Vậy là có người như tôi nghĩ rằng không gian xứ Đàng Trong bắt đầu từ Hoành Sơn (Đèo Ngang). Thời gian tính từ năm 1558. Tưởng thế nhưng không phải thế. Đọc Luận án “Xứ Đàng Trong, Lịch sử kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 và 18” của Tiến sĩ Li Tana, tôi mới nhận ra mình nhầm. Nhầm bởi kiến thức tiếp nhận như gà công nghiệp được nhồi toàn một thứ thức ăn sẵn mà tầm nhìn lại không vượt ra khỏi cái lồng đang nhốt. Nhầm là tự an ủi. Ngu dốt mới chính xác đối với kiến thức của tôi.
Đọc Li Tana (Xứ Đàng Trong...) và Yoshiharu Tsuboi (Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa) tôi mới vở lẽ ra nhiều điều. Dường như những người cầm bút này viết theo tầm tư duy độc lập trên cơ sở tài liệu phong phú và khách quan. Họ làm chủ ngòi bút và suy tư của họ nên tính minh hoạ lý luận kinh điển không có bóng dáng trong hai công trình nghiên cứu công phu này.
Đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ của ta hùng hậu thế mà sao cho đến nay chưa có công trình nào dễ đọc như hai tác phẩm của hai người nước ngoài đó viết về ta.
Công luận xã hội đang lo lắng là con em ta không muốn học sử ta do thầy ta dạy. Sao vậy ?
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. “Em chán ngấy rồi Thầy ơi !” Cái có nói thành không. Cái hay quy ra dở. Đổi trắng thay đen vậy thì làm sao mà thấm vào tâm trí để biến thành tri thức được. Xin đừng coi thường hiện tượng “quấy rối trí tuệ”. Bài thi tốt nghiệp là trọng đại đối với đời học trò. Vậy mà có bài làm lại nhầm đến mức khó hiểu rằng “Hoà thượng Thích Quảng Đức thắt cổ tự tử tại Ngả Tư Sở Hà Nội. Kiến thức non kém ư ? Tôi không nghĩ thế. Thí sinh viết bài thi đó chắc chắn đã nghe giảng về nghĩa cử tự thiêu của một nhà Sư tại Sài Gòn năm 1963, nhưng lại cố tình gán cho Hà Nội. Vậy là bệnh hoài nghi ở người này quả đã trầm kha.
Tôi chịu lạc đề đá qua một chút để tự nhắc mình rằng minh định lịch sử cũng cần tỉnh táo. Địa danh xứ Đàng Trong chưa thể xuất hiện năm 1558 khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hoá. Bởi lúc đó Nguyễn Hoàng và Thuận - Quảng đang chịu sự cai quản của Vua Lê bên cạnh chúa Trịnh. Thuận Hoá nằm phía trong Tân Bình (nay là Quảng Bình) nên không gian xứ Đàng Trong lúc đầu cũng chưa phải từ Đèo Ngang trở vào.
Tiến sĩ Li Tana viết rằng : “Khi người Việt ở phía nam chấp nhận những cái tên họ đặt cho hai miền, - vùng ở “trong” (Đàng Trong) chỉ vùng đất của họ và vùng ở “ngoài” (Đàng Ngoài) chỉ phía bắc, - thì rõ ràng là đã có sự khác biệt giữa hai miền nam, bắc. Sự khác biệt này mang một ý nghĩa quan trọng : từ nay, sẽ có hai cách thức làm người Việt Nam khác nhau. Sự khác biệt giữa hai tên gọi này cho thấy một cách rõ ràng là hai miền đất tuy có khác nhau, nhưng đối với người ở phía nam, hai miền này cũng phải được coi là bình đẳng”.
(Li Tana, sách đã dẫn, trang 17).
Là một người đang tìm hiểu văn hoá Huế, tôi tỉnh ra khi đọc những dòng trên. Đúng là như vậy. Trong – ngoài do đâu và lấy gì làm căn cứ. Một con sông Gianh từng là giới hạn thì được coi là bờ bắc, bờ nam hoặc tả ngạn, hữu ngạn. Ngoài sông là biển. Trong sông thuộc nội đồng. Sông chưa bao giờ làm bức vách phân định trong, ngoài giữa hai vùng lãnh thổ. Như vậy là 56 năm (1558 – 1613) kể từ ngày Nguyễn Hoàng làm Trấn thủ Thuận Hoá (1558 – 1570) và Tổng trấn Thuận - Quảng (1570 – 1613) địa danh Đàng Trong chưa xuất hiện.
Nguyễn Hoàng tạ thế, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp, 15 năm đầu của vị Chúa Nguyễn thứ hai này quan hệ Trịnh - Nguyễn vẫn còn êm thấm. Tháng 3 năm Đinh Mão (1627) dựa bóng Vua Lê, Trịnh Tráng cho quân tràn vào phía bắc sông Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình). Nội chiến Trịnh - Nguyễn khai đao. So sánh tương quan lực lượng bên Trịnh chiếm ưu thế tuyệt đối về nhiều mặt, nhất là đang đứng với Vua Lê. Họ Nguyễn thất thế về danh nghĩa, quân số, dân số và địa bàn lãnh thổ. Nhận thức được điều này, vào tháng 3 năm Canh Ngọ (1630) Đào Duy Từ hiến kế đắp luỹ Trường Dục.
“Muốn mưu đồ sự nghiệp vương bá, cần phải có kế vạn toàn. Người xưa nói : Không một lần khó nhọc thì không được yên nghĩ lâu dài, không phí tổn tạm thời thì không được yên ổn mãi mãi. Thần xin hiến bản vẽ, đem quân dân hai trấn đắp một cái luỹ dài, trên từ chân núi Trường Dục, dưới đến bãi cát Hạc Hải, nhân thế đất mà đặt chỗ hiểm để vững biên phòng. Quân địch có đến cũng không làm gì được”. Chúa theo kế ấy, bèn huy động quân dân đắp luỹ Trường Dục, hơn một tháng thì xong”.
(Đại Nam Thực lục Tiền biên, trang 57)
Có chiến luỹ là có trong - ngoài. Qua các trận đánh lớn vào các năm 1630, 1635, 1648, 1655, 1661, 1672 chiến luỹ Trường Dục đều phát huy ưu thế phòng thủ đánh bại đối phương từ phía ngoài vào.
Điều đáng lưu ý là sau trận huyết chiến năm 1672, quân Nguyễn tuy đại thắng nhưng cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề, Nguyên soái Nguyễn Phúc Hiệp (con trai thứ 4 của Chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần) cho lập 2 bàn cầu siêu trong và ngoài chiến luỹ Trấn Ninh để tế chiến sĩ trận vong của hai phía. Trước cái chết của đồng loại, cho dù là đối phương, người xưa đều coi “nghĩa tử là nghĩa tận”. Tính nhân văn trên tầm nhân bản như thế không phải ai cũng làm được. Ở trường hợp này “trong” là nam/Nguyễn, “ngoài” là bắc/Trịnh.
Bởi vậy tôi nghĩ rằng địa danh Đàng Trong – Đàng Ngoài có lẽ được khai sinh vào tháng 4 năm Canh Ngọ (1630) khi chiến luỹ Trường Dục hoàn công. Trong luỹ là phía nam. Ngoài luỹ là phía bắc. Trong – Ngoài lấy thành luỹ làm vạch giới hạn. Không gian xứ Đàng Trong ở thời điểm đó được tính từ luỹ Trường Dục (Đồng Hới) vào đến hết đất Phú Yên. 146 năm (1611 – 1757) qua 6 đời Chúa Nguyễn : Thượng vương Nguyễn Phúc Lan, Hiền vuương Nguyễn Phúc Tần, Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái, Minh vương Nguyễn Phúc Chu, Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, lịch sử mở nước lại trao vào tay Nguyễn Cư Trinh (tổ tiên vốn là người họ Trịnh, Can Lộc), kinh lý dẹp loạn và khai sinh ra các địa danh Tân Châu, Châu Đốc, Đông Khẩu (Sa Đéc) làm nên ranh giới tây nam của xứ Đàng Trong.
Như vậy là không gian xứ Đàng Trong, phía bắc thoạt đầu là Trường Dục, phía nam, là Phú Yên (1611), trãi qua quá trình chuyển dịch từng chặng tiếp : Khánh Hoà (1653) - Đồng Nai (1658) – Gia Định (1698)- Tân Châu – Châu Đốc (1757), ròng rã 146 năm. Năm 1774 Hoàng Ngũ Phúc thừa lệnh Trịnh Sâm ồ ạt đổ quân vào xoá luỹ Trường Dục, chiếm Phú Xuân. Năm 1786 Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đánh tan quân Trịnh giành Phú Xuân tiến ra Bắc đạp đổ Vương triều tay đôi Lê - Trịnh. Vua Lê Hiển Tông thừa nhận lãnh thổ nước Tây Sơn bên trong Hoành Sơn và cho sứ giả vào Huế đòi trả lại Nghệ An. Sứ bộ bị hại, đại sự bất thành. Nhưng Đèo Ngang là ranh giới Đàng Ngoài – Đàng Trong thì không hề thay đổi./.