Những góc nhìn Văn hoá

Đấu tranh ngoại giao bảo vệ lãnh thổ thời Trần - Hồ

Lời dẫn:

Minh Thực lục là bộ sử Trung Hoa đầu tiên được trích dịch đầy đủ ra tiếng Việt toàn bộ các văn bản/trích văn bản có liên quan tới Đại Việt và Champa là hai quốc gia thuộc nước Việt Nam ngày nay (Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII 3 tập, Hồ Bạch Thảo & Phạm Hoàng Quân dịch và chú thích, NXB Hà Nội, 2010).

Tuy được viết dưới nhãn quan của các sử quan Trung Hoa nhưng Minh Thực lục cũng cung cấp cho chúng ta nhiều sử liệu mới, quan trọng.

Phần trích dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc phần nào cuộc đấu tranh ngoại giao của ông cha ta thời Trần-Hồ nhằm bảo vệ biên giới phía bắc.

                                                               Nguyễn Bá Dũng (Giới thiệu)

 

Ngày 21 tháng 2 năm Hồng Vũ[1] thứ 30 [20/3/1397][2]

 

Ngày Giáp Thìn, Hành nhân [sứ giả] Trần Thành, Lữ Nhượng đến An Nam[3] dụ vua nước này là Trần Nhật Côn[4] trả lại đất đã xâm lấn của phủ Tư Minh[5].

Hai bên tranh cãi qua lại, nhưng chưa ngã ngũ.

Thành cho rằng người thông dịch nói không đạt ý, bèn soạn bức thư gửi cho Nhật Côn. Thư rằng:

Mới đây viên Thổ quan phủ Tư Minh Hoàng Quảng Thành tâu việc An Nam xâm chiếm đất đai, triều đình kê cứu điển sách, khảo lời ghi trong bản đồ, rồi sai sứ cáo dụ phải trả lại đất. Từ khi Thành đến nước của Vương, tuyên bố ý của Thiên tử, trình bày sự lý, nhưng Chấp sự[6] quá cố chấp, chưa chịu tuân theo. Nay lấy những thư tịch đời trước đã ghi, cùng sự lợi hại trình bày cùng Chấp sự:

Xét thấy sách ghi: Giao Chỉ thuộc đất châu Giao xưa, dưới thời Hậu Hán có người đàn bà tên Trưng Trắc làm loạn[7], vua Quang Vũ sai Mã Viện mang binh bình định, bèn xây Cột Đồng ghi công và làm giới hạn trong ngoài. Dưới đời nhà Đường đặt ra [chế độ] Ngũ quản[8] để thống nhất việc cai trị, đời Tống, Lý Càn Đức [Nhân Tông] cướp phá biên giới, Quách Quì mang binh đánh, bắt được Thái tử ngụy là Hồng Chân. Càn Đức sợ nên cắt đất Quảng Nguyên, châu Môn, Tư Lãng, Tô Mậu, Quang Lang mà xin hàng[9]. Vậy lúc bấy giờ những đất này thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc; huống hồ là đất Khâu Ôn ở về phía bắc Cột Đồng? Thời Nguyên Thế Tổ, tổ ngươi là Quang Bính [Trần Thái Tông] nạp cống xưng thần, đến đời Nhật Huyễn [Trần Thánh Tông] tự tiện lên ngôi, trái đạo vua tôi nên vua Thế Tổ mang quân hỏi tội, bọn Nhật Huyễn trốn trong gai góc cỏ rậm, dân chết gần hết, thành quách bỏ không; con nối dõi là Nhật Tuân [Trần Nhân Tông] cầu xin thương xót chịu tội. Vua Thế Tổ sai sứ mang chiếu dụ nhập triều. Hồi ấy, trong chiếu thư đã nói việc trả đất, nhưng Nhật Tuân lại nói rằng, trước kia việc đưa đón sứ giả thiên triều tại đất châu Lộc[10], nhưng tiểu quốc sợ phạm tội xâm vượt nên dừng tại Khâu Ôn. Xem vậy phần đất phía bắc Khâu Ôn rõ ràng thuộc về phủ Tư Minh vậy. Nay An Nam chiếm vượt cả Uyên, Thoát; dành hết đất Như Ngao[11], Khánh Viễn[12], chẳng phải thừa lúc loạn lạc cuối đời Nguyên mà chiếm được ư! Từ ngày Hành nhân xuống xe đến quí quốc, vua tôi Vương đều một mực nói đất này thuộc An Nam đã lâu, nhưng không biết do hai đời Trần, hoặc Lê hay đời nào đặt ra; cứ nói theo đời trước bảo đây là đất của tổ tiên mà không trưng bằng cứ. Nếu lời Chấp sự là đúng, thì Chí thư ghi lời Nhật Tuân nói, là điều nói vu hay sao? Hoặc Vương sợ phạm tội xâm đoạt nên đem những lời không kê cứu được để bào chữa. Hoàng thượng ta, trời ban cho trí dũng để cai trị vạn nước, nếu ngoan cố thì tội nhỏ cũng không tha, sửa lỗi thì dầu tội trọng cũng xá. Truyện nói “lỗi mà biết sửa coi như không lỗi”, lại nói: “lỗi mà không chịu sửa chính là lỗi vậy”[13]. Bởi vậy sửa sai sẽ gặp may mắn, đó là trường hợp năm ngoái của Triệu Tông Thọ tại châu Long[14]; ngoan cố gặp tai ương là việc các tộc Man tại Nam Đan, Phụng Nghị[15] mấy năm gần đây; những điều này thể nghiệm rõ ràng ai cũng nghe, ai cũng biết. Vương nên tránh tai ương, đón may mắn bằng cách trả lại đất, không những tông miếu xã tắc[16] được yên, mà dân cả nước cũng được hạnh phúc. Bỏ cơ hội này không lo, không chịu nhường và ngoan cố đến cùng, thì cuối cùng sẽ gặp họa; Chấp sự nên tính liệu”.

 

Nhật Côn gửi thư phúc đáp bọn Thành như sau:

 “Mới đây được ân huệ nhận thư, với không ít lời khuyên dụ:

Căn cứ vào thư của phủ Tư Minh kể rằng trước đây sứ giả thiên triều những lần đến tiểu quốc, khi nghênh tống dừng lại tại Khâu Ôn v.v.. Việc nghênh tống và cương giới không liên quan gì với nhau. Vì Khâu Ôn là chỗ xung yếu, trước đây [sứ giả] từ Tư Minh vào đường châu Lộc; gần đây thì từ Bằng Tường vào đường Đồng Đăng, những nơi này đều là nơi rừng núi hoang dã của tiểu quốc, không tiện lập trạm nên lập trạm tại Khâu Ôn, tại nơi giữa huyện, có quan huyện sắp xếp quán xá nghỉ ngơi [trong lúc] chờ đợi. Còn việc giao cắt phu ngựa thì hai bên gặp nhau tại cương giới, địa điểm hiện nay tại cửa quan Pha La Duy[17].

[Như vậy] vào đời đầu triều Nguyên, Khâu Ôn đã là đất của tiểu quốc, phủ Tư Minh lại bảo rằng vào cuối đời Nguyên nhiễu loạn, [người tiểu quốc] vượt Cột Đồng hơn 200 dặm để xâm chiếm năm huyện trong đó có Khâu Ôn, xem vậy những lời của người Tư Minh không đủ để tin; từ một việc vu khống như vậy, thì những điều khác cũng có thể thấy được. Còn như dẫn từ Chí thư; thì từ Hán, Đường đến nay sự vật biến thiên, có thể nào đem chuyện xưa mà chất chính vào ngày nay! Những điều khác đã trình bày đầy đủ, không muốn nói lại rườm lời.

 

Nhận được thư, lại tiếp tục biện luận không ngớt; Vương An Nam tặng bọn Thành hai đĩnh vàng, bốn đĩnh bạc cùng các loại trầm hương. Bọn Thành từ chối.

Vua An Nam nói:

 “Tặng đây là lễ, từ thời Lục Giả[18] sang sứ đã có lệ như vậy; bất tất phải từ tốn.

 Thành nói:

Úy Đà muốn đem đất Việt nhỏ nhoi để tranh giành với Thiên tử, cuối cùng bị họa; Lục Giả thích vàng để chia cho con cháu, đó là điều lợi cẩu thả. Vương muốn tự xử mình như Triệu Đà, lại còn ép người làm Lục Giả, như vậy hẹp hòi quá ru!

 

Vua An Nam không đáp được, bèn viết thư gửi cho bộ Hộ:

Được biết thượng ty vì việc phủ Tư Minh tâu chiếm đất bèn sai Hành nhân Trần Thành, Lữ Nhượng mang văn thư đến hạ quốc ra lệnh trả lại đất đai. Hạ quốc nghĩ rằng năm huyện Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát từ trước đến nay đời đời làm sưu dịch, nạp thuế cho hạ quốc; mà Đồng Đăng là đất thuộc huyện Uyên là nơi Thiên sứ thường đi lại; người dân Bằng Tường thuộc phủ Tư Minh mỗi năm cùng dân huyện Uyên của hạ quốc gặp nhau để giao cắt phu ngựa tại quan ải Pha La Duy nơi địa giới của Bằng Tường. Nay người Tư Minh cho rằng hạ quốc lập trạm tại Đồng Đăng để xâm chiếm, sai trái biết là nhường nào! Cái gọi là lập trạm xâm chiếm để mong được đất được dân; mà đất đó, dân đó từ xưa đến nay đã có rồi, đâu cần phải lập trạm để chiếm? Phàm việc phế hoặc lập trạm, tùy đất thuận tiện, tùy thời thích nghi; trạm trường tồn tại Khâu Ôn là do đất thuận tiện; trạm tạm lập tại Đồng Đăng để thích nghi. Lúc bấy giờ Thượng thư Nhiệm và bọn Ngô Quan tra xét biên giới, bèn ra lệnh dựng lợp phòng ốc để tiện nghỉ ngơi, vậy việc dựng lên hoặc bỏ đi chẳng can dự gì đến việc chiếm đất! Nếu bảo rằng vốn không có đất này, không có dân này, cho dù mưu chiếm cũng không dễ! Vậy đánh nhau để chiếm lúc nào? Tàn phá tiêu diệt chỗ nào? Còn lúc lập trạm, chủ đất và nhân dân không lẽ chịu chắp tay mà ngó, rồi còn việc phu phen lao dịch, chẳng lẽ dùng phép linh dị mà bắt họ theo đến đó được ư?

Lại bảo rằng dưới thời nhà Nguyên đại quân hai lần đánh Giao Chỉ, lúc trở về lập trại Vĩnh Bình[19], điều quân đến trấn thủ biên giới, lại bắt Giao Chỉ cung cấp lương hướng. Hai lần đại quân tướng soái của Trấn Nam vương không dừng lại để được đưa tiễn, sử nhà Nguyên e thẹn không chép rõ đầu đuôi, chỉ nói về việc trở về như sau “Trấn Nam vương tại ải Nội Bàng gặp giặc tập trung nhiều, chẹn đường về, Vương bèn từ huyện Đơn Kỷ theo đường tắt châu Lộc[20] để rút”[21]; xem cách về biết được quân tình, lại còn sức đâu để mang quân trở lại Vĩnh Bình rồi bắt Giao Chỉ cung cấp lương thực!

Lại bảo hạ quốc vượt qua Cột Đồng hơn 200 dặm để xâm chiếm năm huyện như Khâu Ôn v.v.. Xét kỹ thời Hán, năm Kiến Vũ thứ 19 [43] sai Mã Viện đến Giao Chỉ đánh dẹp người con gái họ Trưng lập Cột Đồng, tính đến nay đã hơn 1.350 năm; dưới một ngàn năm gò lũng đã biến đổi, ai mà biết được Cột Đồng ở đâu?

Lại bảo rằng đã hỏi ông già là Hoàng Bá Nhan, [ông ta] nói như vậy. Bá Nhan người cùng phủ Tư Minh, há lại không đồng lòng với quan phủ. [Việc này] dù hỏi một ngàn Bá Nhan cũng chẳng đáng tin!

Lại bảo rằng các Thổ quan cũ không trình bày rõ, mới đây [họ Hoàng] nhậm chức, bèn vẽ địa đồ rồi trình bày đầy đủ mọi việc, còn dựa vào sự ghi chép vào niên hiệu Kiến Vũ [đời Hán] để làm lý lẽ. Há lẽ cha ông tổ tiên nhà Hoàng Quảng Thành không biết chuyện xưa, không thể trình rõ, phải đợi đến Quảng Thành mới có đủ kiến thức để trình ư!

Hạ quốc với Tư Minh giáp giới, người phủ Tư Minh thường đến đất hạ quốc giành đất đai, cướp bắt súc vật; hạ quốc là chỗ xa xôi khó có thể tố cáo. Nay người Tư Minh đã quen nhờn với cái được nhỏ, lại mưu đồ lợi lớn mà đặt điều đến như vậy, Hạ quốc sợ trước sợ sau, chỉ lo việc tự giữ, có rảnh rỗi đâu mà lo tính việc xâm chiếm.

 Nếu hạ quốc xâm chiếm thì trả lại có khó gì! Nay không xâm chiếm lấy gì mà trả lại. Năm huyện này là của hạ quốc, đời nối đời truyền lại; đất để lại phải giữ vững, đâu dám đem đất đai của tổ tiên mà giao cho Tư Minh. Hiện thời [chỉ mong] mỗi bên giữ biên giới đã định sẵn để thờ thiên triều, đâu dám tham vọng xâm đoạt để phiền đến thượng ty. Duy thánh Thiên tử đối xử cùng một lòng nhân, cùng đức với trời đất, nên hạ quốc dựa vào đó để dốc hết gan ruột ra trình bày, làm phiền nghe những lời rườm rà, tội không thể tránh được. Nay đã trình bẩm lên, cúi mong các hạ trên thể theo lòng chí đức của Thiên tử, nhìn xuống dưới thương xót đến hạ quốc người xa xôi, thẩm xét giám sát, hạ quốc lấy làm may mắn vô cùng.

 

Bọn Thành trở về phục mệnh, Thiên tử [Minh Thái tổ] triệu quần thần bàn việc này; có kẻ tâu rằng nghịch mệnh đáng mang quân thảo phạt.

 

Thiên tử phán:

Bọn Man Di tranh với nhau, từ xưa đến nay vẫn có như vậy, bọn chúng ngoan cố bất phục, cuối cùng sẽ mang họa, hãy chờ xem!

(Minh Thực lục v. 8, tr. 3620-3627; Thái Tổ q. 250, tr. 3b-7a)[22]

 

 


[1]* Niên hiệu của Chu Nguyên Chương, Thái tổ nhà Minh (Trung Quốc), trị vì giai đoạn 1368-1398.

[2]* Tức năm Quang Thái thứ 10 đời Trần.

[3]*Tên nhà Minh gọi nước ta.

[4] *Trần Thuận Tông (1378 – 1398) là vua thứ 11 nhà Trần, tên thật là Trần Ngung. (các chú thích * được bổ sung khi tách bài khỏi sách)

[5] *Tư Minh 思明, tên vùng đất, châu kimi đời Đường, đời Nguyên đặt lộ Tư Minh. Đầu đời Minh, tổng quản là Hoàng Hốt Đô 黃忽都xin quy phục, nhận chức Tri phủ, được thế tập, nhà Minh đặt thêm lưu quan (chức Đồng tri) để cùng quản lý. Nay là huyện Ninh Minh thuộc địa khu Sùng Tả, Khu Tự trị Choang Quảng Tây, Trung Quốc; giáp huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn.

[6]Chỉ Vua Trần nhưng quyền hành thực tế lúc này nằm trong tay Hồ Quý Ly.

[7] Quan điểm của Sử quan Trung Hoa về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng lật đổ ách đô hộ của nhà Hán năm 40-43.

[8] Ngũ Quản, còn gọi Ngũ Phủ, chế độ quản lý hành chính nặng về quân sự [quân quản] đặt ở các miền biên cảnh trọng yếu.

[9]Việc này Toàn thư chép rằng năm 1076 “Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta”. Đến năm 1078 vua Lý “sai Đào Tông Nguyên biếu nhà Tống năm con voi nhà và xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu và những người các châu ấy bị bắt đi khi trước” và đến tháng 4 năm 1079 “nhà Tống đem châu Thuận (tức Quảng Nguyên) trả cho ta”. Đến năm 1084: “Định biên giới, nhà Tống trả lại cho ta sáu huyện ba động” …[Tập 1 tr. 238–240]. Các địa danh trong đoạn văn này như: Quảng Nguyên 廣源, Môn Châu 門州, Tư Lãng 思浪, Tô Mậu 蘇茂, Quang Lang挄揤 là đất thuộc Lạng Sơn và Cao Bằng.

+ Quảng Nguyên, tên châu; Nguyên Phong Cửu vực chí thời Tống (1080) chép châu Quảng Nguyên nằm trong 48 châu, huyện Kimi thuộc Quảng Nam Lộ [quyển 10]. Toàn thư chép về sự kiện Nùng Tồn Phúc (1039) cho rằng châu Quảng Nguyên kiêm quản các châu Thảng Do, Vạn Nhai và Vũ Lặc [tập 1, tr. 214]. Đến đời Lê đổi tên là Quảng Uyên, đời Nguyễn vẫn giữ tên Quảng Uyên, đặt làm huyện, thuộc tỉnh Cao Bằng. Đất châu Quảng Nguyên đời Lý Trần nay ứng với huyện Quảng Hòa, Thạch An tỉnh Cao Bằng. Quảng Uyên nay là tên huyện lỵ huyện Quảng Hòa.

+    Môn Châu: Địa danh này không thấy tên trong danh sách các châu thời Tống [thời Lý]. Hoàng Xuân Hãn ước định Môn Châu ở phía Tây Bằng Tường, phía Nam Quảng Nguyên [Uyên], trong bản đồ chiến trường Tống, Lý (Lý Thường Kiệt, phụ lục 111a), tức nay thuộc khoảng đất huyện Na Rì (Bắc Cạn) và Bình Gia (Lạng Sơn) (?). Nguyên sử - Địa lý chí, mục An Nam quận huyện phụ lục chép 18 châu, 14 huyện, tiếp giáp biên giới Vân Nam, Quảng Tây thấy ghi “châu Văn Chu 文 周 còn gọi là Môn Châu門 州”. Và lại có một huyện tên là “Môn huyện” [địa danh Môn có hai (một châu, một huyện)] (Quyển 613, chí 15, Địa lý 6, tr. 1575)

+ Tư Lãng思 浪, cũng viết Tư Lang 思 琅, tên châu. Nguyên Phong Cửu vực chí chép châu Tư Lãng [浪] nằm trong 48 châu, huyện Ky mi thuộc Quảng Nam Lộ. Toàn thư chép sự kiện Nùng Trí Cao bị tướng nhà Trần bắt (năm 1041), vua Trần xét thấy cha và anh của Trí Cao đều bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại cho thêm các động Lôi Hỏa, Bình An, Bà và châu Tư Lang [tập 1, tr. 218]. Đời thuộc Minh, chia châu Tư Lang ra làm Thượng Tư Lang và Hạ Tư Lang, sau nhà Lê đổi là Thượng Lang, Hạ Lang. Thời Nguyễn đặt làm huyện Thượng Lang và huyện Hạ Lang thuộc tỉnh Cao Bằng. Thượng Lang nay ứng với phần đất huyện Trùng Khánh và một phần huyện Trà Lĩnh, Hạ Lang nay là huyện Hạ Lang.

+    Tô Mậu, tên châu. Địa danh này thấy trong Toàn thư, sự việc năm 995: “Mùa hạ năm ấy châu Tô Mậu nước ta lại đem năm nghìn hương binh xâm lược Ung Châu nước Tống, bị Đô tuần kiểm là Dương Văn Kiệt đánh phải trở về”. [tập I, tr. 175] Lời chú trong Toàn thư dựa theo Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt thì châu Tô Mậu đời Lý là ở vùng Nà Dương [huyện Lộc Bình], Định Lập [huyện] tỉnh Lạng Sơn và An Châu [huyện Sơn Động] tỉnh Bắc Giang ngày nay. Tuy nhiên xem bản đồ chiến trường Tống, Lý [Lý Thường Kiệt, phụ bản số 111a] thì thấy Tô Mậu ứng với vùng đất tỉnh Quảng Ninh. (?) [Chờ xét thêm].

+    Quang Lang, Toàn thư chép: “Năm Thiên Thuận thứ 1 [1128] tháng Giêng, ngày Mậu Thân, trường Quang Lang đem dâng chín chiếc thuyền buôn trôi giạt của người nước Tống”. (Tập 1, tr 261). Địa danh này được chép trong Toàn thư theo một sự kiện cách xa gần 100 năm so với các địa danh Quảng Nguyên, Tư Lãng… và theo sự kiện nêu trên thì thấy địa phương này ở gần biển. Tự dạng Quang Lang “桄 榔” Toàn thư chép giống Minh Thực lục. Toàn thư không chú thích về địa danh này. Toàn thư chép Quang Lang là Trường 場, tức chợ giao dịch với các nước. Còn một địa danh Quang Lang khác (?) được ghi nhận là ở Khâu Ôn (Lạng Sơn) mà Hoàng Xuân Hãn định là tên một huyện (Lý Thường Kiệt – chương 5). Tuy nhiên, chưa thấy đơn vị hành chánh huyện có tên Quang Lang trong các tài liệu địa lý thời Tống. Đại Nam Nhất thống chí thì chép Quang Lang là thuộc huyện Châu Ôn, và một ải [Quang Lang Quan桄 榔 關] thuộc xã Quang Lang, cách lỵ sở Châu Ôn 35 dặm về phía Tây Nam. Xét thấy trong thời điểm mà văn bản Minh Thực lục nhắc đến, có lẽ thích hợp với “Trường Quang Lang” gần biển mà Toàn thư chép [xem thêm Hoàng Xuân Hãn – Lý Thường Kiệt, chương V, bang giao Lý – Tống].

+ Việc bắt thái tử Hồng Chân, là dựa vào An Nam chí lược của Lê Tắc: “Quân nhà Tống bắt được Hồng Chân Thái tử và đại tướng Nguyễn Căn. Lý Càn Đức bèn dâng biểu xin hàng và trả lại đất đai đã cướp cho nhà Tống” (Tiền Triều chinh thảo, quyển IV, tr. 99).

[10]Châu Lộc祿州. Nguyên Phong Cửu vực chí chép châu Lộc nằm trong 48 châu, huyện Kimi thuộc lộ Quảng Nam. Hoàng Minh Nhất thống Kỷ yếu chép châu Lộc là một trong tám châu thuộc phủ Tư Minh (sách này viết trong niên hiệu Vạn Lịch [1573–1620]). Việt Thuật chép: “Châu Lộc trước thuộc phủ Tư Minh, sau bị mất về Giao Chỉ, gần đây lại khám xét rõ ràng rồi trả lại như cũ, thuộc huyện Tây Lâm, châu Tây Long mới đặt của tỉnh Quảng Tây” [Tùng thư Thuyết Linh, Việt Thuật, tờ 7a]. An Nam quốc đồ (1562) của Trịnh Nhược Tăng vẽ châu Lộc nằm giữa châu Tư Lăng và châu Tây Bình, phía bắc ải Biện Cường, tuy địa đồ này không thể hiện đường biên giới, nhưng xét vị trí các châu lân cận thì thấy châu Lộc thuộc phần đất châu Tư Minh, Quảng Tây. Theo Đào Duy Anh (ĐNVNQCĐ) thì châu Lộc và châu Tây Bình sau nhập lại thành châu Lộc Bình, ứng với phần đất huyện Lộc Bình và Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay. (tr. 147)

[11]Như Ngao 如嶅, tên huyện. Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư chép: “Năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415), tháng 8, nhập huyện Tân An phủ Lạng Sơn vào huyện Đan Ba, huyện Như Giáo vào huyện Khâu Ôn, huyện Đổng vào huyện Trấn Di, huyện Thủy Lãng vào châu Thất Nguyên…”.(dẫn lại từ Phương Đình dư địa chí) Tên huyện Như Giáo là do chép sai từ Như Ngao [教 - 嶅]. Đào Duy Anh phỏng đoán huyện Như Ngao đời Trần tức khoảng đất huyện Lộc Bình nay.

[12]Khánh Viễn 慶遠, tên huyện, Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư chép: “Năm Vĩnh Lạc thứ 7 (1409), tháng Giêng, ngày Ất Sửu, nhập huyện Khố, châu Thượng Văn vào bản châu; huyện Khánh Viễn vào huyện Bôi Lan, huyện Phi vào châu Thất Nguyên, huyện Dung vào châu Ký, huyện Bình vào huyện Thủy Lãng”. [Đến năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415)] lại: “nhập huyện Bôi Lan vào châu Thượng Văn”. Như vậy huyện Khánh Viễn đến năm Vĩnh Lạc đời Minh nằm trong châu Thượng Văn, là đất thuộc về nhà Trần, tức một phần châu Văn Lan đời Lê, huyện Văn Quan đời Nguyễn, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) ngày nay.

[13]Câu này trích lời Luận ngữ: “Quá nhi bất cải, thị vị quá hỷ - 過而不改是謂過矣” [Vệ Linh Công, hạ]. Và lời tập chú của Chu Hi: “Quá nhi năng cải, tắc phục ư vô quá -過而能改則復於無過”. Nguyên văn trong thư của Trần Thành (văn bản đang xét) viết: “Truyện viết: Quá nhi năng cải, tắc phục ư vô quá; hựu viết: Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ”. Truyện tức là lời chú của Chu Hi [nho gia gọi là Tập chú] đáng lẽ phải nằm ở vế sau, tức là sau lời Kinh văn của Khổng Tử, đây lại viết ở vế trước!

[14] * Long Châu (龙州/Lóngzhōu), là một huyện thuộc địa cấp thị Sùng Tả (崇左/ Chóngzuǒ), Quảng Tây, Trung Quốc; phía tây giáp tỉnh Cao Bằng với đường biên giới dài 184 km.

[15] * Các địa danh tại Trung Quốc.

[16]Nguyên bản: tông hựu 宗祐. Hiệu khám (Gia bản): tông xã宗社. Theo Hiệu khám.

[17]Pha La Duy Quan 坡羅唯關: không thấy tên cửa quan này trong các tài liệu đương thời. Có thể do chép sai hoặc một cách gọi khác của Pha Lũy Quan. Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư có đoạn: “Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1409), đặt 10 tuần kiểm ty ở Ngưu Tỵ quan thuộc huyện Lỗi Giang…, Trấn Di quan thuộc huyện Kê Lăng, Pha Lũy môn thuộc huyện Uyên…”. Cương mục có lời chú: “Pha Lũy quan ở xã Đồng Đăng huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, này là Nam Quan” (quyển 12). Đại Nam Nhất thống chí không ghi tên cửa quan này, tuy nhiên ở mục Từ Miếu có chép: “đền Pha Duy [坡唯祠], ở xã Đồng Đăng, châu Văn Uyên, thờ vị Sơn Thần”.

[18]Lục Giả 陸賈, sứ thần nhà Hán. Năm Ất Tỵ [196 tCn] Hán Cao hoàng đế năm 11, Triệu Vũ Vương (Đà) năm 12. Nhà Hán sai Lục Giả sang ban ấn, phong Triệu Đà làm Nam Việt Vương. Năm Nhâm Tuất [179 tCn] Hán Văn Đế năm thứ 1, Triệu Vũ Vương (Đà) năm thứ 29. Lục Giả lại sang gặp Triệu Đà.

[19]Vĩnh Bình 永平, trại, đặt từ đời Tống, gần đất các châu Tư Lăng, Tây Bình, Tư Minh. Nguyên tách các châu, đặt ty Tuần kiểm trại Vĩnh Bình. Minh vẫn giữ, Thanh nhập vào châu Tư Lăng. Nay là vùng đất Bản Lạn, huyện Ninh Minh.

[20]Minh Thực lục chép đoạn trên là chữ Lộc 祿, đến đây lại chép là Lộc盝, các bản Hiệu khám không thấy đề cập chỗ dị biệt này. Toàn thư chép祿(tr. 271), Nguyên sử, Ngoại Di, An Nam truyện chép盝(tr. 4685).

[21]Đoạn văn này [về việc rút quân của Trấn Nam Vương], trong thư của vua Trần lời lẽ trích dẫn rất giống chi tiết được đề cập trong Nguyên sử - An Nam truyện. Nguyên sử viết: “Trấn Nam Vương đang ở cửa Nội Bàng, giặc họp binh rất đông vây đánh, Vương đánh phá được, sai Vạn hộ Trương Quân đưa ba ngàn quân tinh nhuệ cản phía sau, đánh hết sức để thoát ra cửa quan. Tin gián điệp cho biết Nhật Huyễn, thế tử và Hưng Đạo Vương chia hơn 30 vạn binh giữ cửa ải Nữ Nhi và núi Khâu Cấp [binh đóng] liên tục dài hơn trăm dặm, chặn đường rút lui. Trấn Nam Vương bèn theo đường huyện Đôn Kỷ chạy qua Lộc Châu, theo đường tắt mà về Tư Minh”. [Quyển 209, Liệt truyện 96, Ngoại Di 2, An Nam, tr. 4648]. An Nam chí lược của Lê Tắc [người đương thời trong sự kiện này] ghi chép có khác:

“Trấn Nam Vương nghe quân An Nam đào hầm sỉa ngựa mà giữ ải Nữ Nhi, bèn khiến quan châu Tư Minh là Hoằng Kiên, dẫn đường khác, thẳng tới Lộc Xuyên, toàn quân được về”. (bản dịch, tr. 90).

Thời điểm Hồ Quý Ly gửi thư cho bộ Hộ nhà Minh [1397] cách sự kiện đánh bại quân Nguyên [1288] hơn trăm năm. Bộ Nguyên sử viết xong năm Hồng Vũ thứ 3 [1370], và có lẽ đã truyền sang An Nam trong thời nhà Hồ, việc lấy tư liệu từ chi tiết trong Nguyên sử để giằng co với Thiên Triều, cho thấy họ Hồ khéo và cứng. Các địa danh Đơn Kỷ, Nội Bàng, Khâu Cấp trong đoạn văn này chưa xác định được chắc chắn [để hiểu thêm vấn đề này nên tham khảo bài viết của Đào Duy Anh: “Tìm các đèo Khâu Cấp, và Nội Bàng trên đường dụng binh của Trần Hưng Đạo”, là phần phụ lục trong Đất nước Việt Nam qua các đời].

[22]Theo sách: Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII tập 1, Hồ Bạch Thảo & Phạm Hoàng Quân dịch và chú thích, NXB Hà Nội, 2010. Văn bản [103], các trang 186-193, có sửa chữa bổ sung.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513241

Hôm nay

227

Hôm qua

2315

Tuần này

21178

Tháng này

220114

Tháng qua

121356

Tất cả

114513241