Những góc nhìn Văn hoá
Sự độc đáo và mới mẻ trong hồi ký HOÀI NIỆM VÀ MỘNG DU của Đặng Anh Đào

PGS-TS Đặng Thị Anh Đào
Hoài niệm và mộng du(HN & MD) không phải là cuốn hồi kí duy nhất của nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào. Chí ít trong dòng chảy hồi ức của người phụ nữ “đa cảm” này, những người quen biết và yêu mến bà đã từng biết đến không dưới 3 đầu sách cùng loại: Tầm xuân (1999), Tầm xuân, những kí ức muộn (2010), Nhớ và quên (2011).Hoài niệm và mộng du là tác phầm thứ tư xuất hiện gần đây nhất (2019). Thật ít ai, ngay cả với những người viết chuyên nghiệp, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, đã trở đi trở lại nhiều lần với thể loại hồi ký đến như vậy. Cứ như viết hồi ký đã trở thành một thú vui, nhu cầu bức bách và “món ăn tinh thần” quen thuộc hàng ngày không thể thiếu của bà. Chỉ với bấy nhiêu câu chuyện, con người, sự kiện, mà bà “trở đi trở lại”, xáo trộn và lắp ghép chúng với nhau, biến chúng thành những “ống kính vạn hoa”, những khối ru bích vuông rực rỡ sắc màu, ngắm nhìn không chán mắt. Tôi từng đọc đi đọc lại nhiều lần những trang sách ấy, có điều gì đó độc đáo, mới lạ: người viết có lúc như một đứa trẻ mê mẩn “cái thế giới đồ chơi” thời thơ bé của mình; lại có lúc như một bà già “quên quên nhớ nhớ”, vui thú và “mộng du” trong “đống đồ chơi” đó. Tôi từng tự hỏi: “Ma lực nào đã khiến người phụ nữ “làm văn” này cứ trở đi trở lại không biết chán với những “hoài niệm và mộng du”, với tầng tầng lớp lớp những “mảnh ghép cuộc đời”, với những văn bản “xưng tôi” dày đặc đó? Những cuốn sách của bà, chính xác hơn thuộc thể loại nào:hồi kí hay tự truyện? Chính Đặng Anh Đào đã khẳng định đó không phải là tự truyện, chúng là hồi ký. Vậy rõ ràng đây là kiểu viết hồi ký mới lạ và độc đáo. HN & MD là một tác phẩm như vậy.
Hồi ký (hồi ức - mémoire), tự truyện (autobiographie), theo cách hiểu của nhà nghiên cứu người Pháp Philippe Lejeune, là những thể loại nằm ở “ngã tư của khoa học nhân văn”. Một thời gian dài, cả hai thể loại này đều chỉ được coi là những dạng văn bản cận văn học (paralitérature), gần gũi với triết học, lịch sử do đối tượng quan tâm chủ yếu của chúng là những vấn đề liên quan đến con người, bối cảnh xã hội, gần sát với cuộc sống thật. Về hình thức, dù là hồi ký hay tự truyện, thì chúng đều cùng sử dụng ngôi thức kể xưng tôi. Tuy nhiên, trong khi tự truyện chú trọng nhiều hơn đến những phân tích, mổ xẻ “cái tôi cá nhân”, “sự phát triển và quá trình hình thành nhân cách người viết”, thì hồi ký lại được phép ưu tiên hơn cho những câu chuyện” bên ngoài”, những sự kiện xã hội và con người gần gũi với cái “Tôi” người viết. Nhà phê bình Việt Kiều Đoàn Cầm Thi từng cho rằng văn học Việt Nam không tồn tại thể loại tự truyện giống phương Tây, lý do chính thuộc về sự khác biệt văn hóa: người Việt không có thói quen “bộc bạch” những điều thầm kín của cá nhân mình trước người khác. Nhận xét của Đoàn Cầm Thi, có lẽ chỉ đúng một phần, còn đa số thì không. Bởi lẽ, thói quen và hoàn cảnh văn hóa của người Việt ngày nay dã có nhiều thay đổi. Những thay đổi này, thậm chí nằm ngay trên tiêu chí thưởng thức và phân loại văn học, đặc biệt với thể văn xuôi. Ngày nay, đọc một cuốn sách, độc giả không chú ý quá nhiều Nhà văn Pháp Albert Camus rất ít khi gắn nhãn thể loại lên trang bìa sách của mình. “Thể” văn học, đặc biệt với những “loại” gần gũi, đã không còn quá quan trọng. Sự quan trọng có lẽ chỉ dành cho các nhà nghiên cứu. HN & MD của Đặng Anh Đào được tiếp nhận chủ yếu chủ yếu trong tâm thế đó.
Trước tiên, về hình thức, nhìn bề ngoài HN & MD không khác biệt quá nhiều so với những cuốn hồi ký thông thường. Sự khác biệt của nó chỉ nằm ở cấu trúc bên trong. Bởi lẽ, nếu căn cứ vào nhan đề các chương viết, kể từ chương mở đầu “Mùa hè - Biển thứ nhất của cuộc đời tôi” đến chương kết thúc “Vỹ thanh - Chu kỳ của đời người”, và tất cả các chương còn lại (“Từ mùa đông tới mùa thu” [2], “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” [3], “Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn” [4], “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh” [5], “Hòa bình trở lại” [6]), ta luôn có cảm giác, thời gian truyện kể đều nằm trên dòng chảy tuyến tính. Tức là, cái cảm giác về những câu chuyện liền mạch dường như vẫn luôn được duy trì. Ở chương thứ nhất, câu chuyện được bắt đầu vào lúc tác giả đã lớn tuổi, nhưng ký ức lại kéo về một khoảng thời gian xa xăm, với những ký ức đậm đặc về mùa hè, biển Sầm Sơn và những ngôi nhà: “Điều để lại ấn tượng nằm trên sâu trong ký ức của tôi, là những ngôi nhà. Có lẽ vì tuy sinh ra ở Hà Nội nhưng trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến, tôi đã đổi từ nhà này sang nhà khác quá nhiều. Ngôi nhà đầu tiên tôi nhớ ở Rừng Thông của Sầm Sơn… Một con đường mòn dẫn ra bãi biển cát trắng dài, cỏ hai bên vệ đường cao nghiêng ngả đâm cả vào bắp vế, quả thông rơi rụng, rồi đến cát mịn nguyên trinh những hình uốn lượn lăn tăn…” (tr.5,6). Và kết thúc khi tác giả đã bước sang tuổi “bát thập” ( “Vỹ thanh - chu kỳ của đời người”), cái tuổi vẫn còn đủ “tỉnh táo” để nhìn lại tất cả mọi trải nghiệm cuộc đời mình đã từng đi qua, nhìn những người thân yêu lần lượt “bỏ rơi mình”. Cuốn hồi ký kết thúc ở thời điểm tác giả “ngậm ngùi” chia tay với người chồng thân yêu: “Suốt đời chiến trận, anh chỉ thua trong trận cuối cùng - cuộc chiến với bệnh tật” (tr.226); và: “Mùa đông của tôi đã đến. Sau cái chết của chồng tôi, lại một người chị bất ngờ ra đi, khi tôi viết những dòng này, chị Lê từ giã chúng tôi đúng sáu tháng” […]; “Nhà có năm chị em gái nay chỉ còn bốn. Chị Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp - TH) là chị cả, vốn là người vui vẻ lạc quan, rất vui tươi, thế mà nay chị cũng không ra khỏi nhà được” (tr.214-215). “Tôi đã đến mùa đông của cuộc đời, nhưng lòng tôi vẫn không thể nguội lạnh, thoát khỏi cảnh phù vân. Hỉ, nộ, ái, ố - tấn trò đời vẫn cứ tiếp tục […], “Cuối cùng là con người, từ cát bụi người sẽ trôi về cát bụi. Xuân, hạ, thu, đông, một chu kỳ khép kín. Ta sẽ được là cát ngoài biển khơi, trong hằng hà sa số hạt cát long lanh, dưới những rạn san hô đỏ, như phản chiếu ánh bình minh” (tr.226,227). Rõ ràng, dù có sự đảo lộn thời gian truyện kể trong từng chương riêng biệt, nhưng căn cứ trên hồi ức và sự kiện cua hai chương mở đầu và kết thúc, HN & MD không khác mấy với cách kể tuyến tính thông thường.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề ngoài, bên trong HN & MD, mạch câu chuyện lại không hoàn toàn như thế. Đúng hơn, bên trong gần như tất cả hồi ký của Đặng Anh Đào, không chỉ riêng với HN & MD, các sự kiện, con người luôn bị “xáo trộn’, được nhắc đi nhắc lại, lắp ghép, hệt như các trò chơi “ru bích”. Nó cũng là một kiểu “liên văn bản”, một lối viết quen thuộc trong văn học phương Tây từng được giới nghiên cứu văn học Việt Nam đề cập gần đây. Câu chuyện về “biển” không chỉ có biển. Từ “mùa đông tới mùa thu” cũng không chỉ là câu chuyện luân chuyển giữa các mùa. Tương tự như vậy, “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” không chỉ là những câu chuyện và con người trên đường kháng chiến. “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh” không chỉ dành riêng cho ký ức về “đất tổ quê cha”, thậm chí cái tên chương (4) “Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn”, vốn được lấy lại cái tên từ Tầm xuân (bản in lần thứ hai), nay một lần nữa được viết lại với vô khối những ký ức mới. Rất nhiều tên đất, tên người trong HN & MD đã từng được nhắc đến trong các cuốn hồi ký trước đó. Vì thế khi đọc, ta luôn có cảm giác như đã gặp nó ở đâu đó rồi. Nó bao gồm rất nhiều câu chuyện về gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp; câu chuyện về những vùng đất Thanh Hóa, Biển Sầm Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lương Điền, Việt Bắc, Hà Nội…; câu chuyện về cuộc đời, gia đình, thời thơ ấu, tuổi trẻ, chuyện học hành, yêu đương, chồng con. Nghĩa là có rất nhiều câu chuyện ngay trong mỗi chương của hồi ký khiến ta có cảm giác, mỗi chương viết đều là những “tiểu hồi ký”.. Đọc HN & MD, chúng ta không thể chờ đợi dõi theo từ câu chuyện này sang câu chuyện khác. Mà, có thể bất chợt ngay trong một ký ức này đang diễn tiến đã lại “tiềm tàng” cho một ký ức khác. Rất nhiều những cái tên, Hồ Phi Phục, Hồ Phi Thống, Đặng Thai Mai, Hồ Thị Toan, Phạm Hồng Sơn, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thị Hà, Phạm Hồng Cư, Đặng Thị Hạnh, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Văn Hoàn, Đặng Xuyến Như, Nguyễn Đình Thi, Tào Mạt, Văn Cao, Đặng Nguyên Ngữ, Tố Hữu, Trần Quốc Vượng…; trong đó, cái tên Phạm Hồng Sơn, người bạn đời yêu dấu, vị tướng lĩnh hy sinh gần hết thời tuổi trẻ cho nền độc lập của dân tộc, có lẽ được nhắc đến nhiều nhất (Phạm Hồng Sơn từng có một hồi ký in riêng: Một đời chiến trận, về sau in chung trong Nhớ và quên với Đặng Anh Đào) Trong HN & MD, phần viết về người chồng, trung tướng Phạm Hồng Sơn - vị tướng lĩnh của một thời, thật xúc động. Đặng Anh Đào kể, ngày ông sắp mất, bà đang đi du lịch bên Pháp. Nhận được tin báo của cậu con trai, bà tức tốc về ngay: “Tôi đi thẳng từ sân bay tới khoa cấp cứu viện 108. Để thấy một người khác hẳn: nằm thẳng đơ, trần trụi, chỉ có dây nhằng nhịt cắm khắp người” (tr.224). Kể từ lúc đó, ông chỉ nhắc đi nhắc lại một câu quen thuộc: “Về nhà thôi, ở đây buồn lắm”. Một vị tướng lĩnh gần như suốt cuộc đời xông pha chiến trận, ở chiến trường nhiều hơn ở nhà, giờ đây mới thấm thía, hóa ra ở nhà mình mới là hạnh phúc nhất. Những trang cuối hồi ký HN & MD nặng trĩu nỗi buồn da diết. Chất thơ thấm đãm trong từng trang viết. Tôi nghĩ, điều Đặng Anh Đào từng “tiết lộ’ không giấu diếm rằng, trong các con gái của Đặng Thái Mai, bà là người lãng mạn nhất, không hề sai. Quan sát tính cách, việc làm của bà nhiều năm qua, tôi nghĩ “chất lãng mạn” hay “chất tơ” trong các trang viết hồi ký của bà có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Chúng bắt nguồn từ chính con người thật của bà trong cuộc sống.
Trong Lời mở đầu cuốn Tầm xuân và những ký ức muộn (TX & NKƯM, Trung tâm Văn hóa Đông Tây xuất bản, 2010), Đặng Anh Đào đã bộc bạch quan điểm về thể loại hồi ký của mình: “Có lẽ bạn đọc xưa nay đã quen với những hồi ức viết thành một dòng chảy liên tục như một cuốn tự truyện không có chương hồi. Cuốn hồi ký này có sự khác biệt, ít nhất là ở tính chất không liên tục, nhảy quãng về thời gian, về không gian, về hình ảnh của hồi ức. Nhiều khi, một kỷ niệm xuất hiện ở những trang đầu, rồi những mảnh vỡ của nó trở đi trở lại ở những câu chuyện sau, với những biến thái, dị bản mới. Bởi vậy, mỗi một mảnh lại mang một cái tên, một đề mục nho nhỏ, khiến một số bạn đọc nói với tôi rằng họ đã đọc những truyện ngắn này nọ của tôi trên báo” (tr.5, TX & NKƯM). Ở một chỗ khác, bà lại viết: “Quá khứ là nơi chôn vùi những gì đã một đi không trở lại. Thế nhưng sức mạnh của hồi ức chính là: quá khứ không phải là một cái nghĩa địa. Khi đi qua đó, ta chỉ thấy những gì trẻ trung, sống động, có thể có đau buồn nhưng không có sự câm lặng và chết chóc. Dù cho tất cả những gì thuộc quá khứ của tôi có tầm thường, dù cho tôi chỉ là nhân chứng nhỏ bé với tầm nhìn hạn chế đi chăng nữa…” (tr.6, TX & NKƯM). Quả là, quá khứ với Đặng Anh Đào không hề vô nghĩa. Quá khứ ẩn chứa nhiều tiếng nói. Viết hồi ký chính là cách tốt nhất làm cho quá khứ “sống lại. HN &MD chính là cuốn hồi ký như thế.
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559400

2100

2317

2718

226943

122920

114559400