Những góc nhìn Văn hoá

Phạm Ngọc Thái - Người hai lần thi sĩ

Có một triết gia từng nói: "Hạnh phúc của đời người là được sống và làm những gì mình yêu thích!" - Phạm Ngọc Thái là một trong những người như thế! Anh yêu thơ, say thơ và làm thơ khá nhiều.
Tôi biết đến thơ anh từ những năm 70 của thế kỉ trước, và cảm thấy anh thực sự hạnh phúc với công việc mình làm. 



Phạm Ngọc Thái

                                                                                                                                
Nếu thơ ca là ngôi đền kì vĩ và cao sang, thì có thể coi anh là một tín đồ của không nhiều tín đồ trong ngôi đền đó. 
Thơ anh gồ ghề, hầu hết là thơ tự do, ít tuân theo niêm luật, song nó chứa đựng nhiều mặt của cuộc sống. Anh mượn thơ như một công cụ để lý giải sự đời:
               Đời bình dị - Mái tường sạt đổ
               Lẽ sống giản đơn... mâu thuẫn chất chồng... 
                                 
(Tập thơ CÓ MỘT KHOẢNG TRỜI)
Hay là: Đời chỉ thế có gì quan trọng/ Đừng cao siêu, cũng đừng quá coi xoàng/- (Tập thơ NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG). 
 
Anh viết nhiều, sắc mầu đủ cả - Ngay từ thưở còn chiến tranh, anh cũng có những bài thơ tình giàu hình ảnh chứa chan:
                Sao em không tắm nắng trên đồi
                Không gội đầu dưới suối
                Quấn làm duyên quanh cành cụt chơ vơ...
                Ta gọi tên em: Hoa phong lan,
                                                       em ơi - có nghe!
                                  
(Bên nhành hoa phong lan)
 Về nỗi nhọc nhằn của những người con xa xứ, anh viết:
               Kẻ tìm vàng - Người vì cảnh nghèo đi
               ... Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng
               Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên!
                                        
(Nỗi trăn trở người đi tìm vàng) 
Anh đã đau nỗi đau của sự đời lắm éo le mà có thật. Những ngày tha hương, ở xa quê anh viết nhiều thơ về vợ con, tôi thích cái tứ:
               Có một khoảng trời để thương để nhớ
               Là khoảng trời ở đó có em!
               Những bóng cây trên đường phố thân quen
               Đêm đêm chiếc lá nhớ lại bay về, xào xạc...
                                                
(Có một khoảng trời) 
Anh xin làm một chiếc lá, mà đây là lá nhớ, lá mong... của một thân cây trên con phố quen thuộc ở quê mình. 
Nhất là tập thơ RUNG ĐỘNG TRÁI TIM (XNB Thanh niên 2009)-  Thi phẩm rất đặc biệt của anh. Viết về thiên nhiên hình tượng đẹp lại giàu chất đời sống phong phú, còn về tình yêu đôi lứa thì với cách nhìn mang màu sắc triết lý nhân sinh:
               Bờ Bãi Đời Người - Cuộc Sống Tình Yêu
               Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân Phật Tổ!
                                                       
(Em Về Biển) 
Anh thương một đứa trẻ ăn mày:
              Trước đứa ăn mày tất cả chúng ta Hoá Thánh!
              Nó đói lòng cúi lậy rất từ bi....
                                        
(Đêm trung thu và đứa ăn mày) 
Rồi anh xót xa cho người em vợ vừa lìa bỏ cõi trần:
               Người sống đưa chân người chết đây
               Đầu bạc làm ma mái xanh này?
               Mẹ, cha... queo quắt còn ham thọ
               Em nhởn thanh xuân lại vội quay
                                            
(Làm ma em vợ) 
Để nói về nỗi tình trước cảnh người quét rác đêm, anh viết:
               Trăng như đứa không nhà trôi lạc lõng
               Con nai vàng chết bóng thu xưa,
               ... Cô quét lá đêm hồ khe khẽ vào khuya...
                                           
(Cô quét lá đêm hồ) 
Thơ anh bao trùm nhiều đề tài, thể loại, mà loại nào cũng đậm đà sâu sắc đến lạ kỳ. Mảng thơ tình anh viết khá hay và rất trội: Em đến để làm sông làm sóng / Để cuộc đời đang vắng bỗng phi lao/ (Tiếng ếch). Anh cũng thường sử dụng những hình ảnh rất đời thường để nói về nỗi quạnh vắng của tình yêu, câu thơ vẫn không kém phần dung dị và hay:
               Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng
               Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi...
                                        
(Một góc hồ Tây) 
Ngay trong bài NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG khá nổi tiếng, có những câu thơ mà hình tượng đạt đến sự hoàn bích:
              Người đàn bà đi trong mưa rơi
              Chứa một trời thầm như hoa vậy... 
Hay là:
               Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
               Anh cũng không làm chàng Trương Chi
                                                    suốt đời chèo sông vắng
               Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
               Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau! 
Để rồi trào theo dòng cảm súc tác giả kết thúc bài thơ:
                Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
                Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
                Khúc thơ tình anh lại viết về em
                Người đàn bà ngậm cả vầng trăng... 
Nó không giống Xuân Diệu hay Thế Lữ, có chăng phảng phất đâu đó của thơ Hàn Mặc Tử. Có chút cay chua của Hồ Xuân Hương, hoặc âm hưởng của Uýt-Man (nhà thơ Mĩ).
Có những bài anh lại viết theo phong cách rất Tú Mỡ trong cách nhìn về hiện tại:
               Bà chủ quán bước ra ngoài đón khách
               Bóng nàng đi dẫm bẹp cả hoàng hôn...
                                           
(Bà Chủ Quán) 
Lâu lắm rồi, thi đàn của ta vẫn còn hiếm lắm những bài thơ hay để ca lên được, thăng hoa lên được thi vị tính chất của cuộc đời... qua sự chắt lọc của người nghệ sĩ - mà Phạm Ngọc Thái là một nghệ sĩ giầu chất men say.     
Thơ anh không dễ đọc và cũng không dễ hiểu. Song, đọc đi đọc lại ta mới thấm cái sâu xa lí lẽ con người trong cuộc tồn sinh. Anh muốn đi đến tận cùng của sự việc - Mà thơ ca đạt đến độ này thực khó!... 
Miệt mài như con ong, anh chắt chiu cho từng trang viết. Có lúc tưởng chừng sự thái quá làm anh nhập thiền vào cõi thi ca! Thơ anh nay đã có nhiều tiếng vang & được nhiều người biết đến, cũng mong rằng trong thời gian tới tầm vóc chân dung anh sẽ được đánh giá đầy đủ hơn. 
Đã vào cái tuổi hoa niên có lẻ cùng với Tuyển thơ anh để lại cho đời cũng sung mãn rồi, nhưng thấy anh vẫn còn say sưa lắm - Tôi tin, thơ và cả những bài bình thơ của anh sẽ giúp cho bạn đọc cảm nhận đầy đủ hơn về lẽ Chân Thiện Mĩ ở đời! 
Nữ thi sĩ Nga On Ga Béc Gôn có viết:
 - Trong số nghề nghiệp và nghệ thuật tác động vào tâm hồn con người, không có sức mạnh nào vừa khoan dung vừa tàn nhẫn hơn thơ. Không có công việc nào tự nguyện và đầy đủ hơn công việc phục vụ thơ. Không có tình yêu nào được đền đáp hơn tình yêu thơ - Và bởi vậy người nào yêu thơ là hai lần thi sĩ. 
Phạm Ngọc Thái là một người như thế !

  
   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513104

Hôm nay

2205

Hôm qua

2436

Tuần này

21041

Tháng này

219977

Tháng qua

121356

Tất cả

114513104