Người xứ Nghệ

"Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu"


.
Tôi viết mấy dòng này khi Hà Văn Thịnh đã đến với “một giấc ngủ dài” để muốn nói với các bạn những điều mà tôi cảm nhận về một người lựa chọn sự gai góc khi sống trọn cuộc đời mình.
Chỉ cách đây ít phút thôi, một người bạn chung của tôi và Hà Văn Thịnh là đại tá nhà báo Nguyễn Khắc Thuần đã gọi điện cho tôi chỉ để nói rằng: “Hà Văn Thịnh như một bát phở giàu dinh dưỡng nhưng quá nhiều ớt, chỉ những ai biết trải nghiệm sự cay đắng mới thực sự cảm nhận vị ngon mang lại…”. Tôi thú vị với cách tiếp cận Hà Văn Thịnh trong cái vị cay nồng đến chảy nước mắt, khó có thể quên.
Nhưng…
Nhưng với tôi, một người đồng môn, hơn thế, còn là một người anh, một người luôn đặt tay lên bờ vai rắn chắc của Thịnh trong hành trình đi suốt cuộc đời mà rất nhiều khi phải đẩy Thịnh lên phía trước, cũng quá nhiều thời điểm phải kéo giật trở lại trước những bước quá đà. Đến hôm nay, sau khi Thịnh đã “ngủ một cách ngon lành” được 36 tiếng đồng hồ thì tôi mới nhận ra rằng: Thịnh là con người đặt những bước chân chắc nịch và vững chãi suốt hành trình 65 năm cuộc đời trong cái tôi nhân bản và tự trọng. Tôi và bất cứ một ai khác, quá lắm cũng chỉ là một điểm tựa tinh thần vỗ về, an ủi, chứ chưa bao giờ tạo ra được một ảnh hưởng tới tư tưởng và phong cách đầy cá tính của Thịnh. Cho tới khi nhắm mắt, Hà Văn Thịnh vẫn cứ gai góc đến kinh ngạc và nể phục.
Khi vuốt mắt cho Thịnh, tự tay đặt vào bên trong “ngôi nhà vĩnh hằng” của Thịnh 65 bông hồng mà tôi và Tuyến – người vợ yêu dấu của Thịnh đã tuốt hết gai nhọn để Thịnh bỏ qua mọi nghiệp chướng của cuộc đời, thanh thản ra đi; tôi cũng không quên đặt bên tay phải của Thịnh một chai rượu và bên tay trái của Thịnh một cây thuốc lá mà Thịnh yêu thích, cùng với tất cả những gì Thịnh vẫn quen dùng mà vợ và các con đã chuẩn bị cho hành trang của Thịnh một cách chu đáo.
Tất cả điều đó, tôi và gia đình Thịnh muốn nói với mọi người rằng: Thịnh đã sống trọn vẹn một cuộc đời viên mãn: Sống đúng với chính mình, cương nghị, thẳng thắn, vô tư và quyết liệt; ra đi thanh thản với một hành trang giản dị nhất.
Cần phải hiểu Thịnh trong góc nhìn về một con người không nhân nhượng với bất cứ một điều gì trái với lẽ thường của cuộc sống trong những phản biện hết sức sắc sảo. Nhờ sự đa văn, quảng kiến và uyên thâm mà Thịnh có thể tiếp cận sâu sắc cả trong lĩnh vực chính trị, học thuật, văn hóa và văn học và biểu lộ kiến thức uyên bác trong các lĩnh vực đó theo cái chất rất riêng của xứ Nghệ.
Cá tính Nghệ trực diện, không né tránh của Hà Văn Thịnh phải được nhìn nhận từ cả hai giác độ: Chê ai, chê cái gì thì chê đến cùng, nhưng chê thôi chứ không ghét, tuyệt nhiên không ghét một ai. Bởi thế, người bị chê, có thể đã phải nếm trải cái vị cay đến cháy lưỡi của ớt, nhưng vị cay không ở lại mãi trên đầu lưỡi mà còn lại là sự tiếp nhận và sẻ chia, thông cảm và tha thứ, không phải là không ấm cúng và ngọt ngào. Hà Văn Thịnh đã nhận được những sự cảm thông như thế. Hôm qua, chính tôi đã chứng kiến sự hiện diện ở nhà tang lễ của một trí thức từng bị Thịnh phản biện quyết liệt, cứ đứng nhìn mãi vào nơi Thịnh đang “ngủ”, tôi đọc được trong ánh mắt của anh ấy cả niềm tiếc thương vô hạn. Tôi có việc phải đi ra ngoài một lúc, khi quay trở lại, tôi vẫn thấy người bạn này vẫn đứng đấy, vẫn nhìn vào nơi Thịnh đang nằm, cứ như là anh ấy sợ chỉ một chút xao lãng thôi thì Thịnh sẽ đi mất. Thương nhau và hiểu nhau như thế mới đúng nghĩa với Hà Văn Thịnh: không nhiều lời, phải hiểu nhau từ trong những lời cay nghiệt dành cho nhau.
Thú thật, nghĩ về Thịnh, đã có lúc tôi lại tự thấy mình hèn kém, không đủ sự gai góc để đương đầu với những điều xấu xa và cả những cạm bẫy. Có lúc tôi đã nghĩ không phải Thịnh "sinh bất phùng thời", mà chính cái chuẩn mực của một cuộc sống trung thực và ngay thẳng, chân tình và trách nhiệm phải như Thịnh mới đúng. Còn sự lệch pha lại chính là cái xã hội đầy rấy sự nhiễu nhương mà Thịnh đang cố góp chút sức nhỏ nhoi để gợi đục, khơi trong. Xét cho cùng, Thịnh không chống ai cả, Thịnh chỉ chống có 2 thứ đang làm mục ruỗng xã hội: sự dốt nát và sự lừa dối.
Và, để chính mình không rơi vào trạng huống của cái mình đang chống, Thịnh đã cố học, cố tìm tòi, nghiên cứu và đào luyện để thành người thầy, người cán bộ có kiến thức tầm cao, vượt trên cái ngưỡng tầm thường.
Không có gì có thể đo được bao nhiêu là xúc cảm và cả nước mắt mà gia đình, các thế hệ đồng nghiệp và hơn 40 khóa sinh viên đã dành trọn cho Thịnh cả trong đời thường và lúc lâm bệnh. Không phải người Thầy nào cũng có được hạnh phúc đó.
Tôi đã phải ngậm ngùi chia xa Thịnh để quay về nhà với một sự an ủi và tôi muốn nói điều đã an ủi của tôi với mọi người, rằng, cuộc đời Thịnh như thế là đã vô cùng hạnh phúc viên mãn, sống bằng chính những gì mình có, làm những việc mình đam mê. không lệ thuộc một ai, không nô lệ điều gì. Sự xếp lớp thời gian qua 65 năm trong cuộc đời đã để lại một Hà Văn Thịnh mạnh mẽ, bản lĩnh; một Hà Văn Thịnh hội đủ trong con người tất cả hỉ, nộ, ái, ố và cũng nhận được từ bạn bè đủ cả ố, ái, nộ, hỉ. Mọi cung bậc tình cảm cứ thế trải lòng với nhau. Ngay cả việc Thịnh ra đi, Thịnh cũng lựa chọn sự ra đi cam đảm.
Một cuộc đời như thế thì trọn vẹn rồi, viên mãn rồi. Không phải ai cũng được như thế.
Sự ra đi của Hà Văn Thịnh đã để lại một tình thương yêu và nuối tiếc, có thể ví như câu ca xứ Nghệ mà Hà Văn Thịnh từng lấy làm đề từ cho một bài báo đăng trên tạp chí “Văn hóa Nghệ An”:
"Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”
Thương lắm, Thịnh ạ.

 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511797

Hôm nay

2123

Hôm qua

2337

Tuần này

22171

Tháng này

218670

Tháng qua

121356

Tất cả

114511797