Những góc nhìn Văn hoá

Hiện tượng tự xưng các danh, tự, hiệu của Cao Bá Quát trong thơ chữ Hán của ông

Giống như đại đa số các tác giả văn học trung đại Việt Nam, Cao Bá Quát có nhiều tên gọi. Cùng với danh Cao Bá Quát, ông có tên tự là Chu Thần, tên hiệu là Mẫn Hiên, Cúc Đường. Các tên của ông vốn chứa đựng các ý nghĩa cao đẹp, sâu xa. Khi ông đưa những tên gọi đó vào trong tác phẩm văn chương của mình thì các tên gọi ấy càng tạo nên ấn tượng đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn đối với sự thể hiện con người cá nhân tác giả.

1. Các tên gọi của Cao Bá Quát

1.1. Cao Bá Quát (高伯适)

Đây là tên danh, do cha của Cao Bá Quát đặtcho ông. Đời Chu có 8 kẻ sĩ: Bá Đạt - Bá Quát, Trọng Đột - Trọng Hốt; Thúc Dạ - Thúc Hạ, Quý Tuỳ - Quý Đa. Tám hiền sĩ đời Chu này đều là bốn cặp sinh đôi. Cha Cao Bá Quát chọn hai tên trong tám kẻ sĩ đời Chu đặt tên cho hai đứa con sinh đôi của mình: Cao Bá Đạt, Cao Bá Quát là muốn gửi gắm vào đó khát vọng hai con ông sẽ trở thành những bậc hiền tài giúp nước.

1.2. Chu Thần (周臣)

Đây là tên tự (tên chữ) của Cao Bá Quát. “Tự là tên chữ, tên đặt lúc đã thành niên để biểu thị đức tính lí tưởng mà mình chuộng, do đó còn gọi là biểu tự. Tên chữ thường gồm 2 chữ, có liên quan tới chữ đặt tên (danh) về mặt ý nghĩa, do đó thường lấy từ trong sách” [1,150] Do đó, Cao Bá Quát đặt tên tự cho mình là Chu Thần (quan/bề tôi nhà Chu) là theo ngụ ý của cha mình khi đặt danh cho ông là Cao Bá Quát.

1.3.            Mẫn Hiên ()

Đây là tên hiệu do Cao Bá Quát tự đặt cho mình. "Tên hiệu là do người sử dụng tự đặt, không hề bị chi phối bởi gia tộc, thứ bậc trong gia đình. Thông qua việc đặt tên hiệu, hoặc biệt hiệu, người ta có thể tự do gửi gắm tư tưởng và tình cảm, biểu lộ chí hướng và hoài bão, thể hiện sở thích của mình trong cuộc sống"[2].

 Về tên hiệu Mẫn Hiên của Cao Bá Quát, chữ Hiên () có nghĩa là chái hiên nhà (xưa hơn là "xe có mái che", nên thấy bộ XA trong chữ viết), thường được rất nhiều nhà nho dùng ghép với một chữ trước nó để gọi tên nơi mình học và nhân đó làm hiệu cho mình luôn. Cao Bá Quát thích chữ MẪN (có nghĩa: nhanh nhẹn, sáng suốt) nên ghép thành MẪN HIÊN . Với tên hiệu này, Cao Bá Quát có ý mong muốn và khẳng định bản thân là con người mẫn tiệp, sáng suốt.

1.4.            Cúc Đường (菊堂)

“Cúc Đường” là một tên hiệu của Cao Bá Quát, do chính tác giả tự đặt cho mình. Chữ “đường” (堂) có nghĩa là nhà, cũng thường ghép với một chữ đứng trước để lấy làm hiệu. “Cúc Đường” có nghĩa là "nhà chứa hoa cúc". Tên hiệu này biểu thị lòng yêu hoa cúc của Cao Bá Quát (thơ chữ Hán của ông cũng chứng tỏ điều đó. Trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, chữ “cúc” xuất hiện hơn 20 lần ở tên bài thơ, còn trong thơ thì hơn gấp nhiều lần; ông coi mình là đồ đệ của Đào Uyên Minh đời Tấn. Rất nhiều bài thơ của Cao Bá Quát nói về hoa cúc và Đào Uyên Minh).

Như vậy, tất cả các tên gọi của Cao Bá Quát đều là những chữ được lựa chọn rất cẩn thận. Thông qua việc đặt danh, tự, hiệu, gia đình và bản thân Cao Bá Quát đều thể hiện chí hướng và hoài bão lớn: mong trở thành rường cột của quốc gia, trở thành con người có tầm vóc, sáng suốt, thanh cao, thuỷ chung, son sắt.

2. Thống kê danh, tự, hiệu của Cao Bá Quát trong thơ chữ Hán của ông

Tất cả các danh, tự, hiệu của bản thân đều được Cao Bá Quát dùng tự xưng trong thơ chữ Hán của mình. Có khi ông dùng ở nhan đề bài thơ, khi xuất hiện ở lời tựa, còn lại phần lớn là trong lời bài thơ:

Tên

STT

Câu có tên xưng

Nhan đề

bài thơ

Ghi chú

 

 

 

 

Mẫn Hiên

(4 lần)

 

 

1

Thử Mẫn Hiên tử kim sinh sơ độ chi tịch dã

(Đây là tiệc sinh nhật kiếp này của gã Mẫn Hiên đây)

Cửu nhật chiêu khách

Trong lời tựa bài thơ

2

 Lục bức dương bình hoạ Mẫn Hiên(Sáu bức bình phong vẽ chàng Mẫn Hiên trên biển)

Lưu biệt Hoàng Liên Phương

Thơ

3

Kì phụ Mẫn Hiên xưởng hoảng nhược thất giả sổ nhật hĩ(Cha nó là Mẫn Hiên thẫn thờ như người mất hồn vài ba ngày)

Thất tử

Trong lời tựa bài thơ

4

Bắc sơn thi tiên Mẫn Hiên ông,/Vị quân năng lai phát thanh ca.(Ông tiên thơ Mẫn Hiên ở núi Bắc/ Vì ngài đến cất lời ca trong trẻo.)

Di Xuân dĩ tu trúc sinh hoa thi kiến thị, tức tịch tẩu bút, ca dĩ đáp chi

Thơ

 

 

 

 

Cao tử

(3 lần)

5

Cao tửbất hạnh(Chàng Cao bất hạnh)

Thất tử

Thơ

6

Cao tửdạ mộng(Chàng Cao đêm nằm mơ)

Thất tử

Thơ

7

Cao tửmãn gia duy đồ thư,/ Phương lan kỷ cúc nhiễu trạch cư.(Trong nhà Cao tử này chỉ chứa đầy sách vở mà thôi,/ Bốn phía nhà thì có lan và cúc bao bọc.)

Cửu nguyệt thất hoả

 

Thơ

 

Cúc Đường

(2 lần)

8

Phượng Tá tiên sinh hảo vô dạng,/ Cúc Đường dã lão tối lương tri. (Tiên sinh Phượng Tá tốt vô cùng,/ Lão già Cúc Đường rất được tương tri.)

Đằng giang chu trung hoài cựu du nhân ký Phượng Tá sứ quân,kỳ nhất)

Thơ

9

Thí thướng Đại thành đình thượng vọng,/ Tha niên thuỳ thưởng Cúc Đường văn? (Nếu lên Đại thành (rồi đứng) trên đình ngắm,/Năm sau ai đọc văn Cúc Đường (làm chi))?

Tam dương Đông Lâu bát vịnh đồng Minh Trọng tác, kỳ bát

Thơ

 

 

Chu thần

(3 lần)

10

Chu Thầnthị

 

Chu Thần thị

Nhan đề bài thơ

11

Chu Thầnthị xướng

Chu Thần thị xướng

Nhan đề bài thơ

12

Chu Thầnthị xướng

Chu Thần thị xướng

Nhan đề bài thơ

Cao lang

(1 lần)

13

Cao langchỉ tự mai hoa sấu(Chàng Cao gầy gò giống hệt cành mai)

 

 Du Tây hồ bát tuyệt, kỳ ngũ

Thơ

Cao thị

(1 lần)

 

14

Ngũ nguyệt thập ngũ nhật, Cao thị chi tử đắc mạo, sậu tả nhi yểu(Ngày rằm tháng 5, con của họ Cao bị cảm mạo đột ngột, đi tả rồi mất)

Thất tử

Trong lời tựa bài thơ

Quát

(1 lần)

 

15

Bình sinh hồ hải duy tương tích,/ Quát dã đông tây nam bắc nhân. (Bình sinh ngài chỉ tiếc cho tấm thân hồ hải của nhau,/Quát này là người của đông tây nam bắc.)

Thương Sơn công kiến thị đáp tặng Tảo Phạn trường cú, bái huệ chi nhục, ca dĩ hoạ chi

Thơ

 

 

 

 

 

 

Như vậy, Cao Bá Quát có tới 15 lần tự xưng đích danh. Tất cả các tên gọi của ông đều được ông tự xưng trong thơ ca của mình (Mẫn Hiên 4 lần, Chu thần 3 lần, Cúc Đường 2 lần, Cao tử 3 lần, Cao lang 1 lần, Cao thị 1 lần, Quát 1 lần). Đó là chưa kể những khi Cao Bá Quát dùng những hình ảnh ước lệ liên quan tới các tên của mình để ngầm nói về bản thân mình. Ví dụ:

 Sương tuyết ưng liên cúc độc khai

(Tức tịch thứ vận)

(Đáng thương hoa cúc nở một mình trong sương tuyết - nguyên chú của tác giả: "tự hiệu Cúc Đường, cố vân" - Cúc ám chỉ hiệu Cúc Đường của tác giả)

hoặc trong những giờ khắc cụ thể, ai đó gọi ông bằng một cái tên khác:

  Tiễn trà thiếu phụ vô tình cực

 Thác hoán quan nhân thị Mã Chu.

(Đề Chu thị quán)

(Có người đàn bà trẻ tuổi hái trà coi thật vô tình,

Đã gọi lầm mình là Mã Chu)

Việc xưng tên nhiều lần của Cao Bá Quát có thể coi là một dấu hiệu đáng chú ý đối với sự thể hiện con người cá nhân của ông trong thơ.

3. Cái tôi cá nhân Cao Bá Quát qua các từ tự xưng

3.1. Trong văn học trung đại Việt Nam, hiện tượng xưng danh như Cao Bá Quát không phải là mới mẻ. Thế kỉ XV, Lê Thánh Tông đã xuất hiện với niên hiệu triều đại:

Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự

 (Minh quân lương thần)

(Cháu nay Hồng Đức giữ gìn ngôi báu)

Giai đoạn sau, Nguyễn Du xưng tên tự:

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Độc Tiểu Thanh kí)

(Thiên hạ ai người khóc Tố Như)

Vả chăng trong các bài tự, bạt viết cho các thi tập, văn tập, sử tập cũng đã có nhiều người tự xưng tên. Thêm nữa, cũng không chỉ ở thơ văn chữ Hán, thơ Nôm, hiện tượng xưng danh cũng xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương:

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

(Mời trầu)

thơ Nguyễn Công Trứ:

Ông Hy Văntài bộ đã vào lồng

(Bài ca ngất ngưởng)

Tuy nhiên, hiện tượng xưng danh nhiều như Cao Bá Quát là rất hiếm. Nếu các tác giả khác chỉ xưng tên một đôi lần thì con số15 lần tự xưng của Cao Bá Quát là đặc biệt ấn tượng, rất đáng chú ý. Vì lẽ, điều này khiến cho thơ chữ Hán Cao Bá Quát khác biệt rõ rệt so với thơ Đường nói chung và thơ ca trung đại Việt Nam nói riêng. Do lối sống “khiêm cung” và “khát vọng hoà nhập làm một với vũ trụ”, chủ thể trung đại thường ẩn đi bằng biện pháp tỉnh lược (chủ thể). “Ý muốn tránh càng nhiều càng tốt ba ngôi trong ngữ pháp chứng tỏ sự chọn lọc có ý thức, nó làm nảy sinh một lối nói đặt chủ ngữ nhân xưng trong một mối quan hệ đặc biệt với các sự vật. Bằng cách xoá, nói đúng hơn, là bằng cách khiến người ta “ngầm hiểu” sự tồn tại của nó, chủ ngữ đã hoà tan vào các yếu tố bên ngoài” [3]. Nếu chủ thể có xuất hiện trực tiếp trong sáng tác trung đại thì thường thu nhỏ mình lại một cách khiêm tốn, dùng những cách xưng hô rất công thức: kẻ hèn, kẻ mọn, hủ nho, ngựa già… Đó là kết quả của cái nhìn phi cá thể. Do vậy, sự xuất hiện đậm đặc của các hình thức tự xưng chứng tỏ Cao Bá Quát đã nhiều lần vượt ra ngoài “khuôn phép” quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại. Thơ Cao Bá Quát không còn là “sự biểu thị nào đó cho các lực lượng vũ trụ” mà trở thành tiếng nói đầy tính chủ quan, độc lập của cá nhân tác giả. Con người cá nhân trong thơ Cao Bá Quát đã thoát ra khỏi mối quan hệ chung với tạo vật, với “đại vũ trụ” để thể hiện tư tưởng, tình cảm riêng của mình, bộc lộ cá tính của bản thân. Nhà thơ xuất hiện không phải với tư cách một con người “siêu cá thể” mà là một cái tôi cá nhân sừng sững.

Thêm nữa, xưng danh như vậy nhấn mạnh cái tôi tác giả hơn dùng đại từ nhân xưng rất nhiều. Vì những đại từ nhân xưng có thể mang sắc thái biểu cảm chung chung hoặc dễ nhầm lẫn với những cá thể khác. Còn xưng tên là khẳng định rõ chính bản thân mình, không thể là ai khác ngoài mình. Xưng tên nhiều như vậy cho thấy bản thân đầy bản lĩnh của tác giả.

3.2. Một điều đáng nói nữa là Cao Bá Quát sử dụng những tên riêng của mình trong nhiều trạng huống khác nhau và mỗi lần tên của Cao Bá Quát được tự ông xưng, lập tức câu thơ của ông có ý nghĩa nhấn mạnh. Chẳng hạn, khi du chơi trên hồ Tây, ngắm cảnh,  Cao Bá Quát đã tự phác hoạ đặc điểm ngoại hình của bản thân:

Cao lang chỉ tự mai hoa sấu

     (Du Tây hồ bát tuyệt, kì ngũ)

(Chàng Cao gầy gò giống hệt cành mai.)

“Cao lang” là cách dùng họ ghép với chữ “lang” để chỉ giới tính nam của một người đàn ông trong dòng họ. Dùng tên này, Cao Bá Quát vừa chỉ mình, vừa gợi đến tính chất huyết thống của dòng họ. Cách gọi ấy thể hiện một thái độ trân trọng bản thân và có cả niềm tự hào về huyết thống - dòng họ Cao. Thêm nữa,  so sánh thân hình gầy như cành mai, ông còn biểu lộ được sự thanh mảnh thư thái của cá nhân mình.

Có lúc Cao Bá Quát xưng hẳn danh:

 Bình sinh hồ hải duy tương tích,

 Quát dã đông tây nam bắc nhân.

(Thương Sơn công kiến thị đáp tặng Tảo Phạn trường cú, bái huệ chi nhục, ca dĩ hoạ chi)

 (Bình sinh ngài chỉ tiếc cho tấm thân hồ hải của nhau,

Quát này là người của đông tây nam bắc.)

Đông tây nam bắc nhân” là một điển cố xuất phát từ câu nói của Khổng tử:  今丘也,东西南北之人也  (Kim Khâu dã, đông tây nam bắc chi nhân dã - nay Khâu này là người đi khắp đông tây nam bắc) trong thiên Đàn cung sách Lễ ký. Trịnh Huyền chú: “đông tây nam bắc” là nói ở không có nơi cố định. Nhân đó, người đời sau dùng nhóm từ “người đông tây nam bắc” để chỉ người rày đây mai đó, không ở nơi nào cố định. Cao Thích thời thịnh Đường cũng viết:

Quý nhĩ đông tây nam bắc nhân

(Nhân nhật ký Đỗ nhị thập di)

(Hổ thẹn với những người ở đông tây nam bắc)

Dùng điển tích giống như số đông, nhưng bằng việc xưng danh, câu thơ của Cao Bá Quát có thêm sắc thái chân thành, thẳng thắn khiến cho lời thơ như tiếng nói từ gan ruột của ông. Ông khẳng định mình là người thích giao du, ham đi đây đi đó.

Trái với sự vui vẻ, nhiệt thành trong những lần xưng danh trên, lúc tổ chức tiệc sinh nhật trong tù ngục vì tội chữa bài thi của thí sinh, Cao Bá Quát biểu lộ nỗi đau xé lòng:

Thử Mẫn Hiên tử kim sinh sơ độ chi tịnh dã

(Cửu nhật chiêu khách)

(Đây là tiệc sinh nhật kiếp này của gã Mẫn Hiên đây).

Như trên đã nói, đặt tên hiệu Mẫn Hiên, Cao Bá Quát vốn ngụ ý bản thân là một kẻ sĩ mẫn tiệp. Nhưng việc sửa bài thi của thí sinh đã khiến ông mang trọng tội. Tên hiệu Mẫn Hiên gợi nên sự trớ trêu, đau buồn về việc tự nhận có trí tuệ sáng suốt vậy mà lại có hành động để đến nỗi tù tội. Tròn một năm trong tù ngục, Cao Bá Quát coi như mình đã tái sinh một kiếp đời nữa để vừa đầy một tuổi. Từ đây, ông coi mình là một gã Mẫn Hiên mới, tái sinh, thay đổi về con người và nhận thức! Tên hiệu Mẫn Hiên như biểu thị sự khẳng định chua chát rằng ông đã thấu lẽ đời, rằng cuộc đời ông đã sang trang mới.

Như vậy, mỗi lần Cao Bá Quát xưng danh, tự, hiệu, thơ ông tạo nên một ấn tượng sâu sắc.

Kết luận

Từ tự xưng danh, tự, hiệu của Cao Bá Quát trong thơ chữ Hán có số lượng lớn. Xưng danh, tự, hiệu của bản thân mình, Cao Bá Quát khẳng định con người cá nhân ông ở nhiều phương diện: ngoại hình, tính cách, tâm trạng, nỗi niềm. Những từ tự xưng đã khiến cho thơ Cao Bá Quát phản ánh đời tư của ông rõ nét. Thơ Cao Bá Quát do đó, cũng biểu hiện rõ rệt tính chất nhật kí, kí sự.

 

Tài liệu tham khảo

(1) Lê Trí Viễn (chủ biên) (1987), sở Ngữ văn Hán Nôm tập IV, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, trang 150.

(2)Trịnh Khắc Mạnh (2012), Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 8.

(3) Nguyễn Hữu Sơn - Trần Đình Sử - Huyền Giang - Trần Ngọc Vương - Trần Nho Thìn - Đoàn Thị Thu Vân (1997), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, trang 112.

Tài liệu khảo sát

1.                Cao Bá Quát toàn tập (Mai Quốc Liên chủ biên) (2004), tập I, Nxb.Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.

2.               Cao Bá Quát toàn tập(Mai Quốc Liên chủ biên) (2012), tập II, Nxb.Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563195

Hôm nay

2136

Hôm qua

2299

Tuần này

2136

Tháng này

221719

Tháng qua

129483

Tất cả

114563195