Những góc nhìn Văn hoá

Nghệ thuật công cộng ở TP. Vinh, một vấn đề, một cách nhìn

                                                                           

Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh

Nghệ thuật công cộng (NTCC) ở đô thị đã có từ rất lâu đời, nó gắn liền với các không gian công cộng của đô thị. Không gian công cộng (KGCC) tồn tại từ kết cấu không gian nông thôn làng xã đến không gian đô thị. KGCC là không thể thiếu đối với các đô thị, nó là một trong các thành phần chức năng quan trọng, thiết yếu để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giản, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng và tương tác xã hội. Có nhiều cách tiếp cận về không gian này vì bản chất nó là một khái niệm phức tạp, đa chiều cũng như nó (KGCC) luôn thay đổi theo dòng lịch sử. Nó được tạo ra, sử dụng, được gán nghĩa, được quản lí và thay đổi theo các nhu cầu chính trị, kinh tế, xã hội của các thể chế xã hội khác nhau. Tiếp cận một cách đơn giản nhất, ta có thể hình dung, KGCC ở đô thị là một đối tượng không gian chính quy, thiết yếu trong cấu trúc không gian đô thị; vừa có ý nghĩa/công năng chính trị vừa có ý nghĩa xã hội. Nó là phương tiện/công cụ để thực hiện chức năng khẳng định, củng cố sự vận hành của nhà nước và thể chế, là không gian được sử dụng để thực hiện tương tác giữa chính quyền và xã hội. Quảng trường là tiêu biểu nhất cho loại không gian này vì nơi đó diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội quy mô lớn và chính thống. Các công viên cũng có thể xem như một KGCC chính thống. KGCC có ý nghĩa/công năng xã hội khi nó là các không gian tạo điều kiện thỏa mãn nhu cầu tương tác, chia sẻ, gặp gỡ, giải trí, sinh hoạt, tiếp nhận văn hóa…

Chất lượng của các KGCC hiện nay quyết định một phần không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Và một trong những yếu tố quyết định chất lượng KGCC chính là NTCC. NTCC  là loại hình nghệ thuật đặt trong KGCC và có chức năng phục vụ công chúng. NTCC nhằm để chỉ tất cả các tác phẩm nghệ thuật, được làm bằng mọi chất liệu và kỹ thuật chế tác, được cài đặt ở những địa điểm công cộng nhằm phục vụ mọi người dân trong các cộng đồng xã hội một cách miễn phí.Đó có thể là các tác phẩm điêu khắc, hội họa, digital, sắp đặt, chiếu sáng… cũng có thể là các triển lãm, các cuộc trình diễn âm nhạc, diễn xướng, lễ hội dân gian (và hiện đại)…

Nghệ thuật công cộng là một phần không thể thiếu của văn hóa đô thị, của đời sống cộng đồng cư dân đô thị. NTCC đô thị không chỉ là biểu tượng có ý nghĩa chỉ dẫn của đô thị, tạo nên sự khác biệt/bản sắc của các đô thị, làm phong phú đời sống tinh thần mà còn là nền tảng gắn bó người dân với đô thị, là điểm tựa kích thích năng lực sáng tạo của cộng đồng. Ở nhiều đô thị, NTCC là tài nguyên du lịch đem lại nguồn thu vô cùng lớn. Một dẫn chứng không thể thuyết phục hơn là tháp Eiffel của Paris hay tượng Nữ thần Tự do của New york. Ngay như Quảng trường Hồ Chí Minh (ở TP. Vinh) hàng năm cũng có hàng vạn khách tham quan. Hoàn toàn không đơn giản mà nhiều thành phố trên thế giới quy định các nhà đầu tư phải dành 1% cho mỹ thuật trong không gian đô thị mà họ xây dựng.

Trở lại với câu chuyện NTCC ở thành phố Vinh. Có thể không ngần ngại để nói nhanh một câu rằng: Đó là điểm mờ, sự thiếu hụt của đô thị Vinh.

Trước hết phải tìm hiểu xem KGCC của Vinh thế nào, có đủ điều kiện thuận lợi cho NTCC phát triển. Vinh được quy hoạch lại sau chiến tranh chống Mỹ bởi tư vấn của người Đức (Cộng hòa dân chủ). Dẫu ít nhiều ảnh hưởng bởi tư duy quy hoạch kiến trúc Xô viết (khu dân cư, các tiểu khu…) nhưng rõ ràng đây là một quy hoạch hiện đại bậc nhất hồi đó (ở Việt Nam) và đến nay vẫn còn hiện đại (nếu không bị phá vỡ). Tỷ lệ xây dựng hợp lý, không chen chúc hoặc quá cao tầng. Đường phố, hè phố rộng. Nhiều công viên và công trình văn hóa - giáo dục. Hãy lấy khu vực phố Quang Trung làm ví dụ. Bên trong khuôn viên của hơn chục ngôi nhà 5 tầng của khu Quang Trung là mênh mông sân bãi, rất nhiều KGCC. Hai đầu đường là vườn hoa Cửa Bắc và vườn hoa ở Ngã tư chợ Vinh. Phía Tây là vườn hoa Cửa Nam, thành cổ Nghệ An, là các nhà bảo tàng, sân vận động. Ở đó, nếu không bị phá vỡ không gian với những khu nhà cao tầng với tỷ lệ xây dựng dày đặc như hiện nay, sẽ là một không gian đô thị chứa trong đó nhiều KGCC đủ chỗ cho rất nhiều không gian NTCC đa dạng, phong phú, đủ sức đáp ứng nhu cầu của chính quyền lẫn người dân. Thế nhưng, thật đáng tiếc, không gian này đã bị phá vỡ, thu hẹp và hoặc chưa được khai thác một cách hiệu quả. Rạp chiếu phim 12/9 ở khu này (thuộc Teco) được nâng cấp nhưng ít khách, khoảng không gian còn lại được làm nhà hàng cà phê. Khu vực Thành cổ có hai bảo tàng, có không gian rất rộng rãi với nhiều giá trị lịch sử nhưng gần như không được sử dụng đúng mục đích. Không gian trước bảo tàng đáng lý có thể là không gian của các hoạt động văn hóa như trình diễn âm nhạc, triển lãm, hội hè… lại được làm nhà hàng - phố ăn đêm.

Thêm mấy ví dụ nữa để nói Vinh đang để phí nhiều KGCC. Công viên trung tâm đìu hiu, gần như không có hoạt động nghệ thuật nào đáng kể. (Và bây giờ đang có xu hướng chuyển đổi công năng bởi rất nhiều công trình phục vụ các dịch vụ khác ngoài nghệ thuật). Quảng trường Hồ Chí Minh, KGCC lớn nhất của thành phố Vinh cũng chủ yếu dành cho các hoạt động có tính chất văn hóa phục vụ cho tuyên truyền là chính. Rất khó thấy một sinh hoạt phi chính thống nào diễn ra ở đây như các ban/nhóm nhạc đường phố, của thanh thiếu niên… Hình như chính quyền đang e ngại các hình thức sinh hoạt cộng đồng do người dân thực hành. Ngay như các không gian văn hóa khác rất phù hợp với NTCC như sân/nhà Trung tâm Văn hóa tỉnh, Quân khu IV cũng vô cùng vắng vẻ…

Mỹ thuật công cộng, một phần quan trọng của NTCC, nhưng ở thành phố Vinh là một câu hỏi không hề nhỏ và cần giải đáp. Thứ nhất là quy hoạch đã hợp lý chưa khi mà cách Quảng trường Hồ Chí Minh, có Tượng đài Người với quy mô và kích thước rất lớn, chỉ một con đường, tại công viên Nguyễn Tất Thành, cũng là tượng Người với thanh thiếu niên. Và cách khoảng 1.000m về hướng Nam, tại Bảo tàng quân khu IV lại cũng là tượng Người với lực lượng vũ trang. Chưa hết, đầu đường Lê Nin, cách công viên Nguyễn Tất Thành khoảng vài trăm mét về hướng Đông Bắc là tượng đài Lê Nin.  Một quy hoạch co cụm quá dày đặc các tượng đài cùng một chủ đề. Trong lúc đó, nhiều chỗ khác trong thành phố, hoàn toàn có thể trở thành những không gian đắc địa cho các tượng đài phù hợp với nhiều đề tài khác nhau. Nói thế không có nghĩa là chúng tôi cổ súy hoặc không đồng tình với việc xây dựng tượng đài mà rất cần sự cân nhắc trong quy hoạch.

 

Tượng đài Bác Hồ với thanh thiếu niên tại Công viên Nguyễn Tất Thành

Thêm một điều cần nói là chất lượng nghệ thuật của các công trình mỹ thuật, trong đó có các tượng đài, trên địa bàn thành phố cũng là điều giới chuyên môn lâu nay phân vân. Thậm chí có những tác phẩm bị giới chuyên môn bình luận là “thảm họa điêu khắc” hay “khủng hoảng thẩm mỹ”.

Một số dẫn dụ nêu trên chỉ để nói rằng 1) các nhà quản lý/trị đô thị ở thành phố Vinh từ nhiều chục năm nay chưa quan tâm nhiều đến không gian và NTCC. Vì thế mà đáng ra không thiếu mà chúng lại đang thiếu các KGCC cần thiết để tạo tiền đề và thúc đẩy NTCC nảy sinh và phát triển. Quy hoạch đô thị tốt, đẹp, khoa học và bảo vệ quy hoạch là chìa khóa để giải mã vấn đề này. Và 2), NTCC cũng èo uột, thậm chí thiếu vắng, chất lượng nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ không cao. Vì sao? Phải chăng chúng ta đang ưu tiên cho nghệ thuật quan phương, hướng nhiều đến chức năng tuyên truyền mà thiếu quan tâm, tôn trọng và đề cao nhu cầu và năng lực sáng tạo nghệ thuật của cộng đồng cư dân đô thị. Phải chăng, đã là không gian công (cộng) thì chỉ dành cho đầu tư “công”, mục tiêu “công”? Nếu là vậy, chỉ có thể là hạn chế, kìm hãm nhu cầu và vai trò sáng tạo của xã hội.

Để khắc phục những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ, cộng đồng xã hội, mà trước hết là các nhà quản lý cần có một cách tiếp cận đầy đủ, khách quan và chính xác hơn về NTCC (ở đô thị) để từ đó có chiến lược phát triển NTCC phù hợp. Trước hết cần phải bảo vệ và tạo ra cho được các KGCC để làm nền tảng cho NTCC. Điều này cần được luật hóa bằng các chế tài của chính quyền đô thị. Phải khuyến khích huy động được nhiều nhất nguồn lực của cộng đồng, nhất là các nhà đầu tư, cho mục tiêu này; Không chỉ là nguồn lực vật chất mà quan trọng nhất là nguồn lực trí tuệ, nguồn lực sáng tạo.

Đã đến lúc không thể chỉ cần một nơi cư trú cho một người, một gia đình mà cần một không gian văn hóa nghệ thuật cho cả một cộng đồng. Sự độc đáo, bản sắc và tính bền vững của một đô thị cũng một phần quan trọng ở đó.

Gần nhất, có thể thấy, phố đi bộ của thành phố Vinh sẽ ra sao nếu thiếu NTCC!?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559396

Hôm nay

296

Hôm qua

2317

Tuần này

2714

Tháng này

226939

Tháng qua

122920

Tất cả

114559396