Những góc nhìn Văn hoá
Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu từ góc nhìn phê bình sinh thái [kỳ 2]

Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu từ góc nhìn phê bình sinh thái [kỳ 1]
3. Cái nhìn “phản lãng mạn” về nông thôn
Khi viết về những người nông dân và không gian thôn dã, người ta thường thẩm mĩ hóa, mĩ lệ hóa nó bằng những hình ảnh làng quê thanh bình nhàn tản (Mục đồng thổi sáo trâu về hết/ Cò trắng từng đôi lượn xuống đồng) như trong văn học trung đại Phương Đông hay cái chân quê dân dã hồn nhiên (Em dừng thoi lại giữa tay xinh; Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê) hoặc khoác lên đó vẻ đẹp lãng mạn của những chàng mục đồng như Những vì sao của A. Daudet, cũng như cái u trầm, lặng lẽ, thanh bình của những cỗ xe tam mã, những cánh rừng bạch dương… trong thơ của Puskin, của Exinin. Theo Garrard Greg trong tác phẩm Phê bình sinh thái (thuật ngữ phê bình mới) (Ecocritisim (The New Critical Idom), phê bình sinh thái từ bỏ cách nhìn mang tính “thẩm mĩ hóa” ấy để “bước vào lao động” (“Into Labours”), do đó nó quan tâm đến những diễn ngôn miêu tả không gian như là nơi con người cư trú, làm việc chứ không phải là không gian ngắm nghía, thưởng ngoạn “có thể giúp chúng ta vượt ra bên ngoài lối viết thôn dã, bước ra khỏi những cảnh quan để giải trí nghỉ dưỡng để đến với địa hạt gồ ghề của lao động thực tế” [14,135]. Như là một sự đối lập lại với “pastoral” (văn học đồng quê),“georgic” (văn học nông thôn) là văn học về sự thật đầy nhọc nhằn, cực khổ của cuộc sống lao động nông nghiệp.
Sau năm 1975, nhiều sáng tác của Nguyễn Minh Châu quan tâm đến số phận của người nông dân khi phải chiến đấu với tự nhiên miền Trung - có thể nói là vùng đất khắc nghiệt nhất cả nước, vậy nên không khó để lấy những ví dụ về những nhọc nhằn mưu sinh của họ. Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát là những câu chuyện của một người vật lộn với “một triền phía Tây của miền Trung - cái vùng “chó ăn đá gà ăn sỏi” [2, 372] vùng đất mà “nó có một sức nhai người ghê gớm. Nó nghiền nát những con người ra rồi vắt lại theo cái hình thù đã có từ ngàn đời của nó, rồi bắt những con người ấy phải sống theo cái luật cũng đã có từ ngàn đời nhưng không bao giờ viết bằng văn của nó” [2, 396].Mảnh đất ấy “còn cơ man là rễ cỏ tranh. Một vùng đất của dân biển lên mở trại lúc nào cũng phả ra chung quanh mùi rễ cỏ tranh ngai ngái, hăng hắc và ai đã đến đấy khi trở về vẫn cứ phải nghe mãi cái dư âm ken két đầy rền rĩ của những chiếc xe cút kít” [2, 372]. Vùng đất Quảng Trị trong Cỏ Lau cũng khắc nghiệt chẳng kém. Đó là vùng núi Đợi nơi Lực lập nghiệp sau cuộc chiến. Nơi đây ngoài núi đá thì chẳng có gì ngoài rừng cỏ lau bạt ngàn “Một vùng núi đá dựng đứng đầy vắng lặng, chim kêu vượn hót cũng không, chỉ có núi đá và núi đá nối nhau chạy dài dọc theo sông ôm lấy một cái thung lũng mọc độc một thứ cỏ lau đang trổ một trời hoa tím nhạt” [2, 463] con người phải dành dật từng nắm đất với cỏ lau. Như vậy, thông qua những số phận nhọc nhằn, tủi cực của con người trong cuộc mưu sinh, chúng ta thấy rõ một điều, có lẽ những người lao động bao giờ cũng chịu thiệt thòi hơn cả, suốt đời gắn bó với hòn đất “chúi mũi vào hòn đất”, họ chưa bao giờ được thảnh thơi, lúc nào cũng phải dành dật với cỏ hoang, với nắng mưa để có củ khoai, củ sắn. Tác giả không hề viết về bài ca chiến thắng của con người với hoàn cảnh bằng cái nhìn một chiều. Toàn bộ cảm hứng lại dồn vào thể hiện sự khắc nghiệt của tự nhiên, trong cuộc vật lộn với tự nhiên để mưu sinh. Lão Khúng trở thành “một con bọ hung từ dưới lỗ chui lên vừa đen, vừa gầy, vừa xấu”, mụ Huệ từ một cô gái thành phố xinh xắn thành “một người đàn bà nông dân với cái tính chắt bóp, tham công tiếc việc, tham của và thậm chí đôi khi còn lắm điều nữa” [2, 386]. Hai vợ chồng lão Khúng sống giữa rừng như thời hồng hoang nên tính cách cũng thay đổi “Lão sống như người rừng, đánh mất luôn tính cách một người ở đồng bằng, một anh nông dân bon chen ở làng. Vợ lão vốn người thành phố lại càng thay đổi nhiều. Cả hai vợ chồng trở nên lầm lì, tính nết cũng trở nên âm âm u u như tính nết của rừng” [2, 581], thậm chí trông lão Khúng như cũng mang hình dáng của tự nhiên “y như một cái cây dại tự nhiên từ trong đất mọc lên”.Nương theo số phận của nhân vật, đặt ra nhiều vấn đề của môi trường và số phận của cá nhân trong chỉnh thể sinh thái, cho thấy hoàn cảnh của con người khi nếm trải những khắc nghiệt của môi sinh. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, căn nguyên của những số phận thê thảm của một gia đình làng chài là do cuộc sống quá cực khổ, các điều kiện sống thiếu thốn đã biến người chồng từ một chàng trai hiền lành thành một người vũ phu, tàn nhẫn. Những trang viết ấy lại được soi rọi bởi một ánh sáng nhân văn khác Nguyễn Minh Châu viết về số phận những con người bằng một tình yêu cảm thông đầy sâu sắc. Có thể nói, thiên nhiên có sức tàn phá thật ghê gớm, trong khi con người lại chống chọi trong sự hữu hạn. Tác giả đã từ bỏ cái nhìn chủ quan, giản đơn,duy ý chí về con người và hoàn cảnh trước đây. Có một thời, người ta tin rằng mình có thể cải tạo được hoàn cảnh “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (Hoàng Trung Thông) mà không nhận ra được sức mạnh không dễ khuất phục của tự nhiên, để có cái nhìn bớt ngạo nghễ “đất đai và cây trái, trong khi con người làm ra nó, thì chính nó cũng làm ra con người” [2, 396]. Đây cũng là cái nhìn của những nhà phê bình sinh thái khi khước từ cách nhìn lãng mạn hóa về nông thôn và người nông dân để nhận thấy sự nhọc nhằn cơ cực của người nông khi vật lộn mưu sinh với đất đai.
Người nông dân gắn với đất đai như máu thịt của mình. Trong Khách ở quê ra, Lão Khúng lại phát biểu với người chú của mình rằng: “Họ nhà mình chỉ nên sống với hòn đất” [2, 371]. Đó cũng là một đặc điểm tính cách ăn sâu vào huyết mạch của người nông dân. Bởi thế, là người con của biển nhưng Khúng đã xác định cả đời mình chỉ nên sống với hòn đất. Vì nó mà lão đưa gia đình lên cái vùng hoang sơ đầy cỏ tranh và đá vì vùng ấy mênh mông là đất. Còn những người dân ở trong Cỏ lau thì “Đánh nhau vỡ đầu vì tranh giành đất” với rừng cỏ lau và với chính cả đồng loại. Cuộc đời của Khúng “chúi mũi vào hòn đất”, đôi bàn tay “không lúc nào ngơi mò mẫm trong đất” để làm cho trong đất bớt đi những mầm cỏ dại, biến mảnh đất hoang sơ thành quen thuộc. Lão đã biến cái mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ấy thành vùng sắn, khoai, lạc xanh rì, để từ đó “Đã ra đời trên tấm bản đồ của đất nước tên một cái xã mới” [2, 397]. Đất đai là niềm đam mê của lão, lão chẳng thiết gì , “Lão chỉ thiết cái mặt đất ở dưới chân với mấy mảnh ruộng vỡ hoang được thuộc sở hữu gia đình lão” [2, 593]. Để bám trụ được trên mảnh đất ấy, lão đã “tranh chấp với rừng từng bước chân, không phải chỉ trả giá bằng mồ hôi mà cả bằng máu” [3, 374], “vật lộn” tưới đến gần cạn kiệt mồ hôi cho mảnh đất này. Lao động quần quật đã biến đôi bàn tay Khúng thành hình ảnh của thiên nhiên. Đó là “Một tòa rễ cây vừa mới đào dưới đất lên”, “Hai bàn tay lão đầy những chỗ nổi u cục, cái ngón tay vặn vẹo và bọc một lớp da giống như một thứ vỏ cây” [2, 371]. Nhìn bàn tay của Khúng người chú - Định như “Đang nhìn thấy một thứ đất đến kỳ cục: Cứ lổng chổng đầy những đá”; “Y như con bọ hung vừa từ dưới lỗ chui lên, vừa đen vừa gầy vừa già vừa xấu” [2, 373]. Bằng những hình ảnh so sánh hấp dẫn, nhà văn đã làm cho người đọc không còn nhận ra Khúng là con người hay là một phần không thể thiếu của thiên nhiên như chính tác giả chia sẻ trong cuộc trao đổi về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trên báo Văn Nghệ:
Một con người như cái lão Khúng, cắm rất sâu vào cái tầng đất quá khứ, trong chiều sâu tâm lí và tính cách của lão(…) tính nông dân là phần bản năng hồn nhiên còn lại của nhân loại. Cái phần hồn nhiên bản năng trong con người của lão Khúng, rồi đến một lúc nào đó, những nhà văn của các thế hệ sau chúng ta lại phải dò dẫm đi tìm lại, để giữ gìn như giữ gìn cái phần “bản thiện” đầy nguyên sơ của tâm hồn con người [5, 58].
Đặt người nông dân trong lao động, Nguyễn Minh Châu thường chú tâm khắc họa hai bàn tay, bàn tay trở thành biểu tượng của sự vật lộn giữa con người với đất đai. Nhìn vào bàn tay làm lụng biết được người nông dân đã vất vả như thế nào,công việc đã biến“hai bàn tay con gái thành phố - bây giờ đã đen đúa và sứt sẹo” của mụ Huệ [2, 386]; cả Nghiên, đứa con gái lên chín của lão Khúng chăm làm nhất nhà “Hai bàn tay lúc nào cũng sây sát máu vì công việc cắt cỏ cho bò ăn để đi cày” [2,579].
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là đã đưa lại cho chúng ta một mệnh đề tương phản về nghệ thuật và cuộc sống. Bằng cái nhìn đầy tính phản biện, Nguyễn Minh Châu muốn nhắc nhở về một cái nhìn có phần lí tưởng hóa về tự nhiên. Bức ảnh của Phùng và cuộc sống mưu sinh đầy vất vả của những người dân bản địa là một nghịch lí. Đằng sau bức ảnh thơ mộng “trước mặt tôi là một bức tranh mực tầu của một danh họa thời cổ (…) toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích” [2, 346] có ai biết rằng lúc biển giận dữ những đợt sóng dữ dội, dồn dập khiến mọi người lo lắng, sợ hãi “Gần sáng trời trở gió đột ngột, từng tảng mây đen xếp ngổn ngang trên mặt biển đen ngòm, và biển bắt đầu gào thét, sóng bạc đầu ngoài cửa lạch nổi cồn lên cao như những ngọn núi tuyết trắng”. Biển cả dữ dội đã kìm hãm công việc làm ăn sinh sống của người dân vùng biển “mấy cái đầu mẩu gỗ cưa ra từ các lẻ ván của một chiếc thuyền mới vớt lên được, sau vụ đắm thuyền trong vụ Bắc năm ngoái”, chỉ bằng một chi tiết nhỏ, tác giả đã giúp hình dung ra cơn cuồng nộ của biển cả. Đó là nghịch lí mà Nguyễn Minh Châu muốn bóc trần: bày tỏ tình yêu với thiên nhiên tuyệt đẹp, mô tả cái mĩ lệ của thiên nhiên nhưng lại quên mất cái không gian hiện thực, thiên nhiên dù đẹp nó vẫn chứa nhiều bất trắc mà con người phải đối mặt.
Tính phản biện biểu hiện qua hai cái nhìn bên trong và bên ngoài càng gia tăng ở chính sách đối với người lao động đã cho thấy sự vênh lệch mà phê bình sinh thái đặt ra. Từ chối cái nhìn lí tưởng hóa, lãng mạn hóa của Phùng và cái nhìn đơn giản, phi thực tế của anh cán bộ “Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!” [2, 344], Nguyễn Minh Châu rất sâu sắc khi nhận ra vật lộn với tự nhiên là một quá trình sống khắc nghiệt, không thể chỉ giản đơn như câu nói “sao không lên bờ mà ở” của anh cán bộ huyện kia được. Để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn một cách qua loa của kẻ đứng ngoài. Sự từ chối của người phụ nữ làng chài trước yêu cầu có vẻ rất nhân đạo về việc cứu giúp chị ra khỏi nạn bạo hành gia đình của Phùng và Đẩu: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”; “là bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...", “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba” đã lật tẩy cái đạo đức hời hợt bề ngoài đã bỏ qua những điều kiện sinh tồn khắc nghiệt của người lao động.
Từ chối cái nhìn lí tưởng hóa về không gian thôn dã, văn xuôi sau năm 1975 đã xuất hiện một xu hướng “phản lãng mạn” về nông thôn với những sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp (Thương nhớ đồng quê, Chăn trâu cắt cỏ, Con gái thủy thần…), Sương Nguyệt Minh (Đi qua đồng chiều), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận, Nước như nước mắt, Sầu trên đỉnh Puvan…)... Có thể nói, một số tác phẩm đã đem lại một cái nhìn khác, không đơn giản chỉ là tái hiện về đời sống nhọc nhằn, đưa văn học trở về với những góc cạnh hiện thực xù xì của đời sống, về với mặt đất nhọc nhằn, nhiều âu lo còn phản ánh cảm quan của thời đại.
Mặc dù như Chellry Glotfelty đã nhắc nhở, cách mạng văn hóa không thể giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường hiện nay. Nhưng văn học không thể vô can trong việc hình thành nên "sai lầm vĩ đại" ấy. Bởi vì cách chúng ta nói về tự nhiên như thế nào ảnh hưởng đến việc chúng ta hành xử như thế nào. Cách viết của Nguyễn Minh Châu - từ chối cách nhìn ngạo mạn con người khắc phục hoàn cảnh, cải tạo tự nhiên… một chiều, tự nhiên có sinh mệnh riêng của nó và nó ảnh hưởng đến con người, không phải như diễn ngôn ngạo mạn mà con người vẫn thường rêu rao về sự khắc phục hoàn cảnh tự nhiên, yêu cầu tự nhiên phải phục tùng ý chí của con người - không phải hạ thấp con người mà giúp chúng ta nhận thấy mối quan hệ của mình giữa vũ trụ, thế giới là một chỉnh thể sinh thái phụ thuộc lẫn nhau mà mỗi loài có một vai trò quan trọng như nhau trong chỉnh thể đó. Sự thức tỉnh tinh thần sinh thái trong sáng tác Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 thể hiện tính tiên phong của nhà văn với những vấn đề của thời đại, quả là như Trần Đình Sử kết luận “Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu đang mang lại những hiện tượng mới và chủ đề mới có ý nghĩa bức thiết với đời sống hôm nay” [10, 246].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Minh Châu (1994), Trang giấy trước đèn, phê bình tiểu luận, Tôn Phương Lan sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Khoa học Xã hội,Hà Nội.
- Nguyễn Minh Châu (2009), Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, NXB Văn học, Hà Nội.
- Elisabeth de Fontenay (2013), Khi con vật nhìn ta, Hoàng Thanh Thủy dịch, NXB Tri thức, Hà Nội.
- Cheryll Glotfelty (2014), “Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường” (lời giới thiệu trongTuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học), Trần Thị Ánh Nguyệt dịch, Tạp chí Sông Hương, số 305.
- Nguyễn Trọng Hoàn giới thiệu và tuyển chọn (2004), Nguyễn Minh Châu về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Daisaku Ikeda và Aurelio Peccei (1993), Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỉ XXI, Trương Chính, Đông Hà dịch,NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Tôn Phương Lan (1999), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Long, Trịnh Thu Tuyết (2007), Nguyễn Minh Châu và công cuộc đổi mới văn học Việt Nam sau 1975, NXB Đại học Sư phạm,Hà Nội.
- Desmond Morris (2010), Vượn trần trụi, Vương Ngân Hà dịch, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
- Thao Nguyễn tuyển chọn (2013), Nguyễn Minh Châu một giọng văn nhiều trắc ẩn, NXB Văn hóa Thông tin.
- Cheryll Glotfelty (2014), “Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường” (lời giới thiệu trongTuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học), Trần Thị Ánh Nguyệt dịch, Tạp chí Sông Hương, số 305.
- “Vănhọc phải làm cho con người tin nhau hơn” (Đối thoại đầu năm giữa Oe Kenzaboko với Mạc Ngôn), Báo Văn nghệ, Số 12 (23/03/2002).
- Rigby K. (2014), Chapter 7: “Ecocritisim”, Introducing Criticism at the Twenty -First Century, Edinburgh UP, Đặng Thị Thái Hà dịch, Phụ lục luận văn Cái tự nhiên từ điểm nhìn phê bình sinh thái (Qua tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư), Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Garrard Greg (2004),Ecocritisim (The New Critical Idom), Routledge.
- Manes C. (1996), “Nature and Silence”, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology edited by Cheryll Glotfelty and Harold Fromm, University of Georgia Press.
tin tức liên quan
Videos
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Hành trình thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Tiếp cận từ tầm nhìn và bản lĩnh Hồ Chí Minh
Buổi học thầy duy nhất
Hà Tĩnh - Vùng đất trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước
Thống kê truy cập
114560139

2159

2334

21457

227682

122920

114560139