Những góc nhìn Văn hoá
Đóng góp của cư dân bản địa đối với sự ra đời chữ Quốc ngữ thế kỷ XVII

Dẫn nhập
Chữ Quốc ngữ được hình thành vào thế kỷ XVII, dựa trên phiên âm từ tiếng nói của người Việt sang hệ chữ Latin nhằm mục đích truyền đạo. Đến thế kỷ XIX, khi Pháp xâm lược thì chữ Quốc ngữ được sử dụng rộng rãi được pháp luật hóa tại Nghị định ra ngày 6/4/1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký.
Điều 1 của Nghị định quy định “Kể từ ngày 1/1/1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, sắc lệnh, phán quyết, chỉ thị... sẽ được viết, ký và công bố bằng chữ mẫu tự Latin”.[i]
Đến ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử Nho học. Năm 1919, khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức. Từ đó chữ Quốc ngữ thành chữ viết chính thức của người Việt Nam.
Từ đó đến nay, chữ Quốc ngữ trải qua nhiều biến đổi để thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Có được hệ thống chữ hoàn thiện như ngày nay đang sử dụng là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu lâu dài của một tập thể, ngoài công lao của các giáo sĩ phương Tây còn có sự đóng góp không nhỏ của cư dân bản địa. Những cư dân bản địa vừa trực tiếp và gián tiếp tham gia vào việc sáng tạo chữ Quốc ngữ với vai trò là người dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ, sau đó là tham gia cộng tác vào việc phiên âm tiếng Việt sang tiếng Latin. Điều này được ghi nhận trong một số báo cáo của giáo sĩ phương Tây gửi về giáo hội.
1. Thầy dạy tiếng Việt
Sử dụng ngôn ngữ bản địa trong việc truyền giáo là lợi thế lớn để giáo lý Thiên Chúa đến gần hơn với cư dân địa phương. Trong đó, đối với các giáo sĩ thuộc Dòng Tên, tiếp cận ngôn ngữ địa phương để truyền đạo là điều gần như bắt buộc. Trong giáo sử của Dòng Tên ghi lại:
“Hãy Tin vào Thiên Chúa, như thể thành công tùy thuộc hết vào anh, chứ không vào Chúa. Thế nhưng hãy triển khai mọi phương thế, như thể chẳng việc gì đến anh, mà tất cả là việc Chúa thôi!”.
Nói cách khác, coi tất cả thành công trong tông vụ vừa là do Chúa, vừa là do các phương thế sử dụng! Do đó, nếu người khác chỉ dùng một số phương thế tự nhiên rồi phó mặc cho Chúa, thì Dòng Tên dùng mọi phương thế tự nhiên có thể trong lúc vẫn tin tưởng hoàn toàn vào Chúa. Khác nhau là ở chỗ đó vậy.
Chính vì thế mà Giêsu - hữu phải học cho cao để chinh phục dễ nhất, học cả những khoa học đời để hỗ trợ thêm cho việc tông đồ của mình. Và cũng để đạo đi vào chiều sâu tâm hồn của một dân tộc, Giêsu - hữu sẵn sàng rời bỏ cách suy nghĩ quen thuộc của quê hương riêng, mà bỏ ra nhiều thời gian để học ngôn ngữ đỉnh cao và thấm lấy văn hóa của vùng trời họ được sai đến truyền giáo”.[ii]
Thấm nhuần giáo sử và để đạt được mục đích, một số giáo sĩ thuộc Dòng Tên như: Francisco de Pina (1585 - 1625), Alexandre de Rhodes (1591 - 1660), Gaspar do Amaral (1592 - 1646), António Barbosa (1594 - 1647)… ngay khi đến Đàng Trong, đều xúc tiến tìm hiểu văn hóa bản địa và học tiếng. Đối tượng họ tiếp cận chính là cư dân sinh sống tại địa bàn họ truyền đạo.
Những buổi đầu do chưa biết tiếng để giao tiếp, các giáo sĩ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tiếp xúc cư dân bằng cách dùng hành động hoặc chỉ vào sự vật xung quanh và diễn tả điều bản thân muốn. Về sau, các giáo sĩ có thể sử dụng một số từ cơ bản và dần nói được những cụm từ hoàn chỉnh. Cristoforo Borri, trong cuốn quyển Xứ Đàng Trong năm 1621, ghi lại: “Có lần mấy người ngoại quốc bị đắm tàu được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết để xin người ta cho thức ăn để sống, họ chỉ cần học một chữ thôi cũng đủ, đó là từ ‘đói’ nghĩa là ‘tôi đói’”.[iii] Theo lời giải thích của Cristoforo Borri, chỉ cần nghe từ đó thì những cư dân sẽ rộng lòng thương cho thức ăn. Thông qua quá trình tiếp xúc như vậy, khả năng nghe nói tiếng Việt của những người ngoại quốc và giáo sĩ cải thiện đáng kể và dần nói được những câu từ hoàn chỉnh.
Giáo sĩ Francesco Buzomi là một trong những người đầu tiên truyền giáo và cũng là người tiên phong học tiếng Việt. Nhờ sự cố gắng, biết tranh thủ qua thông ngôn của người Nhật hay người Hoa đang định cư buôn bán ở Đà Nẵng - Hội An và nhất là học tập trực tiếp với người Việt trong quá trình giảng đạo và tiếp xúc trong đời sống, việc học tiếng Việt của Buzomi tiến triển nhanh chóng. Trong thời gian 4 tháng, Buzomi có thể truyền đạo trực tiếp bằng tiếng Việt.
Giáo sĩ Francisco de Pina đến Đàng Trong năm 1617 cũng bằng phương pháp như giáo sĩ Francesco Buzomi cộng với năng khiếu, phương pháp học ngôn ngữ được trang bị trước đó, và sự trợ giúp từ một thanh niên người Việt theo đạo và sau trở thành thầy giảng có tên thánh là Augustin, đã sớm trở thành một trong những nhà truyền đạo giỏi tiếng Việt nhất lúc bấy giờ. Ông không chỉ giao tiếp giảng đạo bằng tiếng Việt mà còn có nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ đến sau.
Với giáo sĩ Alexandre de Rhodes, thầy dạy tiếng Việt cho ông là một cậu bé người bản địa 13 tuổi, hàng ngày theo phụ việc và chỉ dẫn cha cách phát âm các âm tiết. Nhờ vậy, chỉ trong 3 tuần, Alexandre de Rhodes đã biết phân biệt các thứ thanh của tiếng Việt. Alexandre de Rhodes “tự thú” trong phần Lời nói đầu của cuốn Từ điển Việt - Bồ - La xuất bản năm 1651 rằng: “Tuy nhiên, trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt 20 năm thời gian tôi lưu trú tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu, tôi đã học với Cha de Pina, người Bồ Đào Nha thuộc Hội đồng Giê-su rất nhỏ bé của chúng tôi là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn…”.[iv]
Học tiếng Việt trực tiếp với người Việt là kênh học hữu hiệu nhất của giáo sĩ phương Tây và những người ngoại quốc. Các giáo sĩ đã tìm cách tiếp cận cư dân bản địa mọi lúc, mọi nơi khi có cơ hội. Do đó thầy dạy các giáo sĩ rất đa dạng: người buôn bán ngoài chợ, cô bé cậu bé họ gặp tại sân đình, chùa chiền, và có cả Nho sinh. Chính vậy, các bút ký ghi lại của Giáo sĩ phương Tây về tiếng Việt sẽ có nhiều cách phiên âm khác nhau cho cùng một sự vật, sự việc hay cách xưng hô.
Sở dĩ các giáo sĩ dễ dàng tiếp cận để học tiếng Việt nhờ sự cởi mở, mến khách, hỗ trợ nhiệt tình của cư dân bản địa đối với những người đến từ xứ lạ, trở thành một trong những nhân tố để tiếng Việt đến gần hơn với người ngoại quốc. Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 của linh mụcCristoforo Borri nhận xét: “Tất cả các nước phương Đông đều cho người châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét mặt đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ. Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta. Điều này đã xảy ra với tôi và các đồng sự của tôi,... Đó là một cánh cửa rất tốt đẹp mở ra cho các nhà truyền giáo của Chúa Kitô đến rao giảng Phúc âm”.[v]
Tuy vậy, trong quá trình tiếp cận và học tiếng Việt, hầu hết các giáo sĩ đều nhận thấy Tiếng Việt giống như một bản nhạc, có âm điệu, sự lên xuống, trầm bổng. Linh mục Cristoforo Borri cho rằng: “Ngôn ngữ của người Đàng Trong cũng giống ngôn ngữ người Trung Hoa, họ chỉ dùng những từ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung và giọng khác nhau, nhưng có sự khác biệt vì tiếng Đàng Trong phong phú hơn và dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn. Họ có tai sành âm nhạc và có khả năng phân biệt các cung giọng và các dấu khác nhau. Đặc biệt tiếng Việt dễ hơn các tiếng khác vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ nhưng chỉ có một tiếng hay lời rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về thời quá khứ, hiện tại hay vị lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại là thay thế cho tất cả những biến cách và cho tất cả các thì, tất cả những ngôi và những sự khác liên quan tới số và biến cách. Và trong 6 tháng chuyên cần học hỏi, ông có thể học được đủ để nói chuyện với họ và giải tội được nữa tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn học cho thành thạo thì phải mất 4 năm.”[vi]
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes nhận xét tương tự: “Riêng tôi xin thú nhận rằng khi mới đến Đàng Trong nghe những người bản xứ nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót líu lo và tôi đâm mất hết hy vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó, cách phát âm mỗi tiếng đó”.[vii] Giáo sĩ Manoel Fernandez đến Đàng Trong từ năm 1621 đến 1622 để học tiếng Việt. Đối với ông, đó thực sự là một sự ám ảnh. Tiếng Việt là một thứ tiếng như một bản nhạc, phải biết xướng âm trường độ lên xuống thì mới có thể học một cách dễ dàng. Chính vì vậy, ông đã nhờ một thanh niên người Việt tên thánh là Anrê tập cho phát âm mỗi ngày 2 lần nhưng cũng rất khó mà phân biệt nổi các dấu thanh trong tiếng Việt. Chính vì điều này, tuy có nhiều giáo sĩ phương Tây đến Đàng Trong và Đàng Ngoài truyền đạo, số người biết và sử dụng được tiếng Việt rất ít. Hầu hết việc giảng kinh đều qua những người thông ngôn.
3. Hỗ trợ công tác phiên âm tiếng Việt sang hệ chữ Latin
Khi có thể nghe, nói được tiếng Việt, một số giáo sĩ tìm cách chuyển hóa lời giảng kinh thánh từ tiếng nói sang chữ viết bởi việc giảng đạo được chứng minh không chỉ bằng lời nói mà còn sử dụng Kinh Thánh. Muốn vậy, giáo sĩ đã tìm cách chuyển ngữ từ chữ Latin sang loại chữ thông dụng. Ban đầu, các giáo sĩ sử dụng Kinh Thánh bằng tiếng Hán từ Trung Quốc, nhưng đa số cư dân không biết chữ Hán, nên cách thức này tỏ ra không hiệu quả. Nhận thấy sự hạn chế này, các giáo sĩ đã tìm cách phiên âm các âm tiết tiếng Việt bằng hệ chữ Latin. Ngoài mục đích chính truyền đạo, công tác này còn phục vụ cho việc báo cáo về Tổng Giáo phận về tình hình tại vùng đất mà họ đang thực hiện nhiệm vụ. Người tiên phong thực hiện công việc này là giáo sĩ Francisco de Pina.
Năm 1618, giáo sĩ Francisco de Pina đã cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phêrô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Kitô giáo. Đây có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin. Sau khi thực hiện chuyển ngữ xong cuốn Kinh Thánh đầu tiên, Francisco de Pina nhận thấy rằng giữa các văn bản viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và ngôn ngữ nói của người Việt có sự khác biệt. Vì vậy, để thực hiện các công trình tiếp theo Francisco de Pina bày tỏ mong muốn có sự giúp đỡ của những người thầy xuất thân từ chốn “cửa Khổng sân Trình”,am hiểu đạo sách thánh hiền. Vì không có đủ tiền trả thù lao cho họ nên ông đã tự cách khắc phục bằng việc tìm đến sự giúp đỡ của những thầy đạo, những người mà ông đánh giá cao về trình độ nói năng và sự nhiệt tình của họ. Ông viết: “Nếu con cũng có tiền trả công cho thầy dạy con học ngôn ngữ và văn chương thì ngày nay con đã là người thợ đầy đủ phẩm chất. Chỉ vì lý do này con không biết văn chương và đây là chỗ trống rất đáng tiếc. Về ngôn ngữ con đã tự mày mò học hỏi với nỗ lực của chính mình”.[viii]
Sau này, việc phiên âm của Francisco de Pina diễn ra thuận lợi nhờ mối quan hệ thân thiết giữa giáo sĩ với một số thành viên gia đình của chúa Nguyễn. Nhờ vậy, học viện Việt ngữ đầu tiên được thành lập năm 1624 do giáo sĩ Francisco de Pina chủ trì tại dinh trấn Thanh Chiêm. Tại học viện Việt ngữ, các giáo sĩ vừa giảng đạo cho gia đình Chúa, vừa học tiếng Việt, thực hiện công tác chuyển ngữ. Cộng sự các cha là ông nghè, sư sãi, thầy đồ, sinh đồ, các quan lại thành thạo chữ Hán, am hiểu nhất định về ngôn ngữ. Hai bên tương tác qua lại học hỏi lẫn nhau. Các giáo sĩ được đánh giá là “những người có trình độ tương đối cao, có khả năng sử dụng các tài liệu tham cứu viết”.[ix] Đồng thời, Francisco de Pina còn mò mẫm soạn sách chữ Quốc ngữ a b c: “Phần con đã soạn thành một tập nhỏ về chính tả và các dấu thanh của tiếng này [Việt],và con đang bắt tay vào việc soạn ngữ pháp. Dù con đã thu tập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị, hầu xác quyết được ý nghĩa của từ ngữ và quy luật ngữ pháp; tuy nhiên, cho đến nay con vẫn phải nhờ người ta đọc cho con những truyện đó để con viết sang chữ Bồ Đào Nha, ngõ hầu anh em chúng ta [Giêsu hữu]có thể đọc và học thuộc lòng như học Cicero hay Virgilio. Đàng khác, con đã có ba bộ sách gồm nhiều văn bản thích hợp, đó là những bộ sách trong các sách tốt hơn cả con thấy trong vương quốc này”.[x]
Sau khi Francisco de Pina mất năm 1625, Alexandre de Rhodes đã kế tục công việc mà Pina đang thực hiện dang dở. Alexandre de Rhodes đã cùng một số cộng sự của mình, tiêu biểu là hai thầy giảng Igesico Văn Tín và Bento Thiện viết những bức thư dài, thậm chí còn viết lịch sử bằng chữ Quốc ngữ từ giữa thế kỷ XVII, tương đương thời kỳ ra đời của hai cuốn sách chữ Quốc ngữ do giáo sĩ Alexandre de Rhodes xuất bản ở La Mã năm 1651. Có thể nói rằng, đây là những bản chữ viết Quốc ngữ khá hoàn chỉnh đầu tiên do chính người Việt viết.
Công việc phiên âm từ tiếng Việt sang hệ chữ Latin không phải công việc ngày một, ngày hai, không phải do một cá nhân thực hiện, mà đó là công trình của một tập thể dưới sự chủ trì của một số giáo sĩ phương Tây và sự cộng tác của một số nhà trí thức bản địa. Tài liệu của tác giả Roland Jacques đã ghi nhận việc giáo sĩ Francisco de Pina với cư dân bản địa trong công tác phiên âm chữ Quốc ngữ: “Cần phải nghĩ rằng các nhà sư đó là những người có trình độ tương đối cao, có khả năng sử dụng các tư liệu tham cứu viết”... “Ở đây nữa, các thầy đồ đó, một khi đã trở thành giáo dân, đã có thể mang lại một sự đóng góp quyết định. Ngoài công việc hoàn toàn kỹ thuật về cách đọc và diễn đạt đó ra, họ có thể giỏi hơn người khác, giúp giáo sĩ nắm được những liên can văn hóa và tư tưởng của các bài viết và ít ra từ bài viết đó những bài học về hệ tư tưởng và phương pháp luận được nghiên cứu”.[xi]Qua đó thấy rằng sự hình thành chữ Quốc ngữ buổi đầu có sự đóng góp không nhỏ của cư dân bản địa.
4. Nhận xét
Để có được hệ thống ngôn ngữ và chữ viết hoàn thiện của tiếng Việt như ngày nay, chúng ta ghi nhớ công ơn đối với giáo sĩ: Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes,… và cả những người cộng sự bản địa của mình. Nếu không có sự hỗ trợ của cư dân bản địa thì quá trình tiếp cận tiếng Việt sẽ trở nên khó khăn rất nhiều lần. Nhờ sự chỉ dạy tận tình, vô tư của những người dân sống xung quanh, các giáo sĩ đã có cơ hội học tiếng Việt một cách trực tiếp, qua đó đưa ra được đánh giá bước đầu tiếng Việt. Đối với công việc phiên âm tiếng Việt sang chữ Latin, một số trí thức Việt đã trực tiếp tham gia công tác này, góp phần vào việc hình thành hệ thống chữ Quốc ngữ ngày nay.
Tài liệu tham khảo
- Alexandre de Rhodes (1994). Hành trình và truyền giáo. (Hồng Nhuệ dịch). TPHCM: Ủy ban Đoàn kết Công giáo.
- Cristoforo Borri (1988). Xứ Đàng Trong năm 1621. (Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích). TPHCM: Tổng hợp TPHCM.
- Đỗ Quang Chính SJ (2008). Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773. Hà Nội: Tôn giáo.
- Khoa học và Công nghệ Quảng Nam (2006). Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Hà Nội: Viện Ngôn ngữ học Việt Nam.
- Nguyễn Phước Tương (2003). “Vai trò của người Việt và địa điểm đầu tiên phát minh ra chữ Quốc ngữ ở nước ta”. Nghiên cứu Lịch sử. Số 5/2003.
- Roland Jacques (1995). L’oeuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650. Paris.
- Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học. Hà Nội: Khoa học xã hội.
- Trần Nhật Vy (2018). Chữ Quốc ngữ 130 năm thăng trầm. TPHCM: Văn hóa - Văn nghệ.
[i]Trần Nhật Vy, Chữ Quốc ngữ 130 năm thăng trầm, (TPHCM: Văn hóa - Văn nghệ, 2018), 29.
[ii]Hoành Sơn,“Nhân 400 năm Dòng Tên truyền giáo Việt Nam: Từ linh đạo Inhã đến phong cách truyền giáo Dòng Tên”, https://dongten.net/2014/03/16/nhan-400-nam-dong-ten-truyen-giao-viet-nam-tu-linh-dao-inha-den-phong-cach-truyen-giao-dong-ten/, 2014.
[iii]Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621 (Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích), (TPHCM: Tổng hợp TPHCM, 1988), 20.
[iv]Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, (Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, 2006).
[v]Cristoforo Borri, Sách đã dẫn, 20.
[vi]Cristoforo Borri, Sách đã dẫn, 29.
[vii]Roland Jacques(2007), Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, (Hà Nội: Khoa học xãhội), 56.
[viii]Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo 1631 (Hồng Nhuệ dịch), (TPHCM: Ủy ban Đoàn kết Công giáo, 1994), 72.
[ix]Nguyễn Phước Tương, “Vai trò của người Việt và địa điểm đầu tiên phát minh ra chữ Quốc ngữ ở nước ta”, Nghiên cứu Lịch sử, Số 5/2003, 47-52.
[x]Đỗ Quang Chính SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773, (Hà Nội, Tôn giáo, 2008), 22-23.
[xi]Roland Jacques, L’oeuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650, (Paris, 1995), 87.
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559397

297

2317

2715

226940

122920

114559397