Tìm hiểu nhạc vũ cung đình Thăng Long là một thách thức với các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay bởi tư liệu còn lại đến nay rất hiếm hoi. Bi ký, thư tịch cổ, điêu khắc cổ tuy cũng có ghi lại ít nhiều nhưng đều cho những thông tin hết sức lẻ tẻ mờ nhạt và khó hiểu. Tuy nền âm nhạc của mỗi dân tộc phát triển chủ yếu do nội lực của dân tộc đó, song sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Do đó để hình dung được đôi chút về nhạc vũ cung đình Thăng Long, ngoài những sử liệu vô cùng quý giá kể trên, cần phải có sự so sánh đối chiếu với tình hình phát triển nhạc vũ trong khu vực nhằm tìm ra những ảnh hưởng và tiếp thu của cha ông ta với âm nhạc ngoại lai để tìm cơ sở lý giải tư liệu và hình dung dòng chảy của nhạc vũ cung đình.
1. Nhạc vũ cung đình thời Lý
Điểm lại lịch sử có thể thấy, nước ta từ lâu đời đã có nền nhạc vũ dân gian của riêng mình, ca hát, chơi nhạc cụ đã là những giải trí quen thuộc của nhân dân sau những giờ lao động cực nhọc. Giao châu ký 交 洲 记 của Lưu Hân Kỳ viết vào cuối thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III có nhận xét về phong tục nước ta thời kỳ đó như sau: “Phong tục (Giao Châu) thích gảy đàn, mục đồng cưỡi trâu ở đồng lạch hát những bài ca réo rắt. Trẻ con tụ tập dưới trăng vỗ tay làm nhịp để bài ca thêm hay”. (Tục hiếu cổ cầm, mục thụ ư dã trạch thừa ngưu xướng liêu liêu chi ca, đồng lệ ư nguyệt hạ phủ chưởng phát lệ dao dĩ lệnh mỹ ca). Một bài từ của Tôn Quang Hiến người thời Đường cũng có có đoạn viết: “Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu / Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu / Đồng cổ dữ man ca / Nam nhân kỳ trại đa” [Hoa gạo ánh lên bên ngôi đền nhỏ/ Chim Việt líu lo trong nắng xuân / Tiếng trống đồng hòa cùng bài hát Man / Người Nam cầu cúng nhiều]. Qua đó thì thấy, có thể còn thô sơ nhưng âm nhạc từ lâu đời luôn là một nhu cầu thường trực trong đời sống tinh thần của nhân dân ta.
Trải suốt 1000 năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc đặt thành quận huyện, đồng thời lại phải chịu một chính sách đồng hóa ráo riết nên nền nhạc vũ nước ta mang ít nhiều ảnh hưởng của nền nhạc vũ phương Bắc là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt vào thời Đường, sự hùng mạnh của vương triều này đã gây ảnh hưởng lớn về mọi mặt kinh tế cũng như văn hóa không chỉ đối với lân bang mà thậm chí tới tận phương Tây xa xôi. Cũng như các hoạt động văn hóa khác, hoạt động nhạc vũ thời Đường cũng hết sức phát triển. Âm nhạc dân gian thời kỳ này là một nội dung trọng yếu trong đời sống xã hội. Âm nhạc mới được hình thành trong quá trình giao lưu văn hóa không ngừng xuất hiện, rồi lại bằng những con đường khác nhau truyền bá khắp nơi. Phật giáo ở thời Đường được tôn sùng và phát triển đến cực thịnh, chùa viện đua nhau mọc lên, có những chùa viện vừa là nơi hoạt động tôn giáo, vừa là nơi hoạt động âm nhạc và các văn hóa khác, do đó âm nhạc Phật giáo thời Đường cũng ảnh hưởng rất mạnh trong khu vực. Về tổ chức, cơ quan âm nhạc thời Đường được tổ chức rất quy củ, nguyên có Thái nhạc thự 太 樂 署 , Cổ xúy thự 鼓 吹 署 và Giáo phường 教 坊 , đều do Thái thường tự quản lý. Trong cung đình còn có Lê Viên 黎 圆 , các đệ tử ở đây được gọi là Lê Viên đệ tử 黎 圆 弟 子 . Những tổ chức âm nhạc này chủ yếu truyền tập tục nhạc, là nơi sưu tập nhạc vũ dân gian, đào tạo nhạc công, đồng thời cũng là nơi nâng cao nghệ thuật nhạc vũ, truyền bá nhạc vũ. Năm Thiên Bảo thứ 15 (756), nổ ra loạn An - Sử, Đường Huyền Tông bỏ kinh đô chạy, các nhạc nhân Giáo phường phần nhiều lưu tán đi các nơi, nhạc vũ Giáo phường nhờ vậy càng lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trong bối cảnh đó, là một quận huyện nội thuộc, nằm trong phạm vi cai quản và giáo hóa của nhà Đường, xã hội Việt Nam thời bấy giờ đương nhiên sẽ phải vận động theo sự vận động của xã hội thời Đường, vì vậy hoạt động nhạc vũ thời kỳ này cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhạc vũ thời Đường. Rất nhiều nhạc khúc vũ đạo thời Đường được truyền đến Việt Nam và đã được người Việt bảo lưu. Có nhạc khúc cổ thất truyền ở Trung Quốc nhưng lại có ở Việt Nam. Trường hợp người thời Tống tìm được ở Việt Nam Trượng cổ khúc Hoàng Đế Viêm 杖 鼓 曲 黄 帝 炎 đã thất truyền ở Trung Quốc từ lâu là một minh chứng.
Tiếp đó là sự ảnh hưởng của nhạc vũ thời Tống. Sử sách cho biết, thời Tiền Lê, vào niên hiệu Thiên Phúc năm thứ 8 (987), nhà Tống sai sứ giả là Lý Giác sang ta, khi Giác từ biệt ra về, vua Lê Đại Hành sai sư Khuông Việt làm khúc ca để tiễn, lời rằng:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Dao vọng thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang
Cửu thiên quy lộ trường
Tình thảm thiết
Đối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng.
[Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương
Thần tiên lại đế hương
Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương
Về trời xa đường trường
Tình thắm thiết
Chén lên đường
Vin xe sứ vấn vương
Xin đem thâm ý vì nam cương,
Tâu vua ta tỏ tường]
Khúc này theo sách Thiền uyển tập anh thì được hát theo điệu Nguyễn lang quy 阮 郎 歸 . Có thể thấy ngay rằng đây là lối điền ca từ vào một điệu hát có sẵn, rất thịnh hành ở thời Tống. Tư liệu đã chứng minh, ở thời kỳ này, từ điệu dân gian thời Tống cũng được lưu truyền ở Việt Nam và lối điền ca từ vào nhạc khúc đã được người Việt tầng lớp trên sử dụng rất thành thục. Ngoài ra tư liệu về Ưu nhân (優 人 Kép hát) Liêu Thủ Tâm dưới thời vua Lê Long Đĩnh cũng cho biết sự có mặt của diễn viên hề (Bài ưu) trong cung đình thời bấy giờ.
Trong quá trình tiếp xúc văn hóa, nhạc vũ Chiêm Thành bằng nhiều con đường cũng ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Nhạc cụ, các lối múa theo kiểu Ấn Độ, các khúc hát Chiêm cũng được người Việt tiếp thu.
Qua đó có thể thấy, Nhạc vũ thời kỳ Bắc thuộc mà điểm nhấn là nhạc vũ thời thuộc Đường đã tạo cơ sở nhất định cho Nhạc vũ cung đình thời Lý phát triển và hưng thịnh.
Tuy tư liệu về nhạc vũ cung đình thời kỳ này không nhiều nhưng trong một chừng mực, những tư liệu đắt giá đó vẫn đủ cho thấy vào thời Lý, nhạc vũ là một hoạt động thường xuyên trong cung đình, được tổ chức quy củ, được triều đình chú trọng đào tạo, phát triển, đủ cả ca múa nhạc với đội ngũ nhạc nhân đông đảo.
Đại Việt sử ký toàn thư 大 越 史 記 全 書 (Toàn thư) chép: “Niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 3 đời vua Thái tông (1041), mùa hạ tháng năm, đặt phẩm cấp các cung nữ. Hoàng hậu và phi tần 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ hơn 100 người”. Nhạc kỹ 樂 妓 là từ chuyên chỉ nữ nghệ nhân ca múa, như vậy trong cung đình lúc bấy giờ chưa kể nhạc công (伶 兒 linh nhi), chỉ riêng nhạc kỹ đã có hơn 100 người.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) chép: “Đỗ Anh Vũ là em ruột Đỗ Thái hậu - mẹ vua Thần tông nhà Lý – phong tư đẹp đẽ, hát hay múa khéo, lên 8 tuổi đã sung vào ban Thượng Lâm đệ tử 上 林 弟 子 ”. Văn bia Cự việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh 大 越 國 太 尉 李 公 石 碑 銘 viết về tiểu sử Đỗ Anh Vũ cho biết ông được sung vào cung ở niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ năm thứ 5 đời vua Nhân tông (1124). Tư liệu này đã chứng minh rằng ở thời vua Nhân tông, tổ chức Thượng Lâm đệ tử đã được hình thành. Tổ chức Thượng Lâm ở đây chính là sự mô phỏng tổ chức Lê Viên trong cung đình của nhà Đường. Lê Viên là nơi đào tạo về nhạc vũ cho cung đình. Mục Lễ nhạc chí 禮 樂 誌 trong sách Tân Đường thư 新 唐 書 chép: “Huyền tông đã hiểu âm luật lại cực thích Pháp khúc, chọn 300 đệ tử vào Tọa bộ kỹ dạy ở Lê Viên… được gọi là Hoàng đế Lê Viên đệ tử””. Phải chăng do vua nhà Lý sùng mộ đạo Phật nên cũng áp dụng mô hình Lê viên để truyền dạy nhạc vũ Phật giáo? Như vậy rất có thể ngay từ đầu, các cơ quan quản lý âm nhạc trong cung đình nhà Lý đã được tổ chức quy củ phỏng theo quy chế nhà Đường, cách tổ chức Thái thường tự và Giáo phường thấy ở thời Lê sau này đã xuất hiện ở thời Lý.
Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (1121) có ghi nhận một chương trình biểu diễn nhạc vũ cung đình với sự góp mặt của Thượng Lâm đệ tử dưới thời vua Nhân tông như sau: “…Tấu nhạc Thiều dào dạt. Cửa động đua mở; thần tiên hiện ra. Đều là phong thái thiên cung; đâu phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong; nhăn mày thúy ca bài Hưu vận. Chim quí từng đàn ca múa; thú lành thành đội xênh xang. […] Chim vượt mây ríu rít; hổ xuống núi nhe nanh. Trổ hết oai hùm; cắn xé thú nhỏ. Gặp Thượng lâm đệ tử; cầm cán son lông trĩ, gào thét đuổi để dâng lên vua; đắp bãi rộng làm nơi săn bắn. Kéo cung ruổi bắn; rút kiếm dạo quanh. Kẻ trổ oai trong chốc lát; người đón đánh lúc bấy giờ. Lân quốc mến nên bế trẻ dắt già; Chư hầu vui mà băng tường vượt núi. Chăm chú xét xem chính giáo; ngóng chờ mong thấy mặt vua”.
Ngoài ra, nhiều hoạt động nhạc vũ cung đình ở triều Lý cũng được sử sách ghi nhận:
Văn bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh 崇 嚴 延 聖 寺 碑 銘 kể: “Tháng hai năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 7 (1116), vua đi tuần phương nam, đến châu Ái thuyền rồng đậu lại, loan trượng tạm dừng, cờ xí rực trời, vũ vệ lòa mây, hội họp chư hầu, sắp xếp tân khách. Múa Phong tuyết bảy điệu phô bày vẻ đẹp, tấu Hàm Thiều sáu khúc tiếng nhạc rền trời”.
Do Phật giáo ở thời Lý rất phát triển, vua tôi nhà Lý đều sùng Phật nên trong cung đình thời Lý âm nhạc Phật giáo cũng rất được ưa chuộng. Toàn thư chép: “Niên hiệu Minh đạo năm thứ 3 đời vua Thái tông (1044), mùa thu tháng bảy, đánh Chiêm Thành, vua đem quân vào thành Phật Thệ, bắt thê thiếp của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên”. Khúc điệu Tây Thiên ở đây chính là nhạc vũ Phật giáo Ấn Độ, hành động tìm bắt các cung nữ giỏi múa hát khúc điệu Tây Thiên của vua nhà Lý cho thấy nhu cầu về nhạc vũ Phật giáo là có thực trong cung đình nhà Lý bấy giờ. Bia Sùng Thiện Diên Linh còn cho biết vua Nhân tông nhà Lý kết hợp âm nhạc thời Đường với âm nhạc Phật giáo (樂 普 和 唐 梵 同 音 Nhạc phổ hòa Đường - Phạn đồng âm). Nhạc vũ Phật giáo thường xuyên được cung đình sử dụng trong các dịp lễ Phật hoặc khánh thành chùa tháp. Niên hiệu Long Phù năm thứ 5 (1105) sửa xong chùa Diên Hựu, vua Nhân tông cho mở lễ hội tắm Phật rồi đặt thành lệ thường hàng năm, trong nghi lễ có sử dụng các điệu múa của nhà Phật, người múa được hóa trang thành Ngũ chúng gồm Tỳ khưu, Tỳ khưu ny, Thức xoa ma na ny, Sa di, Sa di ni, và đội Tứ Thiên vương gồm Trì quốc thiên vương, Tăng trưởng thiên vương, Quảng mục thiên vương, Đa văn thiên vương. Bia Sùng Thiện Diên Linh có cho biết đôi chút về cách múa này: “Trang điểm tướng tinh cấm thành Ngũ chúng, hoặc hở thân tiến lui rất uy nghi; Tạo đội ngũ Thiên vương ở bốn phương, nâng ngang pháp khí vòng vèo múa”, có thể thấy cách múa này mang đậm màu sắc Ấn Độ. Ngoài ra văn bia còn cho biết, sau khi tháp Sùng Thiện Diên Linh làm xong, lễ hội khánh thành diễn ra vô cùng long trọng với sự tham gia biểu diễn của các nhạc kỹ: “Hội tăng ni trai khiết; diễn Giác Đế chân kinh. Hoàng đế nghiêm trang, đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ; Cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng bánh múa ca”.
Đặc biệt trong cung đình nhà Lý bấy giờ còn có tạp kịch. Việt sử lược chép: Đời vua Cao tông, vào niên hiệu Trinh Phù năm thứ 7 (1182) lấy Đỗ An Thuận làm Thái sư phụ chính. Người bấy giờ đều sợ uy An Thuận, phàm có người có việc kiện tụng mà tư lại bắt không được, An Thuận sai Cân xa nhi đi bắt thì người ấy đến ngay. Bấy giờ có phường tuồng diễn trò, một người [đóng] là Hình bộ Thượng thư sai tư lại đi bắt một kẻ để bỏ ngục mà nó không đến, bèn nói: “Sao mày không xưng là Cân xa nhi của quan Thái sư? Nếu nói như thế thì bắt được” Tư liệu đã cho thấy hình thức diễn xướng này rất gần với lối tạp kịch phổ biến ở thời Tống, màn diễn thường gồm hai nhân vật đối đáp nhau pha trò cười mua vui cho người xem .
Ngoài ra, nhạc vũ Chiêm Thành cũng là loại âm nhạc được vua quan hoàng tộc nhà Lý ưa thích. Toàn thư chép: “Niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh năm thứ 2 (1060), vua Thánh tông cho phiên dịch nhạc khúc của Chiêm Thành và âm điệu tiết cổ, sai nhạc công hát. Lại vào mùa thu năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ nhất đời vua Cao tông (1202), sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là âm điệu Chiêm Thành, tiếng nhạc trong trẻo ai oán buồn rầu, người nghe phải rơi lệ. Việt sử lược chép kỹ hơn: “Niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ nhất (1202), mùa đông tháng 10, Vua ngự ra hành cung Hải Thanh, đêm nào vua cũng sai nhạc công gảy đàn Bà lỗ và hát khúc hát theo điệu Chiêm Thành, tiếng ai oán thảm thiết, tả hữu nghe hát đều rơi nước mắt”.
Ở thời Lý, có thể thấy một điều rất rõ ràng rằng, vai trò của các vị vua và đại thần là rất lớn đối với sự phát triển mạnh mẽ của nhạc vũ cung đình. Trong đó vua Nhân tông, vị vua thứ tư nhà Lý là người có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển này. Có thể nói đối với sự hưng thịnh của nhạc vũ cung đình thời Lý, vai trò của đức vua không kém vai trò của vua Minh Hoàng đối với nhạc vũ nhà Đường. Toàn thư cho biết vua là người thông âm luật, có chế tác ca nhạc. Việt sử lược cũng chép: “Ngài rất giỏi về âm luật, những ca khúc mà nhạc công tập đều do vua trước tác”. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh ca ngợi tài năng âm nhạc của ngài đồng thời có ghi lại hai sáng tác của ngài như sau: “[vua] tinh tường âm hưởng nước ngoài; hiểu rõ các nghề diễn xướng. Chế ra khúc múa tuyệt vời để tỏ rõ sự “đồng lạc” ở đời thịnh. Lại chế khúc Giáng vân tiên tử (降 雲 仙 子 Tiên tử xuống mây), tiếng hát véo von, ngợi ca công lớn của thánh chúa hiền minh; và điệu Xuất liên bảo vụ (出 連 寶 婺 Sao băng) mềm mại xoay vòng, để mừng nền giáo hóa tốt đẹp vô cùng nhân ái”. Đặc biệt văn bia còn cho biết vua là người chủ chương kết hợp âm nhạc thời Đường và âm nhạc Phật giáo trong các chương trình diễn xướng cung đình, có lẽ đó chính là yếu tố quan trọng khiến cho nhạc vũ thời kỳ này vừa phong phú vừa đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Chỉ tiếc rằng, ngoài những ghi chép kể trên của sử sách, tất cả đến nay đều đã thất truyền.
Vua Thánh tông - vị vua thứ ba của triều Lý cũng là người được sử sách ghi nhận là thông kinh truyện, sành âm luật. Vua từng đích thân phiên nhạc khúc của Chiêm Thành và âm điệu tiết cổ, rồi sai nhạc công hát
Ngoài ra có một nhân vật khá đặc biệt ở thời Lý có đóng góp cho nền nhạc vũ cung đình cần phải kể đến nữa là Hoạn quan Đỗ Anh Vũ . Văn bia Cự Việt quốc thái úy Lý công thạch bi minh (bia mộ của Đỗ Anh Vũ) cho biết ông là người có phong tư thanh khiết, vẻ mặt sáng sủa, múa giỏi hát hay, từng được vua Nhân tông yêu quý cho tuyển vào ban Thượng Lâm đệ tử từ khi mới lên 8 tuổi. Xuất thân hát xướng rồi về sau trở thành đại thần đầu triều, lại ở vào thời kỳ nhạc vũ cung đình được quốc vương quan tâm phát triển, chắc chắn Đỗ Anh Vũ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nhạc vũ cung đình. Văn bia này còn ghi lại tài năng nhạc vũ của ông như sau: “Thái úy cầm rìu thuẫn mà múa trên nệm gấm, hát khúc Hồi phong mà lả lướt liễu mềm, khách khứa không ai không chú ý xem”
Từ những tư liệu đã dẫn ở trên có thể phác ra đôi nét về tình hình nhạc vũ cung đình thời Lý như sau:
Ở thời Lý, tổ chức nhạc vũ cung đình được mô phỏng cách tổ chức của thời Đường với Thái thường tự chuyên trách lễ nhạc trong cung đình; Giáo phường chuyên thu thập, truyền tập nhạc vũ dân gian và Thượng lâm đệ tử - nơi đào tạo trình diễn nhạc vũ trong cung. Đội ngũ nhạc công nhạc kỹ trong triều đình có thể lên tới vài trăm người. Những cuộc biểu diễn mà “tiếng hát át cả mây bay” và “tiếng sáo vang lừng mọi chốn”, cho thấy số người tham gia biểu diễn và quy mô chương trình diễn xướng là không nhỏ.
Về nội dung, nhạc vũ cung đình thời Lý trước hết là sự kết hợp nhạc vũ thời Đường với nhạc vũ Phật giáo. Nhạc vũ thời Đường còn được bảo lưu trong nhạc vũ dân gian và trong nhạc vũ cung đình triều trước đã được nhà Lý tiếp nhận đưa vào hệ thống nhạc vũ cung đình. Khúc hát Hồi phong 迴 風 là khúc hát thịnh hành ở thời Đường đã được nhắc đến hai lần trong những tư liệu hiếm hoi về nhạc vũ thời Lý cho thấy đây là một nhạc khúc được biểu diễn thường xuyên trong cung đình ở thời kỳ này. Điều đó chứng tỏ, âm nhạc thời Đường vẫn được bảo lưu khá tốt ở nước ta đương thời. Nhạc vũ Phật giáo với những vũ điệu mang màu sắc Ấn Độ - được lưu truyền đến Việt Nam trước đó và được các vua nhà Lý chủ động tiếp thu thông qua Chiêm Thành sau này – thường được đưa vào phục vụ trong các lễ hội của triều đình.
Ngoài việc kết hợp nhạc vũ thời Đường với nhạc vũ Phật giáo để đưa vào hệ thống nhạc vũ cung đình nhằm phục vụ các nghi lễ trang trọng, thời Lý còn có các sáng tác mới về nhạc vũ với nội dung ca ngợi nền thái bình thịnh trị của vương triều như khúc hát Tiên tử giáng vân (Tiên tử xuống mây) với giọng ca véo von và điệu múa Xuất liên bảo vụ (Sao băng) mềm mại xoay vòng của vua Lý Nhân tông được bia Sùng Thiện Diên Linh ghi lại. Ngoài ra, để giải trí cho vua quan nhà Lý, còn phải kể đến tạp kịch và nhạc vũ Chiêm Thành. Qua những tư liệu về nhạc vũ Chiêm Thành, có thể thấy nhạc vũ Chiêm khá được các vua nhà Lý ưa chuộng.
Về nhạc cụ, trong tư liệu thư tịch, nhạc cụ được nhắc đến thường là đàn sáo, và chỉ được nhắc đến như một danh từ chung chỉ âm nhạc. Nhưng may mắn có một tư liệu khảo cổ rất quý giá về nhạc cụ thời kỳ này, đó là điêu khắc trên những bệ đá chùa Vạn Phúc (Tức chùa Phật Tích, được xây dựng năm 1057 thời vua Lý Thánh tông, nay thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Những bệ đá này là vật liệu kiến trúc dùng để kê chân cột, hình vuông, kích thước 80 x 80, cao 25cm được chạm khắc khá tinh tế. Mặt trên chạm cánh sen tỏa và rồng, bốn mặt xung quanh đều chạm dàn nhạc đang biểu diễn. Hình chạm chia đều số diễn viên này thành hai nhóm đăng đối qua một búp sen theo phong cách trang trí thời Lý. Nhóm trước: Người đầu tiên là một nhạc công đang dơ cao hai tay nâng chiếc sáo bầu, riêng với hình nhạc công đầu tiên này, có bệ chạm nhạc công cầm sáo bầu, có bệ chạm nhạc công cầm phách (hai mảnh tre gõ vào nhau), còn các nhạc công khác đều được chạm giống nhau ở mỗi mặt; tiếp đến là nhạc công chơi đàn tranh với cây đàn đặt trên đùi, hai tay đang trong tư thế gảy, rồi đến nhạc công với ống sáo kề trên môi, tiếp theo là người chơi nhị hồ với cây đàn ôm trong lòng, tay trái nắn phím, tay phải kéo cung vĩ và kết thúc là nhạc công đánh trống với chiếc trống giống như trống bát câu để trước mặt, hai tay dơ cao cầm hai dùi trống. Nhóm sau cũng bắt đầu bằng nhạc công cầm phách hoặc sáo bầu đăng đối với nhóm trước, tiếp đến là người chơi tỳ bà với cây đàn ôm ngang trong lòng (theo lối chơi đàn từ Đường - Tống trở về trước) rồi đến người thổi tiêu, người chơi đàn nguyệt và kết thúc là nhạc công chơi trượng cổ (xem chú thích ở trên) với chiếc trống eo thon đeo trước bụng, tay phải dơ cao dùi trống, tay trái dơ lên, bàn tay xòe ra để vỗ vào mặt trống. Tư thế của người biểu diễn với vẻ mặt hứng khởi cùng những dải lụa uốn lượn tung bay cho cảm giác một màn diễn tưng bừng. Chùa Phật Tích là một kiến trúc quốc gia, do triều đình xây dựng, do đó rất có thể hình ảnh dàn nhạc khắc trên bệ đá chính là dàn nhạc cung đình. Nếu đúng như vậy thì có thể thấy dàn nhạc cung đình ở thời Lý đã rất phong phú, hình dáng nhạc cụ và cách chơi có lẽ không khác nhiều với hiện nay.
Ngoài ra tư liệu về thời kỳ này còn cho biết có Tiết cổ 節 鼓 , là một loại nhạc khí cổ, hình như bàn cờ, ở giữa khoét một cái lỗ tròn vừa đặt cái trống, đánh để tiết chế bớt âm thanh, vốn là một nhạc khí có nguồn gốc Trung Quốc. Còn có đàn Bà lỗ 婆 魯 của Chiêm Thành, song chưa rõ nhạc cụ này như thế nào.
Về múa, có thể thấy một điều tuyệt vời ở thời Lý là múa được nhắc đến rất nhiều. Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tả dàn nhạc vũ cung đình biểu diễn trong chuyến tuần thú phương Nam của vua Thánh tông là “Múa phong tuyết bảy điệu, phô bày vẻ đẹp; tấu Hàm Thiều sáu khúc, tiếng nhạc rền trời”. Múa phong tuyết 風 雪 舞 ở đây dùng để chỉ cách múa quay cuồng ào ạt như tuyết bay, không phải tên điệu múa, hàm ý chỉ các điệu múa nói chung. Qua đó có thể thấy múa ở thời kỳ này cũng có lối múa mang đậm lối Hồ vũ ở thời Đường. Ngoài ra còn có các lối múa Phật giáo theo phong cách Ấn Độ được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo lớn của triều đình. Có điệu múa sao băng mềm mại xoay vòng của vua nhà Lý sáng tác nhằm ca công tụng đức. Có múa Can thích 干 戚 - điệu múa từng được Đỗ Anh Vũ múa cho sứ thần phiên bang xem. Đây là một điệu võ vũ dũng mãnh có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời Xuân Thu, vũ công tay cầm thuẫn và rìu múa theo tiếng trống. Có Đạp ca vũ 踏 歌 舞 - một vũ điệu dân gian đơn giản được lan truyền từ thời Hán, rất thịnh hành ở thời Đường, từng tốp tay cầm tay, chân giậm đất, theo nhịp trống vừa hát vừa múa, dư ba của lối múa này hiện vẫn còn được bảo tồn trong lễ hội Bông sòng 艽 崇 ở thôn Phú Thị, Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm Hà Nội. Xin xem phần tư liệu). Lối hát múa này sang đến thời Trần vẫn được vua quan nhà Trần dùng để giải trí trong những cuộc vui. Toàn thư chép: “Niên hiệu Nguyên Phong năm thứ nhất (1251), vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say mọi người đứng cả dậy dan tay mà hát”. Có thể đây là lối múa hát thịnh hành ở thời Lý – Trần, còn được dân gian bảo tồn đến ngày nay.
Đặc biệt có một điều đáng chú ý là ở văn bia Sùng Thiện Diên Linh có nhắc đến chư hầu lân quốc trong các chương trình diễn xướng của Thượng Lâm đệ tử như: “Lân quốc mến nên dắt trẻ bế già, chư hầu vui mà băng tường vượt núi” Hoặc: “Ráng sức thiên tài làm nên diệu khúc; vỗ về phiên thuộc về lại ấp Phong”. Như vậy phải chăng ở thời Lý đã có múa Chư hầu lai triều?
2. Nhạc vũ cung đình thời Trần
Đoạt ngai vàng một cách nhẹ nhàng từ tay nhà Lý, nhà Trần lên ngôi kế thừa nguyên vẹn thành tựu văn hóa triều trước. Vì vậy nhìn chung, xu thế phát triển và chỉnh thể nền nhạc vũ cho đến thời Trần là sự kế thừa và phát triển nền nhạc vũ trước đó.
Nhìn chung, nhạc vũ cung đình thời Trần cũng rất phong phú, Thái thường tự vẫn là cơ quan chuyên trách nhạc vũ cung đình, Thái thường nhạc chuyên được dùng trong các lễ nghi quan trọng của triều đình. Không chỉ phục vụ triều nghi, tiếp đón tân khách, nhạc vũ còn thường xuyên được trình diễn mua vui cho vua quan quý tộc nhà Trần.
Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục 見 文小 錄 có trích một đoạn miêu tả buổi tiếp sứ giả của vua Trần ở điện Tập Hiền được chép trong Sứ Giao Châu tập 使 交 洲 集 của Trần Phu (Trần Cương Trung) sứ thần nhà Nguyên sang nước ta vào niên hiệu Trùng Hưng năm thứ 9 (1293) như sau: “Từng dự yến ở điện Tập Hiền, thấy con trai diễn trò, con gái hát (Nam ưu nữ xướng), tất cả mười người, đều ngồi dưới đất. Có các loại đàn tỳ bà, đàn tranh, Độc huyền (đàn bầu). Tiếng hát và tiếng đàn phụ họa nhau, lúc hát thì nỉ non rồi sau mới hát thành lời. Dưới điện có các trò leo dây, múa rối trên đầu gậy, lại có người cởi trần đóng khố vải nhảy nhót hò reo. Đàn bà để chân trần uốn éo mười ngón tay đứng múa, hơn mười người con trai đều cởi trần khoác vai dậm chân vòng quanh mà hát theo. Các hàng, một người giơ tay thì mười mấy người cùng giơ tay, bỏ tay xuống cũng vậy. Hát thì có các khúc Trang Chu mộng điệp, Mẫu biệt tử của Bạch cư Dị, Vĩ sinh ngọc tiêu, Đạp ca, Thanh ca v.v..., chỉ than vãn thời thế, rất là buồn thương ai oán, nhưng tản mạn khó hiểu. Đại yến ở trên điện, dàn đại nhạc bày ở phía sau bên dưới giải vũ, nhạc khí và người đều không nhìn thấy, mỗi lần rót rượu thì hô lớn: “Nhạc tấu khúc ... ”, dưới nhà giải vũ liền tấu khúc đó. Ca khúc có Giáng chân long, Nhập hoàng đô, Yến Dao trì, Nhất thanh phong, âm điệu cũng gần với thời cổ, nhưng ngắn ngủi mà thôi”. Và ông nhận định: “Tôi [Lê Quý Đôn] cho đó là nhạc của triều Trần, nay cũng không còn nữa”.
An Nam chí lược 安 南 誌 略 cũng chép lại lời kể trong một ghi chép của Trương Lập Đạo nhà Nguyên sang sứ nước ta thời Trần (năm 1291), trong đó có đoạn: “...Sau đó xuống điện Tập Hiền thết tiệc. Đại nhạc tấu ở dưới điện, còn Tiểu nhạc tấu trên điện”.
Bài thơ Tặng bánh xuân cho Trương Hiển Khanh – sứ thần nhà Nguyên - của vua Trần Nhân tông cũng cho biết triều đình cho múa Giá chi vũ để tiếp sứ giả
Lê Trắc là một nhân vật đương thời từng được tham gia vào các sinh hoạt cung đình kể lại trong An Nam chí lược rằng: “Hàng năm, vào 30 tết, vua ngồi ở cửa Đoan Củng, các quan làm lễ xong xem con hát biểu diễn bách hý (quan linh nhân trình bách hý). Ngày mồng một tết, Sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, phi tần xếp hàng ngồi quanh, quan trong cung đứng trước điện, nhạc tấu ở đại đình (nhạc tấu vu đại đình). Tháng hai khởi dựng Xuân Đài, con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài (Linh nhân trang thập nhị thần ca vũ kỳ thượng) Về nhạc, có trống cơm (phạn cổ ba), vốn là của Chiêm Thành, thân dài, nghiền cơm miết lên giữa mặt trống mà vỗ thì tiếng kêu trong trẻo, hợp với kèn (tất lật), sáo ngắn (tiểu quản), chũm chọe (tiểu bạt), trống lớn (đại cổ), gọi là Đại nhạc, chỉ vua mới được dùng. Hàng tôn thất quí quan, nếu không phải là tế tự thì không được dùng. Còn đàn cầm, đàn tranh, tỳ bà, đàn thất huyền (có thể là đàn không hầu nằm, xin xem chú dẫn ở phần tư liệu), đàn song huyền (có thể là nhị hồ, đàn nguyệt), sáo, tiêu, thì gọi là Tiểu nhạc, sang hèn đều dùng. Nhạc khúc thì có Nam thiên nhạc, Ngọc lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên, Canh lậu trường, không thể chép hết. Có khi dùng thổ ngữ làm thơ phú phổ vào nhạc để tiện ca ngâm, ngụ đủ tình cảm hoan lạc sầu oán. Ấy là tục của nước ta vậy“.
Những tư liệu trên đã cho biết ở thời kỳ này nhạc vũ cung đình rất phong phú, nhạc vũ bản địa và nhạc vũ Trung Hoa được pha trộn trong các chương trình diễn xướng. Một số tên gọi các nhạc khúc là tên gọi quen thuộc của các nhạc khúc từ điệu thời Đường - Tống, và đã được chính Trần Phu xác nhận là “âm điệu cũng gần giống nhạc cổ nhưng chỉ gấp rút hơn mà thôi”. Trần Phu là người thời Nguyên do đó nhạc cổ mà ông ta nói ở đây có thể là âm nhạc thời Đường, song đã được phổ lời Việt vào và có lẽ đã có đôi chút sai lệch do quá trình lưu truyền cộng với sự cải biên pha trộn của các nghệ nhân cho phù hợp với trình độ thẩm mỹ và thị hiếu của người Việt. Như vậy ở thời kỳ này đã có sử dụng nhiều nhạc khúc thời Đường - Tống được điền ca từ bằng thơ phú tiếng Việt. Đặc biệt trình độ biểu diễn khá điêu luyện, “gợi được tình cảm hoan lạc hoặc sầu oán”. Ngoài ra tư liệu còn cho biết tên của một số bản nhạc cung đình thời Trần như Giáng chân long 降 真 龍, Nhập hoàng đô 入 黃 都 , Yến Dao trì 宴 瑤 池 , Nhất thanh phong 壹 清 風 , Nam thiên nhạc 南 天 樂 , Ngọc lâu xuân 玉 樓 春 , Đạp thanh du 踏 青 遊 , Mộng du tiên 夢 遊 仙 , Canh lậu trường 更 漏 長 , và một số khúc hát như Trang Chu mộng điệp 莊 朱 夢 蝶 , Mẫu biệt tử 母 別 子 , Vĩ sinh ngọc tiêu 葦 生 玉 簫 , Đạp ca 踏 歌 , Thanh ca 青 歌 . Lê Trắc còn cho biết nhạc khúc rất nhiều, không thể chép hết.
Kiến văn tiểu lục cũng cho biết một số điệu hát thời Trần được lưu truyền đến thời Lê sơ như đàn hát Nghênh tiên 迎 仙 , Xướng tầng 唱 層 (Tiểu kiều dương câu ba câu bảy), Hát trai (Dương luật 陽 律 ), Hát gái (Âm luật 陰 律 ). Rồi hát Phượng tài 鳳 裁 , Bát đoạn cẩm 八 斷 錦 , Hà tây chiết liễu 河 西 折 柳 , Vãn vỉa 輓 為 , Hà nam 河 南 , Quất dương trường 橘 楊 長 v.v ...Chỉ nam ngọc âm 指 南 玉 音 cũng nói đến Hát gái (Tiểu kiều dương 小 橋 陽 ) Hát trai (Dương luật xướng 陽 律 唱 ) Ngũ vận 五 韻 (Nữ thanh giang 女 青 江 ) Hát thày (Hà nam 河 南 ) Hát rối (Thượng hạ xá 上 下 舍 ).
Về tổ chức dàn nhạc thì An Nam chí lược cho biết ở thời Trần, dàn nhạc cung đình có Đại nhạc 大 樂 và Tiểu nhạc 小 樂 . Đại nhạc gồm Trống cơm (Phạn cổ ba 飯 古 波), kèn (tất lật 毖 篥), sáo ngắn (tiểu quản 小 管), chũm chọe (tiểu bạt 小 鈸), trống lớn (đại cổ 大 鼓). Còn Tiểu nhạc gồm đàn cầm 琴, đàn tranh 箏, đàn tỳ bà 琵 琶 , đàn thất huyền 七 絃 琴 , đàn song huyền 雙 絃 琴 , sáo 笛 , tiêu 簫 .
Tham khảo thêm trong Chỉ Nam ngọc âm - tác phẩm cuối thời Trần - có thể biết nhạc khí trong cung đình đến thời Trần đã hết sức phong phú, bao gồm các nhạc khí của người Việt sáng tạo và nhạc khí ngoại lai như: Trống cơm (Phạn cổ ba / Yết cổ), Kèn (Thiết địch), Sáo ngắn (Tiểu quản, thổi dọc), Chũm chọe (Tiểu bạt), Trống lớn (Đại cổ), Đàn cầm, Đàn tranh (Chu huyền), Tỳ bà (Long thủ), Đàn thất huyền (có thể là Không hầu nằm), Đàn song huyền (Có thể là Nguyệt), Đàn bầu (Nhất huyền / Độc huyền / Huyền lô), Trống cù (Lôi môn, trống treo lớn), Bông la (Trượng cổ), Tiêu (Trúc Tiêu), Sáo (Trúc địch), Thuần vu ( nhạc khí bằng đồng, giống quả chuông nhưng trên to dưới nhỏ, có núm treo, gõ để phối hợp với trống), Cồng la, Phách (Phách bản), Sênh (Ngọc chấn), Tu hú đất (Nhã huân), Sáo đôi ( Nhã trì), Nhị hồ (Hồ cầm), Tu hú trúc dài (Sa tụng huân)
Về cây đàn bầu, Trần Phu trong Sứ Giao châu tập gọi là Độc huyền, Trần Văn Khê ở mục viết về đàn bầu trong sách Du ngoạn trong truyền thống âm nhạc Việt Nam ngờ rằng chưa chắc đó là tiền thân của cây đàn bầu sau này. Tuy nhiên sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa đã dùng chữ Hán là 弦 蘆 (Huyền lô) để chỉ cây đàn này và chú âm Nôm là 彈 保 (Đàn bầu), mà theo chữ Hán, “蘆 Lô” là hồ lô tức quả bầu, “弦 Huyền“ là dây đàn. Vậy, việc cây đàn này có mặt từ thời Trần là không còn nghi ngờ gì nữa.
Về múa, đặc biệt ở thời Trần vẫn bảo lưu lối múa Hồ vũ thịnh hành ở thời Đường. Toàn thư chép: “Niên hiệu Thiệu Long năm thứ 11 (1268), đời vua Thánh tông, mùa đông tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang đùa vui trước mặt Thượng hoàng. Thượng hoàng đang mặc chiếc áo bằng bông gạo màu trắng, Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ (Hồ nhân vũ 胡 人 舞 ), Thượng hoàng cởi áo ban cho. Vua cũng múa điệu múa của người Hồ để xin”.
Tư liệu này nhắc đến Hồ vũ, đồng thời còn cho biết vua quan hoàng tộc nhà Trần thích và thạo múa Hồ vũ. Hồ vũ - theo các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Trung Quốc - là lối múa của dân tộc vùng Tây Vực, được truyền nhập vào Trung Quốc rồi truyền sang nước ta vào thời Đường. Hồ vũ là vũ đạo dân gian Tây Vực bao gồm vũ đạo của các dân tộc thiểu số Tân Cương, vũ đạo dân gian Udơbec và Ấn Độ. Phong cách của Hồ vũ phóng khoáng sảng khoái vui vẻ, rất thích hợp với phong thái ung dung đại lượng và tinh thần văn hóa thời Đường, do đó Hồ nhạc Hồ vũ truyền vào Trung Quốc rất nhanh. Ở thời Đường nơi nơi đều múa Hồ vũ. Hồ toàn vũ 胡 旋 舞 xoay chuyển nhanh, vừa làm cho người biểu diễn thích thú, cũng làm cho người đứng xem thích thú, Hồ đằng vũ 胡 騰 舞 sở trường về nhảy cao nhảy dài, làm mọi người kinh ngạc.
Ngoài ra bài thơ Tặng bánh xuân cho sứ thần Trương Hiển Khanh của vua Nhân tông cũng nhắc đến một điệu Hồ vũ nữa là Giá chi vũ. Giá chi vũ 柘 枝 舞 cũng là một điệu Hồ vũ được triều đình cho biểu diễn trong dịp tiếp đãi sứ thần. Điệu múa này - theo các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Trung Quốc - vào thời Đường được lưu truyền rộng rãi trong giáo phường, quân doanh và trong nhà các sĩ đại phu. Người biểu diễn mặc áo lụa dài tay chẽn, lưng thắt giải lụa điều, chân đi hài thêu, đầu đội mũ uốn vành, đeo lục lạc, tư thế vừa mềm mại vừa mạnh mẽ, giàu sắc thái Trung Á. Hồ đằng, Hồ toàn và Giá chi đều do nữ kỹ ca múa, chúng được đưa vào cung đình, trở thành những tiết mục quan trọng trong những dịp yến hội lớn.
Không chỉ vậy, tư liệu về thời kỳ này còn cho biết có một số lối múa khác. Kiến văn tiểu lục và Khảo giáo phường thức 考 教 坊 式 nói đến múa Dương án ma 陽 按 磨 (tục gọi là Múa trai), Âm án ma 陰 按 磨 (tục gọi là Múa gái), Bát đoạn cẩm, Tam túc vũ 三 足 舞 , Bào lão 胞 老 , Đạp vũ ca (tục gọi là Sông thao bồ đề), Giao vũ 交 舞 , Bắc vũ 北 舞 , Múa bát. Chỉ nam ngọc âm cũng nhắc đến Múa tiên 某 仙 (Thiên tiên cách 天 仙 格 ) Múa chàng 某 撞 (Tam túc cách 三 足 格 ), Múa lưỡng 某 兩 (Khánh thọ bảo thần 慶 壽 保 神 ), Múa nhởn 某 眼 (Nghênh tiên vũ 迎 仙 舞 ) và Bắc vũ 北 舞. Đặc biệt trong những lối múa này có nhiều điệu mang màu sắc đạo giáo.
Chẳng hạn về Dương án ma, Âm án ma, sách Khảo giáo phường thức miêu tả như sau: Cách Nam án ma vũ, Trước tiên bày bùa ngũ phương, thắt lưng thắt về bên trái, cầm ấn tam tài. Nhất bái thiên, nhị bái địa, tam bái thần. Ngón cái của tay trái áp vào tay phải ấn thập nhị thì thần (12 giờ) gồm Tý Sửu Dần Mão v.v. Giờ Tý, hai tay vỗ cùng hai bên; giờ Sửu, hai tay co lại; giờ Dần, tay phải nắm lấy cổ tay trái; giờ Mão xoa tóc; giờ Thìn, tay phải chắp vào bụng; giờ Tỵ, chắp vào sườn bên phải, hướng tay phải theo sở nguyện; giờ Ngọ, ngón trỏ chỉ lên trời; giờ Mùi, hai tay hướng ra trước mà nâng; giờ Thân, xoa từ đỉnh đầu đến thắt lưng; giờ Dậu, hai tay xoa rốn; giờ Tuất, tay phải xòe ra, hai chân nhảy một cách thảnh thơi; giờ Hợi, ngồi xuống nhảy lên. Cách Nữ án ma vũ: Đào mặc áo đỏ áo tía, uốn ngón tay mà múa, tay tả vẫy bách phúc nhập tả, tay hữu tống chư tai xuất hữu. Có thể thấy ngay ở đây dấu ấn thuật dưỡng sinh của Đạo giáo. Án ma vũ nguyên là thuật dưỡng sinh kiện thân của Đạo gia, có hai loại văn và võ. Loại văn thuộc về công phu tĩnh tọa án ma (xoa bóp) để dẫn khí lưu thông. Hai điệu múa Án ma vừa trình bày ở trên có lẽ là Án ma vũ của Đạo giáo được đạo sĩ Trung Quốc truyền sang nước ta rồi diễn biến thành múa âm dương dành cho cả nữ và nam. Hoặc như Bào lão cũng nguyên là tiết mục của hý kịch thời Tống, tiết mục này ở Trung Quốc diễn viên mặc quần áo hoa nhũ, vẽ mặt xõa tóc, miệng nhe răng sói, phun khói lửa như hình dạng quỷ thần, đeo thanh la nhảy múa tiến lui, mang tính chất diệt quỷ trừ tà.
Ở thời Trần loại hình tuồng tích cổ (古 傳 戲 cổ truyện hý) vốn là hình thức tạp kịch rất phổ biến vào thời Nguyên bắt đầu được du nhập vào nước ta. Toàn thư có chép một tư liệu rất hay về chuyện này, đó là vào niên hiệu Đại Trị năm thứ 5 (1362), “Mùa xuân tháng giêng, lệnh cho các nhà vương hầu công chúa dâng các trò tạp hý 雜 戲 , vua duyệt định trò nào hay thì thưởng cho“. Đồng thời chú rằng: “Trước kia, khi đánh Toa Đô, bắt được con hát là Lý Nguyên Cát rất giỏi hát. Bọn nô tỳ trẻ trong các nhà thế gia tập hát theo lối Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở tuồng tích cổ, có các tích như Tây phương Vương mẫu hiến bàn đào. Trong tuồng có các tên gọi như Quan nhân 官 人 , Chu tử 朱 子 , Đán nương 旦 娘 , Sửu 丑, nô 奴 v.v..., gồm 12 người, mặc cẩm bào, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn, vỗ tay, gõ phím náo nhiệt [...], thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui, nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đó”.
Tư liệu quý giá này không chỉ cho biết thời điểm nghệ thuật tạp kịch thời Nguyên được truyền sang nước ta, mà còn cho biết khá rõ hình thức biểu diễn này lúc đầu được các gia nô trong gia đình quý tộc tập theo biểu diễn cho gia chủ xem, rồi dần hình thành ban gia nhạc có các vở diễn riêng. Vở diễn được chia theo màn lớp (thay đổi nhau ra vào), với nhiều vai diễn khác nhau, diễn xuất thuần thục, nội dung lôi cuốn, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Sách Lịch sử con hát dẫn rằng: Vương Ký Đức đời Minh trong Khúc luật , Cước sắc từng nói “Nam hý hiện nay có Chính sinh, Cân sinh, Chính đán, Thiếp đán, Lão đán, Tiểu đán, Ngoại, Mạt, Tịnh, Vũ, Sửu, Tiểu sửu, cộng mười hai người”. Như vậy tạp kịch được biểu diễn tại nước ta là theo dòng Nam hý 南 戲 , cũng gồm 12 người, gọi là Quan nhân, Chu tử, Đán nương, Sửu, Nô v.v... Toàn thư không cho biết đủ cả 12 tên gọi và tên gọi có hơi khác so với tư liệu trong Lịch sử con hát, song có thể nhận thấy ở đây phần nào dấu ấn cách gọi diễn viên của hý kịch Trung Quốc. Tư liệu sách Lịch sử con hát dẫn là tư liệu thời Minh, có thể cách gọi này đến thời Minh đã diễn biến khác đi so với thời Nguyên, ở nước ta bảo lưu được cách gọi cổ hơn, hoặc cũng có thể khi sang nước ta đã được đổi gọi khác đi.
Cũng tư liệu từ Toàn thư cho biết, ngay sau khi được du nhập, tuồng tích đã trở thành loại hình nghệ thuật rất được giới quý tộc ưa chuộng. Chiêu Minh vương Trần Nhật Duật thường xuyên mở rạp hát tuồng trong nhà. Mẹ của Dương Nhật Lễ từng được gọi là Vương Mẫu vì nổi tiếng trong vai diễn này.
Ở thời Trần, Tá thánh Thái sư Chiêu Minh vương Trần Nhật Duật - con trai vua Thái tông, em ruột vua Thánh tông nhà Trần - là một nhân vật có nhiều đóng góp cho nhạc vũ cung đình, đặc biệt là nghệ thuật tuồng tích. Toàn thư chép về Nhật Duật dưới hình ảnh một nhân vật kiêu dũng, thông minh, tài hoa, và có cho biết “Những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát cũng do Nhật Duật sáng tác. […] Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở rạp hát tuồng”. Tương truyền ông là người truyền tập lối múa Bát dật có từ thời Tây Chu, với 64 người múa, chỉ dùng vào những dịp đại lễ trong cung đình. Hiện ở Thanh Hóa còn lưu truyền những trò diễn cổ mang dấu ấn cung đình, chẳng hạn như trò Lăng ba khúc vốn là một vũ khúc nổi tiếng ở thời Đường. Phải chăng do Trần Nhật Duật từng trấn giữ Thanh Hóa và thê thiếp của ông đều là người Thanh Hóa mà nhạc vũ cung đình được lưu truyền tại đây?
Thời Trần cho đến thời kỳ trị vì của vua Dụ tông, các nhà Nho được trọng dụng hơn, bắt đầu chú ý đến việc điều chỉnh lễ nhạc cung đình theo chuẩn mực của Nho gia. Tuy nhiên điều này cũng chưa được triều đình hoàn toàn ủng hộ. Năm 1370, Nghệ tông Trần Phủ lên ngôi kế vị Dụ tông, trước tình hình lễ nhạc cung đình bị sửa đổi quá nhiều, đức vua đã phải ban lệnh : Mọi công việc đều theo lệ cũ đời Khai Thái. Và bực bội than rằng: “Triều trước dựng nước có luật pháp chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị (1358 - 1369), bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương... thật không kể xiết”. Bởi thế chính sự đầu thời Nghệ tông đều theo đúng đời Khai Thái.
Tuy nhiên tư tưởng Nho gia về lý luận âm nhạc và vai trò của âm nhạc trong chính sự vẫn in đậm trong hai bài phú cuối thời Trần là Quan Chu nhạc phú 觀 周 樂 賦 và Hoàng chung vạn sự căn bản phú 黃 鍾 萬 事 根 本 賦 .
Hoàng chung vạn sự căn bản phú viết về nhạc luật Hoàng chung và coi đây là gốc của chính sự. Luật Hoàng chung là luật đầu tiên của Thập nhị luật theo lý luận âm nhạc cổ điển Trung Quốc, là âm cơ bản, âm gốc dùng để định trường độ của âm thanh. Bài phú nhấn mạnh vai trò của âm nhạc trong cai trị, coi âm nhạc là gốc của chính sự. Tư liệu này không chỉ thể hiện quan điểm về âm nhạc của Nho gia mà còn cho thấy sự am hiểu nhạc luật cổ điển của trí thức thời Trần lúc bấy giờ. (Xin xem phần tư liệu)
Quan Chu nhạc phú cũng cùng một tinh thần như vậy với những câu: “Xét âm nhạc mà biết chính sự. Thế mới biết, lấy đức xem nhạc, hiền giả ra công; Ngoài nhạc tìm đức, thế tục ai thông. [...]. Ngày nay, vua trên thánh triết, vận nước hanh thông, chế độ hưng thịnh, ổn định thành công. Bỏ nhạc dâm để dùng nhã nhạc, hòa trăm họ để cảm thần thông.
Qua đó có thể thấy quan niệm chỉ dùng chính nhạc không dùng dâm nhạc của Nho gia bắt đầu được chú ý từ thời kỳ này, thể hiện rõ tư tưởng coi nhạc là công cụ để giáo hóa. Tư tưởng này sang đến thời Lê đã trở thành tư tưởng chủ đạo khi sửa định lễ nhạc, điều đó khiến cho nhạc vũ cung đình từ thời Lê sơ bắt đầu mang một diện mạo mới.
Nhìn chung, nhạc vũ cung đình thời Lý - Trần phát triển khá rực rỡ với đầy dủ các loại hình ca, múa, nhạc và sân khấu cùng với nhiều thể loại nhạc cụ. Có nhiều dấu vết cho thấy sự tiếp thu nhạc vũ phương Bắc - loại nhạc vũ được du nhập, bảo lưu ở nước ta từ thời Bắc thuộc và phần nào đã được Việt hóa - trong đó bao gồm cả nhạc vũ Đạo giáo và Phật giáo. Phạm Đình Hổ sau khi bàn về lịch sử âm nhạc Trung Quốc cũng cho rằng, “Thời Lý - Trần, quốc nhạc cũng truyền tập theo nhạc ấy (chỉ nhạc vũ phương Bắc)”. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của nhạc vũ Chiêm Thành và chưa bị gò bó nhiều vào lễ giáo Nho gia.
Nhạc cụ cung đình thời Lý - Trần đã khá hoàn thiện, không khác nhiều so với thời kỳ sau. Nhạc khúc phong phú, tiếng Việt được sử dụng để sáng tác ca từ phổ vào nhạc khúc.
Đặc biệt lối múa thời Lý - Trần còn cho thấy bấy giờ có những vũ điệu độc lập chỉ thuần túy biểu hiện vẻ đẹp thông qua hình thể và tư thế động tác của con người, với những vũ công để trần và vũ nữ ăn mặc không quá kín đáo, điều không thể thấy được trong nhạc vũ cung đình các đời sau.
Nghệ thuật tuồng tích du nhập, được ưa thích và được phát triển nhờ vai trò của vua quan quý tộc nhà Trần.
3. Nhạc vũ cung đình thời Lê
Gần nửa thế kỷ, từ nhà Trần suy thoái, đến nhà Hồ soán ngôi cùng ngót 20 năm chịu sự nô dịch của nhà Minh với dã tâm xóa bỏ hoàn toàn Đại Việt, nên sau khi đánh đuổi xong quân Minh lên nắm quyền cai trị đất nước, nhà Lê dường như phải thiết lập lại toàn bộ tổ chức nhà nước cũng như trật tự xã hội. Do chủ trương xây dựng một nhà nước hướng Nho nên tổ chức nhà nước và thiết chế triều đình theo xu hướng coi trọng lễ nhạc triều nghi của Nho gia đã được nhà Lê áp dụng như một tất yếu.
Lễ nhạc của Nho gia là những phạm trù chính trị và luân lý, có tác dụng quản lý quốc gia, ổn định xã tắc, giữ gìn trật tự xã hội, mang ý nghĩa trị quốc an bang. Thiên Nhạc ký sách Lễ ký viết: Lễ để hướng dẫn chí hướng, nhạc để hòa hợp âm thanh (Lễ dĩ đạo kỳ chí, nhạc dĩ hòa kỳ thanh). Lễ là để quy định hành vi của con người, nhạc là để hòa đồng. Nhạc là một trong lục nghệ được Nho gia giảng tập để đào tạo nhân cách. Nho gia quan niệm đại nhạc hòa đồng cùng trời đất, là công cụ quan trọng để giáo hóa, nhạc có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển xã hội, với tư tưởng tình cảm của con người, nhạc chính là Đức. Những điều đó cho thấy địa vị quan trọng của Nhạc trong học thuyết chính trị xã hội của Nho gia. Nhạc, đặc biệt là nhạc vũ cung đình, thể hiện tầm tư tưởng, thể hiện cái đức của mỗi vương triều, nghe nhạc có thể biết được chính trị của vương triều. Sau mỗi lần thay đổi triều đại, làm nhạc là việc lớn của nhà cầm quyền.
Chính vì vậy ngay khi mới nắm quyền cai trị, nhà Lê đã chú ý sửa định lễ nhạc. Thái tổ Lê Lợi ngay từ đầu đã sai Nguyễn Trãi định lễ nhạc nhưng chưa kịp làm thì đức vua qua đời. Thái tông Lê Nguyên Long sau khi lên ngôi (1433), vào tháng giêng niên hiệu Thiệu Bình năm thứ tư (1437) đã ban lệnh sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí và dạy tập nhạc múa. Câu chuyện cuộc tranh cãi giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng về quy chế lễ nhạc vào năm Thiệu Bình thứ 3 (1436) là minh chứng về sự quan tâm của triều đình đối với lĩnh vực này. Có lẽ đây là một sự kiện quan trọng nên sử quan đã chép rất rõ và khá khách quan (Xin xem phần tư liệu).
Theo Toàn thư, ngay sau khi được sai sửa định lễ nhạc, Nguyễn Trãi đã dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng: “Phàm, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay hưng khởi lễ nhạc là rất đúng lúc. Song không có gốc thì không thể gây dựng, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc không dám không gắng hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong lĩnh vực thanh luật khó làm cho được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, khiến cho xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không làm mất cái gốc của nhạc vậy”. Vua đã khen ngợi và cho thợ làm khánh đá theo mẫu của ông. Bốn tháng sau, do quy chế của Lương Đăng và Nguyễn Trãi định ra phần nhiều không hợp nhau, những chỗ bàn về số lượng và trọng lượng các nhạc khí có nhiều điều trái nhau cho nên Nguyễn Trãi xin thôi. Ngay sau đó Lương Đăng dâng thư trình bày dự định của mình, vua nghe theo, sai Lương Đăng định ra quy chế, trong đó về nhạc thì có nhạc tế giao, nhạc tế miếu, nhạc tế ngũ tự, nhạc cứu hộ nhật thực nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc cửu tấu khi đại yến, nhạc dùng trong cung...Vua chấp nhận và làm theo. Khi yết Thái miếu bãi trò diễn tuồng, không tấu nhạc dâm nữa. Đến tháng 9, Lương Đăng - lúc này đã kiêm thêm chức Tri điển nhạc sự - dâng nhạc mới mà theo sử gia là do ông và Nguyễn Trãi cùng soạn thảo. Theo quy chế này, nhạc cung đình được chia thành hai ban là nhạc Đường thượng tấu trên nhà và nhạc Đường hạ tấu dưới sân. Nhạc Đường thượng có 8 loại thanh âm như trống treo lớn, khánh dàn, chuông dàn, cùng các loại đàn cầm, đàn sắt, sinh, tiêu, quản thược, chúc, ngữ, huân, trì. Nhạc Đường hạ thì có phương hưởng treo, không hầu, tỳ bà, quản cổ, quản địch.
Là một trí thức Nho học lại sâu sắc về tư tưởng Lão - Trang, vì vậy đối với Nguyễn Trãi, âm nhạc tuyệt vời nhất là âm nhạc hòa nhân luân của Nho gia và thiên lại (sáo trời) của Đạo gia, đó chính là thanh âm yên bình nơi thôn xóm, là âm hưởng của thiên nhiên, của đất trời cùng thổi nên, là một cảnh giới đại hài hòa. Với mong muốn tạo dựng một chế độ lễ nhạc lý tưởng trên cơ sở một xã hội trật tự trong lễ giáo Nho gia, bằng một thái độ kiên quyết, Nguyễn Trãi đã nhắc nhở vua: Lễ đâu chỉ là ngọc lụa, nhạc đâu chỉ là chuông khánh , chớ làm nhạc một cách hình thức, mà nên thực sự phát huy ý nghĩa sâu xa của lễ nhạc trong chính trị. Do ý thức rõ vai trò của lễ nhạc trong chính trị nên Nguyễn Trãi muốn chờ có được những người thực sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này tham gia mới soạn thảo quy chế. Song đáng tiếc là ông đã không thực hiện được hoài bão của mình, bởi những mâu thuẫn quyết liệt giữa những thế lực trong triều đình, mà có lẽ sự đối đầu trong việc soạn định quy chế về lễ nhạc này đã là giọt nước làm tràn ly khiến cho số phận của Nguyễn Trãi - chính trị gia hàng đầu trong lịch sử Việt Nam - có một kết cục bi thảm!
Tuy nhiên, qua việc thực hiện yêu cầu thiết lập quy chế nhạc cung đình của triều đình thời kỳ này, có thể thấy, đây là thời kỳ nhạc vũ cung đình được tổ chức quy mô rõ ràng, các loại nhạc được trình tấu đúng theo từng nghi lễ, “không dùng nhất loạt”; dàn nhạc lớn với nhiều nhạc khí sang trọng chưa thấy xuất hiện trước đó như biên chung, biên khánh, cầm, sắt, chúc, ngữ, phương hưởng, không hầu. Có lẽ nhờ vậy mà ở thời kỳ này nhạc vũ cung đình đã có những hoạt động xứng tầm, với hai điệu văn vũ và võ vũ có quy mô lớn là Bình Ngô phá trận và Chư hầu lai triều được sử sách ghi nhận. Toàn thư chép, thời vua Nhân tông Lê Bang Cơ, vào niên hiệu Thái Hòa năm thứ 7 (1449), “mùa xuân tháng giêng, ban yến cho các quan, múa nhạc Bình Ngô phá trận”. Lại vào niên hiệu Diên Ninh năm thứ 3 (1456), ngày 15 tháng 2, “vua thân dẫn bá quan bái yết sơn lăng, đánh trống đồng, quân lính hò reo hưởng ứng. Về nhạc, võ thì múa điệu Bình Ngô phá trận, văn thì múa điệu Chư hầu lai triều”.
Mặc dầu vậy quy chế nhạc vũ cung đình ở thời vua Thái tông cũng chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn bởi sang đến thời vua Thánh tông, tổ chức nhạc vũ cung đình đã khác nhiều. Theo điển chế thời Lê được chép trong Thiên Nam dư hạ tập 天 南 餘 暇 集 thì từ thời Lê Thánh tông, các cơ quan biểu diễn nhạc vũ thuộc triều đình gồm có Thự Đồng văn 同 文 署, Thự Nhã nhạc 雅 樂 署, Ty Giáo phường 教 坊 司, Sở ca vũ 歌 舞 所, Sở hý thuật 戲 術 所. Các cơ quan này đều là nha môn sở thuộc Thái thường tự 太 嘗 寺. Ty giáo phường có các chức Ty chính 司 正 hàm Chánh bát phẩm 正 八 品 , ty phó 司 副 hàm Tòng bát phẩm 從 八 品 . Các thự các sở đều có các chức Thự chính, Thự phó, Sở chính, Sở phó. Ngoài ra trong cung đình còn đặt Cục nhạc khí 樂 器 局 , chuyên sản xuất nhạc cụ cho cung đình, trực thuộc Giám Ngự dụng 御 用 監 của Sở Bảo nguyên doanh tạo ở bộ Công. Chính sách lương lộc đối với những người trực tiếp làm việc tại các cơ quan này cũng được quy định hết sức rành mạch. Chế độ Điền lộc thời Lê quy định các ban hát xướng diễn trò của Thự Đồng văn Nhã nhạc được ruộng năm phần rưỡi, người hát xướng diễn trò được ruộng bốn phần rưỡi.
Phạm Đình Hổ cho biết kỹ hơn rằng, thời Lê sơ, dưới sự chỉ đạo của vua Lê Thánh tông, các đại thần đương triều là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh đã “tìm tòi thanh luật đất Trung châu (Trung Quốc) để hoàn bị âm nhạc nước nhà, chia đặt hai thự Đồng văn, Nhã nhạc. Đồng văn chủ về âm luật mà Nhã nhạc thì lấy tiếng hát làm trọng, đều lệ thuộc vào Thái thường. Còn âm nhạc ở chốn dân gian thì đặt ty Giáo phường để nắm giữ. Nhã nhạc và tục nhạc có phân biệt thứ bậc, không hỗn tạp với nhau”. Ngoài ra ông còn cho biết thêm, thời Lê sơ âm nhạc dùng trong quân đội có kỵ sĩ thổi kèn đánh trống, chia ra lệ thuộc vào các vệ và quan Bả lệnh ngũ quân.
Như vậy bắt đầu từ thời Hồng Đức, tổ chức nhạc vũ cung đình gồm có Đồng văn Nhã nhạc chuyên trách nhạc lễ; có ty Giáo phường chuyên trách tục nhạc, đều lệ thuộc Thái thường tự - cơ quan chuyên trách lễ nhạc cung đình; có đội Bả lệnh chuyên trách quân nhạc, do quan Bả lệnh ngũ quân nắm giữ.
Về nội dung diễn xướng, Hai thự Đồng văn và Nhã nhạc chuyên trách nhạc vũ triều nghi, là loại âm nhạc điển nhã thuần chính, chỉ trình diễn vào những dịp long trọng như tế giao, tế miếu, thánh tiết, triều hạ, yến hưởng. Thự Đồng văn chủ về âm nhạc còn thự Nhã nhạc chủ về tiếng hát. Nhạc chương cho loại nhạc này thường là những câu thơ Hán ngữ bốn, năm, bảy chữ. Chính Lê Thánh tông từng làm ra Quỳnh uyển cửu ca, gồm 9 nhạc chương trình diễn trong cung là: Phong niên, Quan đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiền, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân, Mai hoa, đều là những bài thất ngôn luật. Riêng Ty Giáo phường là cơ quan chuyên nắm giữ tục nhạc, là nơi thu thập, chỉnh lý biểu diễn và truyền bá nhạc vũ dân gian. Kiến văn tiểu lục và Khảo giáo phường thức cùng ghi lại quy định của bộ Lễ về chương trình khảo thí và diễn xướng của giáo phường thời Lê sơ mà Lê Quý Đôn cho là nhạc vũ thời Trần (Xin xem phần tư liệu). Điều đó cho thấy nội dung diễn xướng trong cung đình thời Lê sơ do ty Giáo phường thu thập vẫn bảo lưu một số hoạt động nhạc vũ thời Trần. (Hầu như toàn bộ những gì được ghi chép ở đây đều không có trong nội dung biểu diễn của Giáo phường sau này mà chúng ta được biết).
Từ sau khi nhà Lê trung hưng, cùng với sự đi lên của nền kinh tế, hoạt động nhạc vũ trong dân gian trở nên hết sức sôi nổi, nhu cầu thưởng thức của nhân dân, đặc biệt là trong tầng lớp quan lại và nhà giàu ở khu vực kinh đô Thăng Long rất lớn, do đó Giáo phường dân gian thời kỳ này hoạt động hết sức rộng rãi. Trong các dịp lễ tết dân gian và các hoạt động tôn giáo ở các đình chùa quán, các đám cưới đám tang, lễ khao lễ vọng ở tư dinh của các nhà quyền quý, ở nhà riêng của dân gian đều có sự góp mặt của Giáo phường, vì vậy lợi lộc Giáo phường thu được không nhỏ, có lẽ do đó mà giáo phường được kích thích phát triển tràn lan. Giáo phường thời kỳ này bao gồm trong nó rất nhiều hình thức biểu diễn dân gian phong phú, nhiều hình thức ca nhạc trò diễn mới được hình thành, người làm nghề trong Giáo phường cũng rất đông. Các xứ, phủ, huyện đều có tổ chức giáo phường. Tại kinh đô Thăng Long có nhiều Giáo phường hoạt động. Triều đình cũng đặt chức quan nắm giữ các Ty giáo phường. Sách Lê triều hội điển 黎 朝 會 典 cho biết: Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư (1718) đặt 6 cung thuộc bộ Hộ chịu trách nhiệm trưng thu thuế và cấp phát lương lộc cho các nơi. Tri Giáo phường Nghệ An thuộc cung Tả trưng, thu tiền cửa đình xứ ấy và phát ngụ lộc cho Giáo phường; Tri Giáo phường Thanh Hoa thuộc cung Hữu trưng, thu tiền cửa đình xứ ấy, phát ngụ lộc cho giáo phường, cũng như vậy có Tri giáo phường Hải Dương, Tri giáo phường Sơn Nam, Tri giáo phường Sơn tây và Tri giáo phường Kinh Bắc, như vậy mỗi xứ đều có cơ quan nắm giữ về giáo phường gọi là Tri giáo phường 知 教 坊 , chịu trách nhiệm quản lý thu thuế cửa đình và cấp phát ngụ lộc cho giáo phường. Sự phát triển mạnh mẽ đó của giáo phường dân gian đã ảnh hưởng mạnh vào nhạc vũ cung đình. Nếu ở thời Lê sơ âm nhạc dân gian bị giới hạn, thậm chí có lúc bị bãi bỏ hoàn toàn trong hệ thống nhạc vũ cung đình thì ngược lại ở thời Lê - Trịnh lại tràn vào cung phủ khiến nhã nhạc tục nhạc không còn có phân biệt thứ bậc như ở thời Lê sơ nữa. Ty giáo phường lúc này phụ trách nhạc vũ yến hội trong cung phủ. Trong các đại lễ không chỉ có Đồng văn Nhã nhạc mà có cả ty Giáo phường tham gia. Phạm Đình Hổ cho biết: “Từ lễ tế giao, tế nhà miếu, lễ triều hạ... thảy thảy đều dùng một thứ nhạc ấy (nhạc giáo phường)”. đồng thời ông cũng nhận xét: “Âm nhạc trong cung so với giáo phường thì đại đồng tiểu dị […], Tiếng hát trong cung diễm lệ uyển chuyển, thanh nhã hơn giáo phường nhưng âm luật cũng không khác lắm”. Qua đó có thể thấy nhạc vũ giáo phường dân gian được giáo phường cung đình thu dụng và nâng cao lên về mặt nghệ thuật .
Thời Lê – Trịnh quyền hành về tay phủ chúa, tuy nhiên để giữ lễ, phủ chúa không sử dụng Đồng văn Nhã nhạc. Bởi phủ chúa nắm giữ quân đội nên đội Bả lệnh - vốn là cơ quan âm nhạc dùng trong quân từ thời Lê sơ – đến thời kỳ này trở thành cơ quan chuyên trách âm nhạc bên phủ chúa. Phạm Đình Hổ cho biết: “ Đội Bả lệnh nắm giữ việc âm nhạc trong phủ chúa và các tư gia. Quan phủ có việc cần đến hoặc các việc tang tế trong dân gian đều do đội Bả lệnh làm. Nhạc công ở thự Đồng văn, nếu không có đặc chỉ thì không được dùng đến”.
Qua những thông tin trên có thể thấy ở thời Lê - Trịnh tổ chức nhạc vũ cung đình có Đồng văn Nhã nhạc dùng bên cung vua và chỉ dùng vào những dịp đại lễ, có Đội Bả lệnh dùng bên phủ chúa, và đặc biệt ty Giáo phường thời kỳ này trở thành cơ quan chính yếu chuyên trách nhạc vũ trong cung phủ, chương trình và phạm vi biểu diễn rất rộng.
Về nhạc khí, nếu ở thời Lê sơ, dàn đại nhạc trong cung đình nặng về mô phỏng dàn nhạc cung đình nhà Minh, tuy sang trọng nhưng có phần kém phong phú, thì sang đến thời Lê - Trịnh đã được bố trí với khá nhiều nhạc cụ dân gian được cung đình hóa bằng chạm vẽ rồng mây, sơn son thếp vàng. Điều này Phạm Đình Hổ đã có ghi chép rõ trong Vũ trung tùy bút rằng: “Những thứ dùng trong hai thự Đồng văn và Nhã nhạc có trống Ngưỡng thiên lớn (仰 天 大 鼓 Ngưỡng thiên đại cổ), các loại kèn sáo lớn bằng trúc bằng đồng, Long sênh 龍 笙 , Long phách 龍 拍 , các loại đàn ba, bốn, bảy, chín, mười lăm dây (Tam tứ thất cửu thập ngũ huyền cầm), Sáo (笛 管 Địch quản), Trống mặt đơn (Đơn diện cổ), Trống sơn son thếp vàng tang mỏng, Phách xâu tiền (串 錢 拍 Quán tiền phách)”. Nhạc cụ của Giáo phường cung đình ngoài những loại giống với giáo phường dân gian như Tiêu (Trúc địch), Trống cơm