Những góc nhìn Văn hoá

BIẾT ĐÂU ĐỊA NGỤC THIÊN ĐƯƠNG từ góc nhìn phân tâm học

Khi tiểu thuyết khép lại bằng lời phân trần của kẻ sáng tạo, rằng: “bất cứ tiểu thuyết nào, các nhân vật trong sách, những câu chuyện và tình tiết trong sách không trùng khít với ngoài đời”; nói như vậy là “để tránh những suy diễn và hiểu lầm đáng tiếc ở một số người, tôi đành phải có một đôi lời”[1].

Đấy là tín hiệu buồn trong hoạt động tiếp nhận văn học.

Nguyễn Khắc Phê chắc chắn cực chẳng đã (trong ý nghĩa chữ đành[2]) mới phải làm cái việc bất đắc dĩ trong phần Đôi lời cùng bạn đọc in nơi cuối tiểu thuyết. Nhưng lần giở lại lịch sử tiếp nhận văn học (Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung), một lịch sử tiếp nhận đầy dẫy án văn tự của lối đọc kinh nghiệm luận nhân quả xuất phát từ những diễn giải rất chủ quan bên ngoài văn bản thì mới hiểu cái thận trọng của Nguyễn Khắc Phê là cần thiết. Theo ý riêng chúng tôi, phần Đôi lời cùng bạn đọc là lời rào đón để nhà văn tránh đi cái phiền hà của một số kiểu đọc qui kết chụp mũ, hơn thế, là một “định hướng” cho lối đọc văn bản đi dần đến điểm trung thực vốn là bản chất nội tại của tác phẩm mà kiểu người đọc lí tưởng trong mỹ học tiếp nhận hướng tới. Đặc biệt, với loại tiểu thuyết mang yếu tố tự truyện như Biết đâu địa ngục thiên đường thì lại càng dễ bị lối đọc lấy những tình huống, kinh nghiệm ngoài văn bản ngộ nhận với những giá trị trong tác phẩm. Nên chung cục, một thái độ thận trọng như Đôi lời cùng bạn đọc là cần thiết, nhất là với nền tiếp nhận chỉ mới đang dịch chuyển sang hiện đại (đồng thời manh nha những yếu tố hậu hiện đại) ở nước ta hiện nay.
Ngày nay, khi nghiên cứu văn học thừa nhận tác phẩm - thế giới của chữ bên cạnh tính chất mở bao giờ cũng mang tính chất tự trị trọn vẹn. Nên chỉ có thể hiểu tác phẩm một cách chân thực nếu chúng ta trung thành với thế giới mà chữ đã tạo dựng nên, nghĩa là, phải đọc hiểu từ những tín hiệu được phát đi trong văn bản. Trong sáng tạo, lẽ dĩ nhiên, tác phẩm văn học bao giờ cũng giữ mối liên hệ chặt chẽ với hiện thực bên ngoài, nhưng đúng như Khrapchenko nhận định: “hiện thực phải là hiện thực được sáng tạo lại”, và “chân lý đơn giản là văn học cũng như bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác - đó là sự sáng tạo”[3]. Thế nên, nguyên tắc phản ánh kiểu “tấm gương” là một sự hạ thấp hiện thực và vai trò người nghệ sỹ. Hiểu thế là để trở ngược lại ý nghĩa lời “nhắc vở” cách đọc tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phê.
Có nhiều phương pháp (cách) để đi vào văn bản mà mỗi phương pháp như một lối ve vãn nhằm để chạm cho được vào những vấn đề bản chất mà văn bản cầm giữ. Và mỗi phương pháp đọc, xét đến cùng, chỉ có thể truy nhận nơi văn bản một hệ giá trị nhất định mà thôi. Biết thế rồi, giờ đây, chúng ta “mơ về” (rêver à) Biết đâu địa ngục thiên đường từ hướng mở ra của chữ.
 
Tiểu thuyết bắt đầu bằng cuộc “tìm về quê nhà xưa” (Heidegger) của nhân vật chính Tâm - đứa con đi lạc quê hương (hay nói đúng hơn “chạy trốn khỏi quê hương”) hơn ba mươi năm trời đằng đẵng. Nếu như: “hành trình là số kiếp của con người trong trần gian” như trải nghiệm triết học nhân sinh của K.Jaspers, thì, với Tâm (và xung quanh anh là Thanh, Kiên, Hưng...) cuộc đời đúng là hành trình (đi đường) mải miết trong cả thực tế và tâm tưởng tìm về quê nhà xưa. Một quê nhà nơi cõi miền sơn cước vùng Hà Tĩnh hay cõi miền mẹ thân thương nơi Tâm sinh ra để sau này, suốt trong quãng đời lưu đày còn lại sẽ là niềm an ủi, chốn yên bình hướng tới trong tâm hồn hiền lành, dễ tổn thương của Tâm.
Và nếu chỉ bởi trong hành trình khi “hiện hữu ở đời”(l’être-au-monde) con người mới va đập, mới hiện hữu sinh động trong từng trạng thái sống cụ thể, do đó, khiến cuộc sống bộc lộ ra theo đúng ý nghĩa chân thực như chính cuộc sống vốn có[4]. Nguyễn Khắc Phê đã chọn lựa môtip hành trình tìm về với mẹ (nên cũng là quê nhà) của Tâm. Nguyễn Khắc Phê đã để Tâm vấn tính cuộc đời này, quê hương này qua lời Truyện Kiều lồng trong lời của mẹ:
 
“Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu”?
 
Cuộc trở về của Tâm vì thế càng trở nên trọn vẹn hơn khi Tâm tìm về quê nhà bằng cả thể xác (dẫu tàn tạ trên một chuyến tàu), và trước đó, là một tâm hồn đã không thôi tìm trở về quê trong miền tâm tưởng, chỉ cần một chút gì gợi nhắc trong tâm trí là anh lại lên đường lần giở kỉ niệm về miền quê xưa: “Đoàn tàu vẫn mải miết gõ nhịp. Những vòng bánh quay bền bỉ như gợi nhắc con người ta hãy nhớ lại. Chỉ cần một “tín hiệu” nhỏ là những kỷ niệm này cuốn dậy những kỷ niệm khác”; “một cơn bão khốc liệt đã làm tan vỡ tất cả nhưng quê hương vẫn như một vùng đất thánh thiêng liêng, mà hễ có dịp là anh lại muốn trở về, dù chỉ trong tưởng tượng”. Và thế giới tiểu thuyết thông qua cuộc trở về ấy dần đần được triển khai, hay nói khác, trên hành trình trở về quê mẹ của Tâm, thế giới tiểu thuyết dần được tỏ bày.
 
“Ôi chao! Nhưng biết đâu là con đường sáng, đâu là ngõ cụt tối tăm mà bảo ai đi lạc!...”
 
Nếu như: “Ngôn ngữ là Mái nhà an cư của Tính thể. Trong chốn an cư này, con người cư ngụ.”[5]. Thì, ngôn ngữ ấy là nơi thế giới sự vật hiện tượng thông qua đó mà hiển lộ, hay nói đúng hơn, ngôn ngữ quyết định cho chính bản chất của sự vật thế giới (được ngôn ngữ nói tới). Hiểu thế giới tức là hiểu sự nói về thế giới. Vì thế, Thánh kinh dạy: Khởi thuỷ là lời! Nên hiển nhiên đi từ trong ngôn ngữ ra ngoài chúng ta sẽ gặp được bản chất của chính cái mà ngôn ngữ nói đến.
Freud với phương pháp liên tưởng tự do, đi từ chuỗi lời nói vô nghĩa của người bệnh tâm thần để tìm ra căn nguyên bệnh lí. Theo ông, hành vi ngôn ngữ của người bệnh không vô nghĩa mà chứa đựng nghĩa khác của hoạt động tâm lý là nghĩa vô thức. J.Lacan - thủ lĩnh trường phái Freud ở Paris, kết hợp phân tâm học với ngữ học cấu trúc của F. de Saussure đã phát hiện cách thức phân tích vô thức bên cạnh các yếu tố sinh lý học còn là yếu tố ngôn ngữ. Ngôn ngữ với tư cách là cái ý thức của hoạt động tư duy có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động vô thức, như lá mặt lá trái của một vấn đề. Do đó, đường vào ngôn ngữ cũng là đường vào vô thức. Đấy là ý nghĩa câu nói quen thuộc đã trở nên nổi tiếng của Lacan: “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”. Phát hiện của Lacan, từ đây, mở ra lối làm việc của phân tâm học văn bản hiện đại và hậu hiện đại[6].
Từ những hướng làm việc của phân tâm học văn bản, chúng ta lần giở lại đường vào Biết đâu địa ngục thiên đường. Tiểu thuyết mở ra với kết cấu dựa vào cuộc trở về quê nhà xưa của nhân vật Tâm, trong đó cuộc trở về trong nội tâm là âm chủ, còn chuyến tàu trong thực tế chỉ là thứ yếu mà thôi. Trong đó dòng nội tâm của nhân vật chính, mang đặc điểm rõ nét là gắn kết mật thiết với tâm lý hồi cố. Với Tâm chỉ có miền kí ức, một nỗi niềm hoài hương (nostalgie) dằng dặc. Trong cuộc trở về của Tâm, ông bà cụ Huy là hình ảnh của một quê hương Việt cũ mang dấu ấn phong kiến; Thanh - Kiên và Hưng là những con người của phe chiến thắng, xã hội mới - những người cộng sản, và Tâm - kẻ đi lạc, bị cho là thuộc chiến tuyến bên kia (ngoài ra còn phải nói tới Linh con gái Thanh - hình dáng của lối sống trẻ hiện đại). Như vậy, câu chuyện của đời Tâm, của gia đình Tâm trải dài suốt một thế kỷ XX đầy biến động của dân tộc Việt Nam, từ nô lệ trong xã hội phong kiến tới tự do trong xã hội chủ nghĩa, rồi cuộc tương tàn của người Việt ở hai bờ chiến tuyến Nam - Bắc trong cuộc thống nhất dân tộc với sự tham gia của người Mỹ ở miền Nam. Từ những xác tín màu hồng xây dựng xã hội chủ nghĩa đến những mảng đổ vỡ, đau thương trong cải cách ruộng đất, rồi khó khăn thời bao cấp... tất cả dần dần hiện lên. Trong đó, nổi lên bi kịch của con người bên kia chiến tuyến, con người tôn giáo - hai trong một, hội tụ lại nơi Tâm.
Trong suốt chiều dài diễn ngôn tiểu thuyết, bắt đầu từ cuộc trở về của Tâm, chữ như là một yếu tố hiển lộ tâm lí ở cả phần hữu thức và vô thức, bị “thắt” lại trong những chuỗi lời nói liên tục tái lặp. Mà phân tâm học đã chỉ ra rằng: những vết tích tái lặp đi lặp lại trong hoạt động tâm lí bao giờ cũng là dấu chỉ vào các vấn đề có tính quyết định trong toàn bộ hoạt động tâm
thần. Những dấu vết tâm lí quyết định số phận con người.
 
1. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng !”   
Là câu nói của Thánh kinh vang lên trong trí óc Tâm mỗi khi gặp phải biến cố, lầm lỗi, đau khổ khác thường ở đời. (Vết tâm lí ấy “thắt” lại từ đầu đến cuối tiểu thuyết, như ở các trang 95; 214; 226; 233; 380; 511).
Để khái quát một câu về Tâm thì đó là nhân vật bi quan vì đã đánh mất đi mối dây liên lạc với đồng bào[7]. Qua giọng kể của người trần thuật theo tác giả[8] trong tiểu thuyết thì Tâm hiện lên với tâm trạng “lại như sợ quê hương, dù tận đáy lòng anh nỗi nhớ quê nhà bỗng cồn cào cả gan ruột”. Trong linh hồn mình, Tâm mang mặc cảm của “kẻ đi lạc”, “lạc đàn” với quê hương, mặc cảm bất hiếu với cha mẹ, và hơn hết là mặc cảm của kẻ tự ti không làm nên trò trống gì. Đời Tâm không ít lần tự vấn chính mình, dằn vặt chính mình, anh là kẻ “không ít lần bỏ lỡ những hành trình”, nên anh cảm thấy mình “hèn kém” hơn người đời.
Còn với quê hương anh, thì Tâm là kẻ phản bội. Kẻ đã đi theo hàng ngũ phía bên kia. Tâm đã không đồng hành cùng dân tộc miền bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời lại ngả về phía một tôn giáo ngoại lai. Vì thế, không còn con đường nào khác, Tâm phải là kẻ phản bội. Quê hương đã kết án lưu đày cho Tâm.
Với gia đình mình, Tâm trở thành một gánh nặng. Việc Tâm bị quy kết là kẻ đi theo chế độ miền Nam cộng hoà đã khiến cha anh - cụ tiến sỹ triều Nguyễn mạt thời thanh cao thêm khốn đốn trong cải cách ruộng đất, đến nỗi khi đã chết ở trại tập trung cải tạo mà mãi hơn hai chục năm sau con cháu mới dám đánh liều đến tìm mộ. Các em Tâm như Thanh, Hưng thì vì lí lịch người anh mập mờ ấy mà đã làm cản trở con đường thăng tiến, cản trở quá trình đến với Đảng.
Còn với chính đời Tâm, thái độ lưỡng lự trước ngã ba ngã bảy cuộc đời của anh đã khiến Tâm trở thành người thừa ở đời: “Một phần tư thế kỷ đã qua! Anh trở về, đầu đã hai thứ tóc, vẫn chỉ một con số không tròn trịa. Không vợ, không con, không nhà, không tài sản”. Thể xác, hình hài anh như một tấm giẻ nhàu nát đi lại giữa đời. Linh hồn anh đầy mặc cảm, khi nào cũng lo sợ khép nép như con chim đã một lần trúng đạn nên khiếp hãi cành cong.
Chúng ta không thể lí giải cuộc đời Tâm bằng bất kỳ một tâm lí học nào hết. Mọi tâm lí học xét đến cùng vừa mở ra đồng thời lại khép lại chính vấn đề con người. Bởi, tâm lí học thì đến sau con người, nó thuyết minh về con người chứ không phải là chính con người. Tâm lí học đóng kín lại trong các phạm trù khô cứng còn con người thì sống động, vượt ra khỏi mọi phạm trù. Không thể nào, một cách cơ giới và chính trị hoá vấn đề để kết luận rằng do Tâm đã đi nhầm đường, đã không “giác ngộ” đi theo đường lối của Đảng. Chúng ta biết rằng, khoa tính tình học đã chỉ ra mỗi kiểu thức người khác nhau thì đẫn đưa đến một số phận khác nhau. “Nào ai có thể gánh đỡ được số phận cho ai!...” Trường hợp Tâm (và cha anh là cụ Huy) - kiểu người trí thức sớm cảm thấy “kiếp nhân sinh hiện hữu một cách mong manh và đầy ngẫu nhiên”, “... sớm có linh cảm về sự mong manh của mọi điều nơi trần thế”. Đồng thời, lại sẵn lòng nhân hậu một cách “thái quá” so với quan niệm phổ thông của người đời (như chi tiết không muốn tự tay cắt tiết gà, hay lờ cho qua hành vi ăn cắp của người hàng xóm vì túng quá làm càn...). Một kiểu người trí thức thụ động, sớm thức nhận ra mọi giá trị ở đời đều có tính tương đối: “biết đâu địa ngục thiên đường là đâu?” Nên thường chần chừ, không dám tự quyết, nhiều khi trở thành hèn nhát; hèn nhát vì chính lòng nhân hậu, hiền từ và mong manh quá đỗi khi sống trong đời.
Và kết cục là trong tình huống nào, ở địa vị nào Tâm cũng là kẻ sai, kẻ có tội. Cái sai, cái tội được quan niệm như cái không cùng giá trị với cái đánh giá, kết tội. Phe xã hội chủ nghĩa thì nghi ngờ Tâm là kẻ thuộc hàng ngũ miền Nam cộng hoà, phái miền Nam cộng hoà thì ngờ rằng anh là người cộng sản. Tất cả chung qui lại chỉ là vì Tâm đã không chọn con đường A hoặc B, mà con đường C anh đi thì đời không cho tồn tại. Và cái gì không được phép tồn tại thì phải loại trừ. Tâm là một thừa thãi ở đời.
Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng !” Đó là mặc cảm, hay đúng hơn là thái độ sống kham nhẫn, bao dung tôn giáo mà Tâm tìm thấy để tồn tại ở đời.
 
2. “Cuộc đời đâu phải một bài toán đơn giản, tại sao lại cứ buộc phải trả lời “đúng” hay “sai”? Không A thì ắt phải B, mà không thể là C...”
Lời người trần thuật theo tác giả trong tiểu thuyết (lặp lại các trang 13; 250; 384; 531).
Nếu cuộc đời là một bài toán đố không đơn giản thì câu trả lời chắc chắn chẳng dễ dàng. Nhưng con người cứ thích nhân danh một cái gì đó như là ý hệ, đảng phái, tôn giáo... một cách hẹp hòi để đánh giá, xếp đặt lại thế giới mà về bản chất có lợi nhất cho kẻ phát ngôn. Để đạt được điều đó, tất yếu phải loại trừ những kẻ khác mình trong quan niệm về giá trị nhằm bảo lưu thế độc tôn nhìn nhận, đánh giá về thế giới. Đó là cái nhìn của lòng ích kỷ, của độc tài. Cái nhìn theo nguyên tắc loại trừ cổ điển: A là A hoặc phi A. Đã là người, tất yếu không thể bác bỏ vai trò xã hội. Nghĩa là không thể chối từ thế thuộc về những hệ giá trị cụ thể như chủng tộc, truyền thống, ý hệ, tôn giáo... Nhưng một quan niệm nhân bản về con người thì lập tức thừa nhận tồn tại nơi xã hội con người là một đa trị về thế thuộc về. Vì thế, vấn đề không đơn giản là đúng sai một cách cứng nhắc mà vấn đề là tôn trọng sự khác biệt để chung sống hoà bình với nhau. Cái phi nhân do vậy không phải là cái khác mình, cái phi nhân ấy là cái chà đạp lên phẩm giá và hạnh phúc con người.
Ngày hôm nay, khi thế giới là một “bất định” như cách nói của Heisenberg, nên chỉ cần thay đổi vai trò chủ thể và tư thế nhìn về thế giới thì chúng ta sẽ thấy A vừa là A vừa là phi A[9]. Nhưng từ hành vi nhận thức đến việc thực thi nhận thức ấy trong thế giới là cả một khoảng cách không nhỏ. Và trên những gián đoạn của “tri hành” lí ra phải “hợp nhất” ấy vẫn có vô số những cuộc đời như của Tâm, của cụ Huy... những cuộc đời bị đày đoạ đơn giản chỉ vì nhìn thế giới từ một hướng khác. Từ đấy, mở ra từ tiểu thuyết ý nghĩa sống còn: vấn đề phải - trái không quan trọng vấn đề là chỗ đứng - cách nhìn.
Hiểu chân lí rồi thì thì hiểu được bản thể của lòng khoan dung (tolerance) Việt tính, của minh triết kiểu tái ông thất mã Đông phương, và tinh thần tri giác về thế giới chống lại tính cực đoan trong mật nghĩa Truyện kiều: “Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu?”
 
“Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu?”
Một thái độ về nhân sinh mở ra qua lời dân tộc[10] Truyện kiều lồng trong lời của mẹ. Mẹ hiện lên trong Tâm như là “... sức mạnh vĩnh cữu của lòng nhân ái và lòng chung thuỷ. Đó cũng là cốt cách, là linh hồn quê hương...” Mẹ đó là yếu tính của quê hương (kiến tạo nên nền văn hoá mẫu tính).
Trở về với mẹ là trở về với quê hương.
Xoay quanh cơn hôn mê của bà cụ Huy, những đứa con Tâm, Hưng, Thanh có những giờ phút kiểm thảo lại chính mình, chính quá khứ của mình, đối diện với con người cá nhân mà lâu nay bị cái xã hội bên ngoài chi phối, lôi kéo đi. Tâm trở về là để “thú tội” với mẹ. Hưng và Thanh thì bên giường bệnh của mẹ đã nhìn về quá khứ trong tinh thần đối thoại sòng phẳng với chính mình, với những tội lỗi đã gây ra đối với mẹ, rồi những niềm xác tín lí tưởng cộng sản, cái còn lại theo gian, cái thì đã đổ vỡ... Đối diện với mẹ - có thể là lần cuối cùng mẹ còn sống - những đứa con được trở về với bản thể của mình đối mặt với lầm lỗi, ăn năn sám hối với mẹ. Hành động ấy như một liệu pháp thanh tẩy tâm hồn để con người trở nên cao thượng hơn. Đồng thời, với những đứa con, sám hối trước mẹ là để xứng đáng làm con của mẹ trong nguyên nghĩa.
Và trong bước đường đời nhiều ngã rẽ, lắm thăng trầm, mỗi khi phải đối diện với những khó khăn, những chọn lựa không dễ dàng, trong trí óc các đứa con vong thân lại vang lên lời của mẹ: “Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu?[11] Một thái độ sống, hay một truy vấn về giá trị đời sống không dễ trả lời theo kiểu quyết định luận đúng sai. (Nút thắt tâm lý quan trọng nhất của chữ trong tiểu thuyết, tái lặp lại nơi các trang: tên tiểu thuyết; lời đề từ tiểu thuyết; 172; 173; 174; 186; 255; 373; 380; 426; 565; 566; 632; 633).
Hành trình đời Tâm, một hành trình tha hương[12], lạc quê hương, lạc mẹ, một hành trình đầy đau khổ cũng là để trả lời cho câu hỏi Biết đâu địa ngục thiên đường? Mãi cho đến khi trở về nhà trong hình hài nhàu nhĩ của một ông già, câu hỏi ấy vẫn treo lơ lửng trên thân phận làm người của Tâm. Tiểu thuyết khép lại bằng việc tái lặp lại vấn tính nguyên khởi, câu hỏi ban sơ của mẹ, và để mở. Sẽ chẳng thể nào có được câu trả lời bởi địa ngục của kẻ này có khi lại là thiên đường của kẻ khác, địa ngục trong lúc này có khi lại là thiên đường trong lúc khác. Nên đúng như lời Tâm nói: “Thiên đường mà áp đặt thì không khác gì địa ngục!” Hạnh phúc vì thế không bao giờ có thứ hạnh phúc phổ quát mà chỉ có hạnh phúc gắn liền với từng cá thể. Nhưng than ôi, cuộc đời không chấp nhận những chân lí hiển nhiên, cuộc đời thường chỉ chấp nhận những chân lí bị áp đặt (và vì thế nó không còn là chân lí). Thế nên, đời còn bày ra đó nhiều bi kịch. Trường hợp của Tâm trong dấn thân lựa chọn tôn giáo là một minh chứng sống động. Tâm ý thức rất rõ (ý thức của một trí thức uyên bác) về tôn giáo ngoại lai như Kitô vốn không phải là tôn giáo của dân tộc. Phật giáo mới chính là tôn giáo gắn liền với vận mệnh dân tộc này. Tâm cũng rất cảm tình với Phật giáo, thấy phần cao siêu của đạo Phật. Gia đình Tâm vốn cũng chẳng có truyền thống tôn thờ Chúa. Có thể nói, Với Kitô giáo, Tâm không có một mối ràng buộc nào hết. Mối quan hệ của Tâm với Kitô giáo là một truyền thống trắng. Nhưng chọn theo Kitô với Tâm, không vì bất cứ một lí do, một động cơ nào hết, chỉ đơn giản là niềm tin. Tâm trọn tin theo Đức Kitô. Mà nếu là niềm tin thì không thể lí giải bởi niềm tin là một mặc khải. Tin chỉ đơn giản vì tin.
Người trần thuật tiểu thuyết lấy câu thơ “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” (Xuân Diệu) để cắt nghĩa những phạm trù siêu hình thuộc về giá trị tinh thần thì không thể minh định - như thể đức tin. Chúng tôi, đến đây chợt nhớ đến câu thơ của Verlaine: “Mưa rơi không lí do” (Il pleut sans raison). Hay ý thơ mà Heidegger rất thích trích dẫn trong tác phẩm của ông: “Hoa hồng nở bởi vì hoa hồng nở”. Ở Việt Nam, thi sỹ Trần Dần cũng viết rất hay: “Họ cứ vu oan cho mặt trời ngủ”.
Nhưng đời không là thơ, nên tình yêu phải được cắt nghĩa, mưa rơi phải có lí do, hoa hồng nở phải có căn nguyên và người ta vẫn cứ vu oan cho giấc ngủ mặt trời! Người đời đã “đảo lộn” chân lý, đem ra minh định đúng sai cả những điều mà từ bản thể vốn không thể minh định, để rồi từ đấy, kết án lưu đày cho những giá trị vốn không thể định giá như tình yêu, đức tin, cái đẹp cơn mưa hay vẻ lỗng lẫy hoa hồng... Bi kịch của Tâm, vì thế là bi kịch của con người vì niềm tin vốn thuộc về con người.
 
Nhưng “Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu?” để mà đày đoạ con người...
 
Ngày hôm nay, khi lòng khoan dung được thực thi cho mọi tín ngưỡng được chấp nhận trên quê hương của Tâm là một linh thị của mẹ. Tiểu thuyết như tham vọng của chính nó đặt ra: viết về cái có tầm nhân loại, và cũng chính tiểu thuyết mở ra cái đề tài ấy, đó là: “Một chế độ làm hàng chục triệu con người trở nên “khác người”, gần như biến dạng đi, là vấn đề có tầm nhân loại đấy! Khi con người mất hết quyền tự chủ, không có sáng kiến, chẳng cần nghĩ ngợi gì nữa thì sớm muộn xã hội cũng sẽ lâm vào khủng hoảng”. Nên ngay sau khi đổi mới (1986), xã hội đã dần dịch chuyển về những hướng tích cực. Một xã hội, khi đã chấp nhận nhìn thẳng vào cái bề trái của mình như những phơi bày nơi tiểu thuyết, đó là một xã hội đã có ý thức kiểm thảo lại chính mình. Mà hành vi kiểm thảo là bước đầu tiên cho hành vi vươn vượt lên chính nó trong tầm cao mới. Trong quá trình vươn lên ấy, lời của mẹ quê hương về một thái độ khoan dung là một minh triết trong hành xử:
Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu?”...
 


[1] Đôi lời cùng bạn đọc, in cuối tiểu thuyết Nguyên Khắc Phê (2010), Biết đâu địa ngục thiên đường, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. Từ đây, mọi trích đoạn trong ngoặc kép không dẫn xuất xứ đều nằm trong tiểu thuyết.
[2] Trong tiếng Việt động từ “đành” nhằm chỉ tình huống “chịu một cách bất đắc dĩ” [Viện ngôn ngữ học Việt Nam (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb Thanh Niên, Tp Hồ Chí Minh], kiểu như “thôi đành lỡ bước sang ngang”.
[3] M.B.Khrapchenko (Nhiều nguời dịch) (2002), Những vấn đề lí luận và phương pháp nghiên cứu văn học, Nxb Đại học QGHN, tr 216-218.
[4] Chính vì thế, tư duy tiểu thuyết hiện đại và kéo dài cho đến tận hậu hiện đại rất phổ biến kiểu nhân vật hành trình, đi đường. Nếu như Heidegger để hiểu bản chất của ngôn ngữ ông thực hiện Trên đường đến với ngôn ngữ. Kafka, Cao Hành Kiện để hiểu bản chất cuộc sống đã để cho nhân vật của mình hành trình; một hành trình quanh Lâu đài của Kafka, hay một hành trình bất tận về Linh sơn,những hành trình không quan trọng đích đến mà quan trọng đã đi đường, vì chỉ có đi đường thì bản chất thế giới mới hiển lộ. Một quan niệm sáng tạo tiểu thuyết đậm sắc màu hiện tượng học [Chúng tôi viết dựa vào ý PGS.TS Trương Đăng Dung trong bài giảng cho lớp cao học Lí luận văn học (niên khoá 2008 – 2010) ở Đại học Khoa học Huế].
[5] Martin Heidegger (Trần Xuân Kiêm dịch), Thư về nhân bản chủ nghĩa trong Nhiều người dịch (2004), Tác phẩm triết học, Nxb ĐH Sư phạm, Hà Nội, tr 101 - 102.
[6]Nhìn từ sử tính phân tâm học văn học, nỗ lực vượt qua phân tâm học tiểu sử Freud để đưa phân tâm học đi vào văn bản bên cạnh J. Lacan còn phải kể đến G. Bachelard và J.P.Sartre.
G. Bachelard, người coi mỗi tác phẩm văn học là một hoạt động ý hướng tính trọn vẹn trong hành vi “mơ về” (rêver à) thế giới vật chất. Nên, mỗi một tác phẩm là một cấu trúc hoàn chỉnh, từ đó, có thể hiểu về tác phẩm từ ngay chính bản thân tác phẩm mà không cần phải viện dẫn bất cứ một yếu tố bên ngoài nào. Còn với J.P.Sartre, con người bên cạnh tư cách là một sinh thể xã hội còn là một sinh thể tự do, tự nó đảm nhiệm lấy đời nó như ý nghĩa hai từ hiện sinh. Vì thế, tác phẩm văn học bên cạnh việc giải thích xung quanh mối quan hệ với hoàn cảnh (kiểu Mác-xít), còn phải lí giải như một hành vi hiện sinh trọn vẹn của nhà văn. Do đó, xuất phát từ chính ngay các yếu tố hình thức để hiểu quan niệm sống, cách thế hiện hữu ở đời của nhà văn mà không cần bất kì yếu tố lí giải nào đến từ bên ngoài.
Cả Bachelard và Sartre đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương pháp hiện tượng học trong quan niệm triết học về chủ thể và phạm trù ý hướng tính nổi tiếng.
[7] Trường hợp tâm lí của Tâm, theo lý thuyết của nhà phân tâm học Alfred Adler là một phổ quát. Adler cho rằng những người giữ được mối dây liên lạc với xã hội, đồng bào thì lạc quan (hay có xu hướng lạc quan) và ngược lại, khi đánh mất đi mối dây liên lạc với cộng động thường là người bi quan. Xem Alfred Adler (Vũ Đình Lưu dịch) (1968), Tìm hiểu nhân tính, Hoàng Đông Phương xb, SG, tr27
[8] Người trần thuật theo tác giả (authorial narrative) mang đặc điểm: Được kể bởi người kể chuyện vắng mặt trong câu chuyện, kể về câu chuyện liên quan đến người khác, nên không xuất hiện như một nhân vật trong chuyện. Thường xuất hiện từ một điểm nhìn bên ngoài có tính toàn tri về câu chuyện, từ đó tiến hành bình xét những giá trị. Xem Manfred Jahn (Nguyễn Thị Như Trang dịch), Trần thuật học - Nhập môn lí thuyết trần thuật, nguồn: http// www.uni - koein
[9] Vật lý lượng tử Heisenberg xác định nguyên lý hạt vừa là sóng vừa là hạt tuỳ vào mục đích, ý muốn của chủ thể thí nghiệm (nguyên lý bất định). Mô hình vật lý lượng tử đã vượt qua (nhưng không có nghĩa loại trừ, mà vẫn thừa nhận) quan niệm giản đơn của vật lý cổ điển với quan niệm hạt chỉ có thể là hạt hoặc sóng (do đó nó chỉ đúng trong một trường hợp cụ thể).
Thế nhìn của vật lí hiện đại cho thấy một cấu trúc cơ bản (hạt) không cố định mà là bất định. Từ đấy, cho phép di động hệ nghĩa (bằng cách di động thế nhìn ngắm để tạo sinh nghĩa) trên cùng một cấu trúc để mở ra các cách tiếp cận thế giới. Xem Werner Heisenberg (Phạm Văn Thiều và Trần Quốc Tuý dịch) (2009), Vật lý và triết học, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
[10] Chúng tôi nhớ đến câu nói của nổi tiếng cụ Phạm Quỳnh mà người Việt không xa lạ gì: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
[11] Đọc từ liên văn bản Truyện Kiều: Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu? là câu thơ thứ 1774 (bản Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim). Câu thơ diễn tả cảm trạng nhân sinh trớ trêu, cay đắng, dở khóc, dở cười của Thuý Kiều khi rơi vào cái bẫy của Hoạn Thư; Kiều chịu ơn ngay chính kẻ đang tâm đày đoạ mình.
[12] Chúng tôi nhớ đến lời Jung nói: tha hương là cay đắng.
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513074

Hôm nay

2175

Hôm qua

2436

Tuần này

21011

Tháng này

219947

Tháng qua

121356

Tất cả

114513074