Những góc nhìn Văn hoá

Hình ảnh kẻ sĩ Thăng Long trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng

Từ những tác phẩm đầu tay cho đến những trang ghi chép cuối cùng trên giường bệnh, Nguyễn Huy Tưởng không ngừng trăn trở với câu hỏi lớn về thiên chức và số phận của nghệ thuật, của người nghệ sĩ.

Cuộc đời Nguyễn Huy Tưởng cũng như văn nghiệp của ông có sự nhất quán, xuyên suốt là quá trình tự đấu tranh vừa âm thầm vừa quyết liệt để bảo vệ phẩm chất trung thực của người trí thức trước những sóng gió lịch sử, trước biến động thời thế. Nhiều nhà phê bình đã khẳng định sự nhất quán ấy đã tạo nên một nhân cách đặc sắc trong văn học hiện đại Việt Nam: nhân cách Nguyễn Huy Tưởng.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học ở vùng đất ngoại thành Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng sớm đã được hình thành một nhân cách bền vững theo hình mẫu sĩ phu Nho giáo. Bước vào đời vào nghề giữa trong bối cảnh mất nước, xã hội loạn lạc, phong trào cách mạng đang sôi sục, nhà văn ý thức rất rõ về trách nhiệm, bổn phận của một công dân với đất nước, một trí thức với văn hóa dân tộc. Đó là ý thức về vai trò nhập thế của kẻ sĩ. Cũng như nhiều trí thức cùng thời đại, chịu ảnh hưởng cả văn hóa phương Đông và học vấn phương Tây, Nguyễn Huy Tưởng chọn cho mình một lẽ sống khá hài hòa giữa hai luồng văn hóa tư tưởng ấy, theo hướng tích cực: hăm hở nhập thế, sục sôi nhiệt huyết đấu tranh vì “lý tưởng quốc gia”. Điều này được ghi lại trong những trang nhật ký tư tưởng của nhà văn từ ngày đầu cầm bút. Ông sớm đã đề ra cho mình những nguyên tắc sống, nguyên tắc trong sự nghiệp, những nguyên tắc nghiêm ngặt của kẻ sĩ theo Nho giáo: lấy Nhân làm lẽ sống, lấy Trung Dung làm nguyên tắc hành xử. Vì thế, trải qua bao sóng gió của lịch sử đất nước cũng như bao thăng trầm của đời tư, Nguyễn Huy Tưởng vẫn giữ cho mình đôi mắt người nghệ sĩ trung thực, chân thành, ngay cả khi hiện thực có bi đát đến đâu, ta vẫn thấy những tia hi vọng, ánh sáng của nhân văn lấp lánh từ nhãn quan ấy.
Cũng như bất kỳ một nghệ sĩ nào từng được sinh ra, trưởng thành trên kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến, Nguyễn Huy Tưởng yêu tha thiết mảnh đất oai hùng, thiêng liêng này. Khát khao suốt đời văn của ông là có thể tái hiện lại những nét đẹp rất riêng của đất và người Thăng Long- Hà Nội, bởi đó là nét đẹp hội tụ của tinh hoa khắp mọi miền đất nước được bổ khuyết qua năm tháng, qua sóng gió, thăng trầm của lịch sử. Trong đó, nổi bật lên là hình ảnh nhân sĩ Thăng Long – những trí thức, những nghệ sĩ có phẩm cách, lương tri, được đặt trong bối cảnh đầy biến động của thời cuộc, không khỏi để lại trong lòng người đọc những ám ảnh, day dứt.
Chủ đề người trí thức trong văn học Việt Nam hiện đại được khai thác khá nhiều, song nổi bật hơn cả là trong trước tác của ba cây bút: Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng. Ở Thạch Lam, những truyện ngắn nhẹ nhàng mà sâu sắc cho thấy những dằn vặt, ăn năn của người trí thức trong quá trình tu thiện, hoàn thiện nhân cách. Nam Cao tiếp tục đề tài người trí thức đặt trong bi kịch đấu tranh để tồn tại, để “sống đã rồi hãy viết”, đầy ám ảnh day dứt về khát vọng nghệ thuật chân chính bị áo cơm ghì sát đất. Với Nguyễn Huy Tưởng, hình ảnh người trí thức có phần lãng mạn, bay bổng và lí tưởng hơn; họ không còn chịu những vướng bận đời thường nhỏ mọn. Thế giới nhân vật kẻ sĩ của ông hiện lên với những khát khao, hoài vọng lớn lao, những bi kịch của thế giới nhân vật ấy không phải là thứ bi kịch đời thường mà là bi kịch mang âm hưởng anh hùng ca.
Tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng thường lấy bối cảnh đất nước có chiến tranh để làm nơi thử thách và tạo dựng tính cách nhân vật. Hai tiểu thuyết lịch sử An Tư, Sỗng mãi với thủ đô  là nơi nhà văn thể hiện những quan niệm về hình ảnh kẻ sĩ – trí thức Thăng Long trong thời tao loạn. Điều đáng nói là ở trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, hình ảnh kẻ sĩ không chỉ giới hạn hẹp là các đấng anh hào  (như học thuyết của Khổng Tử) mà có cả những bậc anh thư. Ở An Tư, hình ảnh nhân sĩ Thăng Long được đặt trong bối cảnh đầy thử thách: cả dân tộc đối mặt với đạo quân xâm lược hùng mạnh và bạo tàn, kinh đô - trung tâm đầu não chính trị bị rơi vào tay giặc. Trong tác phẩm này, Thăng Long không chỉ là biểu tượng cho dân tộc bị giày xéo, mà còn là mục đích cao cả để mỗi người con dân tộc sẵn sàng hi sinh để gìn giữ, là niềm kiêu hãnh của một đất nước hào hoa thanh lịch đối với kẻ thù tàn bạo, man rợ từ phương Bắc. An Tư – công chúa hoàng tộc Đông A mang vẻ đẹp thánh thiện, với tâm hồn cao cả, thủy chung, nhân hậu, khuất phục kẻ thù bạo tàn bằng chính vẻ đẹp tâm hồn kẻ sĩ Thăng Long: thanh lịch, tài hoa, khéo léo, kiên cường. Đám quân sĩ Mông Cổ kính ngưỡng nàng, một phần từ sự ngưỡng mộ đối với văn hóa Đại Việt. Những nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến như vua Thiệu Bảo và Hưng Đạo vương là những gương mặt kẻ sĩ tiêu biểu theo quan niệm của Nho giáo: nhân hậu, khoan hòa với tướng sĩ dưới quyền, có trách nhiệm, dám hi sinh vì quyền lợi muôn dân, tấm lòng yêu nước thiết tha, là đại diện cho trí tuệ Đại Việt. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Những thân vương hay thường dân triều Trần đều dốc sức cho công cuộc giải phóng Thăng Long. Ở họ sục sôi ý chí, khát vọng chiến đấu vì dân tộc nhưng không vì thế mà hành động nôn nóng, trái lại, mỗi vị tướng lĩnh ấy khi xuất quân đều có sự điềm đạm tinh tế, lịch lãm ngay cả khi hiện diện trên chiến trường. Đó Hưng Đạo Vương- vị tướng thống lĩnh quân đội tài giỏi, đối với tì tướng bằng cả “ân uy”, dám đem sinh mạng của mình ra củng cố ý chí chiến đấu cho quân dân Đại Việt. Đó là hình tượng Trần Nhật Duật – vị tướng có tài cầm quân – một ông hoàng am hiểu nghệ thuật được Nguyễn Huy Tưởng kỳ công khắc họa như một hình mẫu lý tưởng của kẻ sĩ đất Thăng Long: ra trận ung dung như một nghệ sĩ trên hành trình tìm thi hứng, bài binh bố trận như sáng tạo nghệ thuật mà khiến kẻ thù tan tác. Phẩm chất hào hoa thanh lịch không chỉ toát lên trong con người đời thường mà còn tồn tại trong những thời khắc khắc nghiệt nhất: ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Đây chính là một đặc trưng của người Thăng Long – Hà Nội nói chung, và cũng là của các nhân sĩ Thăng Long nói riêng.
Ta còn gặp lại vẻ đẹp ấy trong những trang viết về người Hà Nội trong thời khắc lịch sử của 60 ngày đêm khói lửa trong Lũy hoa Sống mãi với thủ đô. Nhân vật trí thức Hà thành phải lựa chọn lẽ sống và chết, quyền lợi cá nhân với quyền lợi dân tộc. Đó là lúc để tầng lớp sĩ phu Hà Nội thời hiện đại thể hiện hết phẩm chất của “kẻ sĩ Thăng Long”. Từ vở kịch Những người ở lại đến tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô và truyện phim Lũy hoa, ta đều thấy nổi bật trên cái nền tăm tối của chiến tranh, của chết chóc là những gam màu tươi sáng, của niềm tin, lý tưởng mà những trí thức trẻ - những người con của thủ đô yêu dấu mang vào cuộc chiến. Họ là Lan, Sơn, Kinh (Những người ở lại), là Oanh, Trần Văn, Loan, Phúc, Hương… (Sống mãi với thủ đô, Lũy hoa) là bóng dáng của một thế hệ trí thức trẻ sục sôi tâm huyết với dân tộc với những tên tuổi tiêu biểu một thời: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn công Mỹ, Lưu Văn Lợi,… và chính bản thân Nguyễn Huy Tưởng. Đó là những con người dám từ giã tuổi học trò đầy mộng mơ, từ bỏ cảnh sống êm đềm, sung túc, hào hoa của những cậu ấm cô chiêu đất Hà Thành để dấn thân vào cuộc chiến gian khổ thiếu thốn, vì lí tưởng giải phóng dân tộc. Dấu ấn linh hồn Thăng Long hào hoa đậm nét trong từng góc nhìn, cách nghĩ, lối hành động của mỗi nhân vật. Trần Văn trước giờ nổ súng tần ngần ngắm thủ đô dấu yêu bằng con mắt người trí thức, thấy linh hồn của Hà Nội trong rất nhiều biểu thái: hồi hộp, âu lo trước những gì đang và sắp tới, nuối tiếc một thủ đô hào hoa thanh lịch của những ngày đã qua. Những gì diễn ra trong tâm tưởng của Trần Văn là thước phim sống động về vẻ đẹp của con người, văn hóa và cảnh vật nơi đây suốt ngàn năm lịch sử. Chỉ có ở người lính trí thức thủ đô-kẻ sĩ Thăng Long thời đại mới, ta mới thấy nét trữ tình ngoại đề ấy bên lề cuộc chiến mà người tham gia biết chắc kết cục tàn khốc của mình. Tấm lòng hào sảng của Phùng Gia Lộc-ông chủ nhà in sẵn sàng cống hiến tất cả tài sản, thậm chí cả sinh mạng của mình cho cuộc chiến bảo vệ thủ đô, là nét đẹp trong không ít người Hà Nội trong những năm đầu kháng chiến. Kẻ sĩ Thăng Long trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng không thuần nhất, đơn điệu trong suy nghĩ và hành động. Trước sóng gió của lịch sử, họ có những cách nghĩ khác nhau. Nếu như ở An Tư, Trần Hưng Đạo chọn con đường chủ chiến, thì vua Thiệu Bảo lại muốn chủ hòa để bảo toàn sinh mệnh cho nhân dân. Chứng kiến cảnh nhân dân điêu linh vì chiến tranh, hiểu rõ “quân dĩ dân vi bản”, ông vua nhân hậu ấy thà hi sinh quyền lợi gia tộc để giữ cho non sông khỏi tiếp tục cảnh đầu rơi máu chảy. Hưng Đạo Vương lại quan niệm “thương dân phải thương đến muôn đời sau”, hi sinh cái trước mắt để giữ non sông lâu bền. Hai luồng tư tưởng yêu nước ấy thống nhất ở hai chữ “vì dân”, cũng là những đắn đo trong đầu lãnh tụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ sau này. Vở kịch Những người ở lại cũng tạo ra tranh cãi về hình tượng nhân vật bác sĩ Thành – trí thức Tây học – với quan niệm trái chiều với những người trong hàng ngũ kháng chiến về lòng yêu nước, về trách nhiệm kẻ sĩ: “Bác sĩ Thành trầm ngâm: Yêu nước không phải cứ tranh đấu bằng gươm súng. Làm cho nền khoa học rực rỡ cũng là yêu nước. Tôi chọn con đường ấy.Người đọc tìm thấy ở bác sĩ Thành, hình ảnh của một người trí thức quốc gia, muốn ở lại Hà Nội, để làm nhịp cầu thương thảo Pháp-Việt. Bác sĩ Thành có thể là một Hoàng Xuân Hãn, một Phan Anh hay một Vũ Văn Hiền, qua cách phân tích, suy luận và xử trí với tình hình đất nước. Họ biết vị trí và uy tín của họ đối với giới trí thức, trọng lực của họ đối với Pháp. Yêu nước, nhưng không theo cộng sản, họ băn khoăn, suy tính, tìm cách hành động theo con đưòng riêng của mình. Không thể quy kết việc ở lại thành của ông là phản động, không thể đánh giá ông thiếu phẩm cách kẻ sĩ. Không đơn điệu, phiến diện trong quan niệm về kẻ sĩ Thăng Long hay về lòng yêu nước, tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đã chứng tỏ tính đúng đắn qua sức hấp dẫn đối với độc giả trong và ngoài nước, qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua nhiều chiều dư luận đánh giá.
Kẻ sĩ Thăng Long trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng còn là những nghệ sĩ luôn trăn trở về văn hóa dân tộc.
Người đọc vẫn đánh giá kịch Vũ Như Tô không chỉ là đỉnh cao trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng mà còn là một trong số những kiệt tác của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Vở bi kịch về khát vọng lớn lao của người kiến trúc sư mang khát vọng lớn lao là được sáng tạo, cống hiến cho kinh thành Thăng Long nói riêng, dân tộc Đại Việt nói chung một kỳ quan sánh ngang với thế giới nhưng không thể thực hiện được vì những hạn chế của lịch sử. Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô còn dang dở chính là nỗi niềm đau đáu suốt đời văn của cây bút ý thức đề cao cái Đẹp. Nỗi đau của Vũ là niềm nuối tiếc của chính Nguyễn Huy Tưởng về một sự nghiệp chưa hoàn thành. Vũ Như Tô là một nghệ sĩ, một “kẻ sĩ” đích thực như chàng dõng dạc tự hào trước mặt hôn quân Lê Tương Dực: “… Một ông quan trị dân với một người thợ giỏi, xây dựng nhưng lâu đài tráng quan, điểm xuyết cho đất nước, tiện nhân chưa biết người nào mới đáng gọi là kẻ sĩ…”. Lời của Vũ khẳng định thêm một lần nữa quan niệm kẻ sĩ của Nguyễn Huy Tưởng: người trí thức, người nghệ sĩ chỉ cần có tâm huyết với cuộc đời, đem tài hoa kiến thiết đất nước, giữ gìn và hoàn thiện, hoàn mỹ cuộc đời, dù ở bất kỳ cương vị nào cũng là kẻ sĩ.
Trớ trêu thay, nghệ sĩ say mê đến quên mình để xây dựng những giá trị thẩm mỹ lâu dài cho nhân dân, nâng tầm cho văn hóa dân tộc, nhưng có khi, trong thời điểm lịch sử cụ thể, lại bị chính nhân dân không hiểu, không cần, thậm chí phỉ nhổ, chà đạp, hủy diệt. Lời tựa: “Mải vật lộn quên cả đài cao mộng lớn. Công ông cha hay là nỗi thiệt thòi? … Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải.” chứa đựng câu hỏi lớn cho văn hóa dân tộc. Trí tuệ, tài ba của người Việt được chứng minh trong chiến tranh vệ quốc là không thua kém thế giới, tại sao văn hóa Việt không có nổi một công trình đủ tầm vóc sánh vai năm châu? Phải chăng, là do ý thức manh mún, tầm nhìn hạn hẹp của đại chúng, thậm chí cả những trí thức có vai trò quyết định số phận văn hóa dân tộc? Điều trăn trở của chàng thanh niên Nguyễn Huy Tưởng từ năm 1941 đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Nó khuấy sâu vào tâm thức của kẻ sĩ trong thời hiện đại, kích thích kẻ sĩ một dũng khí như Vũ Như Tô, hi sinh cả bản thân vì mục đích cao cả. Có một thời, Vũ Như Tô bị xem là “kẻ cuồng sĩ”, bi kịch của Vũ là bi kịch của kẻ chết vì tham vọng cá nhân, đặt cái Tôi lên trên quyền lợi quần chúng. Đó không phải là dụng ý của nhà văn khi xây dựng nhân vật này. Vượt lên trên lối tư duy tầm thường ấy, hình ảnh Như Tô, Đan Thiềm là ước vọng của nhà văn về những kẻ sĩ chân chính, có tầm tư duy vượt thời đại, có ước vọng của những “người khổng lồ thời văn hóa Phục Hưng”.
Am tường cả văn hóa Đông – Tây kim cổ, không phải là người ưa thuyết giáo mà chỉ lặng lẽ suy ngẫm và hành động, Nguyễn Huy Tưởng từ rất sớm đã định hình cho mình sứ mệnh của trí thức tâm huyết với văn hóa dân tộc. Thời đại Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu cầm bút là giai đoạn sôi nổi của cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Sau Cách mạng tháng Tám, tưởng như những trí thức, văn nghệ sĩ đứng dưới lá cờ của Đảng đã thống nhất về tư tưởng “văn nghệ phục vụ đại chúng”, thì khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu đi vào giai đoạn cam go nhất, những văn nghệ sĩ tâm huyết với sứ mệnh cầm bút lại ngỡ ngàng nhận ra sự khác biệt của văn nghệ đích thực và văn nghệ tuyên truyền. Cùng với Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng là một trong số những người sớm nhận ra và dám viết về điều này trong những trang nhật ký của mình. Không chỉ viết cho riêng mình, Nguyễn Huy Tưởng còn thẳng thắn nêu suy nghĩ của mình trong tùy bút Một ngày chủ nhật, ngay trong những ngày hòa bình mới lập lại nhưng xem ra lòng người lại không được yên. Bài tùy bút ra đời tháng 11-1956, khi xảy ra vụ biến động chính trị ở khối Đông Âu (Ba Lan, Hungary), ở Việt Nam vừa qua cơn bão cải cách ruộng đất và công cuộc sửa sai, Hà Nội mới giải phóng được hai năm, chưa hồi phục trên đống đổ nát đã vấp phải một loạt những đổi thay.
Không có nhân vật cụ thể như tiểu thuyết, ở bút ký nổi lên những quan chiêm của nhân vật trữ tình – một người yêu thủ đô, nhưng có thể nhận ra ở đó những suy tư của lớp kẻ sĩ Thăng Long nói riêng và lớp trí thức nói chung ngay sau kháng chiến chống Pháp. Bài viết vừa ra đời lập tức gây ra sự chú. Với những người trí thức bấy lâu bức bối trong khuôn khổ của nền văn nghệ được đóng khung với những chế định ngặt nghèo của lối văn nghệ tuyên truyền thì đây quả là luồng gió mới phá tung cánh cửa kìm hãm sự sáng tạo. Là một trí thức có ý thức rất rõ tầm quan trọng của tính trung thực trong phản ánh, cũng là người tâm huyết với văn hóa Thăng Long – Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng không khỏi đau xót trước cảnh nội thành Hà Nội bắt đầu “nông thôn hóa”. Sự đơn điệu trong đời sống là tiếng còi báo động về sự khô khan trong tâm hồn người Hà Nội. “Quần áo phần lớn màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất nhiều màu sắc.” Hồ Gươm – trái tim của thủ đô – là biểu tượng cho văn hóa thanh lịch của Hà thành giờ đây “nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức…”. Những phố phường, cơ quan nhếch nhác, không còn dấu ấn của 36 phố phường hào hoa thuở nào, không khỏi gợi lên nỗi xót xa của những người từng sống chết để bảo vệ thủ đô. Những quan sát tinh tế ấy được phản ánh bằng giọng văn trữ tình trầm buồn nhưng không vì xót xa mà hằn học. Nhân vật trữ tình cố tìm niềm an ủi và hi vọng ở hình ảnh những đồng bào miền Nam ra tập kết, ríu rít trong niềm hân hoan hội ngộ, đó là thứ ánh sáng le lói bừng lên trong khung cảnh xám xịt và ảm đạm của phố phường. Tự thừa nhận là một nhà văn thiên về ngợi ca, nhưng trong tùy bút, độc giả thấy nhãn quan hiện thực của ông thật sâu sắc, giọng văn cương nghị, không né tránh hay tô hồng hiện thực. Những nhận xét về ngoại thành Hà Nội qua cơn bão cải cách ruộng đất, những trần tình về lỗi lầm của chính nhân vật trong thời cải cách đã đem đến cho bài viết tính khả tín cao. Qua đó, người đọc thấy được ở Nguyễn Huy Tưởng phẩm cách cao quý của kẻ sĩ Thăng Long: trung thực, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật và luôn tự phản tỉnh để hướng thiện. Ông viết: “Cần đấu tranh mạnh với quan niệm tập thể giản đơn của một số người có khuynh hướng đồng loạt hóa cuộc đời muôn hình nghìn vẻ, dựng nên rải rác đó đây cái không khí nhờ nhờ như sương mù làm tối đen cảnh vật”. Một ngày chủ nhật khép lại bằng cái nhìn âu yếm với đứa con thơ đang say ngủ, như một niềm tin chắc chắn vào ngày mai, một hi vọng cho tương lai thống nhất của Tổ quốc, và một thủ đô rực rỡ sắc màu. Bài bút ký khiến cho nhà văn lao đao một thời vì những ý kiến sắc bén, thẳng thắn nêu ra trong đó, đại đa số quần chúng cũng như các trí thức, văn nghệ sĩ chưa dám công khai ủng hộ. Nguyễn Huy Tưởng đã nung nấu những điều tâm huyết ấy từ rất lâu, “dũng khí Vũ Như Tô” thôi thúc ông phải làm điều gì đó vì một nền văn hóa Thăng Long đang tàn lụi. Qua những trang nhật ký, những biên bản họp kiểm thảo mà gia đình nhà văn còn lưu giữ, có thể thấy, tác giả không hề nao núng trước dư luận mà chỉ buồn, nỗi buồn của kẻ sĩ có tâm mà bất lực trước thời thế.
Đọc sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, ta có thể thấy thế giới kẻ sĩ dường như là tâm điểm trong tác phẩm của ông. Qua thế giới những nhân sĩ Thăng Long ấy, ta thấy được tình yêu, sự gắn bó thiết tha của ông với con người và văn hóa nơi đây, đồng thời thấy được quan niệm về vai trò, nhân cách kẻ sĩ mà ông đề ra để định hướng cho cuộc đời của mình. Những bài học được ký thác sau mỗi tác phẩm viết về Thăng Long – Hà Nội là nơi để nhà văn truyền đến người đọc mọi thế hệ tình yêu, lòng tự hào về địa linh nhân kiệt, về truyền thống lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Những trăn trở và suy tư về vai trò, trách nhiệm, số phận của kẻ sĩ nói chung và kẻ sĩ Thăng Long nói riêng của ông đến nay vẫn còn là những ẩn số, là cái nghiệp tự thân oan khiên nhưng đầy vinh quang như đại thi hào Nguyễn Du từng nhận: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn, phong vận kỳ oan ngã tự cư”. Phải chăng các nhân sĩ Thăng Long đều tìm thấy tiếng nói chung trong ý thức sâu sắc về phẩm cách và lương tri trên con đường nhập thế, giúp đời?

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512984

Hôm nay

285

Hôm qua

2436

Tuần này

2921

Tháng này

219857

Tháng qua

121356

Tất cả

114512984