Người xứ Nghệ

Truy niệm Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn

Năm 1965, theo Quyết định do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí, Viện Văn học tổ chức Lớp Đại học Hán học nhằm đào tạo cán bộ ngành cổ học Việt Nam và Trung quốc biết chữ Hán. Lớp học do Giáo sư Đặng Thai Mai làm Chủ nhiệm, Giáo sư Hồ Tôn Trinh và Phó giáo sư  Nguyễn Văn Hoàn làm Phó Chủ nhiệm, Phó giáo sư Trần Nghĩa làm Giáo vụ; thày dạy toàn là các bậc túc nho đạo cao đức trọng. Giáo sư Cao Xuân Huy dạy các môn chủ chốt tứ thư ngũ kinh, một tuần có giờ trên lớp đến 4, 5 buổi; Giáo sư Phạm Thiều dạy cổ văn, thày Nam Trân dạy thơ, thày Đào Phương Bình, Nguyễn Đức Vân dạy Sở từ, sử, văn học chữ Hán Việt Nam, thày Phạm Phú Tiết dạy các môn liên quan đến nghệ thuật sân khấu; Giáo sư Đặng Thai Mai dạy về Trung Quốc học, đôi khi có các thày thỉnh giảng: Lê Thước, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Sĩ Lâm, có cả Giáo sư Du Quốc Ân, chuyên gia Kinh thiSở từ của Trung Quốc  (về sau ông bị đấu tố trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, không rõ số phận ra sao). Lớp cũng có các giờ Văn học Việt Nam hiện đại, văn học nước ngoài, lý luận văn học, bổ túc cho những ai chưa có bằng Cử nhân và những ai muốn nâng cao, cập nhật kiến thức. Thày dạy các bộ môn này phần nhiều là cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học, như Phó giáo sư Vũ Đức Phúc, Giáo sư Cao Huy Đỉnh, GS Hồ Tôn Trinh, Nguyễn Đức Đàn ...; giảng viên các trường Đại học được cử đi học, vừa là thày lại vừa là trò như Phó giáo sư Bùi Duy Tân, Giáo sư Đặng Thanh Lê cũng tham gia giảng dạy. Phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn ngoài chức trách Phó Chủ nhiệm cũng vừa dạy Văn học Việt Nam vừa tham gia học dự thính. Sĩ số của lớp có lẽ chừng năm chục người, sinh viên chính thức khoảng hai chục, ngoài ra là cán bộ các đơn vị bạn gửi, tôi lúc ấy cũng là cán bộ Tổ Thuật ngữ do Giáo sư Lưu Vân Lăng và Giáo sư Lê Khả Kế phụ trách, gửi đến học.

Bấy giờ, cuộc chiến tranh phá hoại đã bước vào thời kỳ gay gắt. Lớp học mở ở nơi sơ tán, là một ngôi nhà tranh nửa nổi nửa chìm, tường nhà đồng thời là vách hầm trú ẩn. Tôi nhập học muộn một học kỳ. Ngày đầu tiên vào Lớp tôi rất run, vì không có bạn, thêm nữa lại thấy ngay “thày Hoàn và cô Lê” ngồi nghe giảng, cắm cúi ghi chép. Nếu xét đến tư cách một người đi học thì “thày Hoàn” quả là một học viên gương mẫu. Tôi khép nép tìm một chỗ ngồi khuất khuất phia cuối lớp, liếc nhìn chung quanh, thấy “thày Hoàn” nghe giảng rất chăm chú, suôt buổi chú ý ghi chép, như không bỏ qua một lời giảng nào, sách vở, tài liệu đều cẩn thận. Tôi nghĩ vui vui một cách nghiêm chỉnh “đúng là thày học có khác”. Nguyên thày Hoàn là giảng viên Khoa văn Trường Đại học sư phạm Hà Nội, ngày học ở trường, tôi đã có học cả hai vị. Cô Lê dạy đến mấy học kỳ, bài giảng hấp dẫn; thày Hoàn cũng có lên lớp, chúng tôi thường gọi lén sau lưng thày là “Kim Trọng”. Lúc ấy thày còn trẻ, thư sinh nho nhã. Sau không thấy thày lên lớp, tôi không biết thày đã chuyển về Viện Văn học. Bây giờ gặp lại, bỗng thấy thày vừa là lãnh đạo lại cũng vừa là “đồng môn” nên tôi cũng ngại. Học được một thời gian, tôi theo “trào lưu”, đổi cách xưng hô, chỉ gọi hai vị là “anh Hoàn chị Lê” và cảm thấy rất thoải mái. (Trong bài này tôi xin phép được giữ nguyên cách xưng hô từ thời đó, mặc dù bây giờ đáng lẽ phải gọi hai Giáo sư là các cụ).

          Cuộc sống ở nơi sơ tán chẳng dễ dàng gì, mặc dù bà con thôn Đồng Bèo Mã Cháy, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (lúc ấy do hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp thành) đã hào hiệp giúp đỡ, cưu mang. Chúng tôi học tập trung, bài nhiều, khó, mọi vật dụng cần cho sinh hoạt thường ngày đều thiếu thốn; lại nữa nhiều người con nhỏ, cha mẹ già yếu, ... Do vậy bạn bè trong lớp, đồng nghiệp trong cơ quan chăm sóc nhau cũng là một nhiệm vụ, nhưng cũng chính vì thế mà thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Gia đình hai giáo sư Lê - Hoàn dù có được ưu tiên chút ít nhưng cũng không ngoại lệ. Các cháu của anh chị còn nhỏ, sức khỏe cả nhà đều yếu, chúng tôi cũng thường qua lại giúp đỡ chị. Nhưng chính anh chị, đôi khi đã vượt qua khó khăn của hoàn cảnh mình, giúp thày giúp bạn. Tôi nhớ chị Lê đã có sáng kiến phân công các bạn nữ thành một vài nhóm, người tháo vát giỏi giang kèm người chậm vụng việc nhà, vào những ngày nghỉ đi chợ mua thực phẩm ở các chợ quê nấu cháo, nấu miến, làm ruốc, tổ chức “căng tin nội bộ” trong  lớp, trong cơ quan, giúp các thày, các nhà neo đơn, nếu muốn cũng có thể bổ sung thức ăn ngoài tiêu chuẩn; các bà mẹ trẻ, nhà neo người nhờ vậy cũng đỡ vất vả. Riêng tôi, cũng có một kỷ niệm, đúng hơn là mang ơn anh chị về một việc mà không bao giờ có thể quên. Đó là vào mùa đông năm 1967, tôi ở cùng mẹ và con trai hơn 3 tuổi. Mẹ tôi vẫn quán xuyến cho mọi việc, nhưng bà có bệnh viêm phế quản dị ứng mạn tính. Nhà ở nơi sơ tán trống trải, gió lộng, quá rét nên mắc bệnh, lại cũng xa bệnh viện không khám xét được, kết quả bà bị thổ huyết rất nặng, tưởng là bệnh lao đến giai đoạn cuối, khó qua khỏi. Chồng tôi công tác Thanh niên, thời chiến đi đâu cũng chẳng biết, mà cũng chẳng thể gọi về được. Chị Lê bảo tôi: “Để con chị trông cho, nó chơi với hai chị (hai con gái anh chị là Lan Phương, Lan Anh, hồi ấy cũng còn nhỏ), lại có bác Hoàn là đàn ông, chắc không khóc đâu. Em đưa ngay mẹ về bệnh viện cấp cứu đi, trên này nếu cần gì chị nhờ cơ quan giúp đỡ”. Tình hình cấp bách, tôi cũng đành quẳng con cho chị, theo xe cấp cứu đưa mẹ về Hà Nội.

          Rất may mắn cho tôi là mẹ tôi chỉ bị giãn phế quản nặng dẫn đến xuất huyết; khoảng gần một tháng cầm máu, uống kháng sinh, xét nghiệm xong, biết không phải bệnh lao, Bệnh viện cho về sớm, sợ bị nhiễm ngược (Mẹ tôi sống thêm được 25 năm nữa mới mất, thọ 79 tuổi). Tôi vui mừng để mẹ ở nhà với “ông xã” rồi trở lại trường. Khi đó con trai tôi đã được gia đình Giáo sư Đặng Thanh Lê – Nguyễn Văn Hoàn và các bạn trong lớp chăm lo chu đáo vẫn mạnh khỏe và đi mẫu giáo ngoan ngoãn. Đến lúc ấy tôi mới kịp bình tâm nghĩ rằng chính sự quyết đoán của chị Lê, sự quan tâm của các bạn trong lớp đã giúp tôi qua được một thời khắc hết sức hiểm nghèo mà tôi không kịp nhận ra.   

          Tốt nghiệp Lớp Đại học Hán học, tôi được ở lại Viện Văn học, lại về Tổ Cổ cận do anh Hoàn làm Tổ trưởng. Thời gian sau, tôi không nhớ vào khoảng nào, anh được đề bạt làm Viện phó, Tổ đổi thành Ban, anh vẫn sinh hoạt chuyên môn cùng Ban, sinh hoạt với tôi một tổ Đảng. Trong công việc, chắc nhiều trường hợp anh không đồng ý với cách giải quyết của tôi, nhưng tôi cũng chưa bị anh trách cứ nặng nề bao giờ. Tuy vậy, tính anh lạnh nghiêm, ít chuyện trò, cứ “vâng vâng” xa cách, tôi cũng không dám “làm thân”, và đó không phải là cảm giác riêng của một mình tôi... Nhưng đôi khi, anh rất vui vẻ, kể chuyện tếu khôi hài, tôi và mấy bạn nữ trẻ đều cảm thấy thoải mái, tâm lý ngại ngại cũng được giải tỏa bớt. Về sau anh được cử đi Italia, học tiếng Ý qua tiếng Pháp. Có bạn đùa “Anh Hoàn nói tiếng Pháp giọng Nghệ”. Chuyện ấy ở cơ quan tôi, không phải không có, mặc dù các cụ rất giỏi tiếng Pháp (hoặc một ngôn ngữ nào đó) và uyên thâm cả nền văn học nước ấy, nhưng nói thì chỉ “đại khái”. Nghe vậy anh Hoàn cũng không giận, anh bảo: “Ta đã được mấy bà đầm khen là Parisien rồi”. Quả thật bước chuyển này của anh rất thành công. Sau thời gian ở Ý về anh đã dịch lại tác phẩm Thần khúc của Đantê từ nguyên gốc tiếng Ý. Anh đã trở thành một chuyên gia, sứ giả của văn hóa Ý, đã chuyển tải nhiều, giới thiệu nhiều nét tinh hoa của văn hóa, văn học Ý tới Việt Nam. Tôi không theo dõi mảng văn học nước ngoài, nhưng chắc chắn nếu nói đến chuyên gia về văn học, văn hóa Ý thì người có nhiều công lao phải kể đến là Phó giáo sư Nguyên Văn Hoàn. Từ khi anh mở thêm một tài khoản nghiên cứu mới, anh có nhiều cuộc giao lưu với châu Âu. Mỗi lần đi về, anh thường có quà, các cán bộ nữ của ban Văn học Cổ cận thường được anh quan tâm. Tôi cũng được anh cho quà mỗi lần đi xa về. Một lần đi Pháp về, anh cho tôi một thỏi son, màu đỏ rất thắm, lại còn bảo: “Nhiều tuổi càng cần tươi!”. Tôi lớn tuổi, ít dùng, đến bây giờ thỏi son vẫn còn đầy và màu vẫn đậm.  

Năm 1999, Viện Văn học cho toàn bộ những người đã đến tuổi hưu trí về nghỉ. Ban Văn học cổ cận cũ có Phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, Phó giáo sư Phạm Tú Châu và tôi. Cứ nghĩ về chuyên môn sẽ không còn dịp liên hệ nữa, nhưng sau tham gia Hội Kiều học, tôi lại vẫn được “cùng hội” và coi như vẫn có “sự lãnh đạo” của anh. Dù vậy chúng tôi cũng ít gặp anh, nói như Nguyễn Khuyến: Đường đi lại tuổi già thêm nhác, nhưng cũng may nhà tôi ở gần nhà anh chị nên thỉnh thoảng tôi cũng có dịp thăm hỏi. Anh vẫn như trước, có lần chúng tôi đến, anh ra tiếp, có lần chỉ mở cửa chào hỏi rồi đi làm việc của mình. Tôi áy náy, sợ gia đình anh chị có việc gì đó, mình làm phiền, GS Đặng Thanh Lê bảo: “Anh Hoàn sống nội tâm, ít thích ồn ào, cứ để anh ấy tự nhiên, mình có việc của mình”. Lần tôi đến thăm gần nhất, GS Đặng Thanh Lê rất yếu, gày, còn PGS Nguyễn Văn Hoàn vẫn minh mẫn khỏe khoắn. Tôi ngồi chơi, thấy GS Đặng Thanh Lê chốc chốc lại gọi ai đó gửi mua rau, mua bí,.., chị bảo tôi, đại ý là: “Anh Hoàn làm được mọi việc, chỉ chuyện bếp núc là không thể tự lo được”. Thăm hỏi xong, ra về tôi cứ nghĩ “Các cụ tự do tự tại mãi thế này cũng không được”. Thế rồi nghe nói  hai GS chuyển nhà về gần con, tôi và một vài bạn trong Ban cũng định đến mừng nhà mới. Vậy mà, tin GS Nguyễn Văn Hoàn “tiên cảnh nhàn du” tôi còn biết trước cả tin GS mới có cuộc “Hoa du” thành công, rất hài lòng!

PGS Nguyễn Văn Hoàn mất, Hội Kiều học mất một nhân vật trụ cột, cũng là người rất có công trong việc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, là người có công với việc giới thiệu văn hóa Ý với Việt Nam. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, có phải ông đã được Nguyễn Du và cả Đantê phù hộ nên hoàn tất cuộc “nhàn du nhân thế” rất nhẹ nhàng. Con cháu, bạn bè, đồng nghiệp thương tiếc ông và chắc chắn xã hội, ngành nghiên cứu Kiều học sẽ ghi nhận những đóng góp của ông. Tôi thành tâm cầu chúc anh linh ông được siêu sinh tịnh độ.  

                                                               Hà Nội 21 – 6 – 2015

                                                           

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443273

Hôm nay

2164

Hôm qua

2305

Tuần này

21086

Tháng này

218447

Tháng qua

112676

Tất cả

114443273