Cách đây đã 735 năm, vào năm 1285, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến oanh liệt chống quân xâm lược Nguyên Mông, Thượng tướng Trần Quang Khải, khi hộ tống hai vua nhà Trần trở về kinh đô Thăng Long, đã hào sảng viết nên tác phẩm thi ca bất hủ Tụng giá hoàn Kinh sư:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.)
Bài thơ được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại để lưu truyền cho muôn đời mai sau. Những địa danh của Kinh sư, của Thăng Long – Hà Nội vang vọng cùng muôn trùng sông núi. Khúc ca khải hoàn ngắn nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh nhưng chứa đựng trong đó sự bùng nổ của niềm kiêu hãnh, của chân lý chiến tranh chính nghĩa, của trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước, niềm tin vào sự trường tồn của dân tộc, và trong đó, còn chứa đựng cả khí phách và sự hào hoa của những tướng lĩnh nhà Trần trên đất Thăng Long văn hiến.
Giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “…Tháng Năm, ngày 3, hai vua đánh giặc ở Trường Yên, chém đầu cắt tai không kể xiết. Ngày 7, tin do thám báo rằng: Toa Đô từ Thanh Hóa kéo quân ra. Ngày 10, có người từ chỗ giắc trốn đến quân ngự dinh báo rằng; Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả với em là Ngọc Truyền đem dân binh các lộ đánh được giặc ở xứ Kinh thành, Chương Dương, quân giặc tan vỡ. Bọn Thái tử Thoát Hoan, Bình Chương Alạt chạy qua sông Lô…Ngày 20, hai vua tiến đóng ở bến Đại Mang. Tổng quản nhà Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Ngày hôm ấy đánh bại giặc ở Tây Kết, quân giặc chết và bị thương rất nhiều, chém được đầu Nguyên soái Toa Đô. Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hóa, hai vua đuổi theo không kịp, bắt được dư đảng hơn 5 vạn người đem về. Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền lớn vượt biển trốn thoát…
Tháng Sáu, ngày 6, hai vua trở về Kinh sư. Thượng tướng là Quang Khải làm thơ rằng: Đoạt sáo Chương Dương độ…”.
Những trận tác chiến dồn dập, cuộc trở về Thăng Long của hai vua nhà Trần vẫn mang tính chất của một trận thế hành quân giải phóng. Tất cả vừa mới bước ra từ cuộc chiến khốc liệt, áo bào còn vương khói lửa chiến trường, bài thơ mang tính thời sự đúng nghĩa của nó. Không thể phủ nhận sự bùng nổ của tâm trạng, tâm thức thành nghệ thuật ngôn từ. Đó chính là thơ ca. Một cuộc chiến phi nghĩa, phi đạo lý, một cuộc chiến mà những người tham gia không ý thức về tính chất tất yếu, tính chính nghĩa của nó, cuộc chiến đó, dẫu tạm thời chiến thắng, chắc chắn sẽ không có tính thơ, không có ca khúc khải hoàn. Trần Quang Khải là một tướng lĩnh chỉ huy chiến trận, tham gia trực tiếp các trận chiến, ông ý thức sâu sắc đạo lý của chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, ông trải nghiệm những tàn khốc, hi sinh của cuộc chiến, bài thơ như bật ra từ những dồn nén, những khát vọng mang tính đạo lý cao cả.
Ngay tiêu đề của bài thơ đã chứa chất ý nghĩa của đạo lý thơ ca. Hoàn Kinh sư: Chữ hoàn nghĩa là trở về, trở lại. Song nó không chỉ là trở về như một sự di chuyển thông thường. Nó còn là sự tái lập giá trị, tái lập chân lý, tái lập trật tự tất yếu qua những tháng ngày trả giá đau thương: chân lý của độc lập dân tộc. Kinh sư, thủ đô là biểu tượng muôn đời của quốc gia, của đất nước trong ý nghĩa thực tiễn và trong ý nghĩa tinh thần. Hoàn Kinh đô là một tuyên ngôn toàn thắng, là khúc khải hoàn giải phóng.
Chỉ với 4 câu 20 chữ, bài thơ thật sự súc tích, cô đọng. Hai câu đầu chắc nịch với hành động và địa danh, không có chỗ cho những ngôn từ đưa đẩy, bình luận. Diễn ngôn này nói với chúng ta một chân lý giản dị: địa danh đồng nghĩa với chiến thắng, chiến và thắng. Chương Dương độ, Hàm Tử quan giờ đây, từ đây mang trên mình nó tấm huy chương của chiến công. Người Việt từ đó cho đến muôn đời sẽ ghi nhớ những tên đất này kèm theo cảm hứng tự hào. Họ có thể biết nó qua những trang sử nhưng nhớ nó vĩnh viễn trong tâm khảm thì chắc chắn sẽ qua những câu thơ ngắn gọn này. Đó chính là tính thơ và giá trị của thơ ca: Đoạt sáo Chương Dương độ / Cầm hồ Hàm Tử quan. Sự kiệm lời và cấu trúc giản dị của nó (1 hành động + 1 không gian) khiến trên bề mặt văn bản ta thấy nó mang tính báo cáo, tính tự sự. Nhưng không chỉ thế và vượt cao hơn thế, đây là một phát ngôn được lựa chọn, giàu tính thơ, có sức biểu hiện lớn. Chương Dương và Hàm Tử là những trận đánh cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến kéo dài và gian khổ, nó diễn ra ở cửa ngõ Kinh đô để hoàn thành thắng lợi cuối cùng. Nó có tính biểu tượng. Tác giả, dù là người trực tiếp chỉ huy, tham gia các trận chiến đấu đó, nhưng đây không chỉ là một bản báo cáo chiến công, ông lựa chọn dựa trên sự đánh giá tầm quan trọng biểu tượng của nó, dựa trên niềm hứng khởi trên đường trở lại Kinh thành khi mục tiêu cuối cùng cao cả đã đạt được. Cả hai câu thơ không có chủ ngữ. Nó vang lên như một chân lý phải thế và tất yếu sẽ như thế, nó chứa đựng niềm tin, sự khẳng quyết của những người ra đi kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đó là những câu thơ bùng phát nhưng không bột phát, ngắn gọn mà âm vang sảng khoái, hào hùng.
Thông tin thơ đột ngột chuyển hướng vào hai câu sau: Thái bình tu trí lực / Vạn cổ thử giang sơn. Ý thức trách nhiệm và tầm nhìn của một tướng lĩnh đứng đầu cuộc kháng chiến biểu lộ ở đây. Sự chuyển hướng mau lẹ và bất ngờ là phẩm chất của nghệ thuật chiến tranh. Ý thức tự nhiệm là phẩm chất của một nhà chính trị. Sự phơi bày thiết tha lòng ưu dân ái quốc là phẩm chất của một nhà thơ. Tác giả là một người như vậy. Từ thời chiến sang thời bình không có chỗ cho sự ngơi nghỉ. Kinh nghiệm giữ nước đòi hỏi phải nỗ lực cho dân giàu nước mạnh, xã hội thái bình. Ý thơ vừa như một lời thầm nhắc mình vừa như lời yêu cầu với những người cầm quyền, xứng đáng là phát ngôn của một Thượng tướng – Thái sư: Muốn cho giang sơn này trường tồn vạn cổ thì cơ hội thái bình là lúc cần gắng sức dựng xây. Con người tướng lĩnh và con người chính trị nhìn xa trông rộng thống nhất làm một. Niềm tin vào chân lý trường tồn của giang sơn đất nước được một lần nữa khẳng định nhưng kèm theo điều kiện từ kinh nghiệm lịch sử: phải nỗ lực dựng xây và bảo vệ. Trần Quang Khải khẳng định ý thức tự nhiệm, ý chí vững bền và quyết tâm hành động của mình. Ông chính là một nhà chính trị hạnh phúc: hành động tự do khi phát hiện được quy luật, dấn thân vì mục tiêu cao cả vì nước vì dân, kiên cường theo đuổi mục tiêu đó và đạt được những thành công huy hoàng. Nếu ngược lại sẽ là nhà chính trị bất hạnh. Trong ca khúc khải hoàn của ông, có tuyên ngôn sống, tuyên ngôn hành động của một nhà cầm quyền tầm cỡ danh nhân lịch sử.
Trần Quang Khải đại diện cho những người vừa là anh hùng vừa là nghệ sĩ, vừa khí phách vừa hào hoa của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Lịch sử đã trải nhiều vòng quay của nó nhưng những gì bài thơ để lại vẫn nguyên những giá trị nhân văn cao cả. Ý thức tự nhiệm về sự tồn vong của đất nước không xưa cũ bao giờ. Trong mỗi căn nhà, góc phố, trên mỗi bước đi hôm nay, chúng ta lại gặp những con người bước ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, họ gần gũi, thân thương, đầy trách nhiệm trước tương lai, suốt đời băn khoăn vì tiền đồ của đất nước. Họ khiến chúng ta nhớ lại những câu thơ của Hoàng đế nhà Trần:
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong.
(Trần Nhân Tông).
Hà Nội ngày 11-1-2010.