xe, quần áo không thứ gì là không lập chế độ mới, ngầm có ý sánh với vua. Trong thì nắm giữ khâu quan trọng của việc quân, ngoài thì quản lĩnh công việc của các trấn. Phàm những nơi cơ mật, trọng yếu đếu dùng thân đảng của mình, phân bố các chức, xử trí việc phong và nhận. Việc gì Chỉnh cũng chuyên quyền, làm trước rồi tâu sau, thậm chí có khi ngồi ở triều giải quyết mà vua cũng không hay biết. Uy quyền quá lớn, hình tích lộ hết, lời bàn của mọi người sôi lên, ai cũng bảo Chỉnh ắt làm chúa, sau này sẽ hiếp chế hoàng gia còn hơn cả họ Trịnh”. Chỉnh muốn làm một Quách Tử Nghi, bề tôi giỏi cả mấy đời vua, nhưng cơ đồ vừa mới nhen nhóm thì đã tự buông thả, để lộ một chứng bệnh dễ mắc của người thành đạt, nổi tiếng là coi cái riêng lớn hơn cái chung. Ở nhân vật Chỉnh hội đủ cả “trung” và “gian”, “anh hùng” và “tiểu nhân” mà không một nhân vật nào trong Hoàng Lê nhất thống chí có tính cách đa dạng và trái chiều nhau đến thế. Kết quả tất yếu là cái chết thảm khốc : Chỉnh bị phanh thây vứt cho chó ăn mà không khiến một ai thương xót, tiếc tài như trường hợp Trịnh Sâm và quận Huy.
Bút pháp xây dựng nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh còn được tác giả sử dụng để xây dựng nhân vật Lê Chiêu Thống. Mở đầu, Chiêu Thống cũng “là người anh minh, quả quyết, rất ghét chúa chèn ép”, có chí làm rạng rỡ cho dòng họ, biểu hiện ở ngay niên hiệu Chiêu Thống được chọn. Nhà vua còn có ý muốn độc lập tự chủ, muốn thoát ra khỏi cái bóng của Tây Sơn bằng cách cắt đứt mọi quan hệ với Tây Sơn để thực sự nắm quyền nhất thống trong tay. Tuy vậy, tác giả dần dần cho biết, ông vua trẻ tuổi hăng hái này chưa lượng đúng sức mình, chưa đánh giá đúng tương quan lực lượng, khả năng xoay chuyển tình thế đất nước chưa được chứng tỏ thì đã bộc lộ là một người đa nghi, thiếu lượng bao dung, một điều kiện vô cùng quan trọng của người cầm quyền để tập hợp, đoàn kết, thu phục mọi lực lượng trong nước. Nhà vua “bạc bẽo”, “khắc nghiệt, hẹp hòi”, không được lòng dân đã đành mà mấy quan đầu triều như Dương Trọng Tế, Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ cũng lần lượt bỏ vua theo chúa. Đến khi thấy khó bề địch nổi Tây Sơn, phải cầu viện quân đội nước ngoài thì tuy được nhà Thanh phong làm An Nam quốc vương mà niên hiệu lại, không dám đề là Chiêu Thống. Chỉ mấy nét chấm phá về hình tượng nhà vua sau đây đã đủ cho thấy nỗi nhục của kẻ lầm lạc cầu may ở ngoại viện :
“ Khi rảnh việc trong triều, vua bèn đến quân doanh của Nghị chờ nghe những điều cơ yếu về việc quân việc nước. Nhà vua cưỡi ngựa đi trước,Lê Quýnh cưỡi ngựa theo hầu, quân lính hộ tống chỉ có vài chục người mà thôi. Trong Kinh có người không biết đấy là vua, có người biết thì nói riêng với nhau:
- Nước Nam ta từ khi có vua, có chúa đến nay, chưa từng thấy có ai luồn cúi đê hèn như thế.Tiếng là làm vua mà niên hiệu lại ghi là Càn Long, việc gì cũng phải nghetheo Tổng đốc, thế thì có khác gì nội thuộc đâu”.!
Thông qua hình tượng mấy nhân vật nổi trội được tác giả dành nhiều tâm huyết và bút mực khắc họa như trên, người đọc không khó khăn gì có thể nhận ra phía sau họ là bối cảnh đất nước suy thoái, Thăng Long đại loạn, luôn nơm nớp biến thành bãi chiến trường, người chống đỡ nổi rường cột lung lay lúc ấy chẳng có mấy ai. Điểm yếu nhất của nước nhà bấy giờ là nhân tâm bất nhất, trên dưới không đồng lòng, đồng liêu nghi kị lẫn nhau. Tuy tình trạng có vua lại có chúa đã tồn tại từ lâu, nhưng sau khi Trịnh Sâm chết thi nhà chúa không có ai đủ sức câm chịch việc nước, do đó hình thành phe vua lẫn phe chúa và vua chúa lại đối đầu với nhau; phe chúa cũng chia làm hai, thành phe Cán, phe Tông hoặc phe Bồng, phe Lệ.
Hoàng lê nhất thống chí chọn đúng thời điểm bão táp nhất của nước nhà trải nhiều đời vua chúa qua ba triều đại với nhiều sự kiện lịch sử lớn, kể cả đối nội lẫn đối ngoại cuối thế kỷ XVIII, cho nên đây cũng là giai đoạn mà người đời sau có thể thấy được rõ nhất, tập trung nhất, toàn diện nhất về quan nịêm xuất xử, hành tàng, cũng là nhân sinh quan và đạo lý làm người của nhà nho-trí thức đương thời.
Không kể những người “gió chiều nào theo chiều ấy” đặng kiếm lợi, danh hoặc muốn an thân, tránh vạ trong thời loạn ra, một số nhà nho đã xử sự theo đạo lý của chữ trung truyền thống mà dân gian nói là “ăn cây nào rào cây nấy”. Cha ông và bản thân đã ăn lộc và chịu ơn tri ngộ của vua hoặc chúa thì khi vua, chúa gọi giao công việc gì, dù khó khăn nguy hiểm đến mấy, người bề tôi chỉ có việc tuân teo mà thực hiện,không có quyền cân nhắc xem đúng hay sai, nên hay không. Nếu hiện thực không cho phép việc làm đó đi tới thành công thì người nhận chỉ còn biết chọn cái chết – chết về thể xác và chết về tinh thần để giữ trọn lòng trung. Lý Trần Quán ( ? – 1786), Phạm Nguyễn Du (1740-1786), Trần Công Xán (1731-1787), Nguyễn Đình Giản (1734- ? ), Trần Danh Án (1755-1794)… thuộc số người này.
Một số người khác tùy theo vua, chúa có thể dùng được mình hay không hoặc tự xét bản thân có thể đảm đương được công việc hay không mà chọn xuất xử hay hành tàng. Không ít người đã xin cáo quan, về nơi “ruộng đồng, làng xóm” như Ngô Tưởng Đào, Bùi Huy Bích (1744-1818), Hải Thượng Lãn Ông (1720-1787), La Sơn Phu Tử (1723-1804)…là như thế.
Quan niệm xuất xử, hành tàng truyền thống tới khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai thì bị đảo lộn. Ông chẳng phải vua chúa và tuy là con rể vua Lê Hiển Tông nhưng lại là “người nước khác”, song chuyến ra Bắc lần thứ nhất, tác giả đã dùng ngọn bút khách quan để khắc họa nhân vật này với dáng vẻ đường hoàng, nghiêm trang, cách xử sự và lời ăn tiếng nói đúng lễ khiến nhân sĩ Bắc Hà ngạc nhiên và nể phục:
“Hôm sau, Bình và Chỉnh cùng vào điện Vạn Thọ yết kiến nhà vua. Quan hầu vào tâu, hoàng thượng ở trong nội điện, sai vén màn dẫn Huệ vào gặp ở sập bên trong. Huệ sụp xuống đất làm lễ năm lạy và ba khấu đầu . Hoàng thượng sai hoàng tử nâng dậy, dẫn tới một sập khác ở bên trái sập ngự cho phép ngồi. Huệ khiêm nhường không dám ngồi, hoàng thượng phải dụ bảo hai ba lần Huệ mới tới ngồi mím mép sập, hai đầu gối bỏ xuôi”.
Ngày Huệ đón dâu quả là một ngày tưng bừng náo nhiệt và hoành tráng hiếm có ở kinh đô. Bên nhà gái thì “hoàng thân, hoàng phi, công chúa, cung tần và các quan văn võ ai nấy sửa soạn ngựa xe, tới ngày thì đợi ở ngoài cửa điện để đưa công chúa về phủ của Huệ. Sáng sớm ngày hôm sau, Huệ sai quan dâng bản tâu xin đón dâu, lại cho quân lính bảo vệ đứng ở hai bên đường từ cửa điện đến cửa phủ. Trai gái trong kinh kỳ kéo nhau ra xem đông kín như bức tường, ai nấy đều cho là việc hiếm có xưa nay. Có người nói: ‘Hán có công chúa gả cho Hung Nô, Trần có công chúa gả cho Chiêm Thành, như thế cũng chẳng có gì là lạ!’. Xe công chúa còn mấy trăm bước mới tới cửa phủ, Huệ đã ngồi kiệu rồng vàng ra đón, y như lễ nhà người”. Lời bình của nhà nho khuyết danh sau đây cho thấy quả thật cách xử sự của Huệ đã chiếm được cảm tình của trí thức Bắc Hà: “Biết lễ, khách Nam Hà tốt đấy, hơn đứt trai cuồng bạo Bắc Hà !”(Lời bình ở bản b21)
Tình cảm của trí thức Bắc Hà dành cho Hụê còn bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa hơn, đó là họ đã nhận ra khả năng trị lý việc nước, chỉ huy chiến trận ở con người này qua hai chuyến tiến quân ra Bắc lần thứ nhất và thứ hai. Cũng ở lần thứ hai này, một số danh sĩ như Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lan… đã được thu dụng và được cấp cho quan tước, một số tuy vâng triệu đến Kinh nhưng sau đó bỏ trốn hoặc tự tử như Bùi Huy Bích, Nguyễn Huy Trạc, chỉ có bảy người trốn tránh ngay từ đầu không chịu ra là Nguyễn Đình Giản, Lê Duy Đản, Phạm Quí Thích…, mặc dù Nguyễn Đình Giản phải thừa nhận Nguyễn Huệ là anh hùng. Họ vẫn bị chữ trung truyền thống níu giữ mà nói như lời của người cùng quan điểm trong truyện là: “Chúng ta người nào có thể đi theo vua lo việc khôi phục thì đi đi, nếu không thì nên ẩn xa cho sạch mình !”. Thật tiếc cho họ đã không có được ớc tiên liệu nên không nhìn nhận ra vai trò và công lao tiềm ẩn ở nghĩa quân Tây Sơn và chủ tướng Nguyễn Huệ trong công cuộc nhất thống và bảo vệ đất nước ngay sau đó không lâu. Tác giả đã dành nhiều trang để ghi lại chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm của quân đội Tây Sơn và xây dựng hình tượng người anh hùng dân tộc kiệt xuất Nguyễn Huệ trong trận đánh đồn Ngọc Hồi mà không một sử sách nào ghi chép được đầy đủ và cụ thể hơn:
“Bắc Bình vương cưỡi voi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ sung bắn ra chẳng trúng một ai. Nhân gió bắc thổi tung khói lửa, khói mù đầu súng che lấp trời, cách gang tấc không nhìn rõ. Bắc Bình vương gấp rút ra lệnh lấy ván che đỡ cho quân xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo hai bên giao nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém phứa. Nhưng người cầm binh khí theo sau cũng đều hăng hái tiến lên đột kích. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, dày xéo lên nhau mà chết. Tên tri phủ Tứ Xuyên là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết thả cửa, xác quân Thanh ngổn ngang đầy đồng, máu chảy thành sông”.Tôi đã thử đối chiếu hồi thứ 14 trong Hoàng Lê nhất thống chí với những ghi chép sự kiện cùng thời điểm ở một số sách sử tư và công như Lê quí kỷ sự của Nguyễn Thu (1799-1855), Lê sử toản yếu của Trần Văn Vi (- ?), Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên và Thông giám cương mục thì thấy chúng có khác nhau về chi tiết và quan điểm nhận định, còn những sự kiện cốt lõi thì Hoàng Lê nhát thống chí chẳng những ghi chép được nhiều hơn, kỹ hơn mà còn phong phú và sinh động hơn. Chẳng hạn, sự kiện ở đoạn trích dẫn trên đây, Lê quí kỷ sự là sách chép kỹ hơn so với ba sách sử vừa nêu nhưng cũng chỉ chép :“Ngày mồng năm, trời còn chưa sáng, Nguyễn Huệ thân chinh đốc chiến, cho hơn trăm voi đực tiến lên trước, quân cứng mạnh tiến theo sau, đánh kịch liệt hồi lâu. Quân kỵ bên Thanh cưỡi ngựa, ngựa trông thấy voi đều hí lên, quay đầu chạy. Bộ binh nhà Thanh bị voi chà đạp, bèn rút vào đồn trại, giữ rào lũy, bắn súng ra để tự thủ. Giặc lùa voi xông pha tên đạn, nhổ rào lũy tiến lên. Hứa đề đốc, Trương tiên phong, Thượng tả dực đều chiến đấu mà chết. Quân Thanh đổ vỡ tan tành”. Hoàng Lê nhất thống chí cũng chép quân voi, nhưng là “quân voi từ Đại Áng tới, quân Thanh chạy đến đây trông thấy lại cả kinh, đều bỏ chạy về Đầm Mực ở Quỳnh Đô, quân Tây Sơn lùa voi giẫm đạp, chết kể đến hàng vạn”.
Sự kiện lịch sử đương thời được phản ánh có xuất nhập giữa các sách là điều không tránh khỏi, điều lý thú là xưa nay bất cứ ai chép hoặc nghiên cứu về giai đoạn này đều phải tham khảo Hoàng Lê nhất thống chí, thậm chí có chỗ phải viết theo Hoàng Lê nhất thống chí như Thông giám cương mục, cho dù sách chủ yếu được viết bằng bút pháp tiểu thuyết chứ không phải bút pháp sử học. Có thể nói tác phẩm có giá trị sử học và giá trị văn học ngang nhau, ngay cả ở những phần rất khó viết được đầy đủ và hay như mưu đồ xâm chiếm nước ta của vua tôi Càn Long nhà Thanh. Ở phần này, hình tượng nhân vật cũng muôn màu muôn vẻ. Có kẻ nôn nóng hung hăng như Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, có kẻ bình tĩnh, thận trọng như Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh, song tất cả gặp nhau ở một điểm là mượn tiếng đem quân sang bảo vệ nhà Lê mà thực tâm là muốn biến nước ta thành quận huyện của nhà Thanh như các triều Hán, Tống, Minh trước kia. Rồi sau khi thảm bại, vua tôi nhà Thanh còn cố vớt vát thể diện, đòi vua nước ta sang chầu và ở đây, mấy hồi cuối cùng của Hoàng Lê nhất thống chí cũng kịp thời ghi lại được tấn thảm kịch của vị vua cuối cùng triều Lê cũng như màn hài kịch vua Quang Trung giả sang chầu Bắc khuyết, quan lại nhà Thanh biết nhưng đều nín thít để làm đẹp lòng Càn Long.
(1) Xin xem Phạm Tú Châu : Hoàng Lê nhất thống chí : văn bản, tác giả và nhân vật, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997. Trong khoảng 17 bản HLNTC có ở trong và ngoài nước, duy nhất bản b21 ở Pháp ghi “Ngô Thì Nhậm tập biên” thay cho tên tác giả .Những trích dẫn trong bài từ chính văn dến lời bìnhđều theo bản VHv.1534a do Phạm Tú Châu dịch.