Những góc nhìn Văn hoá

Petrus Trương Vĩnh Ký - Người tiên phong sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ với tấm lòng yêu nước, yêu dân

Bìa sách Sơ học vấn tân diễn ca, do Petrs Ký biên soạn,

lưu trữ tại Thư viện Viện Viễn đông bác cổ Pháp ở Paris (người viết chụp tháng 9/2019)

  

Trích lời tựa sách Sơ học vấn tân Quốc ngữ diễn ca (1884), bản lưu tại Thư viện EFEO, Paris

 

Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một trí thức hiếm hoi - uyên bác và đa năng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: ngoại giao, hành chính, sư phạm, văn hóa và truyền thông. Đáng chú ý, khác với nhiều sĩ phu Nho học cùng thời chủ yếu sử dụng chữ Hán -Nôm, Petrus Ký là người sử dụng chữ Quốc ngữ rất nhiều trong cả nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác thơ văn và biên soạn sách báo. Cuộc đời và nghề nghiệp của ông có nhiều đóng góp trong việc sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ, trước hết là ở Nam Kỳ.

1. Cuộc đời Petrus Ký gắn liền với sự phát triển của chữ Quốc ngữ

Petrus Ký - tên ban đầu là Trương Chánh Ký, sinh ngày 6/12/1837 tại làng Cái Mơn, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Lúc ấy, triều Minh Mạng, đất nước đang ở vào thời kỳ cực thịnh của Nho giáo và Hán tự. Trẻ em theo học các trường làng đều học chữ Hán nhưng với Petrus Ký từ năm 8 tuổi đã bắt đầu làm quen chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, khi vào học tại Tiểu chủng viện Cái Nhum.

Vào năm 12 tuổi, ông được học với thầy dạy là Cố Long - linh mục Charles-Emille Bouilleveaux (1823-1913), một nhà nghiên cứu Pháp - người sau này đã giới thiệu kỳ quan Angkor (Campuchia) ra với thế giới và viết sách khảo cứu về Campuchia và Việt Nam.[i] Đây có lẽ là người thầy đầu tiên khơi dậy tình yêu văn hóa, lịch sử và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho Petrus Ký!

Từ năm 13 tuổi, Petrus Ký theo Cố Long sang Campuchia, sau đó vào học tại Đại chủng viện ở George Town (Penang, Malaysia) - một cảng thị quốc tế - thuộc địa Anh. Ông học tại đây 8 năm và có cơ hội mở rộng kiến thức và tầm nhìn về cả ngôn ngữ, văn hóa và khoa học. Bên cạnh vốn chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp sẵn có, Petrus Ký bắt đầu học hỏi tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Ấn. Ông còn có thêm cơ hội tìm hiểu văn hóa phương Tây thông qua người Anh, Pháp, Hà Lan và văn hóa các nước chịu ảnh hưởng Ấn Độ (Malaysia, Thái Lan).

Như vậy từ thuở nhi đồng đến tuổi mới lớn, Petrus Ký đã hoàn toàn được sống và học tập trong môi trường đa chủng tộc, đa ngôn ngữ và đa văn hóa. Chính môi trường hiếm có ấy đã giúp hình thành ở Petrus Ký nếp nghĩ và nếp sống song hành và hội nhập văn hóa Việt Nam với nước ngoài. Đặc biệt là việc sử dụng đa ngôn ngữ trong công việc nghiên cứu, giảng dạy và biên soạn sách báo sau này.

Năm 21 tuổi (1858), Petrus Ký về nước chịu tang mẹ, đúng vào thời điểm Pháp đánh Đà Nẵng. Để tránh những chủ trương của triều đình đối xử khắc nghiệt với những người theo đạo Công giáo, năm 1860, ông từ quê nhà chạy nạn lên Sài Gòn. Tại đây, Petrus Ký vào làm việc cho Đại chủng viện Giuse và được giới thiệu làm thông ngôn cho “Tân triều”. Hai năm sau (1862), Petrus Ký lần đầu tiên ra Huế, phục vụ đàm phán ngoại giao giữa Việt Nam với Pháp và Tây Ban Nha. Chuyến đi Huế lần đầu tiên có thể đã giúp Petrus Ký bắt đầu tiếp cận với các sách vở chữ Hán của triều đình để sau này “chép ra chữ Quốc ngữ”.

Sang năm sau (1863), ở tuổi 26, ông được Pháp chọn làm phiên dịch cho sứ bộ Phan Thanh Giản đến Paris. Qua chuyến đi 9 tháng, ngoài cụ Phan, Petrus Ký được tiếp xúc và quen biết với các đại thần: Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, những người cao niên hơn, hiểu biết rõ ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Việt Nam cổ xưa. Đồng thời, hai vị này còn là những người thức thời muốn canh tân đất nước. Chuyến đi đã giúp Petrus Ký đi thăm nhiều nơi ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Vatican. Đó chính là cơ hội để ông trực tiếp học hỏi văn hóa phương Tây hiện đại và tiếp cận với các nguồn sách vở quý báu, cũng như kết giao với các trí thức nổi tiếng ở Tây Âu. Chắc hẳn, qua công việc thông ngôn ngoại giao và các nguồn tri thức tiếp xúc kể trên, Petrus Ký đã tích lũy và cập nhật một khối lượng lớn từ vựng Pháp - Hán - Việt và các kiến thức liên quan văn sử địa, chính trị, kinh tế và khoa học để chuyển hóa nhanh chóng ra tiếng Việt và chữ Quốc ngữ, ngay trong những năm kế tiếp.

Sau khi ở châu Âu về, năm 1864, khi chỉ mới 27 tuổi, Petrus Ký được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Thông ngôn- một trường dạy tiếng Việt và chữ Quốc ngữ cho các quân nhân Pháp muốn làm công chức thuộc địa.[ii] Về sau, theo tài liệu Phúc tư Công văn, trường có thêm học sinh là phiên dịch và quan lại nhà Nguyễn đến học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Đặc biệt, nhân việc gởi người đi học tại đây, triều đình Huế đã đặt hàng Petrus Ký dịch ra chữ Quốc ngữ các sách về “cơ xảo và cách vật” (khoa học kỹ thuật)  của phương Tây.[iii]

Cùng thời gian giảng dạy tại Trường Thông ngôn, từ năm 1865, Petrus Ký tham gia làm tờ Gia Định Báo. Năm 1869, ông được bổ nhiệm làm Chánh Tổng tài (Giám đốc) của Gia Định Báo. Đây là tờ công báo chuyên đăng thông báo của chính quyền Pháp bằng chữ Quốc ngữ, nhưng từ lúc Petrus Ký trực tiếp điều hành thì ngoài phần Công vụ, báo đã thêm phần Tạp vụ bao gồm tin tức, phóng sự, truyện nhiều kỳ, v.v… Người đọc Gia Định Báo trước nhất là các viên chức từ cấp xã làng lên đến tỉnh thành, các thầy giáo và học sinh ở hệ thống trường tiểu học (mới thành lập từ năm 1864). Và kể cả các trường đào tạo thông ngôn, giáo viên và quan lại. Đặc biệt, các học viên trường Hậu bổ (thành lập năm 1873) mà Petrus Ký là một trong các giáo sư, khi thi cuối khóa phải sẽ phải dùng tờ Gia Định Báo và sách của ông làm tư liệu dịch thuật và trả lời vấn đáp.[iv] Với Gia Định Báo, không gian phổ biến và phát triển chữ Quốc ngữ đã mở rộng từ cộng đồng Công giáo nhỏ hẹp sang cộng đồng toàn dân và viên chức chính quyền. Tờ báo là thành quả và nỗ lực lớn lao của Petrus Ký và các cộng sự Việt Nam (Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký…)

Từ 1865-1885, Petrus Ký vừa làm nhà giáo, vừa làm báo, vừa viết sách, đồng thời còn tham gia công việc ngoại giao, hội đồng thành phố.[v] Đây là 20 năm thanh xuân làm việc không ngừng nghỉ của một trí thức tự đào tạo trong trường đời, đảm đương công việc truyền bá kiến thức, truyền bá chữ Quốc ngữ cho nhiều thế hệ người học đa dạng. Kết quả thăng hoa của 20 năm này là việc Petrus Ký đã xuất bản hơn 45 đầu sách phần lớn bằng chữ Quốc ngữ, còn lại là chữ Pháp.[vi] Trong thời gian này, năm 1874, Petrus Ký là người Việt Nam duy nhất được bổ nhiệm vào Ủy ban học chính thường trực Nam Kỳ, chịu trách nhiệm nghiên cứu về các vấn đề giáo dục và thanh tra các trường học. Có lẽ với cương vị này, ông đã đi sát thực tế giảng dạy ở các trường học và có tác động đến chính sách giáo dục, trong đó có việc giảng dạy chữ Quốc ngữ.

Năm 47 tuổi (1866), Petrus Ký có 6 tháng tham gia quan trường, được bổ nhiệm thành viên Cơ mật viện và Hàn lâm viện của triều đình Huế. Khoảng thời gian ngắn ngủi này giúp ông hiểu được từ bên trong chính quyền bù nhìn Đồng Khánh và các trở lực của cải cách. Nhưng đồng thời, cũng là cơ hội cho ông tiếp xúc trực tiếp với nhiều sách sử và tài liệu Hán Nôm do triều đình lưu giữ!

Từ giã quan trường, về lại Sài Gòn. Petrus Ký tiếp tục nghiệp giảng dạy và viết sách viết báo độc lập, không nhận tài trợ của nhà nước. Thật đáng kinh ngạc, chỉ trong vòng 12 năm cuối đời, Petrus Ký đã viết được 88 quyển sách thuộc nhiều lĩnh vực: văn chương, thi ca, ngôn ngữ, sử địa, canh nông, khoa học, luật lệ...[vii] Trong đó, hơn một nửa số này đã in, số còn lại là các bài báo khoa học đã công bố hay còn ở dạng bản thảo đã hoàn thành. Ngoài ra, năm 1888, Petrus Ký còn xuất bản tạp chí tư nhân đầu tiên mang tên Thông loại khóa trình, ra được 18 số. Đa số sách báo Petrus Ký viết đều thể hiện bằng chữ Quốc ngữ hoặc liên quan đến văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Lời tựa của Tự vị tiếng Pha-lang-sa giải nghĩa ra tiếng An Nam

(Tài liệu sưu tầm của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó chủ tịch Hội Tem Thành phố Hồ Chí Minh) 

Petrus Ký từ trần ngày 01/9/1898. Tại ngôi nhà của mình ở thôn Nhơn Giang - Chợ Quán (nay là số 520 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP. Hồ Chí Minh), ông còn để lại gần 40 tài liệu, bản thảo dang dở. Điểm qua cuộc đời của Petrus Ký, chúng ta thấy dòng chảy chữ Quốc ngữ đã thấm đậm, xuyên suốt trong cuộc đời của ông. Vào thời điểm còn thiếu vắng các trí thức “thông kim bác cổ”, hiểu biết cả Đông lẫn Tây, nhất là những chuyên gia về ngôn ngữ và sử địa để hình thành một nền văn hóa mới, trong đó có một phương tiện quan trọng là chữ viết Latin hóa thì Petrus Ký đã là một “ứng viên” GIỎI và TRẺ đáp ứng được yêu cầu lịch sử nói trên! Hơn nữa, trước khi về hưu, ông còn có được vị trí tốt và uy tín trong bộ máy chính quyền, nhà trường sư phạm và báo chí, kể cả kinh phí nhất định để thực hiện một loạt công việc đầy mới mẻ và gian khổ như phiên dịch nghiên cứu, giảng dạy và viết sách viết báo.

2. Người biên soạn một loạt sách dạy chữ Quốc ngữ ở nhiều cấp độ

Nam Kỳ là nơi đầu tiên trên cả nước đưa chữ Quốc ngữ vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông, nhà trường sư phạm và hệ thống tuyển dụng viên chức. Ngày 31/3/1863, chính quyền Pháp tại Nam Kỳ quy định chữ Quốc ngữ bắt đầu được giảng dạy chính thức bên cạnh chữ Hán trong hệ thống trường làng, trường huyện và thi cử. Tuy chưa phải là môn học bắt buộc cho người học nhưng chính quyền Pháp lại xét ưu tiên cho những người biết chữ Quốc ngữ khi tham gia thi tuyển viên chức bản xứ. Mặt khác, sau khi được tuyển dụng, các viên chức bản xứ sẽ phải học chữ Quốc ngữ và được học miễn phí.

Sau 11 năm thử nghiệm, vào ngày 17/11/1874, chữ Quốc ngữ đã được chính quyền quy định là môn học bắt buộc tại các trường tiểu học và trung học ở Nam Kỳ.[viii]  Thêm nữa, từ năm 1878, Thống đốc Nam Kỳ quy định từ ngày 1/2/1882, toàn bộ công văn, nghị định, bản án và các thông báo của chính quyền phải được công bố bằng chữ Quốc ngữ. Cũng từ ngày này, chỉ những ai biết chữ Quốc ngữ mới được tuyển dụng làm viên chức ở cấp phủ huyện tổngvà được xét tăng ngạch trật.[ix] Như vậy, trong khoảng 20 năm kể trên, đã có một nhu cầu rất lớn về sách dạy và học chữ Quốc ngữ.

Bìa trong sách Ước - lược truyện - tích nước An Nam,

lưu trữ tại Thư viện Viện Viễn đông bác cổ Pháp ở Paris (người viết chụp tháng 9/2019).

Đến nay, chúng tôi vẫn chưa rõ các trường học Nam Kỳ vào thời gian ấy đã sử dụng các loại sách của ai để dạy chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, chỉ với riêng Petrus Ký, theo chúng tôi ghi nhận trong thời gian từ 1867 đến 1894, ông đã biên soạn ít nhất là 31 đầu sách, sử dụng trực tiếp cho việc dạy và học chữ Quốc ngữ, ở nhiều cấp độ khác nhau. Các sách này bao gồm nhiều thể loại khác nhau, từ sách dạy đánh vần, tập đọc đến sách ngữ pháp, từ điển bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Trong đó, khá nhiều sách được nhà nước in và phát hành vào các trường học.

Bìa sách Kiếp phong trần, do Petrus Ký biên soạn năm 1882,

lưu trữ tại Thư viện Viện Viễn đông bác cổ Pháp ở Paris (người viết chụp tháng 9/2019)

Đó là các sách dưới đây, sắp theo năm xuất bản căn cứ vào thư mục do chính Petrus Ký lập. Đồng thời, chúng tôi có đối chiếu, bổ sung từ thư mục sách Petrus Ký của Viện Việt học (Hoa Kỳ), tập hợp từ nhiều thư viện trong và ngoài nước.

- 1867: Abregé de grammaire Annamite (Tóm tắt mẹo An Nam).

- 1868: Cours practique de language Annamite (Giáo trình thực hành tiếng An Nam)

- 1874: Cours practique de language Annamite (Giáo trình thực hành tiếng An Nam, tài liệu giảng dạy ở trường Hậu bổ)

- 1875: Cours de language Annamite - autographie (Giáo trình chữ viết An Nam)

- 1876: Alphabet Quốc ngữ (in lần thứ hai, chưa rõ lần in thứ nhất năm nào)

- 1876: Manuel des Ecoles primaires Syllaboise quốc-ngữ, histoire Annamite, histoire Chinoise (enAnnamite) (Sách giáo khoa tiểu học chương trình học sử An Nam, sử Trung Hoa bằng chữ An Nam)

- 1876: Quatre livres classiques en caractères et en Annamite autographie (Sách học Tứ thư bằng chữ Hán và chữ An Nam)

- 1877: Sơ học vấn tân (Repertoire pour les nouveaux etudiants en caracteres Chinois)

- 1878: Dictionaire Francais - Annamite (Từ điển Pháp - An Nam)

- 1884: Grammaire de la language Annamite (Sách mẹo tiếng An Nam)

- 1884: Tam tự kinhQuốc ngữ diễn ca

- 1884: Huấn mông ca khúc (Sách dạy trẻ em học chữ qua bài hát)

- 1884: Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca

- 1884: Dictionnaire Francais - Annamites (Petit) (Từ điển Pháp - An Nam loại nhỏ)

- 1886: Cours autographies (Giáo trình chữ viết)

- 1886: Cours de language Annamite aux Européens (Giáo trình tiếng An Nam cho người châu Âu)

- 1886: Cours d’Annamite aux elèves Européens. Explication du Lục-Vân-Tiên (Giáo trình tiếng An Nam cho học sinh châu Âu. Diễn giải truyện Lục Vân Tiên)

- 1886:Cours d’Annamite aux elèves Annamites. Explication du Lục-Vân-Tiên (Giáo trình tiếng An Nam cho học sinh An Nam. Diễn giải truyện Lục Vân Tiên)

- 1887: Vocabulaire des mots usuels, noms et tenses techniques scientifiques et administratifs (Từ vựng các chữ thường gặp, thuật ngữ khoa học kỹ thuật và hành chính)

- 1887: Alphabet Quốc ngữ (Sách học vần chữ Quốc ngữ. Bản in lần thứ 4, không rõ bản in lần thứ ba năm nào)

- 1887: Livres élémentairesde 3000 caractères (Tam thiên tự giải âm tự học toát yếu)

- 1889: Quatre livres classiques en caractères Chinois et en Annamite (Sách học Tứ thư bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ)

- 1895: Alphabet Quốc ngữ en 13 tableaux avec des exercises (Sách học vần chữ Quốc ngữ bằng 13 bảng biểu và bài tập)

Ngoài ra, còn có một số bản thảo chưa in liên quan việc học và dạy chữ Quốc ngữ, như sau:

- 1889: Grand dictionnaire Annamite- Francais (Đại từ điển An Nam- Pháp)

- 1890: Vocabulaire de Cours d’Annamite (Từ vựng tiếng An Nam)

- 1891: Cours de littérature Annamite (Giáo trình văn chương An Nam)

- 1894: Cours d’Annamite parle(Vulgaire) (Giáo trình nói tiếng An Nam (phổ thông) - Nam thoại học lệ)

- 1894: Grand dictionnaire Francais - Annamite (Đại từ điển Pháp - An Nam)

- Cours d’Annamite écrit (Giáo trình viết tiếng An Nam. Không ghi năm)

- Dictionnaire Chinois - Annamite - Francais (Từ điển Hán - An Nam - Pháp. Không ghi năm)

- Grammaire Annamite en Annamite (Mẹo tiếng Việt cho người Việt. Không ghi năm)

Nhìn vào số lượng sách và tên gọi của sách, chúng ta có thể hình dung tác giả đã nghiên cứu sâu rộng ngôn ngữ Việt Nam. Và quan trọng hơn nữa, Petrus Ký đã đưa những kết quả nghiên cứu rất giá trị vào giảng dạy và truyền bá chữ Quốc ngữ một cách toàn diện từ trình độ thấp đến trình độ cao. Đáng chú ý, các sách của Petrus Ký khôngchỉ là sách sử dụng trong nhà trường phổ thông và sư phạm mà còn là sách tự học, sách tra cứu dùng cho việc học tập và nghiên cứu lâu dài!

Phần lớn các sách dạy chữ Quốc ngữ của Petrus Ký những năm 1875-1885, đã được nhà nước in và xuất bản để sử dụng rộng rãi. Đây có thể coi là những quyển sách căn bản cho các thế hệ người học chữ Quốc ngữ đầu tiên tại các trường lớp chính quytừ cấp làng xã lên đến tỉnh thành, kể cả các trường đào tạo viên chức ở Nam Kỳ.

Mặt khác, Petrus Ký đã đóng góp nhiều loại hình sách truyền bá chữ Quốc ngữ chưa từng có so với các sách dạy Quốc ngữ đã có trong các thế kỷ trước. Điển hình là sách alphabet học vần, sách phân tích ngữ pháp, sách dạy nói, sách dạy viết chữ, từ vựng khoa học, sách đối chiếu Việt – Hán - Pháp hoặc ngược lại. Đặc biệt, ông còn dùng phương pháp đối sánh ngôn ngữ để dạy chữ Quốc ngữ cùng lúc với chữ Pháp và chữ Hán ngay trong các sách vỡ lòng!

3. Người biên soạn sách giáo khoa Văn - Sử - Địa bằng chữ Quốc ngữ

Không dừng ở các loại sách dạy ngôn ngữ, Petrus Ký còn là người từ rất sớm đã biên soạn các sách giáo khoa Văn - Sử - Địa bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp cho người Việt Nam và người nước ngoài. Theo danh mục đã kể,từ 1865 -1898 Petrus Ký đã có hơn 40 đầu sách liên quan các đề tài Văn - Sử - Địa dùng trong nhà trường và là sách tham khảo cho bạn đọc rộng rãi, bao gồm:

* Văn chương, thi ca

- 1866: Chuyện đời xưa: lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích

- 1881: Trương Lương tùng xích tòng tử du phú

- 1882: Chuyện khôi hài

- 1882: Kiếp phong trần

- 1882: Bất cương chớ cượng làm chi

- 1882: Nữ tắc

- 1882: Thơ mẹ dạy con

- 1882: Thơ dạy làm dâu

- 1882: Trương Lưu hầu phú

- 1882: Huấn nữ ca

- 1883: Gia huấn ca

- 1883: Hịch con quạ

- 1883: Thạnh suy bĩ thời phú

- 1883: Học trò khó phú

- 1884: Mắc cúm từ: Ngự tiền trường điệu

- 1885: Cờ bạc nha phiến bằng tiếng thường và văn thơ

- 1886: Kim Vân Kiều

- 1886: Hát lý hò An Nam

- 1887: Lục súc tranh công

- 1888: Thơ mẹ dạy con

- 1889: Truyện Phan Trần

- 1889: Lục Vân Tiên

Chúng tôi thấy có đến 18/21 tổng số sách này là các tài liệu được Petrus Ký sưu tầm và ghi lại bằng chữ Quốc ngữ từ các nguồn văn học dân gian (truyện truyền khẩu, ca dao, tục ngữ, hịch, phú, vịnh, hò, lý, bài hát…) của nhiều vùng miền, kể cả tác giả xưa hay đương thời.

* Sử - Địa

Với các sách Sử - Địa, ông cũng làm công việc sưu tầm, chuyển ngữ, chú giải ra chữ Quốc ngữ từ các nguồn tài liệu Hán Nôm, rất công phu!

- 1865: Ghi chép về dòng họ Nguyễn Phước

- 1875: Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ (tiếng Pháp)

- 1875: Giáo trình lịch sử An Nam (tiếng Pháp, lời tựa chữ Quốc ngữ)

- 1875: Giáo trình địa lý tổng quát Đông Dương

- 1875: Đại Nam cuốc sử ký diễn ca

- 1877: Comprenant l’histoire des dynasties de Lê et de Nguyễn 1428 - 1875 (Lịch sử bao gồm nhà Lê và nhà Nguyễn 1428 - 1875)

- 1881: Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876

- 1882: Cổ Gia Định phong cảnh vịnh

- 1882: Gia Định thất thủ vịnh

- 1882: Kim Gia Định phong cảnh vịnh

- 1883:Phép lịch sự An Nam

- 1885: Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận

- 1885: Đại Nam Việt quấc triều

- 1887: Résumé de la chronolegie de l’histoire et dela productions de l’Annam en tableaux synoptiques(Ước lược sự  tích nước Nam)

- 1887: Précis de geographineDư đồ thuyết lược

- 1889: Đại Nam tam thập nhứt tỉnh địa đồ

- 1897: Bi Nhu Quận công phương tích lục

- 1897: Biên tích Đức Thầy Vêrô Pinho Quận công phò tá Nguyễn Ánh là Đức Cao Hoàng phục quốc

Ngoài ra, trong di cảo để lại, chúng ta còn thấy Petrus Ký đang viết dang dở hoặc đã lên kế hoạch viết khoảng 20 tác phẩm về các đề tài Văn - Sử - Địa liên quan Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.[x] Đến nay, phần lớn các ghi chép này vẫn còn trong di cảo, chưa được xuất bản, bao gồm các tên sách sau đây:

* Văn chương và ngôn ngữ

- Ngôn ngữ Đông Dương

- Hán tự thoại kim cổ nguyên lưu giảng tập

- Về truyện Kiều

- Sưu tập ca dao tục ngữ văn thơ An Nam

- Văn thơ An Nam

- Phép đối, câu đối, thai

- Hữu nhân cuộc (văn học sử An Nam)

* Sử - Địa

- Địa danh Nam Kỳ (chữ Việt - chữ Campuchia- chữPháp)

- Địa danh Việt Nam và các nước lân bang

- Địa chí các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình, Bình Thuận

- Đông Dương toàn đồ thuyết ước

- An Nam dư địa chí

- Niên đại sử ký Việt Nam và Trung Quốc

- Bang giao Việt Nam với Thái Lan và Campuchia 1777-1785

- Nam triều thống thuộc (Ký ức về luật lệ Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long)

- Bang giao Việt nam - Hà Lan thế kỷ XVII

- Nhân vật liệt nữ nước An Nam

- Trái (101 thứ trái của Việt Nam, đặc tính, công dụng, chú thích chữ)

- Ký ức về luật lệ An Nam ở châu thổ sông Mekong

Nhìn chung, các sách Văn - Sử - Địa của Petrus Kýgiúp người học chữ Quốc ngữ không chỉ học viết, học nói mà còn học nhiều kiến thức tổng quátliên quan thế giới và nước nhà, nhất là kiến thức về Sử - Địa Việt Nam. Các sách này vừa có loại vắn tắt, sách viết cho trình độ phổ thông, vừa có loại chuyên sâu dành cho người có trình độ cao hơn, muốn tìm hiểu và sử dụng lâu dài.

Cách thức trình bầy cũng đa dạng, có phần viết theo chương đoạn, có phần viết theo kiểu hỏi - đáp, có sách lại viết theo lối diển ca kết hợp văn xuôi.

4. Khéo léo truyền bá kiến thức đất nước và tinh thần ái quốc qua sách báo chữ Quốc ngữ

Vào thời thuộc địa, các sách báo xuất bản không thể tránh khỏi việc nhà nước trực tiếp kiểm duyệt thông tin và kiểm soát nội dung. Riêng với sách giáo khoa, chắn chắn chúng phải đáp ứng được yêu cầu về chương trình đào tạo của chính quyền. Với Petrus Ký, cũng như nhiều người viết khác đương thời và sau này, hẳn nhiên đều chưa có được quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác đầy đủ.

Bút tích chữ Quốc ngữ của Petrus Ký và chữ ký của ông trong lời dặn dò con cháu,

ký ngày 3/11/1890 (chụp lại trong sách: Petrus Trương Vĩnh Ký- Erudit Cochinchinois

của Jean Bouchot) 

Song, thật ngạc nhiên và đáng khâm phục, trong hoàn cảnh mất nước. Petrus Ký vẫn thể hiện khéo léo lòng yêu nước, yêu văn hóa và lịch sử Việt Nam qua nhiều sách báo bằng chữ Quốc ngữ. Chúng tôi thấy các nội dung này đã thể hiệntinh tế và rải rác trong các sách dạy và học chữ Quốc ngữ, cũng như các sách giáo khoa Văn - Sử - Địa của Petrus Ký. Điển hình như Đại Nam quấc sử diễn ca (1875),Gia Định thành thất thủ Vịnh(1882),Hịch con quạ(1883),Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (1884),Dư đồ thuyết lược (1887),Ước lược truyện tích nước Nam (1887).

Trong lời tựa của Đại Nam quấc sử diễn ca, tác giả đã ngầm bộc lộ ý định của mình về giáo dục nguồn gốc dân tộc, khi tập hợp các sách sử Việt Nam bằng Hán Nôm để chuyển ra như sau: “Ta chép sách này ra chữ quốc ngữ có ý cho con trẻ các trường coi cho biết truyện, sau là tập viết chữ cho trúng tiếng trúng dấu cho quen.Kể sau đây, ta biên ra tên tuổi các đời vua từ Hồng Bàng thị đến nay, để cho kẻ siêng học coi đó mà nhớ thứ lớp cho kỹ!”.

Đặc biệt, trong Gia Định thất thủ vịnh, Petrus Ký đã mượn việc nhận xét về tác phẩm khuyết danh để gọi hẳn thực dân Pháp xâm chiếm Gia Định là “giặc”. Ông viết ngắn mà “ý tại ngôn ngoại”: “Vịnh này ai làm ra thì không có biết rõ mà văn làm hay, đối đáp cân xứng. Xem ra hãy còn dài hơn nữa mà thấy các bổn chép có bấy nhiêu thì ta cũng chép lại có bấy nhiêu. Bấy nhiêu cũng đủ hiểu ý tứchí khí kẻ làm. Chính ý là tiếc đất cũ của mình nay đã về tay giặc; đổ cho đạo tuần hườn trời đất đổi đời khiến cho giặc mạnh. Khí giái [giới] giỏi, cơ xảo đến đánh mà lấy đi (các chữ in đậm là do người viết bài này nhấn mạnh).

Trong Sơ học vấn tân diễn ca, mặc dù là người Công giáo từng bị triều đình áp chế khắc nghiệt, nhưng Petrus Ký đã nhắc nhở thế hệ trẻ đạo đức cổ truyền của cha ông:

Thờ vua thì lấy chữ trung

Thờ cha thì lấy một lòng hiếu ti

Vợ chồng đạo vẹn xướng tùy

Anh em kính thuận nhà thì vui sao !

Trung quân, ái quốc là khái niệm đã khắc ghi trong tâm khảm người Việt Nam bao đời. Thời ấy nhắc đến vua chính là nhắc đến tổ quốc và dân tộc!

Trong khi ấy, hai sách Dư đồ thuyết lượcƯớc lược truyện tích nước Nam là các sách giáo khoa tóm lược địa lý và lịch sử Việt Nam. Sách dùng cho cả người dạy và người học như một dạng cẩm nang ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, sử dụng cho trình độ phổ thông, rất thuận lợi. Chúng cung cấp kiến thức căn bản về một đất nước thống nhất ba miền giàu đẹp, có một lịch sử hàng ngàn năm bất khuất. Phải chăng Petrus Ký thông qua các sách Sử - Địa đã kiên trì khơi dậy tính dân tộc thống nhất ngay vào chính thời điểm thực dân Pháp bắt đầu áp dụng các thể chế cai trị khác nhau trên ba miền?

Với tờ Gia Định Báo, từ năm 1869- thời gian Petrus Ký bắt đầu làm Chánh Tổng tài, đã cómục Chuyện sử An Nam từ đời Hồng Bàng đến đời nhà Nguyễn. Mục này tuy không ký tên người viết nhưng xem nội dung và giọng văn rất giống với các sách sử của Petrus Ký xuất bản không lâu sau đó. Đọc những trang sử bằng chữ Quốc ngữ trên Gia Định Báo, người dân và các viên chức cũng như các thế hệ học trò, hẳn không thể quên các đời “Cựu triều” bất khuất, chống ngoại xâm trong khi vẫn đang sống trong thời kỳ “Tân triều”.

Sau khi về hưu, Petrus Ký còn tự bỏ vốn xuất bản tạp chí Thông loại khóa trình.Có thể xem đây là loại sách đọc tham khảo Văn - Sử - Địa bằng chữ Quốc ngữ, ra định kỳ, nhiều chuyên mục, dễ đọc và dễ lưu truyền. Trong 18 số tạp chí, có ít nhất là hai bài mang nội dung trực tiếp chống thực dân Pháp. Đó là Hịch Nguyễn Tri Phương được đăng đầy đủ trong số tháng Sáu 1889. Bài hịch 98 câu, là một tài liệu lịch sử rất giá trị về cuộc chiến chống Pháp xâm lăng Gia Định và Nam Kỳ.

Trong bài hịch, tướng Nguyễn Tri Phương gọi thực dân Pháp là bọn “sài lang”, “quỉ trắng”, “hung bạo”, “tham ô” và lên án đanh thép:

Lẽ trời đâu giúp đứa hung cường

Phép nước chẳng dung loài tàng tặc

Cả bài hịch thể hiện không khí hào hùng chống giặc và tinh thần chiến đấu bất khuất của quân dân nước Nam. Vậy mà, Petrus Ký đã dám đăng tải nguyên văn, không một lời “phi lộ”, giải thích lý do công bố cho dù đây là một văn bản rất “nhạy cảm”, có thể coi là “thi ca quốc cấm” thời đó.

Và rồi, trong Thông loại khóa trình số tháng 8 cùng năm 1889, Petrus ký lại cho đăng bài thơ Nằm canh điểm mụcphản ánh tiếng kêu oán thán của người dân. Đây là bài thơ lục bát 54 câu, không ghi tên người viết, kể chuyện người dân ở thôn quê phản kháng việc sưu cao, thuế nặng, quan chức nhũng nhiễu. Trong đó phiền hà nhất là việc bắt người dân phải đi gác đêm tuần tra trong làng. Rất lạ, tác giả bài thơ đã gọi “thẳng tuột”: “Kể từ có giặc Lang Sa, muôn dân thiên hạ nhà nhà đảo điên”.

Khi cho đăng bài thơ có vấn đề “nhạy cảm” về cả dân sinh, dân chủ và dân tộc này, Petrus Ký cũng không đưa ra nhận xét hay bình luận nào. Là một trí thức, một nhà báo chuyên nghiệp, chắc hẳn Petrus Ký khi đăng tải cả hai bài trên đã chọn lối hành xử no comments- miễn bình luận để tỏ sự đồng tình mà vẫn tránh được sự “bắt lỗi” của chính quyền!

Tuy nhiên, có lẽ thỉnh thoảng bộ máy và nhân sự kiểm duyệt thời đó chỉ để “lọt lưới” một vài lần đối với Petrus Ký, cũng như những người viết phải biết “lách” (viết lách) trong các chế độ kìm hãm tự do ngôn luận. Tạp chí Thông loại khóa trình ra số cuối vào tháng 10/1889. Sau đó, tạp chí tự đình bản vì số người đặt mua thấp, không đủ sở hụi.Có lẽ chính quyền Pháp giờ đây không “thích thú” loại tạp chí “có vấn đề” nên không đặt mua. Có thể họ đã bắt đầu “cảnh giác” trước những dấu hiệu phản kháng “quốc sự” thầm lặng của một trí thức tài giỏi và có uy tín cao như Petrus Ký.

Quả thật, năm 1889, có nhiều sự kiện khiến nhiều người dân gia tăng oán thán chính quyền thuộc địa. Vào thời điểm tháng 2/1889, chính quyền thực dân đã ban hành chế độ lao dịch không công mỗi năm 48 ngày cho nhà nước (đi xâu, đi sưu). Trong khi ấy, ở Nam Kỳ, từ lâu cũng đã có chế độ lao dịch không công, nếu không đi có thể đóng tiền thay. Vào tháng Ba năm 1889, chính quyền Pháp lại quy định ngân sách tỉnh thành ở Nam Kỳ bao gồm nguồn thu từ tiền lao dịch và thêm vào nhiều thuế khác. Trong năm đó,  miền Bắc, nghĩa quân Yên Thế và Bãi Sậy vẫn hoạt động mạnh. Thêm nữa, vua Thành Thái vừa lên ngôi thay Đồng Khánh dần dần đã tỏ những dấu hiệu không tuân chịu khuôn khổ bù nhìn và mưu đồ chống Pháp.[xi]

5. Kết luận

Có thể thấy Petrus Ký đã làm được nhiều việc lớn cho chữ Quốc ngữ qua các hoạt động và trước tác của mình. Nổi bật nhất là việc đưa chữ Quốc ngữ từ một công cụ giảng đạo, công cụ giao tiếp thông thường trở thành một công cụ truyền thông, công cụ sáng tác thơ văn, công cụ giảng dạy, và kể cả công cụ nghiên cứu khoa học.

Kế đến, Petrus Ký đã đặt nền móng lý thuyết và phương pháp giảng dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ em và người lớn ở cả tầng lớp trên và bình dân. Điều thú vị, cách thức và sách vở giảng dạy chữ Quốc ngữ của ông còn phục vụ đối tượng đã biết hoặc đang học chữ Hán hoặc chữ Pháp. Người học chữ Quốc ngữ có thể dùng các sách học và từ điển của Petrus Ký để học tiếng Việt cùng với tiếng Pháp và chữ Hán.Đồng thời, Petrus Ký còn góp phần hình thành báo chí chữ Quốc ngữ, thể hiện qua hai tờ báo do ông sáng lập và trực tiếp điều hành là Gia Định Báo(1865) và Thông loại khóa trình (1888).

Sự nghiệp của Petrus Ký trong việc tường thuật, biên khảo, dịch thuật nhiều lĩnh vực đã góp phần bác bỏ quan điểm của một số viên chức thực dân thời ấy coi chữ Quốc ngữ chỉ là phương tiện diễn đạt đơn giản, hay hạn chế. Từ năm 1865 đến năm 1918, Petrus Ký và nhiều trí thức khác đã vun trồng chữ Quốc ngữ lớn dậy mạnh mẽ từ Nam ra Bắc và lan tỏa nhanh chóng từ giáo dục, sách báo đến hành chính, doanh thương. Thực tế cho thấy, các thế lực muốn áp đặt tiếng Pháp lên mọi mặt đời sống của người Việt Nam trong hoàn cảnh thuộc địa, đã “thất trận” trước những chiến sĩ truyền bá quốc ngữ đầy đủ khả năng học thuật và nhiệt huyết như Petrus Ký.

Khi Petrus Ký từ giả cuộc đời vào năm 1898, gia tài để lại cho con cháu chỉ là hơn 100 tác phẩm cùng với cuộc đời thanh bạch. Trước đó 17 năm (1881), ông đã thẳng thắn từ chối việc chuyển sang quốc tịch Pháp. Biết nhiều ngoại ngữ, có dịp đi nước ngoài nhiều lần, giao thiệp rộng rãi và tiếp thu nhiều kiến thức phương Tây nhưng từ ăn mặc đến trước tác, Petrus Ký vẫn cho thấy mình là một người Việt Nam. Cuộc đời và tác phẩm của Petrus Ký tỏ rõ ông một trí thức Tây học nhưng phong cách và đóng góp lớn nhất vẫn là cho văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Đối với chữ Quốc ngữ, Petrus Ký là người sử dụng nhuần nhuyễn và truyền bá mạnh mẽ nhưng ông nghiên cứu và giảng dạy chữ Quốc ngữ không chỉ vì mục tiêu khoa học hay sư phạm đơn thuần.

Trong lời tựa của Tự vị tiếng Pha-lang-sa giải nghĩa ra tiếng An Nam (1878), Petrus Ký đã viết: “Xin hãy xét cho một đều này, hễ vạn sự khi đầu nan; việc làm đầu tay sao cho bằng việc làm khi đã quen thuộc rồi?Chẳng phải là cầu danh lợi chi mà làm; một có ý cho anh em dùng mà học hành cho thông thuộc để hẳn ragiúp việc quan mà đỡ gạc giùm con nhà An Nam cho ai nấy thảy đều được nhờ, ở an vui, vui nghiệp, cho yên nước lợi nhà, để âm đức lại cho con cháu đến sau mà thôi(người viết nhấn mạnh)”.[xii]

Đây phải chăng chính là tuyên ngôn, là mục tiêu của Petrus Ký khi làm sách dạy và học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp nói riêng và các sách báo khác? Quả thật, Petrus Ký là một nhà khoa học, một nhà sư phạm ngoại hạng nhưng còn là một nhà khoa học, một nhà sư phạm yêu nước và yêu dân. Chữ Quốc ngữ đã được Petrus Ký sử dụng làm phương tiện và hành động thể hiện lòng yêu nước, ý thức bảo tồn và bảo vệ văn hóa và lịch sử dân tộcmột cách quyết liệt nhưng thầm lặng.

Hẳn nhiên, lao động và sự nghiệp của Petrus Trương Vĩnh Ký đã gắn liền với sự phát triển của chữ Quốc ngữ và một nền văn hóa mới mà ông là một nhân tố thúc đẩy. Chúng ta không thể nào quên những đóng góp quan trọng và giá trị lâu dài của Petrus Ký trong việc phát triển chữ Quốc ngữ cũng như văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, không thể bác bỏ nhân cách và phương thức yêu nước riêng biệt của ông.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


*CEO, Giáo dục Hợp Điểm, Thành phố Hồ Chí Minh.

[i] Nguyễn Đình Đầu, Petrus Ký - Nỗi oan thế kỷ, (TPHCM: Tri Thức, 2016), 19-21. Sau này, có lẽ Petrus Ký còn tiếp tục trao đổi và học hỏi với gặp lại khi Cố Long làm việc tại nhà thờ Chợ Quán - xứ đạo của Petrus (1866 - 1873).

[ii]Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và lưu trữ (1858 - 1954), (Hà Nội: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, 2016), 22-23.

[iii]Xem bản dịch Phúc Tư Công văn, mang số hiệu VV 68/28 của Thư viện Khoa học xã hội trung ương. Đây là tập thư tín trao đổi bằng chữ Hán giữa Petrus Ký với triều đình Huế. Tài liệu của bà Christine Nguyễn, chắt nội của Petrus Ký lưu giữ.

[iv]Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và lưu trữ (1858-1954), (Hà Nội: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, 2016), 31.

[v]Năm 33 tuổi (1870), Petrus Ký đi Huế cùng phái bộ Tây ban Nha, sau đó thăm Hồng Kông, Macau, Quảng Đông và Quảng Tây. Năm 1872, ông Giám đốc trường Sư phạm, đồng thời là ủy viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn. Năm 1874, Petrus Ký được bổ nhiệm làm giáo sư trường Hậu bổ đồng thời là ủy viên Hội đồng giáo dục Nam Kỳ.Từ năm 1875, ông xuất bản nhiều sách sử. Năm ông 39 tuổi (1876), ông đi công cán tại Bắc Kỳ, sau đó trở thành ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, người Việt Nam duy nhất trong hội đồng. Theo: Nguyễn Đình Đầu, Sách đã dẫn, 45-49.

[vi]Tại Thư viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh còn lưu giữ 39 tập tài liệu gốc của gia đình Petrus Ký gởi tặng năm 1958. Trong đó, tài liệu được đánh số 1 là mục lục các tác phẩm của Petrus Ký do chính ông thống kê và viết tay, bao gồm các tác phẩm đã in (tính đến 1894) và chưa in (tính đến 1896). Các con số về đầu sách và tựa sách trong tham luận này được ghi lại dựa bảng thống kê của Petrus Ký, có đối chiếu, bổ sung với Thư tịch Petrus Ký do bà Phạm Lệ Hương (Viện Việt học ở California, Hoa Kỳ) sưu tầm và hiệu đính (Xem: Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký, 2019, 395-397.

[vii]Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký, 2019, 395-397.

[viii]Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và lưu trữ (1858 - 1954), (Hà Nội: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, 2016), 37.

[ix]Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858 - 1918, (Hà Nội: Giáo dục, 1999), 108-109.

[x]Xem: Bảng kê những sách báo do ông Trương Vĩnh Tống gởi tặng Viện Khảo cổ năm 1958, hiện đang lưu tại Thư viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

[xi]Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ thế kỷ 19: Quốc ngữ hay Pháp - Á, trường học Nam Kỳ, thời kỳ đầu Pháp thuộc, (Hà Nội: Thế giới: 2018).

[xii]Tài liệu sưu tầm của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó Chủ tịch Hội Tem Thành phố Hồ Chí Minh.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559430

Hôm nay

2130

Hôm qua

2317

Tuần này

2748

Tháng này

226973

Tháng qua

122920

Tất cả

114559430