Những góc nhìn Văn hoá

Vai trò của chủ thể và cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Dân ca Ví Dặm đã được cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xác định, nhận dạng giá trị là một Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, bản sắc của người dân nơi đây. Ví Dặm đang được UNESCO xem xét để ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại năm 2014. Cũng như mọi di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, việc bảo tồn Ví Dặm đang đối mặt với thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Cộng đồng đang thiếu các nguồn lực và cơ hội để bảo vệ di sản dù rằng trong những năm qua Nhà nước đã có các chính sách và các chương trình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể một cách mạnh mẽ kể từ khi có Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Làm thế nào để cộng đồng đóng vai trò chủ chốt, quyết định quá trình bảo vệ di sản của mình?Sự tương tác giữa vai trò quản lý của nhà nước với vai trò của cộng đồng như thế nào là hợp lý đối với di sản văn hóa phi vật thể?Chúng tôi sẽ phân tích quan điểm của UNESCO và một số trường hợp nghiên cứu thực tiễn để làm rõ hơn việc “…đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân”vào việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Ai là chủ nhân của các di sản văn hóa phi vật thể?

Không giống các di sản văn hóa vật thể, những công trình kiến trúc lịch sử, những dấu tích khảo cổ có thể tồn tại theo thời gian mà không có chủ thể sáng tạo ra nó, di sản văn hóa phi vật thể sẽ không sống nếu không có chủ thể nắm giữ nó. Di sản văn hóa phi vật thể là tri thức, là tinh thần là trí tuệ của con người. Di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện thông qua hoạt động với kỹ thuật, kỹ năng, ngôn ngữ của con người. Con người sống thì di sản còn. Con người mất thì di sản mất theo.  Trong thực tế chúng ta vẫn phải đối diện với cách tiếp cận “phục dựng lịch sử” cố gắng diễn lại những truyền thống văn hóa đã mai một bởi những những nguyên nhân khác nhau mà ngày nay không còn thực hành nữa. Việc xác định quan niệm thế nào là di sản văn hóa phi vật thể là công việc đầu tiên của mọi chương trình.

Trong dự án kiểmkê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội đang được triển khai cộng đồng sử dụng các tiêu chí sau để xác định và phân loại di sản:

  • “Phải là di sản đang tồn tại, đang sống trong cộng đồng (vẫn đang được thực hành tại cộng đồng).
  • Được cộng đồng sáng tạo, duy trì và chuyển giao từ đời này sang đời khác.
  • Được cộng đồng xem là một phần quan trọng trong đời sống, tạo nên bản sắc của họ.
  • Di sản đó phản ánh sự đa dạng văn hóa và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng và nhóm người. “

Di sản văn hóa phi vật thểlà di sản sống được xác định, ghi nhận, thực hành và trao truyền bởi con người (cộng đồng, nhóm và cá nhân) mà họ là những người chủ sở hữu di sản đó.Cộng đồng của di sản văn hoá phi vật thể là những nhóm người có chung những đặc điểm và đặc tính văn hoá. Những đặc điểm đặc tính này được hình thành trên cơ sở họ cùng chung sống trên một lãnh thổ, một môi trường thiên nhiên. Họ đã tạo nên các mối quan hệ văn hóa xã hội, quy tắc ứng xử gắn kết và có ý thức về bản sắc.Họ coi mình là một phần của cộng đồng đó.

Công ước 2003 không nói đến cách nhận dạng chủ thể văn hóa song từ các trường hợp nghiên cứu khác nhau mà mỗi nước có cách thức nhận dạng các di sản phi vật thể cùng với cộng đồng đại diện cho di sản đó. Từ khái niệm trong Thông tư quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam: “Chủ thể văn hóa là các cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sở hữu, thực hành và sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể” dự án kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội đã đưa ra tiêu chí nhận diện người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể như sau:

  • “Am hiểu, có kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết nổi bật.
  • Có thâm niên trong thực hành di sản.
  • Tham gia tổ chức, hoặc thực hành liên tục.
  • Có đóng góp trong truyền dạy.
  • Được cộng đồng công nhận.”

Tại sao cần có sự tham gia của cộng đồng?

Tri thức và kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể nằm ở trong trí nhớ của con người. Con người là phương tiện để biểu đạt di sản văn hóa phi vật thể. Bảo vệ tức là đảm bảo sự tiếp tục thực hành và trao truyền bởi cộng đồng.Cộng đồng có vai trò quản lývà “Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi Quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý”.

Theo Công ước 2003 của UNESCO thì cộng đồng, nhóm và cá nhân là những người cùng tham gia vào việc thực hành và trao truyền di sản văn hoá phi vật thể và họ là một phần của di sản đó.Cộng đồng là chủ sở hữu di sản và cũng là người có đủ các điều kiện để bảo vệ di sản nhất.Họ là người xác định, gìn giữ, duy trì, trao truyền và bảo vệ di sản của họ trong mối quan hệ của họ với lịch sử và môi trường tự nhiên xung quanh họ.

Sự nghiệp bảo vệ di sản có thể có rất nhiều đối tượng ngoài cộng đồng chủ thể tham gia. Họ là nhà nghiên cứu, nhà tài trợ, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.... Ai cũng có thể góp phần vào công cuộc bảo vệ di sản song vai trò quyết định thuộc về các chủ thể là cộng đồng sở hữu, nắm giữ di sản. Di sản văn hoá phi vật thể có đời sống của nó.Có những di sản mất đi hoặc chuyển hoá thành một hình thức mới. Vì vậy không nhất thiết bắt buộc phải phục hồi dưới dạng thức đã mất.Chỉ có di sản mà cộng đồng thừa nhận, mong muốn bảo tồn mới cần thiết để bảo vệ. Sự can thiệp thái quá của công chúng hoặc nhà nước sẽ làm tổn thương di sản và làm cho nó bị biến dạng.“Một thách thức rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy di sản VH PVT là cân bằng thực sự giữa vai trò của nhà nước và vai trò của cộng đồng chủ nhân”.

Vai trò của cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân là trao truyền và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thểvới các biện pháp cụ thể: nhận dạng, kiểm kê, tư liệu hoá, nghiên cứu, làm sống lại, đảm bảo sự tiếp cận tới các địa điểm và vật chất liên quan, trao truyền thông qua giáo dục, nâng cao nhận thức, đảm bảo sự bền vững cho di sản trong bối cảnh xã hội phát triển.

Cộng đồng tham gia như thế nào?

Công ước 2003 nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể bằng một số biện pháp mà các quốc gia thành viên cần phải thực hiện như: nhận diện, lập danh mục thống kê, xây dựng chính sách, xây dựng thiết chế, sử dụng khoa học công nghệ để nghiên cứu và bảo vệ, tư liệu hoá đào tạo và truyền dạy (Điều11-14).Tuy nhiên vai trò của cộng đồng thể hiện ở điều 15 Công ước và sau này UNESCO đã có hướng dẫn cụ thể hơn ở mục II điều 79-89 (Tài liệu hướng dẫn thực hành Công ước) cũng nhắc lại việccộng đồng, nhà nước, chuyên gia và các tổ chức có vai trò và biện pháp cụ thể như thế nào trong việc thực thi Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Vấn đề đặt ra đối với hầu hết các quốc gia thành viên của Công ước này vẫn là làm sao đảm bảo quyền của cộng đồng, việc tham gia, với hiểu biết đầy đủ và lợi ích của cộng đồng một cách thực sự. Một số cách thức lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng cũng đã được gợi ý như sau:

  • Cung cấp cho cộng đồng thông tin về Công ước 2003
  • Nâng cao nhận thức về di sản nói chung và về các di sản cụ thể liên quan tới họ.
  • Hỗ trợ cộng đồng nhận dạng và xác định các di sản
  • Cùng họ nhận dạng giá trị và chức năng liên quan đến di sản cụ thể
  • Giúp họ nhận dạng các thách thức đối mặt với di sản của họ
  • Khuyến khích sự trao đổi giữa cộng đồng, nhóm nắm giữ di sản
  • Khuyến khích sự liên kết, hợp tác giữa cộng đồng với chuyên gia, tổ chứcphi chính phủ và cơ quan nhà nước
  • Chia sẻ thông tin về di sản với trong cộng đồng hoặcvới các cộng đồng khác
  • Đánh giá sự quan tâm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản của chính họ
  • Thảo luận với cộng đồng giúp họ quyết định ưu tiên bảo vệ di sản
  • Nâng cao năng lực trong các cộng đồng liên quan
  • Chia sẻ kỹ năng bảo vệ di sản
  • Phát triển các chương trình hành động
  • Vận động tài trợ để bảo vệ
  • Quyết định đề cử hay không đề cử di sản nào đó
  • Xây dựng hồ sơ đề cử

Các biện pháp nói trên phải đạt mục tiêu đảm bảo lợi ích của cộng đồng.Người nắm giữ di sản phải hiểu tầm quan trọng, giá trị và được lợi từ chính di sản của họ. Lợi ích từ di sản đó là nhận thức về di sản tăng lên, du lịchphát triển; từ tri thức về di sản mà người dân có thể phát triển sản phẩm hàng hoá và dịch vụ với điều kiện hoạt động đó không được làm tổn thương di sản và đe dọa sức sống của di sản.

Về sự cân bằng giữa vai trò của nhà nước và vai trò của cộng đồng

Đó là thách thức của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và không có câu trả lời cho mọi di sản. Sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước đã làm sống lại nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, song nhà nước hóa quản lý di sản văn hóa phi vật thể lại làm cho “di sản hóa những sinh họat, hành động thuộc về văn hóa sống”, hạn chế vai trò của cộng đồng thậm chí làm ảnh hưởng đến tính tự chủ, tự nguyện và sáng tạo của họ trong việc thực hành và bảo vệ di sản. Đôi khi sự tồn tại vốn có với sự tự quản lý của cộng đồng tốt hơn, ý nghĩa hơn sự quy hoạch, tổ chức lại, hành chính hóa các hoạt động của di sản với sự tham gia trực tiếp của nhà nước.

Trong vài năm gần đây đã cómột số nghiên cứu về Hội Gióng sau khi di sản này được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại năm 2010. Trường hợp Hội Gióng cho chúng ta những bài học kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, hữu ích về mối quan hệ giữa vai trò của cộng đồng và nhà nước trong việc bảo vệ di sản.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng được tổ chức từ 7-9 tháng 3 âm lịch hàng năm. Công việc quản lý di tích và thực hành hội do Ban Quản lý di tích đền Phù Đổng (với nòng cốt là Ban khánh tiết truyền thống của đền) và Ủy ban Nhân dân xã Phù Đổng thực hiện theo sổ Hội Lệ. Hội Gióng ở đền Sóc được tổ chức từ 6-8 tháng giêng âm lịch hàng nămdo Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc, UBND huyện Sóc Sơn và UBND xã Phù Linh chỉ đạo. Cả hai mô hình đều có ưu điểm về sự tham gia của cộng đồng trong thực hành di sản và sự hỗ trợ của nhà nước trong công tác tổ chức, quản lý di sản. Sau khi di sản được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đặc biệt là sau sự kiện 1.000 năm Thăng Long, được Nhà nước đầu tư xây dựng tượng đài Thánh Gióng tại khu đền Sóc và vừa qua Đền Phù Đổng được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt thì công chúng đến dự hội đông hơn và cộng đồng tham gia tổ chức hội hào hứng, tích cực và tốt hơn. Tuy nhiên trong cộng đồng ở cả hai nơi đều xuất hiện tâm lý “di sản của nhà nước, nhà nước sẽ đầu tư”. Họ bày tỏ sự mong đợi cải thiện và nâng cấp, nâng tầm di sản với những đề xuất, sáng kiếnthậm chí đã làm một số việc để thích ứng với nhu cầu của mình. Thực trạng này đặt ra cho việc bảo vệ Hội Gióng những thách thức mới.Trong đó việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo cấp xã, huyện là một vấn đề cần được quan tâm. Với vai trò quản lý nhà nước trực tiếp, trong nhiều trường hợp sự chỉ đạo, chính sách, quy định của các tổ chức này đã góp phần thay đổi thực hành di sản của cộng đồng theo hướng du lịch hóa. Rất may mắn là cả Hội Gióng Sóc Sơn và Hội Gióng Phù Đổng về cơ bản vẫn đảm bảo được tính cộng đồng và sự nhận thức của họ về di sản của chính mình, đặc biệt là sự bảo tồn, trao truyền liên tục của người dân ở Phù Đổng, ở Hội Xá (Phường Ải Lao). Song nhưng thay đổi mà chúng tôi nhận thấy trong mùa lễ hội 2014 cho thấy cần đánh giá lại sự phát triển của Hội Gióng trong 5 năm gần đây và có biện pháp cụ thể đảm bảo sự cân bằng giữa vai trò của nhà nước với vai trò của người dân trong việc gìn giữ và thực hành di sản.

Hội đền Vua Bà ở Xuân Lai, Sóc Sơn, Hà Nội mà chúng tôi có dịp khảo sát trong 2 đợt trước và trong hội (mồng 4 tháng giêng năm nay) là một ví dụ tốt về vai trò làm chủ của cộng đồng. Ở đây mọi việc từ tổ chức đến thực hành đều do người dân thực hiện. Ban Khánh tiết của đền và Ban Hương lão của làng đóng vai trò quyết định hội. Sự có mặt của Trưởng thôn, Lãnh đạo xã có ý nghĩa tượng trưng và danh dự.Không có diễn văn, không có khai mạc, không quan khách.Dân làng tự làm như bao đời nay, cho chính họ vì di sản là của họ. Một hội làng với đám rước của 24 xóm, dâng lễ, tế, diễn trò hầu Thánh… nhộn nhịp, đông vui, thuần thục, chân chất và ý nghĩa. Không ai phủ nhận vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với di sản song di sản nhất là di sản văn hóa phi vật thể chỉ sống thật và sống bền vững nếu cộng đồng chủ thể thật sự hiểu và làm chủ thực hành của mình.Trong mọi trường hợp, sự tham gia của nhà nước nên chỉ là hỗ trợ và gián tiếp thì tốt hơn./.

                                                               Hà Nội tháng 5/2014

L.T.M.L



 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563540

Hôm nay

2150

Hôm qua

2331

Tuần này

2481

Tháng này

222064

Tháng qua

129483

Tất cả

114563540