Ai đem giấu vàng trong gió thu.
Trần Dần
Ai đem giấu vàng trong gió thu.
Trần Dần
Trước năm 1945, ít ai nghĩ rằng thi sỹ Vũ Hoàng Chương lại có lúc bừng tỉnh dậy sau những cơn say để viết nên một bài thơ hay nhất về cuộc Cách mạng ngày 19 tháng 08 ở Hà Nội. Một bài thơ dù đôi lúc xưa cũ mà hào sảng, phóng khoáng, đầy chất kinh kỳ và đặc sắc nhất là những câu thơ về lá cờ Cách mạng với ngôi sao vàng năm cánh vang hồn nước bay trên phố phường thủ đô nghìn năm văn hiến. Như một phép lạ. Một tin lành. Một giọng điệu thi ca hào sảng mà bi tráng không thể nào tìm thấy được trong thơ Vũ Hoàng Chương cũng như thơ của phong trào Thơ Mới trước đó.
Họ Vũ đến với Thơ Mới có lẽ vào loại muộn mằn nhất. Mãi đến năm 1940, Vũ Hoàng Chương, theo như tâm sự của chính ông, mới buộc lòng cho in tập thơ đầu tay – Thơ Say, chỉ vì món nợ mà Lưu Trọng Lư không trả được, phải xin ông khấu trừ bằng giấy in thơ. Chẳng phải vì ham hố chuyện văn chương trước hết. Mặc dầu vậy, tháng 09 năm 1941, Hoài Thanh đã viết lời giới thiệu Thơ Say để đưa vào Thi Nhân Việt Nam, được xuất bản một năm sau đó. Chỉ nhìn qua một lượt Thơ say có 31 bài với sáu mục. Say – Mùa – Yêu – Cưới – Lỡ làng – Lại say và tên các bài thơ đầy tâm trạng mong thành sầu sụp đổ. Say đi em. Hờn dỗi. Đời còn chi. U tình. Lo sợ. Chậm quá rồi. Bạc tình. Chết nửa vời. Con tàu say. Sai lạc. Hơi tàn Đông Á…cũng đủ thấy hồn thơ họ Vũ chìm đắm trong say như thế nào rồi. Bởi thế, Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam đã viết: Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa, say thuốc phiện, say nhảy đầm…Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ…Cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà chưa hẳn đã trụy lạc, mặc dù từ say sưa đến trụy lạc chẳng dài chi. Giọng thơ họ Vũ chứa chất một niềm ngao ngán vị chua chát, hằn học và bi đát thật đặc biệt. Ông Hoài Thanh đã đúng. Cứ xem như Vũ Trọng Phụng viết phóng sự đủ loại từ Làm đĩ, Kỹ nghệ lấy tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì…tưởng đâu Phụng là người trụy lạc. Vậy mà ông là người hiếu thảo và trong sạch trong làng văn thuở ấy. Vũ có hơi khác đôi chút. Đời sống hàng ngày của ông trước 1945 cũng bi đát và nhọc nhằn không biết là bao nhiêu. Vào khoảng năm 1944, Vũ lấy vợ là chị gái của nhà thơ Đinh Hùng. Nhà trọ của họ chật hẹp ở gần phố chợ Hàng Da. Họa sỹ Tạ Tỵ một lần đến thăm, loay hoay tìm khoảng chiếu để ngồi mà không có. Đã hơn 9 giờ sáng rồi mà Chương vẫn chưa tỉnh. Thi sỹ của chúng ta vẫn nằm trên tấm nệm cũ. Toàn thân như dán xuống mặt nệm. Da mặt tái mét. Đôi mắt mở hé trễ xuống. Như còn muốn hút…Vâng, đúng là Vũ Hoàng Chương đấy. Vậy mà chỉ một năm sau. Ngày 19 tháng 08. Cách mạng đã đến với hàng chục vạn người từ khắp mọi ngõ ngách đường phố, từ những cuộc đời gió bụi đến tầng lớp trí thức thượng lưu, từ những mảng quá khứ đau thương và tủi nhục, từ những thân tàn ma dại chết đói rệu rã các ngả đường, cùng kề vai sát cánh mang theo cờ đỏ sao vàng đổ về quảng trường nhà hát lớn để làm một cuộc phục sinh. Cuộc hội ngộ vĩ đại ấy đã đưa số phận của dân tộc Việt Nam bước lên vũ đài lịch sử mới. Nó đã hóa thân hàng triệu kiếp người. Ngay cả vị vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam đã tự nguyện từ bỏ ngai vàng, trân trọng trao bảo kiếm và ngọc tỉ tượng trưng của vương quyền bao nhiêu thế kỷ qua cho Cách mạng và đã nói một câu hay nhất trong cuộc đời của ông ta: Thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ. Đến vua còn thay đổi như thế, huống chi là một thi sỹ tài năng và nhạy cảm như Vũ Hoàng Chương. Họ Vũ đã tham gia vào cuộc Cách mạng ấy theo cách riêng của mình. Ông đã viết nên một bài thơ về ngày 19 tháng 8 ấy như chưa bao giờ được viết. Hào sảng. Dõng dạc. Mang không khí sử thi – Bài Nhớ về Hà Nội vàng son viết năm 1947.
Trước Vũ Hoàng Chương, đã có hai thi sỹ nổi tiếng làm thơ về Cách mạng tháng 8. Xuân Diệu công bố trường ca Ngọn quốc kỳ vào ngày 30 tháng 11 năm 1945. Rất kịp thời. Không thể không nói Ngọn quốc kỳ là không hoành tráng. Nhưng tiếc thay. Có lẽ là do quá xúc động để cảm hứng thơ trào lên không kìm giữ được, nên mặc dù nhịp điệu thơ thật khẩn trương, không gian thơ mở rộng và tác giả của nó không kiệm lời trong việc ca ngợi ngọn quốc kỳ, song thiếu khái quát được những hình tượng thơ đặc sắc mang tính tượng trưng giàu sắc thái thẩm mĩ. Ngôn ngữ thơ chưa có điều kiện chọn lọc để phát ra những hiệu ứng lan tỏa của cái đẹp một cách cần thiết. Bởi thế, trường ca ra đời thật kịp thời và nó được viết ra bởi một nhà thơ mới nhất trong số các nhà thơ của phong trào Thơ Mới mà lại chưa tương xứng với những điều Xuân Diệu đã có. Nó chỉ minh chứng một điều: Ông là người ra quân sớm nhất trong cùng đội ngũ của ông. Và tỏ rõ thi ca có những quy luật riêng của nó.
So với Xuân Diệu, Tố Hữu có lợi thế hơn nhiều. Ông là một trong những người trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Huế và ông thường nói mình là nhà Cách mạng làm thơ. Không phải nhà thơ làm Cách mạng. Tố Hữu viết Huế Tháng Tám theo thể thơ 8 chữ, vốn có thế mạnh và phù hợp với điệu tráng ca. Tố Hữu nghiêng về dừng lại miêu tả hơn là để tâm tìm ra hình tượng biểu trưng. Ví như “ngập Huế đỏ cờ sao”, “vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi” mà chưa gắn được với bức phông toàn cảnh thật bi hùng ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh. Thổi phồng lên, tim bỗng hóa mặt trời. Người ta vẫn chưa hình dung được cụ thể hình tượng cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của Cách mạng gắn với Huế trong những giờ phút trọng đại không thể mộng mơ theo cách cũ được nữa.
Hai năm sau. Năm 1947. Thi sỹ Vũ Hoàng Chương có đủ độ lùi cần thiết cho việc chiêm nghiệm, chọn lọc để viết: Nhớ về Hà Nội vàng son. Bài thơ kết hợp được việc mô tả không khí hào hùng của cả dân tộc bước vào một thời điểm lịch sử trọng đại, tư duy thơ đã gắn hiện thực với những tưởng tượng đầy sức mạnh đến độ trổ ra những câu thơ lộng lẫy và điều quan trọng nhất đã tìm thấy biểu trưng cho cuộc Cách mạng là ngôi sao vàng năm cánh xòe ra một cách đầy sức sống và lãng mạn giữa thủ đô Hà Nội 5 Cửa ô của đất Thăng Long nghìn năm cổ kính; khiến nhịp điệu trở nên trang trọng náo nức trong thể thơ 7 chữ với 8 khổ 32 dòng thơ. Bài thơ mở đầu bằng không khí trang nghiêm mà tự hào về thế đứng của đất nước trong ngày Cách mạng.
Ôi ngày mười chín ngày oanh liệt
Sóng đỏ hoa vàng khắp bốn phương
Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt
Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương.
Tiếp theo Vũ Hoàng Chương đã viết 4 câu thơ hay nhất về Cách mạng Tháng 8 ở Hà Nội. Nó ghi danh tên tuổi họ Vũ trong thi ca hiện đại. Gần một thế kỷ nay, chưa thi sỹ nào viết được về Hà Nội vào giây phút hào hùng ấy của tổng khởi nghĩa, rạng rỡ và trang trọng trong sự gắn bó giữa hiện thực và hình tượng biểu trưng. Hà Nội như được nhìn thấy từ một hành tinh khác bởi sự kết nối của 5 cánh sao vàng lãng mạn với 5 Cửa ô của hiện thực trường tồn. Đó là sự gặp gỡ giữa thời đại và lịch sử.
Ba mươi sáu phố, ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại
Năm cánh xoè trên năm Cửa ô.
Vẻ đẹp của ngày Cách mạng được vẽ tiếp trong bức tranh thơ trùng điệp những đoàn người hành khúc từ tóc bạc, má hồng đến triệu chàng trai nước Việt cùng hát ra đi bảo toàn sông núi trong sự đồng tâm Một tấm lòng mang vạn tấm lòng.
Trong văn chương Việt Nam nửa sau thế kỷ 20, hình tượng Hồ Chí Minh trở nên quen thuộc trong thi ca. Có người gọi Hồ Chí Minh là đức vua, là thánh nhân, là cha già dân tộc, mà quen thuộc nhất là tên gọi Bác Hồ. Vũ Hoàng Chương đã mượn hình tượng trong một bài thơ viết 1945 của Tố Hữu để gọi Hồ Chí Minh là một người lính già tiêu biểu. Vũ Hoàng Chương vẽ chân dung Hồ Chí Minh trong ngày Cách mạng hào hùng ấy theo một phong cách mà sau này người ta đã vẽ trên tranh cổ động giản dị rất nổi tiếng thời chống Mỹ. Bài thơ như muốn nói lên một điều mà lịch sử đã xác định: Không có nhân dân Việt Nam, không có Hồ Chí Minh sẽ không có Cách mạng Tháng 8.
Hai khổ thơ sau cùng của Nhớ về Hà Nội vàng son như gợi mở và lý giảicờ hoa Hà Nội ngày 19 tháng 8 vốn đã tiềm ẩn và chắt chiu giữa lòng dân tộc, giữa kinh đô từ bao đời nay lắng hồn sông núi. Bởi vậy, ngày hôm đó là ngày mãi mãi.
Trả hôm mười chín mùa thu trước
Về cho mười chín thu mai đây.
Dường như sự hoàn hảo có lúc làm người ta tưởng như chau chuốt của Nhớ về Hà Nội vàng sonlà một minh chứng cho quan niệm của thi sỹ Trần Dần về Hiện thực vốn có ba tầng: thực + tưởng tượng + tượng trưng. Nhớ về Hà Nội vàng son là sự giao kết ba tầng của hiện thực ấy. Và đó cũng là con đường đi ngắn nhất của thi ca từ hiện thực đến siêu thực và ngược lại – để soi rọi những khía cạnh thẩm mỹ vốn tiềm ẩn trong đời sống, để xã hội yêu mến những liên tưởng đầy kỳ ảo của cảm xúc, để chúng ta mãi mãi nhìn thấy cái ánh chớp của biểu tượng năm cánh xòe trên năm Cửa ô của Hà Nội ngập tràn cờ sao mùa thu năm ấy. Và như thế chúng ta mới hiểu được rằng làm thi sỹ không phải bỗng dưng ai cũng làm được. Bởi vì làm thơ là quá trình giấu vàng trong gió thu.
Những chấn động của lịch sử đã làm rung chuyển mọi nền tảng của xã hội, mở ra một thời đại mới cho thi ca. Cách mạng Tháng 8 và sau đó là cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp đã đưa Thơ đến những biên độ phát triển mới. Mỗi một thời đại lịch sử cần những khúc hát của chính mình. Một nhịp điệu thơ đã cất lên và lan tỏa. Nhớ máu của Trần Mai Ninh – ngày 09 tháng 11 năm 1946. Nhớ về Hà Nội vàng son của Vũ Hoàng Chương – 1947. Nhớ của Hồng Nguyên – 1948. Tây tiến của Quang Dũng – 1948. Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm – 1948. Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông – 1948…Lịch sử đã mang lại một nhịp sống hồ hởi, hồn nhiên, phơi phới, tràn ngập niềm tin cho thi ca Việt Nam giữa lòng thế kỷ 20. Thế kỷ 21 đã đi qua gần 20 năm rồi, nhiều thi sỹ hôm nay nói với tôi rằng: họ thèm được sự hồn nhiên như thế ở trong thơ.
Tháng 4 năm 1960, Chế Lan Viên có bài nhân đọc Hoa Đăng – tập thơ mới của Vũ Hoàng Chương in ở Sài Gòn 1959. Tôi coi trọng nhất đoạn Chế Lan Viên cảm nghĩ Nhớ về Hà Nội vàng son. Ông coi đó là lúc đẹp nhất của đời người thi sỹ. Khẳng định nhà thơ họ Vũ còn nhớ mãi 5 Cửa ô trong cuộc đời. Năm Cửa Ô trong thơ. Năm cánh hoa trong hồn dân tộc.
Nhưng, lịch sử của một dân tộc còn có những khúc quanh huống chi là lịch sử của một thân phận con người. Sau 1954, Vũ di cư vào Nam. Ở đây ông tiếp tục làm nghề dạy học và làm thơ. Nhiều tập thơ đã được ra đời. Rừng phong – 1954. Hoa Đăng – 1959. Trời một phương – 1962. Ta đợi em tư ba mươi năm – 1970…Từng có lúc ông giữ chức Chủ tịch Hội văn bút Sài Gòn. Đã 4, 5 lần dự hội nghị quốc tế về thơ ở nước ngoài. Thơ ông được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Nhưng, người ta nói rằng suốt thời gian cư ngụ ở Sài Gòn từ 1954 đến khi mất vào ngày 06 tháng 09 năm 1976, Vũ trước sau chỉ là kẻ thuê nhà. Từ xóm Hòa Hưng đến chợ Vườn chuối và sau cùng chui rúc vào một vùng lúc đó còn đìu hiu lau lách gần bến Phạm Thế Hiển. Cái phần hòn ngọc viễn đông hoa lệ không phải dành cho ông mà chỉ là “cõi tạm” cho một cuộc di cư suốt đời ở trọ. Nói như thế để trân trọng hơn một người đã từng Đòi hoa Hà Nội sóng Long Biênkhông phải cho riêng mình hơn 70 năm về trước.
Nhà văn Thế Phong có viết trên tờ tạp chí Văn Hóa Á Châu xuất bản ở Sài Gòn năm 1960 rằng: thơ xuân Vũ Hoàng Chương sau năm 1954 vẫn chỉ hướng về mùa xuân dĩ vãng. Khai bút thơ xuân hôm nay mà chỉ nhắc lại xuân đã qua rồi. Có lần tôi gặp thơ họ Vũ một lúc bâng khuâng thế sự:
Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở này sông cát bồi.
Cảm thán trước một đời thi sỹ, tôi muốn nói với Vũ Hoàng Chương rằng: Ông để lại cho đời nhiều lắm. Ít nhất cũng là một phong cách thơ kỳ lạ của phong trào Thơ Mới vào lúc nó đã ở chặng cuối con đường và một bài thơ về Hà Nội 19/8 như một trong những phút giây đẹp nhất của khuôn mặt Thăng Long nghìn năm văn hiến. Và như thế mới gọi là lịch sử. Bởi vì lịch sử không chỉ là những bước đi khổng lồ đôi khi trừu tượng, những cuộc mít tinh tuần hành hàng vạn con tim cùng nhịp đập. Lịch sử còn mang trong mình nó biết bao nhiêu thân phận con người. Sống và chết, mưu cầu hạnh phúc, cày cấy, buôn bán tất tả ngược xuôi. Nhìn xuống chân mình để đọc những câu thơ nhân thế mà đất và trời ban tặng…Chính họ đã va đập vào bao nhiêu cái ngẫu nhiên để lịch sử tìm ra cái tất nhiên. Để họ cũng góp phần làm ra nó theo cách riêng của mình. Thi ca đi giữa hai bờ vực của cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên ấy mà tìm ra kẻ đã giấu vàng trong gió thu làm con người nhiều khi không ngủ.
Tháng 8 năm 1992, nhân dịp kỷ niệm 60 năm phong trào Thơ Mới, NXB Hội nhà văn Việt Nam trân trọng in hai tập thơ Say (1940) và Mây (1943) với lời giới thiệu: Vũ Hoàng Chương dẫn Thơ Mới vào cõi sâu xa cá tính. Vũ chẳng giống ai trước mình và những người sau cũng chẳng ai bắt chước được. Vũ là một ngôi sao ở cuối bầu trời Thơ Mới.
Năm 1993 NXB Hội nhà văn Việt Nam tiếp tục in lại Ta đã làm chi đời ta, hồi ký của Vũ Hoàng Chương kể về nhiều câu chuyện vui buồn của anh em văn nghệ thời trước Cách mạng, trong đó có đoạn hoài niệm đám cưới của Hoàng và Oanh năm 1944. Nguyễn Tuân có tặng một tập giấy khổ vuông. Mỗi bề độ 2 gang tay. Ở bên mép giấy cách chừng độ một đốt ngón tay, in hai chữ Nguyễn Tuân – thủ bút của đương sự. Nguyễn dặn rằng: Giấy này để viết những trang bản thảo đắc ý. Tôi hi vọng Vũ Hoàng Chương đã viết Nhớ về Hà Nội vàng son trên những trang giấy ấy. Sau 30 tháng 4 năm 1975 họ Nguyễn vào Sài Gòn thăm Vũ Hoàng Chương. Quà tặng của họ Vũ cho ông Nguyễn lại chỉ là thủ bút của tác giả Nhớ về Hà Nội vàng son. Một nét thủ bút thôi mà biết bao ý nghĩa, sau bao năm chia cắt mới đoàn tụ trong cái nếp văn hóa nghèo mà sang của người Việt Nam. Tôi đã được thấy cái thủ bút ấy. Nó khắc khoải, đầy dằn vặt mà cũng ngang tàng lắm. Nhưng không hiểu sao tôi hơi ngạc nhiên cái ông thi sỹ Vũ Hoàng Chương hào hoa mà lãng tử trong thơ đến thế lại khác xa người đàn ông xưng danh là Hoàng được cầm tinh con Rồng (sinh năm 1916) có thời hưởng tuần trăng mật với nhiều buổi tối buồn tẻ đến hiu hắt ở căn gác hình ống tại Bến Thóc thành Nam Định lại hơi vụn vặt mà tầm thường trong thiên hồi ký không mấy hấp dẫn Ta đã làm chi đời ta. Tôi chờ đợi điều lớn hơn thế chiết ra từ cuộc đời dâu bể của ông – cái con người thời còn trẻ có khuôn mặt rất giống vua Bảo Đại, lúc về già lại giống ông cố đạo nghèo vùng Sơn Nam Hạ.
Đầu năm 2005 vào đêm nguyên tiêu ngày thơ Việt Nam 3/3, người ta trân trọng công bố tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội kết quả cuộc bầu chọn 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ 20. Trong đó có bài Say đi em của Vũ Hoàng Chương. Tên tuổi của ông đứng bên cạnh những cái tên danh giá nhất của thi đàn Việt Nam hiện đại. Hàn Mặc Tử. Tố Hữu. Chế Lan Viên. Nguyễn Bính. Vũ Hoàng Chương. Huy Cận. Xuân Diệu. Hoàng Cầm. Quang Dũng.v.v.. Lịch sử đã không quên một ai khi ban tặng và vực dậy một người đang say để viết nên một thi phẩm nổi tiếng về ngày Cách mạng. Nhưng nếu không, nếu không có một tài thơ đã từng viết Say đi em thì cũng không thể đón nhận cái phút chốc chớp sáng của tưởng tượng khi 5 cánh sao sáng lòa trên 5 Cửa Ô kinh đô nghìn năm không ngủ.
Cả một thế hệ đã có lúc muốn đưa hồn say về tận cuối trời quên, có lúc bế tắc lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ, bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh, sau 19/8 đã sống một cuộc đời khác. Vũ Hoàng Chương là một người trong số đó. Nhớ về Hà Nội vàng son không chỉ là nỗi nhớ của một giai đoạn lịch sử, mà là nỗi nhớ của nhiều thời đại về một ngày rực rỡ như chưa bao giờ rực rỡ như thế.
Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm Cửa ô.
Lập thu – 2017.
2268
2337
22316
218815
121356
114511942