Có thể có nhà nghiên cứu văn học sẽ nhún vai: một số phần trong tập sách này không có quan hệ gì với văn học. Quả thực, anh đã không hiếm lần “vượt biên qua lãnh thổ của người khác” để bàn thảo về những chuyện khá hàn lâm của giới triết học, kinh tế học, sử học, xã hội học v.v…để cuối cùng trở về với mảnh vườn chính của mình là nghiên cứu văn học. Mà cách anh bàn về những chuyện ngoài văn học ấy cũng khá sắc sảo, biết nêu toàn những vấn đề chiến lược động trời, có tầm khái quát vĩ mô và cũng cung cấp “thức ăn cho sự suy nghĩ”- tức là tạo ra vấn đề, “chọc tức” để thảo luận, tranh luận. Còn gì quan trọng hơn là nêu vấn đề để tranh luận cho ra nhẽ. Vì thế tôi chia xẻ hướng đi của tác giả. Người khác có thể nghĩ đấy là chuyện vượt ra ngoài mảnh đất 5% của mình, là mua mệt vào thân, không có những vấn đề ấy thì cũng đã quá đủ việc để làm. Bình tâm mà suy xét, để viết được về nhiều vấn đề của Thực thể Việt, người viết vốn là nhà nghiên cứu văn học phải tự trang bị vốn liếng kha khá, có thể đối thoại được với các học giả thuộc các lĩnh vực khác. Và cũng phải có “tạng” hay “cơ địa” riêng nữa: phải có khả năng suy nghĩ theo kiểu triết học, biết khái quát, liên kết các mảng kiến thức đa ngành cho một mục đích nhất định.
Điều quan trọng hơn, đi xa để trở về gần, nhà nghiên cứu văn học càng biết rộng thì độ thâm nhập vào các vấn đề của bản thân văn học càng sâu hơn. Trần Ngọc Vương ngoái nhìn lại quá khứ để bàn về phát triển đất nước, nhìn ra láng giềng, đặt dân tộc trong bối cảnh Đông Á mà xem xét tiến trình hiện đại hóa, phân tích những khía cạnh tâm lý, văn hóa của con người Việt qua biến thiên lịch sử, qua những thời điểm then chốt …Thực ra tất cả các tọa độ đó đều không xa lạ với thi pháp học đang được vận dụng rộng rãi và có hiệu quả ở Việt Nam : con người –không gian- thời gian. Có điều là anh phân tích một “đại văn bản” mà anh gọi là thực thể Việt chứ không đi vào những văn bản cụ thể. Con người đây là con người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ, từ kết cấu giai cấp, qua ý thức sở hữu đến tư duy huyền thoại, tính cách sinh hoạt vật chất và cộng đồng họ tộc. Không gian đây là không gian của vùng đồng bằng sông Hồng, nơi hình thành nên những nền tảng của bản sắc Việt, cũng là nơi có tiếp xúc, thâu hóa sớm nhất, lâu dài nhất văn minh Đông Á. Thời gian trải dài từ huyền sử đến hiện đại, đương đại, qua những khúc quanh quan trọng.
Các vấn đề Việt Nam học ở đây được Trần Ngọc Vương tiếp cận một cách độc lập, khách quan, với tâm thế của người làm khoa học. Chúng ta đã quá quen thuộc với cách tiếp cận dân tộc chủ nghĩa, giai cấp chủ nghĩa. Hầu hết các bài viết ở đây đều đặt ra những vấn đề mà nếu nhìn từ góc nhìn khác, thậm chí là góc nhìn đã thành nếp thì có thể giật mình nhưng ngẫm lại không phải không có lý. Đó là chỗ hấp dẫn của cuốn sách. Nó đề nghị những điểm nhìn mới, cách nghĩ mới cho nhiều hiện tượng văn hóa, văn học dân tộc.
Có người hỏi tôi về thể loại của công trình này. Thì thể loại chính là vấn đề độc đáo, riêng biệt của cuốn sách. Những người đọc nghiêm túc, quan tâm đến các vấn đề lớn lao của dân tộc và thời đại sẽ tìm thấy tuy tản mạn song lại rất thú vị, những kiến giải mạnh dạn và đầy suy tư của tác giả đã bộc lộ như một thiên hướng suốt khoảng ba mươi năm qua và nay vẫn giữ nguyên nhiệt tình. Những cuốn sách thuộc thể loại “qua các tọa độ chữ” này hiện ở ta không nhiều và rất đáng quan tâm.