Người xứ Nghệ

Trần Đình Đúc - Một sứ giả của tình hữu nghị Việt - Lào

Lịch sử, địa lý đặc biệt gắn kết hai nước Việt Lào phải dựa vào nhau để tồn tại và phát triển, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Đông Dươg ra đời đến nay, truyền thống đó đã và đang được nhân lên tầm cao mới: tình đoàn kết đặc biệt Việt Lào. Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt nam đã nói: “Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà- Cửu Long”. Đồng chí Cay Xỏn Pôm Vi Hản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nói: “Lào- Việt hai nước chúng ta như sợi cùng dây, như cây cùng khóm”. Để vun đắp cho mối tình hữu ghị keo sơn Việt Lào, gần một thế kỷ qua, có biết bao đồng chí, đồng bào đã bền bỉ hy sinh, cống hiến trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai nước, hai đảng anh em. Với hơn 32 năm là chuyên gia giúp Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về công tác xây dựng Đảng, ông Trần Đình Đúc đã nêu tấm gương sáng về học tập đạo đức của Bác Hồ trên lĩnh vực đối ngoại, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Xuphanuvông: “Trọn nghĩa, trọn tình, thuỷ chung, trong sáng, trưởng thành từ cơ sở”.

Ông Trần Đình Đúc sinh ngày 5-10-1924 tại xóm Luỹ, làng Yên Mã, xã Mã Thành, huyện Yên Thành- quê hương ông là vùng đất mà nhân dân có truyền thống yêu nước và hiếu học. Nơi đây là quê hương của Trạng nguyên Bạch Liêu, vị tổ khai khoa của xứ Nghệ, quê hương của tiến sĩ Trần Đình Phong (thường gọi là cụ Nghè Yên Mã) làm quan tế tữu Quốc tử Giám (hiệu trưởng trường Quốc tử Giám thời nhà Nguyễn) đã có công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Gia đình của Trần Đình Đúc là bà con nội tộc của cụ Nghè yên Mã nhưng vì nhà nghèo nên từ nhỏ Trần Đình Đúc đã phải theo cha vào núi khai hoang, chặt củi đốt than. 20 tuổi ông đã tham gia đội tự vệ cách mạng, xung phong đi bảo vệ đoàn biểu tình giành chính quyền ở huyện. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông làm Uỷ viên quân sự của Uỷ ban kháng chiến hành chính xã- tháng 11/1947 ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và liền sau đó liên tiếp giữ các chức vụ Bí thư đảng bộ xã Hồng Thắng (1950-1951), Huyện uỷ viên (1950), Thường vụ huyện uỷ Yên Thành phụ trách tổ chức tuyên huấn (1952-1953) rồi làm Bí thư huyện uỷ Yên Thành (1953). Nhận thấy ở Trần Đình Đúc một cán bộ trẻ, xông xáo, trách nhiệm, Tỉnh uỷ Nghệ An cử ông đi học trường Nguyễn Ái Quốc ở Tuyên Quang. Học xong, ông đượcgiữ lại công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng. Cuối năm 1958, tình hình cán bộ ở Yên Thành gặp khó khăn, Tỉnh uỷ Nghệ An xin ông về làm Bí thư Huyện uỷ Yên Thành. Sơn hơn 2 năm củng cố tổ chức, khôi phục khối đoàn kết nội bộ, ổn định tình hình, ông được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Nghệ An, làm nhiệm vụ Thường trực ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An.
Hơn 32 năm gắn bó với cách mạng Lào
Giữa lúc đang giúp Tỉnh uỷ Nghệ An chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, Trần Đình Đúc nhận được quyết định của trung ương điều đi công tác đặc biệt giúp nước bạn Lào. Tạm biệt cha mẹ già, vợ yếu, con thơ, tạm biệt Nghệ An, Trần Đình Đúc lại bước vào một cuộc chiến đấu mới. Trước khi ra đi, ông Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương căn dặn: “Đồng chí vào gặp các anh Chu Huy Mân, Đào Việt Hưng (phụ trách đoàn 559, trực tiếp giúp Đảng bạn về công tác tổ chức và cán bộ, đây là việc làm mới và khó, Trung ương tin là đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.
Sau mấy ngày học tập ở Hà Nội, Trần Đình Đúc lên đường hành quân sang Sầm Nưa, Thủ đô của cách mạng Lào. Bấy giờ tình hình cách mạng Lào còn gặp nhiều khó khăn, Đảng nhân dân cách mạng Lào mới tách từ Đảng Cộng sản Đông Dương ra được 10 năm (22/3/1955 Đảng Nhân dân cách mạng Lào được thành lập). Đặc điểm của cách cách mạng Lào là Mặt trận và Quân đội có trước Đảng nên hiểu biết về đảng, đội ngũ của cán bộ đảng còn yếu và thiếu. Dựa vào những đồng chí bộ đội, chuyên gia đến trước, tranh thủ những ngày ở Sầm Nưa, Trần Đình Đúc cố gắng trong một thời gian ngắn phải học được tiếng, được chữ Lào để mong thoát khỏi tình trạng câm, mù, điếc- chỉ sau 3 tháng miệt mài học tập Trần Đình Đúc đã nói và viết khá thạo tiếng Lào, chữ Lào. Đồng chí Si Sổm Phon Lò Văn Xay, Trưởng Ban Tổ chức TW Lào nói: “Anh Đúc là một trong những chuyên gia học tiếng Lào nhanh nhất”.
Sau một thời gian ngắn ở Sầm Nưa, Trần Đình Đúc được điều động đi công tác ở những vùng khó khăn nhất của cách mạng Lào. Mấy năm đầu, ông được điều động đi các tỉnh Nam Lào, nơi tập trung đông dân và nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua. Ông đã trực tiếp giúp bạn mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ, và cùng với bạn về các bản xây dựng, phát triển Đảng, xây dựng các đoàn thể quần chúng. Là một đất nước có 60 bộ tộc cùng sinh sống, phong tục, tập quán và đời sống khác nhau, bọn thổ phỉ ráo riết hoạt động đánh phá cách mạng Lào và tìm cách bắt bớ, thủ tiêu bộ đội, chuyên gia Việt Nam, sự sống và cái chết có lúc như ngàn cân treo sợi tóc. Nhiều đêm phải ngủ rừng, nhiều ngày phải ăn hạt gắm, củ mài thay cơm, nhiều trận sốt rét, nhiều đợt bom đánh vào khu căn cứ… nhưng dựa vào sự giúp đỡ của bạn, Trần Đình Đúc đã đi về 17 tỉnh, đến 67 huyện, như con ong cần mẫn kiên trì bám dân, bám đất để hoạt động. Những năm ở Nam Lào, ông đã cùng các đồng chí, các bạn Lào vượt Trường Sơn về Sầm Nưa- thủ đô kháng chiến để dự các cuộc họp toàn quốc ngành tổ chức Đảng của Lào, mỗi lần đi bộ từ Nam Lào ra Bắc Lào từ 40-45 ngày. Với số vòng quay trên Trường Sơn là 10 lần.
Một công việc khó khăn mà trung ương giao phó là giúp bạn nhưng không dược bao biện, làm thay, thông qua hoạt động giúp công tác xây dựng đảng từ chi bộ cơ sở đến Trung ương để tạo sự đồng cảm, tin cậy, yêu thương để bạn tự lực, tự chủ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ cả về xây dựng thể chế, bộ máy và đội ngũ cán bộ tổ chức xây dựng Đảng.
Tháng 12/1975 đất nước Lào được giải phóng, Trần Đình Đúc dược về Viên Chăn, trực tiếp làm chuyên gia giúp các đồng chí trong Bộ Chính trị TW Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về công tác xây dựng Đảng. Trong hơn 32 năm hoạt động ở Lào, ông đã trực tiếp làm việc thường xuyên với 5 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị Trưởng Ban Tổ chức, được tham dự với tư cách thành viên đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên gia về công tác tổ chức, dự 4 lần Đại hội Đảng Nhân dân cánh mạng Lào, được làm việc nhiều năm (từ 1975 đến 1992) bên cạnh các đồng chí Tổng Bí thư Cay Xỏn Pôm Vi Hản, Xu Pha Nu Vông, Khăm tày Xi Phăn Đon… Đồng chí Trần Đình Đúc luôn trân trọng, khiêm tốn, giản dị.
Ngày 17/9/1992, sau mấy ngày nghe đồng chí Trần Đình Đúc báo cáo, trao đổi, Tổng Bí thư Cay Xỏn Pôm Vi Hản thân mật hỏi: “Anh Đúc giúp Ban Tổ chức TW Lào mấy chục năm rồi?”. Trần Đình Đúc trả lời: “Thưa anh đã hơn 32 năm rồi”. Đồng chí Tổng Bí thư Cay Xỏn xúc động nói: “Tôi 37 năm làm Tổng Bí thư, anh Đúc 32 năm giúp Lào Xây dựng Đảng là điều đặc biệt, Đảng, Nhà nước Lào ghi công cho đồng chí Đúc”. Nhà nước Lào đã tặng thưởng Trần Đình Đúc nhiều huân chương cao quý, Ban Tổ chức TW Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã trao cho đồng chí Trần Đình Đúc bản ghi công trạng trong đó có những giòng : “Mãi mãi ghi nhớ công lao đồng chí Trần Đình Đúc- Đồng chí Trần Đình Đúc là một trong những chuyên gia mẫu mực”.
Nghĩa tình son sắt thuỷ chung
Từ năm 1961 đến tháng 6 năm 1993, sau hơn 32 năm xa gia đình, xa đất nước, Trần Đình Đúc trở về Hà Nội làm chuyên gia cao cấp của Ban Tổ chức TW Đảng. Tháng 7 năm 1995, ông nghỉ hưu. Lãnh đạo Ban Tổ chức có gợi ý mời ông ở lại Hà Nội, cơ quan sẽ lo nơi ăn chốn ở cho ông nhưng ông xin về quê với làng nước, với vợ con. Ngày đầu về hưu ông tâm niệm: “Khi làm cán bộ phải cố gắng hết mình, lúc trở về làm dân phải làm người dân tốt”. Nhưng rồi ông đâu chỉ làm người dân tốt, ông còn là người san sẽ, đồng cảm, giúp đỡ, truyền lại nhiều kinh nghiệm về công tác cán bộ, công tác Đảng cho anh em trẻ ở cơ sở.
Điều mừng hơn là tuy về nghỉ hưu trong ngôi nhà nhỏ nơi thôn cùng xóm vắng nhưng mỗi lần sang công tác ở Việt Nam hoặc hàng năm đến ngày sinh nhật ông, hay là vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam, các đồng chí, bạn bầu ở Lào vẫn bằng nhiều cách hoặc đến tận nhà, hoặc thư, điện thăm hỏi ông, xem ông như là biểu tượng, là vị sứ giả của tình hữu nghị Việt- Lào. Ông thường tâm sự: “Học tập đạo đức của Bác Hồ, cố gắng làm người học trò nhỏ của Bác, làm người đảng viên tốt, công dân tốt”.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511032

Hôm nay

231

Hôm qua

2359

Tuần này

21406

Tháng này

217905

Tháng qua

121356

Tất cả

114511032