Những góc nhìn Văn hoá

Kiểm thảo về đại danh từ

Tôi thường lấy làm lạ sao trong tiếng nói hiện hành của ta không có một thứ đại danh từ trung lập, nghĩa là không trọng, không khinh, ai nấy dùng mà xưng mình, xưng người đều được cả, như đại danh từ của tiếng Pháp: je, tu, il, nous, ils; của tiếng Tàu: ngã, nễ, tha, ngã môn, nễ môn, tha môn, bất kỳ hạng người nào cũng dùng một cách phổ thông, không phân biệt đằng nào là khinh, đằng nào là trọng.

Tôi muốn đi tìm đến tiếng nói của người Việt Nam nguyên thủy xem sao. Xưa hơn hết là tục ngữ ca dao, hoặc giả có giấu trong đó ít nhiều đại danh từ tối cổ. Thì đã tìm thấy những câu:

 Đông có mầy, tây có tao.
 Mầy bằng tao, ao bằng giếng.
 Cha nó lú có chú nó khôn.
 Một đời ta, ba đời hắn

 Đố bay con rết mấy chân, cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người.
Không biết còn có nữa chăng, tôi tìm được trong trí nhớ chỉ có bấy nhiêu.


Dầu sao tôi cũng mạnh đạn đặt ra một cái giả thuyết: Tiếng Việt Nam đời xưa, vào đời Hồng Bàng(?) chẳng hạn, vốn có đại danh từ trung lập: Số một tự xưng là tao, đối xưng là mày, tha xưng là nó hay hắn; số nhiều: tự xưng là ta, đối xứng là bay, tha xưng tất nhiên là chúng nó.

Tôi giả định lúc bấy giờ Mỵ Nương đối diện với vua cha gọi bằng mầy, xưng mình bằng tao, gọi Lạc Hầu chồng mình bằng nó; còn bọn dân cày Lạc điền chẳng những sau lưng các quan lang gọi họ bằng chúng nó, mà ngay trước mặt cũng gọi bằng bay, xưng mình bằng ta. Ấy vậy mà mọi người đều coi là tự nhiên, không có ý gì là hỗn xược cả, vì nó là đại danh từ trung lập và phổ thông.

Nếu quả thật như thế và nếu giữ mãi được như thế cho đến bây giờ thì tiện lợi biết bao. Ngặt một điều là chúng ta càng ngày càng văn minh ra, ăn nói càng lịch sự ra, làm cho trong tiếng nói ngày nay gọi là đại danh từ không hẳn là đại danh từ nữa, mà chỉ là một mớ xưng hô tạp nham lộn xộn.

Cái giả thuyết trên đây không phải là không có một ít chứng cứ.

Trong kinh thánh người Hê-bơ-rơ viết ra bốn năm ngàn năm về trước, gọi Giê-hô-va (Đức Chúa Trời) bằng một chữ Hê-bơ-rơ đúng nghĩa là mày, Kinh Thánh bằng tiếng Pháp dịch là tu, bằng tiếng Tàu dịch là nhữ, đều nghĩa là mầy cả. (Riêng Kinh Thánh bằng tiếng Việt Nam của Công giáo hay của Tin lành cũng vậy, không dám dịch là mầy mà dịch là Ngài hay Chúa! Người Hê-bơ-rơ tôn kính ai cho bằng tôn kính Giê-hô-va, thế mà gọi bằng mày, đủ biết chữ mầy ở đời xưa không có ý gì là khinh miệt cả.
Bên Trung Quốc hơn bốn ngàn năm trước, vào đời Nghiêu, Thuấn cũng thế. Trong Kinh Thư, còn chép lại, bây giờ tôi gọi vua bằng nhữ (mầy), xưng mình bằng trẫm (ta), vua đối bầy tôi cũng thế, không hề có phân biệt cách xưng hô giữa bề trên đối với bề dưới và bề dưới đối với bề trên.

Dựa vào hai cái chứng cứ chắc chắn ấy, tôi có thể giữ vững cái giả định trên kia được lắm. Vì Giê-hô-va, Nghiêu Thuấn, gọi bằng mầy được, thì Lạc Long Quân hay Hùng Vương, Lạc Hầu hay các quan lang, sao lại không gọi bằng mầy bằng nó bằng bay được?

Hoan hô đại danh từ của đời Hồng Bàng(?)! Đại danh từ của đời Hồng Bàng muôn năm! Nhưng than tôi, nó có được muôn năm đâu!

Tiếng nói của loài người cứ dần dần thay đổi, của dân tộc nào cũng thế. Tiếng Pháp, tôi không biết rõ lắm, chỉ thấy đại khái có phân biệt khinh trọng giữa chữ tu và chữ vous. Nhưng tiếng Tàu, nói đúng là chữ Hán, thì cái sự thay đổi rõ ràng lắm.

Ở đời Nghiêu Thuấn, vua tôi gọi nhau bằng mầy như vậy, mà đến đời Khổng Tử đã khác rồi. Khổng Tử gọi học trò mình bằng nhĩ (bay), nhữ (mày) mà học trò gọi Khổng Tử thì phải bằng phu tử, hay tử, nghĩa là thầy. Đến Tần Thủy Hoàng choán chữ trẫm làm của riêng, chỉ thiên tử mới được dùng nó tự xưng. Từ đó về sau, vua gọi bầy tôi bằng nhĩ, nhữ là thường, còn bầy tôi gọi vua phải bằng bệ hạ, bằng thánh thượng, còn bằng những cái quái gì nữa.

Hai ngàn năm nay, viết bằng chữ Hán, văn ngôn, nếu là bậc ti ấu xưng mình đối với bậc tôn trưởng thì chữ ngã (ta) hầu như không được dùng đến nữa. Đối với cha, con tự xưng là nhi; đối với vua, bầy tôi tự xưng là thần; đối với đàn ông, đàn bà tự xưng là thiếp. Đại để là phải biểu lộ trong sự xưng hô cái ý kẻ ti ấu phải cúi mình sát đất đội kẻ tôn trưởng lên đầu. May ra trong bạch thoại, tiếng nói thường ngày của dân chúng, mới còn giữ lại thứ đại danh từ trung lập, ngã, nễ, tha, ngã, môn, nễ môn, tha môn như trên đã nói.
Cách xưng hô bị thay đổi ở nước ta cũng giống như ở Trung Quốc mà có lẽ còn hỗn tạp hơn.
Sự thay đổi ấy do trong xã hội càng ngày càng chia ra giai cấp. Giai cấp đây không phải tư bản và vô sản mà là thượng và hạ, tôn và ti, quý và tiện, trưởng và ấu. Và chính do cái sự chia ra giai cấp ấy chúng ta đã nhận cho xã hội càng văn minh ra, ăn nói càng lịch sự ra.

Không biết bắt đầu từ bao giờ, những người lớn kể cả xứ ta đã choán lấy chữ tao chữ ta làm của riêng để xưng mình cũng như Tần Thủy Hoàng đã choán lấy chữ trẫm. Rồi thì những người dưới kẻ bé phải tìm một chữ hèn hạ nhất để tự xưng: chữ tôi, nghĩa là tôi tớ.
Rất đỗi một mụ trùm đĩ nói với một cô con gái:

Con kia đã bán cho ta, nhập gia phải cứ phép nhà tao đây.

Lão kia có giở bài bây, chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe?

Và cô con gái kia đáp lại:

Nhưng tôi còn sá chi tôi, phận tôi đành vậy, vốn người để đâu!

Thật là tách bạch lắm. Tao, ta là tiếng tự xưng của những kẻ có quyền làm gió làm mưa trên kẻ khác và gọi kẻ khác ấy bằng mầy; còn tôi là tiếng tự xưng của những kẻ chịu đè bẹp dưới quyền kẻ khác và phải gọi kẻ khác ấy bằng người, người đây có ý nghĩa tôn kính, ý nghĩa đặc biệt của nó.

Do đó đã nảy ra một cái thành ngữ trong tiếng Việt Nam là “mày tao mi tớ”, và đồng thời cái thành ngữ ấy cũng là cái luật xưng hô giữa xã hội chúng ta nữa: Người nào đã có quyền gọi kẻ khác bằng mầy thì tự xưng bằng tao; người nào đã bị gọi bằng mi thì phải tự xưng bằng tớ. Điều sau đây đã thông hành giữa hoàng phái ở Huế, người hoàng phái gọi kẻ dưới họ bằng mi, những kẻ này xưng mình bằng tớ. (Tớ đây tỏ ý hèn hơn tôi nữa, khác với chữ tớ dùng tự xưng ở miền Bắc).

Chữ tao, chữ ta đã trở nên hách dịch, chữ mầy phải trở nên hèn hạ, rồi những chữ nó, hắn, bay, chúng nó cũng theo đó mà trở nên hèn hạ nốt. Rốt lại, những chữ ấy chỉ dùng để xưng hô hạng người cặn bã trong xã hội và loài vật như con trâu, con chó, và trong tiếng ta không còn có đại từ trung lập và phổ thông xứng với cái tên nó nữa. Chúng ta phải tạm bợ, lấy danh từ làm đại danh từ.

Những chữ như cụ, ông, bác, chú, cậu, anh, bà, cô, dì, mợ, em, cháu là những danh từ để chỉ các hạng người cùng trong huyết thống với mình, hoặc đồng thế hệ, hoặc khác thế hệ. Chúng ta đã chẳng những lấy những chữ ấy trùm lên một cái tên như ông Nguyễn Du, bà Nguyễn Thị Điểm, mà khi đối diện nói với ông bà ấy cũng xưng họ là ông là bà để thay cho cái đại danh từ mầy đời xưa. Vả lại phải nhìn đúng đắn bậc nào gọi theo đấng bậc ấy, nếu đáng gọi cụ mà gọi ông, đáng gọi bà mà gọi cô, sẽ có lỗi lớn. Thật là phiền phức vô cùng và rối trí người ta lắm lắm.

Đã thế mà lại còn vẽ ra thêm nhiều điều để càng phiền phức và rối trí hơn.

Con, chính cha mẹ đẻ ra, vì lẽ gì đó, không gọi cha mẹ bằng cha mẹ, lại gọi cha mẹ bằng cậu mợ, vợ chồng cũng gọi nhau bằng cậu mợ, đầy tớ cũng lại gọi chủ nhà bằng cậu mợ. Đối với người ngoài, ông bà nội ngoại gọi cháu mình bằng cháu, cha mẹ khi đối với người ngoài cũng gọi con mình bằng cháu, người ngoài cũng lại gọi con cháu nhà người ta bằng cháu.

Cùng một danh từ mà có khi trọng khi khinh khác nhau. Bọn ông nghè, ông bảng, ông cử, ông tú, gọi nhau bằng anh, bằng bác, cũng lại gọi người nấu bếp kéo xe bằng anh, người thợ mộc thợ rèn bằng bác. Nữ học sinh, gọi bằng cô, đào hát, cũng gọi bằng cô. Vợ bạn, gọi bằng chị, người bán hàng cá hàng rau, cũng gọi bằng chị. Đừng thấy gọi giống nhau mà tưởng là đối đãi bình đẳng, lầm chết đi đấy; thực ra thì trong đó có hai hạng anh, hai hạng bác, hai hạng cô, hai hạng chị, phân biệt rành rọt lắm.

Chỉ một chữ có thể dùng cho ba ngôi là chữ ông, xưng mình bằng ông, xưng người đối diện bằng ông; còn xưng người không có mặt bằng ông nữa. Chữ ông thứ ba này tức là ông ấy, mà khi nói ông ấy người ta thấy không được tôn kính mấy cho nên bỏ chữ ấy đi. Một điều đáng buồn cười là khi người đàn bà nổi tam bành lên cũng xưng mình bằng ông. Thật là một nồi xáo, một nồi hẩu lốn! Ở miền Trung Nam lại còn chuyển ông ấy thành ra ổng, bà ấy thành bả, rồi những ảnh, chỉ, cẩu, mở... một cách rất dễ dàng tùy tiện.
Phải để riêng một đoạn nói về chữ cụ. Cụ, nguyên dùng để xưng người có tuổi ngang với tuổi cụ sinh ra ông mình, vả lại người ấy có khi còn có đức vọng phẩm giá giữa xã hội nữa. Nhưng càng ngày người ta càng làm cho cái tôn xưng ấy hóa ra rẻ rúng: mới bốn mươi lăm tuổi đã tưng nhau lên cụ rồi, nếu là quan, còn thêm: cụ lớn.
Cái danh từ này nguyên chỉ có ở miền Bắc. Ở Huế cũng có cụ mà là một thứ cụ khác. Cụ ở đây là một người trai trung niên, làm thuê ngày, cuốc đất gánh phân chẳng hạn. Tức như cụ Ngáo, tay đao phủ có tiếng, được gọi bằng cụ không phải vì có tuổi mà vì làm cái nghề ấy cũng coi như cuốc đất gánh phân.

Ở đó trước kia dầu là một vị đại thần già cả người ta cũng chỉ gọi bằng quan lớn. Từ ngày có hai vị đại thần Cao Xuân Dục và Cao Xuân Tiếu(1) là cha con đồng triều, người ta đã gọi con là quan lớn rồi, không lẽ cũng gọi cha bằng quan lớn, bèn theo thói Bắc mà gọi là cụ lớn. Sau đó ở Huế lần lượt có các vị thượng thư là Phạm Văn Thụ, Phạm Quỳnh, Bùi Bằng Đoàn, đều người Bắc cả, cái danh từ cụ lớn mới thạnh hành. Trước năm 1945, khắp cả miền Trung, tỉnh nào cũng rặt những cụ lớn là cụ lớn, không cứ gì phải là thượng thư, tổng đốc.

(Tôi biết những người ở thời trước như các bậc Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thuật ở Quảng Nam, tuy làm quan lớn, đến nay người trong tỉnh nhắc tới cũng gọi là quan Thượng Đông (Phạm làm tổng đốc Hải Dương), quan Thượng Hà Đình (Nguyễn) chứ không gọi bằng cụ).

Thấy một cái tôn xưng rẻ tiền quá như thế, dơ lắm, có kẻ từ chối không nhận người khác gọi mình bằng cụ, nhưng nào có được, vì gọi cũng chẳng mất chi, người ta cứ gọi. Nhưng cũng lại có kẻ không được gọi bằng cụ thì đâm ra hằn học, căm tức, thôi thì chẳng nên gây thù chuốc oán làm chi, người ta cứ gọi cho. Vì vậy mà tiếng cụ ngày nay lan tràn ra cả nước, hoặc giả chỉ Nam Bộ tuy có mà chưa được phổ biến.

Nghề thế, đã tôn bợ người khác lên càng cao thì tự mình lại hạ xuống thấp và càng thấp. Xưng mình bằng tôi, nghĩa là tôi tớ, đã nhũn nhặn lắm và đê tiện quá rồi, còn chưa lấy làm đủ, xưng là con là cháu. Trong khi không gọi người đẻ ra mình bằng cha mẹ, gọi bằng anh chị, cậu mợ, chú thím, mà lại xưng con xưng cháu trước mặt những kẻ không đẻ ra mình, không đẻ ra cha mẹ mình, gẫm mà xem, có đáng tủi thân không?
Đàn bà sao lại tự xưng em trước mặt đàn ông? Xưng em, chỉ có vợ xưng với chồng; ngoài ra, cô đào xưng với quan viên, nhà thổ xưng với kẻ làng chơi, mỗi đằng có ý nghĩa riêng của nó. Còn bất cứ một người đàn bà nào đối với bất cứ một hay nhiều người đàn ông nào, việc gì lại phải xưng như thế? Xưng như thế chỉ để mà thú nhận rằng mình yếu đuối thấp kém, đành một phận làm người dưới kẻ bé, không dám nói chuyện bình quyền bình đẳng với các “anh” đó thôi.

Nói cho đúng ra, trong tiếng ta hiện nay không có đại danh từ. Phải làm thế nào chứ không thể để mãi mãi như thế được. Việc ấy cũng sẽ phải thảo luận lần nữa trong một bài khác.

VIẾT THÊM VỀ SAU

Có người nói, người Việt Nam lấy những tiếng xưng hô trong thân thuộc làm đại danh từ mà xưng hô khắp cả người trong nước như thế, là một thói tục tốt. Đó là suy rộng cái chủ nghĩa gia tộc ra trong toàn quốc, coi hết thảy người trong nước là họ hàng bà con với nhau, nhân đó càng thương yêu nhau. Thói tục tốt thì nên giữ, sao lại công kích?
Tôi cũng nhận thấy hình như có cái ý nghĩa ấy. Nhưng ý nghĩa là một chuyện, mà hiệu quả là một chuyện khác. Thử hỏi cái thói tục tốt ấy có làm cho tốt thói tục không, nghĩa là có hiệu quả gì không, thì thật là không có gì cả.

Trong gia đình, anh em có thể kiện nhau, mẹ chồng nàng dâu có thể chống báng nhau, thì ra giữa xã hội, cái sự tranh quyền đoạt lợi nhau, bóc lột hãm hại nhau, là sự rất thường. Bởi vì cái chủ nghĩa gia tộc đã chẳng tốt gì thì khi suy rộng nó ra giữa xã hội cũng không tốt gì cả, đã không có ích gì, mà chỉ có hại cho ngữ ngôn.   
Ta gọi bằng chủ nghĩa gia tộc đó, tức là chế độ tông pháp, cái chế độ lập ra để giữ cho chế độ phong kiến được bền vững.

Tông pháp, nói nôm, tức là cái lề lối chia ra con trưởng, con thứ, con chi, chi nhánh trong gia tộc, do đó lập nên cái quyền gia trưởng, tộc trưởng, những kỷ luật nghiêm ngặt trong một nhà một họ. Theo tông pháp thì hầu hết người ta không là cá nhân độc lập nữa, ai ai cũng đều là con cháu, em, thuộc dưới quyền ông, cha, anh và chú bác. Nói rằng nó giữ cho chế độ phong kiến được bền vững là ở chỗ đó: Vua cai trị một nước không xuể, mới lập ra chế độ tông pháp để tộc trưởng gia trưởng cai trị thay cho, mỗi khi có việc biến động gì thì trách cứ vào những người tộc trưởng gia trưởng là yên tất cả. Thực dân Pháp, năm 1930 còn đặt thêm vai trò “tộc biểu” trong mỗi họ ngoài tộc trưởng gia trưởng, để đàn áp phong trào cộng sản, là họ thông hiểu và kính trọng cái thói tục tốt ấy của người Việt Nam lắm lắm!

Do tông pháp mới có những sự mấy đời ở chung trong một nhà và đặt hương hỏa, chia gia tài, và do những sự này mới có những sự rầy rà, thù ghét, kiện cáo nhau trong gia đình. Trong khi đó thì những tiếng xưng hô thân mật trong ruột thịt với nhau như anh, em, con cháu, chú bác cũng không còn có giá trị gì cả.

Chính bản thân cái chủ nghĩa gia tộc đã là không tốt đẹp gì thì khi đem những tiếng xưng hô trong gia tộc áp dụng ra cả xã hội cũng không tốt đẹp gì. Nói rằng coi hết thảy người trong nước là bà con họ hàng với nhau, nhân đó càng thương yêu nhau, là chỉ nói thế thôi, nói nghe cho lịch sự thế thôi.

Hiện nay nước ta đang xây dựng để đi đến chủ nghĩa xã hội, thì chính bản thân cái chế độ tông pháp phải tiêu diệt đi luôn với cái chế độ phong kiến. Nếu đã là một xã hội xã hội chủ nghĩa thì cái lối xưng hô theo chủ nghĩa gia tộc cũng không thích dụng nữa. Có điều rất khó là những tiếng xưng hô ấy đã ăn sâu trong ngôn ngữ rồi, muốn cải cách đi, chế tạo ra cho được một thứ đại danh từ trung lập và phổ thông để thay vào, cũng còn phải mất một thời gian lâu lắm. Tuy vậy, tôi tưởng rằng chúng ta không phải không có thể làm được. Hễ khi mọi người đều thấy cái lối xưng hô như thế không còn thích dụng nữa, thì tự nhiên nó bị đào thải đi mà có lối khác mọc lên, tức là đại danh từ trung lập và phổ thông.

Trên kia nói có hại cho ngôn ngữ, thế nào là có hại?

Có hại là như cứ theo lối xưng hô gia tộc ấy, nó sẽ làm mất cái ý khách quan và bình đẳng trong lời nói hay bài văn.

Đại khái như ta muốn viết một cái ký sự mà thuần dùng khách quan đối đãi với những nhân vật trong đó thì khó cho đạt được cái ý ấy của ta lắm, bởi vì trong khi xưng hô những nhân vật ấy không thể nào không dùng những đại danh từ (tức là danh từ) khác nhau, hoặc cụ, hoặc ông, hoặc anh, hoặc bà, hoặc cô, hoặc chị, thế là đã phải lập định chủ quan của ta rồi.

Còn như sự mất tinh thần bình đẳng dễ thấy nhất là trong khi dịch sách nước ngoài. Một cuốn tiểu thuyết bằng chữ Pháp hay chữ Hán, trong đó người ta dùng đại danh từ một loạt như nhau, mà mình dịch ra theo lối xưng hô tiếng ta thì thành ra như có chia tôn ty thượng hạ. Tôi từng vấp phải sự khó khăn ấy. Khi dịch cái tiểu thuyết Ánh lửa đằng trước, những chỗ cán bộ quân sự cao cấp và binh sĩ đối thoại với nhau, nguyên văn đều dùng chữ “nễ”, tôi đều dịch là “anh” để giữ cho còn cái tinh thần bình đẳng. Đối xưng, làm như vậy cũng tạm được rồi, nhưng đến tha xưng, nguyên văn đều dùng chữ “tha”, đáng lẽ dịch là “hắn” hay “nó” mà không dám dịch, cũng lại dùng chữ “anh” nữa. Thành ra ngôi thứ hai và ngôi thứ ba cùng chung một chữ là “anh”, không phân biệt, rất là bất tiện cho người đọc.

Lại còn có khi gặp một chữ mà không biết dịch là gì cho phải nữa. Ông Ehrenburg (1) có lần hỏi một người trẻ tuổi mới tập viết văn bằng hai câu, bảo phán đoán thử câu nào có lực lượng hơn, hai câu ấy, theo tiếng Pháp là: Je t’aime với Je t’aime beaucoup; theo chữ  Hán là: Ngã ái nễ với Ngã hẫn ái nễ. Thế thì hai chữ “t’ ” và hai chữ “nễ” đó nên dịch là gì? Nếu dịch phứt đi là “mầy” thì đúng và tiện lắm, nhưng tiếng Việt hiện tại không cho phép. Vậy trước hết phải biết cái tánh biệt của đại danh từ “t’ ” và “nễ” ấy thì mới dịch được, vì theo tiếng Việt hiện tại, khi đối xưng hô trong gia tộc, nhưng còn phải phân biệt nam tánh và nữ tánh. Thật là dễ bí! May còn có thể đoán mà biết được nhờ ở hạ văn. Hạ văn: người trẻ tuổi trả lời rằng cố nhiên câu thứ hai có lực lượng hơn. Ông Ehrenburg cười và bảo, thế thì anh đánh giá từ ngữ còn kém các cô thôn nữ. Nhờ đó, ta có thể đoán cái đại danh từ ấy là nữ tánh. Nhưng còn ngần ngại không thể dứt khoát trong ba lối dịch này: Tôi yêu cô; Tôi yêu cô lắm; Tôi yêu em; Tôi yêu em lắm; hay là Tôi yêu mình; Tôi yêu mình lắm? Rắc rối thay, ba chữ “cô”, “em”, “mình” đó phải đặt cho đúng từng trường hợp, chứ có phải dễ đâu?

Vì những lẽ trên đây, tôi phải đặt vấn đề về đại danh từ tiếng Việt. Tôi tin rằng khi tiếng Việt có đại danh từ trung lập và phổ thông thì văn học Việt Nam mới tiến lên mức cao.


(Hà Nội, 12.1.1955)

Nguồn:
Phan Khôi: Việt ngữ nghiên cứu, Nxb. Văn nghệ, Hà Nội, 1955, tr. 105-117.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525296

Hôm nay

2110

Hôm qua

2364

Tuần này

21998

Tháng này

211992

Tháng qua

0

Tất cả

114525296