Những góc nhìn Văn hoá
Nói thêm về một cách giới thiệu sách
Hoan nghênh những người viết bài “Lời giới thiệu” cho tác phẩm “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản” đã thừa nhận “sơ suất đáng tiếc” của mình khi lẫn dịch giả với người giới thiệu cuốn sách (Trần Hữu Quang et al., 2009:94). Hi vọng đây là “lầm lẫn” duy nhất trong toàn bài “Lời giới thiệu” (cũng như ở phần chú giải và dịch thuật). Tuy nhiên ngay ở bài trả lời mà họ coi là cơ hội để họ làm sáng tỏ thêm “một số điểm mà có thể (...) chưa trình bày rõ trong bài giới thiệu” (Trần Hữu Quang et al., 2009:99), tôi thấy vẫn còn những điều không rõ ràng như sau:
1. Về cuốn sách “Nền đạo đức...”, những người giới thiệu nhận định rằng:
“Đây không phải là một công trình nghiên cứu xã hội học về tôn giáo theo đúng nghĩa của chuyên ngành này, vì đối tượng nghiên cứu của nó không phải là một vấn đề tôn giáo, mà là mối quan hệ giữa nền đạo đức Tin lành và ‘tinh thần’ của chủ nghĩa tư bản” (Trần Hữu Quang et al., 2008:13). Có thể chia lời giải thích về lý do khiến những người giới thiệu đã phân ngành tác phẩm như trên thành hai phần, hay hai vế: (1) vì “Nền đạo đức...” không lấy “một vấn đề tôn giáo” làm đối tượng nghiên cứu, mà (2) đối tượng nghiên cứu của nó là “mối quan hệ giữa nền đạo đức Tin lành và ‘tinh thần’ của chủ nghĩa tư bản”.
Trong lời giới thiệu, vế đầu tiên chỉ nêu rất vắn tắt cụm từ “một vấn đề tôn giáo”, chứ không nói ý nghĩa cụ thể của nó, và không giải thích tại sao phải tìm hiểu nó thì tác phẩm mới trở thành công trình nghiên cứu xã hội học tôn giáo đúng nghĩa, cũng như cơ sở nào để quan niệm như vậy v.v. Vì thế vế này không có sức thuyết phục.
Còn về vế thứ hai, như tôi đã nêu (Mai Huy Bích, 2008:117), lý do khiến những người giới thiệu coi tác phẩm này không phải một nghiên cứu xã hội học về tôn giáo theo đúng nghĩa lại chính là lý do mà nhiều học giả thừa nhận nó là một nghiên cứu xã hội học về tôn giáo. Giới xã hội học không hề rào đón rằng nó là xã hội học tôn giáo theo đúng nghĩa hay không. Chỉ riêng hai người giới thiệu đã thêm thắt cụm từ rào đón rằng nó không phải xã hội học tôn giáo “theo đúng nghĩa của chuyên ngành này”, và cung cách một mình một kiểu ấy vô hình trung có thể làm giảm giá trị của tác phẩm trong nhận thức của không ít người. Song để thuyết phục cộng đồng khoa học tin vào ý kiến ấy, cần giải thích, chứng minh nó - điều mà tiếc thay họ đã không làm trong bài giới thiệu.
Bây giờ, trong bài trả lời của mình, họ viết thêm để giải thích cụm từ “một vấn đề tôn giáo”– tức cái được họ coi là đối tượng cần tìm hiểu để tác phẩm trở thành công trình xã hội học tôn giáo theo đúng nghĩa – thực ra chính là đạo Tin lành. Trong cách lập luận của họ, “Nền đạo đức...” không phải xã hội học tôn giáo theo đúng nghĩa “(...) vì đối tượng nghiên cứu ở đây là chủ nghĩa tư bản chứ không phải trực tiếp về đạo Tin lành” (Trần Hữu Quang et al., 2009:95). Vậy vì sao và dựa trên căn cứ nào để cho rằng chỉ khi nói “trực tiếp về đạo Tin lành” thì tác phẩm mới được coi là xã hội học tôn giáo theo đúng nghĩa của chuyên ngành này???
Những người giới thiệu viện dẫn ý kiến của Weber khi ông “(...) có đoạn nói rõ rằng đây chưa phải là một công trình xã hội học tôn giáo thực thụ (...)” (Trần Hữu Quang et al., 2009:96). Nhưng tự nhận xét của tác giả không phải là điều kiện cần và đủ để phân ngành một tác phẩm. Muốn làm việc đó, nên dựa vào những tiêu chuẩn được đông đảo người trong ngành thừa nhận.
2. Về cách viết bài giới thiệu, tôi không rõ tình hình ở các ngành khác, nhưng trong xã hội học, theo thông lệ quốc tế, khi đã xác định bài viết của mình thuộc thể loại giới thiệu sách – dù in ở một tạp chí hay một cuốn sách – thì người viết không tuỳ hứng, mà nên tuân thủ những quy ước nhất định. Tất nhiên không ai bắt người viết phải nhất nhất theo các quy ước, song cần hoà nhập với cộng đồng quốc tế, và ngoài ra còn có một lý do nữa mà tôi đã lưu ý: “Với những tác giả và tác phẩm khó hiểu và phức tạp như Weber, thì càng nên theo quy ước khi giới thiệu, vì đó là cách dễ hiểu với người đọc” (Mai Huy Bích, 2008:119). (Nhân thể xin mở ngoặc nói thêm: giới xã hội học quốc tế đã xác lập những quy ước không chỉ trong viết bài giới thiệu sách, mà cả trong các xuất bản phẩm nghiên cứu khác, như về cách trích và dẫn, chú giải, lập danh sách tài liệu được trích dẫn v.v. Không rõ những người viết lời giới thiệu đã làm quen với điều đó chưa, song không thấy họ sử dụng).
Đáng nói là những người giới thiệu sách đã vô tình hay cố ý hiểu sai một câu của tôi liên quan các quy ước này. Tôi viết rằng: “Tiếc rằng hai người giới thiệu đã chọn cấu tạo bài dựa trên những cảm nhận của riêng mình, chứ không theo những quy ước về thể loại mà mình viết” (Mai Huy Bích, 2008:119). Họ suy diễn rằng tôi đòi họ phải “gột bỏ” cảm nhận của riêng mình, rồi tiếp: “Nếu ai cũng phải gột bỏ ‘những cảm nhận của riêng mình’ thì nguy cơ là bài nào cũng giống bài nào” (Trần Hữu Quang et al., 2009:97). Nhưng xin lưu ý: thứ nhất, tôi nói đến cảm nhận riêng về cách cấu tạo một bài thuộc thể loại giới thiệu sách, chứ không phải cảm nhận về cuốn sách, và tôi cho rằng nên vận dụng những quy ước chung về thể loại bài này chứ đừng theo cảm nhận của riêng mình. Thứ hai, mục đích của những quy ước là nhằm phục vụ độc giả, để giúp độc giả dễ thấy, dễ nắm bắt nội dung, chủ đề, cách thức thể hiện của cuốn sách v.v. và chủ kiến của người giới thiệu khi nhận xét, đánh giá về nó. Thứ ba, hiểu theo nghĩa đó, những quy ước không hề bắt người giới thiệu phải gột bỏ cảm nhận của riêng mình về cuốn sách. Trái lại, nó đòi hỏi người viết phát biểu ý kiến nhận xét đánh giá của mình. Như tôi đã nhấn mạnh, “chủ kiến của người viết đóng vai trò rất quan trọng trong một bài giới thiệu sách, vì nêu chủ kiến là một trong nhiều mục đích của thể loại bài này” (Mai Huy Bích, 2008:120). Xin hãy đọc các bài giới thiệu sách thuộc ngành xã hội học thế giới để kiểm nghiệm xem khi người ta tuân thủ quy ước, thì có xảy ra tình trạng “bài nào cũng giống bài nào” không.
Việc hiểu sai ý của tôi đã dẫn họ đến một mâu thuẫn. Lúc tôi gợi ý họ theo quy ước chung trong cách sắp xếp bài giới thiệu sách, thì nhóm dịch giả viết rằng họ muốn giữ những cảm nhận của riêng mình, nhưng khi tôi mong họ bày tỏ ý kiến chủ quan, cảm nhận của riêng mình về “Nền đạo đức....”, thì họ lại từ chối và giải thích: “Sở dĩ chúng tôi chọn giải pháp không ‘nêu chủ kiến’ khen chê cũng vì muốn dành công việc ấy cho người đọc!” (Trần Hữu Quang et al., 2009:98). Vậy phải chăng cảm nhận riêng, chủ kiến là điều những người giới thiệu có thể sử dụng hay từ chối một cách tùy hứng và tùy tiện?
3. Về việc chọn đưa chủ đề vào bài giới thiệu sách và cách thức giới thiệu, tôi đã đặt câu hỏi: Những gì hai dịch giả viết trong bài giới thiệu vốn mang tính bao trùm và xuyên suốt nhiều công trình của Weber; vậy chúng bộc lộ ở và liên quan với tác phẩm “Nền đạo đức...” như thế nào? Cụ thể hơn, tôi nêu câu hỏi xoay quanh loại hình lý tưởng, lý tính hóa và phương pháp luận quy về cá nhân (Mai Huy Bích, 2008:120-121).
Những người giới thiệu sách không trả lời thoả đáng các câu hỏi đó. Họ cho rằng những gì cần nói liên quan đến loại hình lý tưởng thì họ đã trình bày trong lời giới thiệu, mà đoạn này thì rất rối rắm, khó hiểu. Với câu hỏi về lý tính hóa, họ đáp rằng: “(...) độc giả sẽ có rất nhiều dịp tự mình trực tiếp khám phá luận đề then chốt này qua chính các trang viết của Weber”. Nghĩa là họ từ chối giúp người đọc nắm bắt ý tưởng mà Weber trình bày rất trừu tượng. Riêng với phương pháp luận quy về cá nhân, họ viết: “(...) chúng tôi cũng đã nêu rõ rằng khái niệm ‘cá nhân’ ở đây được hiểu là đối lập với ‘hệ thống kinh tế’ (ĐĐTL, tr. 20) hay ‘cấu trúc xã hội’ (ĐĐTL, tr. 21), chứ không đối lập với khái niệm ‘tập thể’ (...)” (Trần Hữu Quang et al., 2009:99).
Nhưng ai là người hiểu “cá nhân” theo nghĩa đối lập với “hệ thống kinh tế” hoặc “cấu trúc xã hội”? Đấy có phải ý nghĩa của khái niệm “cá nhân” mà Weber sử dụng không? Nếu những người giới thiệu cho là có, thì họ đã không đưa ra bằng chứng nào nói lên điều ấy.
Trong khi đó những gì mà chính lời giới thiệu đã trích dẫn đều cho thấy Weber không hiểu theo nghĩa mà họ nêu trên. Weber hiểu cá nhân đối lập với tập thể, và ông chủ trương quy hành động về cá nhân, chứ không tán thành các khái niệm tập thể. Để chứng minh cách hiểu này của Weber, tôi xin trích lại điều mà những người giới thiệu đã trích dịch trong bài của họ. Thứ nhất, Weber viết: “Nếu cuối cùng tôi trở thành một nhà xã hội học, thì đó chủ yếu là nhằm đặt một dấu chấm hết đối với những cách thực hiện đặt nền tảng trên các khái niệm tập thể vốn vẫn luôn ám ảnh. Nói khác đi, ngay cả ngành xã hội học cũng chỉ có thể được tiến hành bằng những hành động của một, hay vài, hay nhiều cá nhân riêng biệt. Chính vì thế, nó phải áp dụng một cách chặt chẽ những phương pháp cá nhân” (trích trong Trần Hữu Quang et al., 2008:23). Thứ hai, vẫn lời Weber: “Và trong bất cứ trường hợp nào, đối với [ngành xã hội học], không hề có nhân cách tập thể nào ‘hành động’ [‘handelnde’ Kollektivpersonlichkeit]. Khi [xã hội học] nói tới ‘nhà nước’, ‘dân tộc’, ‘công ty cổ phần’, ‘gia đình’, ‘lực lượng quân đội’ hay những ‘cấu trúc’ tương tự, thì ngược lại, nó chỉ đơn giản nhằm đến một kết quả nào đó của những hành động xã hội đã xảy ra hay được kiến tạo là có thể xảy ra của những [con người] cá thể” (theo Trần Hữu Quang et al., 2008:23). (Trong những trích dẫn trên, tôi in đậm các chữ “cá nhân” - hay “cá thể” - và “tập thể” để nhấn mạnh – MHB).
Bất chấp các chứng cứ như trên, những người giới thiệu vẫn quả quyết rằng cá nhân là đối lập với “hệ thống kinh tế” hay “cấu trúc xã hội”, chứ không phải với tập thể. Điều này chẳng những không xua tan sự nghi ngờ liên quan đến cặp khái niệm “cá nhân – tập thể” tôi đã nêu ở bài nhận xét (Mai Huy Bích, 2008:121), mà còn làm nảy sinh một nỗi hoài nghi mới, bao trùm hơn: liệu có thể tin ở cách hiểu và diễn giải Weber của những người giới thiệu sách được chăng?
Tóm lại, tôi nêu nhận xét với mục đích duy nhất là góp ý để bài giới thiệu thực sự giúp độc giả dễ hiểu và hiểu đúng một tác phẩm vốn rất khó đọc, khó nắm bắt. Tôi không có ý định nói thêm nữa sau bài viết này vì thấy rằng trao đổi như thế là đã đủ. Tiếp thu hay không tuỳ ở những người giới thiệu. Rải rác ở nhiều chỗ trong bài trả lời, những người viết lời giới thiệu cuốn sách đã nói rằng mục tiêu của họ “(...) không phải là đưa ra một bản tóm tắt (...)” (Trần Hữu Quang et al., 2009:96), và họ dành việc đánh giá khen chê cho người đọc, hoặc độc giả phải “(...) tự mình trực tiếp khám phá (...)” (Trần Hữu Quang et al., 2009:99), rồi cuối cùng họ “(...) xin trân trọng nhường lời lại cho ... cụ Max Weber (...)” (Trần Hữu Quang et al., 2009:99). Khi nhiều lần họ khước từ vai trò làm cầu nối trung gian giữa tác phẩm và độc giả như vậy, thì lời giới thiệu vốn không dễ hiểu của họ liệu giúp được gì cho người đọc trong cuộc vật lộn để lĩnh hội tác phẩm cực khó này? Và đã không muốn giúp độc giả hiểu tác phẩm, thì họ viết lời giới thiệu để làm gì?
Sách báo trích dẫn
Mai Huy Bích. 2008. “Về bài giới thiệu tác phẩm ‘Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản’ của Max Weber”. Tạp chí Xã hội học. N. 4.
Trần Hữu Quang, Bùi Văn Nam Sơn. 2008. “Lời giới thiệu”. Trong cuốn: Weber, Max. Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức.
Trần Hữu Quang, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng. 2009. “Trao đổi: về bài giới thiệu tác phẩm ‘Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản’ của Max Weber”. Tạp chí Xã hội học. N. 1.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513195
Hôm nay
2296
Hôm qua
2436
Tuần này
21132
Tháng này
220068
Tháng qua
121356
Tất cả
114513195