Arendt biết rõ niềm tin dân gian vào « kẻ mạnh », kẻ có thể một mình chống lại tất cả và nuôi dưỡng sức mạnh của mình trong sự đơn độc. Theo bà, niềm tin đó là một sự mê tín đầy ảo tưởng dựa trên quan niệm coi con người như những vật liệu, chất liệu. Arendt bác bỏ niềm tin đó bằng cách lập luận rằng lịch sử đã cung cấp vô số ví dụ về sự bất lực của những kẻ mạnh đơn độc, về những con người siêu đẳng nhưng lại thất bại trong việc huy động sự hợp tác của người khác để cùng hành động.
Khi phân tích các động từ Hy lạp và La tinh liên quan đến nghĩa « hành động », Arendt phát hiện ra mỗi hành động có thể chia làm hai giai đoạn : nó được bắt đầu bởi một cá nhân nào đó, và nó được thực hiện và hoàn thành nhờ sự cộng tác của nhiều người khác ; hành động có thể đi đến cùng, đạt tới kết quả là nhờ sự hợp lực của nhiều người. Qua phân tích này, Arendt chỉ ra có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa người phát minh sáng kiến, người dẫn dắt, và những cộng sự, những người cộng tác với anh ta. Sự cộng tác này tạo cơ hội cho tất cả cùng hành động. Nhưng cũng chính điều này là nguyên nhân khiến hành động trở nên bấp bênh.
Tính chất bấp bênh của hành động là ở chỗ : « bởi vì người hành động luôn thực hành giữa những người hành động khác và trong tương quan với người khác, nên anh ta không bao giờ chỉ đơn thuần là một người hành động, mà đồng thời là một người bệnh (patient). Hành động và chịu đựng giống như hai mặt của một tấm huân chương, và câu chuyện do một hành động khởi đầu được cấu thành từ những sự kiện và những nỗi đau khổ»[2]. Như vậy, Arendt nhìn thấy là người hành động phải chịu đau đớn, giống như một bệnh nhân vậy. Hành động đòi hỏi phải hợp tác với người khác, vì thế phải chịu đựng những nỗi đau khổ có thể nảy sinh trong quá trình hợp tác này. Bởi vì hành động luôn kéo theo các phản ứng, và các phản ứng tạo ra hậu quả, đôi khi không thể tránh khỏi.
Ngoài ra mọi hành động đều thiết lập các mối quan hệ và do đó luôn có xu hướng phá vỡ giới hạn và vượt lên trên các ranh giới, các quy định đã có. Ở đây Arendt muốn nói đến các giới hạn do luật và các thiết chế thiết lập nên. Sở dĩ các luật và các thiết chế luôn có thể bị phá vỡ, hoặc đòi hỏi phải thay đổi, bởi vì hành động của con người có tính chất vô tận, lúc nào cũng có thể có một hành động mới được thực hiện. Và khi một hành động mới được tiến hành thì các giới hạn cũ bị phá vỡ. Hành động mới dẫn tới chỗ phá bỏ thiết chế cũ để lập nên thiết chế mới.
Tính bấp bênh của hành động còn là ở chỗ : bất kể hành động ở mức độ nào, ở phạm vi nào, với tầm quan trọng nào, thì ý nghĩa của nó cũng chỉ được hiển lộ khi hành động đã kết thúc. Trong lúc hành động đang diễn ra không thể đánh giá hết ý nghĩa của nó. Điều này cũng có nghĩa là hành động chỉ được thể hiện trọn vẹn đối với những người kể lại, đối với các sử gia, tức là những người nhìn lại hành động từ một độ lùi cần thiết, và biết rõ phông nền của hành động hơn là những người trực tiếp tham gia vào đó. Thực tế là : người hành động không biết hết tất cả các khía cạnh mà người kể chuyện nhìn thấy, dù rằng chính anh ta sáng tạo ra hành động. « Cho dù những câu chuyện là kết quả tất yếu của hành động, thì người nhìn thấy và « làm nên » lịch sử không phải là người hành động, mà là người kể chuyện »[3]. Phân tích này của Arendt cho ta thấy vai trò và trách nhiệm lớn lao của những người viết sử.
Giải pháp của người Hy Lạp nhằm khắc phục tính chất mong manh này của hành động là tạo ra cái mà họ gọi là polis, hay cité, tức thành đô. Polis đối với người Hy lạp không phải là thành đô theo nghĩa định vị vật lý, mà đó là nơi người dân tổ chức lại để có thể nói và hành động cùng nhau. Đó là không gian thực sự mở ra giữa những người cùng sống trong mục đích này. Trong niềm tin của người Hy lạp, lời nói và hành động tạo ra cho những người tham gia vào đó một không gian chung, không gian của sự xuất hiện, nơi đó con người thực sự xuất hiện trước người khác : tôi xuất hiện trước người khác và người khác cũng xuất hiện trước tôi. Theo Arendt, không gian này không phải lúc nào cũng tồn tại ; dù rằng mọi người đều có khả năng hành động và phát ngôn, nhưng phần lớn lại không tham gia vào việc này.
Uy lực của hành động
Triết học hành động của Arendt mang lại một nhận thức khác về vấn đề sức mạnh chính trị. Bà phát hiện thấy hành động chính trị tạo ra một thứ uy lực đặc biệt và tập trung mổ xẻ dạng uy lực này. Chúng tôi tạm dịch chữ « puissance » sang tiếng Việt là « uy lực », với ý thức phân biệt nghĩa của từ này với các từ « quyền lực » (pouvoir) và « sức mạnh » (force). Đồng thời còn vì Arendt đặt uy lực (puissance) trong đối sánh với bất lực (impuissance).
Arendt cho rằng yếu tố vật chất duy nhất cần thiết cho việc tạo ra uy lực, đó là sự tập hợp của nhiều người. Sự tập hợp của số đông tạo ra uy lực. Đấy là lý do mà người cổ đại thấy phải tạo ra thành đô, tức là tạo ra một không gian để cho những người có khả năng nói và hành động có thể sống cùng với nhau, tập hợp lại với nhau, cũng tức là tạo ra một cộng đồng chính trị. « Ở những nơi nào con người tập hợp lại với nhau thì họ tạo ra uy lực, nhưng uy lực này không tất yếu, cũng không vĩnh viễn »[4]. Uy lực chỉ tồn tại trong hành động, và chỉ tồn tại cùng với các cộng đồng chính trị. Vì thế mà « điều huỷ hoại và giết chết các cộng đồng chính trị, chính là sự đánh mất uy lực và trở nên bất lực »[5].
Trong quan niệm của Arendt, uy lực gắn với những phương diện tích cực và đẹp đẽ. « Uy lực chỉ được hiện thực hoá khi lời nói và hành động không tách rời nhau, khi từ ngữ không phải là trống rỗng, khi hành động không hung bạo, khi ngôn từ không được dùng để che dấu các ý đồ mà trái lại, để bộc lộ thực tế, khi hành động không dùng để xâm hại và phá huỷ mà dùng để thiết lập các quan hệ và tạo ra những thực tế mới »[6]. Cùng với uy lực mà sự tồn tại của lĩnh vực công cộng được đảm bảo, và nó cũng đảm bảo cho những không gian ngoại tại nơi những người nói và hành động xuất hiện. Không gian ngoại tại là không gian trong đó con người tập hợp lại với nhau để cùng hành động, nó chính là không gian chính trị. Nó xuất hiện sớm nhất, trước mọi cấu trúc hình thức của lĩnh vực công cộng và các mô hình chính phủ.
Arendt phân biệt giữa uy lực và sức mạnh : Sức mạnh là phẩm chất tự nhiên của các cá nhân đơn độc. Còn uy lực bùng phát khi có nhiều người cùng tham gia hành động, và uy lực biến mất khi sự tập hợp số đông không còn nữa. Arendt nhận thấy rằng một nhóm tương đối ít người nhưng tổ chức tốt thì vẫn có thể chế ngự đám đông dân chúng. Và trong lịch sử, không hiếm khi những nước nhỏ và nghèo vẫn có thể chiến thắng các cường quốc giàu có. Trường hợp VN chúng ta trong hai cuộc chiến tranh là một ví dụ. Người VN đã có chính cái uy lực mà Arendt đề cập đến ở đây. Nếu đọc sử cẩn thận thì chúng ta sẽ thấy các lãnh đạo VN thời kỳ đấu tranh giành độc lập ý thức rất rõ về điều này, họ biết cách cùng với cộng đồng tạo ra uy lực tập thể. Họ thực sự là những nhà chính trị, hay những người hành động, theo định nghĩa của Arendt. Còn giờ đây, quá nhiều dấu hiệu cho thấy người VN đang đánh mất uy lực của mình, cả xã hội đang rơi vào một tình trạng bất lực triền miên. [...]. Họ không còn mạnh mẽ tập hợp lại cùng nhau để tạo nên sức mạnh chung của dân tộc như trước đây nữa. Lý do căn bản là họ không còn tìm thấy một mục đích chung. [...].
Arendt cũng phân biệt giữa uy lực và bạo lực. Bà nói rằng một người hoặc một nhóm ít người có thể sử dụng bạo lực để nắm độc quyền quyền lực. Nhưng vấn đề là : bạo lực có thể huỷ diệt uy lực nhưng bạo lực không thay thế được uy lực. Vì thế, hệ quả tất yếu là một nền chính trị sử dụng bạo lực là một nền chính trị không thể có uy lực. Bạo lực đã triệt tiêu uy lực, không chỉ là uy lực của nhân dân mà cả uy lực của bộ máy cầm quyền. Một guồng máy chính trị sử dụng bạo lực là một guồng máy chính trị bất lực. Arendt đưa ví dụ về nền chuyên chế để kết luận rằng « nền chính trị chuyên chế ngăn cản uy lực phát triển, không chỉ trong khu vực tư thuộc phạm vi công cộng, mà trong toàn bộ [xã hội] ; nói cách khác, nền chuyên chế tạo ra sự bất lực cũng tự nhiên như việc những hệ thống chính trị khác tạo ra uy lực »[7].
Sài Gòn, 4/10/2018
[1]Hannah Arendt, Condition de l’homme moderne, Calmann-Lévy, 1961, tr.246.