Trước hết, xin chia sẻ với cách đề cập khá táo bạo của tác giả đến một mảng rất bao trùm, một vấn đề mang tính triết học phổ quát của lịch sử: có hay không có những “lối phát triển” khác nhau của các xã hội khác nhau? Có hay không có những “mô thức phát triển” khác nhau? Ở đây chưa dám lạm bàn sâu về những “ưu điểm và hạn chế” của mỗi “minh triết phát triển” ấy như thế nào. Rồi nữa, có thể hay không thể “phối-kết hợp” hai lối phát triển ấy với nhau?
Theo ông Vương, một thời, thế giới từng bị “cuốn theo chiều gió”, theo ngả đường Âu hóa, “dĩ Âu vi trung” (eurocentrism), nhưng nếu lùi ra xa, quan sát sự phát triển của nhân loại theo một khung thời gian đủ lớn, thì đã chắc đâu “ngả đường châu Âu” là đường cái quan của toàn bộ lịch sử? Vô số người phương Tây hiện đang đòi hỏi và thực hành “sống chậm”, mà sự lựa chọn của Trung Quốc hiện thời biến quốc gia mình thành “đại công xưởng, đại công trường” của thế giới - một sự bắt nhịp “ngả đường châu Âu” muộn mằn - cũng đã làm xuất hiện vô số những thanh gươm không chỉ tự treo lơ lửng ngay trên đỉnh đầu của cộng đồng mình mà còn “kề cổ” những cộng đồng khác…
Là một người nghiên cứu về quan hệ quốc tế đương đại, tôi xin thưa rằng, vấn đề tác giả trăn trở cũng chính là vấn đề các “túi khôn” của cộng đồng quốc tế hiện đang ngày đêm cày xới. Trong vòng mươi năm trở lại đây, cuộc tranh luận gay gắt và quyết liệt giữa các nhà lý luận về “đồng thuận Washington” hay “đồng thuận Bắc Kinh” đã diễn ra không biết trên bao nhiêu diễn đàn, từ Á sang Âu, đặc biệt là ở Mỹ La-tinh.
Ở đây, tôi đồng ý với Trần Ngọc Vương rằng, bất cứ một thế lực cầm quyền có trách nhiệm nào cũng phải có nghĩa vụ (pháp lý và đạo đức) lựa chọn một hay những phương thức phát triển đưa lại hạnh phúc tối đa cho tuyệt đại đa số thành viên cộng đồng mà mình lãnh đạo hay cai trị.
Tôi đặc biệt chia sẻ với một nhận xét “gây sốc” của tác giả rằng, thước đo nhân văn cho mọi tôn chỉ là hạnh phúc của đại đa số cư dân, đó là số nhân mạng phải trả ở mọi nơi mọi lúc cho những “phương thức phát triển” ấy. Phát hiện này gây sốc đến mức nếu chúng ta đi sâu vào chủ đề này thì phải tổ chức một hội thảo riêng về các con đường giành độc lập khác nhau trong các nước châu Á, hay bó hẹp hơn trong các nước ASEAN để xác tín rõ hơn “nghĩa vụ pháp lý và đạo đức” của các nhà cai trị trong lịch sử.
Thứ hai, xin bày tỏ sự tán đồng với tác giả về nội dung thông điệp mà tác giả, thông qua các “chiều kích” khác nhau, thông qua cách tiếp cận “đa ngành trong một thực thể” muốn chuyển tải đến thế hệ trẻ ngày nay.
Trần Ngọc Vương có lý khi ông cho rằng, đến thời điểm nào đó trong cuộc đời, rất nhiều người chợt nhận ra rằng không thể sống như cũ. Không hẳn vì chặng đời đã qua không tốt, không thành công hay không thú vị, mà những bước ngoặt như thế diễn ra vì rất nhiều lẽ, đối với từng cá nhân khác nhau là rất khác nhau. Và để lựa chọn một cách thế sống mới, không thể không làm một cuộc “đại phản tư”, một chuỗi những cơn trằn trọc, tự vấn?
Điều băn khoăn trên hoàn toàn hiện thực đối với thế hệ chúng ta, một thế hệ những năm đầu có thể coi như là “thế hệ lạc quan”. “Ta tư duy vậy thì ta tồn tại!”. Đúng là tác giả của câu châm ngôn để đời và giàu tính triết học ấy chắc từng thất vọng nhiều phen, đã không đắm đuối với những lý tưởng tuy đẹp đẽ lớn lao nhưng cũng mông lung sương khói mà cân nhắc ý nghĩa cuộc đời, mà đo đếm chính bản thân đời sống để kết thúc một cách thực tế: “Hãy biết sắp xếp lại ước muốn của mình hơn là hy vọng tổ chức lại trật tự thế giới” (René Descartes).
Hai trong số các danh nhân ông viết làm tôi đặc biệt chú ý. Nguyễn Trãi “từng song hành bảng giá trị trái dấu, những xung khắc nội tại chưa thể điều hòa” dù thời Nguyễn Trãi là thời của “thế hệ nhập cuộc”. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, lần đầu tiên ta thực sự gặp một phương thức ứng xử đối trọng: không theo đuổi hoài vọng lớn lao mà tuân thủ những tính toán cặn kẽ, thiết thực, có trí tuệ tột cùng nhưng chỉ để giữ mình (“minh triết bảo thân”).
Trần Ngọc Vương thật khiêm tốn khi ông thừa nhận, nếu được quyền đưa ra một thông điệp nào đó đối với thế hệ trẻ hiện nay, ông chỉ mong họ (trong số đó có thể có cả con cháu ông) hãy sống và hành động sao cho mình tự nhủ được chính mình, rằng “đã làm hết những gì mà khả năng có thể”. Nhưng ông cũng nói thêm rằng lòng dũng cảm và sự sáng suốt không phải là những đức tính dễ dàng kết hợp.
Thứ ba, và cũng là ý kiến cuối cùng, tôi xin quảng bá trước với quý vị một cuộc phỏng vấn hết sức “cây nhà lá vườn” của tờ báo “Sài Gòn Tiếp Thị” sẽ được ra mắt nay mai. Cuộc phỏng vấn đó thực sự là một cuộc giao cảm giữa người hỏi và người trả lời về những vấn đề lớn liên quan đến nội dung 5 phần của cuốn sách mà tác giả đã viết trong hơn 30 năm trời để khai thác những đề tài mang tính liên ngành tử một góc nhìn độc đáo và táo bạo, góc nhìn của một nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn và dũng cảm.
Trong một kỷ nguyên “mưa Âu gió Á” như thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 này, phương pháp tiếp cận đa ngành trong một cá thể như tác phẩm “Thực thể Việt” của TS Trần NGọc Vương quả thực là một món ăn tình thần cao cấp cho những ai quan tâm đến quá khứ, thế sự và tương lai của dân tộc./.