Những góc nhìn Văn hoá

Vị trí của Hoan Châu trong danh xưng Nghệ An

                                   

Lễ hội Làng Vạc được tổ chức hàng năm tại Khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc thuộc xã Nghĩa Hòa, TX Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Ảnh Trang Đoan

Nghệ An là một tỉnh đất rộng, người đông; dưới góc độ tự nhiên, là hình ảnh thu nhỏ của đất nước; dưới góc độ lịch sử, là vùng đất trong chiếc nôi đầu tiên của người nguyên thủy ở Việt Nam.

Bức tranh tiền - sơ sử vùng đất này được tái hiện bắt đầu từ khi xuất hiện những người vượn biết ghè đẽo đá trên hang Thẩm Ồm (thuộc huyện Quỳ Châu) khoảng hơn 20 vạn năm trước, cho đến những người biết đúc đồng và rèn sắt ở Rú Trăn (huyện Nam Đàn), Làng Vạc (Thị xã Thái Hòa), Đồng Mõm (huyện Diễn Châu), cách ngày nay từ 4.000 năm đến hơn 2.000 năm. Người nguyên thủy trên đất Nghệ An đã đồng hành cùng nhân loại, từ xã hội mông muội, dã man, vững vàng tiến bước vào xã hội văn minh. Nghệ An cũng là địa bàn sinh sống của cư dân Đông Sơn với di chỉ Làng Vạc. Với việc phát hiện tổng cộng 347 ngôi mộ vào năm 1991 tại đây, Làng Vạc được đánh giá là khu mộ táng lớn nhất, có mật độ cao nhất trong văn hóa Đông Sơn. Đất và người nơi đây đã góp phần tạo dựng nên nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc. Lễ hội Làng Vạc được tổ chức vào đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mồng Mười tháng Ba Âm lịch hàng năm cho thấy điều đó.

Theo cổ tích Hùng Vương thì vùng Nghệ An và Hà Tĩnh vốn thuộc nước Việt Thường, kinh đô là vùng chân núi Hồng Lĩnh. Đến thời Hùng Vương thì trở thành bộ Hoài Hoan và bộ Cửu Đức trong 15 bộ của nước Văn Lang.

Theo các nguồn thư tịch cổ, đầu thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất Nghệ An lần lượt thuộc các quận Cửu Chân, Cửu Đức của phong kiến phương Bắc (Hán, Đông Ngô, Tấn và Lưu Tống). Đến nhà Lương (502-557), Nghệ An nằm trong Đức Châu và đến nhà Tùy, Đức Châu đổi thành Hoan Châu (năm 598).

Như vậy, địa danh Hoan Châu - một bộ phận của miền Giao Châu rộng lớn, xuất hiện từ đời Tùy. Vào thời điểm này, đất Giao Châu tuy là nội thuộc nhà Tùy nhưng chỉ là đất “ki mi”. Quyền lực thực tế ở Giao Châu vẫn nằm trong tay các cừ súy địa phương và chịu sự kiểm soát của phủ Tổng quản Quế Châu do nhà Tùy đặt. Năm 597, niên hiệu Khai Hoàng thứ 17 nhà Tùy, Linh Hồ Hy - Tổng quản Quế Châu - đã xin đổi tên một số huyện ở nước ta, trong đó đổi Đức Châu thành Hoan Châu. Tên gọi Hoan Châu chính thức ra đời từ lúc này. Đến năm 607 niên hiệu Tùy Dưỡng đế, Hoan Châu đổi làm quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam lúc bấy giờ gồm 8 huyện, 9.915 hộ. Năm 679, nhà Đường sau khi thay thế nhà Tùy đô hộ nước ta đã đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ và chia An Nam ra làm 12 châu trong đó có Diễn Châu và Hoan Châu (bao gồm toàn bộ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay).

Theo Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 1997, tr. 43 - 44)thì: Hoan Châu phía Đông đến biển 100 dặm; phía Bắc đến Diễn Châu 150 dặm; phía Nam đến cõi nước Lâm Ấp 190 dặm; có 4 huyện thì 2 huyện là Cửu Đức, Việt Thường và 2 huyện khác; Diễn Châu phía Đông đến biển lớn 6 dặm; phía Bắc đến Ái Châu 250 dặm; phía Nam đến Hoan Châu 150 dặm; có 7 huyện là Trung Nghĩa, Hoài Hoan, Long Trì và 4 huyện khác.

Thời kỳ độc lập tự chủ, nhà Ngô, nhà Đinh và nhà Tiền Lê đều gọi là Hoan Châu.

Khi chép về Đinh Tiên Hoàng, Đại Việt sử ký toàn thư tập I của Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê (Nxb KHXH, Hà Nội 1972, tr. 210) cho biết: “Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn giữ chức cũ, rồi mất”. Dưới thời Đinh, hệ thống hành chính trong cả nước không xác định được rõ ràng, chỉ thấy sử cũ chép Đinh Tiên Hoàng chia nước làm 10 đạo và địa danh Hoan Châu (có từ thời Đường) vẫn còn thấy ghi chép.

Nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh năm 980. Năm 1002, Lê Đại Hành cho đổi mười đạo thành lộ, phủ, châu. Đại Việt sử ký toàn thư tập I của Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê (tr. 230) chép: tháng 3, mùa Xuân năm Nhâm Dần, niên hiệu Ứng Thiên thứ 9 (1002), “định luật lệnh, chọn quân lính, chia tướng hiệu làm hai ban, đổi mười đạo làm lộ, phủ, châu”. Tuy nhiên, địa vực cũng như tên gọi cụ thể các đạo, lộ, phủ, châu của thời Đinh và Tiền Lê không được sử cũ ghi chép rõ ràng.

Dưới thời Ngô, Đinh, Lê quan hệ giữa Nghệ An với triều đình trung ương Hoa Lư còn quá lỏng lẻo, do Nghệ An vẫn được coi là vùng xa trung tâm, xu hướng ly tâm khỏi chính quyền trung ương còn rất mạnh. Thậm chí, đến đầu thời Lý (năm 1010), Nghệ An chỉ được coi là châu trại.

Khác với hai triều đại Ngô, Đinh, sau khi thành lập vương triều, Lê Đại Hành sai con đi trấn trị các nơi nhằm hạn chế quyền lực của các hào trưởng địa phương.

Năm 1004, Lê Đại Hành sai con là Hành Quân vương Minh Đề (con thứ 11 của Lê Đại Hành), xưng là Nhiếp Hoan Châu thứ sử, sang thăm nước Tống. Vua Tống cho Minh Đề chức Kim tử vinh lộc đại phu Kiểm hiệu thái úy Hoan Châu thứ sử.

Tháng 7 năm Canh Tuất (1010), sau khi lên ngôi ở Hoa Lư, lập ra vương triều Lý, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Đầu triều Lý, miền đất Nghệ An bắt đầu được quan tâm hơn. Nghệ An là miền đất ở xa kinh đô Thăng Long, nhưng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phòng thủ ở phía Nam của quốc gia Đại Việt. Tháng 12/1010, Lý Thái Tổ cho đổi mười đạo làm hai mươi bốn lộ; Ái Châu và Hoan Châu làm trại, đồng thời cho lập trại Định Phiên ở Hoan Châu nam giới, dùng Lý Thai Giai làm chủ trại.

Về vị trí của Hoan Châu nam giới? Theo Nghệ An phong thổ ký của Bùi Dương Lịch thì Hoan Châu nam giới là đất huyện Kỳ Hoa. Bây giờ là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Dưới thời Ngô, Đinh, Lê và đầu triều Lý, Hoan Châu nam giới là vùng giáp ranh giữa quốc gia Đại Việt với Chiêm Thành ở phía Nam. Sách Đại Nam nhất thống chí tập II của Quốc sử quán triều Nguyễn (Nxb KHXH, Hà Nội, 1970, tr. 79) cho biết: Nam Giới tức là cửa Sót thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Về địa danh Nam Giới, sách Đại Nam nhất thống chí (đạo Hà Tĩnh) chép về núi Nam Giới như sau: “Gọi là núi Nam Giới là vì ngày xưa phía nam cửa Sót giáp với Chiêm Thành”.

Từ thế kỷ X trở về trước, Hoan Châu luôn được coi là vùng đất trọng yếu phía Nam đất nước, là “thành đồng, ao nóng và là then khóa của các triều đại...” như lời khẳng định của sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, tập I (Nxb Giáo dục, Hà Nội 2007).

Nhà Lý thì đổi làm trại gọi là Nghệ An châu trại. Danh xưng Nghệ An có từ năm 1030 thời nhà Lý, niên hiệu Thiên Thành thứ 2 đời Lý Thái Tông, khi vị vua này đổi tên là Nghệ An châu, còn Diễn Châu thì đứng riêng làm một châu.

Cuối thế kỷ XIII, sau khi dựa vào nguồn nhân lực hùng hậu của vùng đất Hoan Diễn để chống quân xâm lược Nguyên Mông thắng lợi, nhà Trần lập ra Diễn Châu lộ, chia Hoan Châu làm 4 lộ: Nhật Nam, Nghệ An Nam, Nghệ An Bắc, Nghệ An Trung (còn gọi là Nghệ An Phủ). Năm 1397, đời Trần Thuận Tông, đổi trấn Nghệ An làm trấn Lâm An và đổi trấn Diễn Châu làm trấn Vọng Giang. Đời Hồ Hán Thương, năm Khai Đại 1 (1403) đổi trấn Diễn Châu làm phủ Linh Nguyên. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhà Minh, năm 1424, Lê Lợi tiến quân vào xứ Nghệ, lập đại bản doanh ở đây trong bốn năm. Nhà Lê năm 1428 lập đạo Hải Tây, sau đặt làm Nghệ An thừa tuyên.

Như vậy, trải suốt các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần - Hồ cho đến đầu triều Lê sơ, Hoan Châu hay Nghệ An châu, Nghệ An phủ lộ... được sử dụng để chỉ miền đất phía nam Nghệ An đến hết địa phận Hà Tĩnh. Từ bắc Nghệ An ra đến nam Thanh Hóa thuộc về Diễn Châu. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mụccủa Quốc sử quán triều Nguyễn (sđd, tr. 1074), năm Quang Thuận thứ 7 (1466), Lê Thánh Tông sắp xếp lại các đơn vị hành chính, chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên, bấy giờ Diễn Châu mới thực sự trở thành một phủ trong 8 phủ của Nghệ An thừa tuyên.

Năm 1490, vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 21) đổi tên từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An (gọi tắt là xứ Nghệ) đồng thời với các đơn vị hành chính khác lúc bấy giờ như: xứ Kinh Bắcxứ Sơn Namxứ Đôngxứ Đoàixứ Thanh Hóaxứ Lạng Sơn...

Trong thời kỳ Nội chiến Lê Mạc, Nghệ An là địa bàn tranh giành ác liệt giữa Nhà Mạc và Nhà Lê. Nhà Mạc thường xuyên dùng thủy quân tiến công bọc hậu vào địa bàn Thanh Hóa của các vua Lê. Năm 1535, Mạc Đăng Lượng và em Mạc Đăng Hào đưa hơn một vạn quân vào trấn thủ đất Hoan Châu.

Đến thời Nhà Tây Sơn xứ Nghệ được đổi làm Nghĩa An trấn. Hoàng đế Quang Trung còn cho xây Phượng Hoàng Trung Đô ở thành phố Vinh ngày nay, với ý định đặt thủ đô của Việt Nam tại đây, thay thế kinh đô Phú Xuân. Tuy nhiên dự án này chìm vào quên lãng khi ông qua đời. 

Năm đầu niên hiệu Gia Long lại đặt làm Nghệ An trấn. Năm 1831, vua Minh Mệnh chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (phía Bắc sông Lam); Hà Tĩnh (phía Nam sông Lam). Năm Tự Đức thứ 6 (năm 1853) đổi tỉnh Hà Tĩnh làm đạo, hợp vào Nghệ An thành An Tĩnh. Đến năm Tự Đức thứ 29 (năm 1876) lại đặt tỉnh Hà Tĩnh như cũ. Đúng 100 năm sau, năm 1976, hai tỉnh lại hợp thành tỉnh lớn Nghệ Tĩnh. Ngày 12/8/1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.

Trên đây là những thông tin mà thư tịch cổ đã phản ánh và được giới nghiên cứu sau này mặc nhiên thừa nhận Diễn Châu và Hoan Châu là hai đơn vị hành chính tồn tại độc lập trong suốt một thời gian khá dài, từ triều Đinh - Lê (thế kỷ X) đến ba đời vua đầu triều Lê sơ. Thực tế có đúng như ghi chép của sử cũ hay không, đặc biệt là trong 216 năm tồn tại của vương triều Lý, Diễn Châu và Hoan Châu (hoặc Nghệ An châu, Nghệ An phủ lộ) là hai đơn vị hành chính riêng biệt hay chỉ là một?

Vấn đề: “Diễn Châu tồn tại với tư cách là một đơn vị hành chính tương đương với Ái Châu (Thanh Hóa) hay Hoan Châu (Nghệ An) hay phụ thuộc vào Hoan Châu (hay trại Nghệ An sau này) trong thời Lý - Trần?” vẫn còn là chủ đề cần bàn thảo. Theo chúng tôi, rất có thể Diễn Châu đã trở thành một bộ phận của Hoan Châu từ thời Lý nhưng vì địa danh Diễn Châu không thay đổi trong thời gian khá dài nên dễ lầm tưởng đó là hai đơn vị hành chính độc lập, tương đương nhau. Hoặc nếu đây là hai đơn vị hành chính độc lập thì cấp độ Nghệ An (phủ) cao hơn Diễn Châu (lộ). Vấn đề này xin bàn vào dịp khác. Tuy nhiên, có thể thấy, danh xưng Hoan Châu luôn có vai trò quan trọng trong quá trình ra đời của danh xưng Nghệ An.

 

*PGS.TS, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Vinh

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559287

Hôm nay

2304

Hôm qua

2301

Tuần này

2605

Tháng này

226830

Tháng qua

122920

Tất cả

114559287