Người xứ Nghệ

Nghệ sĩ Vân Quế ba lần được gặp Bác Hồ

So với những nghệ sĩ thời ấy ở Nghệ An thì nghệ sĩ Vân Quế tự thấy mình có duyên may hơn đồng nghiệp vì ba lần cô được gặp Bác Hồ.

Năm 1961, Bác về thăm quê. Được tin Bác sẽ đến thăm đoàn Văn công Nghệ An, tất cả anh chị em trong đoàn đều háo hức và hồi hộp đợi chờ. Gần đến giờ biểu diễn, người thì lên khấu ngóng chờ bác, người thì đang lo trang điểm ở phòng hóa trang. Bất chợt tiếng Bác vang lên trong phòng hóa trang: Bác chào các cháu. Tất cả mọi người tròn xoe mắt ngạc nhiên, không thể nghĩ là Bác đã đi thẳng vào phòng này để trò chuyện cùng anh em. “Các cháu có khỏe không, đã đi phục vụ được nhiều nơi chưa?… Bác chúc các cháu khỏe, đi được nhiều nơi để phục vụ nhân dân. Bác vào thật nhanh và đi cũng nhanh như vậy để buổi diễn được bắt đầu. Diễn xong bác chia kẹo cho mọi người. Anh em ai cũng cất kẹo để làm kỉ niệm. Lúc đó cô Vân Quế vừa tròn 17 tuổi với một năm tuổi nghề. Cái cảm giác lâng lâng vui sướng và có phần tự hào đó cứ theo cô suốt nhiều năm.

Lần thứ hai vào năm 1962, cô Vân Quế cùng đoàn đi biểu diễn chào mừng nhà lãnh đạo Triều Tiên  Kim Nhật Thành rồi vào phủ Chủ tịch diễn vở chèo Cô gái Sông Lam cho Bác xem. Xem xong Bác bảo: Các cháu diễn rất hay, cố gắng phát huy noi gương tinh thần chiến đấu của chị Nghệ  (người chiến sĩ cách mạng - nhân vật chính của vở diễn) – người con ưu tú của quê hương. Lời căn dặn ấy như nhắc nhở cô Vân Quế không nguôi phấn đấu, để có thể từ chỗ đang đảm nhận vai diễn phụ sớm được tin tưởng giao nhận các vai chính.

Năm 1965, đoàn ra Hà Nội tham gia Liên hoan ca múa nhạc chống Mĩ toàn miền Bắc. Nghệ sĩ Vân Quế là một trong năm nghệ sĩ của đoàn Văn công Nghệ An và một số nghệ sĩ nữa của đoàn Văn công Hà Tĩnh được vào hát cho Bác nghe. Bác căn dặn: Các cháu phục vụ nhân dân, nhất là trong thời điểm cả nước đang chống Mĩ cứu nước,  phải làm sao đưa được tiếng hát đến mọi nơi, phục vụ được rộng rãi nhất. Khi nghe nghệ sĩ Xuân Năm hát dân ca Nghệ Tĩnh: Thương nhau mến tiếng đi rồi/ Một ngày không gặp mặt dạ bồi hồi nhớ thương, thì Bác Hồ bảo:

Cha ông ta hát là “Quen hơi bén tiếng đi rồi/Một ngày không kháp mặt, dạ bồi hồi nhớ thương”. Các cháu hát dân ca Nghệ Tĩnh phải hát hay, hát đúng, đừng hát sai lời của cha ông. Lời dặn đó, nghệ sĩ Vân Quế nhớ mãi, như một định hướng để làm nghề. Từ đó cho đến sau này, năm 1973, đoàn Dân ca Nghệ An được thành lập, khi hát cũng như khi cùng anh em đi sưu tầm dân ca, cô Vân Quế đều cố gắng tìm hiểu rất cẩn thận từng lời hát của bà con truyền lại. Có những câu từ chưa rõ thì cô hỏi dân, hỏi đồng nghiệp để làm sao tránh được những sai sót đáng tiếc.

Nghệ sĩ Vân Quế trải lòng, thời cô hoạt động nghệ thuật, cũng như mọi người dân khác, cực khổ và khó khăn trăm bề, nhưng nhiệt tình làm việc thì vô bờ lắm. Nhất là thời điểm Mĩ đánh phá miền Bắc, anh chị em nghệ sĩ cũng “chiến đấu” như dân quân, bộ đội. Đến mọi trận địa, mọi địa phương hát cho mọi người nghe. Mĩ ném bom thì xuống hầm tránh, xong lại diễn. Di chuyển từ nơi này sang nơi khác cả trăm cây số cũng hành quân đi bộ, mang vác đủ mọi thứ đồ để ăn và biểu diễn. Sống cùng dân, ở cùng dân và làm việc cùng dân… không biết mệt. Khi có con nhỏ, cũng mang con đi cùng. Vừa đi biểu diễn vừa tập luyện. Thời đó đâu có nhiều sách vở để học, cô tranh thủ tìm hiểu, học hỏi từ anh em, từ những người bậc trên, người giỏi hơn mình. Học từ cách nói, cách hát, bước đi, biểu hiện của nét mặt để làm sao vừa hát hay vừa diễn tốt. Từng bước, cô đã tạo được niềm tin của đồng nghiệp, của cấp trên. Khi nào có các đoàn khách ở trung ương, nước ngoài về, hay ngày Tết cô đều là một trong những nghệ sĩ được đến phục vụ. Vất vả, phải đi nhiều, nhưng cũng vui vì cô đã được trưởng thành. Nghệ sĩ Ưu tú Đình Bảo, một đồng nghiệp của cô thời đó, cho rằng: Vân Quế là một trong những nghệ sĩ cốt cán của đoàn thời đó. Cô có trí tuệ, có tư duy, say mê, chịu khó khổ luyện và có kinh nghiệm biểu diễn. Những nỗ lực của cô đã được bù đắp, năm 1970, vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh Không phải tôi đã đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn miền Bắc và cô là một trong ba người đạt Huy chương Vàng.

“Những lời trò chuyện, dặn dò thân tình của Bác trong các lần được gặp Bác Hồ đã cho tôi sự động viên, động lực phấn đấu, cũng như định hướng tốt hơn trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Trong cuộc sống tôi cũng gặp khó khăn, chồng ở xa, đứa con đầu bị mất khi cháu được 6 tuổi, chính nghị lực đã giúp tôi vượt qua được những thời khắc khó khăn nhất và có được những thành công nhất định trong nghiệp diễn viên của mình”. Nghệ sĩ Vân Quế khẳng định. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443436

Hôm nay

2327

Hôm qua

2305

Tuần này

21249

Tháng này

218610

Tháng qua

112676

Tất cả

114443436