Người xứ Nghệ

Tướng Phạm Hồng Sơn, một đời chiến trận

Năm ngoái, Nghệ An tổ chức cuộc gặp gỡ tri ân cán bộ cấp tướng xuất thân từ tỉnh nhà. Tôi không thấy tướng Phạm Hồng Sơn, được biết ông vắng mặt vì lí do sức khoẻ tuổi già. Năm nay, kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội , đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ  Hồ Đức Phớc viết trên Báo Nghệ An bài “Tự hào về tướng lĩnh trên quê hương Bác Hồ”, có đoạn trân trọng nói về Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên Phạm Hồng Sơn, ông lại vẫn “vắng mặt” vì đã qua ngày giỗ đầu của ông rồi! Trong tôi, hình ảnh ông, tên tuổi ông, sẽ mãi mãi có mặt cùng người thân, đồng đội, cùng quê hương đất nước.

Phạm Hồng Sơn sinh năm 1923, là con ông bà Phạm Thành Tính - Nguyễn Thị Ngần, quê làng Do Nha, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên. Cố nội, ông nội và cha ông đều tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp(*) nên bị chính quyền thực dân phát vãng ra vùng rừng núi phía Bắc để cắt đứt hoạt động với nghĩa quân Phan Đình Phùng. Thời trẻ, ông học ở trường Gia Long, đậu tú tài Tây toàn phần năm 17 tuổi (1940), tiếp đó là sinh viên trẻ nhất của trường Đại học Luật Hà Nội, rồi xếp bút nghiên hoạt động trong phong trào sinh viên đòi độc lập. Năm 1945, ông được cử học trường Quân chính Kháng Nhật vẻn vẹn 15 ngày, và đó là cái vốn kiến thức quân sự ít ỏi đầu tiên trước khi khoác áo Vệ quốc đoàn chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ trên hầu khắp các chiến trường: Từ Khu V ra Kinh Bắc; lên Biên Giới; xuyên Tây Bắc, Điện Biên Phủ, Thượng Lào; vào Tây Nguyên, Đường 9 - Nam Lào đến cuộc Tổng tấn công Mùa Xuân 1975. Rồi tiếp đến chiến trường Tây Nam… Và có một “trận” rất đặc biệt giữa đời chiến trận của ông là trận khắc phục  vỡ đê Mai Lâm (sau trận Cầu Lồ vài ba năm) mà ông được Chính phủ giao làm Tổng chỉ huy. Đây là trận chiến chống thiên tai khủng khiếp nhất trong lịch sử đê điều nước ta mà tôi được chứng kiến và tham gia hàng tháng trời trong đoàn quân có 2 sư đoàn bộ đội, dân công, học sinh, sinh viên; hàng ngàn người lặn lội đào đắp trong bùn đất, dựng lại nhà cửa, lau chùi máy móc thiết bị của hàng chục nhà máy, nhà  kho bị ngập trong cát sỏi…

Sau khi thống nhất đất nước với tư cách là Giáo sư khoa học quân sự ông viết cuốn sách “Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam” thể hiện trí dũng song toàn của một con người trong quân ngũ không mệt mỏi, chiến đấu ròng rã gần 60 năm trời qua hai cuộc chiến chống hai đế quốc lớn. “Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu, có ý nghĩa thực tiễn, có thể giúp ích cho các học viện, các trường trong quân đội, các cán bộ và cơ quan khoa học ngoài quân đội” (Lời giới thiệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Cuộc đời và sự nghiệp của tướng Phạm Hồng Sơn được khái quát mấy nét cô đọng trên đây hoàn toàn có khả năng liên tưởng, mở rộng thành một tác phẩm nhiều chiều về một con người, một khoảng thời gian đa dạng phong phú và lâu dài như đầy những chớp sáng dày đặc nhấp nhánh sắc màu trên sa bàn quân sự. Nhưng ông sống hồn nhiên trong lòng người. Tập hồi ức khiêm nhường “Nửa đời chiến trận” của ông chỉ chưa đầy 80 trang sách nhỏ và dừng lại ở chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội. Đất nước còn bị chia cắt, người lính Cụ Hồ tiếp tục ra trận cho tới mùa xuân lịch sử năm 1975. PGS,TS, Nhà văn Đặng Anh Đào, vợ ông, đã thay ông – nhân vật chính – viết tập “Vầng trăng khuyết”. Và đó là “Nửa đời chiến trận” tiếp theo của cuốn hồi ức và chân dung về ông có tên “Nhớ và Quên”. Nhớ và Quên là một cuốn sách nhỏ rất lớn về nhiều mặt, đầy ắp những sự kiện gốc của một thời lịch sử huy hoàng và đau thương tan nát, đầy ắp những tấm lòng yêu nước, tình người trong máu và nước mắt, hội tụ đầy đủ cội nguồn văn hoá truyền thống qua một con người có những nét riêng.

Năm 1954, sau giải phóng Thủ đô, tôi về học lớp 8 Trường cấp III Hà Nội mà hồi đó người ta gọi là “Trường con em cán bộ”. Tôi được gặp Phạm Hồng Sơn nhiều lần, tuy thời gian mỗi lần gặp ngắn ngủi, chỉ tính bằng giờ. Tuổi trẻ chúng tôi lúc ấy thường trăn trở nhiều về lý tưởng sống, hết sức ngưỡng mộ các sĩ quan và những anh bộ đội Cụ Hồ. Ngoài những cái chất chủ yếu của người lính, Phạm Hồng Sơn trẻ trung, đọc tiểu thuyết và “nói tiếng Pháp như gió”, chơi ten nít, chơi đàn ghita Espanhon, tự lái mô tô, ô tô nhà binh… Tôi và mấy cậu bạn cùng lớp phục lăn! Có lẽ đó là gốc gác dẫn đến khái niệm  “thần tượng” quí giá mà ngày nay người ta có phần sao lãng, chỉ chú ý xây dựng tượng đài, có khi vô hồn trống rỗng. Một lần, tôi cứ luẩn quẩn bên cái xe mô tô Pháp. Xe đổ, xăng tràn ra từng vũng ở nhà xe, tôi hoảng hốt lấy chổi quét loang ra khắp nền nhà cho nó bốc hơi nhanh đi, nhưng vẫn còn mùi nồng nặc. Ông xuống gác, cười, và bảo “Mặc quần áo ấm đi chơi với anh!”. Tôi ngồi sau chiếc xe “bình bịch” cổ lỗ sĩ kêu ầm đường phố, nhưng là của hiếm lúc bấy giờ. Xe lao ra khỏi Ngã Tư Sở và tiến về sân bóng Hà Đông. Thế là lần ấy một thằng bé được ngồi giữa ông và ông Chủ tịch tỉnh trên một lễ đài nhỏ nhưng trang trọng, xem trận đấu giữa hai đội bóng quân đội và địa phương. Tôi thấy ông rất am hiểu phép tắc bóng đá, khi nói “Xử lý cái phép lợi thế là làm cho trọng tài đau đầu nhất!”. Chắc là cái “phép lợi thế” này có liên quan đến bàn cờ binh nghiệp? Hồi đó, ông là Tham mưu trưởng đại đoàn Quân tiên phong 308 nổi tiếng. Đến thời chống Mỹ, tôi về Nghệ An công tác, thỉnh thoảng mới được gặp ông chốc lát từ chiến trường Tây Nguyên ra Hà Nội, khi ông đến thăm gia đình bố mẹ vợ. Chiến tranh làm cho sức khoẻ sút kém và con người già đi. Tôi nghe nói có những trận đánh bộ đội phải cáng ông ra trận địa chỉ huy. Nhưng nét mặt và tâm hồn ông vẫn trẻ trung hồn nhiên như ngày nào, sự hồn nhiên tự tin, trong sáng. Không ít lần ông vui vẻ nói đại loại những câu: “Lính của anh sắp được nhận tên lửa vác vai”, hoặc: Cái cậu gì ở huyện Phục, ông Sáu đang định cấu tạo Trung ương uỷ viên dự khuyết đấy”. v.v… mà những người “vai vế” thường cẩn thận giữ gìn. Gần đây, xem những dòng hồi ức của ông và chân dung về ông, tôi vẫn thấy nhiều những tình tiết hồn nhiên, cởi mở, thân thiết như thế đối với gia đình, bạn bè, đồng đội của một vị tướng đầy cơ mưu trước kẻ thù. Tôi không ngạc nhiên khi một tân binh như ông, mới mặc áo lính là được giao ngay Chỉ huy đại đội Nam tiến đầu tiên, vì ông là thế hệ thứ tư của một gia tộc chống Pháp, chú ruột là liệt sĩ Phạm Hồng Thái; chị ruột là bà Phạm Thị Kim, chuyên gia Hán nôm, vợ nhà cách mạng Khuất Duy Tiến; anh ruột là Luật sư Phạm Thành Vinh thủ lĩnh sinh viên, Chánh Văn phòng bộ Quốc phòng, tác giả cuốn sách “Kinh tế Miền Nam”… Nhưng ông nói chẳng rõ vì sao người ta bố trí chức vụ đó cho mình! Ông không giấu những điều ấu trĩ khi kể chuyện trận đánh đầu tiên ở Quảng Ngãi là một trận… tưởng tượng: cả trung đội hò nhau bắn vào một đồi sim động đậy trước gió vì bị ám ảnh là tụi Nhật Bản thiện chiến!... Trên chiến trường Đường 9 – Nam Lào khốc liệt mà nhiều danh tướng của ta và địch đã viết sách về nó, Phó Tư lệnh B70 Phạm Hồng Sơn ngày 5 – 1 – 1971 gặp Đại tá Phan Hữu Đại Sư trưởng Sư đoàn 571 Bộ đội Trường Sơn để phổ biến tình hình và nhiệm vụ. Đồng chí Phan Hữu Đại kể lại buổi làm việc rất khẩn trương căng thẳng này. Trên tấm bản đồ trải rộng, Phó Tư lệnh đã nêu ra nhiều vấn đề: thông tin kỹ thuật ta nhận được là địch đang gấp rút mở cuộc hành quân đại quy mô, dự báo những mũi tiến công nào của chúng, bằng trực thăng, bằng các đơn vị thiết giáp…, các phương án tác chiến và dự phòng biến động của ta, những không gian thời gian có tính quyết định… Rồi đồng chí nêu số lượng tăng pháo, số lượng cơ sở vật chất bảo đảm cho chiến dịch… Xong việc, thì bom B52 rải thảm ào ào đổ xuống làm rung giật cả hầm chỉ huy, Phó Tư lệnh tranh thủ chuyển sang câu chuyện tâm tình:

“-Anh Đại quê ở Quỳnh Đôi. Hoá ra anh cùng quê với cụ cử Hồ Phi Huyền tác giả cuốn sách “Nhân đạo quyền hành”. Anh có quen cụ cử Hồ Phi Huyền không?

-Có. Cụ là bố vợ nhà văn Đặng Thai Mai. Tôi quen biết cụ vì cụ giúp giảng cho tôi những danh từ khó hiểu trong tác phẩm triết học phương Tây hồi tôi mới tập nghiên cứu, trước cách mạng Tháng 8. Nhưng đồng chí có quan hệ gì với cụ Hồ Phi Huyền?

- Bố vợ tớ là rể của cụ mà.

- Vậy đồng chí là cháu rể làng Quỳnh chúng tôi. Hay quá!”

(Báo Nhân Dân ngày 20 – 2 – 2006).

Đức tính hồn nhiên của ông trong ngày thường không phải không có những lúc hồn nhiên trong day dứt, xúc động. Bởi ông là người chỉ không biết bi quan. Nước mắt đau thương đã rơi quá nhiều qua hàng trăm trận đánh. Nhưng có lẽ nước mắt ông và đồng đội trước những thi hài mất dạng vì bom na pan  ở trận Cầu Lồ - trận cuối cùng chống Pháp sau trận Điện Biên Phủ ba tháng, do ông chỉ huy là xót xa nhất trước thời điểm mở ra hoà bình, nhưng ít được biết tới vì lúc này ánh hào quang chiến thắng Điện Biên Phủ quá chói lọi… Ông không lảng tránh những điều tai ương đau đớn. Đã có lần ông phát biểu trước một cử toạ: “Có lẽ trong đời của một con người, không ai là không tránh khỏi oan ức. Người oan nhiều, người oan ít, nặng, nhẹ… Con người ta dù có sức mạnh trong tay như tiền của, quyền hành, hoặc chẳng có chút quyền lực gì, lại nghèo hèn nữa nhưng cũng không phải không có một lần gây oan cho người khác, làm họ đau khổ dằn vặt. Thiếu thốn về vật chất đã khổ rồi nhưng vẫn có thể vượt qua được, còn đau đớn về tinh thần thì không gì có thể bù đắp nổi và đau đớn mãi mãi…” Một trái tim giữa đời. Ông nói vậy, nhưng ông là chiến binh kỳ cựu đánh giáp lá cà buộc phải luôn luôn chớp nhanh cách thắng mà sống. Người thấy cái giá sự sống của mình sẽ có cách sống của mình.

Thế hệ ông là thế hệ cách mạng thứ hai của đất nước, được sống trong buổi đầu gặp gỡ hân hoan và đẹp đẽ của người trí thức với sự nghiệp cứu nước, được chứng kiến và hưởng lợi thời kỳ mà mối quan hệ giữa trí thức với giới quyền lực gặp gỡ thăng hoa đơm kết qua những con người mà thành tựu khoa học, nghệ thuật lừng lững song hành với sự nghiệp cách mạng lẫy lừng trên cái nền mẫu số chung là yêu nước, - để trở thành những “hạt giống đỏ” quyết chiến và quyết thắng…

Ngày ông mất, tôi mở những sách ông tặng đọc lại. Tác phẩm chủ yếu của ông -  “Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam” (NXB Quân đội nhân dân-1997) là một công trình nghiên cứu nghiêm túc những thời lịch sử đã qua và tâm huyết trách nhiệm với những thời khắc đang tới. Vốn là vị tướng dày dạn chiến trường đồng bằng, miền núi, cao nguyên, nhưng ông đặc biệt quan tâm vị trí chiến lược của sông biển trong chiến tranh ở Việt Nam. Diện tích nước ta phần đất chỉ bằng 1/3 phần nước (biển). Biển có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ cộng với vùng trời liên quan. Có thể hai tiếng “đất nước” được gọi tắt là “nước” mà tổ tiên ta đã ý thức được từ rất xa xưa. Ông còn viết những điều sau đây rất sớm (khi ngày nay người ta đã xoá bộ Hải sản), và hơn một lần nhắc đi nhắc lại: “Sông biển ven đất liền luôn luôn là trục sống của cư dân. Cần có một hạm đội đủ sức cùng với lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đánh bại các cuộc tập kích đổ bộ của hải quân địch; phối hợp với không quân làm thất bại những mưu đồ đánh chiếm đảo và quần đảo của ta”. Từ đó ông đặc biệt nhấn mạnh lập luận: “Đi đôi với khoa học quân sự cần phát triển đồng thời khoa học kỹ thuật quân sự”. Tình hình giờ đây càng thấy rõ sức mạnh tổng thể  to lớn của quốc phòng không thể khôngcấp thiết thực hiện điều đó.

Một công dân mẫu mực; Một vị tướng văn võ song toàn ra đi từ giảng đường đại học, trưởng thành trong chiến tranh giữ nước; Một đời người hồn nhiên phơi phới… Đó là Phạm Hồng Sơn. Không phải ngẫu nhiên khi ông đưa ý tưởng của Lênin “Hãy bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc” vào phần Kết luận cuốn sách giá trị của mình.

                                                                                   Vinh, ngày 15/12/2014

 

(*) Phong trào Văn thân: Khởi phát từ 1864 tại các trường thi hương ở miền Bắc nhằm phản đối nhà Nguyễn Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) nhập 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Phong trào chủ trương “Bình Tây, sát tả”. Phong trào phát triển mạnh ở Nghệ Tĩnh, đỉnh cao là khởi nghĩa Trần Tấn – Đặng Như Mai. Về sau các hoạt động của phong trào này mới theo phong trào Cần vương nhưng vì chủ trương sát tả nên đã bị cô lập, tẩy chay.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434925

Hôm nay

2196

Hôm qua

2349

Tuần này

21575

Tháng này

211973

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434925