Những góc nhìn Văn hoá
Chữ Quốc ngữ - Hình thành và phát triển

Chữ Quốc Ngữ dùng mẫu tự La Tinh ghi âm tiếng Việt ra đời vào đầu thế kỷ XVII, là công trình của nhiều giáo sĩ châu Âu, người tiên phong sáng tạo ra thứ chữ này là Francisco de Pina cùng những người Việt Nam cộng tác với ông.
Suốt một thời gian dài, chữ Quốc ngữ chỉ được lưu hành trong phạm vi nhà thờ nhằm mục đích truyền giáo, đến nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nó mới được phổ biến rộng rãi ngoài xã hội và trở thành văn tự chính thức của Việt Nam.
Lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trải qua 3 giai đoạn:
1. Giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII-1858: Chữ Quốc ngữ hình thành và phát triển trong phạm vi nhà thờ
a) Từ đầu thế kỷ XVII -1651: Chữ Quốc ngữ hình thành.
Đầu thế kỷ XVII, các Linh mục sang truyền giáo ở Đàng Trong đã chú tâm tìm hiểu tiếng Việt và tìm phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ La Tinh. Người tiên phong trong công cuộc này là Linh mục Francisco de Pina.
Ông là người Bồ Đào Nha, sinh ở thành Guarda vào năm 1585 (những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, Roland Jacques, NXB Khoa học Xã hội 2007, tr 25), năm 19 tuổi ông trở thành thầy tu Dòng Tên. Từ năm 1611 đến 1617 ông theo học ngành khoa học xã hội và thần học ở Macao. Tại đây ông đã may mắn được học với giáo sĩ Rodrigues là nhà ngữ học đã soạn cuốn từ vựng và văn phạm tiếng Nhật phiên âm bằng chữ cái La Tinh dựa vào cách phát âm của tiếng Bồ.
Pina sau những năm học tập ở Ma Cao, các bề trên của ông đã sắp đặt để đưa ông tới Nhật, nhưng ông không thể đến đó như dự kiến.Do yêu cầu tăng cường các giáo sĩ trẻ có khả năng học tiếng bản địa, ông được cử đến Đàng Trong. Ông cập bến Đà Nẵng đầu năm 1617, sau đó vào Hội An ở tại nhà các giáo dân Nhật Bản để truyền đạo. Giữa năm 1618, do bị thiên tai, hạn hán, chúa Nguyễn đổ tội cho các các giáo sĩ Dòng Tên và trục xuất họ, ông cùng Francessco Buzomi và Cristoforo Borri được quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đón vào Nước Mặn (Quy Nhơn). Pina sống tại đó ít lâu, sau được chuyển về giúp đỡ Nhật kiều công giáo tại Hội An. Nhận thấy người Việt sốt sắng đón nhận Thiên chúa, linh mục Pina quyết định chuyên tâm giúp đỡ họ. Hội An cách Dinh trấn Thanh Chiêm khoảng 9 km, Pina thường đi lại làm việc tại đây. Khoảng năm 1621, linh mục lên ở hẳn tại Thanh Chiêm, mua nhà và học tiếng Việt. Trong thư gởi cho cha bề trên ở Ma Cao, năm 1623, Pina viết: “Năm vừa qua, con đã viết để báo cáo với cha, rằng con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeanne ở Kẻ Chàm. Mỗi nhà có ba gian, một nhà làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường.”(Sđd, tr 45)
Năm 1625, trú sở Thanh Chiêm được thành lập, Giáo sĩ Francisco de Pina được cử làm cha bề trên cai quản nơi đó cho đến lúc qua đời trong một tai nạn xảy ra ở vịnh Đà Nẵng vào ngày 16 tháng 12 năm 1625 (theo Roland Jacques còn theo Alexandre de Rhodes thì Pina mất ở ngoài khơi cửa biển Hội An).
Đến Việt Nam từ năm 1617, Pina đã tự nguyện lao vào việc nghiên cứu chữ Quốc ngữ. Ông phải gấp rút học tiếng Việt với một nỗ lực phi thường để có thể đảm đương mọi công việc nặng nề của giáo hội.
Năm 1618, Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phê rô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Ky tô giáo, có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh. Đây là bản kinh Lạy cha được viết tay năm 1632, trích từ sách “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam” của Roland Jacques.
Trong bức thư gởi cho cha bề trên ở Ma Cao, Pina cũng cho biết ông đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của tiếng Việt và đang nghiên cứu ngữ pháp. Ông đã tập hợp những truyện thuộc các loại khác nhau để cung cấp những trích dẫn của các tác giả nhằm củng cố nghĩa của từ và các quy tắc ngữ pháp. Sau khi Pina mất những văn bản kể trên đã không tìm thấy.
Thực hiện những công trình này, ngoài những cố gắng vượt bậc của ông còn có sự hỗ trợ của người bản xứ. Đó là các thanh niên giáo dân, các nho sĩ, các nhà sư, các trưởng tôn phái, các quan lại nghỉ hưu v.v... họ là những cộng tác viên đắc lực của Pina trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.
Cuối năm 1624, Alexandre De Rhodes được cử đến Đàng Trong, ông đã cùng giáo sĩ Antonio de Fontes về Thanh Chiêm để làm phụ giảng cho Pina, nhưng công việc khẩn thiết hơn hết là để học tiếng Việt với bậc thầy “giảng giáo lý không cần thông dịch”. Chính ông đã viết: “Ngay từ đầu tôi đã học tiếng Việt với cha F.de Pina, người Bồ Đào Nha, thuộc Hội dòng Giê su rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu thuyết giảng bằng ngôn ngữ đó mà không cần phiên dịch”. (Alexandre de Rhodes. Từ điển Việt-Bồ-La (Phần tiếng Việt) Viện Khoa học xã hội TP. HCM 1991, tr 3).
Trong thời gian học tiếng Việt với giáo sĩ Pina ở Thanh Chiêm, A.de Rhodes không những có khả năng giảng đạo bằng tiếng bản xứ mà còn chú tâm nghiên cứu về ngôn ngữ học theo mục đích Pina hướng tới.
Năm 1629 các thừa sai Đàng Trong và Đàng Ngoài bị các Chúa trục xuất, họ gặp nhau ở Ma Cao, cuộc họp năm 1630 tại đây, giúp các thừa sai thống nhất nhận định tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu, là ngôn ngữ đơn âm tiết, mỗi âm tiết phải ghi bằng một con chữ.
Từ năm 1634-1651, lối viết này được phổ biến cho các thừa sai sắp tới Việt Nam và các thầy giảng tiếng Việt.
Vận dụng những kiến thức tích lũy được từ khi say mê học tiếng Việt tại Dinh Chiêm, những năm ra hoạt động ở Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes đã bắt đầu soạn cuốn sách giáo lý bằng chữ Quốc ngữ đó là Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn (muốn) chịu phép rửa tội mà beào (vào) đạo thánh đức Chúa blời (trời, lời). Sách này được ấn hành tại La Mã năm 1651.
Cuốn Từ điển Việt-Bồ-La cũng in tại La Mã năm 1651, trong đó ông đã sử dụng bản thảo cuốn Từ điển Việt - Bồ của Gaspard do Amaral, và cuốn Bồ - Việt của Antonio Barbosa, hai ông đều là giáo sĩ Dòng Tên, đã đến giảng đạo một thời gian ở Đàng Ngoài sau A.de Rhodes và đã từ trần năm 1646- 1647 (A.d.Rhodes, Từ điển An Nam - Lustian - La Tinh (bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính) nxb Khoa học Xã hội 1991, tr 3)
Cuốn Văn phạm Việt Nam đóng chung một tập với cuốn Từ Điển trên, nhưng thực ra là một tác phẩm riêng biệt.
Theo Phạm Đình Khiêm cả ba cuốn sách trên là những tài liệu vô giá chẳng những “đã cống hiến cho chữ Quốc ngữ một hình thức xác định và một địa vị vững chắc, nó còn là viên đá đầu tiên của ngữ học, văn học và truyền giáo học ở Việt Nam”.
A.d.Rhodes đã có công cải thiện và phổ biến chữ Quốc ngữ, làm cho cách phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh được hoàn hảo hơn, và bắt đầu dùng chữ Quốc ngữ để soạn sách và ấn hành sách.
b) Từ năm 1651-1858: Chữ Quốc ngữ phát triển và lưu hành trong phạm vi nhà thờ để truyền giáo, được dạy trong các trường đào tạo thừa sai, nhiều cuốn tự điển của các linh mục được ra đời.
- Năm 1773, giám mục Adran cho ra bộ tự điển Việt-Latin Dictionarium Anamitico-Latinum do chính ông biên soạn, được viết bằng chữ Latin, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Ông còn có tên Việt là Bá Đa Lộc hay còn gọi là Cha Cả, tên Pháp Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine, sinh năm 1741 tại Pháp và mất năm 1799 tại Sài Gòn.
- Năm 1838 giáo sĩ Tabert cùng linh mục Philipphê Phan Văn Minh in tại Ấn Độ cuốn Từ điển Anamitico-Latinum Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị hay còn được gọi là Tự điển Tabert.
Trước năm 1975, đã tìm thấy một số tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ của Philipphê Bỉnh ở Lisabon, thủ đô của Bồ Đào Nha. Hơn 30 năm ở đây, ông đã viết 21 cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ, có cuốn đã in, có cuốn viết tay. Sách của ông bao gồm những đề tài có tính chất biên soạn tự điển, ký sự, nhật ký.
Nhận xét: Ở thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ mới được khai sáng, những tác phẩm còn nhiều chỗ khó hiểu và tối nghĩa, nhiều phát âm khác xa với tiếng Việt hôm nay.
Sang thế kỷ XVIII, chữ Quốc ngữ đã bước vào thời kỳ hoàn chỉnh, tiến gần với tiếng Việt ngày nay nhưng cũng chỉ lưu hành trong phạm vi nhà thờ để truyền đạo.
2. Giai đoạn từ 1858-1945: Chữ Quốc ngữ phát triển vượt khỏi phạm vi công giáo
Sau gần 300 năm hình thành và phát triển, chữ Quốc ngữ chỉ lưu hành trong phạm vi nhà thờ, cho tới khi Pháp xâm lăng nước ta (1858) chữ Quốc ngữ mới vượt ra khỏi các trường công giáo và được dạy phổ biến ở các trường phổ thông với hai mục đích khác nhau.
a)Thực dân Phápphát triển chữ Quốc ngữ để làm công cụ nô dịch
Khi Pháp chiếm Nam kỳ, chữ Quốc ngữ đã phát triển. Pháp nhận thấy chữ Quốc ngữ rất tiện lợi trong việc giúp họ giao tiếp với người dân bản xứ và điều hành guồng máy cai trị, nên quyết định đào tạo những người biết chữ Pháp, chữ Quốc ngữ để phục vụ cho họ.
Pháp đã ra nhiều nghị định để buộc người dân học chữ Quốc ngữ:
- Ngày 22/2/1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ.
- Ngày 14/11/1874, Thiếu tướng hải quân Krantz giữ chức Thống soái Nam kỳ đã ký nghị định mở trường Trung học Chasse Loup Lauba ở Sài Gòn vừa dạy tiếng Pháp vừa dạy chữ Quốc ngữ.
- Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam kỳ Lafont ra nghị định số 82 bắt buộc các công văn, thư từ phải viết bằng chữ Quốc ngữ chứ không được viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm,công chức phải biết chữ Quốc ngữ mới được tuyển dụng và thăng thưởng.
- Ngày 17/01/1879, bá tước Lafont ký nghị định mở trường Trung học Mỹ Tho.
- Ngày 17/3/1879, chính quyền thuộc địa Pháp thiết lập Sở Học chánh Nam kỳ đặt chương trình giáo dục Pháp - Việt ở Nam kỳ, chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ trong trường học.
- Ngày 14 tháng 6 năm 1880 nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ đã ra nghị định giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết chữ Quốc ngữ.
- Ngày 27/4/1904, Pháp ra nghị định thiết lập chương trình giáo dục Pháp - Việt ở Bắc kỳ.
- Năm 1906, Toàn quyền Paul Beau ra nghị định bắt các xã lập trường Tiểu học dạy chữ Quốc ngữ, chữ Tây.
Những nỗ lực phổ biến chữ Quốc ngữ của Pháp nhằm mục đích đào tạo những người làm tay sai và loại bỏ nền văn hóa Hán Nôm từ hàng ngàn năm đã ăn sâu vào cội rễ tư tưởng người Việt để thay vào đó nền văn hóa Pháp hầu củng cố chế độ thực dân. Việc làm đó tất yếu phải gặp sức kháng cự của nhân dân yêu nước cho nên Pháp ra lệnh lập xã học dân chúng vẫn không chịu học. Lòng căm hận đối với chế độ thực dân dẫn đến khuynh hướng ghét bỏ, tẩy chay những gì liên quan đến nó, do đó một bộ phận không nhỏ các sĩ phu, trí thức yêu nước ban đầu đã ngoảnh mặt quay lưng với chữ Quốc ngữ.
Thời gian đầu, người Pháp vừa cưỡng bức, vừa vuốt ve để người Việt đi học chữ Quốc ngữ. Trường Trung học Adran (1861-1887) là trường dạy Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Song song với việc mở trường dạy học, người Pháp còn cho ra tờ Gia Định Báo (1865-1897) là tờ báo in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta, ra mắt năm 1865 ở Sài Gòn. Lúc đầu tờ báo này chỉ là một công cụ thông tin của Pháp, từ năm 1869, khi Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc và Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút thì tờ báo mới thật sự khởi sắc với các mục biên khảo, lịch sử, thơ văn, nghệ thuật... Các văn bản nổi tiếng của văn học Việt Nam được những học giả Kitô giáo phiên âm ra chữ Quốc ngữ, trong đó Paulus Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) và Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là hai người có đóng góp lớn lao. Huỳnh Tịnh Của đã xuất bản một từ điển mới, theo phương pháp của Tự điển Pigneaux nhưng phân biệt cẩn thận giữa các ký tự Hán Việt với Nôm, đưa thêm các định nghĩa và ví dụ bằng chữ Quốc ngữ. Còn Trương Vĩnh Ký thì phiên âm Truyện Kiều từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ và dịch ra tiếng Pháp. Ông còn phiên âm thơ văn của nhà Nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ra chữ Quốc ngữ.
Tờ Gia Định báo đã góp phần không nhỏ vào việc cổ động học chữ Quốc ngữ, khuyến khích theo tân học, mở đường cho sự sáng tác các thể loại thơ, văn bằng chữ Quốc ngữ và tạo nền móng cho sự nở rộ của báo chí Việt Nam sau này.
Qua chủ trương lợi dụng chữ Quốc ngữ để phục vụ cho mục đích chính trị, người Pháp đã vô tình thúc đẩy chữ Quốc ngữ phát triển một cách nhanh chóng.
b)Phong trào Duy Tân phát triển chữ Quốc ngữ để “khai dân trí”
Cuối thế kỷ XIX, cùng với bước chân xâm lược của thực dân Pháp, Nho học cũng đi vào con đường suy tàn.
Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học chín người thôi,
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa Tư lương nhấp nhỏm ngồi.
(Trần Tế Xương)
Ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử Nho học. Khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức năm 1919 tại Huế đánh dấu sự cáo chung của Nho học, từ đó chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt Nam, đến nay, đã tròn 100 năm.
Đầu thế kỷ XX phong trào Duy Tân do các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp lãnh đạo với một đường lối chủ trương mới mẻ, tiến bộ đã làm nô nức lòng người, khắp mọi nơi một phong khí mới ào ào dâng lên. Mục tiêu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” trở thành động lực thúc đẩy nhân dân tập hợp dưới bóng cờ của phong trào, trong đó mục tiêu khai dân trí được đặt lên hàng đầu. Muốn tiến bộ, muốn chống lại thực dân phải làm cho dân khôn ra, công cụ để tiến hành sứ mệnh đó không gì tiện dụng hơn chữ Quốc ngữ, vì vậy các nhà lãnh đạo phong trào bèn ra sức hô hào học chữ Quốc ngữ:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tỉnh trước dân ta
( Khuyến học - Trần Quý Cáp)
Chữ Quốc ngữ dễ học, dễ viết, thời gian học tập rất ngắn so với chữ Nôm. Phải học chữ Hán mất mười năm mới học chữ Nôm, còn học chữ Quốc ngữ thì chỉ mất vài tháng, đại đa số quần chúng ai cũng có thể học được. Do đó chữ Quốc ngữ trở thành công cụ hữu ích để truyền bá chủ nghĩa Duy Tân “Quyết đem học mới thay nô kiếp”, là phương tiện để khai dân trí:
Trước hết phải học ngay Quốc ngữ,
Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau,
...Sẵn cơ sở để khai tâm trí...
(Thơ Đông kinh Nghĩa Thục)
Không chỉ dạy chữ Quốc ngữ cho dân mà còn dùng chữ Quốc ngữ dịch các sách nước ngoài để phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, triết học, kinh tế, v.v... hầu mở mang dân trí, ý thức dân quyền, đưa đồng bào tiến bước trên đường Duy Tân cứu đất nước thoát khỏi vòng đô hộ của thực dân Pháp:
Sách Âu Mỹ, sách Chi Na,
Chữ kia chữ nọ dịch ra tinh tường.
(Chiêu hồn nước)
Việc dạy chữ Quốc ngữ trong các trường Duy Tân buổi đầu không dễ dàng vì gặp phải sự chống đối của lớp người bảo thủ. Nhiều người đã kiên quyết không cho con em đi học thứ chữ “của Tây, của cố đạo”.
Làm cho dân ý thức đó là nguồn lợi của nước nhà, đưa chữ Quốc ngữ giữ vai trò có quan hệ sinh tử đối với vận mệnh đất nước, khiến cho họ nhận ra chữ Quốc ngữ là cái hồn của dân tộc “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước” quả là kỳ công của các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Nhờ lòng kiên trì, nhiệt tình yêu nước, các giáo viên tân học đã tạo được cho dân chúng sự hiểu biết cũng như lòng tin vào tiền đồ của dân tộc. Càng ngày số người theo học càng đông, phong trào học chữ Quốc ngữ đã được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt, tại Quảng Nam chỉ trong vòng năm, sáu tháng, 40 trường tân học đã được dựng lên để dạy chữ Quốc ngữ, phổ biến cái học mới.
Công cuộc truyền bá chữ Quốc ngữ của phong trào Duy Tân đã được triển khai bằng nhiều hoạt động mạnh mẽ, nhất là từ năm 1906 trở đi.
Năm 1906, nhân Nghị định của Toàn quyền Paul Beau bắt các xã lập trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Tây, các nhà Duy Tân đã lợi dụng thời cơ đó để hợp pháp hóa chủ trương dạy chữ Quốc ngữ mà trước đây họ phải hoạt động một cách lén lút, bất hợp pháp. Các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp công khai tổ chức những buổi diễn thuyết cổ động cho tân học gây được những xúc động mạnh mẽ trong hàng ngũ thân hào nhân sĩ khiến cho họ tự nguyện góp công, góp của dựng lên những ngôi trường Duy Tân trong các xóm làng, trường tân học đã mọc lên khắp nơi, nhiều trường đã gây được ảnh hưởng lớn, uy tín vang khắp tỉnh như trường Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình, Cẩm Toại...
Phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ bắt đầu từ Quảng Nam, sau lan đến các tỉnh kế cận rồi lan rộng khắp Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Năm 1907, cụ Phan Châu Trinh ra Hà Nội cùng các thân hào nhân sĩ đất Bắc như cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền thành lập Đông Kinh Nghĩa thục. Trường có quy mô tổ chức lớn, có nhiều giáo viên xuất sắc, danh tiếng của trường vang khắp nước.
Đến năm 1908, quần chúng tự động đứng lên tổ chức các cuộc biểu tình chống sưu, chống thuế tạo thành cao trào đấu tranh mãnh liệt khiến thực dân lo sợ thẳng tay đàn áp, bắt giam các lãnh tụ Duy Tân, đày đi Lao Bảo, Côn Lôn. Trần Quý Cáp - nhà cách mạng giáo dục lỗi lạc của phong trào - bị tử hình tại Khánh Hòa. Các trường tân học bị đóng cửa, đập phá, giáo viên bị tra tấn, giam cầm, phong trào Duy Tân tan rã, nhưng phong trào học chữ Quốc ngữ vẫn tiếp tục tiến lên để đảm nhận vai trò lịch sử của mình. Quảng Nam có vinh dự là nơi khai sinh chữ Quốc ngữ cũng chính là nơi đầu tiên trong cả nước được các nhà cách mạng Duy Tân dấy lên phong trào học chữ Quốc ngữ mang tính đại chúng.
Nửa đầu thế kỷ XX chữ Quốc ngữ ngày càng trở nên phổ biến, lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Chữ Quốc ngữ qua những tác phẩm biên khảo, phóng sự, bình luận, du ký của Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí, cùng một loạt tiểu thuyết và thơ mới của nhóm Tự lực Văn đoàn với tư tưởng mới, phong cách mới đã chứng minh chức năng toàn diện của chữ Quốc ngữ để rồi sau năm 1945 các chính quyền kế thừa đều công nhận lối chữ này.
3. Giai đoạn từ năm 1945 đến nay: Chữ Quốc ngữ là văn tự chính thức của nước Việt Nam.
Chữ Quốc ngữ phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 8.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh chống mù chữ, bằng việc học chữ Quốc ngữ, số người biết chữ Quốc ngữ tăng lên rất nhanh. Từ đây, chữ Hán và chữ Nôm mất địa vị của mình, chữ Quốc ngữ chiếm địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam.
Hình thành từ đầu thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ không ngừng được phát triển và hoàn thiện, đến đầu thế kỷ XX nó đã trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam giúp cho ta dễ dàng hội nhập với thế giới.
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559430

2130

2317

2748

226973

122920

114559430