Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã được báo chí nhắc đến rất nhiều từ khi nó chưa được trình chiếu. Đây là bộ phim được nhắc đến và được đón chờ nhiều nhất trong năm 2010. Sự thực thì nó có tuyệt vời như những gì người ta tán thưởng và có quá dở như không ít như nhưng những lời chê bai xì xầm của cư dân mạng?
Cảnh mở đầu phim đập vào mắt người xem với một trận đánh ghen ác nghiệt và kéo dài. Nạn nhân tên Sương, một cô gái điếm, được hai đứa con người chăn vịt cứu vớt. Sương ở lại gia đình đó và bắt đầu chia sẻ cuộc sống vất vả của cảnh đời sông nước. Dần dần Sương được tiết lộ về câu truyện gia đình qua con mắt ngây thơ của hai đứa bé: người mẹ đã bỏ đi như thế nào, vì sao người cha lại cộc cằn đến vậy khi hai đứa con đang ở lứa tuổi cần đến sự quan tâm của cha mẹ nhất.
Khách quan mà nói, Cánh Đồng Bất Tận có tính nghệ thuật khá cao mà lại không hề kén khán giả. Nó thu hút người xem bằng cốt truyện giản dị nhưng không kém phần sâu sắc và lôi cuốn. Một cô gái điếm, một ông bố nghiện rượu hận đời, một cuộc sống vất vả và nghèo nàn lênh đênh sông nước. Chút ánh sáng rạng rõ ở đây chính là hai người con có trái tim bao dung và ấm áp. Hình ảnh hai con người trẻ tuổi đáng yêu và đầy thiện tính thực sự tương phản với sự tàn nhẫn và nghiệt ngã của đám người lớn. Sau khi bị hãm hiếp và mang thai, người con gái đã có một phát ngôn thật bất ngờ: “Đôi khi phải tha thứ cho người lớn”. Và đây cũng chính là thông điệp của bộ phim.
Có thể nói các nhân vật trong phim đều rất ấn tượng. Đội ngũ diễn viên cũng đã vào vai một cách khá chuyên nghiệp. Đóng vai bé gái là diễn viên trẻ Lan Ngọc đã có một khởi đầu ấn tượng. Có lẽ vì đây là vai diễn đầu tiên nên cách thể hiện của Lan Ngọc vẫn còn nguyên vẻ trong trẻo của một diễn viên chưa bị khai thác quá tải. Cô đã diễn rất hồn nhiên không cứng nhắc. Bằng khuôn mặt khắc khổ, Dustin Nguyễn đã thể hiện rất thực một người đàn ông hận đời, bị vùi lấp dưới quá nhiều cay đắng không thể nói được thành lời. Vai cô gái điếm Sương cũng là một vai quan trọng trong phim, là chất xúc tác cho diễn biến cốt truyện. Tuy nhiên, Đỗ Thị Hải Yến diễn xuất có phần không được thuyết phục lắm, nhiều lúc hơi cứng và không thể hiện hết được sự phức tạp trong tính cách của nhân vật. Nhưng một phần cũng có thể lỗi là do đạo diễn đã không thật sự thành công khi chọn hướng cho nhân vật này và tìm cách “mềm hóa” lời thoại so với nguyên tác. Vai diễn Sương trong phim bị sa vào lối mòn theo kiểu “cô gái điếm với trái tim vàng”: một cô gái điếm đã chai sạn vì cái nghề bán thân, nhưng vẫn chăm sóc hai đứa trẻ, người cha, và hy sinh thân thể vì miếng cơm manh áo của gia đình này.
Một yếu tố nâng Cánh đồng bất tận lên tầm vượt trội trong điện ảnh Việt Nam là sự công phu trong công tác dựng phim. Đạo diễn cùng đoàn làm phim thể hiện sự chuyên nghiệp về chất lượng quay, bối cảnh, dàn dựng. Hội thoại tốt, không quá nhiều lời. Cốt truyện diễn biến hay và hợp lý. Mặt khác, đạo diễn cũng đã chú ý đến nhiều chi tiết mà nhiều phim truyện Việt Nam không chú trọng, đó là trang phục và hóa trang phải phù hợp với hoàn cảnh nhân vật. Các diễn viên trong phim có vẻ ngoài nhem nhuốc thực sự phù hợp với hoàn cảnh chứ không bị ước lệ hóa kiểu như kể cả con nhà nghèo nhưng đã lên phim thì cứ phải nuột nà, bắt mắt để hút khán giả. Chỉ riêng khâu hóa trang và trang phục Cánh đồng bất tận “ăn đứt” những phim nổi đình đám như Chuyện của Pao chẳng hạn. Trong phim này Đỗ thị Hải Yến giống một người mẫu mặc trang phục người Mông hơn là một cô gái người Mông đang hiện diện trong phim Bối cảnh phim cũng rất đáng khen ngợi. Những khung cảnh đẹp ngỡ ngàng với những cánh đồng xanh mát của vùng đồng bằng Nam bộ, những cánh rừng ngập mặt, những con sông trĩu phèn. Tuy nhiên, đôi khi các cảnh quay đẹp chỉ được đưa vào vì đẹp, chứ không thực sự góp phần vào việc xây dựng cốt truyện hay các chủ đề của phim. Ngoài ra, một số cảnh hơi nặng tính biểu trưng, như cảnh người phụ nữ gội đầu, chải tóc. Tất nhiên những hình ảnh này gợi lên vẻ đẹp nữ tính, nhưng có lẽ xuất hiện hơi nhiều.
Bộ phim có lẽ nên nhấn mạnh hơn về cái đơn điệu, cuộc sống nghèo nàn, khổ cực của những kẻ du cư. Nếu như không có cảnh Sương ngồi than thở rằng cô “chán, chán tất cả mọi thứ”, thì người xem có thể nghĩ rằng đấy là một gia đình sống khá phong lưu với cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Chắc khán giả cũng đã phần nào có cảm giác ấy khi trong rạp không ít người xem Hà Nội trầm trồ, ấn tượng cách nấu ăn đặc biệt của người dân quê Nam bộ…
Bi kịch gia đình cùng với sự khốn khó còn có thể khai thác sâu hơn nữa. Người Việt Nam thường có câu “đói cho sạch, rách cho thơm”, nhưng thực tế là trong hoàn cảnh gia đình đổ vỡ, bố mẹ bê trễ, đánh đập con cái cùng với cái nghèo, tất cả những cái đó đều có sự vận hành riêng theo quy luật. Chúng phá hủy cái mà xã hội coi là đạo đức, những chuẩn mực và trách nhiệm của cá nhân, biến thành một vòng xoáy sa ngã rất khó ngắt đứt. Đạo diễn đã chọn một kết thúc lạc quan hơn nhưng bi kịch lại không được đẩy đến tận cùng như lẽ ra nó phải thế. Vì thế, nếu như so với nhiều phim hiện thực thành công thì Cánh đồng bất tận vẫn chỉ là một thứ “cola light” hơi nhàn nhạt. Tuy nhiên bộc lộ không ít điểm yếu nhưng vẫn phải công tâm mà nói rằng Cánh đồng bất tận đã không phụ lòng mong chờ của khán giả. Đây có thể được coi là một trong những bộ phim đáng được xem nhất trong năm nay./.