Những góc nhìn Văn hoá

Nhân vật Thuý Kiều và những nét đẹp trong văn hoá ứng xử

Một thực tế hiển nhiên ai cũng phải thừa nhận là viết Truyện Kiều , Nguyễn Du đã dựa rất sát vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân , nhưng nhân vật , cách nhận thức và lý giải số phận con người trong tác phẩm của ông mang đậm phong cách Việt , cốt cách Việt , tâm hồn Việt - đặc biệt là cách ứng xử của nhân vật trung tâm trong tác phẩm – nhân vật Thuý Kiều .

Trước mỗi tình huống , mỗi sự kiện , Kiều đều dẫn người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác bởi những ứng xử vô cùng tuyệt vời của nàng – của một người con gái mới bước vào độ tuổi  Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê .
Trong hội Đạp thanh , trước nấm mồ vô chủ, Kiều đã thắp hương , nhỏ nước mắt khóc thương cho Đạm Tiên trong khi Thuý Vân , Vương Quan dửng dưng và trách Kiều :
Khen cho chị cũng nực cười
                                         Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.
Chính giọt nước mắt khóc thương cho người xấu số của Kiều đã thể hiện một tấm lòng đầy trắc ẩn , ưu tư , ưu hoạn trước con người . Đó là một hành vi ứng xử văn hoá mà không phải bất cứ ai trong số chúng ta đều có được . Sự quan tâm của Kiều trước thân phận một ca nhi kỹ nữ xa lạ đã cho ta một giải đáp cực kỳ sáng rõ về một chuỗi những ứng xử tiếp theo của nàng . Rằng tại sao nàng lại đớn đau đến thế khi cha và em bị đánh đòn Rường cao rút ngược giây oan bởi thằng bán tơ vu oan giáng hoạ . Rằng tại sao nàng lại dám cắt đứt mối tình với Kim Trọng- một mối tình mà nàng đã cùng người yêu vượt qua rào cản của lễ giáo phong kiến để đến với nhau bằng tất cả sự đắm say sôi nổi để bán mình chuộc cha. Lý do nàng đưa ra để khuyên cha đừng tự vẫn hoàn toàn khác hẳn nàng Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân . Trong Kim Vân Kiều truyện - Thương con , không chịu đựng nổi cảnh con phải bán mình chuộc cha , Vương ông đã đập đầu vào tường tự vẫn . Kiều nhi đã lên lớp cha bằng một bài thuyết lý : Việc đã đến nước này không còn cách gì để giải nguy , cha là bậc đàn ông thường tình tưởng nên bỏ những điều bất nhẫn nhỏ nhen cho tròn việc lớn, chớ đâu lại bắt chước thói thường tình nhi nữ mà mất cả khí khái anh hùng . Con đã cam tâm tình nguyện làm một đứa con dám giết mình để thành nhân há cha không thể làm một bậc trượng phu sáng suốt để giữ mình à ?
 Không cao đạo , chẳng triết lý xa vời , lý do Kiều -Truyện Kiều –Nguyễn Du đưa ra thật giản dị cụ thể , thấm đẫm chất ứng xử của văn hoá Việt , của đạo đức truyền thống Việt Nam :
- Làm con trước phải đền ơn sinh thành
-Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây
Trao duyên cho em để trọn tình , vẹn nghĩa với chàng Kim . Tấn bi kịch đầu đời của người con gái 15 tuổi đã khiến không ít độc giả nhỏ nước mắt khóc thương . Nhưng những ứng xử của nàng cũng trong đêm đầy đau khổ ấy đã khiến cho nhiều , rất nhiều người phải trân trọng , vị nể . Cái cách nàng trao duyên cho em , sự nhún mình của nàng trước em : Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa cho ta thấy một tầm văn hoá cao trong ứng xử của nàng . Rằng nàng đã trân trọng em biết bao nhiêu , nàng hiểu sự khó xử của em trước tình cảnh chị biết nhường nào . Yêu thương trìu mến , với những kỷ niệm vấn vương, Kiều lần giở từng kỷ vật cũ… Đớn đau đến tận cùng , nhưng không một lời ca thán, chẳng một tiếng than phiền , Kiều đã nhận hết trách nhiệm về mình   :                                                                           
Vì ta khăng khít cho người dở dang-
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa
Trời Liêu non nước bao xa
Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi
Một người con gái ở độ tuổi 15 , trước thử thách khốc liệt đến thế đã không hề đổ lỗi cho hoàn cảnh . Cách ứng xử của nàng , tinh thần dám gánh chịu trách nhiệm của nàng : vì ta ; tự tôi - đã khiến chúng ta phải động lòng suy ngẫm - đặc biệt trong thời kỳ hiện tại , khi mà tinh thần , sự hữu trách của không ít cá nhân trong gia đình , trước xã hội đang bị xói mòn , bị che khuất . Thất thân cùng Mã Giám Sinh – Kiều thương mình thì ít mà nghĩ thương Kim Trọng đến vô cùng .Tất cả những hối tiếc không sao cứu chữa được của Kiều đều là vì Kim Trọng:
-   Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi
-Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Suốt chặng đường lưu lạc , lúc nào có cơ hội là Kiều lại nghĩ đến người thân . Cha mẹ , hai em và đặc biệt là Kim Trọng luôn sống trong tâm tưởng nàng . Kết thúc 15 năm trầm luân với bao biến cố , bao sự đoạ đày , những tưởng gặp lại gia đình , gặp lại tình nhân Kiều sẽ dễ dàng nhận hạnh phúc từ tay em trao lại , nàng sẽ dễ dàng sà vào lòng người yêu để sống chuỗi ngày còn lại trong ấm êm , trong đủ đầy viên mãn . Thế nhưng bằng ý thức tuyệt vời về nhân phẩm và về giá trị của bản thân , nàng đã từ chối không chịu cùng Kim Trọng chăn gối   :
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa
Bấy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết , mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh
Đã hay chàng nặng vì tình
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru
Từ rày khép cửa phòng thu
Chăng tu thì cũng như tu mới là
Chàng dù tính chuyện gần xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Nói chi kết tóc xe tơ
Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời
Tất cả ứng xử của Kiều trong một chuỗi những tình huống khác nhau đều đem đến cho độc giả không ít những suy ngẫm , trăn trở trong sự trân trọng , nâng niu , cảm phục . Vì vậy , chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu hết các thế hệ độc giả , các đối tượng độc giả lại yêu Kiều đến thế . Kiều đã từ đời sống văn học bước vào cuộc đời của mỗi người dân Việt Nam bằng tầm cao, bằng chiều sâu của những ứng xử tuyệt vời của một người con mang tâm hồn Việt , cốt cách Việt , văn hoá Việt . Bài học từ những ứng xử của Kiều sẽ luôn mới , luôn sống dẫy, có hồn đối với bất cứ ai muốn đạt tới đích của những người có khả năng ứng xử văn hoá./.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513195

Hôm nay

2296

Hôm qua

2436

Tuần này

21132

Tháng này

220068

Tháng qua

121356

Tất cả

114513195