Những góc nhìn Văn hoá

Vài nét về thể chế chính trị Đại Việt thời Nguyễn Trung Ngạn(1298 - 1370)

Quốc gia Đại Việt thời Trần tồn tại vững vàng trong gần hai thế kỷ (1225-1400) là do nhà Trần đã xây dựng được một thể chế chính trị riêng biệt. Thể chế chính trị thời Trần được xây dựng và phát triển qua hai giai đoạn lịch sử :

 

            - Giai đoạn 1: Từ nửa đầu thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIII

            - Giai đoạn 2: Từ cuối thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIV.

            Nguyễn Trung Ngạn sinh năm 1289 và mất năm 1370, tương ứng với giai đoạn thứ hai của bước phát triển về thể chế chính trị thời Trần. Đây là thời kỳ Thiết chế nhà nước Trần đã chuyển từ chế độ quân chủ quí tộc sang chế độ quân chủ quan liêu và Nhà nước thời Trần lúc này là một Nhà nước quân chủ mang tính chất quan liêu và đã bị quan liêu hoá, nhưng nó chưa có được một sơ sở xã hội thật vững vàng làm nền tảng cho sự tồn tại.

*

*     *

Xã hội Đại Việt thời Nguyễn Trung Ngạn(1289-1370) là xã hội của sau ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông thắng lợi. Đây là thời điểm quân dân Đại Việt thời Trần bước vào giai đoạn khắc phục những hậu quả sau chiến tranh và xây dựng lại đất nước với khí thế của những người chiến thắng. Lúc này, nhiều quí tộc cũng như nhiều người có công theo hầu trận mạc đã được triều đình phong thưởng và ban tặng chức tước rồi cất nhắc vào làm việc trong bộ máy chính quyền Nhà nước. Nhưng, khác với thời kỳ trước và trong chiến tranh, do nguồn gốc xuất thân của các vua nhà Trần và do hoàn cảnh đất nước luôn có ngoại xâm đe doạ, nhà Trần chưa có nhiều điều kiện để đẩy mạnh sự nghiệp học vấn nên chất lượng của đội ngũ những người giúp việc trong bộ máy chính quyền Nhà nước chưa đặt ra một cách cấp bách. Nhưng từ sau chiến tranh, do yêu cầu phải xây dựng một quốc gia Đại Việt thật vững mạnh về kinh tế, chính trị và văn hoá đủ tầm cỡ để sánh ngang với các quốc gia lớn mạnh lúc bấy giờ thì việc kiện toàn lại chế độ chính trị và việc xây dựng bộ máy chính quyền Nhà nước cùng đội ngũ những người giúp việc có trình độ học vấn cao đã đặt ra thành một yêu cầu bức thiết.

Trước kia, vào buổi đầu thời Trần, Nho sĩ chưa đóng vai trò gì, mặc dầu Nho sĩ đã có mặt trong bộ máy chính quyền Nhà nước ngay từ thế kỷ XI dưới thời Lý (như trường hợp Lê Văn Thịnh thi đỗ năm 1075 và được bổ làm quan tới chức Thái sư năm 1085). Nhưng đó mới chỉ là trường hợp cá biệt, khoa cử chưa có qui chế và chưa trở thành một khuynh hướng ngày càng mở rộng và tăng tiến.

Trong khoảng thời gian hơn bốn thập kỷ, từ năm 1225 đến trước năm 1267, tầng lớp quý tộc dòng họ Trần đã đóng vai trò rất lớn trong bộ máy quản lý Nhà nước. Vào giai đoạn này, không thấy có hiện tượng Nhà nước trao quyền hành quan trọng cho những người không thuộc dòng họ Trần. Nho sĩ lúc này mới chỉ là những viên chức và họ chỉ lẻ tẻ giữ những chức vụ ở những cấp bậc thấp.

Chỉ từ nửa sau thế kỷ XIII trở đi (từ 1267) và liên tục sau đó người ta mới thấy rõ ràng một khuynh hướng của Nhà nước quân chủ nhằm đưa Nho sĩ dần nắm những chức vụ quan trọng thay thế cho quý tộc.

Bắt đầu từ năm 1267- một năm sau khi Nhà nước "cho mở khoa thi chọn học trò"[1](năm 1266), thì lần đầu tiên một chức vụ quan trọng, trước kia chỉ hoạn quan mới được giữ, nay đã giao cho những Nho sĩ có học, như "Đặng Kế làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh trung thư lệnh, đều là người văn học cả"[2]. Và Biên niên sử còn nhấn mạnh rằng"người có văn học được giữ quyền bính bắt đầu từ đây"[3]. Qua câu ghi chép trên trong biên niên sử, người ta đã có thể hiểu được rằng Nho sĩ từ đây sẽ dần dần được nắm quyền bính thay cho quý tộc.

Việc năm 1266, Nhà nước cho "mở khoa thi chọn học trò", năm 1267 Nhà nước hạ lệnh cho "chọn lấy những nho sinh hay chữ bổ vào Quán, Các, Sảnh, Viện"[4] và những "người có văn học được giữ quyền bính" không phải là sự ngẫu nhiên mà do nhu cầu thực tại của xã hội lúc bấy giờ.

Ngoài nhu cầu cần phải mở mang sự hiểu biết không những về Phật giáo mà cả về Nho giáo lẫn Đạo giáo bổ sung cho trình độ học vấn thấp kém của các vua Trần trong buổi đầu dựng nước, còn có những lý do khác là phải thúc đẩy việc đào tạo Nho sĩ và quan liêu bổ sung vào bộ máy quản lý Nhà nước, tăng cường thêm sức mạnh cho Nhà nước quân chủ. Vì từ cuối thế kỷ XIII, đặc biệt sang đầu thế kỷ XIV trở đi Nhà nước quân chủ đang có nguy cơ sa sút. Sa sút về tài chính cũng như về quân sự, sau đó cộng thêm những hoàn cảnh khách quan rất bất lợi (nguy cơ chiến tranh vẫn còn đe dọa từ nhiều phía) khiến Nhà nước quân chủ cần được tăng cường để đối phó với bên trong và bên ngoài.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế Điền trang Thái ấp càng phát triển thì quý tộc Trần càng có xu hướng rút về củng cố Thái ấp Điền trang của mình, phát triển kinh doanh ruộng đất. Vì vậy, chế độ quân chủ cũng phải được củng cố cho mạnh để đối phó với các đại quý tộc. Có thể vì thế mà từ nửa sau thế kỷ XIII, có một xu hướng tăng cường bộ máy quan liêu, đề cao Nho giáo, đưa Nho sĩ dần dần vào nắm những chức vụ chủ chốt trong triều và Nho sĩ dần dần trở thành một tầng lớp quan liêu mới, đóng vai trò chủ yếu trong việc củng cố chính quyền quân chủ.

Quá trình quan liêu hóa, tăng cường sức mạnh của Nhà nước quân chủ bắt đầu diễn ra từ cuối thế kỷ XIII và cũng từ đây đã bắt đầu xuất hiện những sự xung đột trong thiết chế chính trị- xung đột giữa chính quyền quân chủ với quý tộc.

Bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XIII, có nhiều dữ kiện nói lên sự lớn mạnh về kinh tế cũng như thế lực chính trị của tầng lớp đại quý tộc. Cùng với hình thức Thái ấp, những vương hầu quý tộc còn được phép của nhà nước khai khẩn ruộng đất đai, lập nên những Điền trang tư nhân. Sử cũ ghi vào năm Bính Dần(1266), nhà nước đã xuống chiếu cho các vương hầu quý tộc được phép chiêu tập những người không có sản nghiệp đi khai khẩn ruộng hoang, lập thành Điền trang. Và các "vương hầu có trang thực bắt đầu từ đây"[5]. Loại hình kinh tế Điền trang Thái ấp đã rất phát triển ở thời Trần và kinh tế Điền trang Thái ấp cũng là nét riêng biệt trong kết cấu kinh tế thời Trần.

Các vương hầu, quý tộc sống biệt lập trong Điền trang Thái ấp của mình, họ có ruộng đất riêng, có nô tỳ và quân đội, chỉ khi nào "chầu hầu mới đến kinh sư, xong việc lại trở về", như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh vv...Do sự phát triển của kinh tế Điền trang Thái ấp và sự biệt lập giữa các vương hầu với chính quyền quân chủ, tất nhiên sẽ dẫn đến nguy cơ phân tán về chính trị. Vì vậy, lúc này nhà vua vừa đại diện cho chính quyền quân chủ vừa đại diện cho dòng họ phải đứng ra chăm lo mối đoàn kết giữa các quý tộc vương hầu để cùng gánh vác việc nước. Vào năm Mậu Thìn(1268), vua Trần Nhân Tông đã phải nói với các Tôn thất rằng :"Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý, tuy bên ngoài thì là cả thiên hạ phụng sự một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui, các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thế là phúc muôn năm của tôn miếu xã tắc vậy"[6]. Vua còn xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình, cùng nhau ăn uống, gặp khi trời tối còn cùng ngủ liền giường với nhau, để tỏ hết lòng yêu nhau. Chỉ khi có các nghi lễ lớn thì mới phân biệt ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận kính sợ và cũng không ai phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng[7].

Nhưng dù vua Trần có cố gắng vun xới thêm cho khối đoàn kết giữa các vương hầu, quý tộc trong tông tộc thì vào thời điểm này cũng đã bắt đầu xuất hiện những rạn nứt giữa chính quyền quân chủ với quý tộc dòng họ Trần. Câu chuyện giữa vua Trần Nhân Tông và anh là Tĩnh quốc đại vương Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng hoàng để xin áo đã chứa đựng sự rạn nứt đó. Khi ấy, vì Quốc Khang múa điệu múa kiểu người Hồ, được Thượng hoàng ban cho áo vải bông, vua Trần Nhân Tông không được, cũng múa để xin áo. Quốc Khang đã nói với vua rằng: "Quí nhất là ngôi Hoàng đế, hạ thần không dám tranh với chú hai, nay đức chí tôn cho thần một vật nhỏ mọn này mà chú hai muốn cướp lấy chăng ?"[8]. Câu chuyện này một mặt vừa thể hiện tình cha con, anh em hòa thuận, nhưng mặt khác đã bắt đầu phản ánh phần nào mâu thuẫn giữa chính quyền quân chủ và các quý tộc dòng họ Trần.

Hơn nữa, vào thời điểm này, những vương hầu quý tộc Trần càng có xu hướng thu về củng cố Thái ấp Điền trang của mình, chuyển sang kinh doanh ruộng đất từ sau khi có lệnh bán công điền của nhà nước ban hành vào năm 1254[9]. Do tập trung nhiều vào việc đó, khiến họ dần sao nhãng công việc của triều đình, buộc nhà nước quân chủ phải có biện pháp tăng cường đội ngũ những người quản lý. Đội ngũ này, không ngoài số trí thức Nho sĩ, họ vừa có học thức rộng vừa có tài, không có ruộng đất, nô tỳ và quân đội, nên có nhiều điều kiện thay thế quý tộc, phục vụ nhà nước giống như những công chức. Vì vậy, kể từ năm 1267 và liên tục sau đó, chúng ta thấy rất rõ khuynh hướng của nhà nước quân chủ nhằm đưa Nho sĩ dần dần thay thế quý tộc, nắm những chức vụ quan trọng trong triều, song song với việc cho quý tộc mở rộng và phát triển kinh tế Điền trang Thái ấp.

Số quan lại ngoài dòng họ Trần và đặc biệt là số Nho sĩ đã gia nhập ngày càng nhiều vào tổ chức chính quyền nhà nước đã dần dần làm thay đổi tính chất của chính đẳng cấp quan liêu đó. Đại bộ phận Nho sĩ đều xuất thân từ tầng lớp bình dân, nhờ vào khả năng của mình, thi cử đỗ đạt, được bổ làm quan, có nghĩa là đến đây đã có một sự chuyển dịch về đẳng cấp, từ địa vị thấp- bình dân, bước vào một địa vị cao - quý tộc quan liêu. Lúc đầu, quý tộc quan chức Trần, chỉ như là một đẳng cấp quý tộc tôn thất gần như là thuần nhất, sau thêm vào đó một số thành phần khác không có nguồn gốc quý tộc (như hoạn quan, một số địa chủ bình dân dưới hình thức nộp tiền thóc được ban quan tước...) và cuối cùng tầng lớp Nho sĩ đã chiếm ưu thế.

Đặc biệt từ sau kháng chiến chống Mông-Nguyên, do nhu cầu của việc kiện toàn bộ máy chính quyền Nhà nước, do sự phát triển về kinh tế và văn hóa cùng với sự lớn mạnh về dân số và lãnh thổ của đất nước thì việc quản lý và điều hành những công việc của quốc gia đòi hỏi một mức độ mới, cao hơn về chất lượng của đội ngũ quản lý.

Như ghi chép trong sử sách thì tổ phụ nhà Trần xuất thân từ tầng lớp bình dân "đời nào cũng chuyên nghề đánh cá"[10]. Trong buổi đầu dựng nước, trình độ học vấn và vốn hiểu biết của các vua hoặc tôn thất nhà Trần chưa thật rộng rãi. Do hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, nguy cơ ngoại xâm luôn đe dọa, nên các quý tộc nhà Trần thường có thiên hướng thượng võ và do thiên hướng thượng võ, quý tộc Trần trong chiến tranh hầu như đã nắm độc quyền chỉ huy quân đội. Các chức quan cao cấp và các tướng soái giỏi hầu như đều thuộc về tầng lớp quý tộc tôn thất nhà Trần. Nhưng sau chiến tranh, hàng ngũ quý tộc tôn thất thật sự có khả năng trong việc quản lý bộ máy nhà nước thật ra không nhiều. Hơn nữa, số hoạn quan đã từng được trưng dụng trước kia cho đến lúc này cũng tỏ ra bất lực về trình độ học vấn thấp kém của họ. Vì thế, sự phát triển của chế độ khoa cử thời Trần đã có những lý do cụ thể của nó.

Thực ra chế độ khoa cử, Nho học đã bắt nguồn và được xúc tiến từ thời Lý. Nhà Lý đã cho dựng Văn Miếu, mở khoa thi Thái học sinh và một số Nho sĩ đã được bổ dụng như Lê Văn Thịnh, Mạc Hiển Tích vv...Nhưng chế độ khoa cử ở thời kỳ này hãy còn hạn chế, chưa đi vào điển lệ, tức chưa có qui chế cụ thể. Phải đến thời Trần và nhất là sau những lần kháng chiến thắng lợi, thì chế độ khoa cử và tầng lớp Nho sĩ mới có điều kiện phát triển trở lại. Các khoa thi được tổ chức đều kỳ, số đậu đại khoa cũng tăng nhiều hơn trước. Nhờ thế, tầng lớp Nho sĩ được xuất hiện trở lại. - một tầng lớp trí thức phong kiến cao cấp theo chế độ khoa cử đã hình thành và phát triển.

Từ đây, việc sử dụng người vào hàng ngũ quản lý của bộ máy nhà nước ở thời Trần thường chú trọng tới tài năng nhiều hơn. Sự kiện vào năm 1304 hẳn là có ý nghĩa lớn. Đó là việc vua Trần Anh Tông không trao một chức vụ quan trọng cho đại quý tộc hàng tước vương mà lại trao cho một Nho sĩ có tài còn rất trẻ- trường hợp Đoàn Nhữ Hài mà sử sũ ghi lại rất rõ là vào tháng 12, năm 1304, nhà vua " Cho Đoàn Nhữ Hài làm Tri khu mật viện sự. Vua đối với người tôn thất như Bảo Hưng vương rất là thân yêu, mà không ủy thác cho làm việc chính sự, vì là không có tài làm được, còn Nhữ Hài là học trò thôi, vì có tài cho nên không ngại là ủy thác mau quá"[11].

Lúc này cũng là thời điểm mà Nguyễn Trung Ngạn thi đỗ Hoàng giáp trong kỳ thi Hội năm 1304 và được triều đình nhà Trần trọng dụng lần lượt vào giữ nhiều chức vụ trong bộ máy chính quyền Nhà nước.

Bắt đầu từ đây, Nguyễn Trung Ngạn cũng như tầng lớp Nho sĩ mới của nhà Trần đã tiến những bước vững vàng hơn vào hàng ngũ quan liêu và cho đến giữa thế kỷ XIV thì Nho sĩ đã trở thành một lực lượng chính trị quan trọng. Lúc này, vương triều Trần "nhân tài đầy rẫy"[12](Ngô Sĩ Liên). Nhưng nhân tài mà nhà sử học Ngô Sĩ Liên liệt kê ở đây không còn là các nhân vật như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão vv...( quí tộc dòng họ) mà toàn là những nho sĩ đỗ đạt như Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hư, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dữ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy, Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân vv...[13] Và những nhân tài này đã “nối nhau làm quan[14] trong triều đình nhà Trần.

Nho giáo cùng với lớp Nho sĩ càng thâm nhập sâu vào thiết chế Nhà nước bao nhiêu thì càng làm cho tính chất quan liêu và bảo thủ của Nhà nước quân chủ thời Trần càng tăng tiến bấy nhiêu. Các vua Trần tuy cũng có uy quyền tối thượng và mọi quyền lực cũng được tập trung vào trong tay nhà vua, nhưng trên vua còn có Thái thượng hoàng kiểm soát mọi việc, dưới vua còn có các đại thần, tôn thất, vương hầu và lãnh chúa chia sẻ uy quyền tập trung và tuyệt đối của nhà vua, nên Nhà nước trung ương thờì Trần dù đã bị xu hướng quan liêu tấn công nhưng xu hướng này mới chỉ ở giai đoạn đầu, nó chưa phát triển tới mức cực đỉnh như dưới thời Lê Sơ sau đó, tức chưa phải là chế độ quân chủ quan liêu độc đoán như ở thời Lê Sơ( thế kỷ XV).

Bên cạnh sự tăng tiến về cơ cấu giai cấp trong hàng ngũ quản lý bộ máy Nhà nước thì cơ cấu về tổ chức hành chính của chính quyền Nhà nước cũng có những bước phát triển mới cao hơn.

Bộ máy chính quyền Nhà nước Trung ương nhà Trần giai đoạn này đã được kiện toàn khá hoàn chỉnh. Dưới vua là Tể tướng với chức quan là Bình chương sự. Tể tướng thời Trần đều lựa chọn từ trong hàng ngũ thân vương, tôn thất. Những người hiền tài khác họ dầu được chọn vào chính phủ cũng chưa từng được làm chức ấy, vì nhà Trần " lấy thân với người thân làm trọng"[15]. Chức Tể tướng thời Trần được gia thêm danh hiệu là Tả hữu tướng quốc bình chương sự. Á tướng thì thêm danh hiệu là Tham tri chính sự, nhập nội hành khiển hoặc thêm Tả phù hữu bật.

Dưới Tể tướng là các bậc đại thần trong hàng văn võ. Nhà Trần đã lấy ba chức Thái (Thái sư, Thái úy, Thái bảo), ba chức thiếu (Thiếu sư, Thiếu úy,Thiếu bảo) và ba chức tư ( Tư đồ, Tư mã, Tư không) làm trọng trách. Về văn giai thì có những chức: Lục bộ Thượng thư, Tả hữu bộc xạ, Tả hữu ty lang trung, Tả hữu gián nghị đại phu, Tri mật viện sự, Khu mật tham chính, Thiêm tri mật viện sự, Lục bộ Thị lang, Trung thư Thị lang, Ngự sử đại phu, Thị kinh diên đại học sĩ, Thiên chương đại học sĩ, Nhập thị học sĩ, Hàn lâm học sĩ phụng chỉ, Hàn lâm học sĩ, Trung thị đại phu, Trừ cung giáo thụ, Cung lệnh, Thái sử lệnh, Đại tôn chính, Đình uý, Tự khanh, Kinh sư đại doãn…[16]

Để điều hành công việc tại bộ máy chính quyền Trung ương, nhà Trần đã đặt ra: Quán, Các, Sảnh, Cục, Đài, Viện. Quán có: Tam quán học sinh. Các có: Lục bộ, Tôn chính phủ. Sảnh có: Thượng thư sảnh, Môn hạ sảnh. Cục có: Nội thư hỏa cục, Chi hậu cục. Đài có: Ngự sử đài. Viện có: Khu mật viện, Hàn lâm viện, Thẩm hình viện, Quốc sử viện, Quốc tử giám, Thái y viện, Thái chúc ty[17].

Ở địa phương, bộ máy chính quyền cũng được kiện toàn và sắp xếp có hệ thống và qui củ hơn. Nhà Trần đã chia cả nước ra làm 24 Lộ. Dưới lộ là các cấp: Phủ, Châu, Hương ( hoặc Huyện) và cuối cùng là Xã. Ở lộ, nhà Trần cho đặt chức An phủ sứ Phó sứ. Ở phủ đặt Trấn phủ sứ Phó sứ.Vào thời Trần có lúc còn lấy Trấn làm Phủ, vì vậy ngoài chức quan đứng đầu trấn là Trấn phủ còn có chức quan đứng đầu phủ là Tri phủ. Như vào đời Kiến Trung, Phùng Tá Chu với chức Thái phó đã được cử làm Tri phủ Nghệ An, Trần Thủ Độ với chức Thái sư đã được cử làm Tri phủ Thanh Hóa vv...Ở châu thì nhà Trần cho đặt chức Chuyển vận sứ Thông phán Thiêm phán. Ở huyện đặt chức Lệnh úy và Chủ bạ coi giữ các việc tiền thóc trong huyện. Như vậy, các chức quan làm việc trong cơ cấu chính quyền địa phương thời Trần gồm có: An phủ sư, Phó phủ sứ, Trấn phủ sứ, Phó phủ sứ, Tri phủ, Thông phán, Thiêm phán, Tào vận, Lệnh úy, Chủ bạ Tư xã cùng các chức Chánh phó sứ hà đê, đồn điền ở các lộ. Ngoài ra, nhà Trần còn cho đặt thêm các chức Đô đốc, Đô hộ, Đô thống, Tổng quản phủ và Thái thú ty ở các lộ. Như đặt chức Đô hộ phủ ở Đông đô lộ, Đô thống phủ ở Bắc Giang lộ, Đô thống phủ ở Tam Giang lộ, Thái thú ty ở Thiên Trường phủ lộ, Tân An phủ lộ…Ở châu và trấn còn cho đặt chức Giáo thụ giám thư khố[18].

Chính quyền cơ sở thấp nhất của thời Trần là làng xã. Dưới thời nhà Trần, làng xã đã được Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn so với các thời kỳ trước. Buổi ban đầu, nhà Trần đã cho đặt các chức Đại tư xã và Tiểu tư xã. Xã quan gồm có: Xã trưởng, Xã giám giữ việc làm sổ hộ tịch trong xã, chức vụ cũng xem là quan trọng, các đời sau đều theo lệ ấy[19]. Cho đến cuối thời Trần, vào đời Quang Thái, nhà Trần đã cho bãi bỏ chức Xã quan, sau đến thời Lê Sơ, chế độ Xã quan mới lại được khôi phục.

 

*

*     *

Như vậy, vào giai đoạn thứ hai của bước xây dựng thể chế chính trị thời Trần, Nhà nước quân chủ trung ương nhà Trần đã được tăng cường và củng cố thêm một bước quan trọng thông qua những hoạt động có qui củ của bộ máy chính quyền nhà nước từ Trung ương tới Địa phương, từ vị trí cao nhất đến cơ sở thấp nhất là làng xã. Trên cơ sở tăng cường và củng cố hoạt động của bộ máy nhà nước, nhà Trần đã thực hiện được chức năng lớn nhất đối với xã hội lúc bấy giờ là đẩy mạnh và phát triển nền kinh tế và văn hóa của đất nước, đưa quốc gia Đại Việt thời Trần trở thành một đất nước có một thể chế vững mạnh sánh ngang với những cường quốc lớn đương thời./.

           

  Chú thích:


[1]Đại việt sử ký toàn thư, Bản dịch NBB Khoa học xã hội, 1971, tập II, q. 5, tr. 38.

[2] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.5 , Sđd, tr.39.

[3] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.5 , Sđd, tr.39.

[4] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.5 , Sđd, tr.39.

[5] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.5 , Sđd, tr.38.

[6] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.5, Sđd, tr.39-40.

[7] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.5, Sđd, tr.-40.

[8] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.5, Sđd, tr.-40.

[9] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.5, Sđd, tr. 26.

[10] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Bản dịch NXB Sử học, 1961, tr.162.

[11]  Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.6 , Sđd, tr.100.

[12]  Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.6 , Sđd, tr.125.

[13] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.6 , Sđd, tr.125.

[14] Đại việt sử ký toàn thư, tập II, q.6 , Sđd, tr.125.

[15] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, Sđd, tr. 31.

[16] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, Sđd, tr. 8.

[17] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, Sđd, tr. 8.

[18] Phan Huy Chú Lịchtriều hiến chương loại chí, tập II, Sđd, tr. 8.

[19] Phan Huy Chú Lịchtriều hiến chương loại chí , tập II, Sđd, tr.31.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513241

Hôm nay

227

Hôm qua

2315

Tuần này

21178

Tháng này

220114

Tháng qua

121356

Tất cả

114513241