Góc nhìn văn hóa

Bàn về cách thưởng thức Truyện Kiều

Những năm đầu của thế kỷ 20, Truyện Kiều được đưa ra “soi xét” khá chi tiết, mặc dù nó đã được số đông công chúng đón nhận một cách trang trọng. Tựu trung lại, những người bàn luận về Truyện Kiều có hai thái cực đó là bên ủng hộ và bên phê phán, thậm chí có người không muốn công nhận Truyện Kiều là tác phẩm lớn của Văn học Việt Nam.

Bên ủng hộ có rất nhiều người như cụ Đào Duy Anh, Phạm Quỳnh, Vũ Đình Long, Nguyễn Bách Khoa, Hoài Thanh, Đinh Gia Trinh v.v… Chẳng những họ không phê phán nhân vật Thúy Kiều mà họ còn cảm thông với số phận hẩm hiu của cô ấy và ca tụng tài sắc cũng như cái tình, cái hiếu của nàng. Bên cạnh việc chia se với Kiều, họ đã dùng các mỹ từ dành cho tác giả của Truyện. Cụ Phạm Quỳnh đã viết trong ngày giỗ của Cụ Nguyễn Du như sau “Chúng tôi thiết nghĩ một bậc có công với văn hóa nước nhà như thế, không phải là ông tổ riêng của một họ nữa, mà là ông tổ chung của cả nước; ngày giỗ ngài không phải là ngày kỷ niệm riêng của một nhà, một họ nữa, chính là ngày kỷ niệm chung của cả nước”.  

Đại diện cho bên phê phán là cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ phản đối Truyện Kiều một cách quyết liệt. Cụ cho rằng trong Truyện Kiều có quá nhiều điều đáng lên án như về phạm vi đạo đức, nhân cách của nhân vật và cốt truyện chứa đựng nhiều nội dung mê tín, bi lụy, chấp nhận số phận một cách thụ động. Cụ viết rằng “Vương Thúy Kiều là người gì? Trong làng danh ký nước Tàu không ai đếm xỉa cái tên nó, mà ai đã đem bản Thanh Tâm tài nhân (làm bản của Truyện Kiều ông Nguyễn Du) tất thảy đã thấy rõ cả người và sự tích trong bản ấy không chút giá trị gì, mà công nhận cái gương xấu bất khiết “theo trai, làm đĩ”, không đem ra làm gương dạy đời được”.

Đọc “Tranh luận về truyện Kiều - (1924-1945)” Nhà Xuất bản Văn học, tôi nhận thấy rằng,  Truyện Kiều đã được số đông công chúng ái mộ nhiệt thành nhưng vẫn có nhiều người khác không đồng tình, thậm chí phản ứng gay gắt. Qua chuyện này lại liên tưởng đến “Tiến quân ca” của Văn Cao. Bài hát đã được lấy làm quốc ca Việt Nam nhưng có một số người (Trong đó có cả cán bộ cao cấp) không chấp nhận nên vào những năm 80 của thế kỷ XX đã có chương trình vận động sáng tác quốc ca. Nhiều ca khúc được phát sóng để công chúng bình chọn nhưng kết quả lại quay về bài cũ. Hiện nay bài hát đã được xếp là một trong những bài quốc ca có âm điệu hào hùng nhất thế giới.

Qua đó tôi nghĩ rằng, giá trị đích thực của tác phẩm sẽ được công nhận dù có thể phải trải qua sóng gió.

Quay lại Truyện Kiều, một số ý kiến phê phán nhưng chủ yếu là phê phán về nội dung của Truyện, mà ta biết đó, cụ Nguyễn lấy “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân làm cốt, từ đó gọt dũa, tô điểm thành một tuyệt phẩm như đã có. Vậy hà cớ gì chúng ta lại sa vào bàn luận, săm soi, “vạch lá tìm sâu” khi những nội dung đó không phải của cụ Nguyễn Du viết ra, sao không hỏi Thanh Tâm Tài Nhân tại sao xây dựng nội dung và những nhân vật như thế!

Để làm rõ nội dung trên, tôi nghĩ chúng ta nên giải quyết vấn đề sau.

Cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều để làm gì?  

Để tố cáo xã hội mà nhà Minh đang trị vì chăng? Chắc chắn là không phải vì cụ chỉ chuyển tải nội dung của Thanh Tâm Tài Nhân đã viết, hơn nữa cụ còn bỏ qua nhiều chi tiết trong cốt truyện để giảm phần cay độc của các nhân vật, ví dụ như việc đòn ghen của Hoạn Thư đối với Thúy Kiều trong cốt truyện rất tàn khốc nhưng khi chuyển sang Truyện Kiểu thì rất nhẹ nhàng, ý của cụ Nguyễn Du muốn nói rằng Hoạn Thư là con người có học, có nhận thức:

“Ở ăn thì nét cũng hay,

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”

Trong Truyện Kiều, Hoạn thư chỉ dùng các biện pháp cao tay để hành hạ Kiều về tinh thần, tuyệt nhiên không có chuyện dày vò về thể xác, có chăng chỉ lúc thân mẫu của Hoạn Thư ra lệnh đánh đòn Kiều mà thôi.

 “Nào là gia pháp nọ bay!
 Hãy cho ba chục biết tay một lần.
 A hoàn trên dưới dạ ran,
 Dẫu rằng trăm miệng không phân lẽ nào.
 Trúc côn ra sức đập vào,
 Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh”.

 Nói thật ra, xã hội nào mà chẳng có phân tầng giai cấp, từ đó có sự bất công về đối xử, nhất là tại thời điểm lúc bấy giờ, cái đó hẳn cụ là người biết rõ nhất, hơi đâu mà tố cáo cái hiển nhiên, cái phổ biến được coi như chuyện thường ngày. Hay là cụ viết để lên án xã hội đương thời? Ta biết thân thế nhà họ Nguyễn Tiên Điền như thế nào rồi đó, thân phụ, chú ruột, anh trai đều là các đại thần. Bản thân cụ cũng là quan nhà Nguyễn. Nếu cụ có thái độ tự mãn với xã hội thì việc làm đầu tiên là cáo quan chứ không phải viết thơ để lên án. Với tính cách ôn hòa, nhu mì luôn tỏ ra sợ sệt mỗi khi chầu triều, chẳng lẽ cụ lại dám trêu ngươi Minh Mạng, một vị vua nổi tiếng sắt đá?

Hay là cụ viết để qua đó truyền Đạo Phật sâu rộng vào Việt Nam? Cũng không phải vậy, Khi Đạo Phật đã truyền bá vào Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XI, có chỗ đứng vững chắc trong tâm linh người Việt thì tác phẩm của cụ phỏng có làm tăng thêm vai trò của Phật giáo trong xã hội không?

Tôi nghĩ đơn giản là cụ kể lại câu chuyện đã đọc trong thời gian đi sứ bên Tàu dưới dạng thơ lục bát, đó là cách chơi tao nhã của một nhà nho, một thi sĩ mà thôi. Cụ viết để chơi, qua đó truyền cho người đọc những điển tích mà cụ đã đọc được từ không biết bao nhiêu chuyện hoặc thơ khác. Cứ nhìn cách cụ dùng điển tích trong tác phẩm của mình thì rõ điều này. Người đọc có cảm giác rằng cụ là một “kho tàng” kiến thức về văn học Trung Hoa cổ.

Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân nhanh chóng bị quên lãng ở Trung Quốc, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì được truyền bá, ca tụng, nâng niu và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Cái gì đã làm nên điều khác biệt ấy, đó chính là ngòi bút tài hoa của cụ đã làm nên sự vĩ đại của Truyện Kiều.

Cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là cái “lối đi” để qua đó cụ Nguyễn Du trổ tài tả cảnh, tả người, tả tâm trạng và bộc lộ cảm xúc cũng như quan điểm của bản thân mà thôi. Thông qua cốt truyện, cụ Nguyễn Du đã chuyển tải nội dung với cách nhìn riêng hay nói rõ hơn là góc nhìn của một nhà Nho, một thi sĩ Việt Nam trong đó vừa hàm chứa nội dung nhân đạo vừa xác lập tôn tri, đạo đức gia đình, xã hội cũng như khát vọng với tự do và không thiếu tính lãng mạn trong từng câu từng chữ.

Thông thường, khi đọc một tác phẩm, trước tiên độc giả quan tâm đến kết cấu nội dung sau đó mới tính đến chuyện nghệ thuật của nó. Đối với Truyện Kiều, tôi nghĩ có cách đọc riêng đó là thưởng thức về nghệ thuật trước, phải chăng  từng câu chữ lung linh của tác giả đã hút hồn người đọc đi theo lối riêng ấy. Tôi cho rằng đây là sự khác biệt của Truyện Kiều mà không có một tác phẩm nào (tôi đã đọc) có được.

Nếu chỉ đọc Kim Vân Kiều Truyện thì độc giả không thể có cảm xúc như khi ta đọc:
          “Cỏ non xanh tận chân trời

 cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Hay là:

“Long lanh đáy nước in trời

 thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”

Hay là:

  “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”

Hay như nghệ thuật tả tâm trạng khi Kiều chạy trốn bị bắt tại chỗ:

 “Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời”,

Hoặc: “Lệ rơi thấm đá, tơ chia lũ tằm”

Hoặc như: “Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan”

Hoặc phối hợp tả người để lột tả tính cách nhân vật:

“Nhác trông nhờn nhợt màu da

 Ăn gì to lớn đẫy đà lắm sao”

Đó là những lý do mà tôi nghĩ rằng không nên săm soi về nội dung của cốt truyện mà hãy tận hưởng cái tinh túy trong Kiều bằng những điển tích và cách diễn đạt tài hoa của cụ Nguyễn Du. Để làm rõ thêm ý này, tôi xin trích ý kiến của Hoài Thanh “Một sự sáng tác của văn nghệ bao giờ cũng nhuộm ít nhiều hình sắc của xã hội đương thời. nhưng xem văn mà chỉ biết có hình sắc ấy rồi lại tưởng hình sắc ấy là nội dung thì lầm lắm”(Văn chương và hành động NXB Phương Đông, H.193 - in lại trên Tao Đàn, số 6 - 1939)

Tôi không dám có ý phê phán cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ là một học giả uyên thâm, một nhà chính trị lớn nhưng với cách nhận xét của cụ Huỳnh như vậy là bất công đối với Truyện Kiều. Cụ Huỳnh là học giả có thiên hướng chính trị, ta còn nhớ, khi Bác Hồ sang Pháp kí hiệp ước sơ bộ 3/1946 đã ủy thác cho cụ làm Chủ tịch Nước với lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điều đó nói rằng cụ đã được Bác Hồ tin tưởng một cách tuyệt đối - Mà cách dùng người của Bác Hồ tài tình thế nào, chắc mọi người đã rõ. Bởi vậy, với tư duy của một người làm chính trị thì việc soi kỹ nội dung của tác phẩm không có gì là lạ. Chắc cụ muốn “Dùng cán bút làm đòn quay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” như Sóng Hồng đã viết.

Tản mạn một chút, bản thân cụ Nguyễn Du cũng đã bị triều đình nhà Nguyễn “hỏi tội” vì dám ca ngợi Từ Hải - một giặc cỏ của triều Minh (chúng ta liên tưởng đến mối thâm thù giữ Nhà Nguyễn và Quang Trung Nguyễn Huệ. Thời bấy giờ, nhiều người vẫn coi Quang Trung là giặc cỏ, họ cho rằng việc ca ngợi Từ Hải chẳng khác nào ca ngợi Quang Trung), rất may Truyện Kiều không bị đình bản, nếu không thì nhân loại đã mất một tác phẩm bất hủ.

Nguyễn Du viết về tiếng đàn của Kiều có sức thuyết phục như:

So dần dây vũ, dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán, Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng
Kê Khang này khúc Quảng lăng
Một rằng Lưu thủy, hai rằng Hành văn
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia

“Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa

Ngọn đèn lúc tỏ lúc mờ

Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu

Lúc tựa gối lúc cúi đầu

Lúc vò chín khúc lúc chau đôi mày…”.

Ta cảm thấy toàn bộ Truyện Kiều có cái gì đó tương tự với tiếng đàn của Kiều. Nó là một bản nhạc của lòng người, trong đó tập hợp tất cả những cái gì đáng yêu nhất cũng như đáng ghét nhất, cảnh đẹp nhất cũng như rùng rợn nhất, tình yêu thương chân thành nhất cũng như sự lừa lọc đến đỉnh cao của dối trá, có cảnh vật yên bình nhất cũng như náo nhiệt nhất. Cái quan trọng là chúng ta áp dụng cái cảm xúc đó vào hoàn cảnh nào mà thôi. Há không phải nhờ ngòi bút tài hoa của cụ Nguyễn Tiên Điền hay sao!

UNESCO công nhận Nguyễn Du là đại thi hào của thế giới, trong đó Truyện Kiều là một trong những tác phẩm thuyết phục họ làm việc ấy, nhưng các nhà học giả Trung Quốc không công nhận truyện kiều là tác phẩm hay bởi đơn giản họ nghĩ “Kim Vân Kiều Truyện” đã bị xếp xó ở nước họ. Họ đã nhầm bởi vì họ không cảm nhận được sự thanh thoát trong từng câu thơ lục bát bằng chữ nôm đã thoát khỏi những khiếm khuyết ở trang văn xuôi mà Thanh Tâm Tài Nhân đã viết.Cũng có thể vì tính đố kị với Nguyễn Du, với văn học Việt Nam mà các học giả Trung Quốc kia không công nhận Truyện Kiều trên công luận nhưng biết đâu,dưới gối của họ cũng có một quyển Kiều.

Trào dâng cảm xúc khi nghĩ rằng, trong loạn lạc của buổi Trịnh - Nguyễn - Quang Trung, gia đình họ Nguyễn Tiên Điền đã giữ được một hậu duệ đó là Nguyễn Du, cũng như trong sự phán xét khắt khe của nhà Nguyễn, truyện Kiều không bị đình bản để hôm nay chúng ta có những câu Kiều làm nguồn cảm hứng bất tận cho mọi con người Việt Nam.

Tôi viết những dòng này như một sự chia sẻ với bạn đọc Kiều về cách mà bản thân tôi “nhâm nhi” cái đẹp của tác phẩm và thể hiện lòng thành kính của mình với Cụ Nguyễn Du, một người con Xứ Nghệ.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114448075

Hôm nay

2221

Hôm qua

2256

Tuần này

21713

Tháng này

214334

Tháng qua

120141

Tất cả

114448075