Những góc nhìn Văn hoá
Đại dịch Virus Corona hay thời kỳ tàn tạ của huyền thoại duy lý về sự tiến bộ

Michel Maffesoli trở lại với chúng ta để bàn về cuộc khủng hoảng do virus Corona gây ra, điều mà ông cho đó như là một cuộc khủng hoảng của nền văn minh. Giống như trận dịch bệnh ở Justinien đã loan báo cho sự điêu tàn của La Mã, hay Đại dịch năm 1348 đã nhánh chóng dẫn đến sự cáo chung của thời Trung cổ, virus Corona tiên lượng cho cái chết của chủ nghĩa duy lý về sự tiến bộ thống trị kể từ Descartes.
Điều cần thiết để đi đến cái bản chất đó là phải vượt qua tâm trạng, nỗi sợ hãi, niềm tin, phản ứng và sự bằng lòng của ta, bởi lẽ tất cả đều là trật tự của tư kiến. Điều này có nghĩa rằng, ta phải vượt qua vẻ bề ngoài, những thứ mà giới thi sĩ nói một cách hoa mỹ là “những tiếng vỗ bập bềnh của các nguyên nhân thứ yếu”, để trở lại với sự tồn tại của chính sự việc. Bên dưới “những sự trung gian”, dưới những bằng chứng được đưa ra đến nỗi phát ngán (ad nauseam) bởi giới trí thức, ta cần trở về với những thứ trực tiếp hiển nhiên. Điều mà trí khôn thông thường nhìn nhận về nó được tóm gọn một cách cô đọng như sau: mọi thứ diễn ra, mọi thứ vụn vỡ, mọi thứ chán ngắt!
Virus Corona, phương thức của một cuộc khủng hoảng xã hội
Chặng đường cáo chung của (tính) Hiện đại đang diễn ra, đó là sự bão hòa của một hệ giá trị ngày càng lỗi thời.
Ở đây, ta hãy nhớ lại một trong những từ nguyên của thuật ngữ khủng hoảng (crise): “krisis” là phán quyết được đưa ra thông qua cái đang được thai nghén nên trên cái đang hấp hối. Điều này rất thường hay bị ta lãng quên bằng cách quy giản khủng hoảng về lại khía cạnh kinh tế của nó. Đó là một sự rối loạn chức năng đơn thuần của cái mà người bạn quá cố của tôi, Jean Baudrillard, gọi là “xã hội tiêu dùng”, cái mà chỉ một vài điều chỉnh trật tự chính trị sẽ không thể sửa chữa vì nó xem lợi ích lớn hơn tất cả.
Đây cũng là cách mà ta có thể hiểu “cuộc khủng hoảng sức khỏe” đang diễn ra như là phương thức của một cuộc khủng hoảng xã hội, của một sự thay đổi hệ hình sâu sắc hơn nhiều.
Nói cách khác, cuộc khủng hoảng sức khỏe chính là biểu hiện hữu hình của một sự suy thoái vô hình. Sự phong hóa của một nền văn minh đang hao mòn theo thời gian. Hệ hình của nó giờ không còn được công nhận nữa. Mảnh đất của cái gọi là toàn-hữu (l’être-ensemble) [hiểu như một tổng thể tồn tại - ND] đã trở nên cằn cỗi.
Các trận dịch bệnh trước đây là tiền lệ cho những cuộc khủng hoảng xã hội
Chủ nghĩa duy lý thiển cận có thể thừa nhận rằng đây là một câu chuyện ngụ ngôn có phần bí ẩn, thậm chí thần bí. Nhưng lịch sử không thiếu những ví dụ cho điều này. Thậm chí có rất nhiều ví dụ. Tôi muốn nhớ lại trận đại dịch gắn với sự cáo chung của Đế chế La Mã. Trận dịch bệnh “Antonine” nổi tiếng năm 166, ngoài việc gây ra hàng triệu cái chết, đã đánh dấu bước khởi đầu cho sự suy tàn của La Mã.
Và “trận dịch bệnh đen”, hay còn được gọi là “cái chết đen”, vào thế kỷ XIV là hệ luận tất yếu cho sự cáo chung của thời Trung cổ thì sao? Thời Phục hưng sẽ nối tiếp nó. Điều mà các nhà sử học gọi là Cái chết Đen nhằm mục đích thể hiện sự thương tiếc đáng lẽ ra phải được thực hiện ngược lại cho một hệ giá trị không còn phù hợp nữa với tinh thần thời đại mới đang manh nha.
Ta hãy kết luận điều này bằng một ẩn dụ. Nhưng đó lại là thứ mà trong một thời gian dài cùng với vài thứ khác, khiến cho giới trí thức sợ hãi, ý mà tôi muốn chỉ ra, nhấn mạnh và phân tích ở đây chính là sự suy thoái của (tính) hiện đại. Sự cáo chung của một thế giới không còn được bảo vệ bởi các giai tầng tự tin vào sự ưu đẳng đầy ảo tưởng của họ nữa, qua việc liên tục ám chỉ đến những lời nói huênh hoang ngụy biện của họ. Đó là một loại “xã hội trịch thượng” (société officielle) ngày càng mất đi kết nối với đời sống thực. Và vì thế, nó không tài nào nhận ra được sự sa sút về trí tuệ và chính trị mà các triệu chứng của nó ngày càng rõ rệt.
Virus Corona và sự suy thoái của huyền thoại tiến bộ
Sự suy thoái này là của cái gì, nếu đó không phải là huyền thoại về sự tiến bộ? Tôi đã chỉ ra từ đầu năm 1979 rằng, trong mối tương quan với ý thức hệ của đề án phục vụ nhân dân, chủ nghĩa tiến bộ này được sử dụng để biện minh cho sự thống trị của con người đối với giới tự nhiên, để bỏ qua các quy luật nguyên thủy của nó và để xây dựng một thế giới theo các nguyên tắc đơn thuần của một thứ chủ nghĩa duy lý mà thể trạng ốm yếu của nó ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Bạo lực chuyên chế của một chủ nghĩa tiến bộ như thế là vừa xuẩn ngốc vừa mang tính phá hoại.
Tôi muốn nói rằng chúng ta phải tập trung vào cái bản chất. Điểm mấu chốt của ý thức hệ về sự tiến bộ là tham vọng, thậm chí còn là sự giả vờ giải quyết tất cả, để cải thiện mọi thứ nhằm đạt tới một xã hội hoàn hảo và một dạng người có khả năng bất tử.
Có thể ít nhiều ta đã biết được rằng phép biện chứng, gồm chính đề, phản đề, hợp đề, là cơ chế nhận thức hết sức phổ biến. Khái niệm “vượt bỏ” (dépassement|Aufhebung) của Hegel là khẩu hiệu của huyền thoại về sự tiến bộ. Hiểu theo nghĩa nghiêm ngặt, đó là một thế giới quan “đầy tính kịch”, rằng nó được xây dựng dựa trên năng lực tìm kiếm một giải pháp, một cách giải quyết cho những gì có thể cản trở sự hoàn hảo trong tương lai.
Cái chết là thứ mà ta phải hòa hợp với nó
Có một công thức từ Karl Marx giúp ta khái quát một huyền thoại như vậy, đó là: mỗi xã hội chỉ đặt ra những vấn đề mà nó có thể giải quyết. Kỳ thực, đây là một tham vọng, một sự giả vờ làm chủ mọi thứ. Đó là nền kinh tế cứu rỗi hay lịch sử cứu rỗi của sự vâng phục kiểu Do thái - Ki tô giáo đã trở nên “phàm tục” trong các hệ thống xã hội hóa của thế kỷ XIX, và sẽ truyền cảm hứng cho mọi đề án chính trị muốn vượt qua thế nhị nguyên của cả cánh tả và cánh hữu.
Đây thực sự là một quan niệm có tính kịch (dramatique), và do đó, không tránh khỏi việc quan niệm theo hướng lạc quan chủ nghĩa cũng sẽ đi đến cùng một hồi kết như thế. Trong sự an vị không thể lay động của lịch sử con người, “cảm thức về bi kịch đời sống” (Miguel de Unanumo) một lần nữa có xu hướng chiếm ưu thế trở lại. Tôi muốn nói rằng, trong khi cái gọi là có tính kịch luôn mang tính lạc quan, thì bi kịch (tragique) là có tính nan đề, bởi vì nó không có giải pháp. Cuộc đời vốn dĩ là vậy.
Thay vì muốn thống trị tự nhiên, chúng ta hòa hợp với nó. Theo một câu châm ngôn phổ biến rằng “ta chỉ có thể kiểm soát tự nhiên bằng cách tuân theo nó”. Cái chết, do đó, không còn là thứ mà ta có thể chế ngự, mà là thứ để ta cân bằng.
Đây cốt yếu là thứ làm ta nhớ lại “cuộc khủng hoảng sức khỏe” hiện nay. Cái chết mà đại dịch này gây ra là biểu tượng cho sự cáo chung của chủ nghĩa lạc quan gắn với chủ nghĩa tiến bộ hiện đại. Ta có thể xem nó như là một cách diễn đạt cho linh cảm huyền bí rằng sự kết thúc của một nền văn minh có thể là một sự giải thoát và, theo nghĩa chặt chẽ của nó, là dấu chỉ của một sự tái sinh. “Dấu chỉ” (index) là cái nêu bật ra được sự liên tục của một thuyết duy sinh tinh ròng (vitalisme essentiel)!
Cái chết khả hữu, một mối đe dọa thường trực được trải nghiệm hàng ngày, là một thực tế mà ta không thể phủ nhận, là cái mà ta không thể chối bỏ. Nó vốn là cái mà ta buộc phải tính đến một cách không thể thoái thác. Nó hiện diện ở khắp nơi, làm ta nhớ đến trong sự cụ thể của nó, một trật tự của những thứ đang dần đi vào hồi kết.
Cái cụ thể này là gì, tôi muốn gọi nó là: cum crescere, tức những cái “mọc lên cùng nhau” với một hiện thực xác quyết. Và hiện thực này là khả thể hay có thật? Chính cái chết của “trật tự các sự vật” kia đã cấu thành nên thế giới hiện đại!
Cái chết của thế giới hiện đại cốt ở điều gì?
Cái chết của chủ nghĩa kinh tế độc quyền, của sự thịnh hành cơ sở hạ tầng kinh tế có nguồn gốc mác-xít là nguyên nhân và là hệ quả của một thứ chủ nghĩa duy vật thiển cận. Ngoài “xã hội tiêu dùng”, Jean Baudrillard còn chỉ ra một cách rõ ràng rằng toàn bộ đời sống xã hội chỉ là một “lồng kính sản xuất”. Đó chính là việc quy giản cái toàn - hữu (être-ensemble) tinh ròng thành một “hiện vật” (étant) mà ta không thể tóm bắt được nữa, cái vốn bị chiếm giữ bởi thứ vật chất mà ta không thể kiểm soát hay làm chủ được nữa. Giờ đây, ta không còn sở hữu sự vật, mà bị chúng chiếm hữu!
Đó cũng chính là cái chết của một quan niệm hoàn toàn mang tính chủ nghĩa cá nhân về đời sống. Bởi lẽ, giới thượng đẳng (élites) đầy thiên kiến đã liên tục đưa ra những lời nói sáo rỗng kiểu luôn “tính đến một thứ chủ nghĩa cá nhân hiện thời”, và những điều vô nghĩa khác theo cùng một tinh thần như thế. Thế nhưng, hoàn toàn ngược lại, nỗi lo âu về sự hữu hạn là điều mà ta không thể nào che giấu đi trước hiện thực luôn kích thích ta tìm kiếm sự hỗ trợ, chia sẻ và trao đổi lẫn nhau cùng những thứ khác của một hệ giá trị mà chủ nghĩa duy vật hiện đại đã bỏ qua.
Ngay cả việc “bị hạn chế” trong văn phòng của họ, thì thật thú vị khi ta nhận ra rằng các bài hát yêu nước hay các tiết mục văn nghệ bình dân lại được đồng diễn cùng nhau ở đó. Nhìn chung, điều này gợi ra nỗi lo âu gắn với cảm thức về sự hữu hạn và cũng để thể hiện một sự đoàn kết khi đối mặt với cái chết.
Thậm chí rõ ràng hơn nữa rằng, cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay còn đánh dấu cái chết của toàn cầu hóa, một giá trị ưu trội của giới thượng đẳng, khi mà tất cả các khuynh hướng được dung nhập lại vẫn đều bị ám ảnh bởi một thị trường không giới hạn, không biên giới, ở đó, thậm chí đối tượng chiếm ưu thế hơn chủ thể, vật chất chiếm ưu thế hơn tinh thần.
Chúng ta hãy nhớ lại cách nói chí lý của triết gia Georg Simmel qua việc cho rằng sự cân bằng đúng đắn trong mọi đời sống xã hội là sự hòa hợp phải tồn tại giữa “cây cầu và cánh cửa”. Cây cầu là cái cần thiết cho một mối quan hệ, còn cánh cửa sẽ hiện thực hóa cho mối quan hệ này khế lý khế cơ với sự hài hòa có lợi cho tất cả mọi người.
Sự phân cực của chủ nghĩa địa phương, sự cáo chung của toàn cầu hóa
Thật khó để nhận ra rằng tiến trình toàn cầu hóa vượt mức này lại là di sản của Chủ nghĩa phổ quát gắn với triết học Khai sáng thế kỷ XVIII. Sự bão hòa của một tiến trình như vậy sẽ làm phân cực chủ nghĩa địa phương. Đây là điều mà trường Palo Alto ở California gọi là “không gian tương giao” (proxémie). Nó có nghĩa là sự tương tác hiện hữu giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Cái mà tôi đặt tên “trí tuệ sinh thái” (Ecosophie) là sự khôn ngoan của ngôi nhà chung, hay, theo nghĩa quen thuộc hơn, là việc nhận ra rằng nó là một “nơi tạo ra kết nối”. Tất cả điều này muốn nói đến cái ngược lại với nét chủ đạo của chủ nghĩa mác-xít: “không khí của thành phố làm cho bạn tự do”, đây là công thức nguyên mẫu của việc tẩy trừ những thứ thâm căn cố đế, để giúp cho mảnh đất bản địa tìm thấy lại sức mạnh và sức sống không thể phủ nhận của nó.
Sự đâm chồi mọc rễ đầy năng động ấy nhắc nhở chúng ta rằng, giống như bất kỳ loại cây nào, cây - người cần một bộ rễ để có thể phát triển, với sức mạnh, độ chính xác và vẻ đẹp! Vì vậy, đối mặt với cái chết, là lúc ta không còn hiện diện nữa, giúp gợi nhắc về sự cần thiết phải có sự đoàn kết gắn với một “cộng đồng lý tưởng”, cái mà một số người liên tục bêu rếu bằng cách cáo buộc nó, một cách điên rồ, thuộc về chủ nghĩa cộng đồng (communautarisme).
Chắc chứ? Họ là ai? Rất đơn giản, là những người có quyền nói và làm, tiếp tục bảo vệ một cách mãnh liệt chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa toàn cầu, chủ nghĩa duy vật mà ta đã thảo luận.
Quan hệ máu mủ của thượng đẳng và sáo rỗng
Quan hệ máu mủ (consanguinité) của những người thuộc giới thượng đẳng là điều gì đó hết sức hiển nhiên. Sự tương giao nội bộ (endogamie) của họ là điều gì đó gây chết người. Tương giao - tự thân này biểu hiện một cách tuyệt đối rõ ràng trong những lời sáo rỗng về đạo đức mà các đầu sỏ chính trị thường huyên thuyên. Những thứ tầm thường đang được che giấu một cách tồi tệ, sự sùng bái lại giống về tiền bạc của họ, tính chính thống kinh tế luận của họ và sự tán dương của họ về một thang độ giá trị đã lỗi thời. Tất cả điều này được bày ra với các câu thần chú: dân chủ, giá trị cộng hòa, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tiến bộ, v.v.
Mọi thứ đều được thể hiện trong các công thức được chưng cất nơi mà tinh thần sắc bén và lẽ thường bình dân đều dễ dàng phát hiện ra những loài động vật lưỡng cư và những vòng luẩn quẩn. Các công thức đầy tính khuôn mẫu chỉ giải thích được bản chất thực tiễn của chúng và nền tảng cho ham muốn sâu sắc của chúng, thứ nền tảng của một “sự quản trị quá mức” (suradministration) đảm bảo cho chúng một thứ quyền lực không thể vượt qua nơi những con người xuẩn ngốc đầy hư vọng.
Những người thuộc giới thượng đẳng đã quên rằng cầm trịch chính là để phục vụ. Cái giải thích cho câu châm ngôn thể hiện tốt nhất sự gắn kết xã hội: trị vì là phục vụ. Nói ngắn gọn, sự cân bằng phải tồn tại giữa quyền lực của người thực thi thiết chế và quyền lực của kẻ chịu thực thi thiết chế, chúng là các thiết chế kinh tế, chính trị, xã hội.
Sở dĩ có tình trạng này là bởi vì họ không hiểu rằng cái chết thường tình, cái làm ta nhớ lại ký ức tươi đẹp của mình, chắc chắn là dấu hiệu cho cái chết của nền văn minh hiện đại theo chủ nghĩa duy vật, vì có một thứ mà nhà xã hội học Vilfredo Pareto gọi một cách đúng đắn là sự lưu truyền của giới thượng đẳng.
Tại sao và làm thế nào lại có sự lưu truyền của giới thượng đẳng?
Sự lưu truyền này, nhờ vào trợ giúp của Internet, đã xác nhận cho cái chết của quyền lực theo chiều dọc, từ đó có lợi cho sức mạnh của xã hội theo chiều ngang. Như tôi thường nói, hậu hiện đại không gì khác hơn là sự hiệp trợ của cổ xưa và sự phát triển công nghệ. Đây là cách khác để nói về việc trở lại của sự chia sẻ, trao đổi và đoàn kết cùng các giá trị cơ bản, những giá trị nền tảng khi mà sự hoang tưởng của giới thượng đẳng hiện đại tin tưởng, vốn được hỗ trợ bằng phép biện chứng, có thể đã “bỏ qua” chúng.
Cái chết của nền văn minh duy lợi (civilisation utilitariste) nơi mà liên kết xã hội chủ yếu mang tính máy móc giúp xác định việc xuất hiện trở lại của một sự đoàn kết hữu cơ. Tính hữu cơ này được tư tưởng bí truyền gọi là “quy tắc hài hòa” (synarchie). Điều này cũng được Georges Dumézil phân tích kỹ bằng cách gợi lại sự tương tác và cân bằng đang hiện hữu, tại một số thời điểm nhất định, giữa “ba chức năng xã hội.”
Chúng gồm chức năng tinh thần, thứ định ra chính trị, chức năng quân sự và chức năng luật pháp, cùng đỉnh cao của chúng là sự đoàn kết xã hội. Do đó, việc vượt lên trên hình thức quản trị quá mức vốn tách rời với Hiện thực là một chỉnh thể luận (holisme) mà ta thấy đang xuất hiện trở lại trong thời đại ngày nay.
Cái chết của hệ hình tiến bộ
Nhưng việc tính đến một quy tắc hài hòa hữu cơ như vậy đòi hỏi chúng ta phải biết cách nói làm sao để thích hợp nhất với thời đại. Thật buồn cười, hơn là để thông cảm, rằng tình huống đọc lời bình xét của một nhà văn trước tòa án là đầy tính kịch và có chút gì đó nhắc nhở ta về khía cạnh bi kịch của nó.
Quả thật, công thức của Plato vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay: “xảo ngữ” (la fraude aux mots) là dấu hiệu tất yếu của sự suy thoái toàn tập. Quan niệm “có tính kịch” đặc trưng cho giới thượng đẳng, những kẻ tin rằng họ có thể tìm ra giải pháp kịp thời cho mọi thứ. Còn quan niệm “bi kịch” lại muốn dung hòa với cái chết. Từ tri thức được hợp thành này, ta biết được thứ tri thức gắn với trí tuệ bình dân, để biết cách sống chung cùng với cái chết thường tình.
Đằng sau cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đang dẫn đến cái chết của rất nhiều người chính là dấu chỉ cho một cuộc khủng hoảng văn minh, là dấu chỉ cho cái chết của hệ hình tiến bộ đã định sẵn của nó. Có lẽ cái chết này cũng giống như bi kịch quanh ta, như được trải nghiệm thường ngày, vốn không còn ảm đạm nữa, mà giờ được thế chỗ bằng một ý thức về sự hồi sinh đang đến. Trong cuộc khủng hoảng này, trong sự toàn - hữu (l’être-ensemble), trong sự tồn tại chung sống cùng nhau, trong cái hữu hình xã hội, cái vô hình tinh thần sẽ chiếm giữ một vị trí quan trọng.
---
Phạm Tấn Xuân Cao dịch
Dịch từ:
La pandemie de coronavirus ou comment disparait le mythe rationaliste du progres
Nguồn: https://lecourrierdesstrateges.fr (20/03/2020)
---
1. Michel Maffesoli (sinh năm 1944) là một nhà xã hội học người Pháp, giáo sư danh dự tại Đại học Paris-Descartes. Hướng nghiên cứu của Maffesoli xoay quanh vấn đề về mối quan hệ xã hội cộng đồng, sự phổ biến của năng lực tưởng tượng và đời sống thường nhật trong xã hội đương đại. Tác phẩm của ông đã thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội học thông hiểu và hiện tượng học, đặc biệt nhấn mạnh vào những đóng góp của Georg Simmel, Alfred Schütz, Georges Bataille và Jean-Marie Guyau. Năm 2008, ông trở thành ủy viên của Viện Đại học Pháp, sau một quy trình bổ nhiệm gây tranh cãi.
Maffesoli chủ yếu xây dựng xã hội học của mình bằng cách đặt câu hỏi về mối quan hệ mà xã hội chúng ta gắn liền với tính thời gian (temporalité). Tác phẩm của ông có thể được xem là một nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm giải thích mối quan hệ với cái hiện tại và cái trực thời. Vì thế, ông thường được xem là một trong những người canh gác chính của thời kỳ “hậu hiện đại”. Đời sống thường nhật dường như gắn với cái mà ông gọi là “thời gian bất động”, nghĩa là nó sẽ bị phong ấn trong một thuyết đa thần của các giá trị, theo nghĩa của Weber, vừa mang tính cấu trúc vừa tái diễn khi nó đối mặt với những hạn chế chính trị, xã hội hoặc chuyên môn.
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559387

287

2317

2705

226930

122920

114559387