Những góc nhìn Văn hoá

Dịch bệnh và kỷ luật*

 

Theo một lệnh trát được ban bố vào cuối thế kỷ XVII, những điều sau đây chính là các biện pháp được thực hiện khi dịch bệnh xuất hiện tại một thị trấn.

Đầu tiên là việc phân chia ra một phân vùng không gian nghiêm ngặt: bằng cách đóng cửa thị trấn và các vùng xa trung tâm của nó; đặt lệnh cấm rời khỏi thị trấn, nếu ai làm trái sẽ bị xử tử; giết hết tất cả các động vật đi lạc; tiến hành phân chia thị trấn thành các khu riêng biệt, mỗi khu được quản lý bởi một viên quan giám sát (intendant). Mỗi khu vực được đặt dưới quyền hành của một viên quan đặc trách (syndic), người sẽ giám sát nó; nếu viên quan này rời khỏi khu phố, anh ta sẽ bị kết án tử. Vào ngày được quy định, mọi người được lệnh ở trong nhà: không ai được phép rời đi, nếu làm trái sẽ bị xử tử. Các viên quan đặc trách tự đến để khóa cửa mỗi ngôi nhà từ bên ngoài; anh ta lấy chìa khóa và trao nó cho viên quan giám sát của khu vực được quản lý; viên quan giám sát giữ nó cho đến khi kết thúc thời gian cách ly. Mỗi gia đình sẽ có lương thực tiếp tế riêng; theo đó, bánh mì và rượu vang được đặt nơi các ống gỗ nhỏ giữa đường phố dẫn vào bên trong các ngôi nhà, nhờ thế cho phép mỗi người nhận được khẩu phần của mình mà không cần liên hệ với những người tiếp tế và người cùng bị cách ly xung quanh; thịt, cá và các loại thảo mộc đựng trong những chiếc giỏ sẽ được kéo lên các ngôi nhà bằng ròng rọc. Nếu trong hoàn cảnh nhất thiết phải rời khỏi nhà, thì sẽ được thực hiện lần lượt, tránh bất kỳ cuộc gặp mặt nào. Chỉ có những viên quan giám sát, viên quan đặc trách và lính canh được phép đi lại trên đường phố, và ngoài ra, giữa những ngôi nhà bị nhiễm bệnh, từ xác chết này đến xác chết khác, “những con quạ” có thể bị bỏ mặc đến chết: đây là “những người mang mầm bệnh, có nhiệm vụ chôn cất người chết, dọn dẹp và làm nhiều điều bẩn thỉu.” Ở đó hiện lên một không gian bị phân cắt, bất động, đông cứng. Mỗi cá nhân bị đóng chặt ở vị trí của mình. Và, nếu anh ta di chuyển, điều này hoàn toàn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của anh ta, hoặc bị nhiễm bệnh hoặc bị trừng phạt.

Sự canh chừng diễn ra không ngừng. Ánh mắt cảnh giác ở khắp mọi nơi: “Một nhóm dân quân đáng kể được chỉ huy bởi những viên quan tài giỏi và những người có thực chất”, biệt đội lính canh trực tại cửa ngõ và trung tâm thị trấn cũng như tại mỗi khu nhằm để nhắc nhở người dân phải đảm bảo sự phục tùng và bảo đảm quyền uy tuyệt đối của các viên quan tối cao (magistrate), “cũng như để quan sát mọi sự bất ổn, trộm cắp và nạn tống tiền.” Tại mỗi cửa ngõ của thị trấn sẽ có một trạm quan sát; ở cuối mỗi đường đều có lính canh. Mỗi ngày, viên quan đặc trách đều đến thăm khu vực mà anh ta phụ trách, hỏi xem các viên quan giám sát đã thực hiện nhiệm vụ của họ chưa, liệu người dân có bất kỳ điều gì để phàn nàn không; họ “quan sát các hành động của người dân.” Cũng vậy, mỗi ngày, viên quan đặc trách đều đi vào khu vực mà anh ta chịu trách nhiệm; dừng lại trước mỗi ngôi nhà: sự xuất hiện của anh ta khiến tất cả người dân đều phải có mặt ở mỗi ô cửa sổ (những người sống trong đó sẽ được bố trí một ô cửa sổ để giúp họ nhìn ra đường mà ở đó không có ai khác ngoài một mình họ); anh ta gọi tên từng người; và mỗi người trong số đó đều phải thông báo cho anh ta về tình trạng sức khỏe của mình, “ở đó, người dân sẽ bị buộc phải nói ra sự thật, nếu ai làm trái sẽ bị xử tử”; nếu ai đó không xuất hiện ở ô cửa sổ, viên quan đặc trách phải đặt lý do tại sao: “Bằng cách này, anh ta sẽ dễ dàng nhận ra liệu người chết hay người bệnh có đang bị giấu giếm hay không.” Mọi người đều bị nhốt trong chuồng cũi của mình, tất cả đều có mặt ở ô cửa sổ của mình, trả lời tên mình và đứng đó khi được hỏi - đó là một sự điểm danh vĩ đại về người sống và người chết.

Việc giám sát này dựa trên một hệ thống ghi chép thường xuyên: báo cáo được gửi đi từ các viên quan giám sát gửi đến các viên quan đặc trách, từ những viên quan đặc trách đến viên quan tối cao hay thị trưởng. Vào lúc bắt đầu “việc khóa nhốt”, vai trò của từng người dân trong thị trấn được xác nhận, từng người một; việc thu thập thông tin ghi lại “tên, tuổi, giới tính của từng người, bất kể tình trạng của người ấy ra sao”: một bản sao thông tin được gửi đến viên quan giám sát của khu vực mà anh ta phụ trách, một bản khác gửi đến tòa thị chính, một bản khác nữa gửi đến viên quan đặc trách để anh ta căn cứ vào đó thực hiện cuộc gọi hàng ngày của mình. Tất cả mọi thứ đều có thể được quan sát trong suốt quá trình của các chuyến thăm - cái chết, bệnh tật, than phiền, bất thường được ghi lại và truyền đến những viên quan giám sát và các viên quan tối cao. Các viên quan tối cao có toàn quyền kiểm soát việc điều trị y tế; họ tiến hành chỉ định một thầy thuốc phụ trách; không một thầy thuốc nào khác có quyền điều trị, không có người chuẩn bị thuốc thang, không có giáo sĩ nghe xưng tội nào đến thăm người bệnh mà không nhận được từ anh ta một bản ghi chú “ngăn cấm bất cứ ai che giấu và đối đãi những người bị bệnh truyền nhiễm, vốn chưa được các vị quan tối cao biết đến.” Việc kê khai bệnh lý phải liên tục tập trung. Mối quan hệ của mỗi cá nhân với căn bệnh của anh ta và cái chết của mình đều trải qua các đại diện quyền lực, việc ghi chép mà họ thuật lại, các quyết định mà họ đưa ra.

Năm hoặc sáu ngày sau khi bắt đầu việc kiểm dịch, quá trình khử trùng từng ngôi nhà được bắt đầu. Tất cả người dân đều buộc phải rời đi; trong mỗi căn phòng, “đồ nội thất và hàng hóa” được nâng lên khỏi mặt đất hoặc được treo lơ lửng trên không; dầu thơm được đổ khắp phòng; sau khi cẩn thận bịt kín các cửa sổ, cửa ra vào và thậm chí các lỗ khóa bằng sáp, dầu thơm sẽ được đổ xuống. Cuối cùng, toàn bộ ngôi nhà được đóng cửa trong lúc dầu thơm tan dần; những người thực hiện công việc này phải được khám xét trước khi họ đi vào, “với sự chứng kiến ​​của người dân trong ngôi nhà, để thấy rằng họ không có gì trên người, cũng như khi họ rời đi, họ không mang thứ gì ra khỏi đó.” Bốn giờ sau, người dân được phép vào lại nhà của họ.

Không gian đóng kín, bị phân cắt này, được quan sát tại mọi điểm, ở đó các cá nhân được chèn vào một vị trí được đóng chặt, nơi mà các chuyển động nhỏ nhất cũng đều được giám sát, nơi mà tất cả các sự kiện đều được ghi lại, nơi mà công việc ghi chép chẳng bao giờ bị gián đoạn tiến hành liên kết giữa trung tâm và ngoại vi, nơi quyền lực được thực thi mà không có sự chia rẽ với một hệ thống phân cấp liên tục, nơi mà mỗi cá nhân liên tục được định vị, được kiểm tra và được phân loại giữa người sống, người bệnh và người chết - tất cả điều này tạo thành một mô hình cô đọng của cơ chế kỷ luật. Dịch bệnh được đón nhận bởi trật tự; chức năng của nó là lọc ra mỗi một sự rối loạn có thể có: đó là sự rối loạn của bệnh tật, vốn bị lây truyền khi các cơ thể được trộn lẫn với nhau; đó là sự rối loạn của tai họa, vốn được gia tăng khi nỗi sợ hãi và cái chết vượt qua sự ngăn cấm. Nó xác lập cho mỗi cá nhân vị trí của anh ta, cơ thể của anh ta, bệnh tật của anh ta, cái chết của anh ta và sức khỏe của anh ta bằng một thứ quyền lực có mặt ở khắp mọi nơi (omnipresent) và biết hết tất cả mọi thứ (omniscient), vốn chia nhỏ nó, theo một cách không đổi và chẳng bao giờ bị gián đoạn, thành định mệnh cuối cùng của cá nhân, của những gì đặc trưng cho anh ta, của những gì thuộc về anh ta và của những gì xảy ra với anh ta. Chống lại dịch bệnh, vốn là một sự pha trộn, kỷ luật phát huy quyền lực của nó, đó là thứ quyền lực phân tích. Toàn bộ câu chuyện văn học về lễ hội đều đã lớn dần lên xung quanh vấn đề dịch bệnh: luật lệ bị đình chỉ, dỡ bỏ các lệnh cấm, sự điên loạn của thời gian đang trôi qua, các cơ thể hòa trộn với nhau mà không có sự tôn trọng nào, các cá nhân tự lột mặt nạ, từ bỏ danh tính theo luật định của họ và hình tượng mà theo đó họ được công nhận, cho phép sự thật xuất hiện theo cách hoàn toàn khác biệt. Nhưng cũng có một giấc mơ chính trị về dịch bệnh, đó chính xác là mặt trái của nó: nó không phải là một lễ hội tập thể, mà là sự chia rẽ hoàn toàn; nó không vi phạm luật lệ, nhưng sự thâm nhập của quy định lấn sâu vào ngay cả những chi tiết nhỏ nhất của đời sống thường nhật thông qua sự trung giới của một hệ thống phân cấp hoàn chỉnh đảm bảo cho chức năng mao dẫn (capillary) của quyền lực; nó không phải là những chiếc mặt nạ được đeo vào và tháo ra, mà là sự quy gán cho từng cá nhân tên “thật” của anh ta, nơi chốn “thực sự” của anh ta, cơ thể “thật sự” của anh ta, căn bệnh “đích thực” của anh ta. Dịch bệnh là một dạng, vừa có thật vừa tưởng tượng, của sự mất trật tự có được kỷ luật tương ứng về y tế và chính trị của nó. Đằng sau các cơ chế kỷ luật có thể được đọc như một ký ức đầy ám ảnh về các “căn bệnh truyền nhiễm”, về dịch bệnh, về các cuộc nổi loạn, về tội phạm, về thói du đãng, về sự ruồng bỏ, thì con người hiện ra ở đó rồi biến mất, sống và chết trong sự mất trật tự.

Nếu đúng rằng người bị bệnh phong hủi đã gợi ra những nghi thức loại trừ, ở một mức độ nhất định, đã cung cấp một mô hình và hình thức chung cho Sự giam nhốt vĩ đại (great Confinement), thì dịch bệnh đã làm phát sinh các đề án kỷ luật. Thay cho sự phân rẽ ồ ạt thành hai phe giữa một nhóm người này và một nhóm người khác, thì dịch bệnh gợi ra rất nhiều sự chia tách, những sự phân loại cá biệt hóa, định hình nên một tổ chức chuyên sâu của giám sát và kiểm soát, một sự tăng cường và phân nhánh của quyền lực. Người bị bệnh phong hủi vô hình trung đã bị đẩy vào một thực tiễn của ruồng bỏ, của sự khoanh vùng lưu đày; anh ta bị bỏ lại cho số phận của mình trong đống hổ lốn kỳ thực khó lòng để minh bạch; còn những người mang trong mình dịch bệnh thì đã bị đẩy vào một sự phân liệt có chiến lược tỉ mỉ, ở đó những dị biệt cá nhân chính là các tác động ức chế quyền lực đã khiến quyền lực nhân lên, xâu chuỗi và phân chia chính nó; một đằng là sự giam nhốt vĩ đại; mặt đằng là sự cải tạo chính xác. Người bị bệnh phong hủi gắn với sự phân liệt của anh ta; dịch bệnh gắn với sự phân cắt của nó. Cái trước được đóng dấu; cái sau được phân tích và được sắp xếp. Việc lưu đày người bị bệnh phong hủi và việc chặn đứng bệnh dịch không song hành trong cùng một giấc mơ chính trị. Cái trước thuộc về một cộng đồng thuần túy, cái sau thuộc về một xã hội kỷ luật. Trên đây là hai cách để thực thi quyền lực đối với con người, để kiểm soát các mối quan hệ của họ, để tách khỏi những sự pha trộn nguy hiểm của họ. Thị trấn lâm vào cảnh dịch bệnh trải qua một hệ thống phân cấp, giám sát, quan sát và ghi chép; còn thị trấn được giữ ở một trạng thái cố định nhờ vào sự vận hành của một thứ quyền lực rộng lớn hoàn toàn bao phủ lên tất cả các cá nhân riêng lẻ - đây là điều không tưởng về một đô thành được quản trị hoàn hảo. Dịch bệnh (chí ​ít được hình dung như một khả năng) là phép thử trong quá trình mà ta có thể định nghĩa một cách lý tưởng việc thực thi quyền lực kỷ luật. Để khiến quyền và luật lệ hoàn toàn hoạt động theo lý thuyết, thì các nhà làm luật phải tự mình hình dung về tình trạng bản tính tự nhiên của con người; cũng như để nhận thấy các kỷ luật hoàn hảo hoạt động ra sao, những người cai trị đã lường trước được tình trạng của dịch bệnh. Bên dưới những đề án kỷ luật, hình ảnh của dịch bệnh biểu thị cho mọi hình thức của rối loạn và mất trật tự; giống như hình ảnh của người bị bệnh phong hủi, bị cắt đứt ra khỏi mọi mối liên hệ của con người, chính là cơ sở cho các đề án loại trừ và ruồng bỏ.

Chúng là những đề án khác nhau, nhưng không phải không tương thích nhau. Ta thấy chúng dần xích lại gần nhau, và đó là đặc trưng của thế kỷ XIX khi nó triển khai ở trong không gian loại trừ của cái mà người bị bệnh phong hủi được liệt vào nhóm cư dân biểu tượng (gồm kẻ ăn mày, kẻ lang thang, kẻ điên và cái mất trật tự đã định hình nên một nhóm dân số có thực) một kỹ thuật của quyền lực nói riêng liên quan đến việc phân định rạch ròi của kỷ luật. Giải quyết “người bị bệnh phong hủi” như “nạn nhân của bệnh dịch” chính là phóng chiếu những đứt đoạn tinh vi của kỷ luật lên một không gian rối loạn của sự giam giữ (internment), đồng thời nhập nó vào các phương pháp của sự phân bổ phân tích riêng biệt với quyền lực và cá biệt họa kẻ bị loại trừ, bên cạnh việc sử dụng các quy trình cá biệt hóa để đánh dấu sự loại trừ. Đây là những gì được vận hành một cách đều đặn bởi quyền lực kỷ luật từ lúc bắt đầu thế kỷ XIX trong các nhà thương điên tâm thần, nhà lao, trại cải tạo, trường giáo dưỡng và, trong chừng mực nào đó, bệnh viện. Nói chung, mọi quyền uy thực thi chức năng kiểm soát cá nhân theo một lối kép; đó là lối phân chia và dán nhãn nhị phân (giữa điên loạn/lành mạnh, nguy hiểm/vô hại, bình thường/không bình thường); đó là lối phân định cưỡng bức, phân bổ khác biệt (anh ta là ai; anh ta phải ở đâu; anh ta phải được mô tả như thế nào; anh ta phải được nhìn nhận như thế nào; sự giám sát liên tục được thực thi lên anh ta theo một lối cá biệt ra sao, v.v.). Một mặt, những người bị bệnh phong hủi được giải quyết như là nạn nhân của dịch bệnh; còn những sách lược của việc cá biệt hóa các kỷ luật được ấn định lên kẻ bị loại trừ; và, mặt khác, tính phổ biến của kiểm soát bằng kỷ luật khiến nó có thể dán nhãn “người bị bệnh phong hủi” và phát huy việc chống lại anh ta bằng những cơ chế nhị nguyên của sự loại trừ. Sự phân chia bất biến giữa cái bình thường và cái không bình thường mà mỗi cá nhân bị phụ thuộc, mang chúng ta trở lại thời đại của ta, bằng cách áp dụng việc dán nhãn nhị phân và đày ải người bị bệnh phong hủi trở thành những đối tượng hoàn toàn khác; sự hiện hữu của toàn bộ các kỹ thuật và thiết chế nhằm thực thi những biện pháp, giám sát và điều chỉnh cái không bình thường đã phát huy các cơ chế kỷ luật làm lộ ra một nỗi lo sợ trước dịch bệnh. Mọi cơ chế quyền lực, kể cả ngày nay, đều được xếp đặt xung quanh cá nhân không bình thường, để dán nhãn anh ta và để thay đổi anh ta, được hợp thành từ hai hình thức kể trên mà chúng phái sinh từ đó.

---

Phạm Tấn Xuân Cao dịch

Dịch từ: Kỷ luật và trừng phạt: sự ra đời của nhà giam (Discipline and Punish: The Birth of the Prison), New York: Vintage Books, 1995, tr.195-200.

* Tiêu đề do người dịch tự đặt.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559377

Hôm nay

277

Hôm qua

2317

Tuần này

2695

Tháng này

226920

Tháng qua

122920

Tất cả

114559377