Những góc nhìn Văn hoá

Văn hóa của tự do

Những sự công kích mạnh mẽ nhất chống toàn cầu hóa thường là không liên quan đến kinh tế. Thay vào đó, chúng lại là từ xã hội, đạo đức, và trên hết là văn hóa. Những lập luận chống đối này nổi lên trong các cuộc biểu tình ở Seattle năm 1999 và vang vọng mới đây nhất tới Davos, Bangkok và Prague. Những người chống đối nói:

Sự biến mất của các biên giới quốc gia và sự thiết lập một thế giới nối liền với nhau thông qua các thị trường sẽ giáng một đòn chí tử đến các nền văn hóa khu vực và quốc gia và đến các truyền thống, phong tục, huyền thoại, tập quán, là những cái quyết định bản sắc văn hóa của từng khu vực và từng nước. Do phần đông thế giới không có khả năng kháng cự sự xâm lăng của các sản phẩm văn hóa đến từ những nước phát triển – hoặc, cụ thể hơn, đến từ siêu cường là Mỹ - mà các tập đoàn xuyên quốc gia lớn sẽ kéo theo, nên văn hóa Bắc Mỹ rốt cục sẽ áp đặt chính nó, sẽ lấy nó làm tiêu chuẩn cho cả thế giới và tiêu diệt thảm đa dạng văn hóa phong phú của các nơi khác. Theo cách này, toàn thể các dân tộc, chứ không riêng gì những dân tộc nhỏ và yếu, sẽ bị mất đi bản sắc của họ, linh hồn của họ, và bước sang thế kỷ 21 sẽ trở thành các thuộc địa – những kẻ nửa sống nửa chết hay những hình thù biếm họa dập khuôn theo các chuẩn mực văn hóa của một thứ chủ nghĩa đế quốc mới, nó thêm vào sự thống trị hành tinh bằng vốn, bằng sức mạnh quân sự, bằng tri thức khoa học từ trước, thì nay lại bắt kẻ khác phải nói theo ngôn ngữ của mình, phải tư duy, tín ngưỡng, vui mừng, mơ mộng theo kiểu của mình.
Cơn ác mộng này, hay cơn không tưởng tiêu cực về một thế giới do toàn cầu hóa mà bị mất đi sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa và phải chịu khuôn theo văn hóa Mỹ, không phải là lĩnh vực riêng cho các nhà chính trị cánh tả luyến tiếc Marx, Mao, hay Che Guevara. Cơn mê sảng bị bức hại này – một thái độ thù ghét, căm hận đối với gã khổng lồ Bắc Mỹ - cũng thấy có cả ở các nước phát triển và các quốc gia có nền văn hóa cao, và nó được chia sẻ giữa các phe nhóm chính trị cánh tả, cánh trung và cánh hữu.
Trường hợp khét tiếng nhất là ở Pháp, nơi ta thường thấy chính quyền phát động những chiến dịch nhằm bảo vệ “bản sắc văn hóa” Pháp bị coi là đang bị quá trình toàn cầu hóa đe dọa. Cả một đội ngũ đông đảo các nhà trí thức và nhà chính trị đã hoảng hốt trước khả năng mảnh đất từng sinh ra Montaigne, Descartes, Racine và Baudelaire, một đất nước lâu nay vốn là thủ đô của mọi mốt thời trang, tư tưởng, nghệ thuật, ẩm thực và các lĩnh vực tinh thần khác, có thể bị xâm lăng bởi đồ ăn McDonald, bánh Pizza Hut, thịt gà nướng KFC, các loại nhạc rock, rap, các bộ phim Hollywood, các kiểu quần jean, áo phông, giày thể thao. Nỗi sợ này khiến cho nước Pháp phải trợ cấp cho ngành điện ảnh nội địa và yêu cầu các rạp chiếu phim phải chiếu một số lượng nhất định phim nội, đồng thời hạn chế việc nhập phim Mỹ. Nỗi sợ này cũng là lý do khiến chính quyền các thành phố phải ra những quy định nghiêm khắc phạt nặng những quảng cáo nào chen tiếng Anh làm hỏng thứ tiếng của Molière. (Mặc dù, dưới con mắt khách bộ hành trên những đường phố Paris thì các quy định đó không đáng quan tâm). Đây là lý do vì sao José Bové, một chủ trại kiêm một thập tự chinh chống lại loại thức ăn chấy rận lại đã trở thành một nhân vật không kém nổi tiếng ở Pháp. Và với bản án ba tháng tù gần đây dành cho ông ta thì danh tiếng ông ta càng như tăng lên.
Ngay dù tôi có tin lập luận văn hóa chống lại toàn cầu hóa này là không thể chấp nhận được thì ta vẫn phải thừa nhận rằng ở sâu bên trong nó có một sự thật không thể bác bỏ. Thế kỷ này, cái thế giới chúng ta sẽ sống, sẽ ít đẹp đẽ và ít thấm sắc mầu địa phương hơn cái thế kỷ ta vừa bỏ lại phía sau. Các festival, các đồ trang điểm, các phong tục, các nghi lễ, các thờ cúng và các đức tin mà trong quá khứ từng đưa lại cho nhân loại sự đa dạng văn hóa dân gian và tính chất tộc người thì dần dần sẽ biến mất hoặc phải thu lại ở các khu vực thiểu số, trong khi các xã hội bỏ rơi chúng và chấp nhận những cái khác phù hợp hơn với hiện thực thời ta sống. Tất cả các nước trên trái đất đều kinh qua quá trình này, nhanh hay chậm, nhưng đấy không phải là do toàn cầu hóa. Đúng hơn, đấy là do hiện đại hóa mà toàn cầu hóa là kết quả, không phải nguyên nhân. Chắc chắn có thể than vãn là quá trình này đã diễn ra, và cảm thấy luyến tiếc cho sự mai một của lối sống ngày xưa, nhất là nếu nhìn từ cuộc sống tiện nghi hôm nay, đầy sự vui thú, độc đáo và màu sắc. Nhưng quá trình này là không tránh khỏi. Các chế độ toàn trị ở các nước như Cu Ba hay Bắc Hàn, sợ mọi sự mở cửa sẽ phá hủy họ, nên đã tự đóng cửa và ban ra đủ loại lệnh cấm và kiểm duyệt chống lại hiện đại. Nhưng ngay làm thế thì họ vẫn không thể nào ngăn trở được sự thẩm thấu từ từ của thời hiện đại và sự xói mòn dần dần cái gọi là bản sắc văn hóa của họ. Về lý thuyết, có lẽ một nước sẽ giữ được bản sắc này, nhưng chỉ nếu là – giống như một số bộ tộc vùng cao ở châu Phi hay vùng Amazon – họ sống hoàn toàn biệt lập, cắt đứt mọi trao đổi với các nước khác và thực hiện chế độ tự cung tự cấp. Một bản sắc văn hóa được giữ theo kiểu này sẽ kéo xã hội đó về các tiêu chuẩn sống thời tiền sử.
Đúng là hiện đại hóa làm cho nhiều hình thức của đời sống truyền thống biến mất. Nhưng đồng thời nó cũng mở ra nhiều cơ hội và tạo nên một bước tiến quan trọng cho toàn thể xã hội. Vì vậy, khi có cơ hội lựa chọn tự do thì mọi người, đôi khi là đi ngược lại ý muốn của các nhà cầm quyền hay các nhà trí thức dân tộc chủ nghĩa, liền chọn hiện đại hóa không một chút nhập nhằng.
Những luận điệu chống lại toàn cầu hóa và bênh vực bản sắc văn hóa cho thấy một quan niệm tĩnh về văn hóa không có cơ sở lịch sử. Thử hỏi những nền văn hóa nào giữ mãi được bản sắc và bất biến qua thời gian? Để tìm thấy chúng, ta phải lần về những cộng đồng nhỏ, mang tính ma thuật-tôn giáo nguyên thủy sống trong các hang động, thờ thần sấm và thú vật, và do còn nguyên thủy nên rất sợ hãi trước sự khai thác và hủy diệt. Tất cả các nền văn hóa khác, nhất là những nền văn hóa đã đạt tới mức có quyền gọi là hiện đại và còn sống, thì đã tiến hóa tới điểm họ hiện nay chỉ là ánh phản chiếu mờ nhạt của cái họ đã là cách chỉ mới hai hay ba thế hệ trước. Sự tiến hóa này dễ thấy ở các nước như Pháp, Tây Ban Nha hay Anh, nơi những thay đổi trong vòng nửa thế kỷ qua diễn ra ngoạn mục và sâu sắc đến mức một Marcel Proust, một Federico García Lorca, hay một Virginia Woolf hiện nay sẽ rất khó nhận ra những xã hội trong đó họ đã sinh ra – những xã hội mà các tác phẩm của họ đã đóng góp rất nhiều để đổi mới.
Khái niệm “bản sắc văn hóa” là nguy hiểm. Xét từ quan điểm xã hội, nó chỉ biểu hiện một quan niệm đáng ngờ, giả tạo, nhưng từ góc nhìn chính trị nó đe dọa một thành tựu quý giá nhất của loài người: tự do. Tôi không phủ nhận rằng mọi người nói cùng một thứ tiếng là sinh và sống cùng trên một lãnh thổ, đối mặt với cùng những vấn đề, thực hành cùng một số tôn giáo, phong tục, và có những đặc điểm chung. Nhưng cái mẫu số tập thể đó không bao giờ có thể xác định đầy đủ mỗi người trong số họ, nó chỉ thủ tiêu hoặc đẩy xuống hàng hai khinh miệt tổng số các thuộc tính và đặc điểm duy nhất là cái khiến một thành viên này của nhóm khác với các thành viên còn lại. Quan niệm về bản sắc, khi không được dùng theo thang bậc riêng cá nhân, vốn đã có tính giản hóa và vô nhân, là một sự trừu tượng hóa mang tính tập thể và ý thức hệ của tất cả những cái độc đáo và sáng tạo trong thực thể người, của tất cả những cái không thể được áp đặt từ thừa kế, địa lý, hay áp lực xã hội. Đúng ra, bản sắc thực sự là phải nảy ra từ năng lực của con người kháng cự lại các ảnh hưởng đó và đi ngược lại chúng để được tự do hành động theo ý riêng mình.
Khái niệm “bản sắc tập thể” là một sự bịa đặt của ý thức hệ và là nền móng của chủ nghĩa quốc gia. Đối với nhiều nhà dân tộc học và nhân loại học, bản sắc tập thể là không có thật ngay cả ở những cộng đồng cổ xưa nhất. Những thói quen và phong tục chung là quan trọng cho việc bảo vệ nhóm, nhưng năng lực và sáng tạo ngoài lề của các thành viên để giải phóng chính họ ra khỏi nhóm thì lúc nào cũng lớn, và những sự khác biệt cá nhân vượt hơn những đặc điểm tập thể khi cá nhân được xem xét theo những điều khoản riêng của họ, chứ không phải chỉ như những yếu tố ngoại vi của tập thể. Toàn cầu hóa đã mở ra một cách căn bản cho các công dân của hành tinh này khả năng kiến tạo lấy bản sắc văn hóa riêng của họ thông qua hành động tự nguyện, tuân theo những sở thích và những lý do thầm kín của họ. Ngày nay, các công dân không còn luôn bị bắt buộc, như trong quá khứ và ở nhiều nơi hiện nay, phải tôn trọng cái bản sắc đã đánh bẫy họ vào trại tập trung không có lối ra – cái bản sắc bị áp lên họ thông qua ngôn ngữ, dân tộc, nhà thờ và phong tục nơi họ sinh ra. Theo nghĩa này, toàn cầu hòa cần phải được hoan nghênh vì nó đã mở rộng đáng kể chân trời của tự do cá nhân.
 
Hai lịch sử của một lục địa
 
Có lẽ Mỹ Latin là thí dụ tốt nhất về sự giả tạo và phi lý trong việc cố tìm cách tạo ra những bản sắc tập thể. Bản sắc văn hóa của Mỹ Latin có thể là gì? Những gì có thể được đưa vào bộ sưu tập cố kết những tín ngưỡng, phong tục, truyền thống, thói quen và huyền thoại đã đưa lại cho vùng này một tính cách riêng biệt, duy nhất và không thể chuyển dời được? Lịch sử chúng ta đã được tôi rèn trong các cuộc tranh luận tư tưởng – một số cuộc gay gắt, bạo liệt – để tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Cuộc nổi tiếng nhất là vào đầu thế kỷ 20, đẩy những người Hispan (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) chống lại những người bản xứ và lan rộng ra khắp lục địa.
Đối với những người Hispan như José de la Riva Agüero, Victor Andrés Belaúnde và Francisco García Caldern thì Mỹ Latin sinh ra khi nhờ Khám Phá và Chinh Phục, nó gắn với các thứ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và chấp nhận đạo Thiên Chúa đến tạo thành một bộ phận của nền văn minh phương Tây. Các nhà Hispan không coi nhẹ các nền văn hóa tiền Hispan, nhưng xem đó là cái tạo nên một lớp – không phải lớp đầu tiên – của hiện thực lịch sử và xã hội chỉ để bổ sung bản chất và tính cách của nó nhờ ảnh hưởng sống động của phương Tây.
Mặt khác, các nhà bản xứ đã vứt bỏ với đầy phẫn nộ đạo đức những lợi ích được viện ra cho là người Âu mang đến cho Mỹ Latin. Đối với họ, bản sắc của chúng ta có cội nguồn và linh hồn ở trong các nền văn hóa và văn minh tiền Hispan, mà sự phát triển và hiện đại hóa của nó đã bị kìm hãm một cách thô bạo bởi bạo lực, và bị kiểm duyệt, bị đàn áp, bị đặt ra bên lề không chỉ trong ba thế kỷ thuộc địa mà còn cả về sau này, khi chủ nghĩa cộng hòa đến. Theo các nhà tư tưởng bản xứ, “diễn ngôn Mỹ” (dùng theo tên sách của José Lezama Lima) đích thực là nằm trong tất cả mọi biểu hiện văn hóa – từ tiếng mẹ đẻ đến tín ngưỡng, lễ nghi, nghệ thuật, tục lễ dân gian – chống lại sự áp bức văn hóa của Mỹ và kéo dài tới ngày nay. Một nhà sử học nổi tiếng của xu hướng này, ông Luis E. Valcárcel (Peru), thậm chí còn khẳng định rằng các nhà thờ, tu viện và những công trình kiến trúc khác thời thuộc địa phải bị đốt đi vì chúng thể hiện tinh thần “chống Peru”. Chúng là đồ mạo danh, là sự phủ nhận bản sắc Mỹ tinh khôi với cội nguồn thuần bản địa. Và một trong những nhà tiểu thuyết độc đáo nhất Mỹ Latin, José María Arguedas đã kể lại, bằng những câu truyện mang tính phản kháng đạo đức tinh tế và mạnh mẽ, thiên anh hùng ca về sự sống sót của nền văn hóa Quechua trong thế giới Andean, bất chấp sự hiện diện ngột ngạt và méo mó của phương Tây.
Cả phái Hispan và phái bản xứ đều tung ra nhiều bài luận lịch sử sắc bén và nhiều tác phẩm hư cấu hay, nhưng đứng từ ngày hôm nay của chúng ta mà nhìn thì cả hai thuyết đều có tính bè phái, giản hóa và giả dối như nhau. Không một thuyết nào đủ khả năng nhốt được sự đa dạng rộng lớn của Mỹ Latin vào cái áo bó tư tưởng của mình, và cả hai đều thoảng mùi phân biệt chủng tộc. Ngày nay ai có thể dám tuyên bố chỉ cái gì là “Hispan” hay “Indian” mới thể hiện hợp thức Mỹ Latin? Tuy nhiên, những nỗ lực rèn giũa và biệt lập “bản sắc văn hóa” riêng biệt của chúng ta vẫn tiếp tục đến nay với nhiệt huyết chính trị và tinh thần xứng với sự nghiệp đó. Tìm cách áp đặt bản sắc văn hóa lên mọi người cũng ngang nhốt họ vào nhà tù và tước đi của họ thứ tự do quý nhất trong các thứ tự do – tự do lựa chọn cái họ muốn có, cách họ muốn làm, người họ muốn trở thành. Mỹ Latin có không chỉ một mà nhiều bản sắc văn hóa; không một bản sắc nào trong đó có thể tuyên bố là hợp thức hay thuần túy hơn cái khác. Tất nhiên, Mỹ Latin là hiện thân của thế giới tiền Hispan và các nền văn hóa của nó mà ở Mexico, Guatemala và các nước vùng Andean vẫn còn có rất nhiều sức mạnh xã hội. Nhưng Mỹ Latin còn là một khối lớn những người nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với truyền thống năm thế kỷ sau lưng họ, mà sự hiện diện và hành động của họ vẫn có tính quyết định đưa lại những đặc điểm hiện nay cho châu lục. Và chẳng lẽ Mỹ Latin không có chút gì của châu Phi mà những cư dân đã cập cảng chúng ta cùng với người Âu? Không có sự hiện diện không thể xóa nổi của châu Phi trên màu da chúng ta, âm nhạc chúng ta, khí chất chúng ta, xã hội chúng ta? Những thành phần văn hóa, tộc người và xã hội tạo nên Mỹ Latin nối chúng ta với hầu hết các vùng miền và các nền văn hóa trên thế giới. Chúng ta có nhiều bản sắc văn hóa đến nỗi không có một bản sắc nào cả. Thực tế này, trái với những gì mà các nhà quốc gia chủ nghĩa tin tưởng, là kho báu lớn nhất của chúng ta. Đây cũng là phẩm chất tuyệt vời cho phép ta cảm thấy mình có đủ tư cách công dân của thế giới toàn cầu hóa hiện nay.
 
Tiếng nói địa phương, tầm vươn thế giới
 
Nỗi sợ hành tinh bị Mỹ hóa là cơn hoang tưởng tinh thần hơn là thực tế. Hẳn nhiên, không nghi ngờ gì rằng, cùng với toàn cầu hóa tiếng Anh đang trở nên ngôn ngữ chung của thời nay, như tiếng Latin thời Trung đại. Và việc này còn tiếp tục đi tới, vì nó là công cụ tuyệt đối cần thiết cho việc buôn bán và giao lưu quốc tế. Nhưng phải chăng thế nghĩa là tiếng Anh cần thiết phải phát triển bằng sự trả giá của các ngôn ngữ lớn khác? Hoàn toàn không. Thực tế, ngược lại mới đúng. Sự biến mất của các biên giới và một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau đã khích lệ các thế hệ mới học và tiếp thu các nền văn hóa khác, không chỉ như một sở thích riêng mà còn vì cần thiết, bởi vì khả năng nói được một vài thứ tiếng và bơi lội thoải mái trong các nền văn hóa khác nhau đã trở nên quan trọng cho sự thành công nghề nghiệp. Hãy xem trường hợp tiếng Tây Ban Nha. Nửa thế kỷ trước, cộng đồng nói tiếng TBN chỉ hướng nội; chúng ta phóng chiếu mình ra ngoài ranh giới ngôn ngữ truyền thống chỉ bằng những cách rất hạn chế. Ngày nay, tiếng TBN là một ngôn ngữ năng động và khỏe mạnh, chiếm giữ những vị trí đầu cầu và thậm chí cả những vùng đất rộng lớn trên khắp năm châu. Việc có khoảng 25 đến 30 triệu người nói tiếng TBN ở Mỹ hiện nay cho thấy vì sao hai ứng viên tổng thống Mỹ gần đây, thống đốc bang Texas George W.Bush và phó tổng tổng Al Gore, khi vận động tranh cử không chỉ nói bằng tiếng Anh, mà còn bằng tiếng TBN.
Bao nhiêu triệu người nam nữ trẻ tuổi trên thế giới đáp trả những thách thức của toàn cầu hóa bằng cách học tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Châu, tiếng Nga, hay tiếng Pháp? Rất may, xu hướng này sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới. Đấy là lý do vì sao cách bảo vệ tốt nhất những nền văn hóa và ngôn ngữ riêng của chúng ta là phải quảng bá nó rộng khắp trên thế giới mới này, chứ không phải cứ khư khư giả vờ ngây thơ tiêm vắc xin cho chúng chống lại mối đe dọa của tiếng Anh. Những ai đưa ra phương thuốc như vậy nói nhiều về văn hóa, nhưng họ vẻ như không biết những người đang che đậy ý hướng thực của họ: chủ nghĩa quốc gia. Và nếu có gì khập khiễng với những xu hướng phổ quát về văn hóa thì đó là cái nhìn thiển cận, loại trừ và lộn xộn mà những người theo quan điểm quốc gia chủ nghĩa cố áp đặt lên đời sống văn hóa. Bài học tuyệt vời nhất mà các nền văn hóa dạy cho chúng ta là chúng không cần đến sự bảo vệ của các viên thư lại và các vị quan chức, không cần phải nép mình sau những hàng rào sắt, không cần phải cất riêng phục vụ cho những dịp lễ lạt, cúng bái để vẫn được sống và sum sê, tươi tốt; ngược lại, những việc như thế chỉ tổ làm khô héo hay thậm chí làm tầm thường văn hóa. Văn hóa cần được sống một cách tự do, cần được thi thố thường xuyên với các nền văn hóa khác. Cái đó làm chúng cải tiến và đổi mới, cho phép chúng tiến hóa và thích ứng với dòng chảy liên tục của cuộc sống. Thời xưa, tiếng Latin không giết chết tiếng Hy Lạp; ngược lại, sự độc đáo nghệ thuật và chiều sâu trí tuệ của văn hóa Hy Lạp đã thấm vào văn minh La Mã, và qua nó, thơ của Homer, triết học của Plato và Aistotle đã tỏa ra khắp thế giới. Toàn cầu hóa sẽ không làm các nền văn hóa địa phương biến mất; trong cái khung mở rộng toàn thế giới, tất cả những gì là quý giá và đáng còn lại trong các nền văn hóa địa phương sẽ tìm thấy mảnh đất màu mỡ để đơm hoa kết trái.
Điều này đang diễn ra ở châu Âu, khắp nơi khắp chốn. Đặc biệt đáng chú ý là Tây Ban Nha, nơi các nền văn hóa vùng đang tái xuất mạnh mẽ. Dưới thời độc tài của tướng Francisco Franco, các nền văn hóa vùng bị kiềm chế và buộc phải sống giấu diếm. Nhưng khi nền dân chủ trở lại, nền văn hóa đa dạng, phong phú của TBN đã được tháo cởi và được phép phát triển tự do. Ở những vùng tự trị của đất nước, các nền văn hóa địa phương bùng nổ mạnh mẽ, nhất là ở Catalonia, Galicia và xứ Basque, nhưng cả ở những vùng khác của TBN cũng vậy. Tất nhiên, chúng ta đừng nhầm sự tái sinh văn hóa vùng này, nó là tích cực và phong phú, với hiện tượng chủ nghĩa quốc gia đang có những đe dọa nghiêm trọng đối với văn hóa của tự do.
Trong bài viết nổi tiếng năm 1948 “Những ghi chép về định nghĩa văn hóa”, T.S.Eliot đã tiên đoán là trong tương lai, loài người sẽ chứng kiến sự tái sinh của các nền văn hóa địa phương và vùng miền. Thời ấy, điều tiên tri của ông có vẻ là liều. Tuy nhiên, toàn cầu hóa dường như sẽ làm cho nó thành hiện thực trong thế kỷ 21, và chúng ta nên lấy đó làm mừng. Sự tái sinh của những nền văn hóa nhỏ, địa phương, sẽ trả lại cho loài người vô số những hành vi và biểu hiện phong phú mà các nhà nước-dân tộc đã hủy diệt để tạo ra cái gọi là bản sắc văn hóa dân tộc vào cuối thế kỷ 18, và nhất là ở thế kỷ 19. (Thực tế này dễ bị quên, hoặc là chúng ta cố tình quên nó vì những hậu quả đạo đức nặng nề của nó). Các nền văn hóa dân tộc thường được tôi rèn trong máu và lửa, bị cấm giảng dạy hoặc xuất bản bằng các thứ tiếng bản ngữ, hoặc thực hành các lễ tôn giáo và phong tục trái với những cái nhà nước–dân tộc coi là lý tưởng. Theo cách này, ở nhiều nước trên thế giới, nhà nước-dân tộc đã cưỡng bức áp đặt thứ văn hóa chủ trị lên các nền văn hóa địa phương khiến chúng bị kìm hãm và bị loại ra khỏi đời sống chính thức. Nhưng trái với những điều cảnh báo của những người sợ hãi toàn cầu hóa, không dễ mà xóa bỏ hoàn toàn các nền văn hóa – dù chúng có thể nhỏ đến đâu – nếu sau chúng có một truyền thống phong phú và có những con người thực hành chúng, ngay cả là phải bí mật, giấu diếm. Và ngày nay, nhờ sự suy yếu của nhà nước-dân tộc, chúng ta đang thấy những nền văn hóa địa phương từng bị bỏ quên, bị gạt ra lề, bị buộc im lặng, đang trỗi dậy lại và đang phô bày những dấu hiệu sống trong bản hòa nhạc lớn của hành tinh đã toàn cầu hóa này.
 
Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh
 
Tạp chí Foreign Policy, 2/2000
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513104

Hôm nay

2205

Hôm qua

2436

Tuần này

21041

Tháng này

219977

Tháng qua

121356

Tất cả

114513104