Những góc nhìn Văn hoá

“Tôi” và “Tôi”

 

Mở đầu Sám hối, Rousseau viết: “Tôi là duy nhất[1]. Tôi biết rõ trái tim của tôi và tôi biết rõ mọi người. Tôi được tạo ra khác hẳn so với bất kì ai mà tôi đã gặp; tôi dám chắc là tôi không giống một ai trên thế gian này”[2]. TừÉmile đến Sám hối, Rousseau đã vượt qua một chặng đường rất dài. “Tôi” trong Émile là đại từ và có quan hệ với cái người thể hiện bản chất của sự nói ở ngôi thứ nhất. Émile nói đến bản chất của con người như vốn dĩ. Vì vậy, người kể chuyện là hiện thân của lí trí tự nhiên, còn người được giáo dục là Tự nhiên tự tìm thấy bản thân. Trong Sám hối, “Tôi” là tên riêng, là những gì không có số nhiều và không thể xa lạ với con người cá nhân duy nhất và không thể thay thế. Không phải ngẫu nhiên mà có câu đề từ: “Intus et in cute” - “Bọc trong da mà rách bươm”[3] (trích dẫn từ nhà thơ cổ đại La Mã Aulus Persius Flaccus). Rousseau đã vượt qua đoạn đường từ đại từ “tôi” đến danh từ riêng. Đây là một cực cơ bản của tư tưởng nhân loại.

Truyền thống thường gợi dậy ở ta quan niệm cho rằng tiến trình nhận thức của con người đi theo hướng từ cái cá thể (đơn nhất) tới cái toàn thể. Nếu hiểu cái cá thể là khả năng khuyếch đại số lượng khác biệt, khả năng tìm thấy sự dị biệt trong cái duy nhất, thì dĩ nhiên đó là một trong những thành tựu cơ bản của tiến trình văn hoá. Chỉ cần nhấn mạnh, rằng khả năng nhìn thấy sự dị biệt trong cái duy nhất và nhìn thấy cái duy nhất trong sự khác biệt là hai bình diện gắn chặt với nhau của một tiến trình nhận thức thống nhất. Nếu không phân biệt cái dị biệt thì sự tương đồng sẽ bị thủ tiêu, chứ không được nhấn mạnh, bởi vì sự đối sánh sẽ bị thủ tiêu.

Cấu trúc của “Tôi” là một trong những chỉ số cơ bản của văn hoá. Về mặt cấu trúc, “Tôi” như một đại từ đơn giản hơn rất nhiều so với “tôi” như là tên riêng. “Tôi” như một tên riêng không phải là kí hiệu ngôn ngữ được phác hoạ rắn chắc.

Các ngôn ngữ khác nhau sử dụng các phương tiện văn phạm khác nhau để biểu hiện sự khác biệt giữa lời biểu thị một sự vật bất kì và đích thị một sự vật nào đó. Trong tiếng Nga, điều này có thể được biểu thị bằng cách sử dụng các chữ viết hoa trong: bàn - đó là cái bàn bất kì (tương đương như thế, trong tiếng Đức, người ta sử dụng mạo từ không xác định “ein”), Bàn được viết hoa - đó là cái bàn của tôi, cá nhân tôi quen thuộc, nó là duy nhất; đó là cái Bàn có những đặc điểm hoàn toàn không có ở những cái “bàn nói chung”. Chẳng hạn, nó có thể có một vết mực. Vết mực không thể là đặc điểm của bàn nói chung, nhưng nó có thể trở thành dấu hiệu không tách rời của cái bàn này. Trong Anh chàng ngớ ngẩn, Phonvizin tái hiện một cảnh như sau:

Pravdin: Ví như, cửa, loại từ gì: danh từ hay tính từ?

Mitrofan: Cửa ấy à, cửa nào?

Pravdin: Cửa nào nữa! Cái này này.

Mitrofan: Cái này? Tính từ!

Pravdin: Sao lại thế?

Mitrofan: Vì nó được đặt vào vị trí của nó. Nhìn gian xép kia kìa, dễ đã sáu tuần rồi, cửa vẫn chưa lắp cánh: cho nên, bây giờ, nó là danh từ.

Staradum: Thế cho nên chữ thằng ngu của cậu là tính từ, vì nó được gắn với thằng ngu.

Mitrofan: Tớ biết rồi!

Nhận thức duy lí của Phonvizn đã mô tả cho chúng ta thấy tư duy trừu tượng như là kiểu tư duy đích thực, còn tư duy cụ thể là biểu hiện của sự ngu si.

Tuy nhiên, vẫn có thể có một quan điểm khác. Như chúng tôi đã chỉ ra, trong Sám hối, với Rousseau, đại diện cho chân lí chính là “Tôi” mà từ đó không thể cấu tạo thành số nhiều. Chúng tôi cũng đã dẫn ra ví dụ về việc sử dụng các danh từ riêng của Vl. Soloviov lúc ông còn là một cậu bé. Với người duy lí, thế giới cụ thể chỉ là ví dụ để minh hoạ cho các luật lệ chung. Người ta thường dựa vào sơ đồ như vậy để kiến tạo tương quan giữa văn bản và luân lí trong ngụ ngôn. Luân lí là sự giải thích ý nghĩa theo kiểu lôgic đơn trị. Krylov là trường hợp đặc biệt, ông đã khắc phục tính duy lí của thể loại ngụ ngôn để tạo ra một hệ thống phức tạp hơn nhiều về tương quan giữa “văn bản” và “luân lí”. Trong sáng tác của ông, luân lí không bị biến thành sự biểu hiện của chân lí trừu tượng, mà cất lên thành giọng nói theo quan điểm nhân dân và tư tưởng khoẻ khuắn.

Trò đùa táo bạo của Rousseau, người từng tuyên bố thứ “chân lí phi điển hình” và giá trị của Jean-Jacques - một cá nhân độc đáo riêng biệt - đã mở ra con đường sáng tạo hình tượng con người trong tiểu thuyết và chân dung thời đại sau này. Những thể loại này không mang tính phúng dụ (hiểu theo nghĩa đã được chỉ ra trong Những phòng trưng bày của Diderot, một tác phẩm kiên trì gạt bỏ phúng dụ và khẳng định tính chân dung của hình tượng con người trong hội hoạ). Chúng khẳng định một loại hình mới của ý thức nghệ thuật: nhân vật đồng thời vừa là hiện tượng uy nhất - không lặp lại, vừa là một hình tượng nào đó gắn với độc giả và khán giả bằng những đặc điểm tương đồng. Cái được sáng tạo ra có thể hoạt động như một sinh thể. Gắn với nó là cả một mạng lưới rộng lớn truyện kể huyền thoại về sự hồi sinh của tạo tác nghệ thuật có nguồn cội chí ít là từ thời cổ đại.

Có một điểm đặc biệt thế này: ý thức duy lí hiện đang rất phổ biến trong thực tiễn học đường luôn cố gắng giải thích văn bản nghệ thuật một cách phiến diện. Từ những đề tài luận văn thời trước, ví như: “Onhegin là đại diện của xã hội quý tộc”, cho tới những đề tài được thay thế hiện nay, kiểu như: “Tachiana là hiện thân của tâm hồn Nga”, đều toát lên một khuynh hướng chung không hề thay đổi, ấy là “nắn thẳng mâu thuẫn”, quy sự đa dạng vê cái đơn trị. Cho nên, nhiều lần chúng ta được nghe lời than phiền cho rằng, những dòng sau đây đã tạo ra mâu thuẫn khiến hình tượng Tachiana trở nên phức tạp và chính điều đó đã hạ thấp ý nghĩa “giáo dục” của hình tượng này:

Nàng hiểu tiếng Nga rất tồi

<…>

Nàng diễn đạt quá khó khăn

Bằng tiếng mẹ đẻ của mình(VI, 63).

Tuy nhiên, sẽ quá giản đơn nếu đổ hết mọi tội lỗi cho giáo viên và thực tiễn học đường. Ở đây cần phải nói về mâu thuẫn mang tính đặc thù của nghệ thuật, mâu thuẫn tạo nên tạo nên cả sở trường lẫn sở đoản của nó mà về nguyên tắc không thể khắc phục, bởi nó cho phép văn bản nghệ thuật đồng thời sử dụng cả tên riêng lẫn danh từ chung.

 

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: Лотман Ю.М.  Семиосфера.- С.-Петербург: «Искусство - СПБ», 2000. С.126 - 128.

 


[1]Trong nguyên bản: “Moi seuil”(J.-J. Rousseau.- Oeuvres completes/ Ed. Musset-Pathay. Vol.27. Paris,1824. P.3).

[2]J.-J. Rousseau.- Tuyển tập. Bộ 3 tập. M.,1961. T.3, tr. 9-10.

[3]Một phần của câu thơ thứ 30 trong tác phẩm trào phúng III: “Ego te intus et in cute novi” - “Ta biết ngươi cả lúc không có da và cả khi bọc trong da”; La Tinh, bản dịch của F.A. Petrovski.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559473

Hôm nay

2173

Hôm qua

2317

Tuần này

2791

Tháng này

227016

Tháng qua

122920

Tất cả

114559473